Thứ Hai tuần 6 thường niên.

Chủ nhật - 14/02/2021 08:13
 Thứ Hai tuần 6 thường niên.
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?".
 
Lời Chúa: Mc 8, 11-13
Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người.
Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
 

 
Suy Niệm 1a: Tìm một dấu lạ từ trời
Suy niệm:
Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi cái lạ thường, cái khác thường.
Còn cái bình thường, như thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.
Chỉ cần nghe đâu đó có hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến,
lắm khi chẳng cần suy nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ.
Những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy,
cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng.
Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ:
một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng.
Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá:
một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết Ngài.
“Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32).
Đức Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha.
Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc…
Kitô giáo không đặt nền trên những chuyện dị thường, ma quái.
Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ
vì Ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của con người,
vì Ngài muốn đáp lại lòng tin quá lớn của bệnh nhân,
và vì Ngài muốn cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến rồi.
Phép lạ lớn nhất của Đức Giêsu là Tình Yêu.
Các ông Pharisêu không phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ.
Sau này các thượng tế cũng nhìn nhận:
“Hắn đã cứu được người khác…” (Mc 15, 31).
Nhưng họ thấy điều đó vẫn không đủ hoành tráng và gây ấn tượng.
Họ đòi một dấu lạ từ trời, một dấu lạ lớn hơn để họ tin vào Ngài.
Đức Giêsu đã mạnh mẽ từ chối đòi hỏi ấy.
Làm sao chúng ta nhìn ra được những điều bình thường, nho nhỏ
mà Chúa vẫn làm cho chúng ta mỗi ngày?
Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn.
Như người Pharisêu, chúng ta chẳng hề mãn nguyện.
Chúng ta vẫn muốn thử Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài.
Xin cho tôi thấy được sự kỳ diệu của Tình Yêu
nơi những điều tưởng như là tự nhiên của cuộc sống.
 
Cầu nguyện:
Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn, trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín, mầu vàng mặt trời xế chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân dìu dịu.
Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.
Xin cho chúng con
biết chung sống với thiên nhiên này
như một người bạn, một quà tặng Cha ban,
biết giữ gìn ngôi nhà trái đất
để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,
và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng nên
được cùng với cả nhân loại chúng con
vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 
Suy Niệm 2: Đòi một dấu lạ
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Máccô, ngay sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai,
các ông Pharisêu đã đến và tranh luận với Đức Giêsu.
Đơn giản họ muốn đòi Ngài làm một dấu lạ từ trời.
Có vẻ phép lạ nuôi đám đông vừa qua và những phép lạ trước đó
không đủ để thuyết phục họ tin vào con người Ngài.
Họ vẫn muốn thử thách Đức Giêsu (c. 1).
Chẳng trách Đức Giêsu đã thở dài não nuột
và quyết liệt từ chối một cách trịnh trọng: “Tôi bảo thật cho các ông biết:
thế hệ này sẽ không được cho một dấu lạ nào cả.” (c. 12).
Toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu đã là một dấu lạ từ trời rồi.
Trong nỗi muộn phiền, Ngài đặt câu hỏi với các ông Pharisêu:
“Tại sao thế hệ này lại đòi một dấu lạ?” (c. 12).
Hóa ra họ lại vấp vào tội của cha ông họ thời xưa trong hoang địa:
“Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán.” (Tv 95, 8-11).
Bất chấp bao việc lạ Chúa làm (Ds 14, 10-12. 22),
dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay vẫn không ngớt đòi thêm.
Các vị lãnh đạo Do Thái giáo đòi thêm vì họ không muốn tin Đức Giêsu.
Chính vì lòng họ chai đá, không muốn tin,
nên các phép lạ lớn lao trước mắt chẳng ảnh hưởng gì trên họ.
Họ mong một phép lạ lớn hơn nữa, rõ hơn nữa, ấn tượng hơn nữa.
Nhưng dù dấu lạ manna rơi xuống từ trời có xảy ra lại
thì chưa chắc họ đã tin Đức Giêsu.
Thay vì đòi Ngài làm thêm phép lạ để minh chứng,
con người cần ra khỏi sự chai đá của lòng mình
Cần có mắt sáng để thấy được ý nghĩa sâu xa của phép lạ.
Cũng như cần có tai tốt để hiểu được các dụ ngôn của Đức Giêsu.
và đi vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Mc 4, 11).
Phép lạ của Đức Giêsu không chỉ hấp dẫn vì yếu tố kỳ diệu, lạ lùng,
nhưng vì chúng khai mở Nước Thiên Chúa
và vén mở cho ta thấy Đức Giêsu là ai.
Chẳng phải chỉ người Do Thái mới đòi hỏi những dấu lạ (1 Cr 1, 22).
chúng ta cũng dễ đặt đức tin mình trên nền tảng dấu lạ, phép lạ.
Chúng ta không thích cái bình thường, cái đều đặn xảy ra mỗi ngày,
vì chúng ta không tin Chúa hiện diện và hoạt động trong thầm kín.
Thay vì quá tìm kiếm và đòi hỏi những dấu lạ,
chúng ta được mời gọi nhận ra những dấu chỉ của thời đại mình sống.
Qua những thao thức và khát vọng của con người hôm nay,
chúng ta nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.
Qua dấu chỉ của một thế giới đang biến chuyển từng ngày,
chúng ta thấy Giáo hội cần thích nghi và đáp ứng những nhu cầu mới.
Người Pharisêu không đọc được ý nghĩa những dấu lạ Đức Giêsu làm.
Chúng ta xin ơn đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa cho thời hôm nay.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
 
Suy Niệm 3: ĐỨC TIN
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giê-su buồn và than phiền về thế hệ này. Họ chỉ đòi dấu lạ. Nhưng không có đức tin. Có đức tin thì không cần dấu lạ. Không có đức tin thì dấu lạ cũng vô ích. Nên Chúa quyết định: “Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia”. Chúa Giê-su bỏ họ lại đó với sự cứng lòng chết chóc của họ. Chúa sang bờ bên kia của đức tin. Chỉ có đức tin mới nối kết được con người với Thiên Chúa.
Nhưng đức tin luôn gặp thử thách vì những khó khăn trong đời sống. Những thử thách Chúa gửi đến có mục đích thanh luyện đức tin, kiểm nghiệm đức tin và ban thưởng đức tin.
Người có đức tin có Thiên Chúa ở cùng. Nên vui tươi trong mọi hoàn cảnh. Vui tươi khi gặp khốn khó. “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn”. Vui tươi chấp nhận mọi thăng trầm thành bại trong đời. Vì biết rằng mọi sự mau qua. “Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên; còn người giầu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ”. Vì thế người có đức tin không do dự. Luôn cầu xin ơn khôn ngoan để biết phân định trong đời sống. Nhờ đó sống trung tín trong mọi hoàn cảnh. Luôn trung tín (năm chẵn).
Người không có đức tin sống như không có Chúa. Ca-in giết em, tưởng Chúa không biết. Nên chối “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”. Không có đức tin nên không chiến đấu để vượt qua cám dỗ. Dù đã được cảnh báo: “Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn người; nhưng ngươi phải chế ngự nó”. Không chế ngự được mình. Không có đức tin. Nên Ca-in sống trong buồn rầu, thất vọng. “Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi,... Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa” (năm lẻ).
Đức tin như thế là một cuộc vượt qua. Vượt qua những gì khả giác để thấy thế giới siêu nhiên. Vượt qua những giá trị mau qua để chiếm được vương quốc vĩnh cửu. Vượt qua được những cám dỗ rình rập. Vượt qua chính mình để đạt tới Chúa.
 
Suy Niệm 4: Dấu lạ của tình thương
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Chúa Giêsu thở dài
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc. 8, 11-12)
Than vắn thở dài là chuyện thường tình. Có ai đã không nghe tiếng thở than của một người bệnh, một người hấp hối? Ai trong chúng ta đã không bao giờ buông ra tiếng thở dài não nuột? Khi lòng ta gặp chuyện trái ý, đau buồn, thất vọng, hoặc thân xác ta phải đau đớn, thở dài một tiếng, ta cũng cảm thấy được vợi bớt phần nào. Chính nỗi đau thái quá ta phải chịu, khiến ta bộc lộ những phản ứng thái quá. Làm như thế ta coi như tâm hồn được giải thoát phần nào.
Trong Phúc âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu cũng phải buông tiếng thở dài. Người cảm thấy chán quá rồi. Ngay khi Người vừa mới ở dưới thuyền lên, những người Pharisiêu đã xấn lại và bắt đầu chất vấn Người. Họ đòi Người làm cho họ một dấu lạ từ tròi, bởi lẽ theo họ quan niệm, một vị ngôn sứ phải chứng tỏ mình có sứ mệnh Chúa trao bằng một dấu lạ từ trời. Họ đòi một điều như thế đó, khi mà Chúa Giêsu vừa mới làm phép lạ hóa bánh rá nhiều cho bốn ngàn người ăn no. Họ còn muốn được thấy từ trời đổ xuống một trận mưa những miếng bánh mì, như dấu chỉ có giá trị và chứng minh cho sứ mạng chân chính về ngôn sứ của Chúa Giêsu.Trước một yêu sách như thế, chứng tỏ họ cứng lòng và ngoan cố không tin, nên Chúa Giêsu phải thở dài não nuột.
Một thái độ cự tuyệt
Trong những điều kiện như vậy, để phản đối những người Pharisiêu, Chúa Giêsu tỏ một thái độ cự tuyệt, một sự từ chối thẳng thừng: “Thế hệ này sẽ khong được một dấu lạ nào cả”. Biết được lòng dạ xấu xa của họ, Chúa Giêsu không tranh luận, không tự biện bạch, Người từ chối điều họ yêu cầu. Và như để tỏ rõ lập trường hơn nữa, Người nói là làm ngay: Người để họ đứng trơ ra đó, xuống thuyền, đi ngược chiều về phía bờ bên kia. Nguyên sự có mặt của họ cũng đủ làm cho Người bực mình rồi, nên Người muốn thoát đi cho mau lẹ. Chúa Giêsu tỏ ra rất cương nghị, Người tàn nhẫn xua đuổi những kẻ đến trò chuyện với mình. Vì đây là trường hợp hi hữu, trái với thái độ thường xuyên của Người là vốn niềm nở tiếp đón và hiền từ với mọi người: xưa nay Người vẫn hay để cho dân chúng chen lấn xô đẩy, trẻ em “quấn quýt”, bệnh nhân tràn ngập.
Là những tín hữu, chúng ta có thể bắt chước thái độ ngoan cường, cứng rắn đó của Chúa không? Tất nhiên là có, khi danh dự của Chúa – chứ không phải của ta – bị coi thường. Người ta vẫn tố cáo là Kitô giáo đã làm cho con người trở nên nhu nhược, mất tính nam nhi, ta cần phải chứng minh điều ngược lại, khi biết tỏ thái độ cương quyết, lúc cần phải tỏ. Người Kitô hữu là người có khả năng chọn lựa, thì cũng phải có khả năng từ chối. Nhưng người Kitô hữu cũng phải biết cho người ta những dấu lạ ở trần gian khi người ta đòi mình những dấu lạ từ trời.
 
Suy Niệm 6: CẦN CÓ ĐỨC TIN ĐỂ ĐÓN NHẬN TÌNH THƯƠNG (Mc 8,11-13)
Chúng ta thấy trong Tin Mừng, gần như đã trở thành quy luật để Đức Giêsu thi hành phép lạ, đó là đức tin và lòng mến. Nếu không có đức tin thì ắt không thể có lòng mến, mà không có lòng mến thì làm sao có thể hoán cải? Như thế sẽ không bao giờ có phép lạ!
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy những người Pharisêu cũng đến để nghe Đức Giêsu giảng và họ đã chứng kiến rất nhiều phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm. Một trong những phép lạ mới nhất, đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người từ bẩy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì họ lại trai cứng và tiếp tục đi vào vết xe đổ như Tổ tiên họ đã thách thức Thiên Chúa trong Samạc; hay đi theo con đường của Satan khi chúng thử thách Đức Giêsu sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày! Trước sự chai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tỵ và sự giả dối nơi họ, nó đã làm cho lương tâm những người Pharisêu bị phủ lấp và không còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Và Ngài đã không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.
Trong đời sống đức tin của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh phúc vĩnh cửu!
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khiêm tốn và lòng yêu mến Chúa để chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa và luôn sống trong sự an bài của Ngài. Amen.
Ngọc Biển SSP
 
Suy Niệm 7Một dấu lạ từ trời
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng... Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh... trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này?”. Nhưng người bạn lắc đầu giải thích “Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.
Thảm trạng của con người thời đại: Con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy ánh sáng và mầu nhiệm... con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Suy niệm
Theo văn mạch của Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu vừa làm nhiều phép lạ trong đó có những phép lạ lớn (x. Mc 4,35-5,43): Dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại. Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (x. Mc 8,1-10). Thế mà những người pharisiêu vẫn chưa tin Ngài, họ lại thách Ngài làm một “dấu lạ từ trời”, nghĩa là một phép lạ xuất phát từ chính Thiên Chúa.
Họ không chú ý tìm chân lý nhưng chỉ để thử Ðức Giêsu, họ thiếu thiện chí, họ không tin là vì họ ngoan cố. Nơi lòng dạ những người cứng tin này, Ðức Giêsu buồn lòng, Ngài không làm gì được cho họ.
Trong phần tiếp theo của Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm thêm những phép lạ khác. Những phép lạ đó không phải làm cho những người pharisiêu cứng lòng, nhưng cho những người tin. Phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là những dấu chỉ dẫn chúng ta tới đức tin. Bởi thế, nếu sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ chưa phải là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Xin cho chúng ta biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện, đức tin soi chiếu từng bước chân đi vào đời.
Ý lực sống: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).
 
Suy Niệm 8: Biệt phái xin Chúa phép lạ từ trời
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (8,1-10) lần thứ hai ở phía đông biển hồ Bétsaiđa, Chúa Giêsu cùng môn đệ xuống thuyền sang phía tây hồ. Nhưng vừa cập bến được ít lâu, một nhóm biệt phái, có cả nhóm sađucêu nữa, kéo nhau đến rình mò , tranh luận và thử thách Ngài.
Trước đó Người cũng đã làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35 – 5,43: dẹp yên bão táp, trục xuất quỉ ám  ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại). Thế mà những người biệt phái vẫn chưa tin Người. Hôm nay họ lại thách thức Người làm một “dấu lạ từ trời” nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.
2. “Người thở dài não nuột mà nói...”
Thực ra những phép lạ Người làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ minh chứng Người là Đấng có quyền phép “từ trời”. Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói  sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa .
Trong phần tiếp theo, Tin Mừng Mc vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giêsu làm thêm nhiều phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho  những người biệt phái ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những người khác chứ không cho những người biệt phái cứng lòng.
3. Vấn đề phép lạ - dấu lạ.
Đành rằng trong công cuộc truyền giáo, Chúa ban cho một số chứng nhân của Người có khả năng làm một số phép lạ hay dấu lạ để minh chứng lời rao giảng và nâng đỡ niềm tin cho người nghe, nhưng phép lạ hay dấu lạ không là điểm chính yếu và đóng vai trò quyết định cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Vì thế, sẽ tầm thường hóa niềm tin và hậu quả là sự hời hợt không có chiều sâu cũng như không có sự yêu mến đích thực.
Thánh Phaolô từng dạy rằng, đã trông thấy rồi mới tin thì không còn là đức tin nữa. Nói cách khác, chỉ là sự bất đắc dĩ phải chấp nhận khi chuyện đã tỏ tường mà thôi. Thiên Chúa ban phép lạ hay dấu lạ là do lòng nhân hậu của Người và có giá trị trong chương trình cứu độ, chứ không chiều theo sở thích của con người đòi hỏi Người phải ban dấu lạ điềm thiêng.
Thật vậy, một đức tin trưởng thành không hệ tại ở dấu lạ, mà kiên trì trong thử thách và sự trung tín bền vững vào Chúa. Đó mới là điều hữu ích cho linh hồn tín hữu.
4. Những phép lạ kể trên  đã đủ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng, họ không tin là vì họ ngoan cố, bởi đó Ngài nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Chúng ta phải nói lại, phép lạ Chúa như vậy, Tin Mừng hôm nay cho thấy phép lạ “không sinh ra đức tin” mà chỉ là “dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin”. Bởi thế, Sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima, La Vang...) thì chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin. Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.
5. Niềm tin thì chúng ta dễ có, và có thể tạo ra niềm tin, còn Đức tin thì phải đến từ Thiên Chúa, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải con người tạo ra Đức tin. Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một Đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là Đức tin nữa. Vả lại, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.
6. Truyện: Hãy cho tôi thấy Thiên Chúa.
Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng rất ngạo ngược. Ngày kia, ông bèn nảy ra ý kiến hiểm độc. Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thực hiện cho nhà vua được? Vì không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách  thức ấy.
Biết được nỗi lo âu ấy, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo  cho phép để chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Họ không tin tưởng lắm, nhưng cũng đành lòng chấp nhận.
Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói: “Tâu bệ hạ, xin hãy nhìn”.
Nhà vua tức giận quát lớn: “Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai có thể nhìn vào mặt trời chói chang như vậy”?
Lúc ấy, người chăn chiên liền quì gối xuống trước mặt vua mà nói: “Muôn tâu bệ hạ, với một vật Chúa làm ra và ánh sáng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy chính Thiên Chúa được?
 

Sẽ không có dấu lạ nào được ban cho thế hệ này – SN song ngữ 15.02.2021

 0 BY  ON 14/02/2021SUY NIỆM HẰNG NGÀY

Monday (February 15):  “No sign shall be given to this generation”

 

Scripture:  Mark 8:11-13

11 The Pharisees came and began to argue with him, seeking from him a sign from heaven, to test him. 12 And he sighed deeply in his spirit, and said, “Why does this generation seek a sign? Truly, I say to you, no sign shall be given to this generation.” 13 And he left them, and getting into the boat again he departed to the other side.

Thứ Hai 15-2  Sẽ không có dấu lạ nào được ban cho thế hệ này

 

Mc 8,11-13

11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.12 Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.”13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

Meditation: 

 

Are you good at reading signs? Signs tell us what is coming ahead. The people of Jesus’ time expected that the coming of the Messiah would be accompanied by extraordinary signs and wonders. The religious leaders tested Jesus to see if he had a genuine sign from heaven to back his claim to be the Messiah. False messiahs in the past had made extraordinary claims to attract their followers, such as claiming that they could cleave the Jordan River in two or cause the walls of Jerusalem to fall. 

What makes us blind-sighted to God’s presence and power in our lives?

Jesus knew the hearts of those who came to test him. They were more interested in seeking signs to prove that they were right and Jesus was wrong. Jesus revealed the true intention of their heart – they came to argue with him and to test him (Mark 8:11) because they did not believe that he spoke in the name of his Father in heaven. They wanted to discredit his claim to be the true Messiah and Savior. They unfortunately were blind-sighted to the truth of Jesus’ message that the Father had sent him, the only begotten Son, to set them free from sin, Satan, and death. No miracle of Jesus would convince them because their hearts were full of self-seeking pride and glory for themselves. 

Simeon had prophesied at Jesus’ birth that he was “destined for the falling and rising of many in Israel, and to be a sign that will be opposed so that inner thoughts of many will be revealed” (Luke 2:34-35). Jesus gave the Pharisees no sign except himself and the ultimate proof of his divinity when he overcame death and rose victorious from the tomb on the third day.We also need no further proof than the witness of Jesus who fulfilled what Moses and the prophets had foretold would take place when the Messiah came to redeem his people. 

Jesus is the only begotten Son of God who came from the Father in heaven to set us free from the power of sin, Satan, and death. His death on the cross atones for all of our sins and opens for us the floodgates of God’s merciful love and healing forgiveness. He alone can set us free from guilt, condemnation, pride, and fear. He alone can give us abundant life, peace, and joy through the gift of the Holy Spirit. 

Jesus gives us “listening ears” and “eyes of faith” to recognize his presence in our lives

The Lord reveals himself and makes his presence known to us in many ways – in his “word” (the good news he came to give us) and in the “breaking of the bread” in the Eucharist (he is the Bread of Life), in his church – the Body of Christ, and in his creation (he is the Word who created all things). And even in the daily circumstances of our lives the Lord Jesus continues to speak to us and guide us. If we seek the Lord Jesus, we will surely find him. And we can be confident that he will give us whatever we need to carry out his will for our lives. Most of all the Lord Jesus assures us of his daily presence with us and the promise that he will never leave us. Theresa of Avila’s prayer book contained a bookmark which she wrote: Let nothing disturb you, let nothing frighten you; All things pass: God never changes. Patience achieves all it strives for. Whoever has God lacks nothing, God alone suffices. Is God enough for you?

 

“Lord Jesus, may I always recognize your saving presence in my life and never forget your promises when I encounter trials and difficulties. Give me a faith that never wavers, a hope that never fades, and a love that never grows cold.”

 

Suy niệm: 

 

Bạn có giỏi nhìn xem những dấu chỉ không? Những dấu chỉ báo cho chúng ta biết những gì sắp xảy ra. Người thời Đức Giêsu mong rằng việc Đấng Mêsia đến sẽ được thực hiện qua những dấu chỉ và phép lạ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thử thách Đức Giêsu để xem Người có dấu chỉ xác thực từ trời dành cho những lời công bố về Đấng Mêsia không. Những mêsia giả hiệu trong quá khứ đã đưa ra những lời công bố lạ thường để lôi cuốn những người theo mình, chẳng hạn như nói rằng họ có thể phân rẽ sông Giođan thành hai, hay làm cho bức tường thành Giêrusalem sụp đỗ.

Điều gì làm cho chúng ta mù quáng trước sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta?

Đức Giêsu biết rõ lòng trí của những kẻ đến thử thách mình. Họ thích thú trong việc tìm những dấu lạ để chứng minh họ là đúng và Đức Giêsu là sai. Đức Giêsu đã bộc lộ ý định thật sự của lòng họ – họ đến để tranh cãi với Người và thử thách Người (Mc 8,11) bởi vì họ không tin rằng Người nói nhân danh Cha trên trời. Họ muốn bôi nhọ lời tuyên bố là Đấng Mêsia và là Đấng cứu độ đích thật của Người. Thật không may, họ bị mù quáng trước sự thật sứ điệp của Đức Giêsu rằng Cha đã sai Người đến, là con một duy nhất, để giải thoát họ khỏi tội lỗi, Satan, và sự chết. Không phép lạ nào của Đức Giêsu có thể thuyết phục được họ bởi vì lòng kiêu căng của họ đầy sự tìm kiếm vinh quang cho bản thân họ.

Cụ già Simêon đã nói tiên tri lúc Đức Giêsu mới sinh rằng Người là “cớ cho nhiều người trong dân Israel vấp ngã và đứng lên, và nhờ đó tâm tư của nhiều người sẽ được bộc lộ” (Lc 2,34-35). Đức Giêsu không ban cho những người Pharisêu dấu lạ nào ngoại trừ dấu lạ về chính mình và bằng chứng cuối cùng về thiên tính của Người khi Người chiến thắng sự chết và sống lại ra khỏi mồ vinh quang vào ngày thứ ba. Chúng ta cũng không cần bằng chứng nào khác bằng chứng của Đức Giêsu, Đấng đã hoàn tất những gì Moisen và các ngôn sứ đã tiên báo sẽ được ứng nghiệm khi Đấng Mêsia đến để cứu chuộc dân Người.

 

Đức Giêsu là con một yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng đến từ Cha trên trời để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi, Satan, và sự chết. Cái chết của Người trên thập giá đền bù cho mọi tội lỗi của chúng ta và mở ra cho chúng ta những con kênh của tình yêu thương xót và ơn tha thứ chữa lành của Thiên Chúa. Chỉ có Người mới có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lội, sự kết án, kiêu ngạo, và sợ hãi. Chỉ có Người mới có thể ban cho chúng ta sự sống sung mãn, bình an, và niềm vui qua hồng ân của Chúa Thánh Thần.

Đức Giêsu ban cho chúng ta “đôi tai lắng nghe” và “cặp mắt đức tin” để nhận ra sự hiện diện của Người trong đời sống chúng ta

Chúa mặc khải chính mình và bày tỏ sự hiện diện của Người cho chúng ta trong nhiều cách thức – trong “Lời” của Người (Tin mừng Người đến ban cho chúng ta) và trong “việc bẻ bánh” trong thánh lễ (Người là Bánh Sự sống), trong Giáo hội – Thân thể của Đức Kitô, trong sự tạo dựng của Người (Người là Ngôi Lời, Đấng tác thành mọi sự). Và thậm chí trong những tình huống mỗi ngày của cuộc đời chúng ta, Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta và hướng dẫn chúng ta. Nếu chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu, chắc chắn chúng ta sẽ gặp Người. Và chúng ta có thể tin chắc rằng Người sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cần để thực hiện ý Người trong đời sống chúng ta. Trên hết, Chúa Giêsu đoan chắc về sự hiện diện hằng ngày của Người với chúng ta, và lời hứa sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta. Sách cầu nguyện của thánh Têrêsa Avila có một câu viết như sau: Đừng để điều gì quấy rối bạn, đừng để điều gì làm bạn sợ. Mọi sự sẽ trôi qua. Sự kiên nhẫn đạt được tất cả những gì nó cố gắng. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Ai có Thiên Chúa chẳng thiếu thốn gì, chỉ một mình Thiên Chúa là đủ. Thiên Chúa có đủ cho bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con luôn nhận ra sự hiện diện cứu độ của Chúa trong đời sống con, và không bao giờ quên đi những lời hứa của Chúa khi con gặp phải những thử thách và khó khăn. Xin Chúa ban cho con đức tin không bao giờ dao động, đức cậy không bao giờ tàn úa, và đức mến không bao giờ băng giá.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây