Thứ Hai 17/10/2022 – Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Làm giàu trước mặt Chúa.

Chủ nhật - 16/10/2022 09:02

* Giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái. Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha”.

 

Lời Chúa: Lc 12, 13-21

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?"

Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Đoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".

 

Suy niệm 1: Những kho lớn hơn

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Cái kho là quan trọng.

Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.

Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.

Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.

Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.

Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.

Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.

Sau một vụ mùa bội thu,

mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn

là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,

vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.

Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:

phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,

rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,

khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.

Khi nhà kho đã an toàn

thì tương lai của ông vững vàng ổn định.

Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.

Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống.

Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai.

Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc.

Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34).

Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.

Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.

Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.

Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho.

Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.

Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,

nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,

hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.

Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.

Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ.

Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay.

Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.

Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên,

chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.

Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này.

Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu.

“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15).

Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,

để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,

nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.

Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.

Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa

là người biết mở kho để trao đi

và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.

Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,

chúng ta thấy kho của mình trống trơn

vì vừa mới cho đi tất cả.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

Suy niệm 2: Kho tàng Giêsu

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tiền bạc của cải là mối bận tâm lớn của con người. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. HIện nay hệ thống tài chính nắm quyền sinh sát thế giới. Trong nền sản xuất công nghiệp phát triển, cần rất nhiều nguyên liệu và nhiên liệu. Ai có nhiều tài nguyên này sẽ giầu có. Sẽ có thế lực. Sẽ điều khiển thế giới. Vì thế ai cũng lo chiếm hữu nhiều tài nguyên. Để có nhiều tiền bạc của cải.

Nhưng nếu chỉ bận tâm về tiền bạc của cải sẽ rất nguy hiểm. Cần có ý thức về những giá trị lớn hơn, cao hơn, bền vững. Nên Chúa Giê-su cảnh báo: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Kể dụ ngôn ông nhà giầu xây kho. Toan tính rất hợp lý, có vẻ chắc chắn và lâu dài. Nhưng biết một mà không biết mười. Chúa chỉ cần đưa ra một câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai”? Tất cả sụp đổ tan tành. Điều quan trọng là bảo đảm được mạng sống. Mạng sống đời này. Nhưng nhất là mạng sống đời đời. Điều đó không nằm trong tầm tay con người. Cần có kho khác và của cải khác bền vững hơn.

Thư Rô-ma cho biết ta tìm thấy điều đó trong Chúa Giê-su Ki-tô. Như tổ phụ Áp-ra-ham đã tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. Dám bỏ quê hương tài sản ra đi khi tuổi đã cao. Dám hiến tế cả đứa con trai duy nhất dù chẳng hi vọng sinh con được nữa. Chỉ giữ đức tin vào lời hứa. Tin vào một Thiên Chúa. Chỉ có một đức tin. Tin cả khi không còn gì để tin. Nên tổ phụ đã được tất cả mọi ân sủng do lời hứa của Thiên Chúa đem lại. Cũng thế, khi ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô ta cũng được tất cả. Vì Chúa Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. Đã từ bỏ tất cả. Để rồi được lại tất cả. Chúa trở nên kho tàng của ta. Tin vào Chúa ta sẽ nên công chính như tổ phụ Áp-ra-ham. Sẽ được lại tất cả (năm lẻ).

Thư Ê-phê-sô giải nghĩa sâu xa hơn. Kho tàng chúng ta có không do công sức của ta. Nhưng do lòng nhân hậu của Chúa. Chúng ta đã sống theo xác thịt. Theo thế gian. Đáng phải chết. “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời”. Đó là kho tàng không bao giờ hư nát. Vì đó là kho tàng không phải do ta làm ra. Nhưng nhờ tin vào Chúa Ki-tô, ta được thụ hưởng: “Ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (năm chẵn).

 

Suy niệm 3: Ðiều Chỉnh Hướng Ði

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau:

Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:

Tôi muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh.

Con người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên: "Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.

Nỗi khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?

Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.

Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.

Dù phải lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Đêm Nay Đòi Mạng Ngươi

Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” (Lc. 12, 15)

Đức Giêsu đến thế gian để lo thực hiện công việc của Cha Người: “Của nuôi Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công việc của Ngài”. Người loan báo nước trời đã đến rồi, phải sám hối trở về kẻo quá trễ. Thời giờ gấp lắm rồi.

Có một người đến xin Đức Giêsu bảo anh mình chia gia tài cho mình. Chúng ta tất cả cũng giống như anh đó thường xin Người giúp đỡ cho những nhu cầu của chúng ta hàng ngày. Đức Giêsu không được Thiên Chúa sai đến để lo giải quyết những công việc đời này. Thánh ý Thiên Chúa là muốn Người loan báo Tin mừng cứu độ cho người nghèo khổ. Đó mới là khẩn thiết! Người không để bị phân tán về những việc theo đuổi của cải thế gian. “Coi chừng!” đời sống đời đời của mỗi người không được của cải bảo đảm đâu. Thay vì trì hoãn để tham lam thu góp giàu sang thế gian, hãy lo chuẩn bị đón nhận nước trời.

Chúng ta đều biết tất cả mọi của cải dễ gây rắc rối bấn loạn. Những người tham quyền, tham giàu, tham danh, hưởng lạc, tự do buông thả, của cải dù bất chính hay chính đáng không bao giờ thỏa mãn dục vọng cho đã, cho sung sướng, vui chơi thỏa thích đâu. Họ không lo đến ngày mai. Họ muốn tất cả, do đó chắc chắn bằng bạo lực hay bằng sức cố gắng riêng và kiệt lực đến bất nhẫn. Họ thật vô phúc như sách Khôn ngoan nói: Chúng bôn ba vội vã hưởng lạc nhờ của hiện có và phung phí của thiên tạo như thời thanh xuân trác táng. Đức Giêsu bảo: “Đồ ngốc, đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi”, và sau đó còn gì …?

Lúc thuận cũng như lúc nghịch, Đức Giêsu thường nhắc tới tính chất mỏng dòn của đời sống, đặc biệt đối với kẻ tưởng mình được ổn định. Cái chết thường xuyên xẩy đến, nhất là lúc chúng ta không ngờ. Cần phải tích trữ những kho tàng trên trời bằng sám hối, cầu nguyện, ăn chay và bố thí trước kẻo quá trễ.

RC

 

Suy niệm 5: Hãy coi chừng khi sử dụng tiền của

Xem CN 18 TN C

Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ thượng tôn nó.

Trong thực tế, rất nhiều người cảm thấy an tâm vì cho rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được”! Đây là một quan niệm sai lầm căn bản.

Chính vì thế, nên Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo những kẻ bám vào của cải vật chất như là cứu cánh của mình rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng hề đảm bảo được mạng sống. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Thấy được mối nguy hại của vật chất, và thấy được sự ràng buộc cho những ai muốn theo Chúa để làm môn đệ mà lại vướng bận vào của cải, nên Đức Giêsu nói tiếp: "Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi dạy như thế, Đức Giêsu không muốn nói là không được chiếm hữu của cải, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ giàu nhưng không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Ngược lại, họ lại trở thành kẻ ích kỷ như nhà phú hộ giàu có đối xử với Lazarô nghèo khổ không bằng con chó trước cửa nhà ông.

Như vậy, khi nói từ bỏ của cải là Ngài muốn nói đến việc biết xử dụng của cải như thế nào cho có ích nơi mình và người khác. Sử dụng tiền theo tinh thần của Đức Giêsu chính là biết chia sẻ cho những người túng thiếu, biết giúp đỡ cho Giáo Hội để lo cho người nghèo và phát triển Giáo Hội... Nói chung là biết dùng đồng tiền hữu hạn để mua lấy sự vô hạn là Nước Trời qua công việc bác ái, từ thiện của mình.

Thật vậy, ngang qua cách sử dụng tiền của, chúng ta dễ dàng nhận ra người đó đang thuộc về ai! Người môn đệ của Chúa thì sẽ sử dụng nó như là tôi tớ và phục vụ cho lợi ích của Giáo Hội cũng như người nghèo. Còn những người làm đồ đệ cho tiền của thì sẽ lo giữ của cho riêng mình và chỉ lo phục vụ điều bất chính nơi mình mà thôi. Họ coi đồng tiền như là chúa tể của họ và ảo tưởng cho rằng nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sử dụng đồng tiền cho đúng ý Chúa, hầu qua đó, chúng con sẽ được hạnh phúc mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 6: Làm giàu trước mặt Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lòng ham muốn, thu góp và chiếm hữu tiền bạc của cải, là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản đường vào Nước Trời. Ta hãy lo làm giàu trước mặt Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, nhiều lần Chúa đã nhắc nhở chúng con đừng lo đắm mình trong cuộc sống trần gian. Thật vậy, cuộc sống con người chưa chấm dứt với cái chết, mà phần sau của cuộc sống trần gian mới là cuộc sống đích thực. Và hạnh phúc đời sau không lệ thuộc vào của cải vật chất đời này, tiền bạc không bảo đảm cho con người sống mãi.

Lạy Chúa, trong thế giới hôm nay, người ta coi tiền bạc là quyền lực tối thượng, là chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa danh vọng và hạnh phúc. Con cũng không muốn bị khinh bỉ vì nghèo. Con muốn được trọng vọng, được sung sướng, nên cũng không ngại chạy theo tiền bạc, và bằng đủ mọi cách thu góp càng nhiều càng tốt. Nhưng rồi có bao giờ tâm hồn con được bình an đâu, vì lòng ham muốn không khi nào được thỏa mãn. Quả thật, con là kẻ điên rồ như người phú hộ trong dụ ngôn.

Lạy Chúa, cuộc sống của con vẫn cần cơm bánh, và sự nghèo đói vẫn là một mối bận tâm lớn. Nhưng như Lời Chúa dạy, còn có cái cần thiết và chính đáng hơn mà con phải tìm kiếm, phải tích lũy, đó là làm giàu trước mặt Thiên Chúa, làm giàu cho cuộc sống mai sau.

Xin cho con trong cuộc sống hiện tại biết lo phát triển đời sống đức tin, lo thu tích những việc lành do lòng bác ái và quảng đại. Xin dạy con biết sử dụng tiền bạc của cải để biểu lộ tình yêu thương chia sẻ với anh em cách chân thành. Những việc lành phúc đức sẽ là hành trang nhỏ bé giúp con tiến về Nước Trời mai sau. Amen.

Ghi nhớ: “Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

 

Suy niệm 7: Thực hiện điều tốt cần làm

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tại một tiệm bán thực phẩm cho các loài chim, chủ tiệm khi bắt được con phượng hoàng, vì muốn thu hút khách hàng nên đem phượng hoàng nhốt vào cái lồng lớn đặt trong tiệm.

Một hôm, có hai ông cháu từ miền núi xuống thành phố mua đồ. Khi đi ngang qua tiệm, vừa trông thấy con chim phượng hoàng bị nhốt trong lồng, ông động lòng thương hại, liền ngỏ ý với ông chủ tiệm xin mua con chim ấy. Không để mất cơ hội, ông chủ tiệm đòi giá tiền thật cao.

Không một lời trả giá, người khách hàng đi thẳng tới ngân hàng rút số tiền cần thiết và trở lại tiệm mua con chim phượng hoàng. Ông già miền sơn cước vui mừng ẵm con chim trên tay bước ra khỏi tiệm. Vừa bước chân tới quãng đường vắng, ông liền mở tay ra để chim được tự do bay bổng giữa bầu trời mênh mông.

Ngạc nhiên trước việc làm của ông, đứa cháu tò mò lên tiếng hỏi: “Thưa ông nội, tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh một số tiền lớn như vậy để chuộc và trả tự do cho con chim phượng hoàng”. Ông vui vẻ đáp: “Cháu hãy ghi lòng tạc dạ điều này: Trên đời, giàu sang không chỉ căn cứ trên những gì mình có thể chiếm đoạt được mà thôi, nhưng chính là trên những gì mình cần phải cho đi, để có thể thực hiện được điều tốt lành cần phải làm” (Theo Radio Veritas).

Suy niệm

Sau một vụ mùa bội thu, mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ mà Chúa Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, vì kho cũ không đủ sức chứa nữa. Cuối cùng, ông đã tìm ra giải pháp là phá kho cũ và làm kho mới lớn hơn, rồi đưa tất cả hoa màu, của cải nhập kho, khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. Với những cái kho lớn chứa đầy hoa màu và của cải, người phú hộ tha hồ vui chơi, ăn uống chè chén say sưa. Ông thấy mình có tất cả dư thừa vật chất nên chẳng sợ đói và cần nhờ vả đến ai, đến Chúa cũng chẳng cần và sợ nữa. Vì tất cả của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc, không thiếu thốn cả đời, nơi đó ông đặt lòng mình (Lc 12,34). Nhưng thật ra có bền vững hay không? Trộm cắp, cướp bóc, bão lụt, hỏa hoạn… có thể làm tiêu tan những gia tài của ông. Dù ông có giữ được bên mình với cái kho đầy rẫy của cải, khỏi những phong ba cuộc đời, ông cũng đâu ngờ rằng cái chết sẽ làm cho ông ra đi trắng tay tất cả.

Dụ ngôn thật sâu sắc truyền cho chúng ta sứ điệp: Lo lắng cho kho vật chất của mình là việc phải làm nhưng đó không phải là mục đích của sự hiện hữu của con người trong cuộc sống. Còn một mối bận tâm khác là kho tàng trên trời như thánh Phaolô đã khai triển cụ thể: “Anh em hãy tìm những sự trên trời” (Cl 3,2), nghĩa là làm giàu trước mặt Thiên Chúa, vì có đầy của cải mà không lo đời sau thì cũng bằng không trước Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”, tức là của cải đầy rẫy trong kho nhưng ra đi vẫn cứ hai bàn tay trắng trước mặt Thiên Chúa. Vâng, tất cả chỉ là: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2), như lời sách Giảng Viên vang vọng.

Hãy lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Sự giàu có lâu bền, vĩnh cửu; chứ không phải của đời này chóng qua, phù vân và bấp bênh. Sự giàu có là sống trọn vẹn với quy luật của “Kho Nước Trời”: “Đón nhận và mở rộng ban phát”. Ban phát như nguồn nước từ mưa và từ rừng thượng nguồn, rồi nguồn nước ban phát nước cho những con suối mang chia sẻ cho đồng ruộng và cuộc sống con người.

Xin cho mọi cố gắng của tôi, của bạn trong đời sẽ mãi như là những giọt nước mãnh liệt không khép kín trong hồ, nhưng luôn tuôn trào trong hành trình về với biển cả.

Ý lực sống

“Cho là nhận… khi chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô d’Assise).

 

Suy niệm 8: Đừng ham mê của cải vật chất

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Trong lúc Đức Giêsu đang giảng, có một người trong đám đông lên tiếng xin Người xử việc hai anh em ruột tranh nhau phần gia tài. Đức Giêsu không xử vì điều đó không thuộc sứ mệnh của Người. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn người phú hộ giàu có lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm. Người bảo họ là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc, để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

Tin mừng hôm nay thuật lại sự việc hai anh em tranh chấp gia tài, không thoả đáng nên nhờ Đức Giêsu can thiệp. Nhân dịp này, Chúa dạy dân chúng đừng ham mê của cải đời này quá đáng, vì của cải không phải là nguồn mạch sự sống mà Thiên Chúa mới là nguồn mạch sự sống. Hơn nữa, của cải vật chất có sức lôi kéo mạnh mẽ làm cho con người ta dễ dàng đi tới chỗ ích kỷ và tìm hưởng thụ để thoả mãn mọi khoái lạc trần thế. Đức Giêsu không ngăn cấm chúng ta làm giàu, vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giàu là chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm cho trái đất sinh nhiều hoa lợi để phục vụ nhân loại. Nhưng Chúa chỉ cảnh giác chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất để làm giàu cho sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).

Giầu của cải không đảm bảo cho sự sống đời đời

Dụ ngôn Đức Giêsu kể về một người giàu có an thân thoả mãn trên đống của cải trong kho lẫm, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì “tay trắng hư không” ra đi vào cõi diệt vong. Thật vậy:

Khi chúng ta đi về nơi an nghỉ

Những gì thu góp chẳng còn chi

Sẽ mất hết những gì ta xài phí

Chỉ còn lại những gì đã cho đi.

Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này, mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

“Ta chỉ giàu có nhờ những gì cho đi, và chỉ nghèo do những gì ta từ chối” (Triết gia Emerson). Trong từ điển của ông phú hộ trong câu chuyện Tin mừng không có từ “cho đi”. Ông từ chối Chúa và người lân cận, vì lo chất thóc lúa cho đầy kho lẫm, cũng như đầy “kho” ăn uống vui chơi, hưởng thụ cho mình. Không lạ gì ông trở nên nghèo nàn trước mặt Chúa. Hẳn ông đã quên bài học cơ bản này: làm giàu trước mặt Chúa bằng cách cho đi, chứ không phải qua việc tích trữ; bằng cách hướng về Chúa và người khác, chứ không phải chỉ qui về mình. Coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam là điều ai trong ta, giàu hay nghèo, phải ghi nhớ mỗi ngày.

Hãy biết chia sẻ

Chúa dạy chúng ta: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giàu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc là làm gì, nhưng chúng ta là gì.

Antoine de Saint-Exupéry nói: “Khi giờ cuối cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều mà bạn đã trở thành”.

Có hai cách xài của cải đưa đến hai kết quả khác nhau:

a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả là không bảo đảm cho sự sống đời đời.

b) Dùng tiền của để làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

Thực ra, khi người giàu chia sẻ của cải cho người nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi. Augier đã nói một câu chí lý: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, không ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19) chính là những kẻ ăn cắp.

Truyện: Rồi sao nữa?

Ngày xưa, thánh Philipphê Nêri muốn thuyết phục Phanxicô Spazzaro, một sinh viên Rôma, đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài về một chân lý ngàn năm. Một hôm Phanxicô Spazzaro hớn hở báo tin cho ngài biết mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời:

- Khá lắm. Cha xin mừng với con. Nhưng rồi con sẽ làm gì?

- Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án.

- Rồi sao nữa?

- Con sẽ có nhiều tiền.

- Rồi sao nữa?

- Con sẽ lập gia đình.

- Rồi sao nữa?

- Con sẽ sống hạnh phúc.

- Rồi sao nữa?

Chàng sinh viên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Rồi... rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.

- Rồi sao nửa?

Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy nhiên, câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, chàng cứ bị ám ảnh hoài. Và để bảo đảm cho cái “Rồi sao nữa” kia, cuối cùng, chàng từ giã đường trần khoác áo tu trì.

 

Suy niệm 9: Của cải bền vững đời sau

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài.

2. Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.

3. Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó: hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

B.... nẩy mầm.

1. Gc 4,13--5,6: Thánh Giacôbê đã hiểu đoạn Tin Mừng này như thế nào?

2. Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (câu 21).

3. Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau:

a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình; kết quả: không bảo đảm cho sự sống đời đời;

b/ Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa”: kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

4. Tiền:

Người công nhân đồ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoang phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó cho vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Người hấp hối lìa bỏ nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm để dành nó

Người keo kiệt thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chộp lấy nó

Người giàu gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó  (Quote)

5. Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói: “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả” (Aesop).

6. Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi mới nghĩ bụng rằng: “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,16.19-20)

Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này:

“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa... Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài... Con ước ao chết đi bởi vì con phó thác  vào tình Chúa vô bờ bến. Nhưng lạy Chúa Giêsu, con là của Ngài, con sẵn sàng làm việc cho Ngài lâu hơn nếu Chúa cho con sức mạnh. Con không muốn chết để chạy chốn đau khổ... Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”

Tôi thật cảm động và khó quên trước cái chết của những người đang sống đẹp, sống tốt. Và tôi thật khâm phục trước cái chết của những người sẵn sàng với giờ chết, vì thấy mình đã sống trọn vẹn cho đời.

Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang chờ con. (Hosanna).

 

Suy niệm 10: Sử dụng của cải hợp lý

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ việc anh em tranh giành gia tài.

Đức Cha Tiamer Toth trong cuốn sách viết cho giới trẻ có khuyên các bạn trẻ như thế này: “Thưa bạn, tôi muốn nói rằng, bạn phải có con mắt tinh tường để nhận xét giá trị đồng tiền. Đành rằng, không có tiền, ta không sống nổi, nhưng chỉ sống vì tiền thì thật là không xứng với con người một tí nào. Tiền bạc chỉ là phương tiện để tìm cho ta những thứ cần dùng cho đời sống của ta. Ngày xưa, con bò vàng được người Do Thái thờ lạy giữa đám sa mạc, ngày nay người ta cũng chỉ biết kính trọng những người có ô-tô bóng nhoáng, có những đồn điền phì nhiêu, những cửa hàng lộng lẫy, những bộ quần áo đỏm dáng. Hỡi bạn, tôi xin bạn hãy nhìn những con người theo phẩm giá của họ mà thôi!” Rồi ngài nói tiếp:

Ngày kia, một nhà tỷ phú trên giường chết đã phải tuyên bố: Trong 40 năm trời, tôi đã làm việc như người nô lệ để chất đống của cải lên; sau đó tôi lại phải coi giữ như một thám tử và tất cả những của cải đó đã cho tôi cái gì? Thức ăn, nhà ở và quần áo, chỉ có thế chứ không còn gì hơn nữa.

Thánh Bernard đã nói: Người ta kiếm tiền một cách vất vả, giữ nó một cách lo lắng, rồi người ta mất nó một cách đau đớn.

Tiền tài, danh vọng, xa hoa không đem lại hạnh phúc cho ta được. Cũng như một đại dương mênh mông không có gía trị bằng dòng suối nhỏ trước mắt người khát nước.

2. Vậy ta phải xài tiền như thế nào?

Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau:

a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình; kết quả: không bảo đảm cho sự sống đời đời.

Tại một Hội Thánh Tin Lành kia, đến Chúa Nhật, vị mục sư quyết định mở một cuộc lạc quyên để sửa lại mái nhà thờ, các rui mè đã mục nát, các viên ngói hay rớt xuống, sợ nguy hiểm cho các tín hữu.

Sau khi trình bày, ông chọn một người để “khai sổ”. Để có người làm gương cho những người khác, mục sư liền mời một tín đồ vốn là một thương gia giàu có đang ngồi ẩn mình phía sau một cây cột. Ông này giàu nhưng nổi tiếng keo kiệt, ông đứng lên hứa: - Tôi xin dâng 5 đô-la.

Vị mục sư thật buồn quá, ông nhà giàu này mà “Mở hàng” như thế thì chắc cuộc lạc quyên hôm nay sẽ chẳng được bao nhiêu. Thình lình, một viên ngói trên mái rơi xuống trúng ngay đầu ông tín đồ giàu mà keo kiệt. Tưởng bị Chúa phạt, ông vội la lớn: - Không, tôi xin hứa dâng 500 đô-la.

Người ta nghe tiếng cầu nguyện tha thiết vang lên trong nhà thờ:

- Rớt nữa đi Chúa, rớt nữa đi Chúa!

b/ Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa”: kết quả là đời này được bình an và đời sau có sự sống đời đời được bảo đảm.

Đời nhà Châu có người họ Doãn, chỉ chăm làm giàu. Tôi tớ trong nhà vất vả, thức khuya, dậy sớm, khó nhọc vô cùng.

Có một tên đầy tớ già, sức yếu, nhưng lại phải làm nhiều, ban ngày làm không kịp thở, ban đêm mệt đừ người, ngủ say không biết đầu đuôi. Nhưng đêm nào cũng nằm mộng thấy mình làm vua một nước, đứng đầu cả muôn dân, ở lầu son gác tía ăn toàn của ngon vật lạ, muốn gì được nấy, sung sướng không ai bằng! Sáng bừng mắt thì vẫn hoàn là tên tớ già, làm không kịp thở... Có người thấy lão vất vả quá, đem lời an ủi.

Lão nói:

Đời người trăm năm có ngày có đêm. Ta ban ngày, chỉ là một tên tớ già, kể ra cũng khổ thực! Nhưng ban đêm lại làm vua một nước, vui sướng không ai bằng! Vậy thì, còn ân hận gì nữa?

Họ Doãn trái lại ban ngày là một tay giàu có, nhưng lại lo lắng ruột tan, gan nát, mệt cả tâm thần; đến đêm mệt ngủ, thì lại nằm mộng thấy mình đi làm tôi tớ người ta, việc gì cũng phải làm, lại còn gặp chủ cay nghiệt, hành hạ đủ điều. Thức dậy, lòng thổn thức, bèn đem chuyện kể với bạn.

Bạn bảo:

- Được cái địa vị như anh, giàu có hơn người, ban ngày sung sướng vẻ vang biết bao, đêm đến là nằm mơ đi làm đầy tớ người ta. Như vậy thì sướng khổ đắp đổi nhau. Nếu lúc thức, lúc ngủ đều muốn được sướng cả, thì thế nào được!

Họ Doãn nghe bạn nói tỉnh ngộ. Từ hôm đó không còn hà khắc tôi tớ trong nhà nữa. Và nhờ vậy mà bớt lo, bớt nghĩ, lòng thấy nhẹ nhàng. Và bệnh mỗi ngày một bớt lần.

Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này:

“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con xin chấp nhận cái chết từ bàn tay Chúa... Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài... Nhưng lạy Chúa Giêsu, con không muốn chết để chạy trốn đau khổ... Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ và cho mãi đến muôn đời. Amen”.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây