Lời Chúa: Lc 6, 39-42
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.
Suy niệm 1: Đạo đức giả
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Sống ở đời chúng ta liên tục phải đưa ra những phán đoán.
Có những phán đoán về người khác: đúng, sai, tốt, xấu.
Giáo dục một người là giúp người đó có được phán đoán khách quan.
Khi Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng xét đoán (Lc 6, 37),
Ngài không bảo họ đừng đưa ra những phán đoán hay nhận định.
Ngài cũng không coi thường những phán quyết của quan tòa.
Đơn giản Ngài chỉ muốn chúng ta tránh một khuynh hướng dễ gặp,
đó là chỉ trích phê phán, bới lông tìm vết, đối với tha nhân.
Các môn đệ sẽ phải là những nhà lãnh đạo dân Chúa.
Họ không thể là những người dẫn đường mù lòa.
Chỉ với cặp mắt sáng, họ mới có thể chu toàn nhiệm vụ,
dẫn dắt những người còn trong bóng tối ra ánh sáng bình minh.
Nếu không, mù dắt mù, cả hai sẽ sa xuống hố (c. 39).
Người lãnh đạo sáng suốt là người biết mình,
biết cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở của mình.
Họ phải thấy rõ cái xà, hay thậm chí cái rác nơi mắt mình.
Thiếu thái độ tự phê phán nghiêm túc, họ không thể dẫn dắt người khác.
“Hãy biết mình” là câu được khắc ở một đền thờ nổi tiếng bên Hy-lạp.
Như thế biết mình không phải là chuyện dễ.
Chẳng ai gần mình, hiểu rõ mình bằng mình.
Nhưng nhiều khi chẳng ai mù mờ về tôi bằng chính tôi.
Lắm khi tôi chạy trốn chính mình, không đủ can đảm để thấy sự thật.
Nói chung tôi không thích nhìn nhận những bóng tối và bóng mờ nơi tôi.
Thậm chí, cái xà nơi mắt tôi, mà tôi cũng không để ý (c. 41).
Tôi chỉ muốn thấy nơi mình toàn những điều trong sáng, tốt đẹp, giỏi giang.
Càng có địa vị cao, càng thành công nhiều, càng có uy tín,
tôi càng khó chấp nhận, khó thấy những nhược điểm của mình,
Những người dưới quyền cũng không dám góp ý,
nên tôi lại càng dễ nghĩ là mình đã thực sự hoàn hảo.
Chắc chúng ta phải giúp người khác lấy rác ra khỏi mắt,
vì họ khó tự mình lấy được, và thật khó chịu khi có rác trong mắt.
Nhưng phải làm điều đó với rất nhiều yêu thương và khiêm hạ,
bởi lẽ chúng ta biết mình cũng cần anh em giúp lấy rác khỏi mắt mình.
Đơn giản là phải thấy cái rác và cả cái xà trong mắt mình trước,
nhờ người lấy ra dùm, sau đó mới thấy rõ để đi giúp người anh em.
Giúp nhau lấy rác trong mắt nhau, giúp nhau thấy rõ hơn sự thật về mình,
đó là công việc bác ái thường ngày mà chúng ta làm cho nhau.
Như thế Hội Thánh của chúng ta sẽ gồm những người sáng mắt,
nhờ biết xin người khác lấy rác ra khỏi mắt mình, và giúp họ lấy rác của họ.
Cầu nguyện
Như thánh Phaolô trên đường về Ðamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Suy niệm 2: Khôn ngoan trong Chúa Giêsu
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ở đời ai cũng muốn làm thầy người khác. Vì tự hào mình khôn ngoan giỏi giang. Biết hết mọi sự. Nhưng lại không biết chính mình. Vì thế thường mâu thuẫn. Nói mà không làm. Chúa Giê-su gọi đó là “mù lại dắt mù”.
Chúa dạy ta phải khôn ngoan. Khôn ngoan phải đi trong ánh sáng. Ánh sáng là phải biết mình. Biết lỗi lầm của mình. Biết khuyết điểm của mình. Biết giới hạn của mình. Thấy cái xà trong mắt mình. Phải lấy ra thì mắt mới thấy rõ. Thấy đường rồi mới có thể hướng dẫn người khác. Biết mình rất khó. Nhận mình sai sót lỗi lầm còn khó hơn. Và sửa chữa lỗi lầm lại càng khó lắm.
Chỉ có Chúa là sự khôn ngoan. Là sự sáng. Ở trong Chúa ta sẽ có ánh sáng. Sẽ được khôn ngoan. Soi vào Chúa ta sẽ được biết mình. Nhìn lên Chúa ta sẽ biết đường. Đi theo Chúa ta sẽ đến nơi. Chỉ có Chúa là Thầy. Vì Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Thánh Phao-lô là người hiểu rõ điều đó. Nên dù bổn phận phải hướng dẫn người khác, thánh nhân luôn tự biết mình là người tội lỗi, yếu hèn. Phải khuyên dạy Ti-mô-thê-ô là người con tinh thần, nhưng thánh nhân khiêm nhường tự nhận: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót”. Và thánh nhân biết ngài có làm Tông Đồ chính vì “theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Ki-tô Giê-su” (năm lẻ).
Chính vì thế, trong khi rao giảng cho người khác, thánh nhân tỏ ra lòng khiêm nhường sâu xa. Nhận đó là bổn phận: “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm”. Vì thế ngài hạ mình “trở thành nô lệ của mọi người”, “trở nên tất cả cho mọi người”. Vẫn chưa đủ, ngài không ngừng xét mình, răn mình, sửa mình để có thể giúp đỡ người khác: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (năm chẵn).
Ngài trở nên người khôn ngoan. Vì ngài sống trong Chúa Giê-su. Ngài trở thành người sáng suốt. Vì đã tự lấy cái xà trong mắt mình trước. Ngài trở thành người hướng dẫn. Vì đã tự biết mình.
Suy niệm 3: Hãy Tự Biết Mình
Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.
Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. "Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã", nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân. "Hỡi người, hãy tự biết mình", đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". "Hãy sám hối" trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Ánh Sáng Thế Gian
Ngày 11/09/2003 Hoa Kỳ và cả thế giới đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 11/09/2001. Thế giới không những tưởng nhớ những người đã chết, thế giới còn nhắc nhở để ý thức về những sức mạnh mù quáng của sự dữ đang lôi kéo con người vào vòng tội ác. Những kẻ gây ra đau thương tang tóc cho người đồng loại mà vẫn nghĩ rằng mình đang làm điều tốt. Nhiều người đang bị lôi kéo vào vòng tội ác mà không hay biết.
Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian. Ngài đến để cứu thoát con người khỏi tăm tối của sự dữ. Ngài nói với loài người rằng họ đang bị sức mạnh mù quáng của sự dữ lôi kéo và trói buộc. Ngài đến để mang lại cho chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận thân phận tội lỗi của mình chúng ta mới thấy được sự cần thiết để được giải thoát.
Chúa Giêsu đã khẳng định: "Chỉ có sự thật mới giải thoát các ngươi". Sự thật ở đây trước hết là sự thật về thân phận yếu hèn tội lỗi của chúng ta. Thật thế, chỉ khi nào biết mình đang đi trong bóng tối chúng ta mới cảm thấy cần có ánh sáng. Trái lại bao lâu vẫn không nhận ra thân phận mù lòa của mình, bấy lâu chúng ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy cần có ánh sáng.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh của người mù dắt người mù để nói lên tình trạng khốn khổ của con người. Ðể có thể là người dẫn đường, chúng ta phải là người thấy đường đã. Thấy đường ở đây không hẳn là nắm bắt hay chiếm hữu chân lý. Thấy đường thiết yếu là thấy được thân phận tội lỗi của mình và từ đó có một thái độ khiêm tốn hơn trong quan hệ với người khác. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy lấy cái xà trong con mắt mình trước đã rồi mới thấy rõ hầu lấy cái rác trong con mắt người anh em.
Tựu trung, chúng ta được mời gọi để sám hối và sống khiêm tốn hơn. Thế giới đang bị những sức mạnh mù quáng của sự dữ lôi kéo, xã hội trong đó chúng ta đang sống cũng đang bị nhận chìm trong tăm tối của sự dữ. Sự dữ đúc chế những danh từ hoa mỹ, sự dữ được cơ chế hóa, sự dữ được luật pháp che chở. Sống trong bóng tối con người chẳng còn phân biệt được ánh sáng và bóng tối. Ði trong tăm tối của sự dữ con người chẳng còn biết thế nào là thiện thế nào là ác, và cuối cùng ý thức về tội lỗi cũng bị đánh mất.
Lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ công khai là kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng. Có nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người mới có thể nhận ra được sự cần thiết của ơn cứu rỗi. Ðây chính là điều Giáo Hội nhắc nhở con cái mình mỗi ngày. Ở đầu mỗi thánh lễ chúng ta đấm ngực và xưng thú tội lỗi của mình, làm như thế chúng ta không những nói lên thân phận tội lỗi của mình mà còn mời gọi mọi người ý thức về những sức mạnh của sự dữ đang hoành hành trên thế giới. Sám hối là tâm tình cơ bản nhất của người tín hữu Kitô.
Nguyện xin Chúa cho đôi mắt tâm hồn chúng ta luôn được sáng suốt để nhìn thẳng vào nội tâm sâu kín của chúng ta, hầu nhận ra những bất toàn sai sót của mình. Ý thức về tội lỗi của mình chúng ta mới nhận ra được những sức mạnh của sự dữ đang bủa vây chung quanh chúng ta, và, với sự trợ giúp của ơn Chúa chúng ta mới đủ sức để chiến đấu chống lại sự dữ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Cái rác, cái xà
“Sao anh lại có thể nói với người anh em: này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt người anh em!” (Lc. 6, 42)
Chúa có lý, chắc chắn đúng! thực vậy làm sao người mù lại có thể dắt người mù được! nhất là không thấy cái xà trong mắt mình thì làm sao thấy cái rác trong mắt người lân cận được. Kẻ đó quá bệnh tật, không chỉ bệnh mù mắt mà còn mù trí khôn, không thấy và cũng không biết suy nghĩ phán đoán.
Biết bao nhiêu kẻ mù như thế trên con đường nhân trần này! có thể trong đó có tôi! biết bao nhiêu người tưởng mình có cái nhìn sâu sắc thiên bẩm, nhưng chỉ khi nhìn người khác thôi, còn mình thì lại mù. Tất cả chúng ta ít nhiều đều mắc tật đó! nếu chúng ta có cái nhìn khách quan, chúng ta sẽ run sợ vào chính mình và nhận ra tại sao mình lại sùng bái cái xà trong mắt mình mà lại không tôn trọng người khác chỉ có cái rác thôi. Lúc đó chúng ta mới lo sửa mình.
Khi Đức Kitô nói về những người biệt phái và về những tiến sĩ luật: “Hãy làm những điều họ nói và đừng làm như họ sống, họ đặt những gánh nặng cho người khác, còn họ không vác”. Chúng ta có thể chắc rằng họ phải nổi giận bất bình với lời tố cáo như thế vì họ không cho họ là giả hình. Chúng ta có tốt hơn họ chăng?
Chúng ta tố giác anh chị em mình, chê trách họ đủ điều sai trái, chúng ta thấy họ nhiều thiếu xót không thể tha thứ được, không thể khoan hồng, không thể thông cảm và không cần tử tế với họ. Chúng ta sẽ giật mình ghê sợ nếu họ cũng kết án chúng ta như chúng ta kết án họ, nếu họ bảo chúng ta biết rõ những lỗi lầm của chúng ta như chúng ta khám phá thấy nơi họ.
Chúng ta mù lại thích tôn mình hướng dẫn người mù khác!
Trái lại, người khác phải là cái gương giúp ta soi thấy ta, nếu không thì không thể tha thứ cho ta được. Chúng ta thích than trách thảm thiết những nhỏ nhen người ta làm cho ta phải chịu, vậy ta hãy tự hỏi mình xem ta có làm đúng như họ không? Cái xà chống cái xà, cái rác chọi cái rác. Hãy nhớ: “Ác giả ác báo, tích thiện giả thiện”.
Suy niệm 6: Mù không thể dắt mù
Xem lại CN 8 TN C
Trong cuộc sống, vẫn còn đó rất nhiều người dốt, nhưng lại được mua chuộc bằng tiền, bằng quyền để lãnh đạo và dạy dỗ người khác. Tệ hơn nữa là những kẻ đạo đức giả tạo lại oang oang nói về lòng nhân từ hay tha thứ một cách “ngọt như đường mía lau”!
Không những thế, những kẻ trá hình này lại còn lôi kéo nhiều người khác đi vào con đường mù quáng, sai trái của mình...
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ và những ai bước theo Ngài trong vai trò chứng nhân, phải khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu về Giáo Lý và có đời sống gương mẫu, có đủ tư cách phù hợp với vai trò của mình và nhất là phải giữ vững bản chất của một người thuộc về Chúa để nên giống Chúa.
Nếu người môn đệ mà mù mờ về Giáo Lý, hiểu sai ý Thiên Chúa và sống một cuộc đời phản chứng, gương mù và biến chất, thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Bóng tối thêm vào bóng tối vẫn là bóng tối chứ không tạo ra được tia sáng nào. Mù mà dắt mù ắt sẽ rơi xuống hố.
Như vậy, muốn thành công, người môn đệ phải có sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và hành động. Nói khác đi, cần phải làm gương trước khi khuyên bảo người khác... để lời nói và hành động của mình trở nên “nhất ngôn, nhất hành”.
Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu giãi Ánh Sáng là Chân Lý của Chúa vào trong tâm hồn chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn thuộc về Ánh Sáng và phải có trách nhiệm chiếu giãi Ánh Sáng đó cho mọi người. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Biết xét mình trước
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Người đạo đức chân thật biết xét mình trước khi đoán xét khuyết điểm, lỗi lầm của anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thương ban cho con đôi mắt. Nhờ đôi mắt, con nhìn thấy các công trình kỳ diệu trong thiên nhiên Chúa đã dựng nên. Nhờ đôi mắt, con giao tiếp với mọi người, cùng mọi người xây dựng bổ túc cho nhau, để xã hội và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Và đôi mắt sẽ luôn giúp con nhận ra các điều Chân, Thiện, Mỹ, giúp con suy nghĩ đúng và hành động khôn ngoan. Con hết lòng tạ ơn Chúa vì đôi mắt tuyệt vời Chúa ban cho con. Xin hướng dẫn con luôn biết dùng đôi mắt cho đẹp lòng Chúa.
Lạy Chúa, con còn được Chúa ban cho một đôi mắt khác là đôi mắt tâm hồn, là trí phán đoán để nhận ra phải trái, thực hư. Trong con, hai đôi mắt ấy có tương quan mật thiết với nhau. Nhìn đúng, con sẽ phán đoán đúng và hành động khôn ngoan. Nhìn lầm, con sẽ suy nghĩ lệch lạc và hành xử ngu đần. Nghiệm lại trong đời sống, con thường cho mình là đúng, là hay, và đã nhiều lần cố chấp với những sai sót, lỗi lầm của mình. Còn với tha nhân thì ngược lại: con dễ xét nét, bắt bẻ đủ điều và chẳng vui khi họ trổi vượt, thành công hơn con. Con dễ bất công với mọi người, thích nhìn “cái rác trong mắt của anh em” hơn là thấy “cái đà to tướng trong mắt con”. Và vì thế, con đi xa đường lối Chúa, đánh mất lòng đạo đức chân thật của mình.
Lạy Chúa, xin giúp con khiêm nhường để cả hai đôi mắt của con được sáng mãi trong ánh sáng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”
Suy niệm 8: Abba, Cha ơi
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
“The Pursuit of Happyness” là một bộ phim xúc động mang tới những thông điệp đầy tính nhân văn về ý nghĩa thực sự của từ “hạnh phúc”. Được dựa trên một câu chuyện có thật, nhân vật chính của phim là Chris, một nhân viên bán máy soi xương luôn gặp thất bại trong việc kinh doanh. Quá bức bối với việc nợ nần của gia đình, vợ Chris đã bỏ đi và để lại cậu con trai nhỏ Christopher Jr. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi hai cha con anh bị đuổi ra khỏi căn hộ do không đủ tiền trả và trở thành những kẻ lang thang.
Đi phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, có lúc Chris và con trai đã phải ngủ qua đêm trong nhà vệ sinh bẩn thỉu của một ga tàu điện. Tuy nhiên, với nỗ lực phi thường, anh không ngừng mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc cho chính mình và con trai... (Theo afamily.vn).
Tình cha là thế, lo lắng và cùng con bước vào đời với bao gian nan. Tình Chúa dành cho con người được phác họa bằng hình ảnh của tình Cha: Ngài như người cha hiền luôn đồng hành và lo lắng cho con cái ở dưới nhân gian. Dù rằng nhân loại “thuộc hạ giới” (Ga 8,23).
Suy niệm
Lời kinh “Abba” mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện diễn tả tâm tình đơn sơ phó thác của cả một cuộc sống thường ngày. Đầu tiên “nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”, vì Cha là tình yêu, khi danh Cha tỏa sáng, là tình yêu Cha trải dài trên trái đất, nơi những người con của Cha hiện hữu. Tiếp đến là những nhu cầu cấp thiết nhất của cuộc sống, những thực tế của thân phận con người, sự vấp ngã, đối diện với cám dỗ và hiểm nguy cuộc sống. Trong danh Cha tỏa sáng và tình yêu Cha trải dài, con tha thiết mong Cha ở bên con vượt khó:
Lương thực hàng ngày trong lời cầu là cơm bánh và những gì cần cho sự sống của thân xác. Lương thực cũng được hiểu là Lời Chúa, là bí tích Thánh Thể, thứ lương thực thiêng liêng cho phận người. Đời sống của chúng ta cần được Cha trên trời nuôi dưỡng. Chúng ta cần cơm bánh nuôi thân xác, nhưng cũng cần thức ăn nuôi đời sống tinh thần. Của ăn tinh thần đó là tình yêu của Cha hiện diện bên con, dù con có hờ hững làm ngơ.
Tha nợ: Nợ là tượng trưng cho thân phận yếu đuối của con người. Đời sống của con cái Cha vẫn còn dính bén đến tội, vì xuất phát từ bụi tro. Ai cũng có tội, tôi phạm tội và cũng có người lỗi phạm đến tôi. Con mong được Thiên Chúa tha thứ, là tình yêu của Cha được tỏa sáng trải dài trên thế gian. Khi yêu cầu tha thứ, con cũng tha thứ cho anh em vì con học nơi Cha tình yêu tha thứ.
Khỏi sa chước cám dỗ: Cám dỗ trong đời sống hàng ngày là điều không sao tránh khỏi trong kiếp người, Chúa Giêsu cũng đã bị cám dỗ và đã vượt qua (x. Mt 4,1-11), Ngài cũng mong chúng ta vượt qua (x. Lc 22,40-46). Con người với những cám dỗ từ ngoài vào và những nghiêng chiều theo từ bên trong tâm hồn chính mình. Con không xin mình khỏi bị cám dỗ hay thử thách, chỉ xin được vượt qua chước cám dỗ mà vẫn giữ vẹn lòng tín trung, vững vàng trưởng thành trước những phong ba cuộc đời.
Cha luôn đồng hành với con trong cuộc sống. Chúa Giêsu khuyến khích con hãy kiên trì trong lòng trông cậy Cha bằng dụ ngôn người láng giềng xin bánh giữa đêm khuya để tiếp khách, chủ nhà nếu không vì lòng nhân nhưng vì bị quấy rầy nên phải thức dậy mà cho bánh anh láng giềng (x. Lc 11,5-8). Cha chúng ta, Người không để chúng ta thiếu thốn kia mà... Ngài luôn cho chúng ta những gì tốt nhất cho cuộc đời mình, hãy vững tin dù những lúc thử thách nhất, thử thách đó chẳng phải là “hòn đá”, “rắn rết” hay “bọ cạp” của Cha ban đâu. Ngài sẽ ban Thánh Thần để chúng ta vượt qua đồi Canvê mà tiến tới Phục sinh cùng với Đức Giêsu.
Ước chi con luôn “nhớ” về Cha và thể hiện “hiếu” cùng Cha, cũng là lúc con thành “người”, người quân bình và phát triển nhân cách và tâm linh cho chính mình.
Ý lực sống
“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).
Suy niệm 9: Cái rác và cái xà
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Hôm nay Đức Giêsu kêu gọi mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, những bậc làm cha mẹ phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy lỗi lầm của tha nhân, mà không nhìn ra những lỗi lầm của chính mình. Nhiều khi chính những khuyết điểm ấy lại đang làm cản trở, gây gương mù, gương xấu cho anh chị em, con cái mình. Theo gương mẫu tuyệt vời là Đức Giêsu và lời dạy của Ngài, chúng ta hãy thường xuyên tự kiểm điểm để biết mình và biết cách hướng dẫn người khác.
2. Những lời trong bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Do thái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.
Chúa Giêsu muốn nói rằng muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ người khác, thì trước hết phải “biết” điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì “mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống hố” (Lc 6,39). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. Bởi thế, điều kiện để trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình.
3. Tin Mừng hôm nay không chỉ là bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử củaThiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: ”Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
4. Trong một ngụ ngôn hài hước của thi sĩ La Fontaine kể rằng: thần Jupiter khi dựng nên con người thì ngài đeo cho họ hai cái túi: một cái trước ngực đựng những lỗi lầm của người khác, một cái sau lưng đựng những lỗi lầm của mình. Như vậy, người ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác mà không nhìn thấy những lỗi lầm của mình.
Bài học dạy đời của ngụ ngôn này đúng như câu tục ngữ của chúng ta: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” do câu “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”.
Hoặc:
Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Và đây cũng là bài học Chúa Giêsu dạy chúng ta: ”Cái xà trong mắt mình mà lại đòi gảy cái rác nơi mắt anh em”.
5. Chúng ta rất tích cực sửa lỗi người khác vì nghĩ rằng nếu mọi người khác trong cộng đoàn của mình mà biết được lỗi lầm và sửa chữa thì đời sống cộng đoàn sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Nhưng ngược lại chúng ta rất khó chịu khi bị người khác vạch lỗi chúng ta. Phải chăng đó là biểu hiện của tính ích kỷ của con người.
Vậy để tâm hồn, để con mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy cái rác trong đó, hay bới lông tìm vết để xét đoán chỉ trích họ vì một vài lỗi lầm nào đó, nhưng hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy cái đà của ích kỷ, của kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc cho nên trong sáng hơn.
Vì con người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi Kitô hữu, nhất là những vị lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Như triết gia Chilon và cũng là của nhà hiền triết Socarate: “Hãy tự biết mình”. Chúng ta cũng nên học gương thánh Augustinô mà thưa cùng Chúa: “Noverim Te, noverim me”: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
6. Truyện: Lắng nghe lời phê bình.
Một ông vua kia được viên quan cận thần cho biết một tin khẩn như sau:
- Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bệnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta sẽ được yên thân hơn.
Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau:
- Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất nước đến chữa trị cho người bệnh đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách để cứu sống kẻ đó.
Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại:
- Thưa ngài, người này là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách chữa trị cho người đó sống.
Nhà vua trả lời:
- Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như vậy hơn là những người lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.
Suy niệm 10: Sửa lỗi mình trước
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Lời Chúa hôm nay nói về sự mù quáng:
- Nếu ta mù quáng thì ta sẽ dẫn người khác đi vào sai lầm.
- Bởi thế, trước khi sửa lỗi người khác, mỗi người hãy tự sửa lỗi của mình.
B.... nẩy mầm.
1. Thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi của mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình. Đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh cáo bởi vì ai cũng dễ mắc phải. Những người ưu tú nhất thời Chúa Giêsu là biệt phái và luật sĩ đã mắc phải một cách nặng nề đến vô phương cứu chữa…. Huống chi tôi. Chắc chắn tôi đang bị hai thứ bệnh mù quáng và giả hình này. Chỉ cần xét mình một chút là tôi sẽ nhận ra ngay.
2. Tôi xét đoán anh chị em tôi hầu như suốt ngày, còn thời gian dành để tự xét đoán mình chỉ chừng 10 phút, mà nhiều khi tôi cũng để nó trôi qua một cách trống rỗng.
3. Một chiếc đồng hồ chạy sai có thể do rất nhiều nguyên nhân bên trong bộ máy. Muốn xét đoán đúng, thì chẳng những xem hiện tượng bên ngoài mà còn phải hiểu rất rõ những nguyên nhân bên trong. Bởi vậy, có thể nói, kẻ “có gan cùng mình” mới dám xét đoán. Thiên Chúa thấu hiểu mọi ngọn nguồn nhưng cũng không muốn xét đoán: trong chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã nói “Tôi không kết án chị đâu”; trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Ngài nói Ngài vẫn chờ đến phút cuối cùng mới đưa ra lời xét đoán của Ngài.
4. Tôi dễ đưa ra những lời xét đoán, nhưng tôi có nghĩ tới hậu quả của việc tôi làm không? Một quan tòa kết án sai thì sẽ khiến nạn nhân chịu khổ oan trong một thời gian lâu dài. Khi xét đoán, tôi cũng là quan tòa, sao tôi không nghĩ tới nỗi oan của người khác nếu tôi sai?
5. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41)
Truyện kể về một viên tướng, sau khi xông pha trận địa và lập được nhiều chiến công, được nhà vua mở yến tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, viên tướng vì quá vui đã xúc phạm đến một trong các cung phi. Thế là mọi người đua nhau lên án. Lúc đó, mọi công trạng của ông hầu như biến mất. Trước mắt mọi người, ông chỉ là một tội nhân.
Nói xấu anh em thật dễ lỗi phạm biết bao. Những người ở đó quên rằng chính họ lắm khi còn tệ hơn thế nữa. Và chính bản thân tôi vẫn còn đầy những thói hư tật xấu. Khi lên án, chỉ trích anh em, tôi làm như thể mình vô tội. Thực ra đó chỉ là cái đà lớn che đi con người của tôi mà thôi.
Lạy Cha, con xin đến với Cha như những gì con là, chứ không “tô sơn điểm phấn” (Hosanna).
Suy niệm 11: Phải biết mình
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Những lời trong bài Bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Dothái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.
1. Chúa muốn nói rằng muốn hướng đẫn, muốn dạy dỗ người khác thì trước hết phải “biết” điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì “mù dắt mù, thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Lc 6,39). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình.
Bởi thế, điều kiện để được trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng những người không ưa mình nói về mình.
Một ông vua kia được viên quan cận thần báo cho một tin khẩn như sau:
- Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bịnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta sẽ được yên thân hơn.
Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau:
- Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất nước đến chữa trị cho người bệnh đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách để cứu sống kẻ đó.
Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại:
- Thưa ngài, người nầy là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách chữa trị cho người đó sống.
Nhà vua trả lời:
- Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải lo cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như vậy hơn là những người lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.
Chúng ta thường có khuynh hướng thích được khen thưởng hơn là biết lắng nghe những lời thành thật giúp chúng ta thanh luyện khỏi những điều tiêu cực, nhất là khi chúng ta có chút ít quyền hành. Bởi thế, muốn biết rõ về mình nhiều hơn, chúng ta lại càng cần phải có những kẻ can đảm, dám nói cho chúng ta biết những sự thật, điều lầm lẫn của chúng ta, để biết sửa chữa và giúp mình vươn lên.
2. Tiếp đến, Chúa bảo muốn cho lời dạy của mình có sức quyến dũ và thuyết phục được người khác thì phải sống những điều mình dạy trước đã. “Sao anh lại có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra', trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?- Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,42)
Trong Tin Mừng chúng ta thấy, khi Chúa muốn dạy điều gì thì Chúa đã làm trước.
Các việc ở đời cũng vậy.
Cha mẹ muốn con cái siêng năng đạo đức, thì chính cha mẹ hãy siêng năng đạo đức trước. “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người” thì không được.
Nói tới đây tôi nhớ tới một câu truyện có thật. Truyện thế này:
Năm 16 tuổi, Albert Einstein thường thích làm bạn với những đứa trẻ chỉ thích ham chơi chứ không thích học hành. Vì thế mà việc học hành của cậu ngày càng kém, thậm chí nhiều lần còn phải thi lại.
Một buổi sáng chủ nhật nọ, Einstein chuẩn bị cần câu để đi câu với bọn trẻ đó thì bị bố ngăn lại và nói: - Con trai, suốt ngày bố thấy con chỉ biết ham chơi, lại còn vài môn phải thi lại. Bố mẹ rất lo cho tương lai của con.
Einstein thản nhiên đáp lại bố: - Chẳng có gì đáng lo cả bố ạ. Bố thấy đấy, nhiều đứa cũng phải thi lại, đâu phải vì chúng suốt ngày đi chơi?
Bố ân cần nói với Einstein: - Con trai, con không được nghĩ như thế. Bố kể cho con nghe một câu chuyện ngụ ngôn nhé. Có hai chú mèo nhỏ chơi đùa cạnh ống khói. Vì không cẩn thận nên cả hai đều rơi xuống ống khói, khó khăn lắm chúng mới bò ra ngoài được. Hai chú mèo nhìn nhau, một chú mèo mặt nhem nhuốc bụi khói, còn chú mèo kia thì rất sách sẽ. Chú mèo sạch sẽ nhìn chú mèo mặt dính đầy khói, tướng rằng mặt mình cũng bẩn nên vội vàng chạy đi rửa mặt. Còn chú mèo mặt dính đầy bụi kia tưởng mặt mình sạch nên chạy đến chỗ khác chơi. Những con vật khác nhìn thấy nó đều bỏ chạy tán loạn, tường rằng nhìn thấy yêu quái. Con trai, chúng ta không nên coi người khác là chiếc gương của mình, chỉ có mình mới là chiếc gương cho chính mình thôi.
Sau khi nghe bố kể câu chuyện, Einstein xấu hổ đặt cần câu xuống, quay về phòng học.
Vâng! Muốn cho lời nói có uy, có nghĩa là có sức thuyết phục thì ta phải sống trước.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp cho mỗi người biết sống những gì Chúa muốn, để chúng ta có thể nên những chứng nhân cho Ngài giữa cuộc sống hôm nay. Amen.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn