* Thánh Cornêliô làm giám mục giáo phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đầy ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô.
Thánh Xíprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày 14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm của người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.
Lời Chúa: Lc 8, 1-3
Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa.
Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.
Suy niệm 1: Mấy người phụ nữ cùng đi
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc,
để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).
Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy
là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái.
Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.
Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.
Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ.
Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.
Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,
thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.
Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.
Những phụ nữ đã đi theo Thầy Giêsu từ Galilê.
Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ.
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55).
Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).
Theo Tin Mừng Mátthêu (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),
chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh
Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,
nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).
Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai,
để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).
Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,
từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.
Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.
Đức Giêsu đã không chỉ thu hút được các môn đệ nam theo Ngài.
Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.
Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,
trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.
Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.
Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3).
Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,
vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).
Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).
Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.
Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,
và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.
Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ,
chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.
Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.
Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung.
Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,
dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.
Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Suy niệm 2: Của cải và nước trời
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Của cải trần gian chẳng có giá trị gì trong Nước Trời. Nhưng của cải lại là phương tiện minh chứng, xây dựng và đạt tới Nước Trời. Các phụ nữ theo Chúa Giê-su đã cảm nghiệm được điều đó. Các bà đã trải qua quá khứ bị ma quỉ và bệnh tật trói buộc. Đã cảm nghiệm được sự mong manh của kiếp người. Nhất là đã cảm nghiệm được Nước Trời. Đã nhận được ơn cứu độ của Chúa. Nên các bà coi thường của cải trần gian. Quảng đại góp phần vào việc loan báo Tin Mừng Nước Trời. Để Chúa Giê-su và các môn đệ có phương tiện đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Các bà đã được hạnh phúc. Và muốn chia sẻ hạnh phúc cho mọi người.
Từ bỏ tiền của. Điều này không dễ dàng. Đó là thế lực trần gian mạnh nhất. Đó là cơn cám dỗ ngọt ngào nhất. Đó là sợi giây trói buộc chặt chẽ nhất. Đó là kẻ thù sau cùng đối địch với Chúa. Thánh Phao-lô ý thức được điều đó. Nên hết sức khuyên nhủ người môn đệ Ti-mô-thê phải tránh xa tiền bạc. vì “cội rễ sinh ra mọi điều ác là long ham muốn tiền bạc”. Hãy chống lại tiền bạc bằng một đời sống công chính. Công chính là hoàn toàn tin tưởng vào Chúa chứ không cậy dựa vào tiền bạc. Đó là một trận chiến. Cần phải thi đấu hết mình mới mong thắng được. Vì ta sinh ra trần truồng. Ta chết cũng trần truồng. “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được”. Thế nhưng tiền bạc cứ bám lấy ta. Ám ảnh ta. Trói buộc ta. Phải dứt nó ra. Nếu ta thua, tiền bạc sẽ trở thành ông chủ. Ta trở thành nô lệ. Nó sẽ ném ta vào lửa hoả ngục. Nếu ta thắng. Nó sẽ trở thành nô lệ. Sẽ giúp ta đạt tới Nước Trời (năm lẻ).
Ta thắng được tiền bạc và những cám dỗ đời này nhờ niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh. Ta sẽ sống lại với Người trong Nước Trời. Trong đời sống mới. Đời sống ấy không có tiền bạc. Không cần tiền bạc. Nếu ta thực sự có đức tin. Ta sẽ không gắn bó với tiền bạc. Với đời này. Tiền bạc là một con dao hai lưỡi. Nếu ta luỵ phục nó. Nó sẽ tiêu diệt ta. “Nếu ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. Nếu ta sử dụng nó. Nó sẽ là một phương tiện tốt. Là ông chủ, nó ngăn cản ta đến Nước Trời. Là đầy tớ, nó giúp ta mua được Nước Trời (năm chẵn).
Vậy ta hãy noi gương các phụ nữ, quảng đại dâng hiến tiền bạc để làm việc truyền giáo. Siêu thoát của cải. Ta làm chứng cho Nước Trời. Dứt lìa khỏi những của cải đời này. Ta không còn thuộc trần gian. Nhưng thuộc về Nước Trời.
Suy niệm 3: Sự Bình Ðẳng Của Phụ Nữ
Vào thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.
Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".
Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Vai Trò Của Người Phụ Nữ
Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh Edith Stein trước khi trở lại công giáo đã từng là một triết gia nổi tiếng. Thánh nữ đã trở lại công giáo sau khi đọc tiểu sử của thánh nữ Têrêsa Avila. Và mười hai năm sau khi chịu phép rửa đã vào tu trong dòng Kín. Không giống như thánh nữ Têrêsa, Edith Stein vốn là người đàn bà vụng về trong công việc nội trợ trong nhà dòng. Tuy nhiên, theo chứng từ của những người còn sống sót trở về từ các trại tập trung Ðức quốc xã, thánh nữ Edith Stein đã luôn giữ vững được tinh thần và là người đứng ra chăm sóc cho các thiếu nhi cùng bị giam giữ với mẹ chúng trong các trại tập trung Ðức quốc xã.
Bí quyết để thánh nữ có thể giữ vững được tinh thần và nâng đỡ những người chung quanh chính là luôn sống giây phút hiện tại và đặt cả niềm phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Cũng giống như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, thánh nữ Edith Stein luôn sống một cách sung mãn từng giây phút hiện tại.
Tin Mừng hôm nay nhắc tới tên của một số người phụ nữ đã được Chúa Giêsu chọn làm cộng tác viên của Ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, đây không phải là một sự tình cờ hay phụ thuộc trong chương trình của Ðấng cứu thế. Tuy không được chọn làm tông đồ nhưng sự hiện diện và công việc âm thầm của những người phụ nữ này cũng quan trọng chẳng kém gì công tác tông đồ. Vai trò của họ lại càng quan trọng và nổi bật hơn nữa bởi vì trong những giây phút đau thương nhất của Chúa Giêsu họ là những người duy nhất đứng kề bên Ngài. Sự hiện diện của một số người phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và nhất là trong những giây phút cuối đời của Ngài cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của chứng tá âm thầm của cuộc sống đức tin. Chứng tá ấy nói với chúng ta rằng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô dù có âm thầm và vô danh đến đâu mỗi người đều có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được.
Nguyện xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá con người, nhất là thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại, phục vụ và yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Những người giúp vô vị lợi
Sau đó Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có nhóm mười hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la người đã được giải thoát bảy quỷ. (Lc. 8, 1-2)
Người ta nói, không tiền và không giúp đỡ, chẳng làm được gì. Ngay trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế. Đó là lý do chung quanh Đức Kitô để giúp việc truyền giáo, ngoài các tông đồ ra, còn có các bà tận tâm đi theo giúp đỡ, một thứ giúp đỡ vô vị lợi. Nhờ đó Chúa rảnh tay hoàn toàn hiến thân cho công việc cốt yếu nhất. Những người giúp đỡ này chính là các phụ nữ.
Thánh Lu-ca hơn các Thánh viết Tin Mừng khác, nói đến vai trò các bà đóng góp vào việc chung quanh Thầy chí thánh và trong đoàn truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến công việc nặng nhọc của các bà đã lấy của cải mình giúp đỡ các Ngài. Thánh Lu-ca chắc hẳn lưu tâm đến thời cựu ước và trong nhiều nền văn minh khác, phụ nữ bị coi là thứ cấm kỵ, đối tượng của sức mạnh bí ẩn, bị khuất phục dưới thảm trạng bi đát bên lề. Người phụ nữ Samaria kêu lên ngạc nhiên khi Đức Kitô dám nói chuyện với mình. Tận nền vấn đề, Đức Kitô là Người bảo vệ đầu tiên vĩ đại, là người khởi động đầu tiên thăng tiến giải phóng phụ nữ. Các thầy khác thời Người đã loại bỏ phụ nữ khỏi ảnh hưởng các đồ đệ của họ, và tổ chức Do-thái giáo lúc đó không chấp nhận phụ nữ tham dự cộng đồng. Chỗ đứng của phụ nữ ở giữa dân ngoại và dân Is-ra-el!
Vậy mà truyền thống kể lại những lần hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sống lại là hiện ra với các bà. Đức Giêsu rất tín nhiệm các bà, và các bà đã chứng tỏ lòng trung thành đặc biệt đối với Người, như: cung cấp nuôi dưỡng các Ngài suốt thời gian truyền giáo, các bà theo Chúa trên đường vác thánh giá lên đồi Can-vê, đứng dưới chân thánh giá, đi ra thăm mồ từ sáng sớm.
Khi người ta nhớ đến vai trò mà Đức Giêsu đã dành cho phụ nữ, và so sánh với Giáo Hội xuyên suốt các thời đại, người ta ngạc nhiên thấy rằng vai trò của phụ nữ bị chìm vào quên lãng, khác hẳn với cách cư xử của Đức Kitô đối với phụ nữ.
GF
Suy niệm 6: Ân sủng của Chúa luôn ở với người môn đệ
Những người được gọi và chọn để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thường hay có những lý giải như: mình còn trẻ, không biết ăn nói; hay tôi là người tội lỗi, thấp cổ bé họng...; hoặc tôi là dân quê mùa, ít học, nghèo nàn, dốt nát...
Tuy nhiên, nhìn lại hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng...! Nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạch đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thủy. Điển hình như Maria Madalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của vua Hêrôđê…
Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng sám hối, biến đổi, quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách trung thành.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm ra đi làm chứng cho Chúa, mặc dù cuộc đời ta có bất hảo, kém cỏi về tri thức, vụng về trong cách ăn nói hay tội lỗi có ngập đầu và vẫn còn những tham sân si... Nhưng trong sự thống hối, tin tưởng và yêu mến Chúa, chúng ta có quyền tin tưởng Ngài sẽ làm được những chuyện lớn lao do tình thương và ân sủng của Ngài trong cuộc đời và sứ vụ của chúng ta.
Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng ra đi, dấn thân, quảng đại cho sứ vụ Nước Trời hay không mà thôi!
Mặt khác, hình ảnh những phụ nữ đi theo và phục vụ Đức Giêsu trong sứ vụ Thiên Sai của Ngài cho thấy: Đức Giêsu không hề chê bỏ bất cứ ai, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội.
Do đó, không ai có mặc cảm vì mình vô dụng hoặc kém cỏi, nhưng chúng ta phải không ngừng cảm tạ tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta bằng cách mỗi ngày cố gắng sống xứng đáng hơn, yêu thương hơn để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa chúng con, để chúng con trở thành Tông đồ của Chúa trong môi trường và xã hội hôm nay. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Cộng tác với Chúa rao giảng Tin Mừng
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa mời tất cả mọi người cộng tác với Chúa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đó là bổn phận của chính chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ngày ấy Chúa rảo qua khắp các thành thị và làng mạc nước Pa-lét-tin. Chúa giảng dạy không ngơi nghỉ, Chúa làm phép lạ cứu chữa tật bệnh cho dân, Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngày ấy, cánh đồng truyền giáo rộng mở: đoàn đoàn lớp lớp người đến nghe Chúa giảng, xin Chúa chữa lành. Cả nam, cả nữ, cả thiếu nhi vây quanh Chúa. Tất cả chăm chú lắng nghe ghi lòng tạc dạ điều Chúa truyền dạy… Ngay đến những người phụ nữ thường bị xã hội Do thái coi thường cũng đem hết nhiệt tình phục vụ Chúa. Hết thảy đều cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng Nước Chúa.
Lạy Chúa, hôm nay Hiền Thê yêu quý của Chúa là Giáo Hội, cũng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo. Toàn thể Dân Thánh Chúa đã họp lại để cùng quyết tâm thi hành lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian…”. Hôm nay, Chúa vẫn sai mọi thành phần trong Giáo Hội tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người trong mọi hoàn cảnh: Tin Mừng không giới hạn ở một nền văn hoá nào, một màu da hay một miền đất nào. Tin Mừng của Chúa phải lan rộng trên toàn thế giới. Hôm nay, Giáo Hội tha thiết mời gọi từng người giáo dân, từng tu sĩ và hàng giáo sĩ cộng tác đắc lực vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, sống chứng nhân ngay trong hoàn cảnh sống của mình.
Lạy Chúa, ngày ấy và hôm nay vẫn chỉ là một lời mời gọi đem Chúa đến cho mọi người, mọi nơi. Xin Chúa giúp con ý thức sứ mệnh của con và hăng say thực thi lệnh Chúa truyền. Amen.
Ghi nhớ: “Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.
Suy niệm 8: Các phụ nữ theo Chúa
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Khi cảm thấy mình không thể yêu Đức Giêsu như mình muốn, thánh Têrêsa Avila đã khóc sướt mướt và cầu xin thánh Maria Mađalêna hướng dẫn mình trên con đường hoán cải để yêu Đức Giêsu được như ngài đã yêu khi ngài thấy Đức Giêsu chết trên thánh giá, và để sống chiêm niệm khi không có sự hiện diện cụ thể của Đức Giêsu nữa (Thánh Têrêsa Giêsu, “Oeuvres complètes “, éd. Du Seuil, Paris, 1949, pp. 88 và 1058).
Thánh Têrêsa Lisieux liên tưởng tới người phụ nữ tội lỗi ăn năn ấy khi tỏ lòng thán phục sự “liều lĩnh thật đáng yêu của thánh nhân, đã làm vui lòng Đức Giêsu” (Ibid., p. 441) ngài cũng thông cảm với ước muốn của Maria Mađalêna là được chạm đến Đức Giêsu. Ngài còn cảm phục sự hoán cải nội tâm nảy sinh trong tâm hồn Maria Mađalêna, khi cô nhìn thấy mình có thể gặp thấy Đức Giêsu bằng cách bước vào tâm hồn Thiên Chúa mà “không quanh co dối trá” (Ibid., p.1409) nhưng “nấp vào thâm cung của thánh nhan Ngài” (Ibid., p. 814) (Theo Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành). Thật thế, các phụ nữ trong Tin Mừng luôn luôn là nguồn cảm hứng cho những ai gắn bó với Đức Giêsu và muốn phục vụ Ngài.
Suy niệm
Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu có nhóm các môn đệ là những người sát cánh trực tiếp với Ngài và làm chứng cho Ngài (x. Lc 23,49). Ngài cũng có nhóm phụ nữ đi theo qua các làng mạc và trên các nẻo đường Galilê. Cả hai nhóm là nhân chứng cho những hành động, quyền năng và những giáo huấn của Chúa Giêsu và sẽ sát cánh với nhau. Các phụ nữ tuy không rao giảng nhưng lo việc ăn uống cho những người truyền giáo: “Các bà đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,3).
Trong Tin Mừng không nói nhiều về các phụ nữ này, có nhắc tới một người trước đây bệnh hoạn bị bảy quỷ ám (x. Lc 11,26), Maria gọi là Mađalêna (một làng gần hồ Gênêsaret); một bà thuộc xã hội thượng lưu, Gioanna, đã từ bỏ chồng và triều đình Hêrôđê, bà Sudanna (Lc 8,3), Maria mẹ của Giacôbê (Lc 24,10), Salômê (Mc 15,40) và mẹ của anh em nhà Dêbêđê (Mt 27,56).
Tuy nhiên Tin Mừng ghi nhận các bà xuất hiện trong những thời điểm quan trọng của Thầy: Lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá và lúc chôn cất Người (x. Lc 23,49-55), ở ngôi mộ trống ở đó đặc biệt có mặt bà Maria Mađalêna và bà Gioanna; người ta cũng sẽ gặp các bà này với nhóm Mười hai và mấy người khác trong phòng lầu trên trước lễ Ngũ tuần (Cv 1,14). Ở đây các bà sống với Mẹ Chúa Giêsu, các anh em Chúa và nhóm Mười hai.
Tin Mừng nhấn mạnh các bà là những người đầu tiên được Chúa Phục sinh hiện ra, đặc biệt là Maria Mađalêna (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9-11; Ga 20,11-18), được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh (Mt 28,10).
Thế giới luôn cần đến bước chân của những người theo Chúa. Xin cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta ý thức bổn phận tiếp nối con đường Chúa: Tích cực dùng tất cả các khả năng và ân lộc Chúa ban để đóng góp công cuộc loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Ý lực sống:
Các phụ nữ theo Chúa đã sống “kinh nghiệm” của những người đã theo Thầy trong cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài.
Suy niệm 9: Những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu không ngừng thi hành sứ mệnh của mình. Người đi khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin mừng và quên cả mệt nhọc. Các môn đệ và các phụ nữ đi theo Đức Giêsu cũng cộng tác với Ngài trong sứ mệnh ấy. Đặc biệt tác giả Luca cho biết những người phụ nữ theo Chúa là những người đã được Chúa trừ quỷ và chữa lành bệnh. Họ lấy của cải giúp đỡ Chúa. Tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi và ban ơn đều cùng với Đức Giêsu đi loan báo Tin mừng cứu độ.
Giữa một xã hội Do thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hạng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam. Xuyên suốt Thánh kinh Cựu ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Judith, Esther và vài tiên tri), thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông. Các luật sĩ Do thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy (Hiền Lâm).
Trong bài Tin mừng hôm nay, để nói lên sự bình đẳng giữa nam và nữ, Đức Giêsu cho các phụ nữ tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Đức Giêsu và nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng: trong Giáo hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Đức Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng: họ là những người đồng hành với các Tông đồ trong việc loan báo Tin mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.
Đồng hành với Đức Giêsu, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có các phụ nữ - là những người đã được Ngài trừ cho khỏi quỷ và chữa lành bệnh. Tác giả Luca còn cho biết thêm, họ “lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ”. Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, đi theo thầy Giêsu, họ còn bị đòi hỏi nhiều hơn nữa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”(Mt 10,37). Như vậy, tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, kể cả hạng người tội lỗi, thu thuế hay chài lưới đều có cơ hội như nhau trong việc bước theo Đức Giêsu. Chỉ cần họ dám sẵn sàng từ bỏ mọi sự để “cùng đi với Ngài” (5 phút Lời Chúa).
Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về chuyện Chúa dựng nên Adong và Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Adong.
Rồi một cô bé nói tiếp: Chúa dựng nên Adong xong, Người đứng ngắm và tự nhủ: “Ta sẽ làm đẹp hơn”, và thế là, Người dựng nên Evà.
Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ với những đức tính rất tốt đẹp: kiên trì, hy sinh, quảng đại... Nhờ vậy, họ có thể chu toàn nhiều vai trò rất quan trọng: sinh sản, nuôi dạy và giáo dục con cái trong gia đình, đồng thời cộng tác với mọi người để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Trong Giáo hội, người phụ nữ cũng có sứ mệnh quan trọng: cộng tác với mọi người để loan báo Thiên Chúa cho thế giới. Câu chuyện Tin mừng hôm nay là một ví dụ cụ thể cho điều này.
Nhìn lại hành trình rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng! Nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạnh đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thuỷ. Điển hình như Maria Mađalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của Hêrôđê.
Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những người phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng sám hối, biến đổi, quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách chân thành.
Truyện: Phong chân phước cho hai phụ nữ
Ngày 24/4/1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho “Hai bà mẹ gia đình”: bà Giana Beritta, đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elizabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa đã hại đứa con gái đầu lòng làm cho nó phải chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên, bà vẫn trung thành với sứ mệnh làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh, để xin thánh hoá bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên dòng ba. Niềm mong ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời: người chồng đã trở lại, lúc đầu cũng xin gia nhập dòng Chúa Ba Ngôi và sau đó đã trở thành linh mục dòng Phanxicô.
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui, nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn biết bao bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình”.
Suy niệm 10: Các phụ nữ theo Chúa Giêsu
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng:
- Nhóm 12
- Các phụ nữ: trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng của cải nữa.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu đang rảo khắp nơi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó người ta coi khinh phụ nữ, không cho phụ nữ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.
Ta hãy học cùng Chúa lòng tôn trọng mọi người không phân biệt nam nữ, lớn bé, giàu nghèo v.v.
2. Chúa muốn chia sẻ sứ mạng loan Tin Mừng cho hết mọi người, trong đó có cả phụ nữ là hạng bị thời đó coi khinh, trong đó có cả tôi.
3. Nam và nữ, mỗi phái đều có những sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng xã hội và Giáo Hội. Sự phong phú đặc biệt của phái nữ là tình yêu, sự dịu dàng, kiên nhẫn, bao dung….
4. Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về việc Chúa dựng nên Ađam Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Ađam. Rồi một cô bé tiếp: “Chúa dựng nên Ađam xong, Ngài đứng ngắm và phán: ‘Ta sẽ làm đẹp hơn’, và Ngài dựng nên Evà.”
5. “Cùng đi với Chúa Giêsu, có mấy người phụ nữ là các bà Maria Mác-đa-la người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioan-na, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,2-3)
Thế giới này không chỉ được xây dựng bởi phái nam mà có cả bàn tay của phái nữ nữa. Dù là nam hay nữ, tôi cũng được Thiên Chúa tạo nên và cho vinh dự góp phần làm nên hạnh phúc của mình. Tôi phải là cánh tay nối dài của Chúa, đem Lời Chúa thấm nhuần mọi lãnh vực. Không chỉ là người nam mới làm nên chuyện, mà người nữ hôm nay cũng đã có mặt trong hầu hết mọi lãnh vực xã hội.
Ước gì các chị em biết phát huy cá tính, biết lấy sự êm ái dịu dàng để xây dựng bình an, biết tha thứ để tạo nên an hòa, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, biết sống âm thầm thanh đạm để cứu vớt bao linh hồn. Hãy tô đẹp cuộc đời bằng vẻ đẹp dịu hiền và làm vẻ vang cho thiên chức làm mẹ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian này. (Hosanna)
Suy niệm 11: Các phụ nữ theo Chúa chia sẻ việc rao giảng Tin Mừng
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Chúa Giêsu đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo để chia sẻ sứ mạng với Chúa cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó phụ nữ bị người ta coi khinh, không cho phụ nữ tham gia bất cứ sinh hoạt công khai nào của xã hội.
Như vậy, nam và nữ, mỗi phái đều có sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội.
Chúng ta hãy nghe sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II gửi giới phụ nữ. Sứ điệp này do Đức Hồng Y P. Zoungrana tuyên đọc ngày 8/12/1965: “Giờ đây chúng tôi xin ngỏ lời với nữ giới thuộc hết mọi thành phần: Bây giờ đã đến lúc sứ mệnh người phụ nữ được thể hiện hoàn toàn. Đây là lúc người phụ nữ có một ảnh hưởng, một sự phát huy và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng có trong xã hội.”
“Hỡi các người vợ, người mẹ gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại trong lòng tổ ấm gia đình, xin truyền thụ cho con trai con gái quý bà những truyền thống của cha ông chúng ta, đồng thời chuẩn bị cho chúng một tương lai xa vời. Các bà hãy luôn nhớ là nhờ con cái nên người mẹ góp phần vào tương lai, một tương lai có lẽ mắt quý bà sẽ không được nhìn thấy”.
“Cả những chị em ở độc thân nữa, xin ý thức rằng, chị em có thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng phục vụ của mình. Xã hội khắp nơi đang kêu gọi chị em, ngay các gia đình cũng không thể sinh hoạt nếu gạt bỏ sự trợ giúp của những người không lập gia đình”.
“Nhất là những người đồng trinh đã dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà chủ nghĩa ích kỷ và sự ham tìm khoái lạc muốn trở nên qui luật sống, chị em hãy duy trì đức trong sạch, lòng vô vị lợi và tinh thần đạo đức.”
Cha Leonardo Bop, một nhà thần học nổi danh người Brasil thuật lại:
Ngày kia, một người đàn bà mà tôi quen biết vài năm nay gọi tôi ra một nơi và nói nhỏ: “Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật. Xin cha đến nhà con.”
Tôi đến nhà bà ta, vào phòng ngủ của đứa con trai bà. Đó chính là một quái thai. Đầu đứa nhỏ to như đầu người lớn, nhưng thân mình của nó thì bé tí xíu. Đôi mắt nó nhìn chằm chằm lên trần nhà, lưỡi nó thò ra thụt vào như lưỡi rắn. Tôi rùng mình thốt lên: “Chúa ơi!” Nhưng bà ta nói: “Thưa Cha, từ tám năm nay con chăm sóc đứa con này của con. Nó chỉ biết có một mình con mà thôi, và con rất hài lòng về nó, hầu như không một người nào khác biết đến sự hiện diện của nó” - Rồi bà ta lớn tiếng nói: “Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Ngài là Cha”. Bà ta nhìn lên trời nói tiếp với giọng bình thản: “Xin vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời”.
Leonardo Bop cho biết: “Tôi rời nhà bà ta không nói được một lời nào. Đầu tôi cúi xuống kinh hoàng vì đứa trẻ quái thai, đồng thời ngỡ ngàng vì thái độ bình thản của bà mẹ, Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi. Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà mắc bệnh hoại huyết: “Hỡi bà, đức tin của bà thật lớn lắm” (Mt 15,28)
Quả thực, đức tin của người đàn bà xứ Brasil trên đây thật lớn lao dường nào! Bà không chửi trời trách đất vì có đứa con quái thai như thế, trái lại bà đã sống trọn tinh thần Lời Chúa dạy: “Hai con chim sẻ mới bán được một đồng, thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha chúng con. Tóc trên đầu chúng con đã được đếm cả rồi” (Mt 10,29-30).
2. Ngày 24.4.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho “Hai bà mẹ gia đình”: Bà Giana Beritta, người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elisabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa đã hại đứa con gái đầu lòng làm cho nó phải chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên, bà vẫn trung thành với sứ mạng làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh để xin ơn thánh hóa bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của Dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên dòng ba. Niềm mong ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời: người chồng đã trở lại, lúc đầu cũng xin gia nhập dòng Chúa Ba Ngôi và sau đó đã trở thành Linh mục dòng Phanxicô.
Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn cả bao nhiêu bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn