Lời Chúa: Lc 13, 1-9
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.
Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Suy niệm 1: Tìm trái mà không thấy
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo hai lần (cc. 3, 5).
“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
Đức Giêsu đi từ những chuyện đau thương chết chóc
của một số người ở Galilê và Giêrusalem,
để nhắc nhở người nghe ra khỏi sự tự mãn của mình mà sám hối.
Dụ ngôn cây vả sẽ cho thấy thế nào là sám hối theo cái nhìn của Ngài.
Đơn giản sám hối là sinh trái.
Trái là điều ông chủ có ý nhắm đến khi trồng cây vả giữa vườn nho.
Ông không trồng vả để lấy củi hay bóng mát.
Cây vả có chỗ trong khu vườn và cũng có chỗ trong tâm trí ông.
Ông có một người làm vườn.
Hẳn người này đã hết sức chăm bón cho cây vả để nó sinh trái.
Ba năm trôi qua, cứ đến mùa vả, ông chủ lại đến, tìm trái và không thấy.
Những hành vi này được lặp lại như một điệp khúc mỗi năm (cc. 6-7).
Ông chủ đi từ hy vọng đến thất vọng.
Cái háo hức khi lần đầu đến cây tìm trái chẳng còn.
Ông đã kiên nhẫn, đã chờ, không phải một năm, mà ba năm.
“Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất” (c. 7).
Rõ ràng quyết định này không do sự tàn ác hay nóng nảy.
Chặt đi khi chẳng còn gì để hy vọng, khi chờ đợi đã mỏi mòn.
Cây vả đã lấy màu mỡ của đất trồng nho, mà không sinh trái.
Nó không đáp ứng ước mơ tự nhiên của ông chủ,
người đã cho nó hiện hữu ở trong khu vườn này.
“Xin cứ để cho nó lại năm nay nữa” (c. 8).
Lời xin của người làm vườn, người đã chăm sóc cây vả từ nhiều năm.
Người ấy xin cho cây vả một cơ hội,
cơ hội duy nhất và cuối cùng để tránh cái chết chắc chắn.
“Tôi sẽ vun xới, bón phân. May ra sang năm nó có trái…”
Cây vả cằn cỗi vẫn còn được hy vọng, còn được chăm sóc.
Không thấy ông chủ phản đối, chắc ông đồng ý chờ thêm một năm.
Cả ông chủ cũng nuôi lại niềm hy vọng.
Cuối cùng cây vả cằn cỗi này có ra trái không, có bị chặt không?
Dụ ngôn không cho ta câu trả lời.
Vì câu trả lời nằm ở chính tôi.
Tôi chính là cây vả ấy.
Tôi đã được trồng, được yêu, được hy vọng, được chờ, được chăm bón.
Bao điều lớn nhỏ Chúa làm cho đời tôi từ trước đến nay.
Hoa trái của cây vả đời tôi có tương xứng với những gì Chúa ban không?
Tôi suy nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa và cả sự thất vọng của Ngài nữa.
Chúa vẫn muốn cho tôi tiếp tục sống trên đời.
Mỗi ngày sống là quà tặng của lòng thương xót.
Còn sống là còn cơ hội để sinh trái, để bày tỏ lòng sám hối ăn năn.
Dù sao câu kết của người làm vườn tốt bụng vẫn là một đe dọa.
“Nếu không ông cứ chặt nó đi!” (c. 9).
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Suy niệm 2: Sám hối
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Con người thường sống theo xác thịt. Phán đoán theo xác thịt. Gắn bó với xác thịt. Vì thế khi xác thịt phải chết thì lấy làm đau xót. Và cho đó là hình phạt do phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su cho biết cái chết thân xác là bình thường. Ai cũng đều phải chết. Có thể do thiên tai. Hoặc do bất cẩn. Nhưng cái chết của linh hồn mới đáng sợ. Đó là cái chết đời đời. Và do tội lỗi. Chính vì thế cái chết thân xác nhắc nhở mọi người đều phải sám hối. Thay đổi đời sống. Đó là điều cấp bách. “Nếu các ông không sám hỗi, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Như cây vả phải sinh hoa kết quả. Chúa kiên nhẫn chờ đợi. Và tạo cơ hội cho con người sám hối. Tuy nhiên thời gian cũng có hạn. Nếu không sám hối chắc chắn sẽ phải chết phần linh hồn.
Chúa Giê-su đã chịu chết trong thân xác để ta được sống trong Thần Khí. Sám hối là từ bỏ nếp sống theo xác thịt. Để sống theo Thần Khí. Được Thần Khí hướng dẫn. Sẽ tới sự sống và bình an. Sống trong Chúa Ki-tô sẽ có Thần Khí của Người. Và Thần Khí đã làm cho Người từ cõi chết sống lại cũng sẽ làm cho thân xác của ta có sự sống mới. “Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dẫu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (năm lẻ).
Cuộc sống mới trong Chúa Ki-tô làm ta nên viên mãn. Chúa đã xuống thẳm sâu để rồi vươn lên đến tuyệt đỉnh. Người mang theo chúng ta là chi thể của Người. Đầu tiến đến đâu chi thể tiến đến đấy. Và chúng ta sẽ “đạt tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô”. Khi đó ta không còn bị xác thịt chi phối. Không còn ngây thơ bị các lý thuyết sai lạc mê hoặc. Ta sẽ “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu” (năm chẵn).
Hãy mau chóng sám hối. Từ bỏ con người xác thịt. Sống trong Chúa Ki-tô. Để ta được Thần Khí của Chúa. Sẽ có sự sống. Sẽ viên mãn.
Suy niệm 3: Thay Ðổi Cái Nhìn
Cùng một biến cố, nhưng người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Bệnh AIDS (SIDA) chẳng hạn, các nhà Y học coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi, một số kỹ nghệ gia coi đó là dịp để tung ra các sản phẩm phòng ngừa, các nhà đạo đức thì coi đó như là chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại, còn người có đức tin thực sự lại nhận ra ở đó khởi điểm của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giêsu đã nhắc đến phản ứng rất thông thường của người Do thái và có lẽ cũng là của nhiều Kitô hữu, đó là qui trách cho Thiên Chúa mọi sự trừng phạt. Khi Philatô ra lệnh xử tử một số người Galilê nổi loạn, thì người Do thái cho rằng những người này đáng bị trừng phạt vì là những kẻ tội lỗi. Khi tháp Silôê đổ xuống làm một số người chết, người ta cũng bảo là họ bị Chúa phạt.
"Chúa phạt", đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu thương người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác.
Ước gì hoa trái của yêu thương, phó thác, tha thứ trổ bông trong tâm hồn và tràn ngập trong ánh mắt chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Dấu Chỉ Của Thời Ðại
Trong bài Phúc Âm của ngày hôm qua chúng ta đã nghe Chúa Giêsu dạy về việc phải biết nhìn xem những dấu chỉ của thời đại, biết phân định những biến cố xảy ra theo ánh sáng của Lời Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy một thí dụ cụ thể là Chúa Giêsu đã đọc dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy ra: quan tổng trấn Philatô đã giết chết một số người Galilê nơi đền thờ; và tháp Silôê sập đè chết mười tám người. Chúa Giêsu đã thuật lại hai biến cố này trước: "Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết những người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".
Tai họa là điều tiêu cực xảy ra, không phải là hình phạt của một vị Thiên Chúa muốn trả thù vì tội lỗi của con người và những anh chị em nạn nhân, không phải là những kẻ xấu tệ, đáng khinh. Những biến cố xảy ra là những dịp kêu gọi con người trở lại cùng Thiên Chúa. Dụ ngôn về cây vả không có trái cũng vậy.
Dụ ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa trái tốt và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa. Mỗi tín hữu đều được mời gọi sống đức tin bằng những việc tốt lành của đức bác ái, một đức tin sống động mới xác tín cá nhân để thực hiện những công việc làm của kẻ yêu mến Thiên Chúa và anh chị em.
Trước nhan Thiên Chúa không có những phân biệt đối xử, những kỳ thị cho người này cao trọng hơn người kia. Chúng ta tự nhiên thường hay có thái độ khinh thị anh chị em và kiêu ngạo cho mình tốt lành hơn cả. Chúng ta cần thay đổi tâm thức để mặc lấy những tâm tình của Chúa, hành xử như Chúa đã nêu gương. Chúng ta hãy biến đổi con tim mình để nó đừng ích kỷ, đừng khinh dễ anh chị em, đừng xét đoán hạ thấp anh chị em, nhưng ngược lại biết mở rộng trong sự vị tha, tình huynh đệ, sự hòa hợp, tình thương, lòng nhân từ, niềm vui, sự bình an, lòng quảng đại và hy vọng. Thay đổi chính tâm hồn mình là một điều khó, một tiến trình liên lỉ, dài hạn, đòi hỏi hy sinh và can đảm cộng tác với ơn Chúa. Ðừng an ủi mình, đừng trấn an lương tâm mình bằng việc phân tích phê bình những sơ sót của anh chị em, dường như thể chúng ta tốt lành hơn: "Nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết giống như vậy".
Lạy Chúa.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn thức tỉnh chúng con, mời gọi chúng con sám hối, canh tân. Chúng con muốn vượt ra khỏi những vòng nô lệ của tật xấu và tội lỗi. Xin thương ban ơn thánh Chúa, thanh luyện giúp chúng con trở thành những con người mới, sống theo mẫu gương của Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Nhận Định Về Những Tai Họa
Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn mấy người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc. 13, 2-3)
Đức Giêsu đã nói với đám dân chúng về những dấu chỉ thời đại để kêu gọi họ sám hối, kẻo quá trễ. Ngày phán xét đến bất ngờ. Phải gấp lợi dụng thời giờ hiện tại này. Ai từ chối sẽ bị cắt bỏ như cỏ dại bị ném vào lửa.
Tin Ít-ra-en
Nhiều người kể lại tin vừa xảy ra: “Ngài đã nghe tin về vụ Phi-la-tô làm ô uế đền thờ không? Tin gì? Ông ta đã thọc tiết nhiều người xứ Galilê đang dâng tế vật mừng lễ vượt qua và đã lấy máu họ hòa lẫn với máu sinh tế! Chao ôi! Tội phạm thánh. Nhưng chính Gia-vê đã liệng bỏ các tế vật đó. Trời ơi, việc đó đã không xảy ra cho những người công chính như chúng ta!”
Đức Giêsu luôn sẵn sàng dùng những sự kiện khác nhau để dạy dỗ họ biết từ bỏ cái quan niệm hẹp hòi như thế. Nhưng Người không chối có sự tương quan giữa tội lỗi và hình phạt. Hình phạt không chỉ do sự tàn ác của loài người mà còn do những tai họa tự nhiên, như tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết mười tám người. Phải chăng Thiên Chúa dùng những sự kiện đó khiến cho con người phải suy nghĩ. Những sự kiện này chỉ cho thấy Đức Giêsu có lý khi nói về ngày phán xét xảy ra chính lúc chúng ta không ngờ. Chúng ta đều có tội và sẽ bị hủy diệt cùng cách đó nếu chúng ta không ăn năn trở lại.
Những kẻ vô ích bị chặt bỏ:
Đức Giêsu cũng dùng lịch sử dân tộc để chứng tỏ về điểm này. Đó là ba năm nữa chờ cho cây vả sinh trái. Thế mà sau ba năm tưới bón chờ đợi, chủ ra hái trái, nó vẫn không sinh trái. Thứ cây đó quá cứng lòng, quá khô cằn, nó chỉ lo ăn uống và sinh cành lá rườm rà dưới ánh nắng ấm áp để nó bay phất phới nhởn nhơ thoải mái! Nó kéo lê cuộc sống vô ích đối với nước trời, và thà rằng chặt bỏ nó đi còn hơn.
Lịch sử cứu độ tới ngày kết thúc. Đức Giêsu đã đến dâng cho nhân loại một kỳ hạn chót. Nhờ lời Người giảng dạy và sự mạc khải tình yêu Thiên Chúa giúp ta dễ dàng ăn năn sám hối để sinh hoa trái tốt lành bằng cải thiện đời sống và làm việc lành phúc đức. Chúng ta có cố gắng lợi dụng tốt thời giờ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta không?
RC
Suy niệm 6: Nếu không sám hối, sẽ chết y như vậy
Xem lại CN 3 MC
Đứng trước một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, hẳn chúng ta thấy có rất nhiều cách nghĩ từ những cái nhìn khác nhau.
Ví dụ như căn bệnh thế kỷ Sida chẳng hạn:
Có người thì dè bửu và cho rằng đây là do ăn chơi trác táng nên mới bị. Có người thì cho rằng do tội lỗi nên bị Chúa phạt. Lại có người rất cảm thông, luôn tìm cách nâng đỡ, đồng hành, hầu giúp cho người bệnh vượt qua đau khổ về tinh thần và thể xác. Hay ngang qua căn bệnh đó, cũng có những người nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa cảnh tỉnh nhân loại về sự kiêu ngạo...
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc những người Do thái khi chứng kiến cảnh những người Galilê bị Philatô giết, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh, hay như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Khi chứng kiến như thế, họ cho rằng những người này do tội lỗi ngập đầu nên bị Chúa phạt chết cách bất đắc kỳ tử như vậy.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học sám hối qua các sự kiện đó, vì: nếu không lo sám hối, cải tà quy chính thì họ cũng sẽ chết và bị hủy diệt y như vậy.
Trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi. Có khi sẵn sàng gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để lay tỉnh lương tâm của họ để họ cải tà quy chính mà được cứu độ. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa.
Tưởng cũng nên nói thêm: mỗi khi chúng ta coi thường người khác, ấy là lúc chúng ta tự coi mình tốt lành, đạo đức hơn người ta. Nhưng thực ra, có thật thế hay không, hay chỉ là thói đạo đức giả như những người Pharisêu khi xưa?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em mình, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối, hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh chị em kia...
Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất; hay dụ ngôn người Cha nhân hậu; hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa trên chúng con. Đồng thời nhận ra sự kiên trì chờ đợi của Chúa khi mong mỏi chúng con sám hối trở về. Xin Chúa cũng cho chúng con luôn có cái nhìn cảm thông với anh chị em chúng con như Chúa đã từng cảm thông và yêu thương chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Sám hối để canh tân cuộc sống
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thử thách, đổ vỡ và cả những sa ngã…, tất cả như là những dấu chỉ mời gọi chúng ta ý thức đến thân phận mỏng manh yếu đuối của con người. Vì thế, mỗi người luôn phải biết sám hối để canh tân cuộc sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù chỉ là một phút hồi tâm và đặt mình trước mặt Chúa, con đã có thể cảm nghiệm được những cay đắng, thất bại, tội lỗi của con trong cuộc đời. Không chỉ là một lần mà biết bao lần con đã ăn năn, quyết tâm chừa bỏ những sai lỗi, để rồi với thời gian, con lại bất lực trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, lạc thú. Con bị cuốn hút vào đó mà sức con vô phương cưỡng lại.
Lạy Chúa, dù vậy, Chúa vẫn ban ơn cho con lớn lên, Chúa vẫn dẫn con đi thêm một đoạn đường mới. Con nhận ra rằng những biến cố đời con là những lời mời gọi âm thầm của Chúa, để thức tỉnh con và dẫn đưa con đến với Chúa là Đấng đầy lòng thương xót.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con về tất cả những vong ân bội nghĩa trước tình yêu của Chúa. Xin Chúa đừng để con bao giờ chán nản thất vọng và đóng kín mình trong tội lỗi, nhưng biết sám hối, biết mở lòng hướng nhìn lên Chúa. Xin cho con biết thường xuyên điều chỉnh cách nghĩ và lối sống, để con biết loại ra khỏi cuộc đời những kiểu sống vô tâm, vô trách nhiệm trong cuộc sống cộng đoàn gia đình, giáo xứ và xã hội.
Lạy Chúa, ước gì con biết hy sinh sống cho Chúa, ước gì con biết nhận ra Thánh Ý Chúa nơi những gì xảy đến cho con, để cuộc sống con được sinh hoa kết trái, hoa trái cho tình yêu Thiên Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Suy niệm 8: Nếu không ăn năn hối cải, …
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Khi còn ở Bruxelles, Bỉ, tôi có một cây phong lan để bên cửa sổ, cây chỉ còn một hoa. Mỗi lần ngắm hoa, tôi hơi tiếc cái hoa duy nhất sắp tàn. Một lần ngắm hoa, tôi phát hiện dưới hoa sắp tàn ấy hình như có chồi non mới xuất hiện, tôi liền cắt tỉa những lá dư thừa để nó có sức nuôi phần chồi non mới. Dù chỉ cần tưới lan một tuần một lần là đủ, nhưng hằng ngày tôi đều ngắm nghía chồi non. Tôi thấy rõ ràng từ lúc tôi cắt tỉa cho lan, mỗi ngày chồi non ấy lớn nhanh hơn và xuất hiện thêm hai chồi non mới, có lẽ sẽ ra hoa mới, tôi nghĩ và hy vọng như thế. Tôi cảm thấy rất vui vì lan sắp trổ thêm hoa, tôi hài lòng với công sức của mình khi chăm sóc cắt tỉa, góp phần làm thêm xanh và kết tinh những nụ hoa mới.
Suy niệm
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để truyền đạt cho chúng ta một sứ điệp: Con người sống ở đời phải ra hoa kết trái bằng đời sống của mình.
Người chủ đến thăm vườn khi thấy cây vả không kết trái: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” (Lc 13, 7). Lời của chủ vườn xem ra lạnh lùng, không gắn bó với những thành quả công sức mà mình và các cộng sự đã bỏ ra để vun trồng, chăm sóc. Nhưng xét theo chuyên canh, lời ông thật có lý: Để cây vả lại trong tình trạng “điếc” thì chỉ làm hại đất, và tốn sức lao động. Nhưng người thợ đã can thiệp: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi!” (Lc 13,8-9). Lòng thương xót kiên nhẫn của Thiên Chúa qua hình ảnh người chủ vườn nho, vẫn chờ đợi để có ngày cây vả ra trái. Còn tình yêu dành cho con người qua Đức Giêsu ẩn dụ dưới người làm vườn luôn cuốc xới, nhổ cỏ và bón phân, làm tất cả để chăm sóc với ước mong con người đều sinh hoa quả tốt, ngay cả nơi mỗi tội nhân. Ngài vẫn luôn chờ đợi sự trở lại của những tâm hồn khiếm khuyết, những tâm hồn sống vô vọng chưa sinh hoa trái. Thiên Chúa, luôn mong mỏi con người sống cho tròn trịa với kiếp người, phải đơm bông kết trái. Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng Thiên Chúa luôn cương quyết đòi hỏi phải có hoa trái.
Cây muốn ra trái, trước hết phải được chăm sóc vun trồng, phải nhổ những cụm cỏ dại bên cạnh chiếm đất hay những cây dại leo lên thân cây làm đời tầm gửi ăn bám hút hết nhựa sống của cây. Chính những cây dại đó làm cho cây mất hết sức sống. Cho nên, trước khi tưới nước bón cây, chúng ta phải chú ý nhổ cỏ và những cây dại chung quanh. Chúng tuy nhỏ bé nhưng đầy tai hại cho sự sống của cây, chính chúng làm chậm tiến trình đơm bông kết trái của cây, làm cho cây bị “điếc” không thể kết trái ra bông.
Cây vả dù ở trong tình trạng an toàn: Cây vẫn xanh tươi, không làm hại các cây khác nhưng yếu tố kết thành bản án đó là cây “không sinh trái”. Thế nên, sám hối không chỉ là sửa chữa những lối sống tiêu cực, những lầm lỗi khiếm khuyết nhưng còn là tích cực tô điểm tâm hồn những hoa trái thiêng liêng bằng những hành động đẹp, những việc làm phục vụ yêu thương chia sẻ với anh em, hàng xóm, đồng nghiệp… Như người chủ vườn nho đến thăm vườn đòi hỏi hoa trái từ cây, Thiên Chúa không đến để nhìn một cây vả cuộc đời ta với những trơn tru, không gai góc, nhưng Ngài đến là để tìm hoa quả đó chính là cách sống tích cực trên đời sống mình.
Chúng ta khiêm nhường thú nhận tội lỗi sám hối ăn năn trở về với Chúa để được hưởng nhờ lòng Chúa xót thương. Tâm hồn tràn đầy sự thống hối, nhổ bỏ những cụm cỏ dại của cách sống tiêu cực, của lỗi lầm, lúc đó sẽ mang một con tim quay trở lại từ lỗi lầm và được cứu độ. Con tim trở lại là con tim đã được nhổ bỏ những cụm cỏ dại, được chăm sóc để đời sống tích cực sinh hoa kết trái, người mới, người tràn đầy yêu thương.
Ý lực sống
“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt!” (Lc 13,5).
Suy niệm 9: Hãy mau mắn hối cải
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đoạn Tin mừng hôm nay có ý kêu gọi mọi người hãy ăn năn hối cải. Lời giảng và dụ ngôn của Đức Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối và hoán cải. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng: những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Đức Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm của mình để lo sám hối.
Sám hối là điều kiện cần thiết để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Và cũng qua dụ ngôn cây vả, chúng ta phải biết nhận ra giới hạn của mình và tích cực sửa đổi, để được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương.
Người Do thái thường quan niệm rằng: mọi tai hoạ là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin mừng hôm nay bị chết như thế là do tội lỗi của họ. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác: những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ cho một lời mời gọi, để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Philatô hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để “duyệt xét lại đời sống” của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con cái Chúa.
“Chúa phạt”, đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai hoạ cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu mến người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác (Mỗi ngày một tin vui).
Nhân hai sự kiện thời sự - những người nổi loạn bị tống trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Siloe đè chết - Đức Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phải mau mau sám hối; đàng khác, Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “người làm vườn và cây vả”. Hoãn binh chi kế thông thường là thủ thuật của kẻ dưới nhằm có thời giờ đối phó với người trên. Còn Thiên Chúa, luôn luôn là người trên, đồng thời là Đấng “chậm giận và giàu tình thương”, lại chấp nhận “phương án” hoãn binh, không phải như cơ hội cho con người mưu tính, song là để chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài. Thay vì trừng phạt ta “ở đây và ngay lúc này”, Ngài lại kiên nhẫn đợi chờ. Ngài dành cho chúng ta thời gian sửa đổi, nhận ra lỗi lầm của mình, cũng như cảm nghiệm được ý muốn nhân từ của Ngài. Một khi nhận thức được thâm ý của Chúa, sự hoán cải đổi đời của ta sẽ có giá trị bền vững (5 phút Lời Chúa).
Qua hai sự kiện - quan Philatô ra lệnh giết và tháp Siloe đè chết người - dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận cái chết là một thực tại mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày. Cái chết là một biến cố không ngừng tra vấn con người. Khi nói đến cái chết và kêu gọi sám hối, Đức Giêsu không chỉ kêu gọi con người chuẩn bị để đón cái chết vốn đến một cách bất ngờ, Ngài còn muốn nhắc nhở con người về một điều cơ bản hơn, đó là thân phận mỏng manh bất toàn của con người. Chấp nhận thực tại của cái chết là chấp nhận cái thân phận bất toàn ấy, có nghĩa là chấp nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa (R.Veritas).
Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất, hay dụ ngôn người Cha nhân hậu, hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
Truyện: Hãy kịp thời thống hối
Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.
Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.
Suy niệm 10: Sám hối và biến đổi tâm hồn
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối:
- cc 1-5: người do thái thời Chúa Giêsu quen nghĩ “ác giả ác báo”. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Chúa Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác những mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối.
- cc 6-9: Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối.
B.... nẩy mầm.
1. “Hãy sám hối”, đó là câu nói được khẩn thiết kêu gọi rất nhiều lần bởi Gioan Tiền hô, bởi Chúa Giêsu, bởi các tông đồ và bởi Giáo Hội. Tại sao? Vì con người luôn đi lệch đường. Sám hối là nhận ra mình đang lệch đường và mau mắn quay về đường chính.
2. “Tôi sẽ vun xới, bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái. Nếu không ông sẽ chặt nó đi”. Hôm nay, tôi dám nói câu này với Chúa không?
3. Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy: Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne).
4. “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy.”
“Sám hối”. Vâng, tôi đã hơn một lần sám hối, thế mà cuộc đời tôi vẫn thế. Và hôm nay Chúa lại mời gọi tôi sám hối, mời gọi tôi hãy làm cuộc cách mạng tận căn mà lấy Lời Chúa làm chuẩn mực, một cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, không đố kỵ. không ghen ghét, để nơi con có được tình yêu mà Chúa đã đem đến nơi thế gian này.
Lạy Chúa, xin giúp con sám hối, xin biến đổi tâm hồn con, để mọi việc con làm, mọi điều con suy nghĩ đều dựa trên tình yêu. (Hosanna).
Suy niệm 11: Chúa Giêsu kêu gọi sám hối
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối:
Sám hối là một chủ đề rất quan trọng trong Kinh Thánh. Khi đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy từ đầu tổ tông loài người đã phạm tội. Suốt thời gian Cựu Ước, các tiên tri thường xuyên mời gọi ăn năn sám hối. Lịch sử cứu độ là một bi kịch giữa sự phản bội của dân và sự tha thứ liên tục của Thiên Chúa. Đọc Tân Ước, chúng ta thấy thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đã rao giảng, mời gọi mọi người sám hối. Chúa sai các môn đệ đi rao giảng sự ăn năn, kêu gọi mọi người sám hối. Vì thế, ta thấy được việc sám hối là quan trọng biết chừng nào, bởi lẽ Chúa và Giáo Hội hằng quan tâm đến như vậy.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giêsu mời gọi mọi người ăn năn thống hối tội lỗi mình. Nhưng tại sao lại phải ăn năn thống hối? Có nhiều người bỏ xưng tội lâu năm; khi có ai đó khuyên họ đi xưng tội, họ thường trả lời rằng: tôi chẳng có tội gì cả: không trộm cướp, không giết người, không tà dâm..., có tội gì đâu mà phải xưng tội? Họ đâu có nghĩ rằng, sống bất hòa bất thuận trong gia đình là có tội, sống ích kỷ là có tội, không chia sẻ giúp đỡ là có tội, sống không có ích như cây vả không trái là có tội…
Người Do Thái xưa thường quan niệm rằng, mọi tai họa là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay bị chết như thế là do tội lỗi của họ.
Chúa Giêsu đã không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác: những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ cho một lời mời gọi để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Philatô hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để “duyệt xét lại đời sống” của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con của Chúa.
2. Gương thống hối.
Khi thánh Phanxicô Assisi cư ngụ tại Rivo-Torto, thì có một con chó sói to lớn hung dữ xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc sợ hãi cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai cũng phải trang bị khí giới để sẵn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà.
Ngày nọ, thánh Phanxicô quyết định đến chạm trán với con chó sói. Ngài làm dấu Thánh Giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến đến trước mặt con thú. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân vẫn không lùi bước, ngài lại gần, làm dấu Thánh Giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó:
- Này anh sói, lại đây, nhân danh Chúa Kitô, tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.
Như một phép lạ, con sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và đến quấn quít bên chân thánh nhân. Thánh nhân tiếp tục bài thuyết giảng:
“Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho vùng này, anh đã giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép của Ngài, không những anh đã sát hại súc vật, mà còn giết cả con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người. Ai cũng ca thán rên la về anh, nhưng tôi, tôi muốn giảng hòa giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa”.
Thánh nhân vừa nói xong những lời đó, con chó sói vặn mình vẫy đuôi ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của ngài. Thánh nhân nói tiếp:
- Này anh sói, hẳn anh thích làm hòa với mọi người, tôi hứa rằng, bao lâu anh còn sống, anh sẽ không còn phải đói khát nữa. Anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không?
Con vật cúi đầu như đoan hứa. Thánh nhân đặt tay lên nó và long trọng cam kết điều ngài vừa hứa với nó.
Truyện kể tiếp rằng, con chó sói đã sống hai năm tại Rivo-Torto, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không còn hãm hại ai và cũng chẳng ai làm hại nó.
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Và đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn