THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY
"Ngài yêu thương họ đến cùng".
Lời Chúa: Ga 13, 1-15
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.
Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".
Suy Niệm 1: Phải rửa chân cho nhau
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.
Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.
Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy:
Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng
Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước,
bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình
để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ
và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân
là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau
chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi
bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân,
chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân,
nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống
rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con
một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy
Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống
trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Suy Niệm 2: Mình Thánh Chúa, món quà quý giá cho nhân loại
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa đã ban quà cho nhân loại bằng chính Mình Thánh Chúa. Biết ơn Chúa, chúng ta phải trân trọng hưởng dùng và sống bác ái như Chúa đã làm gương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nếu ai đó nói con không có đức tin, con sẽ cự lại ngay. Thật ra con có đức tin đó nhưng còn yếu kém lắm. Yếu kém nên con chưa nhận ra phép lạ Chúa hằng quảng đại thực hiện trên các bàn thờ trong mỗi thánh lễ: biến bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa. Chẳng ai nói một lời mà biến hóa cái này thành cái khác. Thế mà nhờ quyền năng Chúa, vị linh mục phán một lời thì bánh rượu trở nên Mình Thánh Chúa.
Con chưa đủ tin nên con chưa cảm thấy hứng khởi khi tham dự thánh lễ, không cảm thấy khao khát được rước Mình Thánh Chúa, và nhất là không sốt sắng cám ơn Chúa khi Chúa đang ngự trong lòng con qua bí tích Thánh Thể.
Con hăm hở làm việc cật lực cả ngày để kiếm tiền nuôi thân xác. Thế nhưng con thường có cảm giác mất giờ khi đi tham dự thánh lễ. Thời giờ con dành để tôn thờ Chúa và mưu ích cho linh hồn có đáng gì đâu so với thời giờ con lo cho thân xác. Vậy mà con hay so đo tính toán. Rõ ràng con còn yếu kém lòng tin. Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con. Xin Chúa nâng đỡ tính xác thịt vốn yếu hèn của con. Xin cho con được cảm thấy sự an ủi của Chúa, được hưởng nếm sự bình an khi con có Chúa ở với con nhờ bí tích Thánh Thể.
Xin cho con biết cám ơn Chúa hằng ngày bằng cả ngày sống của con. Nhờ được kết hiệp với Chúa và được hưởng trọn tình yêu của Chúa, xin cho con biết sống hiệp nhất với tha nhân và chia sẻ tình yêu của con chan hòa đến cho mọi người. Amen.
Ghi nhớ: “Ngài yêu thương họ đến cùng”.
Suy Niệm 3: Yêu là trao ban
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,10), Ngài là nguồn gốc tình yêu nên Ngài ban cho ta có tình yêu để yêu Ngài và yêu nhau. Chính vì thế Ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).
Không ai có thể định nghĩa được tình yêu mà chỉ để cho con tim cảm nghiệm được nó. Hoặc có theo định nghĩa thần học thì yêu là “diffusivum sui boni”: thông ban sự tốt lành của mình cho người khác; do đó, ta sẽ dễ hiểu được lời của thánh Gioan tông đồ: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16)
I. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA.
Thánh Gioan tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa là tình yêu nên mọi tình yêu phải bắt nguồn từ Ngài và cũng phải qui hướng về Ngài như một nguồn suối duy nhất. Nếu tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ Ngài thì chúng ta cũng phải yêu Ngài. Chính vì thế Ngài nói: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi và hãy yêu anh em như chính mình”(Mt 28,37.39). Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nhắc nhở tình yêu này cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,24; 15,12).
Trong tuần thánh này và hôm nay chúng ta hãy Suy Niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người trong công cuộc cứu chuộc này. Tình yêu ấy đã được thánh Gioan tông đồ ghi lại trong Tin Mừng: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống trần gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
II. TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ.
Nếu đọc đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Philipphê, chúng ta mới thấy Đức Giêsu yêu thương chúng ta đến mức nào: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết giữ lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà lại trút bỏ vinh quang của Thiên Chúa, lại còn mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm như chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và còn muốn nhận lấy cái chết ô nhục trên thập giá” (Pl 2,6-11).
Ta thử hỏi: vì lý do nào mà Chúa đã xuống thế làm người chịu chết chuộc tội cho chúng ta? Có lẽ không có câu trả lời nào khác mà chỉ có thể nói vì yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Ngoài ra, như người ta thường nói: “yêu nhau thì muốn kết hợp với nhau”. Đức Giêsu vì yêu chúng ta, không những Ngài đã hy sinh chết trên thập giá mà còn muốn ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế, cho nên Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể.
III. THÁNH THỂ, BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU.
Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi cho tín hữu Corintô nói: “Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con: các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,23). Chúa Giêsu đã biến mình máu Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Ngài chỉ có thể ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể không phải là sự hiện diện tượng trưng nhưng là sự hiện diện thực sự với mình máu, với cả nhân tính và thần tính của Ngài.
Động cơ nào đã thúc đẩy Đức Giêsu hành động như vậy? Đó là tình yêu! Đức Giêsu đã yêu chúng ta hết mức, Ngài đã tự vắt cạn kiệt con người của Ngài để phục vụ người khác, không còn gì để mà cho nữa mà chỉ còn cách là biến chính thịt máu mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Đặc tính của tình yêu là muốn cho đi:
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. (ca dao)
Cho đi là một sự mất mát, mất mát là một hy sinh, mà hy sinh là đau khổ, nhưng đau khổ vì tình yêu lại là một sự sung sướng vì đem lại niềm vui cho người mình yêu. Có một sự tương quan biện chứng giữa đau khổ và tình yêu, giữa mất và còn: hễ mất cái này thì còn cái khác. Điều kiện ắt có là hễ muốn còn cái này thì phải mất cái kia như hạt lúa phải thối đi để cho những bông lúa vàng nuôi sống con người. Con vật phải chết đi mới đem lại lương thực cho con người. Sự sống của con vật cũng như của thảo mộc phải mất đi để bảo đảm sự sống của con người.
Hy sinh cho người yêu những gì càng thiết yếu cho mình bao nhiêu thì quà tặng đó càng có giá trị. Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với chúng ta, thì đó mới thật là món quà”. Đức Giêsu không những đã trao ban mọi vinh quang trên trời, lại còn trao ban cả con người của Ngài thì món quà đó quí giá dường nào (x. Mt 26,26-28).
Truyện: Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình.
Trên bước đường lưu vong, trốn ra nước ngoài, Công tử Trùng Nhĩ và bọn bề tôi trải qua rất nhiều cam go, lầm than, đói khổ. Không tiền bạc, hết lương thực, bọn người này phải đi ăn xin.
Một hôm đói quá, đói đến lả người, cả bọn cơ hồ không còn đi được nữa. Trùng Nhĩ phải kiếm gốc cây có bóng mát gối đầu vào đùi Hồ Mao mà nằm. Bọn bề tôi bảo nhau đi bứt rau sam về luộc ăn. Trùng Nhĩ nuốt không trôi! Bỗng Giới tử Thôi mang một bát thịt nóng hổi đến dâng.
Trùng Nhĩ ăn ngon lành! Ăn xong, khỏe khoắn liền hỏi Giới tử Thôi:
- Nhà ngươi lấy đâu được thịt ngon như thế?
Giới tử Thôi chỉ vào đùi mình, thưa:
- Ấy là thịt đùi của tôi đó. Tôi nghe rằng: nguời hiếu tử bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân để thờ vua. Nay Công tử đói không có gì ăn nên tôi phải cắt thịt đùi dâng Công tử.
Trùng Nhĩ ứa nước mắt, nói:
- Ân này, biết bao giờ ta đáp được. (Thanh Lan Võ ngọc Thành, Nhân vật Đông châu, 1968, tr 324-325)
IV. BÀI HỌC CHO TA.
Suy Niệm về việc Chúa Giêsu lập Bí tich Thánh Thể để làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và muốn ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế trong phép Thánh Thể, chúng ta có thể rút ra được những bài học cụ thể để áp dụng vào đời sống hằng ngày.
1. Yêu là trao ban.
Một trong các đặc tính của tình yêu là trao ban, là cho đi. Yêu thì không muốn giữ cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác. Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu: “Không khi nào người ta yêu như người ta đã được yêu, vì vậy muốn đạt được hạnh phúc trong tình ái, chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì cả” (Paul Bourget).
Nếu tu viện trưởng Saint-Pierre quả quyết rằng: “Yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi chân lý, vương miện của mọi nhân đức căn cứ trên sự CHO và tha thứ” thì thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã thực hiện trong tình yêu đối với Chúa Giêsu trong mấy vần thơ do thánh nữ sáng tác:
Sống yêu đương chính là cho tất cả,
Trên đời này không đòi hỏi công lao.
Không tính toán, không kể cho là bao,
Vì đã yêu có khi nào suy tính. (Têrêsa Hài đồng)
2. Trao ban là hy sinh.
Tục ngữ Tây phương nói: “Partir c’est mourir un peu”: ra đi là chết trong lòng một ít. Lìa xa nhau là một sự hy sinh, hy sinh làm ta đau khổ, và đau khổ được coi như là chết trong lòng một ít. Vậy cho đi là cái gì đó phải lìa xa ta làm cho ta phải hy sinh, hay nói cách khác là chết trong lòng một ít. Tình yêu chân thật đòi hỏi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng cao như Pierre l’Ermite nói: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”.
3. Trao ban là phục vụ.
Trao ban là cho đi, cho đi cái mình có và cái đó không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về người khác. Như vậy, cho đi là chỉ nhằm phục vụ, phục vụ là nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Chúng ta hãy nhìn lên ngọn nến lung linh trên bàn thờ. Cây nến phải hao mòn đi để trao ban ánh sáng và sức nóng cho con người. Nếu cây nến không chịu hao mòn đi thì không có ánh sáng mà không có ánh sáng thì không phục vụ cho con người được. Lúc đó cây nến chỉ còn là đồ trang hoàng chứ không cung cấp ánh sáng cho con người được.
4. Trao ban và cô đơn.
Yêu nhau thì người ta muốn gần nhau, muốn kết hợp với nhau để không bị cô đơn, nhiều khi phải bỏ tất cả để đi theo nhau. Theo nhau không phải chỉ chấp nhận một chủ thuyết, một chủ trương hay một khuynh hướng mà là muốn nối kết với nhau trong cuộc sống, bước theo nhau, coi người kia như lẽ sống của mình tựa như: “thuyền theo lái, gái theo chồng” (Tục ngữ):
Yêu nhau chữ vị là vì,
Chữ dục là muốn chữ tùy là theo. (ca dao)
Saint-Exupéry nói: “Cho, tức là bắc một nhịp cầu trên sự cô đơn”. Tự bản thân, con người sống cô độc, khép kín vào bản ngã mình, giới hạn vào những kiến thức, rối ren trong những khó khăn của mình. Nếu xa cách tha nhân, hoặc không có ai tới nâng đỡ, thì lại càng cô đơn thêm.
Cho, tức là bắc cầu, là mở đường giao thông. Cho cái gì? Không nhất thiết phải cho tiền bạc, của cải vật chất bởi vì ai cũng có cái gì để cho. Chúng ta có thể cho “đôi mắt” khi thấy một cụ già đang bối rối muốn băng qua đường, ta biết giúp đỡ cụ. Chúng ta có thể cho một lời nói để khích lệ hay chia buồn, một lời cám ơn, một lời khen ngợi. Chúng ta có thể cho nhau một nụ cười thông cảm, một cử chỉ thân thiện... Thử lập một danh sách xem tôi đã cho những gì và đã nhận được nhừng gì nơi người khác.
Chúa Giêsu đã trao ban cho ta chính con người của Ngài trong phép Thánh Thể, Ngài không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn luôn biết cho đi, cho đi một cách quảng đại, cho đi không có giới hạn, cho đi mãi mãi. Nhưng chúng ta không đáp lại sự cho đi của Ngài, chúng ta thờ ơ trước sự trao ban vô vị lợi của Ngài, làm cho Ngài phải cô đơn. Để tránh sự cô đơn của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân, ta hãy biết cho đi bằng cách phục vụ Chúa trong tha nhân, càng cho đi thì càng gần Chúa, càng sống thân mật với Ngài vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận” và nếu yêu mà chỉ nhận thì tình yêu sẽ chết.
Suy Niệm 4: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Gioan không chỉ tường thuật, mà còn chen vào những chi tiết rất có ý nghĩa:
- “Ngài yêu thương họ đến cùng”: đây là hành động biểu lộ tình thương.
- “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”: việc này làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
- “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”: việc làm này còn có “phần” trong màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.
- “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…”: đây là cung cách của người làm lớn.
- “Các con cũng phải rửa chân cho nhau”: việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.
B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1. Ta đã cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình…thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con…và lặp đi lặp lại những lời dặn dò…
2. “Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”: ngay trong hàng ngũ các tông đồ mà còn có kẻ không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào ? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ; nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, ên ái chứ không gay gắt, nặng nề…
3. Khi tay chân giơ, ta làm gì ? Tôi không chặt bỏ, nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể cả ta.
4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức họa nhỏ trong tập thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tã rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này: “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris,Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan nếu không hình dung ra tấm kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”. Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược với ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia. Đến nỗi các ông thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự là ngồi bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao ? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Tệ hơn nữa, Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Có lẽ cũng như Phêrô, “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). Như một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trang177-178).
Suy Niệm 5: Giới luật yêu thương
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
Hôm nay là ngày Thứ năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu ngồi thật gần các môn đệ của Ngài để mừng lễ Vượt Qua cổ xưa của người Do Thái.
Chúng ta tham dự vào bữa tiệc hôm nay để tưởng niệm đến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa.
A. Trong Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội còn muốn chúng ta nhớ lại giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã đặc biệt trối lại như một lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Chúa Giêsu đã chẳng có gia sản gì để trối lại cho các môn đệ của Ngài, nhưng Ngài lại để lại cho các môn đệ và những người đi theo Ngài một lời trối đặc biệt này. Đây là giới răn, là lệnh truyền chính Chúa nói ra cũng như đã thực hành trong phòng tiệc ly.
Ngài cũng không quên cho các môn đệ của Ngài biết lý do tại sao Ngài lại để lại cho họ giới răn yêu thương đó. Đó chính là vì Ngài đã yêu thương mọi người trước.
Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một điều hết sức lạ lùng.
Tiếc rằng, ngày hôm nay, nhiều người chưa thấy được điều đó. Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn được gần gũi với con người: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)
Phần chúng ta, chúng ta có tin rằng, Thiên Chúa là Đấng thật sự đang yêu thương mỗi một người trong chúng ta hay không ? Ngài yêu thương con người một cách sâu sắc và thân mật còn hơn cả tình yêu của bất cứ người mẹ nào yêu thương con mình, hay như bất cứ người tình nào yêu người yêu của mình.
Chỉ khi nào chúng ta xác tín được như thế, thì chúng ta mới có thể đáp trả lại tình yêu Chúa đúng phép.
Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Đây không phải là một điều luật được áp đặt lên trên chúng ta từ bên ngoài, nhưng đây là phương thức giúp cho cuộc sống của chúng ta được tốt đẹp hơn, hài hòa hơn.
Thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao nếu giới luật này được mọi người đưa ra thực hành. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi không còn chiến tranh, không còn bạo lực, không còn độc ác, không còn nô lệ. Lúc đó mọi người sẽ được giải thoát khỏi sự hận thù và tranh chấp.
B. Một điểm khác cần được đề cập tới trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay: Đó là việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Chỉ có một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh này: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài.
Cha Doncoeur đã diễn tả thật khéo sự việc này như sau “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo lau khô hai bàn chân của Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ đi cái tâm thức huênh hoang tự phụ đang còn bao trùm lên tâm trí của họ. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art franҫais, I, Paris, Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan, nếu không hình dung ra được màn kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn, đổi ngôi đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, do một câu nói của Đức Giêsu như một lời cảnh cáo: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”(Ga 13,8).
Quả thực, Đức Giêsu đã tự hạ, đã bước xuống chỗ thấp nhất. Tất cả đều trái ngược với những ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia, đến nỗi các ông ấy cảm thấy như bị thách đố.
Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người ngồi hai bên tả bên hữu Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao ? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông ấy lại ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Và còn kinh khủng hơn khi Ngài còn coi việc đó như một quy luật và bảo họ phải theo: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Việc làm của Chúa quả thực là khó hiểu. Mãi “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7), và ông đã phải viết lên “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Vâng! Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình như thế. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người.
Đó là con đường Chúa đã đi. Những ai muốn đi theo Ngài không có quyền đi ra khỏi đường đó.
Suy Niệm 6: Hãy yêu thương như Thầy
Xh 12, 1-8. 11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15
(Lm. Đan Vinh)
Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay cho chúng ta thấy tình yêu tột đỉnh của Đức Giê-su qua ba sự kiện như sau:
1) Yêu thương là hiến thân phục vụ cho người mình yêu:
Yêu thương bằng lời nói có thể bị coi là yêu bằng đầu môi chót lưỡi. Yêu thương bằng cử chỉ có thể bị coi chỉ là giả hình bề ngoài. Còn khi yêu thương bằng hành động mới chứng tỏ một tình yêu thực sự.
Vì thế, Đức Giê-su không những dạy các môn đệ yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, mà Người còn đòi các ông phải yêu thương bằng hành động cụ thể noi gương Người làm: cởi bỏ chiếc áo cao quý của thân phận Thiên Chúa đế đeo chiếc khăn thấp hèn của người phàm và cúi mình rửa chân hầu hạ các ông.
Rửa chân xong, Người tiếp tục dạy môn đệ bài học phục vụ: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm... Vậy Thầy là “Chúa” là “Thầy” mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
Qua hành động này, Đức Giê-su muốn mỗi tín hữu cũng phải yêu thương bằng hành động rửa chân phục vụ tha nhân. Rửa chân bao gồm những việc như: lắng nghe để cảm thông với nhu cầu của tha nhân, rồi đáp ứng bằng việc chia sẻ cơm áo cho người đói rét, băng bó những vết thương và góp phần chữa lành bệnh nhân liệt giường, an ủi những người đau khổ vì bị áp bức kỳ thị, thăm viếng những cụ già neo đơn bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão…
2) Yêu thương là muốn hiệp nhất với người mình yêu:
Khi yêu thương người ta không những hy sinh phục vụ nhau, mà còn muốn nên một với nhau như có người đã nói: “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai”. Vì thế, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để biến tấm bánh trong bữa ăn thành Thân Mình của Người sắp bị nộp và biến chén rượu trở thành Máu thánh Người sắp đổ ra trong cuộc khổ nạn làm của ăn của uống cho các môn đệ hầu ban sự sống muôn đời cho những ai lãnh nhận: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 111,24); vì “Ai ăn thịt và uống máu Thầy, thì sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,5a).
3) Yêu thương là muốn được ở mãi với người mình yêu:
Đức Giê-su đã hứa trước khi lên trời: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “ (Mt 28,20). Để có thể ở cùng các môn đệ luôn mãi, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích truyền chức thánh để trao ban chức linh mục cộng đoàn cho các tín hữu, và chức linh mục thừa tác cho những người được tuyển chọn: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Khi tham dự thánh lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, ước gì mỗi tín hữu chúng ta hiểu được bài học khiêm tốn phục vụ qua nghi thức rửa chân và cảm nhận được tình thương tột cùng của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng ta sẵn sàng đáp lại tình Chúa yêu thương bằng sự kết hiệp mật thiết với Chúa khi dự lễ rước lễ, rồi sẵn sàng quên mình để phụng sự Chúa và tha nhân, hầu nên chứng nhân cho Chúa trước mặt người đời (x. Cv 1,8).
Suy Niệm 7: Bài học rửa chân (Ga 13,1 – 15)
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Chiều thứ Năm Tuần Thánh là một buổi chiều của tình yêu. Cả bầu không khí thấm đẫm tình yêu. Từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giê-su đều trang trọng và đậm đặc sứ điệp tình yêu làm cho phòng Tiệc ly hôm nay thật ấm cúng. Hai cử chỉ nổi bật trong bữa Tiệc ly là việc Chúa Giê-su lập Phép Thánh Thể và rửa chân cho các Môn đệ.
Thánh Gio-an không tường thuật việc lập Phép Thánh Thể, nhưng chỉ tập trung vào việc rửa chân. Việc rửa chân được miêu tả rất tỉ mỉ, rành rọt, từng chi tiết, bằng lời văn trang trọng. Ta hãy đọc lại đoạn tả Chúa Giê-su chuẩn bị rửa chân cho các môn đệ: “Chúa Giê-su đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.”
Chúa Giê-su cử hành việc rửa chân một cách trang trọng như cử hành một bí tích. Vì việc rửa chân bổ túc cho bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ. Việc rửa chân được thực hiện ngoài cuộc đời. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su có ý dạy ta hãy thực hành đạo không chỉ trong nhà thờ mà còn ngoài xã hội nữa. Bí tích Thánh Thể hướng lòng ta về Chúa. Việc rửa chân hướng lòng ta về con người. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su có ý dạy ta rằng chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, cần phải yêu người nữa mới trọn vẹn điều răn Chúa truyền. Bí tích Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ. Việc rửa chân được cử hành trên con người. Khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giê-su dạy ta rằng con người chính là đền thờ, là bàn thờ của Chúa.
Chúa Giê-su cử hành nghi thức rửa chân một cách trang trọng vì Người kính trọngcon người. Đang ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, đó là cử chỉ của người đầy tớ. Khi chủ đang ngồi ăn, đầy tớ phải đứng phục vụ. Để việc phục vụ được dễ dàng đầy tớ phải cởi bỏ áo ngoài, thắt lưng cho gọn gàng. Hãy xem, Người quỳ gối xuống trước mặt môn đệ. Ai nhìn cảnh tượng này mà không xúc động đến ứa lệ. Thiên Chúa quỳ đối trước mặt con người. Thiên Chúa hạ mình phục vụ con người. Thật là một cảnh tượng mà không trí óc nào có thể tưởng tượng nổi. Thật là một sáng kiến mà không có nhà phát minh nào dám ngờ tới. Chưa hết, khi Phê-rô lên tiếng hỏi, Chúa Giê-su ngẩng mặt lên để trả lời. Một cảnh tượng khiến những tâm hồn kiêu căng phải vỡ ra tan nát. Thiên Chúa phải ngẩng đầu lên mới đối diện được với con người. Thiên chúa hạ mình thẳm sâu để tôn vinh con người. Thiên chúa trân trọng con người, biến con người thành đối tượng phục vụ.
Có thứ phục vụ vì bắt buộc. Có thứ phục vụ vì yêu thương. Chẳng ai có thể bắt buộc Thiên chúa phục vụ con người. Chính tình yêu thương đã thúc đẩy Người làm điều ấy. Hãy nhìn Người nâng niu bàn chân nhân loại. Những bàn chân đã lầm đường lạc lối. Những bàn chân mang đầy thương tích. Những bàn chân cáu bẩn bụi trần. Người âu yếm kỳ cọ cho sạch mọi đau thương. Người nhẹ nhàng tẩy rửa mọi vết nhơ phản bội. Người dịu dàng phủi đi lớp bụi kiêu căng. Người lặng lẽ xoá đi những dấu vết mặc cảm. Người rửa sạch đôi chân để từ nay nhân loại có thể đứng thắng lên. Người uốn nắn đôi chân để từ nay con người biết đi vào đường nay nẻo chính.
Chúa Giê-su không giải thích trước khi rửa chân cho các môn đệ. Làm rồi Người mới nói. Việc làm của Người không chỉ đi đôi mà còn đi trước lời nói. Người muốn dậy tôi hiểu rằng việc làm quan trọng hơn lời nói. Việc phục vụ tự nó đã là một giải thích sâu xa, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Chính việc làm minh chứng một tình yêu chân thành tha thiết.
Chiêm ngắm Chúa rửa chân cho các môn đệ, tôi hiểu rằng: Thánh lễ không kết thúc ở nhà thờ mà còn phải tiếp tục trong cuộc sống. Thánh lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng không kém gì thánh lễ trong nhà thờ, nên cũng phải cử hành một cách trang nghiêm kính cần. Lễ vật dâng trên bàn thờ còn thiếu sót nếu tôi chưa dâng trong đền thờ thân xác con người lễ vật yêu mến phục vụ anh em. Cuộc kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể chưa trọn vẹn nếu tôi không kết hiệp với anh em trong tình yêu thương được biểu lộ trong sự phục vụ khiêm nhường. Việc giữ đạo sẽ khập khiễng nếu tôi chỉ tạo được mối liên hệ tốt với Chúa mà không có mối liên hệ tốt với anh em. Tôi sẽ không thực hành ý Chúa nếu tôi chỉ thờ phượng Thiên chúa mà không kính trọng con người. Trân trọng con người, quan tâm phục vụ anh em đó là tất cả ý nghĩa của bài học rửa chân mà chúng ta sắp cử hành theo gương Chúa Giê-su Kitô Thầy Chí Thánh.
Xin được kết thúc bằng một câu truyện có thật do Mẹ Têrêsa Calcutta kể nhân dịp trả lời cho một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình.
Ở châu Úc có một người thuộc thổ dân Aborigine sống trong cảnh cô độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo khi tuổi đã già nua. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:
- Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.
Ông ta trả lời hững hờ:
- Tôi đã quen sống như vậy rồi.
- Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.
Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:
- Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?
Ông ta trả lời cộc lốc:
- Nhưng thắp đèn để cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả.
Tôi hỏi ông:
- Nếu như có người tình nguyện đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?
- Dĩ nhiên.
Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin giúp ông:
- Xin nhắn với mẹ Têrêsa, bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhó mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.
Ngọn đèn cũ không được thắp sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và sự bao dung thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người. Giờ đây, con người dù phải sống cô độc nhưng không còn cô đơn nữa vì bóng tối đã bị đẩy lui và nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi con người, nơi nhân loại.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương đến nỗi quỳ xuống phục vụ. Chúa còn sẵn sàng hi sinh hiến mạng sống cho con, xin cho con biết yêu mến Chúa thành thực, biết phục vụ Chúa trong anh em của con. Amen.
Suy Niệm 8: Dấu hiệu của một tình yêu tuyệt đỉnh
Xh 12,1-8.11-14 ; 1 Cr 11,23-26 ; Ga 13,1-15
(Lm. Đan Vinh)
1. Thế nào là một tình yêu tột đỉnh:
Ngày nọ, một đôi vợ chồng bướm tranh cãi nhau. Con nào cũng cho rằng tình yêu của mình nhiều hơn bạn kia không ai chịu thua ai. Sau cùng để xác định hơn thua, bướm đực đề nghị: “Ngoài vườn có một cây hoa hồng mỗi sáng đều có nở một bông hồng rất đẹp. Vậy sáng mai chúng ta sẽ thi nhau xem: ai sẽ đến ngồi vào trong bông hoa hồng trước, khi nó vừa nở ra sẽ chứng tỏ mình có tình yêu nhiều hơn". Bướm cái gật đầu đồng ý.
Hôm sau, ngay từ sáng sớm bướm đực đã bay đến đứng chờ ngay bên bông hoa sắp nở, chờ khi nó vừa nở ra là chú sẽ chui vào trước bướm cái. Có điều khi sắp tới lúc hoa nở mà vẫn chưa thấy bướm cái xuất hiện. Rồi cuối cùng thì cũng tới lúc hoa nở, chú bướm liền nhanh chân chui vào. Nhưng chú rất ngạc nhiên khi thấy bướm cái đã có mặt trong bông hoa rồi. Có điều khi nhìn kỹ thì chú thấy bướm cái đã bị chết khô. Thì ra để nắm chắc phần thắng, bướm cái đã bay đến cây hoa hồng ngay từ tối hôm trước. Cô bướm đã chui qua kẽ hở vào ngồi trong bông hoa. Cô định sáng sớm hôm sau khi hoa nở và gặp bướm đực cô sẽ chứng tỏ tình yêu cô dành cho chú thật lớn lao. Nhưng chẳng may cô lại bị chết ngạt trong bông hoa khi nó chưa nở !
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy tình yêu của bướm cái dành cho bướm đực thật tuyệt vời. Đối với loài người chúng ta cũng vậy: tình yêu thật cần thiết để chúng ta được sống vui tươi hạnh phúc. Khi có tình yêu người ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật đáng sống. Khi tình yêu biến mất thì cuộc sống cũng bị chìm trong nỗi buồn chán cô đơn và tuyệt vọng.
2. Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ tình yêu tột đỉnh dành cho chúng ta ?:
Phụng Vụ Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về tình yêu cao cả của Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu tột đỉnh khi sẵn sàng quỳ gối rửa chân hầu hạ môn đệ để dạy các ông bài học khiêm nhường phục vụ; Sẵn sàng trở thành của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng ta qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Còn các tín hữu chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Chúa Giê-su, nhất là trong những ngày Tam Nhật Thánh và trong mùa Phục Sinh sắp tới ?
3. Lời cầu quyết tâm:
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã yêu thương chúng con bằng một tình yêu tột đỉnh, thể hiện qua hành động khiêm tốn rửa chân cho môn đệ và sau đó thiết lập bí tích Thánh Thể để trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng con. Xin gia tăng lòng tin yêu trong chúng con, để chúng con noi gương Chúa quan tâm đến người chung quanh, sẵn sàng phục vụ cộng đoàn, nhất là thăm viếng những người nghèo đói bệnh tật và đau khổ bất hạnh gần bên chúng con, hầu chúng con trở thành dấu chỉ môn đệ đích thực của Chúa.- Amen.
Suy Niệm 9: Bí Tích Thánh Thể.
Bài Giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ Tiệc Ly (Thứ năm Tuần Thánh năm 2002)
1. "Vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1).
Những lời trong bản văn Tin Mừng vừa được công bố nhấn mạnh rõ ràng bầu khí Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Những lời này cho chúng ta một cái nhìn thấu suốt bên trong điều Ðức Kitô cảm nhận "trong đêm bị phản bội" (1Cor 11,23), và những lời này linh hứng chúng ta tham gia sốt sắng với lòng cảm tạ của mỗi người trong nghi thức long trọng mà chúng ta đang cử hành.
Chiều nay, chúng ta bắt đầu cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô, biến cố hình thành nên giây phút bi đát và chung cuộc cho sự hiện diện trần thế được chuẩn bị và mong đợi từ lâu của Ngôi Lời. Ðức Giêsu đã đến giữa chúng ta không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và Ngài mang trên vai những thăng trầm và hy vọng của nhân sinh trong mọi thời đại. Tiên đoán trước cách nhiệm mầu về lễ hy sinh trên Thánh Giá, tại phòng Trên Gác, Ngài muốn ở lại với chúng ta trong hình bánh và rượu, và ký thác cho các môn đệ cũng như những người tiếp bước các ngài sứ mạng và quyền năng để làm sống mãi kỷ niệm sống động và rõ nét về biến cố đó trong bí tích Thánh Thể.
Việc cử hành này, vì vậy, lôi cuốn cách nhiệm mầu tất cả chúng ta và đưa chúng ta vào Tam Nhật Thánh, thời gian trong đó chúng ta cũng sẽ học từ Ðấng "là Thầy và là Chúa" để "giang cánh tay chúng ta ra" và đi ra bất cứ nơi đâu chúng ta được kêu gọi thực thi di chúc của Cha trên trời.
2. "Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy" (1Cor 11,24-25)
Với lệnh truyền thúc giục chúng ta lặp lại cử chỉ của Ngài, Ðức Giêsu hoàn tất việc thiết lập Bí Tích của Bàn Thờ. Khi Ngài rửa chân xong cho các môn đệ, một lần nữa, Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước Ngài: "Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con" (Ga 13,15). Bằng cách này, Ngài thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh của Ngài, và huấn lệnh yêu thương khiến ta chào đón và phục vụ anh chị em mình.
Việc dự phần vào bàn tiệc của Chúa không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị em chung quanh ta. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói "Amen" trước Mình và Máu Thánh Chúa. Khi làm như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là "rửa chân" cho anh chị em mình, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng "đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ" (Phil 2,7).
Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Ngài kêu gọi theo Ngài. Chính tình yêu của Ngài, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.
3. "Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình" (1Cor 11,29).
Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.
Truyền thống của Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến sự liên kết giữa bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải. Tôi cũng muốn tái xác nhận điều này trong Thư Gởi Cho Các Linh Mục Ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, bằng cách mời gọi các linh mục trên hết hãy tái khám phá vẻ đẹp của Bí Tích Thứ Tha. Chỉ có cách này các ngài mới có thể giúp các tín hữu, những người được phó thác cho sự chăm sóc mục vụ của các ngài, tái khám phá Bí Tích này.
Bí tích Hòa Giải tái tạo lại cho những người đã chịu phép rửa tội ân sủng thánh thiện mà họ đánh mất do những tội trọng, và làm cho họ xứng đáng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Hơn thế nữa, qua cuộc đối thoại trực tiếp xảy ra thông thường khi cữ hành bí tích này, bí tích này còn đáp ứng nhu cầu truyền thông cá nhân, một điều mà ngày nay, càng ngày càng trở nên khó khăn như một hệ quả của bước tiến cuồng nhiệt của xã hội kỹ thuật.
Qua hành động soi sáng và kiên nhẫn của mình, cha giải tội có thể đem hối nhân vào trong sự hiệp thông sâu sắc với Ðức Kitô, sự hiệp thông do Bí Tích này phục hồi và Bí Tích Thánh Thể đưa đến mức đầy hoa trái.
Cầu mong sao cho sự tái khám phá Bí Tích Hòa Giải giúp tất cả các tín hữu tiến gần đến bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa trong niềm kính trọng và với lòng sốt mến.
4. "Vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1)
Chúng ta hãy trở lại Phòng Trên Gác trong tinh thần! Nơi đây chúng ta tìm thấy lại chính chúng ta trong đức tin chung quanh Bàn Thờ của Chúa, khi chúng ta cử hành Bữa Tiệc Ly. Lặp lại những cử chỉ của Ðức Kitô, chúng ta công bố rằng cái chết của Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và tiếp tục mạc khải niềm hy vọng về một tương lai của ơn cứu độ cho những người nam, người nữ của mọi thời đại và của mọi nơi chốn.
Các linh mục được kêu gọi để tiếp tục nghi thức mà, dưới hình bánh và rượu, thể hiện lễ hy sinh của Ðức Kitô, trung thực, thật sự và thiết thực, cho đến ngày sau hết. Tất cả các Kitô hữu được mời gọi để trở nên những đầy tớ khiêm hạ và tế nhị của anh chị em họ, để hợp tác trong ơn cứu độ của họ. Chính là nhiệm vụ của mỗi tín hữu phải công bố qua chính cuộc sống của họ rằng Con Thiên Chúa đã yêu thương chính họ "đến cùng". Chiều nay, trong sự yên lặng đầy nhiệm mầu, đức tin chúng ta được nuôi dưỡng.
Hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng con công bố cái chết của Ngài: Lạy Chúa, Ðầy lòng biết ơn, chúng con đã nếm niềm vui sự phục sinh của Ngài. Ðầy lòng tín thác, chúng con cam kết sống trong niềm trông mong Ngài lại đến trong vinh quang. Hôm nay và mãi mãi, Lạy Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc chúng con. Amen!
+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng
Suy Niệm 10: Tình yêu Chúa Giêsu di chúc
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Chiều hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào Tam Nhật Thánh, sống lại những giây phút cuối cùng của Chúa Kitô ở trần gian, đặc biệt là cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Thứ Năm - ngày đầu tiên Tam Nhật Vượt Qua nhớ đến ba việc trọng đại mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong bữa ăn cuối – bữa Tiệc ly: Bí tích Thánh Thể, chức linh mục và Di chúc tình yêu.
Câu chuyện
“Bữa Tiệc ly” hay “Bữa tiệc cuối cùng” là một bức tranh nổi tiếng Leonardo Da Vinci vẽ vào khoảng những năm 1495 - 1498. Có chuyện kể rằng sau khi Leonardo Da Vinci vẽ tranh đó, được nhiều người khen ông vẽ chén thánh đẹp, nên sau đó Da Vinci đã cạo bỏ hình chén thánh đi để người xem chú ý vào ý nghĩa của bức tranh.
Bức tranh mô tả Chúa Giêsu và mười hai môn đệ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài bị môn đệ Giuđa phản bội. Bữa Tiệc ly vào chiều tối ngày thứ Năm, thời điểm Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục tư tế.
Giuđa Iscariôt - một môn đệ của Chúa Giêsu đã tố giác với các thầy tư tế Do Thái để bán đứng Thầy với ba mươi đồng bạc. Chính giữa bức tranh là Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ: “Trong anh em có người sẽ bán rẻ Thầy”. Mười môn đệ ngồi đồng bàn, mỗi người một vẻ mặt khác nhau: ba người thì thầm bàn bạc, ba người tỏ vẻ giận dữ (trong đó có một người đập mạnh tay xuống bàn), một người lộ vẻ nghi ngờ, một người tỏ ra ngạc nhiên, một người ngồi ngay ngắn tỏ lòng trung thành, hai người lộ vẻ xúc động.
Chỉ có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền là Giuđa - người mặc áo xanh thứ tư từ bên trái, tay cầm bọc tiền, có thể là tiền bán Chúa. Sau lưng ông là một khoảng tối, còn sau lưng Chúa Giêsu là ô cửa đầy ánh sáng. Những tia sáng chiếu vào gương mặt Chúa Giêsu làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ mà cương nghị. Sự tương phản mạnh mẽ này đã biểu đạt được sự căm giận sâu sắc của tác giả đối với lũ gian ác, sự ngưỡng vọng đối với chính nghĩa.
Suy Niệm
Ngày đầu tiên Tam Nhật Vượt Qua - ngày nhắc lại sứ điệp căn bản của Tin Mừng. “Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,3), ngày tưởng niệm ba việc trọng đại:
Thiết lập Giao ước mới trong Mình và Máu Thánh Chúa gọi là bí tích Thánh Thể: Ngài trao ban chính thân thể Ngài như của ăn cho con người…
Chức linh mục tư tế cử hành Thánh Thể cho đến ngày tận thế.
Chúa Giêsu trao giới răn mới như lời trăn trối cuối cùng của Ngài, trước khi giã từ trần thế: Đây là điều răn của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Ngài luôn yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn ở trong thế gian. Ngài đã yêu họ đến cùng. Ngài mời gọi các môn đệ noi gương Ngài sống tinh thần phục vụ trong yêu thương. Tình yêu này được biểu tượng bằng việc Chúa rửa chân môn đệ, Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan nói rất rõ việc rửa chân như là dấu chỉ phục vụ trong yêu thương và thư của thánh Phaolô trình bày việc Chúa lập bí tích Thánh Thể (x. 1Cr 11,23-26), bí tích dâng hiến tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta suy gẫm:
Ðiều răn mới Chúa: Hãy yêu thương như Chúa yêu. Xin cho chúng ta hãy mau mắn thi hành điều Chúa truyền trong gia đình, trong xóm đạo, nơi công sở... của chúng ta. Tình yêu phải như vết dầu loang lan tỏa tới khắp cả mọi người. Tình yêu càng rộng, cuộc chiến thắng của Ðức Giêsu càng mau tới giai đoạn hoàn tất.
Chúng ta suy nghĩ hình ảnh của chức linh mục phục vụ dân Chúa và cử hành Thánh Thể. Đặc biệt, chúng ta duyệt lại lòng yêu mến bí tích Thánh Thể - sự dâng hiến của Thiên Chúa cho con người.
Như Chúa Giêsu, xin cho chúng ta trở nên dấu chỉ của tình yêu.
Ý lực sống: “Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Suy Niệm 11: Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ
Mẹ Têrêsa thành Calcutta có lần kể lại câu chuyện nầy:
Một hôm có một thiếu nữ tìm đến xin gia nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ. Theo luật dòng, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống trong dòng, cũng đều được mời sang nhà hấp hối – tức là nhà tiếp đón những người sắp chết. Vì thế, cô thiếu nữ nầy được mời sang nhà hấp hối. Mẹ Têrêsa nói với cô ấy:
“Con đã nhìn thấy linh mục dâng Thánh lễ chứ? Con đã thấy ngài sờ đến Thánh Thể với biết bao chăm chú và yêu thương. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà hấp hối, bởi vì con sẽ tìm thấy Chúa Giêsu trong thân thể những người anh em khốn khổ đó”.
Cô thiếu nữ ra đi… Một thời gian sau, cô trở lại với một nụ cười rạng rỡ có lẽ chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ thốt lên với Mẹ Têrêsa: “Thưa Mẹ, con đã sờ được thân thể Chúa trong suốt ba tiếng đồng hồ”.
Mẹ Têrêsa mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào? Cô ta đáp? “Thưa Mẹ, con vừa đến nhà hấp hối thì thấy người ta mang đến một người vừa ngã xuống một hố sâu, mình mẩy đầy những vết thương và bùn đất hôi thối… Con đã đến và con đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến thân thể của Đức Kitô”.
Thưa anh chị em, Thánh lễ là trung tâm của cuộc sống và cuộc sống hằng ngày là một Thánh lễ nối dài. Đức Kitô không chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh lễ mà còn muốn chúng ta gặp gỡ Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người nghèo hèn nhất, phải là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.
Ngay trong bữa tối Thứ Năm Thánh nầy, trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Việc nầy làm nổi bật một ý nghĩa lớn của Bí tích Thánh Thể, đó là Thánh Thể là bí tích phục vụ. Thánh Thể là phương thế Chúa Giêsu chọn để thể hiện ý muốn phục vụ của Ngài. Để phục vụ, Ngài phải trả một giá rất đắt. Để phục vụ, Ngài đã tự hiến làm lễ vật giao hoà, làm Chiên Vượt Qua chịu sát tế vì sự sống của thế giới. Để phục vụ, Ngài chấp nhận trở nên lương thực cho loài người sử dụng. Thiên Chúa đã trở nên phương thế phục vụ sự sống của con người. Vì “Ngài yêu thương chúng ta đến tận cùng”.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ như Ngài. Bởi vì, một khi đã đồng hoá mình với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta phải sống như Ngài. Nếu không sẵn lòng phục vụ thì đó là dấu chứng chúng ta không thực lòng tham dự Thánh Thể. Không phục vụ là chưa gặp được Chúa Giêsu thật, chưa đón nhận Ngài, chưa thật sự nên một với Ngài. Trái lại, phục vụ là dấu sự sống của Chúa Giêsu Thánh Thể đã thực sự biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta nên một con người mới.
Để làm gương mẫu phục vụ cụ thể, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và mời gọi chúng ta hãy rửa chân cho nhau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà con rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Trong xã hội Do Thái, chỉ có đầy tớ, nô lệ rửa chân cho chủ. Ở đây, Thầy lại rửa chân cho trò. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa đi rửa chân cho con người, mà lại là con người tội lỗi. Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho Phêrô, kẻ chối Thầy; rửa chân cho tất cả những người còn lại là “những kẻ sẽ bỏ Thầy mà trốn chạy hết”.
Ngài làm như vậy để được gì? Không được gì cả! Chỉ để minh chứng một Thiên Chúa là như thế đó: một Thiên Chúa “đến để phục vụ con người và hiến mạng sống để cứu chuộc con người”. Một Thiên Chúa thay vì tiêu diệt bọn tội lỗi, lại quỳ xuống trước mặt họ, hôn chân họ. Một Thiên Chúa thay vì trả thù, lại đã đổ máu để minh chứng sự tha thứ yêu thương. Một Thiên Chúa thật lạ lùng! Một đạo lý ngược đời, một con đường khó bước theo. Thế nhưng, Ngài đã làm và kêu gọi chúng ta cũng làm y như vậy: “Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ. Ai muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ mọi người”.
Ở đời, người ta dễ dàng quỳ xuống trước người quyền quý, sang trọng, vì người ta còn hy vọng ở một sự ban bố lợi lộc. Người ta dễ dàng quỳ xuống trước một người đẹp để xin bố thí một chút tình yêu. Và quỳ xuống trước một người thánh thiện để cầu mong một ân huệ. Tất cả những cái quỳ xuống đó là để van xin cho mình, để có lợi cho mình. Nhưng mấy ai quỳ xuống trước kẻ thù, quỳ xuống trước người ốm đau, bệnh tật, quỳ xuống rửa chân lở loét của những người phong cùi!
Còn Chúa Giêsu, Ngài quỳ xuống trước tội nhân. Ngài muốn cái gì đây? Là Thiên Chúa, có khi Ngài còn thiếu thốn gì chăng? Là kẻ ban phát tình yêu, không lẽ Ngài lại thiếu thốn để độ phải van xin? Không, Ngài không van xin gì cả. Quỳ xuống trước mặt con người chỉ vì Ngài quý trọng con người. Ngài yêu thương con người. Ngài muốn cho con người được sống và sống thật hạnh phúc. Khi con người biết sống cho người khác được hạnh phúc là họ đã theo gương rửa chân của Chúa. đây là bài học sống cho người Kitô hữu. Nơi Chúa Giêsu, tình yêu đã chiến thắng tội lỗi của con người, đã vượt lên trên tội lỗi, để phục vụ đến độ hy sinh mạng sống mình cho chính tội nhân.
Anh chị em thân mến, muốn phục vụ như Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải hiến thân như Ngài. Đây là điều khó, điều thường làm chúng ta hoảng sợ, chùn chân không dám đi tới cùng. Nhất là hiến thân vì anh em, rửa chân cho anh em. Tuy nhiên, dù chưa dám làm hoặc chưa làm được, ít nhất chúng ta cũng phải thừa nhận ra rằng; phục vụ và hiến thân là những đòi hỏi không thể thiếu của Bí tích Thánh Thể.
Do đó, trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là những khi dự Tiệc Thánh Thể, chúng ta hãy để cho những đòi hỏi đó day dứt trong lòng chúng ta, day dứt như một vết thương không bao giờ lành, khiến cho chúng ta không bao giờ dám an tâm trong hững hờ vị kỷ với mọi người anh em.
Suy Niệm 12: Bí tích Thánh Thể
Tại một ngôi làng nhỏ bên Tây Đức, trước năm 1940 là nơi gặp gỡ của các danh họa Âu Châu, nhưng kể từ thế chiến thứ hai, nó trở thành nhà tù giam giữ những phạm nhân của Đức Quốc xã, có mặt một Phó tế được phong chức linh mục tại đây. Sau khi chết, ngài để lại chúc thư “Tình yêu và đền bù”. Thế rồi 15 năm sau, nhà tù đó biến thành Dòng kín Carmel, các nữ tu đến đó để sống cho lý tưởng tình yêu và đền bù.
Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Trong Bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quỳ gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa tiệc ly Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà. Theo tục lệ người Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói: Con Người không đến để được hầu hạ, những để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người.
Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương. Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu: “Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng”, nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua bí tích Thánh Thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài; ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.
Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu muốn truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. “Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta”. Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà còn chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài. Không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.
Tưởng nhở việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức linh mục trong ngày thứ năm tuần thánh, chúng ta nhớ đến cách đặc biệt các linh mục. Xin Chúa ban cho các ngài luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ. Xin cho tình yêu Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cũng sống yêu thương và phục vụ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 13: Kỷ vật tình yêu
(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự hiện diện thực sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.
Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. “Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta” ( Ca nhập lễ ).
“Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Tất cả chẳng phải là Kỷ Vật Tình Yêu Thiên Chúa để lại cho chúng ta đó hay sao?
“Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống,chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Người đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.
Chưa hết, thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa yêu thương và tín nhiệm con người, trao cho con người tiếp tục việc làm yêu thương ấy. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm:Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục – không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó liên kết chặt chẽ với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh. Trở nên một, chúng ta không còn tách biệt được nữa.
Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh em. Mỗi lần chúng ta tham dự Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thưa “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).
Tình yêu là kỷ vật cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.
Thánh Thể là Kỷ Vật tuyệt đỉnh của tình yêu, một ơn cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.
Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.
Suy Niệm 14: Đôi tay biểu tượng tình yêu
(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Đã nhiều lần chúng ta nhìn thấy bức tranh vẽ hay điêu khắc đôi bàn tay gầy guộc chắp vào nhau hướng lên trời. Nhiều người chỉ biết rằng đây là biểu tượng của cầu nguyện. Thực ra, đôi bàn tay này do một người em đã vẽ bàn tay người anh. Một bàn tay vất vả hy sinh lao động để nuôi em ăn học.
Chuyện kể rằng có một gia đình nghèo gồm 18 người con. Hai người con lớn trong nhà đều chung ước mơ trở thành họa sĩ. Nhà nghèo nên họ quyết định chỉ một người đi học. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Sau này thành tài người thắng sẽ giúp ngược lại.
Đồng xu được tung lên, người em thắng cuộc và được đi học. Người anh trong suốt 4 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học. Sau 4 năm thành họa sĩ nổi danh, người em muốn thực hiện lời cam kết ngày nào nên trong bữa ăn sum họp, người em đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Người em nói:
– Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình. Albert mỉm cười, rồi bật khóc:
– Không, anh không thể vẽ được nữa. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…
Trước tình yêu quá cao vời của anh, người em đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”.
Xem ra đôi bàn tay còn có ý nghĩa là trao ban, là hy sinh cho người mình yêu. Đôi bàn tay ấy đã nâng ước mơ cho người em thành tài trong cuộc đời.
Hôm nay thứ năm tuần thánh cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu tự hiến qua hình ảnh tấm bánh bẻ ra để trao ban. Chúa Giê-su đã lưu dấu mãi tình yêu tự hiến cho người mình yêu. Ngài muốn chúng ta mỗi khi ăn tấm bánh ấy phải loan truyền tình yêu tự hiến của Ngài đến muôn đời. Một tình yêu cho đi mà không mong đền đáp. Một tình yêu hiến dâng quên đi cả tính mạng của mình. Một tình yêu chịu nghiền nát thành của ăn cho người mình yêu.
Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa đã chọn tấm bánh như một biểu trưng, một dấu chỉ cho cả cuộc đời mình. Tấm bánh được làm nên là vì sự sống, vì niềm vui của người khác mà không bao giờ là cho chính bản thân mình. Có thể đó là tấm bánh đơn sơ, dân dã đem lại niềm vui cho trẻ thơ mỗi khi mẹ đi chợ về. Có thể đó là tấm bánh nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết, đem lại sức sống cho người đang đói lả. Bánh có thể được đặt trang trọng trên những bàn tiệc thịnh soạn. Bánh có thể được nâng niu trên đôi tay gầy gò, run rẩy của người hành khất bên vỉa hè. Như thế, Bánh không kén chọn người ăn, và dù là cao cấp hay bình dân, bánh được làm ra là để cho đi chính mình, trao tặng chính mình, để trở nên niềm vui và sức sống cho người khác. Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh thật vừa với tầm tay của tất cả hạng người.
Thật đơn sơ nhưng cũng vô cùng sâu xa, vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến. Khi xưng mình là bánh, Chúa Giêsu muốn bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu nhỏ đi để con người được lớn lên. Chúa chịu hủy hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa chịu chết cho ta được sống.
Hơn ba mươi năm đi khắp nẻo đường đời và trên đỉnh cao thập tự giá, Ngài đã sống như một tấm bánh. Tấm Bánh được bẻ ra và trao tặng như một cử chỉ yêu thương. Ngài trở nên Tấm Bánh như một lời mời gọi: “Anh em cầm lấy mà ăn”. Ngài trở nên tấm bánh để từ đây, Thiên Chúa có thể ở lại mãi với con người.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể. Bí tích của tình yêu tự hiến. Qua tấm bánh đơn sơ nhưng nói lên tình yêu hiến dâng của Thầy Chí Thánh Giê-su chấp nhận tan biến cho người mình yêu.
Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu vô biên của Chúa để sống ngàn đời tri ân. Xin cho cuộc đời chúng ta cũng biết tự hủy chính mình như tấm bánh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu. Amen.
Suy Niệm 15: Lòng thương xót tỏa sáng
(Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Trong cái nắng chói chang của sa mạc, người lữ hành vẫn tìm được những ốc đảo có cây cối xum xuê bởi có nguồn nước. Trong cánh đồng khô hạn, thỉnh thoảng người nông dân vẫn bắt gặp những bụi cây ngọn cỏ xanh tươi. Trong một xã hội đầy rẫy sự ác và bất công, người ta vẫn có thể thấy được những tấm lòng bao dung, nhân ái. Cũng vậy, đọc các bài đọc của ngày thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta có cảm tưởng như bóng tối của sự dữ, sự ác đang bao trùm, nhưng trong khung cảnh tối tăm đó, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn luôn tỏa sáng.
Câu chuyện xuất hành xảy ra vào thời điểm con cái Israel bị lưu đày tại Aicập. Tương lai của họ như mờ mịt bởi sự đàn áp của các Pharaon. Trong cảnh cùng cực đó, Thiên Chúa là người cha, đã nghe thấu tiếng than khóc của dân con Ngài. Thiên Chúa đã đem đến cho họ một tương lai tươi sáng qua cuộc xuất hành. Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh để bênh vực dân Ngài đã chọn. Để đánh dấu cuộc giải thoát vĩ đại này, Thiên Chúa đã chỉ thị cho Israel phải cử hành một nghi lễ sát tế con chiên vượt qua, lấy máu bôi lên khung cửa. Dấu máu này cho thấy họ thuộc về dân của Thiên Chúa và ai bôi máu chiên lên cửa thì sẽ được giải thoát. Trong đêm đó, Thiên Chúa sẽ đi ngang qua đất Aicập, nhà nào có dấu máu chiên, Thiên Chúa sẽ vượt qua và chúc phúc cho họ, nhà nào không có dấu máu chiên thì sẽ bị tru diệt.
Cuộc xuất hành cùng với nghi lễ ăn tiệc chiên vượt qua đã trở thành niềm tin ăn sâu vào đời sống của người Do Thái. Tất cả mọi người Do Thái đều nhìn biến cố này như một biến cố Thiên Chúa tỏ lòng xót thương đối với họ. Con chiên vượt qua và máu chiên là đấu chỉ cứu dân khỏi chết, đã trở thành biểu tượng rất thiêng liêng mà dân Israel đều ghi nhớ khi tham dự lễ vượt qua hàng năm.
Cũng trong truyền thống đạo đức này, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ bước vào bữa tiệc vượt qua. Nếu nghe câu truyện, chúng ta có cảm giác như bóng tối của sự dữ, sự ác đang bao trùm cả không gian qua con người của Giuda, một kẻ đang bị ma quỷ sử dụng. Trong bầu khí rất cảm động và linh thiêng của bữa tiệc ly, Chúa Giêsu biết trước những gì sắp xảy ra cho mình, nên Ngài đã dành tất cả thời gian còn lại trên trần gian để bộc lộ tình thương của Ngài dành cho các môn đệ và cho nhân loại. Từng cử chỉ, từng hành động của Chúa Giêsu là từng cử chỉ, hành động của tình yêu và lòng thương xót đến cùng, là hành động yêu thương của một người thầy dành cho học trò, của một người cha dành cho các con trước lúc ra đi.
Trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu đã thực hiện một việc rất lạ lùng. Ngài cầm bánh và chén trao cho các tông đồ và nói với các ông: Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con, các con hãy cầm lấy mà ăn. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước Mới, đổ ra để tha tội, các con hãy cầm lấy mà uống và hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Hành động này vượt quá sức tưởng tượng của các tông đồ, có lẽ ngay lúc ấy, các ông cũng chưa thể hiểu hết những việc Chúa làm. Qua việc biến bánh và rượu trở nên thịt máu Ngài, Chúa Giêsu muốn được ở lại và ở mãi bên những người mà Ngài yêu thương. Ngài muốn chúng ta đón nhận Ngài như là của ăn, để Ngài có thể đi vào trong tâm hồn từng người, làm nên chất dinh dưỡng nuôi sống con người.
Do tình yêu và lòng thương của một người thầy, người cha thúc đẩy, Chúa Giêsu không còn nghĩ gì đến bản thân mình, Ngài muốn thể hiện đến tận cùng lẽ yêu thương. Không chỉ trở nên của ăn để ở lại mãi với nhân loại, Chúa Giêsu còn trao cho các tông đồ quyền: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Với lệnh truyền này, Chúa Giêsu đã thiết lập nên chức Linh Mục, trao cho các tông đồ quyền nhân danh Ngài để tiếp tục nối dài tình yêu thương và sự hiện diện của Ngài với nhân loại. Trao cho các tông đồ quyền thể hiện lòng thương xót và sự hy sinh của mình, Chúa Giêsu đã chấp nhận trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào các ông. Từ đây, khi các ông làm như Chúa đã làm, thì Chúa hiện diện trong việc làm của các ông. Mặc dù Chúa biết rất rõ, các tông đồ là những kẻ yếu đuối và đầy giới hạn, nhưng Chúa vẫn chọn các ông là những linh mục đầu tiên, để qua sự giới hạn bất toàn của các tông đồ và của các linh mục ngày nay, lòng thương xót của Chúa lại tiếp tục được trao ban cho thế giới.
Các tông đồ chưa hết bất ngờ bởi việc bẻ bánh Chúa Giêsu vừa thực hiện thì lại đến bất ngờ khác. Thánh Gioan thuật lại: Ngài yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Yêu đến tột cùng là không còn giới hạn, không còn tiếc gì và cũng không còn giữ lại điều gì cho riêng mình. Tình thương này không chỉ dành cho những người ưu tuyển, nhưng dành cho tất cả mọi người, kể cả Giuđa, kẻ đang bị ma quỷ điều khiển. Chúa Giêsu đã chỗi dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và cúi xuống rửa chân cho các tông đồ. Với hành động này, Chúa Giêsu để cho lòng thương xót vượt trên tất cả, phủ lấp tất cả. Ngài không còn nghĩ gì đến địa vị của một người Thầy. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho các tông đồ, trong đó có Giuđa, kẻ đang nuôi trong lòng sự phản bội mà Chúa Giêsu đã biết.
Simon Phêrô và các tông đồ hết sức ngỡ ngàng đến độ không chấp nhận: Thưa Thầy, không thể như thế, Thầy không thể rửa chân cho con. Đối với người Do Thái, việc rửa chân là việc của nô lệ làm cho chủ, người tự do và con cái không phải làm việc này. Vậy mà, Chúa Giêsu đã xóa hẳn vị thế của mình là một người Thầy, để cúi xuống rửa chân cho các học trò. Điều này vượt quá lý lẽ thông thường của con người, nhưng với lý lẽ của tình yêu và lòng thương xót, thì việc làm này lại là việc làm có lý lẽ riêng của nó.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, trở về chỗ và nói: Anh em gọi Thầy là thầy, là Chúa, điều đó là phải. Vậy nếu Thầy là thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Bài học từ việc cúi xuống rửa chân đến đây đã rõ. Chúa Giêsu muốn dạy các ông bài học về sự phục vụ. Vì trở thành môn đệ của Chúa, thành những người nối dài tình yêu và lòng thương xót của Chúa, không phải để các tông đồ tìm kiếm một địa vị quyền lợi theo kiểu thế gian, nhưng là phải chấp nhận cởi bỏ con người của mình. Cởi bỏ con người tức là cởi bỏ địa vị, quyền lực, tham vọng, cởi bỏ cả cái tôi kiêu căng và thói tự ái, để có thể cúi xuống phục vụ anh em.
Sự phục vụ mà Chúa Giêsu mong muốn chúng ta làm không phải chỉ là sự phân phát bố thí, nhưng phải làm tất cả những việc đó bằng trái tim yêu thương và bằng sự trân trọng, tôn trọng anh em. Phục vụ tất cả mọi người không trừ ai, kể cả những người đang thù ghét và tìm cách hại mình, như Giuđa đang nuôi trong mình sự phản bội. Anh em cũng phải rửa chân cho nhau, Anh em hãy làm như Thầy đã làm không chỉ là một lời mời, mà là một đòi buộc đối với người môn đệ của Chúa. Chúa muốn những ai theo Chúa cũng phải dám cúi xuống để rửa chân phục vụ anh em mình. Chỉ khi dám cúi xuống mới có thể phục vụ đúng theo gương của Thầy Giêsu, chỉ khi cúi xuống chúng ta mới có thể nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em để có thể cảm thông và chia sẻ.
Thưa quý OBACE, cử hành lễ Tiệc Ly hôm nay, chúng ta chiêm ngắm và cảm nhận một tình yêu trao ban đến tận cùng của Chúa Giêsu. Ngài đã ban tặng máu thịt làm của ăn của uống nuôi nhân loại. Ngài còn trao ban cả tự do và trọn con người của mình cho các tông đồ, khi lập Bí tích Truyền Chức. Ngài trao cho các ông quyền làm cho Ngài được hiện diện cách bí tích nơi trần gian cho đến ngày tận thế. Trước tình yêu trao ban lớn lao như thế, chúng ta được mời gọi đáp lại bằng việc đón rước Ngài một cách quảng đại, để cho Ngài đi vào tâm hồn và cuộc đời, để cho Ngài chiếm hữu và làm chủ đời ta.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục, các ngài chỉ là người phàm, mang đầy yếu đuối, nhưng lại được chọn để chia sẻ vào quyền năng của Thiên Chúa. Các linh mục được mời gọi để nhân danh Chúa, yêu thương và tiếp tục hiến tế cuộc đời mình cho anh em, theo gương Thầy Giêsu. Các linh mục đang từng ngày thánh hiến bản thân, nhưng vẫn không giũ hết khỏi mình sự lấm lem do yếu đuối. Chúng ta thông cảm, nâng đỡ và cầu nguyện cho các ngài.
Xin cho chúng ta thấm nhuần bài học phục vụ Chúa đã nêu gương, để trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng biết dẹp khỏi mình sự kiêu căng xét đoán, sự dửng dưng vô cảm, để biết cúi xuống phục vụ anh chị em. Xin cho chúng ta có một đôi mắt thật sáng để có thể nhìn thấy những nhu cầu và những đau khổ của anh em, để có thể có cái nhìn cảm thông. Xin cho chúng ta có một đôi tay giang rộng để có thể ôm ấp mọi người, để xoa dịu những đau khổ của kiếp người. Xin cho chúng ta có một đôi chân dẻo dai để có thể bước đến với anh em, xóa bỏ mọi ngăn cách nghi kỵ, hờn dỗi, để có thể đem tình yêu thương của Chúa đến cho họ. Amen.
Suy Niệm 16: Suy Niệm THỨ NĂM TUẦN THÁNH
(Lm. Giuse Trực)
Chiều hôm nay có thể gọi một cách văn hoa là “chiều ly biệt”. Nhưng tôi thích gọi là “buổi chiều xé nát con tim”. Quả thật buổi chiều hôm nay làm cho con tim của Chúa phải nhiều lần chết nghẹt vì xúc động. Tất cả chỉ vì Ngài quá yêu thương: “Đức Giêsu biết giờ của người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thượng họ đến cùng” (Ga 12, 1).
Trước tiên là sự kiện Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Đây là sáng kiến độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ này. Chỉ một mình Thiên Chúa với tình yêu thương mới có thể nghĩ ra cách thức để được ở lại với con người. Đây là một tình yêu hiến mình.
Kế đến là việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền chức thánh để thông ban chức linh mục cho một số người Chúa tuyển chọn, với mục đích có người là hình ảnh của Chúa ở trần gian này, và thực hiện hành động ban phát lương thực là chính Mình Máu Ngài để nuôi sống những con người yêu thương, muốn sống gắn bó với Ngài. Đây là một tình yêu trao ban.
Cuối cùng là hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ như một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình. Chúa muốn để lại cho các môn đệ và mỗi người chúng ta bài học về tình yêu phục vụ.
Lạy Chúa, đứng trước tình yê hiến mình, tình yêu trao ban và tình yêu phục vụ, con được mời gọi đáp trả lại tình yêu của Chúa để trở nên giống Chúa trong việc hy sinh hiến mình, trong việc trao ban tình yêu và phục vụ tha nhân. Con hy sinh cho gia đình con. Con trao ban hết tình yêu của con cho những người mà con gặp gỡ, nhất là những người thân trong gia đình. Con phục vụ hết thảy mọi người trong môi trường con đang sống. Lạy Chúa xin cho con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Cũng xin cho con biết lấy tình yêu xóa bỏ hận thù và khơi thông tình thương mến.
Suy Niệm 17: Dạ tiệc ân tình
(Trầm Thiên Thu)
Lễ Vượt Qua hay lễ Quá Hải (Anh ngữ là Passover) là lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần. Chiều ngày 14 tháng Ni-xan (khoảng tháng Ba, tháng Tư dương lịch), người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc Chiên Vượt Qua theo gia đình hay theo nhóm, rồi lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà.
Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bữa tiệc, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng (Xh 12:14), ngoài ra, họ cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành để kỉ niệm bốn lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái: [1] Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập; [2] Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng; [3] Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi; [4] Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. Cuối bữa tiệc này, mọi người cùng hát Thánh Vịnh.
Bữa Tiệc Ly là Dạ Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu dùng bữa với các môn đệ. Trong bữa tiệc này, Ngài làm hai điều quan trọng và kỳ lạ: thiết lập Bí Tích Thánh Thể và Ngài đích thân rửa chân cho các môn đệ. Cả hai hành động đó là dấu chỉ của yêu thương, của lòng thương xót.
Vậy yêu thương là thế nào? Yêu thương là CHO hay NHẬN? Có ai cân-đo-đong-đếm được tình yêu đâu mà sao biết kẻ yêu ít, người yêu nhiều?
Xưa nay, từ cổ chí kim, chưa có một định nghĩa nào về tình yêu trọn vẹn nhất khiến người ta thỏa mãn. Chữ Yêu rất đơn giản mà cũng rất nhiêu khê. Chỉ có một tình yêu đích thực nhưng được nhìn với nhiều lăng kính, mỗi người yêu mỗi cách và mức độ cũng rất khác nhau. Nói chung, yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, yêu đến quên mình, đó mới là Tình Yêu chân chính, thế nên người ta mới nói “yêu là chết trong lòng”. Yêu là khổ, không khổ không là yêu, khổ đến “chết” mới là yêu! Không chỉ “chết trong lòng” mà chết thật, vì có những người đã dám liều chết vì quá yêu!
Việt Nam có chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ và chuyện tình Lan và Điệp, còn Tây phương có chuyện tình Romeo và Juliet. Những chuyện tình thật lãng mạn và đẹp nhưng cũng đầy chất bi thương!
Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, nên người ta cương quyết “thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Những người đó “ngon” thật và can đảm thật! Người ta còn gọi đó là “thú đau thương”. Đau thương mà lại “thú vị”, yêu như điên, đó mới là yêu thật lòng, vị tha chứ không vị kỷ. Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Sau những ngày tháng hoang đàng, Thánh Giám mục Tiến sĩ Augustinô đã hối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng”, và rồi thánh nhân nói thêm: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”. Một mức độ kỳ lạ: giới hạn của yêu thương là yêu-không-giới-hạn!
Yêu thương liên quan hai động thái cần thiết: Vâng Phục và Phục Vụ.
VÂNG PHỤC VÌ YÊU THƯƠNG
Trình thuật Xh 12:1-8, 11-14 cho biết các chi tiết: Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng”. Luật cũ chú trọng cách sống tự nhiên của con người, và cách hành lễ cũng “thực tế” hơn ngày nay, nhưng đó là thể hiện sự vâng lời – vâng lời Chúa nghĩa là yêu mến Chúa.
Học ăn, học nói, học gói, học mở. Đầu tiên là phải học ăn. Cách ăn cũng có luật: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Cách ăn “lạ” nhất là “phải ăn vội vã”, vì đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập. Nghe vậy chúng ta cảm thấy Chúa “dữ tợn” quá. Nhưng không, luật cũ là luật tự nhiên, những gì là “đầu tiên” được dành ưu tiên cho Thiên Chúa, gọi là “của lễ đầu mùa”, kể cả con đầu lòng. Ngày nay, một số dân tộc vẫn có cách mừng thu hoạch như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thu hoạch,…
Vết máu bôi trên nhà là dấu hiệu vâng phục, tức là “giữ luật”, và là “dấu hiệu tình yêu”. Những người trong nhà đó sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Thiên Chúa giáng hoạ trên đất Ai Cập. Ngày đó được chọn làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Đó là luật quy định cho đến muôn đời. Luật đó là hồng ân Chúa ban. Ngài ban đủ thứ ân sủng để con người đủ sức “vượt qua” biển đời. Thiên Chúa YÊU nhiều nên CHO nhiều, còn chúng ta NHẬN quá nhiều mà yêu chẳng bao nhiêu, thế nên:
Lấy chi đáp đền Chúa đây
Vì bao ân huệ chính Ngài đã ban? (Tv 116:12)
Dù thật lòng muốn đền đáp ơn Chúa nhưng chẳng có gì để dâng, nếu có thì cũng chẳng có gì xứng đáng. Thân phận bụi tro mọn hèn cả dám thân thưa:
Con nâng chén hồng ân cứu độ
Mà xưng tụng danh Chúa mãi thôi (Tv 116:13)
Thời quân chủ, thần dân không được ngước nhìn Long Nhan, ai nhìn sẽ bị tội khi quân và phải chết. Thần dân muốn tâu trình điều gì phải quay hướng khác và không được tâu trực tiếp mà chỉ được tâu với cái “bệ rồng” Vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ”. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa là Vua các vua và Chúa các chúa, thân sâu bọ chúng ta lại được diện kiến Tôn Nhan thì quả là vô cùng diễm phúc: “Trước Thánh Nhan thật là quý giá, cái chết của những ai hiếu nghĩa với Ngài” (Tv 116:15). Chúng ta chỉ là tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, thế mà lại được diễm phúc thì phải ghi lòng tạc dạ thâm ân này: “Con sẽ dâng hiến lễ tạ ơn mà xưng tụng danh Chúa” (Tv 116:17), đồng thời phải chân thành tự thề hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể Dân Ngài” (Tv 116:18).
PHỤC VỤ VÌ YÊU THƯƠNG
Biết thì phải chia sẻ cho người khác, trừ khi người ta không muốn được chia sẻ. Chia sẻ là một dạng yêu thương: cho, tặng, biếu. Chính Thánh Phaolô đã xác nhận: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1 Cr 11:23). Rồi ngài kể lại việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm nhưThầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”, và cuối bữa thì Chúa Giêsu nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm nhưThầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25). Thánh Phaolô giải thích: “Từnay cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26), do đó mà chúng ta hằng ngày tuyên tín trong mỗi Thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, hoặc “Lạy Chúa, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”.
Ngay trước Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “giờ của Ngài” đã đến, đó là giờ Ngài phải bỏ thế gian mà về với Thiên Chúa Cha. Ngài yêu thương mọi người đến giọt Nước và giọt Máu cuối cùng, Ngài không muốn xa chúng ta, nhưng Ngài phải tuân phục Thánh Ý của Chúa Cha.
Đức Giêsu biết rõ Giuđa nghĩ gì, tính toán ra sao, và sắp làm gì. Nhưng Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu. Thế nhưng, có người lập luận rằng “quỷ sứ không được cứu độ”. Giuđa bị gọi là quỷ sứ, Phêrô bị gọi là satan, mà quỷ sứ và satan có khác nhau? Sao satan được cứu độ mà quỷ sứ lại không được? Có gì lấn cấn? Thật ra chẳng ai dám phán xét, cũng chằng ai xứng đáng mà có quyền kết án ông Giuđa. Đừng chỉ “săm soi” một vài khía cạnh nào đó rồi quyết đoán. Tại sao Tội Nguyên Tổ lại được Giáo hội gọi là Tội Hồng Phúc? Thật là mầu nhiệm, vì Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn mọi tội lỗi của cả nhân loại kia mà!
Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp phải trở về cùng Thiên Chúa. Do đó, trong một bữa ăn, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Chắc hẳn môn đệ nào cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy Sư phụ hành động “kỳ cục nhất thế gian”.
Thế nên, khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13:6). Không hề có bề trên nào dám làm chuyện “ngược đời” và “động trời” như vậy. Nghe Phêrô nói, Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13:7). Ông Phêrô chưa thể hiểu nên lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8a). Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8b). Nghe Thầy nói “không được chung phần” thì ông Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:9). Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10). Ông Phêrô cụt hứng, chẳng khác như bị tạt nước lạnh. Rõ ràng Ý CHÚA HOÀN TOÀN KHÁC HẲN Ý LOÀI NGƯỜI. Ngài rất thâm ý nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.
Rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” (Ga 13:11). Hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết tỏng là chẳng ai hiểu, vì ông nào cũng “mắt chữ O và miệng chữ A”, cứ như trời trồng hết thảy. Thấy thế, Chúa Giêsu nói luôn: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-15).
Thầy mà còn rửa chân cho đệ tử, chủ mà rửa chân cho đầy tớ, thế thì chắc chắn đệ tử hoặc đầy tớ cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho đệ tử, để đệ tử cũng làm như Thầy đã làm cho đệ tử. Đó là Luật Yêu của Chúa. Luật nhẹ nhàng mà KHÔNG DỄ thực hiện, lời giản dị mà thâm thúy. Và đó cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ, nhất là trong Tam Nhật Thánh này, vì chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta noi theo.
Chữ Yêu bắt đầu bằng mẫu tự Y có hình “ngã ba”, nghĩa là có 3 hướng: Hướng lên Chúa, hướng tới tha nhân, và hướng về chính mình. Yêu Chúa hết linh hồn và hết trí khôn, yêu người như chính mình, yêu mình ít thôi – không được yêu mình thái quá (tự ái là yêu mình thái quá, là ích kỷ). Yêu có những hệ lụy quan yếu. Yêu là điều luôn có mối liên kết quan trọng: Cần thiết –> thiết tha –> tha thứ. Đó là quy-trình-yêu-thương, là vòng-tròn-thương-xót. Và một hệ lụy khác lại phát sinh: YÊU thì phải KÍNH, KÍNH thì phải NỂ, NỂ thì phải TRỌNG, TRỌNG thì phải VỌNG (mong), MONG thì thấy NHỚ, NHỚ nghĩa là YÊU. Đó là vòng-tròn-yêu bắt đầu và kết thúc bằng động từ YÊU. Chúa nhớ chúng ta và chúng ta cũng phải nhớ Chúa, mà NHỚ NGÀI thì PHẢI THI HÀNH THÁNH Ý NGÀI. Hoàn toàn hợp lý!
Cũng như khi nói về gia đình, chúng ta áp dụng danh từ kép “hiếu đễ”. Và thật kỳ lạ với chuỗi hợp lý này: HIẾU thì phải ĐỄ (nhường), NHƯỜNG thì phải NHỊN. Nhờ đó mà “trong ấm, ngoài êm”, tạo nên “tổ ấm”, tạo nên hạnh phúc gia đình. Xã hội cũng vậy. Cộng đoàn cũng thế. Nói chung, tất cả chỉ cần tóm gọn trong một chữ YÊU. Biết yêu thì biết thương, biết thương thì biết xót, đó chính là biết sống lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Thầy Giêsu chí thánh, nhân từ và giàu lòng thương xót, xin đổi mới trái tim chúng con nên giống Chúa để càng ngày càng thêm nhiều “máu yêu” hơn, nhờ đó mà chúng con có thể vừa yêu mến Ngài vừa yêu thương tha nhân, đồng thời dám sống và hành động như Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị muôn đời. Amen.
Suy Niệm 18: Đỉnh cao của mầu nhiệm cứu độ là tình yêu
(Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!
Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương”.
1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng
Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu. Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không. Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.
Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết “giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.
Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.
Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!
Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này: “ … như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”.
Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.
2. Một dấu tích sống động được tiếp diễn
Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau. Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể. Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.
Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục? Nhưng không! Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.
Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình. Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.
Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế. Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường! Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể. Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt. Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.
3. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi
Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu. Lệnh truyền này mang tính khẩn trọng, người môn đệ phải có thái độ mau mắn thi hành. Vì thế, đòi hỏi một sự bất khả từ, bởi lẽ đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.
Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào qũy đạo của chính Ngài là “yêu và yêu đến cùng”.
Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như Thầy là yêu như thế nào? Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống. Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo. Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông. Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15). Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.
Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn. Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: “… mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
4. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăng trối của Đức Giêsu
Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11, 26).
Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.
Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.
Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.
Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ… Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.
Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)
Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang. Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm. Amen..
Suy Niệm 19: Vì yêu, nên chấp nhận tất cả
(Xh 12, 1-8. 11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15)
(Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Chiều hôm nay, chiều mà Giáo Hội cử hành thánh lễ Tiệc Ly. Trong thánh lễ này, chúng ta thấy toát lên vẻ trầm buồn bởi cảnh ly biệt của người đi và kẻ ở!
Đức Giêsu sẽ ra đi để chịu chết chuộc tội thiên hạ. Các môn đệ sẽ ở lại để rồi mai đây sẽ tiếp bước trên con đường mà Thầy Giêsu đã đi.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cảnh sầu ly chia ngả, nhưng nó còn đi xa hơn nữa để thấy được tình yêu của người ra đi và sự phản bội, bất trung của nhiều kẻ ở lại! Từ đó, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Đấng là Chúa và là Thầy thì lớn lao vô bờ, trong khi đó, sự vô ơn, nhát đảm dẫn đến sự phản bội của người môn sinh lại cứ dần leo thang!
Trong cuộc sống của con người, sự bất trung, vô ơn, phản bội, có lẽ luôn tồn tại song song với thời gian. Những thái độ, hành vi và lựa chọn tiêu cực ấy lại được diễn ra đây đó giữa cha mẹ với con cái; giữa vợ với chồng; giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau; giữa thầy với trò…, và, nhất là giữa con người với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương ta.
Họ bội ước quên thề và phản bội với nhau có thể do động lực tiền bạc, tình cảm và chức quyền gây nên. Những sự vô ơn và phản bội như thế, dân gian người ta gọi những hạng người đó là kẻ: “Ăn cháo đá bát”; “lừa thầy phản bạn”; “qua cầu lướt ván…”.
Với Đức Giêsu, từ khi đón nhận bản tính nhân loại nơi mình, Ngài cũng là con người giống như bao người, vì thế, Đức Giêsu cũng đã từng nếm trải những chuyện như: vô ơn, phản phúc, đổi trắng thay đen, nói không thành có… đến từ những người mà Ngài làm ơn làm phúc; những người mà Ngài đã cứu sống, và, nhất là đến từ các môn đệ là những người được chính Ngài tuyển lựa để ngày đêm ở với Ngài và được Ngài dạy dỗ nhiều điều!
Sự thật cay đắng này diễn ra trong bữa Tiệc ly buổi chiều năm xưa, mà hôn nay chúng ta đang tưởng niệm.
Điều này được thấy qua những nghi thức phụng vụ, nhất là Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay.
Kinh Thánh diễn tả buổi chiều hôm nay là một buổi chiều ly biệt giữa Thầy và trò.
Khung cảnh trầm buồn ấy cộng thêm những nét chấm phá hết sức ấn tượng diễn tả sâu sắc tình yêu thương của Thầy dành cho trò. Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh tình yêu đó lại bị những vết đen phản bội, vô ơn và bất trung xen lấn, làm cho họa tiết lộ rõ sự hỗn độn, khiến cho người thưởng thức không khỏi khó chịu và xót xa!
Câu chuyện diễn tả bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, được khởi đi từ việc Đức Giêsu muốn ăn bữa tiệc vượt qua sau cùng với các môn đệ trước khi lên đường hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, đây là một bữa tiệc mang nhiều ý nghĩa thâm sâu.
Đỉnh điểm của buổi họp mặt hôm nay giữa thầy và trò, đó là việc Đức Giêsu loan báo: Một người trong anh em sẽ phản bội. Một trong anh em sẽ chối Thầy, và, đêm nay anh em sẽ vấp phạm vì Thầy.
Từ lời loan báo trên, Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng cho các môn đệ biết về sự vô ơn, hèn nhát và thiếu trung thành của các ông đối với Ngài.
Nhưng ngay lúc này, các ông rất hoang mang và nhiều người không thể ngờ được là: tại sao trong nhóm của mình lại có những kẻ “được cá bẻ đăng”, rồi hèn nhát và thiếu trung thành đến vậy…!
Chính vì thế, mà họ bắt đầu nhao nhao hỏi Đức Giêsu: “Thưa thầy, có phải con không?”. Đức Giêsu không nói rõ ai sẽ là người phản bội mình, Ngài chỉ đưa ra hành động ám chỉ: Thầy chấm miếng bánh trao cho ai, thì đó là người ấy. Rồi Giuđa là kẻ đã lĩnh miếng bánh trước mặt anh em. Sau khi đã nhận miếng bánh ân tình, ma quỷ đã nhập vào y và y đã quyết định rời khỏi nơi chốn tình yêu, không gian ánh sáng để tiến về vùng tối tăm của sự ác!
Đọc tiếp trang Tin Mừng, chúng ta còn thấy sự bất trung của các môn đệ khác được tìm thấy trong biến cố tại Vườn Cây Dầu. Các môn đệ đang ở với Đức Giêsu, khi thấy toán lính đến bắt Thầy mình, thế là họ đã bỏ chạy hết. Rồi sự hèn nhát của Phêrô, vị Tông đồ trưởng được diễn ra trong dinh Thượng tế, ông đã trối Thầy trước sự đe loi của đám lính.
Tuy nhiên, dù tội lỗi của các ông có lớn thế nào đi chăng nữa, thì ngay tại phòng tiệc ly, Đức Giêsu làm một loạt những hành vi và lời nói nhằm diễn tả tình yêu của vị Thầy khả kính dành cho môn sinh, qua đó giúp cho các ông tin và đi vào mối tương quan tình yêu với Ngài.
Chính vì yêu và yêu họ đến cùng, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại, trao ban, hiến tặng tất cả, ngay cả mạng sống của mình cho con người. Điều này được thể hiện qua việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể. Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn muốn ở lại với loài người mọi ngày cho đến tận thế, nên liền ngay sau đó, Ngài đã thiết lập thiên chức linh mục.
Để tình yêu thương được cụ thể, nên vào cuối bữa ăn, Đức Giêsu đã làm một hành động ngược đời đến kỳ quặc, đó là quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là hành động của nô lệ rửa chân cho ông chủ, trò rửa chân cho thầy. Khi làm ngược lẽ tự nhiên như vậy, Đức Giêsu muốn dạy các ông bằng hành động chứ không chỉ lời nói. Điều này đã gây nên sự ngỡ ngàng tột độ, khiến Phêrô đã phải thốt lên: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?”; “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.
Tuy nhiên, Đức Giêsu nói với ông: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”.
Sau đó Ngài đã dạy các ông: “Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”.
Như vậy, việc Đức Giêsu rửa chân cho các ông, Ngài muốn làm một cử chỉ sâu xa để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại.
Bên cạnh đó, Ngài muốn gột rửa tâm hồn các ông thực sự.
Bởi vì nơi các ông vẫn còn nhiều vấn vương bụi đời.
Nào là tranh dành quyền lực; thích được phục vụ; ăn trên ngồi trước.
Nào là chia rẽ nội bộ; nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, hám lợi và phản bội….
Ngày nay, vẫn còn đó những con người chẳng khác gì các môn đệ là bao. Họ vẫn mang trong mình những sự kiêu ngạo, ích kỷ, chia rẽ và thiếu trung thành, phản bội và vô ơn…!
Vẫn còn đó những kẻ chỉ vì miếng cơm manh áo mà bán đứng anh em của mình cho sự ác.
Lại có kẻ miệng thì nói tin Chúa, sống chết với đức tin, đạo giáo. Nhưng khi có lợi đến, hay bị thử thách, họ sẵn sàng từ chối thuộc về Chúa để được yên thân.
Và, cũng không thiếu những kẻ “khi hay thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Họ tin và theo Chúa chẳng khác gì trẻ con. Họ rất giống những người thiếu lập trường và bị hiệu ứng đám đông điều khiển!
Sứ điệp Lời Chúa và phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Luôn sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa ngang qua sự kiên trì và trung thành với đức tin của mình.
Cuối cùng, hãy sống bản chất của Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái; đồng thời luôn biết yêu thương nhau thật lòng như Chúa đã yêu, đó là một tình yêu bằng hành động, hướng tha, hy sinh và phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, Chúa đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của Chúa dành cho nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu ấy và ra sức thi hành trong cuộc sống qua các mối tương quan với Chúa và tha nhân. Amen.
Nguồn: The Word Among Us – April 2022
Thursday 14 April th 2022
Meditation: Exodus 12, 1-8. 11-14
It is the Passover of the Lord. (Exodus 12:11) Today’s celebration of Holy Thursday marks the beginning of the Easter Triduum. As we begin our journey with Jesus from death to life, our first reading reminds us of the Hebrews’ passage from slavery to freedom. Their journey, like ours, begins with a meal. So let’s look at the Hebrew Passover to see if we can come to understand more deeply the new Passover of Jesus, our Messiah. Both for the Hebrews and for us, it all starts with a lamb. At the first Passover, God told each Jewish family to sacrifice an unblemished lamb and share its roasted meat at their meal. On the cross, God provided a lamb for us—Jesus, the sinless Lamb of God, who offered himself as a sacrifice for our sins. The Jewish Passover wasn’t just any sacrifice. It had the power to save the people from death. The blood of the lamb, which each family placed on their doorposts, protected them from the angel of death. How much more does the blood of Jesus, the saving Lamb of God, deliver us from death! He offered that blood to his disciples at the Last Supper, then poured it out the next day on the cross. The Jewish Passover sacrifice wasn’t completed by the death of the lamb but by the eating of its flesh. So too, Jesus told his disciples, “This is my body that is for you. Do this in remembrance of me” (1 Corinthians 11:24). His sacrificial death becomes our own salvation as we eat his Body and drink his Blood in faith. The Jews had to eat their Passover meal in a hurry. But you don’t have to hurry. As he said to his disciples, Jesus says to you, “Remain here and keep watch with me” (Matthew 26:38). Many parishes offer Adoration this evening after Mass. Take this time as an opportunity to linger with Jesus. Adore, thank, and praise him for being the Lamb of God who takes away the sins of the world—including yours. “Lamb of God, you take away the sins of the world. Have mercy on us. Grant us peace.” |
Thứ Năm Tuần Thánh ngày 14.4.2022 Đó là ngày Lễ Vượt Qua của Chúa (Xh 12,11) Lễ kỷ niệm Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của Tam Nhật Phục sinh. Khi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình với Chúa Giêsu từ cái chết đến sự sống, bài đọc một nhắc nhở chúng ta về hành trình của người Do Thái từ nô lệ đến tự do. Cuộc hành trình của họ, giống như của chúng ta, bắt đầu bằng một bữa ăn. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái để xem liệu chúng ta có thể hiểu sâu hơn về Lễ Vượt Qua mới của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia của chúng ta hay không. Đối với cả người Do Thái và chúng ta, tất cả đều bắt đầu từ một con chiên. Vào Lễ Vượt Qua đầu tiên, Thiên Chúa bảo mỗi gia đình Do Thái hy sinh một con chiên tinh tuyền và chia sẻ thịt nướng của nó trong bữa ăn của họ. Trên thập tự giá, Thiên Chúa đã ban một con chiên cho chúng ta – là Chúa Giêsu, Chiên Con vô tội của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến mình làm của lễ cho tội lỗi của chúng ta. Lễ Vượt qua của người Do Thái không chỉ là một lễ vật. Nó có sức mạnh để cứu mọi người khỏi cái chết. Máu của con chiên, mà mỗi gia đình bôi trên cửa của họ, bảo vệ họ khỏi thần chết. Máu của Chúa Giêsu, Chiên Con của Thiên Chúa, giải cứu chúng ta khỏi sự chết! Ngài đã ban máu đó cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, rồi đổ ra vào ngày hôm sau trên thập tự giá. Lễ hy sinh Vượt Qua của người Do Thái không trọn vẹn bởi cái chết của một con chiên mà là bằng việc ăn thịt của nó. Cũng vậy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đây là Mình Thầy ban cho anh em. Hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cor 11,24). Sự chết hy sinh của Ngài trở thành ơn cứu rỗi của chính chúng ta khi chúng ta ăn Mình Ngài và uống Máu Ngài trong đức tin. Người Do Thái phải ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua một cách vội vàng. Nhưng bạn không cần phải vội vàng. Khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu cũng nói với bạn: “Hãy ở lại đây và canh thức với Thầy” (Mt 26,38). Nhiều giáo xứ tổ chức Chầu buổi tối này sau Thánh lễ. Hãy dành thời gian này như một cơ hội để ở lại với Chúa Giêsu. Hãy ngưỡng mộ, cảm ơn và ca ngợi Ngài vì Ngài là Chiên Con của Thiên Chúa, Đấng gánh tội lỗi của thế gian – kể cả của bạn. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Xin thương xót chúng con. Xin ban bình an cho chúng con. |
Ga 13, 1-15
Ngài yêu họ đến cùng (Ga 13, 1)
Trong các gia đình Do Thái, người con út đóng một vai trò quan trọng trong Lễ Vượt Qua. Đứa trẻ hỏi: “Tại sao đêm này khác với tất cả các đêm khác?” Và do đó, bắt đầu sự tưởng nhớ của gia đình về tất cả những gì Thiên Chúa đã làm để cứu dân Israel khỏi ách nô lệ ở Ai Cập.
Hôm nay chúng ta cũng cử hành một đêm khác với tất cả những đêm khác. Với lòng tôn kính và biết ơn, chúng ta nhớ lại đêm mà Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn của mình. Cái đêm mà Ngài đã cứu chúng ta khỏi kiếp nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Cái đêm mà Ngài yêu thương chúng ta “cho đến cùng” (Ga 13, 1).
Lạy Chúa Giêsu, con ngạc nhiên về sự khiêm nhường của Chúa. Vào đêm này, mặc dù lòng Chúa nặng trĩu với những đau khổ sắp ập đến, Chúa không hề nghĩ đến bản thân mình. Thay vào đó, Chúa đã đảm nhận vai trò của một người tôi tớ. Chúa, người duy trì chính vũ trụ, đã quỳ xuống và rửa chân cho những người sẽ phản bội Chúa, chối bỏ Chúa và bỏ rơi Chúa trong giờ phút Chúa cần. Chúa đã hạ mình và bày tỏ cho chúng con thấy ý nghĩa của việc làm lớn trong vương quốc của Thiên Chúa. Chúa đã chỉ cho chúng tôi cách yêu. Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng.
Lạy Chúa Giêsu, con ngạc nhiên trước sự quảng đại của Chúa. Vào đêm này, biết rằng mình sắp trở về cùng Cha, Chúa đã bẻ bánh và chia sẻ rượu với các môn đệ. Chúa, Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, đã ban Mình và Máu Chúa cho chúng con trong Bí tích Thánh Thể. Chúa không giữ lại điều gì. Chúa đã hiến mình cho chúng con, một hy lễ nuôi dưỡng chúng con và liên kết chúng con với Chúa và Cha cho đến khi Chúa trở lại. Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng.
Lạy Chúa Giêsu, con phải thinh lặng trước sự vâng phục của Chúa. Vào đêm này tại vườn Giệtsimani, Chúa đã cầu nguyện trong đau đớn và phó thác mình cho Chúa Cha trong khi các môn đệ của Chúa đang ngủ. Chúa là Đấng có thể triệu tập quân đoàn thiên thần để giải cứu Chúa, đã chấp nhận ý muốn cứu chuộc chúng con. Chúa đã tự do phó mình vào tay tội nhân, biết rằng điều đó có nghĩa là chấp nhận cái chết trên thập tự giá. Chúa đã nhìn vào kẻ phản bội Chúa, những môn đệ bỏ trốn của Chúa, những người tố cáo Chúa, những kẻ tra tấn Chúa, cũng như chúng con. Chúa là Đấng không bao giờ phạm tội, đã chọn hiến thân vì tội lỗi của chúng con. Giống như một con cừu đem đi giết, Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng.
Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã yêu thương con cho đến cùng.
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ
Holy Thursday (April 14) Gospel Reading: John 13:1-15 1 Now before the feast of the Passover, when Jesus knew that his hour had come to depart out of this world to the Father, having loved his own who were in the world, he loved them to the end. 2 And during supper, when the devil had already put it into the heart of Judas Iscariot, Simon’s son, to betray him, 3 Jesus, knowing that the Father had given all things into his hands, and that he had come from God and was going to God, 4 rose from supper, laid aside his garments, and girded himself with a towel. 5 Then he poured water into a basin, and began to wash the disciples’ feet, and to wipe them with the towel with which he was girded.6 He came to Simon Peter; and Peter said to him, “Lord, do you wash my feet?” 7 Jesus answered him, “What I am doing you do not know now, but afterward you will understand.” 8 Peter said to him, “You shall never wash my feet.” Jesus answered him, “If I do not wash you, you have no part in me.” 9 Simon Peter said to him, “Lord, not my feet only but also my hands and my head!” 10 Jesus said to him, “He who has bathed does not need to wash, except for his feet, but he is clean all over; and you are clean, but not every one of you.” 11 For he knew who was to betray him; that was why he said, “You are not all clean.”12 When he had washed their feet, and taken his garments, and resumed his place, he said to them, “Do you know what I have done to you? 13 You call me Teacher and Lord; and you are right, for so I am. 14 If I then, your Lord and Teacher, have washed your feet, you also ought to wash one another’s feet. 15 For I have given you an example, that you also should do as I have done to you. |
Thứ Năm tuần Thánh ngày 14.4.2022
Sự khiêm nhường thẳm sâu và tình yêu vô tận của Đức Giêsu Ga 13,1-15 1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? “7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! “11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. |
Meditation: Does your love waver when you encounter bitter disappointments and injury from others? As Jesus’ hour of humiliation draws near he reveals to his disciples the supreme humility which shaped the love he had for them. He stoops to perform a menial task reserved for servants – the washing of smelly, dirty feet. In stooping to serve his disciples Jesus knew he would be betrayed by one of them and that the rest would abandon him through fear and disloyalty. Such knowledge could have easily led to bitterness or hatred. Jesus met the injury of betrayal and disloyalty with the greatest humility and supreme love.
Let the love of Christ rule in your heart and actions Jesus loved his disciples to the very end, even when they failed him and forsook him. The Lord loves each of us freely and unconditionally. His love has power to set us free to love and serve others with Christ-like compassion and humility. Paul the Apostle tells us that Christ’s gift of love has been poured into our hearts through the Holy Spirit who dwells in us (Romans 5:5 and 8:35-39). Does the love of Christ rule in your heart, thoughts, intentions and actions? The love of Christ conquers all and never fails Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) in his sermon for Holy Thursday wrote: “He had the power of laying down his life; we by contrast cannot choose the length of our lives, and we die even if it is against our will. He, by dying, destroyed death in himself; we are freed from death only in his death. His body did not see corruption; our body will see corruption and only then be clothed through him in incorruption at the end of the world. He needed no help from us in saving us; without him we can do nothing. He gave himself to us as the vine to the branches; apart from him we cannot have life. Finally, even if brothers die for brothers, yet no martyr by shedding his blood brings forgiveness for the sins of his brothers, as Christ brought forgiveness to us. In this he gave us, not an example to imitate but a reason for rejoicing. Inasmuch, then, as they shed their blood for their brothers, the martyrs provided “the same kind of meal” as they had received at the Lord’s table. Let us then love one another as Christ also loved us and gave himself up for us.” “Lord Jesus, your love conquers all and never fails. Help me to love others freely, with heart-felt compassion, kindness and goodness. Where there is injury, may I sow peace rather than strife.” |
Suy niệm: Tình yêu của bạn có bị chao đảo khi bạn đối diện với những thất vọng và tổn thương cay đắng từ những người khác không? Khi giờ phút khiêm hạ của Đức Giêsu tới gần, Người bày tỏ cho các môn đệ về sự khiêm hạ sâu thẳm bao trùm tình yêu mà Người dành cho họ. Người hạ mình để thực hiện công việc của người tôi tớ, được dành cho những người tôi tớ – việc rửa những bàn chân hôi thối và dơ dá. Trong việc hạ mình để phục vụ các môn đệ, Đức Giêsu đã biết Người sẽ bị phản bội bởi một người trong số họ và biết rằng những người còn lại cũng sẽ bỏ rơi Người vì sự bất trung. Sự nhận thức như vậy có thể dễ dàng dẫn tới sự cay đắng và thù hận. Đức Giêsu đã nhìn sự tổn thương của sự phản bội và bất trung với sự khiêm hạ và tình yêu sâu thẳm. Hãy để tình yêu Đức Kitô cai trị tâm hồn và những hành động của bạn Đức Giêsu yêu thương các môn đệ cho đến cùng, thậm chí khi họ quên lãng và bỏ rơi Người. Chúa yêu thương mỗi người chúng ta một cách hào phóng và vô điều kiện. Tình yêu của Người có sức mạnh để giúp chúng ta tự do yêu thương và phục vụ người khác với lòng trắc ẩn và khiêm hạ giống như Đức Kitô. Thánh Phao lô tông đồ nói với chúng ta rằng ân huệ tình yêu của Đức Kitô đã đỗ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta (Rm 5,5 và 8,35-39). Tình yêu của Đức Kitô có làm chủ trong lòng, những tư tưởng và những hành động của bạn không? Tình yêu của Đức Kitô chiến thắng tất cả và không bao giờ thất bại Thánh Augustine Hippo (354-430 AD) trong bài giảng của ngài cho ngày thứ Năm tuần Thánh đã viết: “Ngài có quyền hiến mạng sống của mình; trái lại, chúng ta không thể chọn cho mình thời gian để sống bao lâu, chúng ta chết cho dù chúng ta không muốn. Qua cái chết, Ngài đã tiêu diệt sự chết trong mình; chúng ta được giải thoát khỏi sự chết chỉ trong cái chết của Ngài. Thân xác của Ngài không thấy sự mục nát; còn thân xác của chúng ta sẽ thấy sự mục nát và chỉ được phục hồi ngang qua Ngài trong sự nguyên vẹn vào ngày tận thế. Ngài không cần sự giúp đỡ của chúng ta trong việc cứu rỗi chúng ta; không có Ngài chúng ta không thể làm được gì. Ngài ban mình cho chúng ta như cây nho với các cành nho; tách lìa Ngài chúng ta không thể sống được. Sau hết, cho dù người ta có chết cho nhau, nhưng không vị tử đạo nào đã đổ máu mình ra để đem lại ơn tha thứ cho tội lỗi của anh em mình, vì Đức Kitô đã đem lại ơn tha thứ cho chúng ta. Trong cách này, Ngài đã ban cho chúng ta, không chỉ là gương mẫu để bắt chước, mà còn là lý do để vui mừng. Bởi vì, khi họ đổ máu mình ra cho anh em, các thánh tử đạo đã đem lại ‘cùng loại lương thực’ mà họ đã lãnh nhận từ bàn tiệc của Chúa. Thế thì chúng ta hãy yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và đã phó mình cho chúng ta”. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa chiến thắng tất cả và không bao giờ thất bại. Xin giúp con yêu thương người khác một cách tự nguyện, với lòng trắc ẩn, nhân hậu, và quảng đại tự đáy lòng. Ở đâu có sự tổn thương, chớ gì con sẽ bày tỏ sự bình an hơn là sự xung đột. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn