Thứ Ba tuần 11 thường niên.
"Các ngươi hãy yêu thương thù địch".
Lời Chúa: Mt. 5, 43-48
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.
Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư?
Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".
Suy Niệm 1: Như Cha trên trời
(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí tích để sống.
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy,
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là Kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.
Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).
Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.
Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính, nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.
Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới,
sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên,
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức Giêsu đòi các Kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình,
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.
Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa.
“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48).
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
- mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù -
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu,
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu,
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Suy Niệm 2: Yêu kẻ thù
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Yêu kẻ thù. Ai cũng bảo là không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người tốt thì ta quý. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta biết ơn và quý trọng. Gặp người xấu thì ta tránh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ. Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động. Vì ta không có nền tảng. Phải có nền tảng tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào. Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu. Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong Người chỉ có yêu thương. Như mặt trời. Như cơn mưa. Không phân biệt.
Chính vì thế Chúa luôn tha thứ. Luôn chạnh lòng thương. A-kháp phạm tội tầy đình. Nhưng khi nghe Chúa tuyên án, ông khóc lóc ăn năn. Chúa liền tha thứ. “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mỉnha, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông Ê-li-a, người Tít-be rằng: “Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không?...nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó”. Quả thật là tình yêu nguyên tuyền. Chỉ có yêu thương (năm chẵn).
Thánh Phao-lô khen ngợi tín hữu Ma-kê-đô-ni-a. Vì họ đã có tình yêu của Chúa. Trong mọi gian nan thử thách họ vẫn vui tươi. Vì họ có Chúa ở cùng. “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh”. Yêu thương. Quảng đại. Họ đã nên hoàn thiện như Cha trên trời.
Thánh Phao-lô dùng tấm gương đó mà khích lệ tín hữu Cô-rin-tô. Và cả chúng ta nữa. Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Có Chúa trong ta sẽ có tình yêu trong ta. Có tình yêu ta sẽ tràn đầy niềm vui. Và tình yêu sẽ lan toả đến khắp mọi người. Kể cả kẻ thù. Vì bấy giờ tim ta không có gì khác ngoài tình yêu. Nó không còn bị qui định bởi đối tượng bên ngoài. Chỉ biết toả lan tình yêu. Như Chúa Giê-su “Chúa chúng ta,…Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (năm lẻ).
Suy Niệm 3: Yêu thương kẻ thù
Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ".
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Tha thứ, được! Yêu thương, không!
“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt. 5, 43-44)
Yêu như Chúa Cha yêu thương
Yêu thương kẻ thù của ta. Yêu thương những ai làm ta thất vọng, làm tổn thương, phản bội và bầm dập ta. Yêu thương những ai không còn yêu ta nữa. Yêu thương những kẻ đã làm hư hỏng đời ta. Yêu như thế đó. Và đúng là Chúa đòi hỏi ta nhiều lắm. Chúng ta sẽ dám nói là quá nhiều nữa.
Không phải chúng ta chống lại việc yêu kẻ thù. Ta còn cảm thấy rõ rằng nếu có thể yêu tới mức đó mới thật là đẹp. Hãy yêu thương như Chúa Giêsu và Cha Người yêu thương chúng ta. Yêu thương đối lại với tất cả. Yêu thương bất chấp tất cả. Được như vậy, quả là tuyệt vời. Nhưng có thể được không? Có vừa sức ta không? Ta có thể đi tới đó được không?
Ta có thể cố gắng tha thứ cho kẻ đã làm khổ ta, có thể không tìm ác để trả ác. Nhưng yêu thù địch của ta, lại là một chuyện. Nếu Thiên Chúa có thế làm được điều này, thì ta có thể làm được không?
Tha thứ, chính là yêu thương nhiều
Khi tự thâm tâm, ta nói với người đã nhẫntâm làm khổ ta rằng: “Tôi tha thứ cho nó. Tôi sẽ cố gắng quên đi phần nào”; và ngay cả khi có nói thêm rằng: “Nhưng yêu hắn nữa, thì tôi không có thể!” … ấy là lúc ta đang đặt chân trên đường lành rồi. Chúng ta đã hành động như Thiên Chúa ước mong, bởi vì thực lòng tha thứ, chính là đã tỏ ra yêu thương nhiều.
Có những tình yêu sẽ không bao giờ tái sinh. Có những con người đã gần gũi với ta ngày nào và rồi có thể không gần cận nữa. Đó chính là những cảnh nghiệt ngã của cuộc sống mà thường thường ta không thể cưỡng lại được. Thế nên mỗi khi ta trục xuất hận thù ra khỏi lòng ta, mỗi khi ta không mong ước điều xấu cho người đã làm ta tan nát, mỗi khi ta muốn thành tâm cầu nguyện cho họ, là ta đang có đôi nét giống Cha. Và Cha vui thích nhìn ta khi không khép kín cửa lòng như vậy.
Suy Niệm 5: Yêu là một sự tham dự
Nhiều đoạn trong bài giảng Trên Núi làm chúng ta ngạc nhiên về lối diễn tả nghịch lý, và đặc biệt đoạn này: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ làm khổ ngươi. Đây là điều gây vấp phạm nặng cho những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Nhưng đâu là ý nghĩa đích thực của những lời này? Thật khó mà xác định ý nghĩa cách mạnh mẽ, và nhất là phải tránh làm giảm giá chúng với ý định làm cho chúng trở nên dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một vài suy tư sau đây:
Danh từ ‘thù địch’ thời Chúa Giêsu có nghĩa trước nhất là đối thủ và kẻ bắt bớ dân thánh. Cũng có thể là kẻ xa lạ với dân được lựa chọn. Chính trong nghĩa này mà dư luận Do thái thời bấy giờ áp dụng cho từ ngữ Chúa Giêsu nhắc đến: Hãy ghét thù địch. Hơn nữa, cần nhớ là chữ “ghét” không phải luôn luôn có nghĩa mạnh như chúng ta thường hiểu. “Ghét” có thể là: từ chối mọi liên lạc, ruồng bỏ, xa lánh. Chẳng hạn các tư tế và Lêvi thành Giêrusalem xem những người xứ Samaria là “thù địch”; điều này cắt nghĩa thái độ của thầy tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã bỏ rơi người xứ Samaria với số phận của họ.
Trên bình diện thứ nhất này Chúa Giêsu phán, và Ngài phán điều đó với Giáo Hội của Ngài hôm nay: hãy yêu thương thù địch, kẻ bách hại và cầu nguyện cho họ, vì Cha trên trời cũng muốn họ được rỗi.
Trên bình diện thực tế hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt mọi hiềm khích. Người Kitô hữu không những phải tránh mọi tình cảm ghen ghét và thù hằn, mà còn phải mong muốn biến cải kẻ thù mình thành bạn hữu. Nếu thực tế đôi khi rất khó thực hiện, thì ít là bên trong tâm hồn mình điều đó phải được thực hiện. Nghị lực con người sẽ không đủ. Người Kitô hữu thành công được là người múc lấy sức mạnh trong tình yêu và gương sáng của Chúa Kitô.
Phải nhớ rằng hiềm khích không hẳn là một sự kiện như những sự kiện khác. Hậu quả trực tiếp của nó là Thập Giá Chúa Kitô, Thập Giá mà chúng ta tham dự vào. Cách thức chúng ta vượt thắng hiềm khích tùy thuộc cách thức chúng ta tham dự vào Thập Giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ yêu thương thù địch vì, với Đức Kitô trên Thập Giá, chúng ta hoạt động cho sự cứu rỗi của họ.
Tôi đã dùng sự đau khổ của tôi cho kẻ nào làm khổ tôi chưa?
Suy Niệm 6: Các con hãy nên trọn lành
Nữ tu Antoinette vẫn thường nhắc đến bệnh nhân già khó tính nhất trong bệnh viện, gặp ai ông cũng nhăn nhó nạt nộ. Có chuyện gì khó chịu một chút là ông la lớn, rùm beng lên. Ngày kia, đang lúc mải mê phục vụ các bệnh nhân, nữ tu Antoinette đã nghe thấy tiếng bệnh nhân già đó hét lên: “Đem cho tôi quả trứng”. Nữ tu Antoinette vui vẻ đem đến, nhưng bệnh nhân già lại nhăn nhó: “Trứng chưa chín đủ mà lại mang cho tôi ăn à?”, và nữ tu Antoinette vui vẻ mang trứng đi luộc lại. Nhưng rồi bệnh nhân lại kiếm lý do khác để gây phiền hà đến nữ tu: “Luộc trứng chín quá, tôi không ăn nổi đâu. Tôi muốn trứng khác”.
Nữ tu Antoinette không biết làm sao, chị bèn có sáng kiến chế một lò nấu nhỏ kê ở bên giường ông, và trao cho ông một quả trứng để chính ông có thể nấu lấy theo sở thích của ông. Người bệnh nhân thấy thế lại nổi giận hơn nữa. Ông đạp đổ bếp, quẳng trứng xuống sàn nhà và quát lớn: “Tôi là bệnh nhân mà đi luộc trứng à!”. Nữ tu Antoinette chẳng nói nửa lời, chỉ biết thinh lặng cúi xuống thu sạch và quét dọn. Lát sau, nữ tu đem đến cho bệnh nhân khó tính ấy một quả trứng khác và nhẹ nhàng nói với bệnh nhân: “Ông hãy dùng thử quả trứng này, tôi luộc vừa chín mà thôi”. Thái độ của nữ tu Antoinette đã làm cho bệnh nhân cảm động và lập bập nói: “Cám ơn nữ tu. Tôi ăn trứng này và cũng ăn cả lòng tốt của nữ tu nữa. Xin nữ tu tha thứ cho tôi”.
Tình thương bác ái phải được trải dài trong mọi giây phút, mọi hành động của cuộc sống. Tình thương đó luôn bị thử thách bởi những thái độ nghi kỵ, đối nghịch, khắt khe, khó tính, thiếu cảm thông của những người sống xung quanh ta. Khi phải đối diện với những người không thích mình, không hòa hợp, thông cảm với mình; thay vì đối đầu trả đũa thì ta hãy tự vấn mình xem có phải vì những tật xấu, những khuyết điểm của mình đã khơi dậy thái độ đối nghịch hay không? Có thể đôi khi chúng ta là thủ phạm đã gây nên những sự chống đối với người khác mà chúng ta lại không hay biết. Cách sống, cách suy tư, cách hành động của ta không phù hợp với những cách thức của anh em, hay cả những xúc phạm đến những anh em chung quanh mà chính mình không hay biết. Chính vì thế mà ta cần phải kiểm điểm lại đời sống của mình luôn, để đừng khơi dậy những ngăn cách với người khác.
Nhưng, cũng có những trường hợp ta bị đối xử oan ức, bị ghét bỏ cách bất công vì niềm tin của mình vào Chúa. Lúc đó chúng ta không còn gì khác đáp lại hơn là cầu nguyện xin Chúa thêm sức mạnh, để ta có thể tha thứ và yêu thương họ đến cùng như Chúa muốn. Và chúng ta cũng đừng bỏ cuộc, không rút lại điều tốt ta đang thực hiện như nữ tu Antoinette trong câu chuyện kể trên: “Phúc cho kẻ bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Tình yêu thương kiên trì của ta chắc chắn sẽ không trở thành vô ích, nhưng sẽ cảm hóa được người làm phiền lòng ta vào lúc chỉ có Chúa biết mà thôi. Phần ta, ta chỉ cần biết một điều là: “Hãy yêu thương cho đến cùng”.
Tác giả tập sách “Đường Hy Vọng” đã chia sẻ như sau: “Bác ái là tu đức liên lỉ. Tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc. Tất cả con người con vùng vẫy, nhưng con phải yêu thương như Chúa Giêsu”. Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu: “Tôi không muốn biết, không muốn nhớ quá khứ của anh em tôi. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của anh em để thương nhau, giúp đỡ nhau và biết tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau”.
Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, quyết định chọn Chúa hay chối từ, và tìm Nước Chúa là tin tưởng ở tình yêu vô bờ bến của Ngài, là hành động với tất cả hăng say. Đó là việc làm thể hiện đức mến Chúa và yêu người ngay trong giây phút hiện tại. Đó là những lời khuyến khích đầy kinh nghiệm giúp mỗi người chúng ta sống sứ điệp Phúc Âm của Chúa xác thực hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho mỗi người chúng ta rằng: “Con hãy yêu thương kẻ thù nghịch và làm ơn cho kẻ ghét con. Hãy cầu nguyện cho tất cả những ai bắt bớ và nguyền rủa con, để các con trở nên giống Cha, Đấng ngự trên trời. Ngài làm ơn cho người lành, kẻ dữ và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.
Mỗi người Kitô hữu phải như tấm kính phản chiếu sự trọn lành tình yêu của Thiên Chúa Cha. Noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày cuộc sống của chúng ta phải chiếu sáng hơn để anh chị em xung quanh có thể nhìn thấy mà ngợi khen tình thương Thiên Chúa trên trời.
Lạy Chúa, trên Thập Giá Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong tim con, để con mỗi ngày được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Amen.
Suy Niệm 7: HÃY YÊU KẺ THÙ ( Mt 5, 43-48)
Xem lại CN 7 TN A.
“Yêu mến anh em, là sống chu toàn giới luật. Yêu mến người lành và yêu thương kẻ gian ác. Chính do tình yêu mà chúng ta được cứu độ, thành con Chúa Trời và thành bạn hữu Chúa Kitô”. Đây là lời bài hát mà có lẽ ai cũng thuộc vì nó được lặp lại nhiều lần trong Mùa Chay.
Đây cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu trên lộ trình cứu độ.
Thật vậy, cốt lõi Đạo Công Giáo của chúng ta là tình yêu thương. Tại sao vậy? Thưa vì Đạo chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế: "Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương...".
“Yêu thương kẻ thù" là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. "Yêu thương kẻ thù" là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.
Khi dạy "hãy yêu kẻ thù", Đức Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là đề nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ.
"Hãy yêu kẻ thù", đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã nêu gương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa.
Như vậy, Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.
Hãy nhớ rằng: “Viên đạn căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù sau khi đã xuyên qua thân xác chúng ta trước”. Khi nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một cái hố nữa để chôn chính ta. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng đây là con đường nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và chỉ khi nào chúng con đạt được điều đó, ấy là lúc chúng con trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 8: Môn đệ Chúa yêu thương kẻ thù
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Là người môn đệ Chúa Giêsu, ta yêu thương cả kẻ thù, vì ta phải bắt chước lòng quảng đại của Cha trên trời và phải có lòng yêu thương hơn những người khác.
Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha là tình yêu. Con cảm tạ Cha đã yêu thương con. Nhiều lúc con đã phạm tội chống lại Cha, tự đặt mình làm kẻ thù của Cha. Nhưng dù vậy, Cha cũng vẫn một lòng yêu thương con, tha thứ cho con, vẫn hằng tiếp tục ban phát muôn vàn hồng ân xuống trên con. Cả những người chưa hề biết Cha, cả bao nhiêu người cố tình chối bỏ Cha, cả muôn vàn người tội lỗi bất chính, Cha vẫn yêu thương họ, vẫn cho mặt trời soi sáng và cho mưa xuống trên họ.
Tình yêu của Cha luôn đi bước trước, luôn quên mình, luôn quảng đại. Chúa Giêsu cũng yêu thương với một tình yêu như vậy. Người tha thứ cho kẻ giết mình, Người cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, Người yêu thương kẻ giết mình.
Lạy Cha, Cha đã thông chia tình yêu ấy cho con. Xin dạy con biết quên mình để yêu thương cả kẻ thù, biết cầu nguyện cho kẻ làm hại con, biết quảng đại với kẻ ích kỷ với con, biết làm ơn cho kẻ chơi xấu con, biết vui vẻ với những kẻ mắng chửi hoặc dửng dưng với con, biết nói tốt cho kẻ nói xấu con.
Xin cho con biết sống trong tình yêu, để con sống trong hạnh phúc. Những lúc con để bụng để dạ giữ lòng hận thù, con cũng chẳng sung sướng gì, mà chính là con tự đày đọa mình. Ích kỷ phát sinh ích kỷ, hận thù lôi kéo hận thù, gian ác sinh ra gian ác. Hận thù như loài vi khuẩn sinh sản thật nhiều, ăn sâu vào lòng mỗi người chúng con và phá hoại hạnh phúc chúng con.
Lạy Cha, xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái của Cha, xứng đáng với danh hiệu làm môn đệ Chúa Giêsu. Amen.
Ghi nhớ : “Các ngươi hãy yêu thương thù địch”.
Suy Niệm 9: Tình yêu hoàn thiện khi tha thứ
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Lịch sử đã từng ghi lại rất nhiều sự kiện về những tù binh chiến tranh ở Việt Nam luôn được đối xử tử tế, được mở đường hiếu sinh, được cấp đầy đủ quân trang khi trở về nước. Ví dụ như cách hành xử vị tha của quân chiến thắng Lam Sơn với quân Minh kẻ thù bại trận: Theo lời cố vấn của Nguyễn Trãi, tha thứ cho kẻ thù, vua Đại Việt là Lê Thái Tổ còn cung cấp cho họ lương thực và những phương tiện di chuyển như ngựa, thuyền để trở về đất nước họ.
Suy niệm
Đức Giêsu Kitô đến hoàn thiện Lề Luật, với cách hành xử yêu thương dứt khoát và hoàn hảo như Chúa Cha vượt lên trên sự yêu ghét thông thường. Ngài cho thấy tình yêu là trung tâm. Ngài giảng dạy và đã sống yêu thương để nêu gương cho chúng ta: Tha thứ cho kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ thù mình. Theo suy nghĩ tự nhiên của con người, cách hành xử đó xem ra không thể có đối với kẻ thù. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến nó thành cái có thể để nên hoàn thiện như Chúa Cha và chính Ngài đã sống trước tiên khi tha thứ cho những kẻ giết mình, trên thập giá Ngài đã cầu nguyện thống thiết cho kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trước đó Ngài cũng dạy: “Anh em hãy làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu cho kẻ nhục mạ mình” (Lc 6,27-28). Lời mời gọi của Đấng đã yêu thương tha thứ gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay hãy tha thứ để tôn vinh đỉnh cao của sự yêu thương, làm cử chỉ anh hùng, vượt lên trên tình cảm tự nhiên yêu bạn ghét thù, để bước cuộc sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời mà Đức Kitô mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).
Lời dạy yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu làm thăng hoa lòng khoan dung, vị tha của truyền thống Việt Nam qua câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, người Việt không những vị tha với nhau như tục ngữ có câu: “Chín bỏ làm mười”, mà còn vị tha với cả kẻ thù.
Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh: “Trả thù, báo oán là thường tình của mọi người; mà không thích giết người là bản tâm của người nhân” (Quân trung từ mệnh tập). Vị anh hùng dân tộc đã gây ý thức cho nhân dân Đại Việt: Có những nhu cầu làm người cao cả, trọng đại và lâu bền hơn. Nhu cầu báo thù sẽ bùng lên và vụt tắt như ngọn lửa rơm. Nhu cầu tha thứ xây dựng hòa bình “thêm bạn bớt thù” như người đời thường nói, xây dựng bình an bản thân và cộng đồng. Tổng thống Abraham Lincoln nói với mọi người: “Với thái độ thân thiện, tôi đã loại được kẻ thù và biến họ thành bạn của tôi”. Thật thế, sự quảng đại tha thứ đi bước trước trong tình yêu sẽ giúp cho chính bản thân của chúng ta thư thái an bình và có nhiều bạn hữu như câu châm ngôn dạy: “Gieo tha thứ gặt bình an” đạt tới sự hòa giải và được tha thứ mọi lỗi lầm như Đức Kitô dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin tha thứ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Ý lực sống :
‘‘Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta” (Thánh Augustinô).
Suy Niệm 10: Hãy yêu kẻ thù (Mt 5,43-48)
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Theo cách cư xử thông thường của người đời thì “yêu bạn ghét thù”. Nhưng đối với chúng ta, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải noi gương Chúa nhân lành, khoan dung, đại lượng với hết mọi người. Ngài cho mặt trời mọc lên và mưa xuống cho người lành cũng như kẻ dữ. Chúng ta là con cái Chúa, là môn đệ Chúa, chúng ta phải làm như Chúa, chúng ta phải yêu thương giúp đỡ, cầu nguyện, chẳng những cho thân nhân bạn hữu mà cho hết mọi người, kể cả những kẻ nghịch người thù, những kẻ làm khổ làm hại chúng ta.
‘‘Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã yêu thương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa. Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Là những môn đệ Chúa, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên, đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù... Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.
‘‘Hãy yêu kẻ thù”. Ai cũng bảo là không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người tốt thì ta quí. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta biết ơn và quí trọng. Gặp người xấu thì ta lánh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ. Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động, vì ta không có nền tảng. Phải có nền tảng tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào. Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu.
Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong Ngài chỉ có yêu thương: như mặt trời, như cơn mưa, không phân biệt (Tgm Ngô Quang Kiệt).
‘‘Hãy yêu kẻ thù”. Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đằng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ”. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con, đời con sang cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù cho tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hóa giải, mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
Truyện: Nelson Mandela, một nhà hoạt động cách mạng Nam Phi, từng bị giam giữ và bị xúc phạm trong suốt 27 năm. Đến khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi, ông đã mời 3 người cai ngục từng canh giữ ông trong thời gian tại chốn lao tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 vị cai tù này thì mọi người có mặt và trên toàn thế giới đều phải tĩnh lặng. Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng: nếu không thể để nỗi đau của riêng mình và oán giận ở lại đàng sau, thì tôi vẫn là còn ở trong lao tù”.
Người Kitô hữu không thể trốn tránh con đường chông gai, để chọn những lối đi bằng phẳng êm mát. Nhưng họ phải can đảm tiến tới để đạp gãy chông gai ghen ghét, san bằng sỏi đá hận thù, dõi theo ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và tha thứ cho những kẻ giết hại mình.
Truyện: Lấy thiện báo ác
Thời Xuân Thu chiến quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vun xới chăm chỉ nên dưa tốt quả nhiều. Người bên nước Sở lười, làm biếng tưới nên dưa xấu quả ít. Quan huyện sở tại nước Sở thấy vậy thì lấy làm tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy cũng đem lòng ghen ghét, tối tối lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác. Những người trồng dưa bên nước Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng rắp tâm sang phá dưa bên Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm, liền can ngăn và bảo: “Nếu lấy ác mà xử lại thì chỉ là cách gây thù chuốc oán, gieo mầm loạn lạc binh đao, cho nên thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới dưa cho họ, đó mới là thiện chí”.
Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân nước Sở lấy làm lạ, họ để ý rình rập mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa cho mình. Biết được điều đó, Quan bản địa có ý thẹn.
Việc đó đến tai vua Sở, vua Sở lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng ngoài cái tội phá hoại dưa của người, chắc còn những việc khác gây oán thù. Vua Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện, khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi, tỏ lòng hiếu hoà bang giao.
SUY NIỆM:
1. Hoàn tất Lề Luật
Trong Bài Giảng Trên Núi, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, để giúp chúng ta hiểu cách Ngài hoàn tất Lề Luật và mời gọi chúng ta hoàn tất như Ngài (Mt 5, 17), Đức Giê-su trình bày năm minh họa ; và mỗi minh họa đều được bắt đầu bằng công thức sau đây : « Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em » (c 21, 27, 33, 38 và 43).
Như thế, từ giờ trở đi, lời của Đức Giê-su sẽ thay thế cho Luật của Thiên Chúa ; hay nói cách khác, Thiên Chúa giờ đây không còn dạy dỗ chúng ta bằng Lề Luật nữa, nhưng bằng lời của Đức Giê-su, bằng chính ngôi vị của Đức Giê-su. Đây chính là biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ ; và tương quan của Đức Giê-su với Lề Luật thuộc về biến cố trọng đại này. Sau đây là năm trường hợp, minh họa cho cách Đức Giê-su hoàn tất Lề Luật :
Những minh họa mà Đức Giê-su đưa ra, chỉ đề cập đến năm điều luật, nhưng là những điều luật liên quan đến những vấn đề thiết yếu của sự sống con người, nghĩa là đến sự duy trì và phát triển của sự sống. Và trường hợp thứ năm, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, là điểm tới và là đỉnh cao không chỉ của các minh họa, những của cả toàn bộ Lề Luật được Đức Ki-tô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những minh họa trước đó, chẳng hạn minh họa thứ tư mà chúng ta nghe hôm qua. Nhưng ở đây, tình yêu được nêu ra một cách minh nhiên và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha trên trời.
Với minh họa thứ năm này, Đức Giêsu mời gọi người môn đệ sống nguyên tắc “Cha nào con nấy”, như chính Ngài đã sống. Như thế, hoàn tất Lề Luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa[1].
2. Luật « hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù »
Trong minh họa thứ năm, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói:
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (c. 43-44)
Giới luật “hãy ghét kẻ thù” mà Đức Giêsu trích dẫn không có trong bộ Ngũ Thư (Torah). Người ta có thể tìm thấy những lời tương đương, nhưng chỉ áp dụng cho một dân tộc đặc thù (x. Đnl 23, 4), chứ không áp dụng cho kẻ thù nói chung. Sự oán ghét không bao giờ là đối tượng của một giới luật, nhưng chỉ là một hệ quả thực tế của nguyên tắc: “bạn của anh là bạn của anh, kẻ thù của anh là kẻ thù của anh, anh cứ theo đó mà ứng xử”. Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến kẻ thù, dù không có trong Torah, vẫn diễn tả cách trung thực giới luật: “anh hãy yêu mến người thân cận” được diễn giải và được sống trong thực tế.
Chìa khóa để hiểu những lời này của Đức Giêsu vẫn là điểm khởi đầu: thay vì yêu mến “những người yêu mến anh em”, thì anh em đừng chờ đợi để yêu mến. Anh em hãy khởi đầu, hãy yêu mến trước, và đừng biến tình yêu của mình thành gương soi của tình yêu mà anh em chờ đợi hay nhận được. Cha ở trên trời luôn hành xử như thế đối với chúng ta! Như thế, hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động theo cung cách của chính Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự: anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng Hoàn Thiện. Và Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện “ở trên trời”, nhưng cũng hiện diện nơi sâu thẳm của mỗi người chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
3. “Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”
Như thế, chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo Lề Luật, nhưng còn sống theo Lời Chúa; nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo Lề Luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được?
Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con nấy”, “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”!
Như thế, chúng ta là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những người tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Chúa nói: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
* * *
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa.
Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39). Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?
Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không.
* * *
Chỉ khởi đi từ nắng từ mưa, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra, không chỉ Thiên Chúa sáng tạo, nhưng chính tình yêu quảng đại của Thiên Chúa và từ đó có thể sống một sự sống hoàn toàn mới, đế độ có thể yêu thương cả kể thù! Vậy, nhớ lại ơn huệ, ơn huệ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, chắc chắn sẽ có sức mạnh “tái sinh” chúng ta còn hơn thế nữa (x. Tv 139).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Có thể đọc thêm bài “Đức Ki-tô và Lề Luật”.
Tuesday (June 15): Love your enemies and pray for them
Scripture: Matthew 5:43-48 43 “You have heard that it was said, `You shall love your neighbor and hate your enemy.’ 44 But I say to you, Love your enemies and pray for those who persecute you, 45 so that you may be sons of your Father who is in heaven; for he makes his sun rise on the evil and on the good, and sends rain on the just and on the unjust. 46 For if you love those who love you, what reward have you? Do not even the tax collectors do the same? 47 And if you salute only your brethren, what more are you doing than others? Do not even the Gentiles do the same? 48 You, therefore, must be perfect, as your heavenly Father is perfect. |
Thứ Ba 15-6 Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ
Mt 5,43-48 43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. |
Meditation:
What makes the disciples of Jesus different from others and what makes Christianity distinct from any other religion? It is grace – treating others, not as they deserve, but as God wishes them to be treated – with loving-kindness, forbearance, and mercy. God is good to the unjust as well as the just. His love embraces saint and sinner alike. God seeks our highest good and teaches us to seek the greatest good of others, even those who hate and abuse us. Overcome evil with good Our love for others, even those who are ungrateful and selfish towards us, must be marked by the same kindness and mercy which God has shown to us. It is easier to show kindness and mercy when we can expect to benefit from doing so. How much harder when we can expect nothing in return. Our prayer for those who do us ill both breaks the power of revenge and releases the power of love to do good in the face of evil. Christ’s redeeming love and mercy frees us from all hatred and malice towards others How can we possibly love those who cause us harm or ill-will? With God all things are possible. He gives power and grace to those who believe and accept the gift of the Holy Spirit. His love conquers all, even our hurts, fears, prejudices and griefs. Only the cross of Jesus Christ can free us from the tyranny of malice, hatred, revenge, and resentment and gives us the courage to return evil with good. Such love and grace has power to heal and to save from destruction. Do you know the power of Christ’s redeeming love and mercy? Allow the Holy Spirit to change and transform the way you think, judge, and treat others Was Jesus exaggerating when he said we must be perfect as our heavenly Father is perfect? The original meaning of “perfect” in Aramaic is “completeness” or “wholeness – not lacking in what is essential.” God gives us every good gift in Jesus Christ so that we may not lack anything we need to do his will and to live as his sons and daughters (2 Peter 1:3). He knows our weakness and sinfulness better than we do. And he assures us of his love, mercy, and grace to follow in his ways. Do you want to grow in your love for God and for your neighbor? Ask the Holy Spirit to change and transform you in the image of the Father that you may walk in the joy and freedom of the Gospel. “Lord Jesus, your love brings freedom and pardon. Fill me with your Holy Spirit and set my heart ablaze with your love that nothing may make me lose my temper, ruffle my peace, take away my joy, nor make me bitter towards anyone.” |
Suy niệm:
Điều gì làm cho người tín hữu khác với người khác và điều gì làm cho đạo Công giáo khác với các tôn giáo khác? Đó chính là ơn sủng – cách đối xử với tha nhân, không như họ xứng đáng nhưng như Thiên Chúa muốn họ được đối xử – với lòng khoan dung yêu thương và thương xót. Thiên Chúa nhân hậu với người lành cũng như kẻ dữ. Tình yêu của Người ôm lấy người thánh thiện cũng như người tội lỗi. Thiên Chúa luôn tìm kiếm sự lợi ích nhất cho chúng ta, và dạy chúng ta cũng làm như vậy với người khác, kể cả những người ghen ghét và đối xử tệ bạc với chúng ta. Chế ngự điều dữ bằng điều lành Tình yêu của chúng ta dành cho người khác, thậm chí với những người vô ơn và ích kỷ, phải được thể hiện cũng cùng lòng nhân hậu và thương xót mà Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta. Thật là dễ dàng để tỏ lòng tốt và thương xót khi chúng ta có thể mong đợi sự đáp trả cho hành động đó. Nhưng khi chúng ta không thể mong đợi gì từ sự đáp trả thì khó khăn biết bao. Lời cầu nguyện cho những ai làm hại chúng ta, vừa đập tan quyền lực của sự trả thù và phát sinh sức mạnh của tình yêu để làm điều tốt trong khi đối mặt với sự dữ. Tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi mọi hận thù và ác tâm đối với người khác Làm thế nào để có thể yêu thương những người có ác ý và làm hại chúng ta? Với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Người ban sức mạnh và ơn sủng cho những ai tin tưởng và đón nhận Chúa Thánh Thần. Tình yêu của Người chiến thắng tất cả, thậm chí những xúc phạm, sợ hãi, thành kiến, và đau khổ. Chỉ có thập giá Ðức Giêsu Kitô mới có thể giải thoát chúng ta khỏi hành động ác tâm, thù hận, ghen ghét, oán giận, và ban cho chúng ta lòng can đảm để biến điều xấu thành điều tốt. Tình yêu và ơn sủng như thế có năng lực chữa lành và cứu thoát khỏi sự diệt vong. Bạn có biết sức mạnh của tình yêu và lòng thương xót cứu độ của Đức Kitô không? Hãy để Chúa Thánh Thần thay đổi và biến hóa cách bạn suy nghĩ, phán đoán, và hành xử đối với người khác Ðức Giêsu có phóng đại khi Người nói chúng ta phải nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành không? Ý nghĩa nguyên thủy của hạn từ “perfect” trong tiếng Aram là “trọn vẹn” hay “đầy đủ – không thiếu những gì chủ yếu”. Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi ơn sủng tốt lành trong Đức Giêsu Kitô, để chúng ta không thiếu thốn bất cứ sự gì để thực hiện thánh ý Người, và sống với tư cách là con cái của Người (2Pr 1,3). Người biết sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta hơn chúng ta biết. Người bảo đảm với chúng ta về ơn sủng, và sự trợ giúp của Người để bước theo những đường lối của Người. Bạn có muốn lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân không? Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần thay đổi và biến đổi bạn theo hình ảnh của Cha để bạn có thể bước đi trong niềm vui và tự do của Tin mừng. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa đem lại tự do và tha thứ. Xin Chúa đổ Thánh Thần Chúa xuống trên con và làm cho lòng con cháy lửa tình yêu Chúa, để không có gì có thể khiến con mất bình tĩnh, xáo trộn sự bình an, lấy mất niềm vui, hay khiến con gay gắt với bất cứ ai. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn