Thứ Năm sau lễ Tro.
“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.
Lời Chúa: Lc 9, 22-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.
Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”
SUY NIỆM 1: Vác thập giá mình hằng ngày
Khi nhìn các bạn đi dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc năm 2008
giành nhau chung vai vác cây thánh giá bằng gỗ, thật dài và nặng,
với vẻ mặt hớn hở vui tươi,
chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng vác thánh giá đâu có gì khó.
Nhưng khi phải đối diện với những thánh giá không bằng gỗ,
những thánh giá vô hình mà ta phải vác một mình,
chúng ta thấy khó hơn nhiều.
Không thể nói đến Đức Giêsu mà không nói đến thánh giá.
Thánh giá là cái giá Ngài trả cho cả một đời dám sống cho Cha
và cho con người, đặc biệt những người yếu thế.
Thánh giá nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha,
nhưng thánh giá cũng là kết quả của lựa chọn căn bản của Đức Giêsu.
Ngài đã chết như thế vì Ngài đã dám sống như thế.
Đức Giêsu dần dần ý thức rằng
nếu Ngài cứ tiếp tục làm chướng mắt giới lãnh đạo Do thái giáo,
gồm các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư (c. 22),
thì cái chết như Gioan Tẩy giả là điều Ngài sẽ không tránh khỏi.
Đức Giêsu có thừa cách để tránh cái chết.
Nếu Ngài đừng giảng dạy, đừng hành xử như đã quen làm.
Nếu Ngài đừng nhất quyết lên Giêrusalem, nơi nguy hiểm (Lc 9, 51)…
Nếu Ngài chiều sự tò mò của Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ (Lc 23, 8)…
Nhưng Đức Giêsu đã không sợ hãi lùi bước.
Ngài bình thản đón lấy định mệnh bi đát của mình khi nói với môn đệ:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết…”
Ngài đón lấy chữ phải từ tay Cha, và tin mọi sự đều không ngoài ý Cha.
Đức Giêsu xác tín Cha sẽ không bỏ rơi mình,
Ngài tin vào kết thúc có hậu của đời mình:
“và ngày thứ ba Con Người phải được nâng dậy” (c. 22).
Chính Cha sẽ nâng ngài dậy từ cõi chết.
Định mệnh của Thầy Giêsu cũng là định mệnh của chính chúng ta.
Kitô hữu là người đi theo Thầy, đi cùng con đường với Thầy.
Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu
nếu chúng ta muốn sống yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật…
Chỉ khi từ bỏ chính mình (c. 23), ta mới không đánh mất chính mình (c.25).
Dựa vào sự phục sinh của Đức Giêsu, ta mới dám sống kinh nghiệm đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: SỰ SỐNG HAY SỰ CHẾT
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Sau khi vượt qua Biển Đỏ, trước khi ký kết giao ước với Thiên Chúa, Mô-sê trình bày rõ ràng tình hình. Để dân chúng tự do chọn lựa. Hoặc ký giao ước với Thiên Chúa để được sống. Hoặc đi theo các bụt thần dân ngoại sẽ bị chết. “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ… Nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất… Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống, nghĩa là hãy yêu mến đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh em sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh em”.
Chúa Giê-su đi vào sâu xa hơn. Đó là chọn lựa giữa Thiên Chúa và bản thân. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì”?
Bản thân đang trở thành ngẫu tượng. Với trào lưu tìm hưởng thụ. Cá nhân. Tự do. Con người vừa thờ phượng thân xác. Vừa phóng túng sử dụng nó vào hưởng thụ khoái lạc. Nhưng lại sẵn sàng hi sinh thân thể của tha nhân. Coi như một món hàng. Để trục lợi. Nhưng chọn lựa bản thân sẽ diệt vong. Đó chính là nền văn hoá sự chết. Huỷ hoại chính mình. Huỷ hoại tha nhân. Vì khinh thường sự sống. Thật hiển nhiên: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”.
Đi theo Chúa là từ bỏ bản thân. Chế ngự xác thịt. Vượt trên thú tính. Đạt đến phẩm giá con Thiên Chúa. Sẽ được chính Thiên Chúa. Là sự sống. Sự sống viên mãn. Là hạnh phúc. Là niềm vui đích thực. Từ bỏ hết. Để được lại tất cả.
Mùa Chay là mùa ta phải ngồi suy xét lại. Kiểm điểm lại. Chỉnh đốn lại. Chọn lựa lại. Chọn lựa đúng đã là khó. Kiên quyết theo chọn lựa đúng còn khó hơn. Biết dễ làm khó. Xin Lời Chúa soi sáng để ta có lựa chọn sáng suốt. Xin sức mạnh của Chúa giúp ta đủ sức thi hành điều đã chọn lựa.
SUY NIỆM 3: Theo Chúa Giêsu
Trong lịch sử Giáo hội, từ hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa trong tha nhân. Ơn gọi của mỗi người thường khác nhau, nhưng có điều chắc chắn là tất cả đều được kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, theo gương mẫu của Chúa Kitô.
Con đường ơn gọi sống đời tận hiến là hành trình tìm về khổ đau, về cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển. Sống đời tận hiến, sống niềm tin Kitô giáo là chấp nhận thiệt thòi, mất mát, là hy sinh từ bỏ để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác sống ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi làm môn đệ Chúa, ơn gọi trở thành công dân Nước Chúa cần một lựa chọn quyết liệt và dứt khoát. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai dấn bước theo Ngài sự lựa chọn ấy, cũng như chính Ngài đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời và mạng sống vì yêu mến Chúa Cha và để cứu độ con người. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy thập gía mình mỗi ngày mà theo Ta”.
Chúa Giêsu có ngặt nghèo và đòi hỏi quá đáng chăng? Không. Ngài chỉ muốn cho chúng ta đước hoàn toàn thanh thoát và hạnh phúc trên con đường sống đời Kitô hữu và đặc biệt là đời tận hiến. Bởi vì chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người một cách thiết thực, nếu còn bị ràng buộc bởi tiền tài, danh vọng, tình cảm.
Xin Chúa ban sức mạnh, để chúng ta kiên quyết dấn thân theo Chúa với một tâm hồn thanh thản và tràn trề hạnh phúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Vác thập giá
Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. (Lc. 9, 22-23)
Để bước theo Đức Kitô, phải vác thập giá mình, người ta biết ít về sứ điệp này và coi đó không đơn giản. Nếu người ta chịu vác thập giá của người khác thì sẽ thấy không quá khó. Còn thập giá của mình có vẻ nặng hơn nhiều của người khác. Nhưng không phải thế, chúng ta ai cũng phải vác thập giá mình. Thập giá mình là thập giá chúng ta không được chọn, không hề muốn, không có chút hấp dẫn nào, thật kinh khủng cho chúng ta.
Thập giá chúng ta phải vác quả thực mang lại khổ cực cho chúng ta vì nó đả thương chúng ta dù không muốn bị thương. Chúng ta hãy dừng ít phút để nghĩ tới cái đả thương chúng ta nhất trên đời mà chúng ta không thể chống lại được, đó là thập giá của chúng ta. Chúng ta phải vác lấy mỗi ngày. Thập giá đó chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta chấp nhận vác thập giá, đời chúng ta sẽ không bị uổng công đâu vì tin rằng chúng ta có thể sống sung mãn khi biết vác thập giá. Thập giá bảo đảm không tiêu diệt chúng ta nhưng lại là nguồn sống của chúng ta.
Đức Giêsu đã quả quyết như vậy bằng gương mẫu của chính Người. Người đã vác thập giá mình. Thập giá đã đưa Người đến cái chết. Và qua cái chết Người đã tới sự sống vinh quang. Con đường thánh giá của Người đã là con đường sống. Nếu chúng ta tin điều đó chúng ta có thể đón nhận thập giá của chúng ta. Nếu không tin thì không thể còn cách nào khác để được sống đời đời.
Không ai trên trái đất này thoát khỏi thập giá, vì thập giá là thành phần xây dựng sự sống. Ai không biết rằng phải vác thập giá mới tới sự sống thì thật thảm hại.
J.Y.G
SUY NIỆM 5: XÂY DỰNG LẠI CÁC MỐI TƯƠNG QUAN (Lc 9, 22 -25)
Mỗi khi Mùa Chay về, hay nghe nói tới Mùa Chay, chúng ta hiểu ngay: đây là “mùa trở về”.
Trở về với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Trở về với Chúa để cảm nghiệm được tình thương của Người trên cuộc đời chúng ta.
Trở về với tha nhân để nhận thấy bổn phận yêu thương, liên đới và chia sẻ với anh chị em đồng loại.
Trở về với chính mình để nhận ra mình tội lỗi và cần được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ.
Như vậy, cả ba mối tương quan, chúng ta thấy có một mẫu số chung là: nhận thấy mình bất toàn, ích kỷ, kiêu ngạo, nên cần phải trở về với Thiên Chúa, tha nhân và ngay cả với chính mình để được trở nên hoàn thiện.
Muốn hàn gắn và xây dựng lại những mối tương quan ấy, chúng ta hãy để ý đến lời mời gọi của Đức Giêsu: phải từ bỏ chính mình và phải vác thập giá mình.
Khi nói đến từ bỏ chính mình, Đức Giêsu muốn chúng ta phải ý thức tận căn, bởi vì nếu từ bỏ nhiều thứ, dốc quyết nhiều chuyện, mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả, và nếu có bỏ đi chăng nữa, thì sẽ tìm dịp và tìm cách thuận lợi để lấy lại!
Bỏ mình còn có nghĩa là coi mình ra không để hướng về Chúa và anh chị em, là quên mình để yêu thương, tha thứ và sống cho người khác.
Bỏ mình luôn đi đôi với việc vác thập giá của chính mình hằng ngày. Thập giá của mỗi người chính là ốm đau, bệnh tật, những chiến đấu chống lại cám dỗ, những trái ý, hiểu lầm, vu vạ, cáo gian...
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn từ bỏ tội lỗi, sống yêu thương, đón nhận thánh giá trong đời và trung thành vác lấy cách yêu mến. Xin cũng ban cho chúng con ơn trở về trong Mùa Chay thánh này. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một số nhà truyền giáo đến thăm M. Gandhi, vị lãnh đạo phong trào giải phóng Ấn Độ khỏi thực dân Anh bằng phương pháp bất bạo động. Ông đề nghị các ngài hát một bài thánh ca.
“Bài nào?”.
“Bài nào mà quý vị thấy là diễn tả đức tin sâu sắc nhất”.
Tất cả đồng thanh hát bài Suy tôn Thánh giá.
Suy niệm
Vào đầu Mùa Chay, chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa và lời kêu gọi của Mùa Chay: Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài ở Giêrusalem và lời mời gọi các môn đệ của Ngài cùng chịu với khổ đau thập giá: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.
Khi nghiền ngẫm lời tiên báo đau khổ, tử nạn và lời mời gọi vác thập giá vượt qua đau khổ và sự chết, chúng ta cảm thấy được an ủi và thêm sức mạnh giữa những lúc đương đầu với thử thách, gian nan, khủng hoảng và đau khổ. Vì vậy, chúng ta vẫn tiến bước trong cuộc sống và đối diện với đau thương mà mỗi người chúng ta luôn đối diện trong những nỗi đau của thể xác, hay nỗi đau về tâm hồn, có khi cả hai nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn...
Chúa Giêsu không chỉ loan báo cuộc khổ nạn mà còn loan báo cuộc phục sinh: “Ngày thứ ba sẽ sống lại”. Thật thế, Đức Giêsu đến Giêrusalem chịu nhiều đau khổ và bị giết chết, nhưng Ngài sống lại ngày thứ ba như lời tiên báo, Ngài đã vượt qua bằng chiến thắng ở cuối con đường đau khổ. Khi chúng ta vác thánh giá theo Đức Giêsu, sự chiến thắng huy hoàng cũng dành cho người môn đệ trung kiên vác thập giá, thánh Phaolô khẳng định: Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người (Rm 6,8). Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng đau khổ, chiến thắng sự chết và cho phép chúng ta cùng Ngài vượt qua đau khổ, vượt qua sự chết như Ngài: “Ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.
Cho nên, chúng ta vác thập giá theo Chúa Kitô, không phải giữ mãi đau khổ, đi vào con đường chết, nhưng cùng với Ngài xuyên qua đau khổ, vượt qua sự chết mà đến vinh quang phục sinh như lời Chúa Giêsu loan báo, vì thế thánh Phaolô xác tín: “Vinh dự của tôi là thập giá Chúa Kitô” (Gl 6,14).
Ý lực sống: “Đức Chúa đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ... Nhờ nỗi thống khổ của mình, Người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện” (Is 53,10-11).
Suy Niệm 7: Điều kiện để theo Chúa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (Mt 9,18-21), thì Đức Giêsu bắt đầu loan báo cho các môn đệ về con đường cứu thế của Ngài, là con đường tử nạn và phuc sinh, đồng thời Ngài cũng loan báo về điều kiện phải có để theo Ngài.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì: đó là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập giá hằng ngày.
2. Phải biết lựa chọn.
Trong việc theo Chúa. Ngài đòi chúng ta phải lựa chọn và lựa chọn trong tự do. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái này để được cái kia. Nên nhớ là chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản, nhưng lựa chọn căn bản ấy phải thể hiện trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng chiều hướng đó. Mùa Chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản: chọn Chúa, chọn con đường thập giá, chọn từ bỏ.
3. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất...”
Chúng ta thấy có mối tương quan biện chứng giữa “mất đi” và “được lại”. Người Kitô hữu chỉ thưc sự hạnh phúc khi dám đánh mất đi cái tạm bợ để được lại cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua để được cái trường tồn. Người Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan khi sằn sàng “mất đi” sự sống hay chết để “được lại” sự sống đời đời. Và Đức Giêsu đã kết luận bài giáo huấn của Ngài bằng những lời này: “Nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì”?
Truyện: Người ta kể rằng: Trần Bình, vốn là một mưu thần của nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là người giầu có, định ra tay hãm hại để trấn lột tiền của. Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống thuyền, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo, mình trần như nhộng, và đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế không phải là một người giầu có, tên lái đò để yên cho Trần Bình. Thế là ông đã thoát nạn.
4. “Hãy từ bỏ chính mình”.
Bước theo chân Chúa mà phải từ bỏ những thứ bên ngoài, những cái làm ngăn trở con người theo Chúa, cái đó đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái “tôi” của mình còn khó biết bao. Ở đây, Đức Giêsu nói rõ “bỏ mình”. Bỏ mình chính là bỏ cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Hoàng đề Alexandre từng nói: “Thắng được vạn quân dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
5. “Vác thập giá hằng ngày mà theo”.
Theo Chúa phải vác thập giá. Vác thập giá không phải chỉ là dấu hiệu của đau đớn và xỉ nhục, nó còn là dụng cụ của sự chết. Đức Giêsu biết thế nào là đóng đinh vào thập giá.
Khi Ngài còn là cậu bé 11 tuổi, thì Giuđa, người gốc Galilê đã cầm đầu một cuộc nổi dậy chống Rôma. Ông đã đánh cướp kho vũ khí của vua tại Sepphoris, chỉ cách Nazareth có 6,4 cây số. Rôma trả thù tức khắc. Sepphoris bị san phẳng bình địa, dân chúng bị bán làm nô lệ, 2000 loạn quân bị đem đóng đinh vào thập giá dựng theo dọc hai bên lề đường cái để cảnh cáo cho những ai dám chống lại bạo quyền.
Vác thập giá mình có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng đối diện với những hình khổ như vậy vì lòng trung thành với Chúa. Vác thập giá có nghĩa là sẵn sàng chịu đựng mọi thứ đau khổ loài người có thể làm cho chúng ta vì lẽ chúng ta thành tâm đi theo Chúa Giêsu.
6. Cách vác Thập giá cho đỡ nặng.
John Newton đã đề nghị chúng ta cách vác thập giá cho có hiệu quả: Chúng ta biết rằng những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của ngày hôm nay và còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi.
7. Truyện: Biến bại thành thắng.
Người ta kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: trong một khu rừng có một con hổ lớn và dữ tợn. Lũ khỉ ghét con hổ này lắm. Một ngày kia, chẳng may, con hổ bị sa xuống hố do người thợ săn đào sẵn. Không còn cách nào thoát thân, con hổ chỉ còn biết ngồi chờ thần chết đến.
Lũ khỉ qua thấy thế mừng lắm, chúng chế diễu và thay nhau lấy đá, lấy đất và bẻ cành cây ném xuống đầu con hổ cho bõ ghét. Con hổ chỉ còn biết ngồi chịu trận, không còn biết làm cách nào khác. Thấy thế, lũ khỉ thích chí càng ném hăng, ném mãi không chán, nhưng không ngờ, chính những hòn đá, cành cây vứt xuống nhiều quá, làm cho hố cứ đầy dần lên, đến nỗi con hổ có thể nhờ đó mà nhảy ra ngoài hố được.
SUY NIỆM
1. Luật và tương quan ơn huệ/tình yêu
Kết thúc hành trình dài đi trong sa mạc và chuẩn bị bước một giai đoạn mới, tiến vào Đất Hứa, dân Israel được ông Mô-sê mời gọi làm một cuộc chọn lựa :
Và theo ông Mô-sê, nếu dân lựa chọn yêu mến Đức Chúa, dân sẽ nhận được nhiều ân huệ, mà chúng ta có thể gọi là phần thưởng hay lương bổng :
Chọn lựa yêu mến Đức Chúa và giữ Lề Luật của Ngài sẽ mang lại nhiều ân huệ ; nhưng thực ra, Đức Chúa đã ban ơn cách nhưng không cho dân rồi, trước khi mời gọi dân giữ luật của Ngài, bởi lẽ ơn huệ luôn đi trước lề luật và việc giữ luật ; điều này đúng trong sáng tạo (x. St 2, 4b-17), trong lịch sử cứu độ (x. sách Xuất Hành), trong cuộc đời của mỗi người, trong hành trình ơn gọi đi theo Đức Ki-tô, ngang qua đời sống dâng hiến hay hôn nhân. Và điều này cũng đúng, ngay cả trong tương quan giữa việc giữ luật và phần thưởng : nếu giữ luật thì sẽ « được sống », ơn này được nhắc đi nhắc lại 3 lần, thì ơn sự sống đã được ban trước rồi, để cho người ta có thể giữ luật !
Như thế, Đức Chúa hoàn toàn không phải là Đấng xa lạ, áp đặt lề luật và ban ơn với điều kiện ; nhưng Ngài là « Thiên Chúa của anh em », đã diễn tả tình yêu của Ngài một cách nhưng không ; và bây giờ Ngài mời gọi dân lựa chọn yêu mến Ngài, không phải yêu mến chung chung, nhưng yêu mến trong khuôn khổ của một giao ước gồm các điều luật. Thế mà, tình yêu tự bản chất là nhưng không, nghĩa là tự do và bình an với « phần thưởng » hay « lương bổng ». « Nghe tiếng Ngài và gắn bó với Ngài » để ở lại cách nhưng không trong tình yêu nhưng không của Ngài ; đó cũng sẽ là lời mời gọi của Đức Giê-su ngỏ với các môn đệ của Ngài.
Đặt lề luật trong « tình sử », nghĩa lịch sử của cả một tình yêu nhưng không sẽ giúp chúng ta vượt qua vấn nạn, phải chăng Thiên Chúa thất hứa hay bất công khi mà, trong lịch sử, Dân Chúa có biết bao nhiêu người công chính chọn con đường yêu mến Đức Chúa nhưng không được hưởng lời hứa (x. Tv 22 ; Is 52, 13 – 53, 12) ; và ở mức độ tập thể, chính Israel cũng có thể được coi là Người Tôi Trung của Đức Chúa, nhưng có một số phận thật bi đát ! Và Đức Giê-su Ki-tô là Người Công Chính tuyệt hảo, là Người Tôi Trung tuyệt hảo, nhưng lại có một số phận đau khổ tận cùng, như chính người loan báo trong bài Tin Mừng :
Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết. (c. 22)
Nơi Ngài hội tụ cách trọn vẹn số phận bi đát của mọi người chọn yêu mến Đức Chúa hay chúng ta có thể nói rộng hơn, mọi người chọn sống theo nhân tính thuộc mọi thời, trước Đức Ki-tô và sau Đức Ki-tô ; và cũng chính ở nơi Ngài, mà loài người chúng ta nhận được lời đáp tối hậu của Thiên Chúa : sự sống viên mãn đến sau sự chết và sự sống này làm cho chúng ta được tự do hôm nay, giữa lòng thử thách và đau khổ dẫn đến sự chết ! Chính kinh nghiệm tình yêu Thiên Chúa ngang qua việc nhận biết ân huệ, và ân huệ đầu tiên và nhưng không tuyệt đối, đó là ân huệ sự sống, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa, bình an trong mọi hoàn cảnh và có được niềm hi vọng mạnh hơn sự chết. Đó chính là con đường của Đức Giê-su và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài hôm nay.
2. Sống Giao Ước
Đức Giê-su nói với mọi người : « Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ». Chúng ta thường hiểu, lời mời gọi này của Đức Giê-su chỉ dành cho những người đi tu. Nhưng, như chúng vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su ngỏ lời mời gọi này với mọi người. Và hôm nay, chúng ta đang ở những ngày đầu của Mùa Chay, Ngài mời gọi một lần nữa với từng người trong chúng ta “một cách đặc biệt”. Đặc biệt là bởi vì, khác với những người nghe trực tiếp Đức Giê-su xưa kia, chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là những người thuộc về Đức Ki-tô, những người đi theo Đức Ki-tô, trong đời sống gia đình hay trong đời sống dâng hiến. Vì thế, con đường của Đức Giê-su đã đi, cũng sẽ là con đường của chúng ta.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cảm thấy lời mời gọi này của Đức Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa. Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ, thời nay, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và để đi theo Đức Ki-tô.
Nhưng kinh nghiệm sống của các thánh, của những vị đi trước chúng ta trong Giáo Hội, trong ơn gọi của Hội Dòng, của cha mẹ chúng ta, và của chính chúng ta nữa, cho thấy rằng lời gọi này của Đức Giê-su chỉ có thể hiểu được và sống được trong tương quan giao ước mà thôi, giao ước của chúng ta với Chúa và giao ước của chúng ta với nhau. Giao Ước hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là hôn phối, lời khấn, cam kết, tuyên hứa, hay đơn giản là bổn phận hay tình bạn. Trong khi đó, con người thời nay, lại không thích sống theo giao ước, nhưng chuộng sống theo cảm xúc, vui thì ở, còn buồn thì đi, thì đoạn tuyệt. Nhưng chúng ta nên biết điều này, sống theo giao ước là sống theo nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, là Đấng « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương » (x. Tv 136).
Thật vậy, để sống với nhau và sống cho nhau, trong gia đình hay trong cộng đoàn tu trì theo giao ước, chúng ta luôn phải ra khỏi mình để hướng về người khác, phải quên đi chính mình để lo cho người khác, phải mang vào mình những khó khăn và khổ đau, phải trung thành với nhau và với ơn gọi khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn, khi thấy nhau dễ thương cũng như lúc thấy nhau khó thương.
3. Sự sống mới
Cách sống này có vẻ khắc khổ, sầu bi, đầy vất vả và đau khổ, nhưng nếu được sống bằng tình yêu, sự trung tín, lòng mến, tình thương, tình bạn, thì một cách sống như thế sẽ biến thành niềm vui và hạnh phúc sâu xa và bền vững. Như thánh Au-gus-ti-nô nói, trong tình yêu thì không có đau khổ; và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi.
Hơn nữa, đó chính là con đường duy nhất dẫn đến sự sống, như Đức Giê-su nói : “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Như thế, cho đi sự sống, chính là cách thức để nhận lại sự sống. Điều này thật là nghịch lí, nhưng đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.
Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giê-su Kit-ô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết,
và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”
* * *
Và Chúa vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, ngang qua Lời và Mình Thánh của Ngài, dù chúng ta có như thế nào, để cho chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài, ngang qua một giao ước cụ thể, và để cho chúng ta được sống dồi dào hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Thursday (February 18 ): Take up your cross daily and follow Christ
Gospel Reading: Luke 9:22-25 22 “The Son of man must suffer many things, and be rejected by the elders and chief priests and scribes, and be killed, and on the third day be raised.” 23 And he said to all, “If any man would come after me, let him deny himself and take up his cross daily and follow me. 24 For whoever would save his life will lose it; and whoever loses his life for my sake, he will save it. 25 For what does it profit a man if he gains the whole world and loses or forfeits himself? |
Thứ Năm 18-02 Hãy mang lấy thánh giá mình mỗi ngày và theo Đức Kitô
Lc 9,22-25 22 “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? |
Meditation:
Do you know the healing, transforming power of the cross? When Jesus predicted his passion his disciples were dismayed. Rejection and crucifixion meant defeat and condemnation, not victory and freedom. How could Jesus’ self-denial, suffering and death lead to victory and life? Through his obedience to his Father’s will, Jesus reversed the curse of Adam’s disobedience. His death on the cross won pardon for the guilty, freedom for the oppressed, healing for the afflicted, and new life for those condemned to death. His death makes possible our freedom to live as sons and daughters of God. Surrender to God and he will fill you with his Spirit There’s a certain paradox in God’s economy. We lose what we gain, and we gain what we lose. When we try to run our life our own way, we end up losing it to futility. Only God can free us from our ignorance and sinful ways. When we surrender our lives to God, he gives us new life in his Spirit and the pledge of everlasting life with God. God wants us to be spiritually fit to love and serve him at all times and seasons. When the body is very weak or ill, we make every effort to nurse it back to health. How much more effort and attention should we give to the spiritual health of our mind, heart, and will! The great exchange – my life for His victorious life What will you give to God in exchange for freedom and eternal life? Are you ready to part with anything that might keep you from following him and his perfect plan for your life? Jesus poses these questions to challenge our assumptions about what is most profitable and worthwhile in life. In every decision of life we are making ourselves a certain kind of person. It is possible that some can gain all the things they set their heart on, only to wake up suddenly and discover that they missed the most important thing of all. A true disciple is ready to give up all that he or she has in exchange for true happiness, life, and peace with God. The life which God offers us is abundant, everlasting life. And the joy which God places in our hearts no sadness or loss can diminish. The cross of Christ brings freedom and victory over sin The cross of Jesus Christ leads to freedom and victory over sin and death. What is the cross which Christ commands me to take up each day as his disciple? When my will crosses with his will, then his will must be done. The way of the cross involves sacrifice, the sacrifice of laying down my life each and every day for Jesus’ sake. What makes such sacrifice possible and “sweet” is the love of God poured out for us in the blood of Jesus Christ. Paul the Apostle reminds us that “God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit” (Romans 5:5). We can never outmatch God. He always gives us more than we can expect or imagine. Are you ready to lose all for Christ in order to gain all with Christ? “Lord Jesus, I give you my hands to do your work. I give you my feet to go your way. I give you my eyes to see as you do. I give you my tongue to speak your words. I give you my mind that you may think in me. I give you my spirit that you may pray in me. Above all, I give you my heart that you may love in me, your Father, and all mankind. I give you my whole self that you may grow in me, so that it is you, Lord Jesus, who live and work and pray in me.” (Prayer from The Grail) |
Suy niệm:
Bạn có biết sức mạnh chữa lành và biến đổi của thập giá không? Khi Ðức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Người, các môn đệ mất hết tinh thần. Sự chống đối và đóng đinh có nghĩa là sự thất bại và bị kết án, chứ không phải là chiến thắng và giải thoát. Làm thế nào sự hy sinh, đau khổ, và cái chết của Ðức Giêsu dẫn tới chiến thắng và sự sống? Ngang qua sự vâng phục ý Cha, Ðức Giêsu đã đảo ngược lời chúc dữ của sự bất tuân của Ađam. Cái chết của Người trên thập giá đem lại ơn tha thứ cho tội lỗi, sự giải thoát người bị áp bức, sự chữa lành cho người đau yếu, và đem lại sự sống mới cho những ai bị án chết. Cái chết của Người giúp chúng ta tự do sống như những người con trai con gái của Thiên Chúa. Hãy suy phục Thiên Chúa và Người sẽ ban cho bạn Thần Khí của Người Có sự nghịch lý nào đó trong cách tính toán của Thiên Chúa. Chúng ta mất những gì chúng ta có, và chúng ta có những gì chúng ta mất. Khi chúng ta cố gắng lèo lái cuộc đời mình theo cách thức riêng tư, chúng ta kết thúc bằng việc đánh mất nó một cách vô ích. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát chúng ta khỏi những đường lối sai lạc và tội lỗi. Khi chúng ta suy phục cuộc đời mình đối với Thiên Chúa, Người ban cho chúng ta cuộc sống mới trong Thần Khí của Người và lời hứa của sự sống đời đời. Thiên Chúa muốn chúng ta có sự tinh thần thích hợp để phụng sự Người trong mọi lúc. Khi thân xác yếu đuối hay đau ốm, chúng ta cố gắng để làm cho nó khoẻ mạnh lại. Thế nên chúng ta phải cố gắng hơn biết bao nhiêu nữa để đem lại sức khoẻ thiêng liêng cho tâm trí của mình! Sự trao đổi kỳ diệu – cuộc đời tôi với cuộc sống vinh hiển của Người Bạn sẽ dâng gì cho Thiên Chúa để đáp trả sự giải thoát và sự sống đời đời? Bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi thứ có thể ngăn cản bạn không bước theo Người và kế hoạch hoàn hảo của Người dành cho cuộc đời bạn không? Ðức Giêsu đưa ra những câu hỏi này để chất vấn sự chiếm hữu của chúng ta về những gì ích lợi và giá trị nhất. Trong mỗi quyết định của cuộc đời, chúng ta đang hình thành nơi mình một hạng người nào đó. Rất có thể một số người chiếm hữu được tất cả những gì mà họ mong ước, chỉ khi thức giấc bất ngờ và khám phá ra rằng họ đã đánh mất những điều quan trọng nhất của cuộc đời. Người môn đệ đích thật luôn sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì mình có để đổi lấy hạnh phúc và sự sống với Thiên Chúa. Sự sống mà TC ban cho là sự sống sung mãn và vĩnh cửu. Và niềm vui mà TC đặt để trong lòng chúng ta sẽ không có nỗi buồn hay sự mất mát nào có thể làm nó tan biến được.
Thập giá của Đức Kitô đem lại sự tự do và chiến thắng tội lỗi Thập giá của Đức Giêsu Kitô dẫn tới sự giải thoát và chiến thắng tội lỗi và sự chết. Thập giá là gì mà Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải mang lấy mỗi ngày với tư cách là người môn đệ? Khi ý của ta đi ngược với ý của Người, thì ý của Người phải được thực hiện. Con đường thập giá liên hệ đến sự hy sinh, sự hy sinh bỏ mình mỗi ngày và mọi ngày vì Ðức Giêsu. Điều làm cho sự hy sinh như vậy có thể khả thi và “ngọt ngào” cho chúng ta chính là tình yêu của Thiên Chúa đã đổ ra cho chúng ta trong máu của Ðức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta không bao giờ có thể vượt trổi hơn Thiên Chúa. Vì Người luôn luôn ban cho chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể mong đợi hay tưởng tượng. Bạn có sẵn sàng đánh mất tất cả vì Đức Kitô để được tất cả với Đức Kitô không? Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng Chúa đôi tay con để làm việc của Chúa. Con xin dâng cho Chúa đôi chân con để đi theo con đường của Chúa. Con xin dâng cho Chúa đôi mắt con để nhìn như Chúa nhìn. Con xin dâng cho Chúa miệng lưỡi con để nói lời Chúa. Con xin dâng cho Chúa tâm trí con để Chúa có thể suy nghĩ trong con. Con xin dâng cho Chúa linh hồn con để Chúa có thể cầu nguyện trong con. Trên hết tất cả, con xin dâng cho Chúa trái tim con để Chúa có thể yêu mến trong con, Chúa Cha và tất cả mọi người. Con xin dâng cho Chúa trọn vẹn bản thân con để Chúa có thể lớn lên trong con, để chính Chúa, Chúa Giêsu, Đấng đang sống, làm việc, và cầu nguyện trong con. (Lời cầu nguyện dâng Lễ) |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn