Thứ Bảy tuần 11 thường niên.

Thứ sáu - 18/06/2021 08:05

Thứ Bảy tuần 11 thường niên.

"Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".

 

Lời Chúa: Mt 6, 24-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

"Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì?

Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.

Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

 

 

Suy Niệm 1: Người sẽ thêm cho

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.

Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.

Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,

các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,

trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.

Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,

giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.

Khi không muốn làm nô lệ cho ai,

con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.

Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,

con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.

Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.

“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”

Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.

Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?

Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.

Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,

còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.

Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.

Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.

Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).

Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?

Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?

Con người có thể sống vô tư như chim trời không

khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?

Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.

Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.

Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),

không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.

hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.

Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:

ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).

Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,

quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),

và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).

Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình

hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).

Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.

Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.

Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.

Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.

Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.

Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.

Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,

xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người - cũng như con -

đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng.

Và con về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

 

Suy Niệm 2Không thể làm tôi hai chủ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su dứt khoát nói với ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. Ai lo tìm những giá trị đời này sẽ bỏ quên Thiên Chúa. Ai tìm Thiên Chúa sẽ không màng gì những lợi lộc đời này. Vì Thiên Chúa đã ban cho ta điều cơ bản nhất: sự sống. Thế mà ta cứ lo tìm những gì phụ thuộc. “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Chúa đưa ra ví dụ cụ thể. Chim trời không gieo không gặt vẫn được Chúa nuôi dưỡng. Bông hoa ngoài đồng không dệt không may mà áo đẹp còn hơn vua chúa. Huống chi chúng ta là con cái của Chúa. “Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” Vì thế Chúa khuyên ta cứ an tâm phục vụ Thiên Chúa. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Gio-át là người hai lòng hai dạ. Ông đã thờ phượng Chúa. Nên được Chúa phù hộ. Qua thầy cả Giơ-hô-gia-đa. Nhưng nghe lời xiểm nịnh của các thủ lãnh Giu-đa ông đã thay lòng đổi dạ. Bỏ “Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng”. Tư tế Da-ca-ri-a, là con tư tế Giơ-hô-gia-đa, đứng lên ngăn cản. “Họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ Đức Chúa”. Vì thế Chúa đã từ bỏ ông. Một số ít quân đội A-ram tiến đánh. Nhưng số đông Giu-đa thua trận. “Vua bị giết ngay trên giường. Vua đã chết,…nhưng không được chôn nơi phần mộ hoàng gia” (năm chẵn).

Thánh Phao-lô là người chỉ chọn phụng sự Thiên Chúa. Ngài đã từ bỏ mọi lợi lộc trần gian. Tuy được Thiên Chúa yêu thương ban tràn đầy ân sủng. Một ân huệ lớn lao là được đưa lên tầng trời thứ ba. Nhưng ngài vẫn còn chịu đau khổ. “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi”. Đó là thiệt thòi ngài chịu nơi trần gian. Ngài tha thiết xin Chúa “cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Và điều lạ lùng xảy ra. “Tôi tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi… Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Khi hoàn toàn không còn trông cậy gì ở trần gian. Chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ làm việc. Và thánh nhân “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô”. Từ bỏ trần gian. Chỉ phụng sự Chúa. Sẽ có tất cả (năm lẻ).

 

Suy Niệm 3: Thiên Chúa quan phòng

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng cho mạng sống mình: sẽ ăn gì? mặc gì? ngày mai sẽ ra sao?, mà phải tin cậy vào sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa. Ngài đưa ra hai hình ảnh chứng minh sự quan phòng liên lỉ của Thiên Chúa: chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài.

Ðọc kỹ bản văn của Matthêu, chúng ta thấy có bốn lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến nỗi mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói như thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm nơi của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: "Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không?". Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.

Thiên Chúa biết rõ chúng ta không phải là những con chim hay bông hoa ngoài đồng, mà là những con người phải làm việc để nuôi thân và góp phần xây dựng gia đình và xã hội. Chúa dạy chúng ta "trước hết hãy tìm" nghĩa là hẫy đặt đúng chỗ công việc: việc nào trước, việc nào sau. "Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài", lời này đặt nền tảng cho người Kitô hữu trong việc chọn lựa: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa; đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý và chương trình của Thiên Chúa.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự kiểm thảo xem từ trước đến giờ, chúng ta đã chọn Chúa hay chọn tiền bạc? Ðã quá lo lắng đến vật chât hay đã luôn tín nhiệm vào Thiên Chúa quan phòng? Xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm trước hết Nước Chúa và sự thánh thiện, và tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sự khác mỗi khi chúng ta cần đến, vì Chúa là Cha chúng ta và hằng yêu thương săn sóc chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Như loài chim

“Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt. 6, 25-26)

Chim trời và hoa huệ ngoài đồng

Sống như loài chim. Chẳng phải lo đến cơm ăn áo mặc. Sống như vậy thật thảnh thơi tuyệt vời và không thiếu những vần thơ. Có những ngày nào đó, ta mong ước được sống như vậy. Nhưng cuộc sống còn đó với lắm đòi hỏi nhiêu khê. Chúng ta đâu phải là những cánh chim trời. Phải có tiền để mua lương thực và còn dành dụm đôi chút. Và mọi cái đều đắt đỏ, mỗi ngày lại đắt hơn. Những kẻ có đồng lương tối thiểu, hoặc những ai đành phải hưởng trợ cấp của chính phủ, thì ít có thích thú mơ ước được sống như loài chim. Chỉ những người giầu có, có lẽ có thể thực hiện được giấc mơ tương tự và có thể biến ước mơ thành hiện thực. Những người bình thường thường phải chắt chiu từng xu và cố dành dụm lấy vài đồng, bởi lẽ những ngày xấu và những tai ương biết đâu lại chẳng ập tới và thường nhanh hơn không ngờ.

Chúa Giêsu tỏ ra nghiêm chỉnh

Tất cả những điều trên đều đúng. Thế nhưng Chúa Giêsu không chế nhạo ai, khi Người mời gọi người ta sống như chim trời và hoa huệ ngoài đồng. Hãy hiểu cho đúng. Chúa không đòi hỏi ai phải tỏ ra hoàn toàn vô lo về những của cải vật chất. Điều Người mong muốn, chính là sự lo lắng kiếm tiền, và lo luôn luôn kiếm được nhiều tiền hơn, không được là nỗi bận tâm hàng đầu của ta. Ngoài chuyện ăn ngon mặc đẹp, còn có những chuyện khác quan trọng hơn trong cuộc đời. Ngoài chuyện bảo đảm tài chánh cho ngày mai, còn có chuyện khác bắt ta phải chú ý tới.

Sống cho một điều khác, chứ không phải sống vì tiền bạc. Sống không quá cồng kềnh. Sống luôn tin tưởng vào ngày mai. Sống hiến dâng từng giờ và từng giờ cho lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Đó chính là lối sống Chúa Giêsu muốn đề nghị cho ta. Thật sự có kiểu sống nào tuyệt hảo hơn không?

 

Suy Niệm 5: Đâu là ‘trục’ của việc chúng ta kiếm tìm?

Nếu ta đọc đoạn Tin Mừng tuyệt diệu này, sau khi nghe tin tức hoặc nhìn xem sự lưu thông của một xa lộ qua khung cửa sổ, ta sẽ cảm thấy một tương phản gắt gao đến độ tự hỏi: cái gì là thật và cái gì là không thật? Trong thế giới chúng ta sống, đâu là sự tìm kiếm ưu tiên cho Nước Chúa và sự công chính của Người? Một thế giới sai trục đi về đâu, bởi vì “tỷ số tăng trưởng” của nó đã bị rối loạn? Trong suốt lịch sử đời sống nhân loại, con người đã chiều theo cám dỗ kiếm tìm không ngừng sự thụ hưởng vật chất, trong khi định mệnh con người lại là thiêng liêng. Ở đây, Chúa Kitô, bằng những từ ngữ bóng bẩy, mời gọi con người đi tìm cái chính yếu. Ngài không khuyên dạy sự phó thác thụ động nơi Chúa quan phòng, cũng không dạy việc khinh chê các nhu cầu thể xác và tinh thần, cũng không cổ võ một thứ lạc quan thuyết vô tư. Ngài chỉ nói lên điều nào cần trước nhất và điều nào phụ thuộc vào. Người môn đệ Chúa Kitô, đã trở nên con Thiên Chúa trong Đức Kitô, đương nhiên phải tìm kiếm trước nhất Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người; công việc dưới đất phải được suy tư, sắp xếp theo sự công chính của Nước này, và hoa quả của nó sẽ được Cha trên trời ban thêm cho.

Từ ngữ của thánh Mátthêu và thánh Gioan gặp nhau ở đây để nói lên rằng: phải đặt ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời. Nó phải được ưu đãi, và nếu cần, phải loại bỏ những gì làm cản trở bước tiến của nó. Cũng như Đức Kitô miệt mài trong việc tìm kiếm chuyên nhất Ý Chúa Cha và tìm thấy nơi đó niềm an vui, cũng thế, người Kitô hữu, noi gương Đức Kitô, phải tìm kiếm cũng một Thánh Ý này, vì đó là vận mệnh, là mức viên mãn của mình, và đồng thời cũng là sự thành đạt của xã hội loài người. Kiếm tìm Nước Chúa không phải là một việc làm giữa bao việc làm khác. Đây là việc làm chính. Nó liên lụy toàn con người. Hơn nữa sự kiếm tìm này giải thoát tâm hồn khỏi những lắng lo và bận tâm, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban cơm ăn áo mặc cho kẻ nào, sau khi đã làm việc cách bình thường, biết đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa về những sự còn lại.

Đối với những nhu cầu vật chất, tôi có thái độ của người ngoại giáo hay Kitô giáo?

 

Suy Niệm 6: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”

Vở kịch “Con người của mọi mùa” là một câu chuyện có thật về thánh Thomas More.

Trong một màn, một người bạn gây áp lực buộc thánh nhân phải ký giấy xác nhận rằng cuộc hôn nhân giữa vua Henry VIII và Anne Boleyn là hợp pháp. Nếu không chịu ký, vua sẽ buộc tội ngài là phản quốc.

Thánh nhân từ chối, vì Ngài nghĩ rằng cuộc hôn nhân này là bất hợp pháp. Người bạn của ngài giận dữ nói: “Anh cứ làm rối tung mọi thứ. Thực ra, tôi không biết cuộc hôn nhân này có hợp pháp không. Nhưng quỷ quái thật, Thomas, hãy nhìn vào danh sách này, anh biết chứ! Anh không thể thỏa hiệp vì tình bạn sao?”. Thomas More vẫn từ chối, ngài không thể làm tôi hai chủ được.

Chỗ nào trong cuộc đời tôi bị áp lực làm tôi hai chủ?

“Này con, đừng bao giờ tạo ra một tình bạn hoặc giữ một tình bạn bằng cách làm một điều sai trái”. (Robert E. Lee).

 

Suy Niệm 7: TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG (Mt 6, 24-34)

Xem lại CN 8 TN A, Lễ mùng một Tết.

Khi nói đến khái niệm “Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng”, ấy là lúc chúng ta nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách nhiệm mầu, khiến con người không thể ngờ cũng như không thể hiểu được.

Tuy nhiên, sự quan phòng của Thiên Chúa không giống như kiểu quan niệm của những người không có niềm tin. Những người đó thường hay coi đó như là một định mệnh, hay số mệnh đã được ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành công hay thất bại giống như kiểu rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.

Nhưng quan phòng theo mặc khải của Thánh Kinh có hai vế: về phía Thiên Chúa, Người là Đấng Khôn Ngoan, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con cái, luôn tìm dịp để ban phát cho con của mình những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn bảo vệ để chúng được an lành; còn về phía con người, được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì không thể nào một người con xin cá, mà cha hay mẹ của mình lại cho rắn hay bọ cạp, xin bánh lại cho đá...

Hôm nay, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta: hãy tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, không được “bắt cá hai tay”, tức là làm tôi hai chủ. Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương luôn chăm sóc anh em mọi lúc. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng thì sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là dường nào!

Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì tâm hồn chúng con được như em bé nằm gọn trong vòng tay Chúa để được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa và biết cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ mà Chúa đang thực hiện trong trần thế hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 8: Thiên Chúa thương yêu quan phòng

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Cha chúng ta, nên ta phải biết cậy trông phó thác. Đừng sống như kẻ không có Cha trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì Chúa thương nhận con là con cái Chúa và hằng thương yêu quan phòng cho cuộc đời con.

Lạy Chúa, mỗi người mỗi phận. Con cũng như bao người phải lo phận mình. Sống vô lo như chim trời, cây cỏ, mà chẳng dùng trí khôn Chúa ban để tính toán làm ăn, đó là sống thiếu trách nhiệm. Chúa không dạy con sống vô trách nhiệm. Nhưng ngược lại có lắm người và đôi khi cả con nữa quá lo lắng đến độ quên Chúa là Cha Toàn Năng và hằng thương yêu con người.

Khi con lo lắng cào cấu sao cho có nhiều của cải tiền bạc mà quên luật công bình bác ái…, chính là lúc con đang quên Chúa là Cha và quên mọi người là anh em. Nếu tiền của trở thành ông chủ đời con, nó dắt con đến tình trạng mất nghĩa cùng Chúa và mất tình với anh em.

Xin giúp con luôn cố gắng làm việc với tất cả trí khôn Chúa ban để thăng tiến bản thân và giúp đỡ mọi người. Tiền của phải làm công cụ phục vụ con dưới sự hướng dẫn của lề luật Chúa. Con sẽ chỉ được tự do khi biết chọn Chúa làm chủ đời mình.

Xin giúp con biết làm tôi Chúa cách trung thành, không vì đồng tiền của cải mà sao lãng bổn phận thờ phượng Chúa, không vì công ăn việc làm mà từ chối giữ luật Chúa. Xin Chúa ban ơn để con luôn trung thành với Chúa: lúc vui và cả khi buồn, khi thành công và cả khi thất bại.

Lạy Chúa, con xin phó thác đời con nơi Chúa. Xin Chúa giúp con luôn sống như một người con đẹp lòng Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

 

Suy Niệm 9: Phó thác trong tay Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, được mệnh danh là vị Giáo hoàng của lòng nhân hậu. Một ngày kia, có một vị Giám mục đến gặp Ngài và chia sẻ những lo âu, nhọc nhằn, mất ngủ… vì trách nhiệm chủ chăn, rồi xin ngài cho một lời khuyên. Sau khi nghe những tâm sự của vị Giám mục, Đức Giáo hoàng mỉm cười và nói: “Khi mới được bầu làm Giáo hoàng, tôi cũng lo âu và mất ngủ như Đức Cha vậy. Thế rồi một hôm trong giấc ngủ, có một thiên thần hiện đến vỗ vào cái bụng to của tôi và nói: “Gioan ơi, ngươi chớ lo lắng thái quá, hãy phó thác trong tay Chúa và nghỉ ngơi cho khỏe”. Kể từ hôm đó, tôi không bị mất ngủ nữa”.

Suy niệm

Lo âu đó là sự thương tình của con người, đặc biệt là trước những sự việc quan trọng, trách nhiệm nặng nề và lao công vất vả trong cuộc sống để mưu sinh…

Thế nhưng, Chúa Giêsu muốn con người sống trong bình an hạnh phúc, Ngài muốn con người “đừng lo lắng”.

Chúa Giêsu đã khuyên dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34). Ngài đưa ra hình ảnh chim không lo gieo trồng và làm lụng vất vả vẫn được nuôi sống, hoa đồng nội không dệt may vẫn được mặc sắc màu đẹp tươi, tất cả được đặt dưới sự quan phòng của Tạo hóa. Hình ảnh quá ấn tượng, tuyệt vời diễn ra chung quanh mỗi ngày mà ta chưa nghiệm ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cho vạn vật của vũ trụ. Hình ảnh cũng dễ làm chúng ta có thể hiểu sai ý của Đức Kitô: Đừng làm gì cả, sống vô tư như anh chàng ngồi dưới gốc cây chờ sung rụng. Thật thế, Đức Giêsu đã không nói rằng không nên làm việc. Ngài cũng không bao giờ khuyến khích con người lười biếng, vô tư ỷ vào lòng bố thí của bá tánh khi đi ăn xin, vô nghề nghiệp.

Thiên Chúa luôn khuyến khích con người lao công, vì chính Ngài đã truyền cho con người ngay từ thuở tạo dựng vũ trụ: “Hãy thống trị đất và bắt nó phục tùng” (St 1,28). Đức Giêsu khẳng định của ăn có được là do lao công: “Vì thợ đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10).

Lo lắng làm việc là trách nhiệm của con người với Thiên Chúa với anh em với vũ trụ vạn vật nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa”, gợi lên ý nghĩa Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cầu nguyện nước Chúa và danh Cha trước hiển trị trên trời và dưới đất rồi mới đến cơm bánh nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

“Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” cũng có nghĩa là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa theo yêu cầu và luật lệ của nước Ngài.

Cho nên, việc tìm kiếm nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức công chính, là sự dấn thân như bài giảng bát phúc đã trình bày (x. Mt 5,1-12).

Tuy nhiên, sự nỗ lực của con người không chỉ là sự cố gắng của bản thân mà cùng đồng hành với Thiên Chúa, Đấng luôn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế như lời hứa của Ngài (x. Mt 28,20), Đấng tỏ ra với con người qua lời ngôn sứ Isaia: “Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,15).

Chúa Giêsu khuyên dạy: “Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc…” (Mt 6,25). Tin mừng Matthêô dùng 6 lần động từ “lo lắng” cùng với lời khuyên nhủ: “đừng lo” để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi âu lo thái quá, vì cả cuộc sống của ta đã được đặt trước mặt Thiên Chúa Cha là Đấng “biết rõ điều ta cần” (x. Mt 6,8.32). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta: Mọi lo âu, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em (x. 1Pr 5,7).

Cuộc sống hằng ngày vốn nhiều lo lắng: Lo lắng và ám ảnh một quá khứ vất vả, thất bại khiến chúng ta không dám bước vào hiện tại và tiến tới tương lai. Lo lắng về một hiện tại chưa thành công, còn nhiều vất vả, không đủ nương tựa vào cuộc sống, khiến ta luôn mệt mỏi không dám dấn thân; lo lắng về việc cơm áo gạo tiền, khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu triền miên. Vì thế, sẽ lo lắng về một tương lai mịt mù không có chút ánh sáng để tiếp tục bước đi. Giữa biển đời ngập tràn lo âu, lời thánh Âugustinô chia sẻ cho chúng ta: “Phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Chúa, hiện tại cho tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự quan phòng của Ngài”.

Ý lực sống:

“Tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người” (Hc 2,6).

 

Suy Niệm 10: Tin vào Chúa quan phòng (Mt 6,24-34)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

 “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Đó là một lời cảnh giác cho những ai quá coi trọng, suy tôn tiền của mà bỏ quên Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cậy trông, tin tưởng vào Cha đầy quyền năng và tình thương. Hãy phó thác cuộc đời chúng ta cho Cha, Cha sẽ làm cho chúng ta tất cả những gì tốt đẹp nhất.

“Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Dù trong địa vị nào, con người vẫn muốn “bắt cá hai tay”, đối với họ thì Chúa cũng muốn mà xa hoa cũng muốn. Thật ra, tiền của không có gì là xấu xa mà là rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó sẽ xấu khi ta trở thành nô lệ chúng, để rồi vì tiền mà không ngại bất cứ thủ đoạn nào phạm đến Chúa và tha nhân. Nhất là vì lo chạy theo tiền bạc mà quên mất việc đạo đức rồi dần dần tiền của lấn át cả Thiên Chúa, tiền và những lo toan vật chất ngự trị trong tâm hồn ta thay cho Thiên Chúa.

Đọc kỹ bản văn Mátthêu, chúng ta thấy có sáu lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm vào của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: “Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không ?” Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: hãy giúp mình rồi trời sẽ giúp cho.

Đừng quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống thể xác (của ăn, áo mặc, tuổi thọ), vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

Sở dĩ con người lo lắng thái quá mà mất đi cả hạnh phúc trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Chim trời không gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội không canh cửi mà vẫn xinh đẹp rực rỡ. Con người còn hơn chim trời cũng như hoa cỏ đồng nội bội phần. Nếu con người biết tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, biết đón nhận từng giây phút hiện tại Ngài ban cho, thì con người sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Ngược lại, con người sẽ phải vất vả cực nhọc và cuối cùng, cũng chỉ là người bắt bóng.

Hãy tin vào Chúa quan phòng

Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự tin tưởng vào Chúa quan phòng không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy theo ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.

“Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa: Biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Người dựng nên mọi sự tốt đẹp, biết xây dựng Nước trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi nơi (Hiền Lâm).

“Chỉ có một đường đến hạnh phúc, đó là ngừng lo lắng về những gì vượt khả năng ý muốn của mình” (Triết gia Epictetus). Trong Tin mừng hôm nay, kiểu nói đừng lo được lặp lại đến 6 lần, điều đó cho thấy Chúa Giêsu lưu ý ta đừng để những nỗi lo về nhu cầu của cuộc sống này khiến ta quên đi, - hoặc gạt qua một bên, hoặc coi như chuyện nhỏ, - việc tìm kiếm Nước trời cũng như việc nên thánh trong cuộc đời ta. Ngài không bảo ta vô trách nhiệm với bản thân và gia đình, lười biếng làm việc mưu sinh, vô lo về ngày mai. Trái lại, Ngài dạy ta tin tưởng, cậy trông nơi Thiên Chúa là Cha quan phòng yêu thương. Cha lo liệu cho chim trời, hoa huệ, huống chi con người được Cha yêu thương, đến nỗi ban Con Một cho ta, dẫn ta đến Nước trời (5 phút Lời Chúa).

Truyện: Đừng quá lo cho ngày mai

Một thương gia giàu có nọ đi dạo trên bờ biển, tình cờ ông thấy có những ngư phủ nằm ngủ một cách ngon lành trên thuyền, mặc cho sóng nước chòng chành. Tò mò ông đến hỏi một ngư phủ:

- Sao anh không đi đánh cá?

Chàng ngư phủ trả lời:

- Tôi đã đánh bắt số cá đủ cho ngày hôm nay rồi.

Thấy câu trả lời chưa được thoả mãn, thương gia hỏi tiếp:

- Sao anh không tiếp tục đi đánh, để bắt thêm nhiều cá hơn?

Thay vì trả lời, chàng ngư phủ hỏi lại:

- Nhưng thưa ông để làm gì ?

Với đầu óc kinh doanh sẵn có, thương gia kia như muốn vạch đường hướng làm ăn cho anh chàng ngư phủ, nên đã trả lời:

- Càng đánh bắt được nhiều cá, anh càng kiếm được nhiều tiền. Có nhiều tiền anh có thể mua được chiếc thuyền lớn hơn, để có thể ra xa hơn, bắt được nhiều cá hơn. Rồi từ một thuyền, anh sẽ có thể có hai, ba, bốn chiếc... và như thế anh sẽ là một người giàu có.

Chàng ngư phủ xem chừng như không thiết tha với kế hoạch làm giàu của thương gia kia nên hỏi tiếp:

- Giàu có rồi làm gì nữa?

Thấy như người đối thoại với mình quá chất phác, nên thương gia trả lời:

- Rồi anh sẽ được vui hưởng cuộc sống.

Lúc ấy, chàng ngư phủ mỉm cười nói:

- Thế tôi nằm đây để ngắm nhìn trời biển như thế này không phải là vui sướng cuộc đời hay sao?
 

 SUY NIỆM

1. Thiên Chúa và Tiền Của

Trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có có nhiều phương tiện, và những phương tiện này lại càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn uống, may mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại hay internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập… Vì thế, mọi người ai cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.

Làm việc để có tiền có của, là điều tất yếu trong cuộc sống, nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là làm thương tổn, thậm chí gây đổ vỡ những tương quan, vốn làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới trong cộng đoàn, gia đình, họ hàng, giữa các bạn hữu, trong lối xóm và xứ đạo.

Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta. Một em bé cũng nhận ra và sống điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương và lời âu yếm vỗ về an ủi của những người thân yêu. Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta trong bài Tin Mừng:

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được. 
(c. 24)

Điều này không có nghĩa là, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để ca tụng, tôn kính và phụng sự Chúa, để làm điều làm đẹp lòng Chúa. Nghĩa là, dùng tiền của để “tạo lấy bạn bè” (Lc 16, 9), để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến; và như những gì Chúa nói về những mối lo, chúng ta được mời gọi dùng của cải và đảm nhận đời mình với những những lựa chọn lớn bé và với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, để tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

2. Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người

Đức Giê-su mời gọi chúng ta: “Đừng lo lắng”. Nhưng làm sao ở trên đời mà không có lo lắng, dù chúng ta sống trong ơn gọi nào? Như một triết gia đã nói, “con người là một hữu thể lo lắng”. Trong lời giảng dạy của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe, Ngài nói về những lo lắng của chúng ta đối với “cái ăn cái mặc”. “Cái ăn cái mặc”, xem ra nói chung đối với chúng ta, là những mối lo đã qua rồi và là những mối lo tầm thường. Qua rồi, vì chúng ta đã vượt qua cái thủa hàn vi “chạy gạo ăn hàng ngày” và mặc quần áo từ đời này truyền sang đời kia. Tầm thường, vì chúng ta có nhiều mối lo khác nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thật ra, mối lo về cái ăn cái mặc, tưởng là đã qua rồi và là tầm thường, nhưng vẫn còn đó : có thể mình không thiếu ăn thiếu mặc, nhưng mình lại chăm chút quá đáng, để tâm hay đòi hỏi quá đáng ; có những lúc hay sẽ đến lúc (có khi là đã đến rồi !) chúng ta tỏ ra “khó ăn khó mặc”. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên, quanh chúng ta, trong xã hội và ở trên thế giới, còn biết bao người phải lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hiểu lời của Đức Giêsu ở một cấp độ khác, và ở cấp độ này, lời của Ngài mới có thể đụng chạm mọi người ở mọi thời và ở chiều sâu trong tâm hồn; đó là hiểu “cái ăn cái mặc”, mà Ngài nói tới, như là “mọi nhu cầu cần thiết” trong cuộc sống của chúng ta. Thế mà, trong đời sống hiện thời của chúng ta, chúng ta có rất nhiều nhu cầu cần thiết, cần thiết như và còn hơn “cái ăn cái mặc”: đó là : học tập, huấn luyện, việc làm, chỗ ở và các phương tiện đủ loại khác, chẳng hạn các phương tiện đi lại, truyền thông, tiện nghi, giải trí… Chính vì thế, lời của Đức Giêsu không nhất thiết chất vấn chúng ta về mối lo ăn mặc, hay về mối lo này mối lo kia, nhưng là về mối lo có nguy cơ cạnh tranh với việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, về mối lo choán ngợp chúng ta đến độ gạt qua một bên, thậm chí loại trừ việc tìm kiếm Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài.

Như khi làm thế, chúng ta có loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống của chúng ta được không?

– Khi mà mọi sự sẽ qua đi, và chỉ có Ngài là cùng đích và là điểm tới, là vĩnh hằng.

– Khi mà Ngài bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài đặt trên chúng ta, bằng ân huệ sự sống mỗi ngày (x. Tv 139).

– Khi mà chúng ta sống không nguyên bởi cái thú thỏa mãn mọi nhu cầu, cho dù cần thiết đến mức nào, nhưng nhất là còn sống bằng tương quan nhưng không, yêu thương, tha thứ, đón nhận, bao dung, cảm thông, biết ơn… được tác tạo và duy trì bởi và chỉ bởi Lời và Ngôi vị của Chúa mà thôi.

– Khi mà, những thử thách của cuộc đời, là điều không thể tránh được, sẽ buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi tận căn: Tôi đang tìm gì hay đang tìm ai? Tôi sống cho bản thân, cho cái gì hay cho ai đó? Tôi sẽ phải chết, vậy đâu là lối đi và ý nghĩa đời tôi? Tôi sống theo ơn gọi hay theo thị hiếu, trào lưu?

– Khi mà sẽ đến lúc, lúc này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải buông xuôi tất cả, như thánh Phao-lô nói: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế giới này đang qua đi” (1Cr 7, 29.31)

Vậy, đâu là những mối lo của chúng ta trong thời điểm này ? Chúng ta có sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối lo không ? Chúng ta có những mối lo về những điều nhân bản hơn, cao quí hơn và “thiêng liêng” hơn không? “Thiêng liêng” có nghĩa là trọn vẹn con người của tôi sống hay ước ao sống tương quan với Chúa trong mọi sự và ở mọi nơi mọi lúc ? Và nhất là, ngang qua những mối lo không thể tránh được của chúng ta, chúng ta tìm gì ? Đức Ki-tô hỏi từng người trong chúng ta vào thời điểm quan trọng này của thời gian : “Con tìm gì ?”

3. Xem xét và nhìn ngắm

Trong giáo huấn của mình Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa để mời gọi chúng ta sống trong sự tín thác, nhưng không phải là sự tín thác tình cảm, ngây ngô hay mù quáng.

a. Xem xét

Để có thể điều hợp và định hướng những mối lo của chúng ta, Đức Giê-su trước hết mời gọi chúng ta hãy sử dụng lí trí để xem xét và cân nhắc các sự việc : “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”, “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”

Quả là chúng ta không thể sống mà không ăn, và có những lúc cần ăn ngon và ăn những thứ chúng ta ưa thích. Cũng thế, chúng ta không thể sống mà không mặc, và có những lúc cần mặc đồ đẹp và mặc những y phục mà chúng ta ước ao. Và cũng tương tự như thế đối với những nhu cầu khác mà chúng ta cần để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng xét cho cùng, tất cả những điều đó không thể thay đổi sự sống của chúng ta ở mức độ căn bản : chúng ta sinh ra vào năm đó, năm con khỉ, con gà, con heo, con rắn, con ngựa, con chó hay con rồng… và là như thế, là Người Việt, đàn ông hay đàn bà, cao, trung bình hay thấp, đẹp, tàm tạm hay không được đẹp… Điều này có nghĩa là, dù có lo hay không lo, chúng ta không làm chủ được sự sống của chúng ta, vì đó là một ơn huệ tuyệt đối : chúng đã đón nhận sự sống và một ngày kia, chúng ta sẽ hoàn trả lại.

b. Nhìn ngắm

Và để chúng ta có thể tín thác nơi Thiên Chúa, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta nhìn xem và chiêm ngắm chim trên trời và hoa ngoài đồng để nhận ra sự chăm lo quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Assisi đã có được kinh nghiệm thiêng liêng này khi dõi mắt theo con chim sẻ bé bỏng ở trong thiên nhiên. Sau đó, thánh nhân đã giũ bỏ mọi lo lắng và bắt đầu sống một cuộc sống mới trong niềm tín thác rất triệt để. Ngày nay, kinh nghiệm thiêng liêng này vẫn còn rất sống động nơi biết bao người sống linh đạo Phanxicô.

Lời Chúa trong các Thánh Vịnh về công trình sáng tạo, chẳng hạn Tv 8, Tv 19 và Tv 104, còn mời gọi chúng ta nhìm ngắm sao trời và những biến cố trong cuộc đời chúng ta để nhận ra sự hiện diện thi ân của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không xa xôi, nhưng là “Cha của chúng ta”, một Thiên Chúa, muôn ngàn đời, vẫn trọn tình thương (x. Tv 136).

*  *  *

Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và đi vào tương quan con thảo với Ngài, và từ đó sống tương quan anh chị em với mọi người, đó chính là con đường để chúng ta xây dựng Nước Thiên Chúa và sống đức công chính của Người. Đức Giê-su đã đi và đi đến cùng con đường này, để trở thành Đường Đi của chúng ta ; và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Người hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Sao anh em lo lắng? Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước của Người – SN song ngữ 19.6.2021

 
 

 

Saturday (June 19):  “Why are you anxious – seek first his kingdom”

Scripture: Matthew 6:24-34

24 “No one can serve two masters; for either he will hate the one and love the other, or he will be devoted to the one and despise the other.  You cannot serve God and mammon. 25 “Therefore I tell you, do not be anxious about your life, what you shall eat or what you shall drink, nor about your body, what you shall put on. Is not life more than food, and the body more than clothing? 26 Look at the birds of the air: they neither sow nor reap nor gather into barns, and yet your heavenly Father feeds them. Are you not of more  value than they? 27 And which of you by being anxious can add one cubit to his span of life? 28 And why are you anxious about clothing? Consider the lilies of the field, how they grow; they neither toil nor spin; 29 yet I tell you, even Solomon in all his glory was not arrayed like one of these. 30 But if God so clothes the grass of the field, which today is alive and tomorrow is thrown into the oven, will he not much more clothe you, O  men of little  faith? 31 Therefore do not be anxious, saying, `What shall we eat?’ or `What shall we drink?’ or `What shall we wear?’ 32 For the Gentiles seek all these things; and your heavenly Father knows that you need them all. 33 But seek first his kingdom and his righteousness, and all these things shall be yours as well. 34 “Therefore do not be anxious about tomorrow, for tomorrow will be anxious for itself. Let the day’s own trouble be sufficient for the day.

 

Thứ Bảy 19-6     Sao anh em lo lắng? Tiên vàn hãy tìm kiếm nước của Người

Mt 6,24-34

24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Meditation: 

What does the expression “serving two masters” and “being anxious” have in common? They both have the same root problem – being divided within oneself. The root word for “anxiety” literally means “being of two minds.” An anxious person is often “tossed to and fro” and paralyzed by fear, indecision, and insecurity. Fear of some bad outcome cripples those afflicted with anxiety. It’s also the case with someone who wants to live in two opposing kingdoms – God’s kingdom of light, truth, and goodness or Satan’s kingdom of darkness, sin, and deception – following God’s standards and way of happiness or following the world’s standards of success and happiness.

Who is the master of your life?

Who is the master in charge of your life? Our “master” is whatever governs our thought-life, shapes our ideals, and controls the desires of our heart and the values we choose to live by. We can be ruled by many different things – the love of money and possessions, the power of position and prestige, the glamor of wealth and fame, and the driving force of unruly passions, harmful desires, and addictive cravings. Ultimately the choice of who is our master boils down to two: God or “mammon”. What is mammon? “Mammon” stands for “material wealth” or “possessions” or whatever tends to control our appetites and desires.

The antidote to fear, pride, and greed

There is one master alone who has the power to set us free from slavery to sin, fear, pride, and greed, and a host of other hurtful desires. That master is the Lord Jesus Christ who alone can save us from all that would keep us bound up in fear and anxiety. Jesus used an illustration from nature – the birds and the flowers – to show how God provides for his creatures in the natural order of his creation. God provides ample food, water, light, and heat to sustain all that lives and breathes. How much more can we, who are created in the very image and likeness of God, expect our heavenly Father and creator to sustain not only our physical bodies, but our mind, heart, and soul as well? God our Father is utterly reliable because it is his nature to love, heal, forgive, and make whole again.

 

 

Jesus – our daily bread

Jesus taught his disciples to pray with confidence to their heavenly Father: Give us this day our daily bread. What is bread, but the very staple of life and symbol of all that we need to live and grow. Anxiety is neither helpful nor necessary. It robs us of faith and confidence in God’s help and it saps our energy for doing good. Jesus admonishes his followers to put away anxiety and preoccupation with material things and instead to seek first the things of God – his kingdom and righteousness. Anxiety robs the heart of trust in the mercy and goodness of God and in his loving care for us. God knows our needs even before we ask and he gives generously to those who trust in him. Who is your master – God or mammon?

“Lord Jesus, free me from needless worries and help me to put my trust in you. May my first and only concern be for your glory and your kingdom of peace and righteousness. Help me to live each day and moment with trust and gratitude for your providential care for me.”

Suy niệm:  

Câu ngạn ngữ “Làm tôi hai chủ” và “lo lắng” có điểm tương đồng nào? Cả hai đều có chung vấn đề chính – tự bản thân mình bị phân chia. Hạn từ gốc của “lo lắng” theo nghĩa đen là “có hai lòng”. Một người lo lắng thường “lắc qua lắc lại” như con lật đật, và bị bại liệt vì không thể quyết định. Sự sợ hãi hậu quả xấu thường làm què quặt những ai buồn phiền vì lo lắng. Nó cũng là vấn đề với những ai muốn sống giữa hai vương quốc đối nghịch nhau –vương quốc ánh sáng, sự thật, và tốt lành của Thiên Chúa hoặc vương quốc tối tăm, tội lỗi, và giả dối – đi theo những tiêu chuẩn và đường lối hạnh phúc của Thiên Chúa, hoặc đi theo những tiêu chuẩn thành công và hạnh phúc của thế gian.

Ai là chủ cuộc đời bạn?

Ai là chủ quản lý cuộc đời bạn? “Chủ” của chúng ta là những gì cai quản những suy nghĩ, che phủ những lý tưởng, kiềm chế những ước muốn của linh hồn và những giá trị chúng ta chọn để sống. Chúng ta có thể bị quản thúc bởi nhiều thứ – sự yêu thích tiền của, quyền thế, sức quyến rũ của giàu có và uy tín, sức lôi kéo của những đam mê và nghiện ngập phóng túng. Cuối cùng, sự chọn lựa rút lại còn hai: Thiên Chúa và “tiền của”. Mammon – tiền của – là gì? Tiền của tượng trung cho “sự giàu có vật chất hay những sở hữu” hay bất cứ những gì có khuynh hướng “khống chế những khát vọng và đam mê của chúng ta”.

 

Thuốc trị sợ hãi, kiêu ngạo, và tham lam

Chỉ có một người Thầy duy nhất, có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, sợ hãi, kiêu ngạo, tham lam, và nhiều các đam mê tai hại khác. Người Thầy ấy chính là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng duy nhất có thể cứu chúng ta thoát khỏi mọi điều trói buộc chúng ta trong sự sợ hãi và lo lắng. Ðức Giêsu đã sử dụng sự minh họa của thiên nhiên – chim và hoa – để cho thấy Thiên Chúa quan phòng cho chúng thế nào trong trật tự tự nhiên của sự tạo dựng của Người. Thiên Chúa ban phát dư dật lương thực, nước uống, ánh sáng, và sức nóng để duy trì mọi sinh vật hít thở. Vậy thì chúng ta là những người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa càng phải mong đợi Cha trên trời và Đấng tạo hoá duy trì không chỉ thân xác thể lý mà cả tâm, trí, linh hồn nhiều hơn biết chừng nào? Thiên Chúa, Cha chúng ta hoàn toàn đáng tin cậy bởi vì bản tính của Người là yêu thương, chữa lành, tha thứ, và phục hồi.

Đức Giêsu – lương thực hằng ngày của chúng ta

Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện với sự tin tưởng vào Cha trên trời: Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Lương thực là gì, nếu không phải là điều chủ yếu của cuộc sống, và là biểu tượng của tất cả mọi sự chúng ta cần để sống và tăng trưởng. Lo lắng chẳng có ích cũng chẳng cần thiết. Nó cướp khỏi chúng ta đức tin và lòng trông cậy nơi sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sức sống để làm việc lành. Lo lắng cướp khỏi lòng chúng ta sự tin cậy vào lòng thương xót và tốt lành của Chúa và trong sự quan tâm yêu thương của Người dành cho chúng ta. Thiên Chúa biết những nhu cầu của chúng ta, thậm chí trước khi chúng ta cầu xin và Người ban một cách quảng đại cho những ai tin cậy nơi Người. Ai là chủ nhân của bạn? Thiên Chúa hay tiền bạc?

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi những lo lắng vô ích và xin giúp con đặt Chúa làm hàng đầu trong những suy nghĩ và quan tâm của con. Chớ gì con tìm kiếm nước Trời và sự công chính trên hết mọi sự và sống mỗi ngày với lòng biết ơn và tin cậy vào sự săn sóc quan phòng của Chúa dành cho con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây