Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh.

Thứ tư - 18/05/2022 07:49

Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh.

"Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn".

 

Lời Chúa: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người.

Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".

 

Suy niệm 1: Niềm vui trọn vẹn

Kitô giáo gắn liền với thánh giá.

Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá.

Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh,

mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu,

từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang.

Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát,

nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn.

Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.

Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình:

“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,

để niềm vui của Thầy ở trong anh em,

và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11).

Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn.

“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian

để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13).

Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy:

“Cứ xin đi, anh em sẽ được,

để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).

Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ.

Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.

Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình,

và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này,

bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ.

Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến,

“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).

Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn,

vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy.

Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy,

Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b).

Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy,

để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a).

Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha,

nên ai giữ lệnh Thầy truyền

cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.

Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn.

Và con người tưởng mình có thể tìm được

bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình.

Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ.

Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu!

Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!

Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.

Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc

ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

Suy niệm 2: NIỀM VUI TRONG CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu không bảo ta hãy yêu Chúa. Nhưng bảo ta hãy ở lại trong tình yêu của Chúa. Ở lại trong tình yêu là lời mời gọi tha thiết hơn nhiều, thân thiết hơn nhiều. Yêu ở đây không phải là một tình cảm, một thái độ, nhưng là một đời sống. Ở trong tình yêu là sống trong tình yêu. Sống nhờ tình yêu. Sống cho tình yêu. Tình yêu của Chúa là một bầu trời. Thiên Chúa ấp ủ ta trong tình yêu. Ta hít thở tình yêu. Ta hấp thụ tình yêu. Ta lớn lên trong tình yêu. Ta hạnh phúc trong tình yêu.

Chúa có kinh nghiệm vì đã ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Ở lại trong tình yêu của Chúa Cha làm cho Chúa được phong phú, được bình an và vui tươi vì tràn ngập hạnh phúc. Nên Chúa muốn ta cũng ở trong Chúa để được sống, được phong phú, được bình an và được vui tươi hạnh phúc như thế. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… như Thầy ở lại trong tình thương của Cha”.

Ở lại là một kết hợp sâu xa. Kết hợp đó khiến ta nên một với Chúa. Chúa sống trong ta. Chúa biến đổi ta. Để ta suy nghĩ như Chúa. Nói năng như Chúa, Hành động như Chúa. Cũng như Chúa nên một với Chúa Cha. Nên không làm theo ý mình. Nhưng làm theo ý Cha. Người nói là nói lời đã nghe nơi Chúa Cha. Người làm là làm theo ý Chúa Cha.

Khi ta hoàn toàn ở lại trong Chúa, hoàn toàn kết hợp với Chúa, hoàn toàn nên một với Chúa, ta sẽ có niềm vui tràn đầy. Niềm vui đó chính Chúa đã cảm nghiệm khi ở trong Chúa Cha, nên Chúa truyền lại cho ta để ta cũng được hưởng niềm vui trong Chúa: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh emđược hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.

Ở trong tình yêu Chúa biến đổi ta cho ta được sống và được phong phú. Chứ không phải nhờ những nghi thức bên ngoài như phép cắt bì. Chính vì thế các Tông đồ đã quyết định bỏ phép cắt bì với những luật lệ của người Do thái. Chỉ trong tình yêu Chúa Kitô ta được biến đổi nên người mới. Được sống. Được hạnh phúc. Và tràn đầy niềm vui

 

Suy niệm 3: Niềm vui được trọn vẹn

Chúng ta tiếp tục những tâm sự của Chúa Giêsu trao gửi cho chúng ta sau khi đã cùng nhau suy nghĩ về hình ảnh cây nho và cành nho mà Ngài đã dùng để kêu gọi chúng ta gắn bó với Ngài nơi Tin Mừng hôm qua. Hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta noi gương Ngài như Ngài đã giữ luật truyền của Chúa Cha và ở lại trong Chúa Cha, thì chúng ta cũng hãy giữ luật truyền của Ngài để được ở trong Ngài. Chính vì được ở trong nhau như thế đã làm nên niềm vui và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn vì tất cả chúng ta đều có Thiên Chúa ở với mình. Thiên Chúa có niềm vui hoàn hảo, niềm vui viên mãn, niềm vui tràn đầy cho tất cả những ai yêu mến và ở trong Ngài.

Những lời của Chúa Giêsu mời gọi các đồ đệ hãy suy nghĩ nghiêm chỉnh về thái độ sống của mình. Mỗi đồ đệ Chúa đã được chọn, được huấn luyện sống tình thương theo mẫu gương của Chúa. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, lời Chúa luôn mời gọi, khuyến khích, và ân sủng không thiếu cho những ai cầu xin để được nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin thương giúp mỗi người chúng con chừa bỏ khuyết điểm của mình. Xin cho chúng con mỗi ngày một sống tình yêu thương của Chúa nhiều hơn. Xin thương ban cho toàn thể Giáo Hội Chúa ơn hiệp nhất và bình an.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Yêu mến và vâng phục

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thế chiến thứ II chấm dứt, Đức Gioan Phaolô đã mạnh mẽ kết án các ý thức hệ độc tài và kêu gọi thế giới rút ra bài học từ cuộc chiến dã man ấy. Ngài mời gọi mọi người hướng nhìn về bao nhiêu trại tập trung trên thế giới, đó là biểu trưng của những hậu quả tàn khốc do các ý thức hệ độc tài.

Nhân loại có lẽ vẫn chưa học được bài học từ thế chiến thứ hai. Ngày nay nhiều cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn xâu xé nhiều miền trên thế giới. Đức thánh cha đặc biệt kêu gọi giới trẻ hãy từ bỏ những ý thức hệ bạo động, những hình thức chủ nghĩa quốc gia quá khích và những hình thức bất khoan dung, vì đó là con đường dẫn đến chiến tranh. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tựu trung là một lời kêu gọi học sống yêu thương.

Tin mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con, Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chua Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Xét cho cùng, một tình yêu đích thực đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung. Khi không chấp nhận để người khác có một suy nghĩ khác với mình, một niềm tin và một cách sống khác với mình, người ta sẽ tìm cách hạn chế tự do hoặc loại trừ người khác.

Hãy thay đổi tâm lòng, hãy mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, đó là điều  mà chúng ta phải cầu xin trong cuộc sống mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Vui lên: Thiên Chúa yêu anh em

Những lời của Đức Giêsu là một mặc khải đem lại vui mừng cho chúng ta: “Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được đầy tràn”. Thường thường mặc khải cho thấy chúng ta là bạn của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, không phải để mang hạnh phúc đến cho chúng ta. Tin mừng chỉ trao cho ta một tấm vé nhỏ in câu: “Cười đi Chúa yêu bạn đấy”, rồi lại để cho chúng ta rơi vào buồn chán, buồn tủi.

Thế là khiến ta mỉm cười … một nụ cười chế diễu, ngây ngô, vô hạn. Tình yêu Thiên Chúa đem lại cho chúng ta có vẻ vô ích, hư thực, dường như tình yêu trong tiểu thuyết nực mùi nước hoa hồng.

Chúng ta bị cản trở khi tìm hiểu thực chất của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không thấu triệt được, không kết hợp được với tình yêu Thiên Chúa, dù có cố gắng tìm tòi với bao mồ hôi, với những lý sự vụn vặt và công sức mạo hiểm. Cho dù có những ông bác học, ông Mỹ, ông Pháp tài giỏi đến đâu muốn giúp chúng ta hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, thì tình yêu đó vẫn quá xa ta, vẫn vô nghĩa và chẳng giúp được gì.

Tình yêu của Thiên Chúa được thấu hiểu tường tận, tình yêu mà Chúa Cha ban cho ta, sẽ trở nên nguồn vui vô tận. Bởi vì đây là tình yêu bác ái giúp chúng ta đi tới kết hợp với Thiên Chúa trong sự toàn thiện bản tính loài người chúng ta, dẫn chúng ta đến kết quả mỹ mãn, làm chúng ta hoàn hảo trọn vẹn.

Nếu chúng ta hiểu được mặc khải mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta nên bạn hữu của Ngài, tham dự vào gia nghiệp của Ngài, chúng ta sẽ càng hy vọng trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, lúc đó chúng ta sẽ trung thành hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Tới lúc đó, những khô khan và nghi ngờ sẽ chấm dứt và chúng ta sẽ vui mừng xưng hô lên rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu này trở thành sinh lực dồi dào và gắn bó chặt chẽ Thiên Chúa với chúng ta. Lúc đó niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.

C.G

 

Suy niệm 6: Nếu... thì sẽ...!

Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi hành.

Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng: lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình... Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là hành động.

Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có, quyền lực và thực dụng... đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế, người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót... Lời trăn trối của Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?

Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu, mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!

Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Ở trong tình yêu của Thầy

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy sống trọn vẹn tình yêu, theo mẫu mực tuyệt hảo như Thiên Chúa yêu thương. Ta hãy giữ giới răn của Chúa Giêsu để sống trong tình yêu của Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, không có lời mời gọi nào êm dịu và ngọt ngào cho bằng tiếng gọi của tình yêu. Sự ngọt ngào ấy còn tuyệt diệu hơn nữa khi có tiếng gọi của tình yêu từ chính Chúa.

Nhưng lạy Chúa, từ vườn địa đàng, nơi phủ ngập tình yêu của Chúa, tổ tiên loài người đã đánh mất tình yêu. Lòng con người hóa nên chai cứng và thù hận đã bóp nghẹt con tim. Tình trạng ấy đang ảnh hưởng trên đời sống con hôm nay.

Lời Chúa đã đánh thức tình yêu con sống dậy, và hướng dẫn con biết sống trong tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy cần được sống trong đời thường. Tình yêu ấy sẽ biến đổi con thành người sống trong thuận hoà. Tình yêu ấy luôn ẩn dấu trong trái tim để hướng dẫn con sống đời yêu thương cụ thể. Tình yêu ấy lắng đọng trong đôi mắt để con nhìn người khác là anh em. Tình yêu ấy luôn ngập tràn trên môi miệng để con biết nói lời dựng xây, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với kẻ khác. Tình yêu ấy luôn hiện diện trên đôi tay để con biết sẵn sàng cho đi những nghĩa cử cao đẹp. Và tình yêu ấy luôn tiến bước trên đôi chân để con sẵn sàng đi đến với mọi người.

Lạy Chúa, xin dạy con sống tình yêu chia sẻ như Chúa, để đời con tràn đầy niềm vui hạnh phúc, vì “kẻ cho thì có phúc hơn người nhận”. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.

 

Suy niệm 8: Tình Chúa yêu thương ta

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Ngài: Ngài yêu thương chúng ta  bằng chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu Ngài. Tất cả những gì  Đức Giêsu lãnh nhận  từ nơi Cha, Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Đức Giêsu dạy chúng ta biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

2. Có một tác giả đã viết trong một bài ca của ông như sau: “Dù anh lấy bầu trời làm giấy, lấy nước biển làm mực, đốn cây rừng làm bút viết, và dùng con người trên thế giới trải qua mọi thời đại làm người viết, thì anh cũng không bao giờ  diễn tả hết được tình yêu Thiên Chúa”. Đây là một kiểu nói có tính cách khoa đại, nhưng không phải là không đúng sự thật, vì Kinh Thánh nói: “Từ muôn thưở Chúa đã yêu con”, “Chúa yêu con từ khi con chưa có tuổi, từ khi chưa có sao trời”. Nếu xét về hiện hữu thì con người chẳng hơn gì sự có mặt của muôn tinh tú trong thái dương hệ bao la này. Nhưng vũ trụ bao la ấy một ngày kia sẽ trở về hư không như lời Kinh Thánh: “Trời đất này sẽ qua đi”. Nhưng khi mọi sự qua đi, thì chính con người sẽ tồn tại mãi mãi, tồn tại cả xác lẫn hồn (Lm Phạm Văn Phượng).

3. ”Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9).

Theo kinh nghiệm, hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống nữa là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giêsu đã rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ luôn ở với Ngài cũng như Ngài hằng ở với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng phục lệnh truyền của Cha Ngài. Đó là điều được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay (Mỗi ngày một tin vui).

4. Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Đức Kitô thì luôn luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.

Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: Khi yêu nhau thật lòng người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc trong tình yêu..

Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Con khi phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các con hãy vâng nghe lời Người”. Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa. Kitô hữu yêu Chúa là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Đức Giêsu đã nói rõ điều kiện: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy, các con ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).

5. Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu biết rằng mình chẳng còn ở lại một cách hữu hình với các môn đệ được bao lâu nữa, do đó, để tránh cho các môn đệ cảnh xa mặt cách lòng, Đức Giêsu mời gọi và truyền dạy các ông một phương cách mới để duy trì tình yêu đối với Ngài, đó là tuân giữ các lệnh truyền của Ngài như Ngài đã tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha và luôn kết hợp với Ngài. Đức Giêsu chia sẻ cho các môn đệ kinh nghiệm sống của Ngài với Chúa Cha, và lấy đó làm lý tưởng cho cuộc sống đức tin của các môn đệ  trong thời gian sau biến cố Phục sinh, thời gian của sự dấn thân làm chứng cho Ngài. Người làm chứng cho Chúa  phải sống kết hợp với Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và quan trọng nhất là lệnh truyền: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

6. Như Đức Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Đức Giêsu tuôn chảy đến nhân loại: Tất cả những gì Đức Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha. Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Và nhân loại cũng phải trao cho nhau như Đức Giêsu đã truyền: Biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

7. Truyện: Hãy học biết yêu thương.

Ngày xưa có một chàng thanh niên hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa. Một hôm anh ta tìm đến một tu sĩ nổi tiếng và đạo đức, anh hỏi: - Ngài có tin Thiên Chúa không?

- Vâng, tôi tin. Vị tu sĩ trả lời.

- Nhưng dựa vào đâu mà ngài tin như thế?

- Tôi tin Thiên Chúa vì tôi biết Ngài. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong tôi mỗi ngày.

- Nhưng làm sao cảm nhận được như thế?

- Khi ta yêu thì ta sẽ cảm nhận được Chúa, và những hồ nghi sẽ tan biến như sương mai phải tan biến lúc mặt trời mọc.

Chàng thanh niên suy nghĩ một hồi rồi hỏi tiếp:

- Xin Ngài chỉ rõ cho tôi phải làm điều đó bằng cách nào?

- Bằng cách thực hiện những việc yêu thương. Anh hãy cố gắng yêu thương những người chung quanh anh, yêu thương tích cực và không ngừng. Khi anh học biết yêu thương ngày càng nhiều hơn thì anh cũng sẽ càng ngày càng xác tín hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn. Việc này đã được thử nghiệm rồi đấy. Đó là sự thật.

 

Suy niệm 9: Ở lại trong tình yêu của Thầy

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Tiếp dụ ngôn bài giáo lý “Sống trong Chúa”:

Chúa Giêsu dạy: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, Các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy.”

Suy gẫm

1. Tôi yêu Chúa. Nhưng tôi không luôn yêu Ngài. Tình yêu của tôi đối với Ngài lúc có lúc không, có khi nồng nàn, có khi lạnh nhạt. Nghĩa là tôi chưa ở lại trong tình yêu của Ngài. Muốn ở lại tôi phải làm theo Lời Chúa dạy “Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy.”

2. Hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm sở thích của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống chi là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ ở với Ngài cũng như Ngài hằng mơ ước với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng lệnh truyền của Chúa Cha.

3. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Năm 1963, tại Washington, 200.000 người lắng nghe Martin Luther King. Vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel Hoà Bình nói chuyện: “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và những người chủ nô sẽ ngồi với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi ước mơ một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…”

Ông ra sức thực hiện ước mơ ấy, biết bao khó khăn thử thách, ghen tương đố kỵ đã đổ xuống trên đầu ông, nhưng ông vẫn kiên quyết thực hiện hoài bão này.

Năm 1968, Martin Luther King đã gục dưới lằn đạn của những kẻ thù ghét ông. Nhưng công trình của ông vẫn được tiếp tục, bởi ước mơ của ông đã trở thành ước mơ của hàng triệu người trên thế giới.

Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại trong tình thương của Chúa.

4. Tin Mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con. Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chúa Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến lần thứ nhất, đã nhập thể làm người và qua đó trao ban cho chúng con niềm vui ơn cứu độ. Chúng con thật vui mừng vì có Chúa ở cùng chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa đến và lưu lại trong tâm hồn chúng con. Chúng con xin hết lòng cảm tạ, tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng chúng con tôn thờ, xin cho chúng con lưu lại trong Chúa để chúng con được tắm gội trong tình yêu của Chúa. Nhờ vậy mà chúng con được đổi mới cuộc đời, đổi mới cách sống cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con cũng mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con biết yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết đến với mọi người trong tinh thần yêu thương và phục vụ. Xin giúp chúng con đừng sống ích kỷ, đừng quá tham lam mà đánh mất tình bạn hữu, mà làm mất vẻ đẹp của phẩm giá làm người nơi chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết biến niềm vui có Chúa thành một đời sống chứng nhân cho Chúa giữa trần gian. Và xin cho chúng con biết sống khiêm tốn, thánh thiện, gương mẫu để mai sau chúng con được thấy Chúa, được ở bên Chúa, và được hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời. Amen

 

Suy niệm 10: Sống trong Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Nói tiếp về việc “Sống trong Chúa”.

1. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con. Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ những lệnh truyền của Chúa Cha. Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này, và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy, đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Do đó, yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp giữa hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Tình yêu đòi hỏi phải chấp nhận thói quen của người mình yêu. Khi ta quen và chấp nhận những chi tiết nhỏ trong cuộc sống của người khác, tức là ta đã thực sự yêu người đó. Tình yêu là sự thừa nhận của ta đối với thói quen của người khác. Nấc thang cao nhất trong tình yêu chính là thừa nhận và chấp nhận thói quen của người mình yêu.

Đây là câu chuyện xảy ra tại Belfast bên xứ Iceland:

Một linh mục công giáo, một mục sư tin lành, và một giáo trưởng Do thái, đang tranh luận rất sôi nổi về vấn đề thần học. Thình lình một Thiên Thần hiện ra giữa họ và nói:

- Thiên Chúa chúc lành cho các ngươi. Các ngươi hãy nói lên một ước nguyện về hòa bình và Thiên Chúa toàn năng sẽ chấp nhận.

Thế là vị mục sư tin lành liền khẩn cầu:

- Xin Chúa cho tất cả mọi người Công Giáo biến khỏi mảnh đất thân yêu này thì hòa bình sẽ trở lại tức khắc.

Vị Linh mục công giáo thì cầu nguyện:

- Xin đừng để cho một người Tin Lành nào còn có mặt trên mảnh đất Iceland thân yêu này, và hòa bình sẽ trở lại.

Vị giáo trưởng Do thái thì lại cúi đầu thinh lặng. Thấy thế Thiên Thần liền hỏi:

- Còn ngươi, hỡi giáo trưởng, ngươi không có ước nguyện nào ư?

Ông ta liền thưa:

- Vâng, tôi không có điều gì để xin nữa. Tôi chờ cho lời cầu của hai vị này được Chúa chấp nhận là tôi mãn nguyện rồi.

Tình yêu đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung.

2. Trái lại nếu con người biết tôn trọng những khác biệt của người khác, thì cuộc sống giữa người với người chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.

Đức Giám Mục Helder Camara, vị tông đồ nổi tiếng của người nghèo xứ Brasil, đã ghi lại trong tập thơ của Ngài mang tựa đề “Có muôn ngàn lý do để sống” câu chuyện sau đây:

Bên cạnh nhà tôi có một con sáo, quanh năm ngày tháng sống giữa trời. Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi sáo có nơi ngủ không. Nó ngạc nhiên trả lời:

- Có chứ, màn là trời, chiếu là đất, có bao giờ thiếu đâu.

Với những đòi hỏi của trí khôn, con người muốn biết mọi chuyện, tôi mới tò mò hỏi nó:

- Thế thì những lúc mưa gió, sáo trú ẩn mình nơi đâu?

Sáo nhanh nhẩu trả lời:

- Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?

Tôi hỏi nó có đói không. Con chim chỉ mỉm cười đáp:

- Điều tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà.

Nói thế rồi nó cất tiếng hót như sau:

- Hỡi loài người kiêu ngạo, hãy nói cho ta biết đi, liệu các ngươi không chết sao?

Có lần, tôi nài nĩ con sáo nhận món quà tôi biếu, đó là khúc bánh mì kẹp thịt. Thế là sáo lại được dịp cười nhạo sự ngây ngô của tôi. Nó bảo:

- Ông không biết loài sáo chúng tôi không ăn bánh mì và thịt như các ông à?

Một lần khác tôi hỏi sáo có cầu nguyện không? Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười và nói:

- Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót.

Ngày kia, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện nhờ các bác sĩ khám bệnh và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Nguyên nhân của những nỗi bất hạnh nơi con người là việc con người không biết chấp nhận tư tưởng, hành động và cách sống của nhau.

Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ, hành động và sống như mình. Ý thức hệ nào cũng tự cho mình là ưu việt và muốn áp đặt trên mọi người bằng mọi cách.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thay đổi tấm lòng, mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, để chúng con góp phần vào việc kiến tạo nên một thế giới, trong đó mỗi người chúng con biết sống quảng đại với nhau hơn. Amen.
 

My joy might be in you – Suy niệm theo The WAU (19.5.2022)
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – May 2022

Thursday May 19th 2022
Meditation: John 15, 9-11

. . . that my joy might be in you. (John 15:11)

You’ve probably heard the Latin expression quid pro quo. It literally means “something for something.” But it’s often used in the context of business dealings: someone agrees to do something for you, and then you’re expected to do something for them in return. Unfortunately, it can seep into the way we give and receive gifts. In fact, this approach has become so ingrained in many of us that it even affects the way we relate to Jesus.

God has given us a great gift—his saving love. What a joy to realize that, unlike some of the gifts we receive in this world, there’s no quid pro quo with this one. It’s completely free. He doesn’t give it to us because he expects something in return but just because he loves us.

That’s not to say we don’t respond to God’s love by trying to please him in our thoughts, words, or actions. But we’re not paying back a debt. It’s more like a child saying, “I love you” when his father has just given him a big hug. That child can’t really repay the father’s love, but he still wants to reciprocate in some way.

That’s a good thing to keep in mind because it’s easy to make our Christian life all about “doing.” We can lose our joy if we think that we must somehow earn God’s love or repay him for loving us. The truth is that we could never pay God back for all he has given us. Knowing that we are not expected to reciprocate, that we have been given a matchless gift with no quid pro quo, can make our joy complete.

So instead of worrying about what you “owe” God, decide just to live in his love. You could look into the sky on a dark night and wonder at the vastness of the heavens. You could take a deep breath and think how blessed you are to be alive and to be God’s son or daughter. You could sit before a crucifix and contemplate the wounds Jesus suffered for you. As you do this, you may feel a spark of joy kindling in your heart.

The more you grasp the magnitude of his gift, the more joyful you’ll become. So praise and thank the Lord for what he has done for you!

“Thank you, Lord, for your unmatched love!”

Thứ Năm tuần tuần V Phục Sinh
ngày 19.5.2022

Suy niệm: Ga 15, 9-11

… để niềm vui của Thầy ở trong anh em (Ga 15,11)

Có thể bạn đã nghe cụm từ tiếng Latinh quid pro quo. Nghĩa đen của nó có nghĩa là “một cái gì đó cho một cái gì đó”. Nhưng nó thường được sử dụng trong bối cảnh giao dịch kinh doanh: ai đó đồng ý làm điều gì đó cho bạn và sau đó bạn được kỳ vọng sẽ làm điều gì đó cho họ. Thật không may, nó có thể xâm nhập vào cách chúng ta cho và nhận quà. Trên thực tế, cách tiếp cận này đã trở nên ăn sâu vào nhiều người trong chúng ta đến mức nó thậm chí còn ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với Chúa Giêsu.

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời – tình yêu cứu rỗi của Ngài. Thật vui khi nhận ra rằng, không giống như một số món quà mà chúng ta nhận được trên thế giới này, không có món quà nào phù hợp với món quà này. Nó hoàn toàn nhưng không. Ngài không ban nó cho chúng ta vì Ngài mong đợi một điều gì đó được đáp lại mà chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa bằng cách cố gắng làm vui lòng Ngài trong suy nghĩ, lời nói hoặc hành động của chúng ta. Nhưng chúng ta không trả nợ. Nó giống như một đứa trẻ nói: “Con yêu bố” khi cha của nó vừa ôm nó thật chặt. Đứa trẻ đó không thể thực sự đền đáp tình yêu của người cha, nhưng nó vẫn muốn đáp lại bằng một cách nào đó.

Đó là một điều tốt cần ghi nhớ bởi vì thật dễ dàng để biến cuộc sống Kitô hữu của chúng ta chỉ là “làm”. Chúng ta có thể mất niềm vui nếu nghĩ rằng bằng cách nào đó chúng ta phải kiếm được tình yêu thương của Thiên Chúa hoặc đền đáp Ngài vì đã yêu thương chúng ta. Sự thật là chúng ta không bao giờ có thể trả ơn Thiên Chúa cho tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta. Biết rằng chúng ta không được mong đợi để đáp lại, rằng chúng ta đã được ban tặng một món quà vô song, không có quy tắc nào, có thể làm cho niềm vui của chúng ta trở nên trọn vẹn.

Vì vậy, thay vì lo lắng về những gì bạn “nợ” Thiên Chúa, hãy quyết định chỉ sống trong tình yêu của Ngài. Bạn có thể nhìn lên bầu trời vào một đêm tối và tự hỏi về sự rộng lớn của bầu trời. Bạn có thể hít một hơi thật sâu và nghĩ rằng mình thật may mắn biết bao khi được sống và trở thành con cái của Thiên Chúa. Bạn có thể ngồi trước một cây thánh giá và chiêm ngưỡng những vết thương mà Chúa Giêsu phải chịu cho bạn. Khi bạn làm điều này, bạn có thể cảm thấy một tia vui mừng đang nhen nhóm trong tâm hồn mình.

Bạn càng nắm bắt được tầm quan trọng của ân huệ của Ngài, bạn sẽ càng vui hơn. Vì vậy, hãy ngợi khen và cảm ơn Chúa về những gì Ngài đã làm cho bạn!

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì tình yêu không gì sánh được của Ngài!

 

Abide in my love – Suy niệm song ngữ Anh – Việt (19.5.2022)
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Thursday (May 19)
 “Abide in my love”

Scripture: John 15:9-11  

9 As the Father has loved me, so have I loved you; abide in my love. 10 If you keep my commandments, you will abide in my love, just as I have kept my Father’s commandments and abide in his love. 11 These things I have spoken to you, that my joy may be in you, and that your joy may be full.

Thứ Năm ngày 19.5.2022
Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy

 

Ga 15,9-11

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Meditation: Do you know the love that no earthly power nor death itself can destroy? The love of God the Father and his Son, the Lord Jesus Christ is a creative, life-giving love that produces immeasurable joy and lasting friendship for all who accept it. God loves the world so much because he created it to reflect his glory. And he created each one of us in his own image and likeness (Genesis 1:26-27). He wants us to be united with himself in an inseparable bond of unity, peace, and joy that endures for all eternity. That is why the Father sent his Son, the Lord Jesus, into the world, not to condemn it, but to redeem it from the curse of sin and death (John 3:16-17). Paul the Apostle tells us that we can abound in joy and hope because God’s love has been poured into our hearts through the gift of the Holy Spirit who has been given to us (Romans 5:5).

 

Through Jesus’ sacrifice on the cross, God offers pardon for all of our sins and failings, and he calls us to lay aside everything that might hold us back from loving him above all else. We owe him a debt of gratitude and love in return. We can never outmatch God because he has loved us first and has given himself to us without measure. Our love for him is a response to his exceeding mercy and kindness towards us. In God’s love alone can we find the fulness of abundant life, peace, and joy.

A new commandment of love 

The Lord Jesus gives his disciples a new commandment – a new way of love that goes beyond giving only what is required or what we think others might deserve. What is the essence of Jesus’ new commandment of love? It is love to the death – a purifying love that overcomes selfishness, fear, and pride. It is a total giving of oneself for the sake of others – a selfless and self-giving love that is oriented towards putting the welfare of others ahead of myself.

There is no greater proof in love than the sacrifice of one’s life for the sake of another. Jesus proved his love by giving his life for us on the cross of Calvary. Through the shedding of his blood for our sake, our sins are not only washed clean, but new life is poured out for us through the gift of the Holy Spirit. We prove our love for God and for one another when we embrace the way of the cross. What is the cross in my life? When my will crosses with God’s will, then God’s will must be done. Do you know the peace and joy of a life fully surrendered to God and consumed with his love?

 

 

“Lord Jesus, may I always grow in the joy and hope which your promises give me. Inflame my heart with love for you and your ways and with charity and compassion for my neighbor. May there be nothing in my life which keeps me from your love.”

Suy niệm: Bạn có biết tình yêu mà không sức mạnh thế gian nào hay cái chết có thể hủy diệt không? Tình yêu của Chúa Cha và Con của Người, Chúa Giêsu Kitô là một tình yêu sáng tạo và ban sự sống, phát sinh niềm vui khôn lường và tình bằng hữu vĩnh cửu cho tất cả những ai đón nhận nó. Thiên Chúa yêu thương thế gian vô cùng bởi vì Người đã tạo dựng nên nó để phản ánh vinh quang của Người. Và Người đã tạo dựng mỗi một người chúng ta giống hình ảnh của Người (St 1,26-27). Người muốn chúng ta được kết hiệp với Người trong một mối dây không thể chia cắt của sự hiệp nhất, bình an, và niềm vui, sẽ tồn tại mãi mãi. Ðó là lý do tại sao Cha đã sai Con mình, Chúa Giêsu, vào thế gian, không phải để lên án nó, nhưng để cứu chuộc nó khỏi tai họa của tội lỗi và sự chết (Ga 3,16-17). Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng chúng ta có thể có nhiều niềm vui và hy vọng bởi vì tình yêu Thiên Chúa đã rót vào lòng chúng ta ngang qua hồng ân Chúa Thánh Thần, Ðấng đã được ban cho chúng ta (Rm 5,5).

Ngang qua hy tế của Ðức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa ban sự tha thứ cho tất cả tội lỗi và thiếu sót của chúng ta và Người mời gọi chúng ta dẹp bỏ mọi thứ có thể níu kéo chúng ta khỏi việc yêu thương Người trên hết mọi sự. Chúng ta nợ Người món nợ của sự biết ơn và tình yêu đáp trả. Chúng ta có thể không bao giờ vượt trổi hơn Thiên Chúa bởi vì Người đã yêu thương chúng ta trước và ban chính Người cho chúng ta mà không tính toán. Tình yêu của chúng ta dành cho Người là sự đáp trả trước lòng thương xót và nhân hậu vô cùng dành cho chúng ta. Chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tìm thấy trọn vẹn sự sống, bình an, và niềm vui sung mãn.

Điều răn yêu thương mới

Chúa Giêsu ban cho các môn đệ một điều răn mới – một cách thức yêu thương mới mà hơn cả việc chỉ cho đi những gì được đòi hỏi hay những gì chúng ta nghĩ người khác xứng đáng. Bản chất của điều răn yêu thương của Ðức Giêsu là gì? Ðó là yêu cho đến chết – một tình yêu tinh ròng vượt trên sự ích kỷ, sợ hãi, và kiêu căng. Ðó là sự cho đi chính mình hoàn toàn vì ích lợi của người khác – một tình yêu vị tha và hy sinh hướng tới việc đặt ích lợi của người khác trên chính mình.

Không có bằng chứng tình yêu nào lớn hơn sự hy sinh mạng sống mình vì người khác. Ðức Giêsu đã minh chứng tình yêu của Người bằng việc trao ban mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá ở đồi Canvê. Ngang qua sự đỗ máu của Người vì chúng ta, tội lỗi của chúng ta không chỉ được rửa sạch, nhưng sự sống mới được ban cho chúng ta qua hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta minh chứng tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa và cho nhau khi chúng ta đón nhận con đường thập giá. Thập giá trong đời tôi là gì? Khi ý tôi trái ngược với ý của Thiên Chúa, thì ý của Thiên Chúa phải được thực hiện. Bạn có biết sự bình an và niềm vui của đời sống quy phục hoàn toàn trước Thiên Chúa và được đốt cháy với tình yêu của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con luôn luôn lớn lên trong niềm vui và hy vọng mà những lời hứa của Chúa ban cho con. Xin hãy đốt cháy lòng con với tình yêu dành cho Chúa và những đường lối của Chúa và với lòng bác ái và trắc ẩn dành cho tha nhân. Chớ chi không có gì trong đời con ngăn cản con trước tình yêu của Chúa.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây