Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh.

Thứ tư - 11/05/2022 08:29

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh.

"Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy".

 

Lời Chúa: Ga 13, 16-20

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc.

Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".

 

Suy Niệm 1: Thật phúc cho anh em

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,

ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,

một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.

Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.

Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.

Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.

Làm sao để anh yêu cuộc sống này?

Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,

bất chấp những khiếm khuyết của mình?

Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy?

Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.

Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,

thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.

“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.

Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa

với sự trân trọng và yêu thương,

chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.

Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.

Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:

“Thầy đã nêu gương cho anh em,

để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,

vị thế của người tôi tớ, người được sai.

Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).

Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,

thì thật phúc cho anh em!” (c. 17).

Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.

Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.

Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.

Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,

trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…

Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,

vết thương thể chất và tinh thần.

Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,

âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.

 

Suy Niệm 2: Đón tiếp Chúa Giêsu

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su là trung tâm lịch sử. Trước Chúa Giê-su, tức thời Cựu Ước, dân chúng mong chờ. Giê-su nghĩa là Thiên Chúa Cứu. Từ ngàn xưa vì con người tội lỗi hư hỏng. Nên phải chịu nhiều đau khổ. Chịu chết. Nhưng vì tình thương yêu, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ. Đấng Cứu Thế phát sinh từ dòng tộc Đa-vít, Vị Thánh Vương lẫy lừng và đạo hạnh. Đã đưa vương quốc Giu-đa đến đỉnh vinh quang. Và toàn dân luôn mong chờ Đấng Cứu Thế mau đến để thực hiện lời Thiên Chúa hứa. Phục hồi vương quốc lẫy lừng. Đấng Cứu Thế chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Khi Gio-an Tẩy giả xuất hiện, người ta cứ tưởng đó là Đấng Cứu Thế. Nhưng Gio-an Tẩy giả đã làm chứng về Người khi nói: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người”.

Thời Tân Ước chính là thời đón tiếp Chúa Giê-su. Nhưng tiếc là khi Chúa đến người ta đã không đón tiếp Chúa. Trái lại còn trao nộp Chúa. Kết án Chúa. Hành hình Chúa. Và đóng đinh Chúa trên thánh giá. Vì Chúa Giê-su không đến như một vị Quân Vương oai phong lẫy lừng. Nhưng đến như một tôi tớ hèn mọn. Không sinh ra trong hoàng cung lộng lẫy tại thủ đô. Nhưng sinh ra trong chuồng súc vật tại một làng quê nhỏ bé. Không sống trong gia đình quyền quý. Nhưng sống trong gia đình thợ thuyền. Không đến như vị tướng bách chiến bách thắng. Nhưng như một tôi tớ phục vụ. Người đã quỳ xuống rửa chân cho môn đệ.

Người truyền cho môn đệ phải tiếp tục sứ mạng cứu thế bằng phục vụ như Người: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em”. Chúa cho mọi người biết, tuy các môn đệ sống nghèo hèn phục vụ. Nhưng là thừa sai của Chúa. Và “ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Đó là đón tiếp Chúa Cha. Là đón tiếp ơn cứu độ. Là đón tiếp phúc trường sinh.

Ta hãy rút kinh nghiệm của người Do thái. Đừng mơ tưởng một vị quân vương hiển hách. Người môn đệ hãy biết sống nghèo hèn phục vụ như Chúa. Và mọi người hãy biết đón tiếp người được Chúa sai đến. Có thể đó là Giáo hội, giáo quyền, bề trên. Nhưng có thể đó là những người nghèo hèn bất hạnh trong xã hội. Hãy biết nhận ra Chúa. Hãy đón tiếp người nghèo như đón tiếp chính Chúa. Ta sẽ được hạnh phúc. Ta sẽ được ơn cứu độ.

 

Suy Niệm 3: Củng cố đức tin

Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta Suy Niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, "Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa".

Bản văn Phúc Âm thánh Gioan dùng từ "Ta là Ðấng Ta Là", từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi Suy Niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài "Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta". Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, "Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta".

Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: "Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ". Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn can đảm theo Chúa cho đến cùng trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chỗ cho đức khiêm nhường

Chúng ta không còn nghe nói đến những nhân đức Kitô giáo nữa hay cả đến những nhân đức thường nữa. Tất cả mang tiếng xấu. Chúng không còn chỗ trong văn hóa của chúng ta. Thời nay sống khiêm nhường khó biết bao! Hãy nhìn xem: Để được thăng cấp, phải tự đặt giá trị của mình nổi lên. Mọi kiểu đánh giá đều được đặt trên sự cạnh tranh và tham vọng. Người ta còn tính rằng để sống, cần phải đè nén và hạ bệ người khác để cho mình lên. Làm sao sống khiêm tốn trong một thế giới văn minh tôn sùng minh tinh, thần tượng, siêu sao, thị trường, thời trang …

Chúa nói đến đức này bằng hành động và giải thích. Bằng hành động: Trước lễ vượt qua, Người rửa chân cho các môn đệ. Đức Giêsu đã làm tôi tớ, Người có mục đích sẵn sàng phục vụ người khác. Nhưng chúng ta lại quên cử chỉ của Đức Giêsu ngay sau lễ chiều thứ năm tuần thánh. Chúng ta đã mừng lễ rất tốt, nhưng chúng ta trước và sau lễ chẳng sống chút gì với Thánh lễ.

Bằng lời nói, Đức Giêsu lưu ý chúng ta đến đức khiêm nhường: “Tôi tớ không lớn hơn chủ. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai bảo”.

Điều đó kêu mời chúng ta phải lãnh lấy sứ điệp Tin mừng với hết lòng khiêm nhường: “Thầy nói điều đó, anh em hãy thực hành thì thật có phúc cho anh em”. Thánh Phao-lô đã nhắc lại lời khuyên đó và nói: “Anh em đừng cưu mang những thứ học thuyết tân kỳ theo sở thích, anh em hãy chỉ rao giảng Đức Giêsu và Đức Giêsu chịu đóng đinh”.

Đức khiêm nhường được Phúc âm trình bày cho chúng ta trong lễ hôm nay: Ngay sau khi Đức Giêsu trao bánh cho Giu-đa, Giu-đa liền ra đi phản bội Người. Đây là tột đỉnh của đức khiêm nhường. Chúa đã ban bánh cho ăn, được ăn rồi Giu-đa vẫn đi phản bội. Chúng ta nhớ rằng sự phản bội luôn rình mò chúng ta, chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận những yếu đuối nơi mình và nơi người khác. Nhờ thế khiêm nhường trở nên bác ái.

C.G

 

Suy Niệm 5: Tiếp nối sứ mệnh của Chúa

Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để giảng dạy cho mọi người con đường cứu rỗi, và khi đã hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên trần gian này, Chúa Giêsu sai các môn đệ Ngài đi loan báo Tin mừng cứu rỗi cho mọi tạo vật. Sự chính thống đó được Chúa Giêsu quả quyết như chúng ta có thể đọc thấy trong Tin mừng hôm nay: “Thày bảo thật các con, ai đón nhận kẻ Thày sai là đón nhận Thày, và ai đón nhận Thày là đón nhận Đấng đã sai Thày”.

Trong văn mạch của Phúc âm, trước khi nói những lời trên, Chúa Giêsu đã làm gương cho các Tông đồ của Ngài: Ngài rửa chân họ và sau đó khi trở lại bàn ăn, Ngài nói với họ: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai không trọng hơn kẻ đã sai mình”. Thật là đơn giản, nhưng là một sự đơn giản đòi hỏi: đời sống truyền giáo của Giáo Hội phải rập khuôn với cuộc đời của Chúa Giêsu, với tấm gương Ngài đã sống và đã giảng dạy. Giáo Hội phải biết phục vụ trong khiêm tốn, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.

Là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta đều là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu bằng đời sống yêu thương và Phục vụ, trở nên muối và ánh sáng cho thế gian.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: Giới thiệu Chúa cách trung thực

Trong nghề thuốc hay võ thuật, những thần y hay tổ sư thường lưu nghề bí truyền cho một ai đó, để đến khi họ có khuất núi thì vẫn còn có người lưu danh hậu thế nhờ lưu truyền lại gia bảo của cha ông.

Với Đức Giêsu cũng vậy! Sau hành trình loan báo Tin Mừng, trước khi về trời, Ngài cũng truyền cho các môn sinh của mình: “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”. Đây chính là lệnh truyền, gia bảo cho Giáo Hội tới muôn đời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu như muốn khẳng định rằng: nếu là người môn đệ chân chính, sẽ nói lời của chính Thiên Chúa, và như thế thì: “A i đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".                                                                  

Muốn làm được điều đó để cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải mặc lấy chính tâm tình của Đức Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi phục vụ con người cách vô vị lợi trong sự khiêm tốn...

Có thế chúng ta mới lưu lại cho người đương thời và hậu thế gia tài quý giá là chính Đức Giêsu, nhờ đó, con người hôm nay và mai sau mới nhận ra Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống ngang qua đời sống và hành vi của chính chúng ta.

Mong sao mỗi người chúng ta biết được điều đó để thi hành, ngõ hầu trở thành người có phúc như Đức Giêsu đã nói: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”. Ngược lại, chúng ta đừng như Giuđa, kẻ phản thầy mà hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo một cách đau đớn: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với Chúa và sứ điệp của Chúa. Xin cho chúng con biết loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của chính mình, để cuộc đời và sứ vụ của chúng con chính là hiện thân cách sống động như chính Chúa đang trực tiếp hành động. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu tuyển chọn môn đệ

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng cứu thế. Người được chọn phải biết quảng đại đáp lại với lòng trung thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn kẻ Chúa muốn. Chúa biết người Chúa chọn. Được Chúa đoái thương là một ân huệ cao vời. Và Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Tình thương Chúa đã trao ban một cách trọn vẹn, nhưng con vẫn có thể đón nhận hoặc chối từ. Điều đó đã xảy ra nơi nhóm Mười Hai, là những người được Chúa săn sóc một cách đặc biệt. Ông Giu-đa đã trở thành kẻ phản bội vì từ chối yêu thương, còn các tông đồ khác, dù có yếu đuối lỗi lầm, nhưng vẫn một lòng trung thành với tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa có lầm chăng? Con tin chắc Chúa không lầm khi Chúa chọn ông Giu-đa. Và con tin chắc Chúa không lầm khi Chúa chọn con. Vì đó là chương trình Chúa thực hiện ơn cứu độ. Chúa đã chọn gọi con, con đã dứt khoát đứng về phía Chúa khi gia nhập Giáo Hội, khi con tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Nhưng có những lúc con đã lạm dụng tự do Chúa ban để không chọn Chúa, để chối từ tình thương Chúa. Đồng thời con cũng chối từ sống yêu thương anh em. Con đã chối từ hạnh phúc khi chối từ tình yêu. Con đã chọn đau khổ khi cố tình sống ngoài tình yêu.

Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ con sống trong tình yêu Chúa. Xin đừng để con lạm dụng tự do để phản bội Chúa. Và nếu con có yếu đuối lỡ lầm, xin cho con biết tin tưởng trở về với Tình Yêu. Amen.

Ghi nhớ: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.

 

Suy Niệm 8: Tinh thần phục vụ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn cho các ông biết tinh thần phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Ngài hạ mình rửa chân cho các ông. Đức Giêsu đã mang lại ý nghĩa đích thực cho hai chữ “phục vụ”: phục vụ là sống như người tôi tớ, là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân...

Ngoài ra, Đức Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

2. Việc rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một cử chỉ hay là một bài học của phục vụ, nhưng qua đó Đức Giêsu còn muốn loan báo chính cái chết của Ngài như tột cùng của thân phận tôi tớ mà Đức Giêsu đã đón nhận. Thật thế, người tôi tớ không sống cho mình, mà hoàn toàn sống cho người khác, đến độ trao nộp cả mạng sống mình. Như vậy, đối với Đức Giêsu, phục vụ là sống trọn vẹn cho người khác. Chính qua sự phục vụ cho đến chết ấy mà Đức Giêsu thể hiện thiên tính của Ngài. Ngài là Đấng Hằng hữu, vì Ngài có thể đón nhận thân phận con người và trao ban thân phận ấy cho người khác; Ngài là Đấng toàn năng vì cách thế thể hiện quyền năng ấy chính là phục vụ và phục vụ cho đến chết.

3. Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của phục vụ; sức mạnh của Thiên Chúa là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta hiểu được sự thành công của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu bất bạo động của ông, ông nói như  sau: “Tình yêu là sức mạnh vạn năng mà con người có thể có trên mặt đất này”. Yêu thương như Thiên Chúa yêu có nghĩa là yêu thương cho đến cùng, yêu thương cả kẻ thù và sẵn sàng hiến thân hy sinh cho họ. Phục vụ như Thiên Chúa phục vụ có nghĩa phục vụ mà không tranh giành, không tính toán hơn thiệt, không tìm lợi danh cho bản thân (Mỗi ngày một tin vui).

4. Đón tiếp người được Chúa sai đến.

Sau bài học về hy sinh phục vụ, Đức Giêsu dạy tiếp về sự đón tiếp. Lời nói về sự đón tiếp của Đức Giêsu nhằm tới chính sự thờ ơ của người Do thái đã không đón nhận Ngài, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không ra nhận” (Ga 1,11). Người Do thái tự hào mình tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra: “Đấng được sai đến” đó theo ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thỏa mãn những tiêu chuẩn trần thế của họ.

Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hóa và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó cho Giáo hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào? Ít nhiều chúng ta cũng giống dân Do thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.

5. Phục vụ Chúa trong anh em.

Thánh Biển Đức căn dặn các đan sĩ: “Khi anh em đón tiếp và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là cung kính đón tiếp chính Đức Kitô ở trong khách”. Và Đức Giêsu cũng đã đồng hóa chính Ngài hiện thân trong mọi mảnh đời khi Ngài nói về ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em  bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Như thế, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mattha và Maria đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau...

6. Truyện: Khai sinh hội bác ái Vinh Sơn.

Khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên Ozanam, 8 thanh niên Công giáo trường đại học Paris thường gặp nhau để thảo luận chiến thuật bảo vệ Giáo hội đang bị tấn công tứ phía. Những buổi thảo luận đã diễn ra suốt một năm, nhưng chưa đưa đến một hành động nào. Tình cờ 8 sinh viên nghe một lời thách thức của kẻ chuyên chống phá Giáo hội:

 “Các anh luôn nói đến công lao Giáo hội của các anh trong quá khứ, nhưng Giáo hội các anh bây giờ đã chết rồi. Nếu các anh bảo Giáo hội vẫn đang sống, hãy chứng minh đi. Một năm qua, tôi chỉ thấy các anh thảo luận tranh cãi nhau bằng môi mép, nhưng chưa thấy một hành động cụ thể nào”.

Lời thách đố ấy được 8 sinh viên Công giáo tiếp nhận  như một bài học quí giá. Buổi chiều hôm đó, thay vì thảo luận, hành động đầu tiên của họ là thu nhặt số củi khô dùng để sưởi ấm ở phòng trọ và họ còn mang biếu cho người nghèo đang rét run tại phòng bên cạnh vì không có tiền để mua chất đốt.

Đó là buổi chiều đầu tiên khai sinh hội Bác ái Vinh Sơn chuyên hoạt động giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vincent de Paul. Những người tiên phong của hội này hiểu rằng: Người tín hữu Kitô không thể bênh vực Giáo hội bằng những lời nói suông mà phải bằng chính những hành động cụ thể, bằng chính cả cuộc sống của họ.

 

Suy Niệm 9: Bài học Đón Nhận

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Bài giáo lý thứ 5: Chủ đề Đón nhận.

Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “No man is an island”, đó là tựa đề một quyển sách (Không ai là một hòn đảo). Ai sống cũng có những người khác sống chung quanh. Cuộc sống đầy những dịp gặp gỡ. Khi tôi đến gặp ai, nếu người ta lạnh nhạt với tôi, tôi có khó chịu không? Thế thì tại sao khi người ta đến với tôi, tôi lại không đón nhận. Huống chi Chúa Giêsu còn muốn tôi coi những người đến với tôi là do Chúa sai đến.

2. Sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, Kitô hữu gia nhập một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người mà Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào? Tôi có luôn vui vẻ đón nhận sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm hướng dẫn tôi không?

3. Đón tiếp hay đón nhận đòi tôi phải hy sinh thời giờ, công việc và có khi của cải tiền bạc nữa. Không muốn hy sinh những thứ đó thì không phải là đón tiếp và đón nhận, hoặc chỉ là đón tiếp cách thờ ơ lãnh đạm.

4. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh: “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”. (Trích “Món quà giáng sinh”)

5. “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Chị tôi có một anh bạn cùng lớp. Tôi không ưa kiểu nói năng gàn dở của anh. Một hôm anh đến chơi, chị nhờ tôi pha nước. Mê coi ti-vi, bực mình vì quấy rầy, tôi đã pha cho anh ly nước mật chua và khoái chí khi thấy bộ mặt nhăn nhó của anh.

Chúa đã phục sinh gần hai ngàn năm, nhưng con người vẫn cứ ngụp lặn trong thế giới cũ mèm của hận thù, đố kỵ. Thế giới này sẽ đẹp hơn, nếu như mọi người biết bao dung và khoan dung cho nhau, yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp là một sứ giả của Chúa, Người mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp họ, để cả hai chúng con được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Đón nhận anh chị em như thế nào?

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chủ đề hôm nay là sự đón nhận.

Sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu gia nhập vào một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào?

Đón tiếp hay tiếp nhận đòi hỏi phải hy sinh và nhất là phải biết tôn trọng người khác. Không muốn hy sinh và tôn trọng người khác sẽ không có sự đón nhận thực sự, hoặc là đón nhận thì cũng chỉ đón nhận cách thờ ơ lãnh đạm.

Đây là câu chuyện có thực. Tuy câu chuyện xảy ra mãi tận bên Mỹ nhưng là chuyện của con người. Edith và Kelo lấy nhau đã hai mươi ba năm nhưng họ vẫn không có con. Dầu vậy tình yêu giữa hai người luôn đằm thắm. Mỗi lần đi công tác, người chồng luôn viết thư và gửi quà về cho vợ. Tháng 2/1950, Kelo được gửi đi công tác tại Nhật Bản. Lần này, Kelo không gửi quà về cho vợ nữa. Người vợ nghĩ rằng, chồng cần dành tiền để mua một ngôi nhà mới chăng.

Tháng ngày trôi qua, cứ mỗi lần người vợ mong chồng về nhà thì bà lại nhận được một lá thư, trong đó, người chồng báo tin là sẽ nán ở lại một vài tuần nữa. Vài tuần rồi một tháng, thời gian chờ đợi ngày càng dài hơn và những cánh thư cũng bắt đầu thưa dần.

Bẵng đi một thời gian, người vợ nhận được một lá thư trong đó chỉ có vỏn vẹn vài chữ. Như một hồi chuông báo tử, người chồng cho biết ông muốn được ly dị để cưới một cô gái Nhật Bản tên là Aikô, mười chín tuổi. Chờ cho những cảm xúc ban đầu lắng dịu, Edith bắt đầu hồi tâm lại, bà nghĩ rằng, chồng bà không vượt qua được nỗi cô đơn vì xa vợ quá lâu, nhưng ông đã tỏ ra thành thực và can đảm xin ly dị để cưới cô gái hơn là lợi dụng cô.

Bà Edith xây dựng cuộc sống còn lại trên sự cảm thông cao độ ấy. Thế là bà viết thư cho chồng và xin ông đừng cắt đứt liên lạc với bà. Không bao lâu, bà nhận được tin của người chồng cũ, ông cho biết ông đã có được hai đứa con gái. Bà Edith liền gửi quà mừng.

Trong những lá thư sau, Kelo kể đủ mọi chuyện cho người vợ cũ của mình biết: nào là về gia đình ông, nào là vợ ông đã tiến bộ trong việc học Anh ngữ, nào là ông đã giảm ký và đứa con gái nhỏ của ông đã mọc thêm mấy cái răng.

Nhưng rồi một ngày kia một lá thư khủng khiếp nhất đã đến tay bà: Kelo cho biết ông đang chờ chết vì bệnh ung thư phổi. Những lá thư cuối cùng của ông đầy nước mắt, không phải cho ông mà là cho Aikô và hai đứa con gái của ông. Ông đã dành dụm đủ tiền để gửi con sang Mỹ học, nhưng bệnh tật đã ngốn hết số tiền ấy.

Sau khi Kelo qua đời, Edith viết thư ngỏ ý bảo lãnh hai đứa con gái riêng của ông sang Mỹ. Edith đón nhận hai đứa con của người chồng cũ như chính con của mình. Mãi đến tuổi năm mươi, bà mới biết thế nào là làm mẹ. Giờ đây, sau khi tan sở, bà có đủ lý do để vội vã về nhà. Trong khi đó, vì thương con, Aikô cũng thường xuyên liên lạc với Edith. Edith chợt hiểu rằng, người mẹ này hẳn cô đơn vì nhớ con, bởi thế nên Edith quyết định bảo lãnh cho Aikô sang Mỹ.

Tháng 8/1957, Aikô nhận được giấy nhập cảnh. Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế New Yord, tự nhiên Edith cảm thấy lo sợ: bà sợ bà không vượt qua được sự thù ghét đối với người đàn bà ngoại quốc đã cướp mất chồng bà. Vị hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay là một người thấp bé, mảnh khảnh đến độ Edith tưởng chỉ là một cô bé. Bà gọi tên Aikô và người đó chạy đến ngả vào cánh tay của bà. Hai người ôm ghì lấy nhau thật lâu. Ý nghĩ phi thường chợt đến với Edith:

“Tôi đã cầu nguyện cho Kelo trở về với tôi, giờ đây chồng tôi đang hiện diện trong hai đứa con gái nhỏ và người đàn bà dịu dàng mà ông đã từng yêu thương. Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương người đàn bà này”.

Có lẽ trong thực tế của cuộc sống, chúng ta khó có thể tìm được một câu chuyện nào đẹp như thế. Nhưng đây là một câu chuyện đã xảy ra... ngay trên trái đất này. Tuy ở một nơi thật xa chúng ta nhưng nó cũng cho chúng ta thấy được một phần nào Lời của Chúa đã rơi vào những mảnh đất mầu mỡ có thể sinh hoa kết quả.

Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Yêu thương thật sự là yêu thương cho đến khi nào cảm thấy bị tổn thương”.

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp trên đời là một sứ giả Chúa gửi đến. Khi làm như thế chắc là Chúa mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp, để mọi người được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata).

Wash the disciples’ feet – Suy niệm theo The WAU (12.5.2022)
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – May 2022

Thursday May 12th 2022
Meditation: John 13, 16-20

When Jesus had washed the disciples’ feet . . . (John 13:16)

Would you wash someone’s feet if you knew he was about to betray you? Probably not. But that’s what Jesus did. As he was kneeling before Judas, perhaps he was even hoping that this tender gesture would cause Judas to change his mind. I know what you’re planning to do, we can imagine Jesus thinking, but I still want to show you how much I love you and want to bless you.

In washing his betrayer’s feet, Jesus set the bar high for how we are to respond to those who hurt us. And while Judas didn’t end up changing his mind, Jesus was showing us how to love and humbly serve our enemies (Matthew 5:43-44). He was demonstrating with his actions what Paul would later urge us to do: “Bless those who persecute [you], bless and do not curse them” (Romans 12:14).

Of course, Jesus isn’t asking us to let people walk all over us. In fact, we see many instances when he established healthy boundaries with the people around him—whether it was taking care to withdraw so that he could spend time alone with his Father, or refusing to engage with the people in Nazareth when they wanted to throw him off a cliff (Matthew 14:13; Luke 4:29-30). Like Jesus, sometimes we also need to set such boundaries, including deciding whether it is even prudent to continue a relationship.

But we can also try to see ourselves and people we might consider our enemies through God’s eyes: both beloved, and both imperfect. So when people hurt us—even if we don’t understand why—we can choose to be led by compassion rather than retribution. By forgiving and blessing those who mistreat us, we open the door to allow God to work in our lives as well as in theirs.

Who are the “enemies” in your life, and how might you bless them? For starters, if you haven’t yet forgiven them, you can pray for the grace to do so. You can also bless them by deciding not to judge them or speak critically about them, or by lifting them up in prayer each day. In these ways and more, you will be washing their feet—and softening your own heart in the process.

“Lord, help me to love and bless my enemies.”

Thứ Năm tuần tuần IV Phục Sinh
ngày 12.5.2022

Suy niệm: Ga 13, 16-20

Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ … (Ga 13,16)

Bạn có rửa chân cho ai đó nếu biết người đó sắp phản bội bạn không? Chắc là không. Nhưng đó là những gì Chúa Giêsu đã làm. Khi quỳ gối trước Giuđa, có lẽ Ngài thậm chí còn hy vọng rằng cử chỉ dịu dàng này sẽ khiến Giuđa thay đổi ý định. Tôi biết bạn đang dự định làm gì, chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Giêsu đang nghĩ gì, nhưng tôi vẫn muốn cho bạn thấy tôi yêu bạn và muốn chúc lành cho bạn nhiều như thế nào.

Khi rửa chân cho kẻ phản bội, Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn cao cho cách chúng ta đáp trả những người đã làm tổn thương mình. Và trong khi Giuđa không đổi ý, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách yêu thương và khiêm nhường phục vụ kẻ thù của mình (Mt 5,43-44). Ngài đã thể hiện bằng hành động của mình điều mà sau này Phaolô thúc giục chúng ta làm: “Hãy chúc lành cho những kẻ bắt bớ anh em, chúc lành và đừng nguyền rủa họ” (Rm 12,14).

Tất nhiên, Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta để mọi người leo lên đầu mình. Trên thực tế, chúng ta thấy nhiều trường hợp khi Ngài đã thiết lập ranh giới lành mạnh với những người xung quanh – cho dù đó là việc rút lui để Ngài có thể dành thời gian ở một mình với Cha mình, hay từ chối giao chiến với những người ở Nagiarét khi họ muốn xô Ngài xuống vực thẳm (Mt 14,13; Lc 4,29-30). Giống như Chúa Giêsu, đôi khi chúng ta cũng cần đặt ra những ranh giới như vậy, bao gồm cả việc quyết định xem liệu có nên tiếp tục một mối tương quan hay không.

Nhưng chúng ta cũng có thể cố gắng nhìn bản thân và những người mà chúng ta có thể coi là kẻ thù của mình qua con mắt của Thiên Chúa: cả hai: người đáng yêu và người bất toàn. Vì vậy, khi mọi người làm tổn thương chúng ta – ngay cả khi chúng ta không hiểu tại sao – chúng ta có thể chọn được dẫn dắt bởi lòng trắc ẩn hơn là báo thù. Bằng cách tha thứ và chúc lành cho những người ngược đãi chúng ta, chúng ta mở ra cánh cửa để cho phép Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của chúng ta cũng như trong cuộc sống của họ.

Ai là “kẻ thù” trong cuộc đời bạn, và bạn có thể chúc lành cho họ như thế nào? Đối với những người gây sự, nếu bạn vẫn chưa tha thứ cho họ, bạn có thể cầu xin ơn sủng để làm điều đó. Bạn cũng có thể chúc lành cho họ bằng cách quyết định không phán xét họ hoặc chỉ trích họ, hoặc cầu nguyện cho họ mỗi ngày. Bằng những cách này và hơn thế nữa, bạn sẽ rửa chân cho họ – và làm dịu trái tim của chính bạn trong quá trình này.

Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương và chúc lành cho những kẻ thù của con.

 

The one who receives me – SN song ngữ Anh – Việt, (12.5.2022)
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Thursday (May 12)
“The one who receives me”

Scripture: John 13:16-20

16 Truly, truly, I say to you, a servant is not greater than his master; nor is he who is sent greater than he who sent him. 17 If you know these things, blessed are you if you do them. 18 I am not speaking of you all; I know whom I have chosen; it is that the scripture may be fulfilled, `He who ate my bread has lifted his heel against me.’ 19 I tell you this now, before it takes place, that when it does take place you may believe that I am he. 20 Truly, truly, I say to you, he who receives any one whom I send receives me; and he who receives me receives him who sent me.”

Thứ Năm ngày 12.5.2022
Nếu ai đón nhận ThầyGa 13,16-20

 

16 Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Meditation: How do you treat those who cause you grief or harm, especially those who are close to you in some way? In his last supper discourse, Jesus addressed the issue of fidelity and disloyalty in relationships. Jesus knew beforehand that one of his own disciples would betray him. Such knowledge could have easily led Jesus to distance himself from such a person and to protect himself from harm’s way. Instead, Jesus expresses his love, affection, and loyalty to those who were his own, even to the one he knew would “stab him in the back” when he got the opportunity. Jesus used a quotation from Psalm 4:9 which describes an act of treachery by one’s closest friend. In the culture of Jesus’ day, to eat bread with someone was a gesture of friendship and trust. Jesus extends such friendship to Judas right at the moment when Judas is conspiring to betray his master. The expression lift his heel against me reinforces the brute nature of this act of violent rejection.

 

Love and loyalty that endure to the end

Jesus loved his disciples to the end and proved his faithfulness to them even to death on the cross. Through his death and resurrection Jesus opened a new way of relationship and friendship with God. Jesus tells his disciples that if they accept him they also accept the Father who sent him. This principle extends to all who belong to Christ and who speak in his name. To accept the Lord’s messenger is to accept Jesus himself. The great honor and the great responsibility a Christian has is to stand in the world for Jesus Christ. As his disciples and ambassadors (2 Corinthians 5:20), we are called to speak for him and to act on his behalf.  Are you ready to stand for Jesus at the cross of humiliation, rejection, opposition, and suffering?

 

“Eternal God, who are the light of the minds that know you, the joy of the hearts that love you, and the strength of the wills that serve you; grant us so to know you, that we may truly love you, and so to love you that we may fully serve you, whom to serve is perfect freedom, in Jesus our Lord.” (Prayer of Saint Augustine)

Suy niệm:  Bạn đối xử với những người đã gây cho bạn đau khổ hay buồn phiền như thế nào, đặc biệt đối với những người có thể có mối quan hệ bạn bè hay ruột thịt của bạn? Trong bài diễn từ cuối cùng, Đức Giêsu nói về lòng trung thành và sự bất trung trong những mối quan hệ. Đức Giêsu biết trước rằng một người trong số các môn đệ của mình sẽ phản bội Ngài. Sự nhận thức như vậy dễ dàng dẫn Đức Giêsu tới chỗ xa tránh người đó và bảo vệ mình khỏi con đường nguy hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu bày tỏ tình thương và lòng trung thành của mình đối với những người thuộc về mình, thậm chí đối với kẻ mà Người biết sẽ “đâm sau lưng mình” khi hắn có cơ hội. Đức Giêsu đã trích dẫn câu Thánh vịnh 4,9, mô tả hành động phản bội bởi người bạn thân thiết nhất. Trong văn hóa vào thời Đức Giêsu, ăn uống với ai là một cử chỉ của tình bằng hữu và sự tin cậy. Đức Giêsu dành mối tình bằng hữu như vậy đối với Giuđa, ngay khi Giuđa đang âm mưu phản bội Thầy mình, lời diễn tả giơ gót đạp con nói lên bản chất dã man của hành động thô bạo này.

Tình yêu và lòng trung tín tồn tại muôn đời

Đức Giêsu yêu thương các môn đệ cho đến cùng và chứng tỏ lòng trung thành của mình đối với họ, thậm chí chết trên thập giá. Ngang qua cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Giêsu đã mở ra con đường mới của mối quan hệ và tình bằng hữu với Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng nếu họ tiếp nhận Ngài, họ cũng tiếp nhận Cha, Đấng đã sai Người. Quy luật này cũng dành cho tất cả những ai thuộc về Đức Kitô và những ai nói nhân danh Người. Đón nhận sứ điệp của Chúa là đón nhận chính Đức Giêsu. Vinh dự và trách nhiệm lớn nhất của người tín hữu là làm chứng cho thế giới về Đức Giêsu Kitô. Giống như các môn đệ, chúng ta được mời gọi để nói cho Người và hành động cho Ngài. Bạn có sẵn sàng làm chứng cho Đức Giêsu ở thánh giá của sự chống đối và thù địch không?

Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng là ánh sáng của những tâm trí hiểu biết Chúa, là niềm vui của những tâm hồn yêu mến Chúa, và là sức mạnh của những ý chí phụng sự Chúa. Xin ban cho con điều đó để hiểu biết Chúa, để chúng con có thể thật sự yêu mến Chúa, và yêu mến Chúa đến nỗi chúng con có thể hoàn toàn phụng sự Chúa, Đấng đáng được phụng sự với sự hoàn toàn tự nguyện. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Augustine)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây