Lời Chúa: Lc 6, 43-49
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.
Tại sao các con gọi Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Nghe mà không thực hành
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật:
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.
Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy Chúa!”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.
Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.
Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Suy niệm 2: Nghe và thực hành Lời Chúa
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thời gian là lời phán xét chính xác. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu cây nào tốt khi chúng ra quả. Cứ xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả.Người thật hay người giả. Đừng tin ngay vào lời nói, cứ chờ xem họ làm thế nào. Thời gian sẽ chứng nghiệm công trình xây dựng. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa Giêsu cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Người môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt. Người môn đệ tốt là người không chỉ nói ngoài miệng nhưng tin thật trong lòng. Người môn đệ trung tín là người thực hành niềm tin đã lãnh nhận được. Khó khăn thử thách là tự nhiên trong đời sống. Cũng như bão lụt là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nhà xây vững chắc sẽ bền vững qua thời gian. Người nghe và thực hành Lời Chúa đứng vững trong mọi gian nan thử thách. Người ấy đã chọn Chúa thì trung tín suốt đời.
Nhưng chọn lựa không chỉ một lần mà trải dài suốt cuộc đời. Có bao nhiêu năm tháng là có bấy nhiêu chọn lựa. Để trung tín với Chúa và với chính mình, với niềm tin, với lời tuyên xưng, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng. Chúa mời ta dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nhưng thế gian cũng có những bàn tiệc hấp dẫn. Ma quỉ cũng biết bày ra những bàn tiệc lạc thú thịnh soạn, cũng biết nâng những chén rượu danh vọng hấp dẫn mời mọc. Lại còn thêm thói đời, người đời thân thiết lôi kéo. Nhất là khi chung quanh ta ai cũng làm giống nhau. Ta sống khác được sao? Ta phải cảnh giác để giữ lòng trung tín như thánh Phao-lô khuyên dạy: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỉ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỉ được” (năm chẵn).
Một cách giữ lòng trung tín với Chúa là nhớ lại thuở ban đầu. Thánh Phao-lô luôn nhắc nhở về thời chìm đắm trong tội lỗi để thấy ơn Chúa thương xót hoán cải ngài, tuyển chọn ngài và ban cho ngài được làm môn đệ Chúa. Vì thế ngài luôn nhớ ơn Chúa, luôn tận tâm phục vụ Chúa, sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Chúa. Hãy chọn lựa Chúa. Vì chỉ có Người thương yêu ta. Hãy tạ ơn Chúa. Vì chính Người hạ cố đến cứu độ ta. Hãy thờ lạy Chúa. Vì chỉ có Người là vua thật thống trị vũ trụ. Hãy noi gương thánh Phao-lô mà xưng tụng: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (năm lẻ).
Suy niệm 3: Căn Nhà Ðức Tin
Một người giàu có nọ muốn thưởng cho người quản lý của mình. Ông cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho một căn nhà sang trọng, với những vật liệu đắt giá và những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng trong việc mua sắm vật liệu cũng như chỉ mướn những thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành một cách tương đối tốt đẹp.
Khi người giàu có trở về, người quản lý đem tất cả chìa khóa của căn nhà đến cho ông và báo cáo đã làm đúng như chỉ thị của ông. Ông chủ hài lòng, khen người quản lý và thưởng cho ông căn nhà đó. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa căn nhà, người quản lý không ngừng hối tiếc: giả như tôi biết trước, đây căn nhà ông chủ tặng cho tôi, thì tôi đã không xây cất nó một cách xoàng xĩnh như thế.
Ðức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có bền vững và đẹp đẽ hay không là tùy ở con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Chúa Giêsu đã nói: Ngài đến để con người được sống và sống dồi dào. Sự sống dồi dào ấy không chỉ ở đời sau; hạnh phúc thật không chỉ được hứa hẹn cho mai sau, nhưng ngay từ đời này, khi con người đón nhận và sống đức tin một cách sung mãn, con người sẽ cảm nếm được hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ và những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài sẽ được gấp trăm ngay từ đời này. Và nhận được gấp trăm ngay từ đời này là gì, nếu không phải là niềm vui và bình an trong tâm hồn. Niềm vui và bình an ấy, con người chỉ có được khi sống cho đến tận cùng những cam kết của niềm tin.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi nền tảng: Chúng ta có thực sự an vui, hạnh phúc và hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Kitô không? Niềm tin của chúng ta có được diễn tả cụ thể bằng những hành động bác ái yêu thương chưa? Những giá trị của Tin Mừng có thực sự thấm nhập vào tâm hồn và hướng dẫn cuộc sống chúng ta không?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Thách Ðố Của Người Tín Hữu
Một nhóm truyền đạo của một giáo phái đến ngay trước cửa một nhà thờ để chiêu dụ các tín đồ, họ giảng thao thao bất tuyệt về giáo lý của họ. Vị mục sư cai quản nhà thờ rất kiên nhẫn, ông đứng nghe giảng một hồi lâu rồi đưa tay ra hiệu và nói với các nhà truyền đạo:
- Thưa quí ông, tôi xin được đưa ra một đề nghị: tôi hiện đang có một ly thuốc độc, nếu các ông uống ly thuốc độc này mà vẫn còn sống thì không những tôi mà tất cả mọi người giáo dân đang có mặt ở đây cũng sẽ bỏ đạo của chúng tôi để gia nhập vào giáo phái của các ông; nhưng nếu các ông không uống ly thuốc độc này thì tôi chỉ có thể kết luận là các ông chỉ là những nhà truyền đạo giả hiệu của Tin mừng bởi vì các ông không tin tưởng ở Chúa là Ðấng, như các ông vừa mới loan báo, sẽ không bao giờ để các ông phải chết.
Nghe thế, các nhà truyền đạo không biết phải làm như thế nào. Họ liền kéo nhau đến một góc và bàn bạc với nhau: Chúng ta phải làm sao đây?
Cuối cùng, sau một lúc họ đã quyết định, họ trở lại trước mặt vị mục sư và nói: chúng tôi vừa nghĩ ra một kế hoạch, xin mời ông cứ uống thuốc độc, chúng tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông sống lại.
Giữa những điều chúng ta tuyên xưng và những gì chúng ta sống; giữa những gì chúng ta rao giảng và những gì chúng ta làm chứng luôn có khoảng cách. Ðạt được thống nhất giữa lời nói và hành động, giữa tin và sống, giữa nhà thờ và cuộc sống không phải là chuyện dễ. Mỗi ngày chúng ta vấp phạm đến bao nhiêu lần, mỗi ngày chúng ta chối bỏ đức tin của chúng ta biết bao nhiêu lần.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều ấy, mượn hình ảnh của cây và trái, của ngôi nhà và nền móng Ngài kêu gọi chúng ta sống điều chúng ta tin, thực hành điều chúng ta rao giảng. Thánh Giacôbê tông đồ đã diễn đạt một cách tuyệt hảo lời dạy của Chúa Giêsu khi ngài nói: "Ðức tin không có thực hành là đức tin chết". Tin mà không sống điều mình tin thì cũng chẳng khác nào không có đức tin.
Trong thông điệp Rao Giảng Tin Mừng, ban hành vào năm 1975, Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày giáo huấn của Giáo Hội về việc rao giảng Tin Mừng. Trong số 14 của thông điệp, ngài viết: "Rao giảng Tin Mừng là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là bản sắc sâu xa của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng, nghĩa là để rao truyền và giảng dạy để trở thành máng thông ân". Như vậy, mục đích của rao giảng Tin Mừng là thay đổi tấm lòng của con người, việc công bố Tin Mừng phải được thực thi trước tiên bằng chứng từ của cuộc sống. Ðức Phaolô VI khẳng định: "Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".
Chúng ta đang sống trong thời đại của bùng nổ thông tin. Con người thời đại đang choáng ngộp vì lượng thông tin, họ mệt mỏi vì những lời nói suông. Thời đại của thông tin cũng là thời của khủng hoảng về lời nói, đây chính là thách đố của người tín hữu Kitô. Nếu cuộc sống của họ không là một thể hiện của niềm tin của họ, nếu cuộc sống đời thường của họ hoàn toàn cách biệt và xa lạ với những gì tuyên xưng trong nhà thờ thì cộng đồng của họ dù có được tập trung trong một nhà thờ dù nguy nga đồ sộ đến đâu cũng vẫn là một đám ma buồn tẻ hơn là một cộng đồng có sức sống.
Sống đạo và truyền đạo là một ơn và là một nghĩa vụ của người tín hữu Kitô. Chúng ta cảm tạ Chúa đã trao phó cho chúng ta một nhiệm vụ cao cả như thế.
Nguyện xin Ngài ban ơn giúp sức cho cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trở thành lời tuyên xưng và rao giảng sống động cho mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Nói hay làm dở
Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Thầy, Lạy Chúa! mà anh không làm điều Thầy dạy?
“Ai đến với Thầy, và nghe những điều Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em người ấy ví được như ai. Người ấy được ví như một người khi xây nhà, đã cuốc đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây cững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá hủy tan tành.” (Lc. 6, 46-49)
Những bài thuyết trình càng hay, càng đáng thở dài, hứa nhiều làm ít: Lạy Chúa, lạy Chúa, kêu dễ dàng và bao nhiêu cũng được, nhưng vào việc lại chậm trễ ươn hèn chẳng làm điều cam kết chi cả. Đức Kitô phải khó chịu khi nói ra điều này và không nhịn được nên kêu gọi người ta phải chú ý đến nó.
Nói hay làm dở, ai trong chúng ta cũng không nhiều thì ít, rất đơn giản, có đầy trong thực tế hằng ngày. Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy rõ điều đó khi so sánh nói mà không làm giống như xây nhà trên cát không có nền chắc chắn. Mưa sa lũ lụt và bão làm nhà sụp đổ. Nói và làm, thì như người xây nhà trên đá, nước dâng lên, sóng vỗ, nhà vẫn không lay chuyển. Cũng như trồng cây trên đất tốt, sẽ gặt được mùa bội thu hoa trái tốt đẹp.
Chỉ đến nghe Đức Kitô giảng thì không đủ. Phải sống lời Chúa. Cầu nguyện nhiều không đủ, phải cải tạo cách nghĩ và cách làm. Chỉ chấp nhận những đòi hỏi vác thập giá Đức Kitô xuông chưa đủ. Phải biết kết hiệp với Người khi gặp gian nan, thử thách, gặp đau khổ, nghịch cảnh. Phải biết đón nhận những đau khổ trong mầu nhiệm sự chết để hy vọng tràn trề được sống lại vui mừng.
Chỉ nhận biết cần thiết phải hy sinh vì lý do đức tin đòi chấp nhận sự vô lý, thì không đủ, còn phải sẵn lòng hy sinh liên lỉ, dầu phải chiến đấu cam go để giải thoát những tấn công của những khuynh hứng xấu xa tàn bạo.
Chỉ kêu gào công lý và bác ái không đủ, phải chính mình đương đầu với những bất công, bất nhân, dù biết rằng mình không luôn luôn chiến thắng. Như thế, chúng ta có thể nuôi hy vọng trở nên người không nói hay, nhưng làm hay.
Suy niệm 6: Người khôn xây nhà trên đá
Người xưa thường coi việc: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc hệ trọng trong đời người. Thật vậy, nếu không kinh nghiệm về việc xem trâu, người nông dân dễ bị mua phải con trâu lười hay không biết làm việc. Cũng vậy, nếu không tìm hiểu cho kỹ, không chừng khi lấy vợ, chúng ta lấy phải cô vợ “cảnh” thì thật là tai họa cả đời. Tương tự như hai việc trên, công việc làm nhà cũng rất quan trọng. Nếu không biết tính toán, suy xét và nhất là nơi chốn, chúng ta dễ bị hậu quả nặng nề là căn nhà siêu vẹo do sức nặng và độ lún chênh lệch nên dễ làm cho căn nhà bị đổ nát, hoặc không đón được hướng gió tốt, sẽ dễ dàng gây nên sự ngột ngạt ...
Hôm nay, Đức Giêsu nói đến việc xây dựng cuộc đời của mỗi người ngang qua hình ảnh xây dựng căn nhà.
Không ai dám cả gan để xây nhà trên nền cát! Cũng vậy, không có người nào dại dột đến độ phó dâng cuộc đời của mình cho kẻ chẳng hơn mình là bao? Hay đi tin một người mà do chính mình tưởng tượng rồi bịa ra để tôn thờ!
Khi Đức Giêsu nói đến độ bền chắc của đá, hay xây nhà trên nền móng bằng đá, Ngài muốn nói đến sự bền vững nơi những ai biết đặt đời mình trong bàn tay của Chúa, biết xây dựng cuộc sống trên nền tảng Tin Mừng.
Thật vậy, những người đón nhận, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được ví như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc. Ngược lại, những người nghe rồi bỏ bê không thực hành thì được ví như người ngu xây nhà trên cát và hệ quả là bị nước cuốn trôi và tòa nhà sẽ sụp đổ tan tành.
Mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết khát khao lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẵn sàng để Lời Chúa chi phối và là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành người khôn ngoan vì đã xây căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng vững chắc là chính Lời Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những viên đá sống động nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn ý thức mình cũng cần phải chung tay cộng góp để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính những gương sáng của mình trong đời sống. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Nền đá vững chắc: lắng nghe và thực hành Lời Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đời sống đạo của mỗi Kitô hữu tựa như ngôi nhà thiêng liêng. Ngôi nhà đó phải được xây dựng trên nền đá vững chắc là lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, từ ngày con được lãnh nhận bí tích Rửa tội là con được đặt chân vào con đường làm môn đệ Chúa. Đó là ngày con bắt đầu hành trình tiến lên đỉnh trọn lành. Đó là ngày Chúa mời gọi con xây dựng ngôi nhà thiêng liêng đời con. Từ đó, hằng ngày Chúa dạy con từ bỏ bản thân để biến mình trở nên giống Chúa hơn. Từng khoảnh khắc con biết sống theo đường lối Chúa, đó là nền đá vững chắc để xây nhà thiêng liêng cho con. Mang danh là Kitô hữu mà con không biết sống Tin Mừng hằng ngày thì ngôi nhà của con không có nền móng. Một chút thử thách, một cơn cám dỗ, một sự đau khổ, cũng đủ làm con nghiêng ngả và sụp đổ. Ngược lại, biết lắng nghe Lời Chúa và can đảm thực hành trong cuộc sống, đó là những bậc thang chắc chắn giúp con ngày càng tiến lên gần Chúa hơn.
Lạy Chúa, con tin Chúa đang hẹn gặp con hằng ngày trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời con. Điểm hẹn là tiếng lương tâm, điểm hẹn là Mười Giới Răn, là Thánh Kinh và là giáo huấn của Hội Thánh. Xin cho con biết đến gặp gỡ Chúa để biến đổi cuộc đời con: gặp Chúa đích thực qua việc biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
Xin cho con đừng nhẫn tâm bỏ qua tiếng lương tâm, đừng để con giả điếc làm ngơ khi nghe Lời Chúa, đừng để con bịt tai coi thường giáo huấn của Hội Thánh.
Lạy Chúa, xin cho con được thiết tha hơn trong hành trình theo Chúa, và tích cực hơn trong việc xây dựng ngôi nhà thiêng liêng đời con. Amen.
Ghi nhớ: ”Tại sao các con gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”
Suy niệm 8: Chúa là đá tảng, là chiến luỹ
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ngày 15 và 16/10/2010, đợt mưa lớn gây lũ lịch sử chưa từng thấy trong 50 năm qua đã nhấn chìm nhiều tỉnh ở Bắc Trung Bộ Việt Nam: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An trong biển nước… Cơn lũ đã làm hàng trăm người chết, bị thương và mất tích vì bị cuốn trôi, cô lập nhiều vùng dân cư, nhiều nhà cửa bị trôi, sập, đường sá hư hỏng nặng nề, phá hủy tài sản, mùa màng và gia súc gia cầm của hàng chục ngàn người…
Phong ba bão tố, lũ lụt xảy ra bất cứ ở nơi đâu trên trái đất và bất cứ lúc nào, luôn để lại những hậu quả tai hại nếu chúng ta không chuẩn bị thật kỹ để trụ vững vàng… Ngay cả các nước tiên tiến như Australia và Brasil lũ lụt cũng gây thiệt hại nặng nề với trên 500 người chết và 13.500 người lâm vào cảnh vô gia cư vào thời điểm tháng 1/2011…
Suy niệm
Chúa Giêsu nói đến hình ảnh của đời sống sẽ luôn vững vàng nếu được chuẩn bị như nhà xây trên đá là người nghe và thực hành Lời của Đức Kitô. Ai nghe và thực hành Lời là người khôn xây nhà trên đá; luôn vững vàng trước mọi hoàn cảnh dù gặp nghịch cảnh hay bị thử thách qua hình ảnh Chúa Giêsu nhấn mạnh: Mưa sa có đổ xuống, nước ngập, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà, nhà vẫn không sập… Còn ai nghe mà không thực hành Lời Chúa thì giống như xây nhà trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn.
Với hình ảnh xây nhà trên đá luôn vững và trên cát sẽ sụp đổ, Kinh Thánh nhấn mạnh sự tương phản giữa hành động của hai người một cách trái ngược nhau: Nếu ai khôn thì đời người đó thật vững vàng như bàn thạch, còn ai dại thì chịu cảnh sụp đổ, tiêu tan trước phong ba bão tố.
Chúa Giêsu nhấn mạnh qua động từ chủ động “làm” hay “thi hành” Lời của Ngài, là lời mời gọi thể hiện sự sống động của đức tin được nuôi dưỡng bằng Lời trong đời sống hằng ngày ở mọi khía cạnh cuộc sống: gia đình, lao động, dấn thân xã hội, Giáo hội đều gắn chặt trên đá tảng với đức tin sâu sắc.
Trong cuộc sống hàng ngày, Chúa không hề hứa với chúng ta là sẽ tránh né được nghịch cảnh, phong ba bão tố trong cuộc đời, nhưng Ngài khẳng định rằng cuộc sống của người nghe, dựa và thực hiện vào Lời Ngài sẽ như ngôi nhà xây trên đá: Không bị mưa sa, bão táp làm tan hoang, trái lại sẽ vững vàng.
Ý lực sống:
“Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn
Vì Chúa là đá tảng, là chiến luỹ của con” (Tv 31,3b).
Suy niệm 9: Người môn đệ đích thực
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực: không phải cần một niềm tin trên lý thuyết, trên môi miệng... nhưng điều cần thiết nhất là phải thi hành ý Thiên Chúa, sống theo lời Đức Giêsu dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống của chúng ta lại không theo giáo huấn của Người. Mỗi tín hữu cần xác tín rằng chỉ có Đức Giêsu và ánh sáng Lời Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Đức Giêsu, không ai có thể cho chúng ta sự sống đích thực.
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn cây và trái: ”Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu...”. Chúa muốn dạy rằng: muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. ”Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”(Lc 6,45).
Tất cả những điều Đức Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng làm môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà dược xây trên đá vững chắc.
3. Điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành Lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.
Tình yêu mà chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Đức Giêsu đã nói: ”Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”(Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không giữ Lời Ngài, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.
4. Người ta vẫn thường nói “con đường dài nhất là từ tai đến tay” nghĩa là dễ nghe, dễ hiểu nhưng để đem ra thực hành thì khó biết là ngần nào. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khiển trách các môn đệ chỉ nghe Lời Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Lạy Chúa” nhưng không thi hành Lời Ngài dạy. Biết bao điều Chúa đã dạy, đã nêu gương và nhắc nhở mỗi ngày thế mà uổng phí công lao: ”Ta trông mong nó thực hành điều chính trực nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” (Is 5,7). Hãy để Lời Chúa sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nhờ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người (5 phút Lời Chúa).
5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Phải chăng chúng ta đang sống theo chủ trương tách biệt niềm tin và cuộc sống? Phải chăng chúng ta không đo lường niềm tin theo một vài biểu dương bên ngoài? Bao lâu cái cốt lõi của đạo là niềm tin, tình yêu thương, chưa ăn sâu vào từng sinh hoạt cuộc sống chúng ta, thì quả thực chúng ta chỉ là những kẻ nói: “Lạy Chúa! Lạy Chúa”, mà không hề thực thi Lời Chúa. Sống như thế chỉ là làm ô danh sự đạo và phạm đến giới răn cấm kêu tên Chúa vô cớ (R.Veritas).
Trong một xã hội mà qui luật sống là dối trá, thì Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống trung thực hơn bao giờ hết. Chúng ta phải sống thế nào để mọi người cảm nhận rằng Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện và tác động trong cuộc sống chúng ta, và lời của Ngài có sức cải tạo con người và xã hội.
6. Truyện: Triệt để thi hành luật pháp.
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.
Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đúng 50 roi trước mặt công chúng.
Điều không may xẩy ra cho ông, là ngươi đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.
Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xứ lý theo qui luật.
Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh mẹ. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.
Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:
- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.
Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.
Suy niệm 10: Dụ ngôn về cách đối xử
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách đối xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:
1) Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43-44): Chỉ có thể tránh nguy hiểm giả hình nếu như hành động bề ngoài của ta hợp với bên trong của ta. Đối với biệt phái và luật sĩ, một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với Luật. Chúa Giêsu sâu sắc hơn: một hành động là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.
2) Kho tàng trong lòng (c 45): Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu.
3) Phải thi hành (cc 46-49): Tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng ích lợi gì, và người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ Ngài. Họ chỉ như một cái nhà được xây trên cát mà thôi. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành thì mới xứng đáng là môn đệ Ngài, họ như cái nhà được xây trên đá vững chắc.
B.... nẩy mầm.
1. Về dụ ngôn cây và trái: muốn có trái thì phải chăm sóc cây, đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Thế nhưng tôi thường chỉ lo đến những thể hiện bề ngoài chứ không lo bồi dưỡng chính tâm hồn mình.
2. Về kho tàng trong lòng: tôi cũng thường “kiểm kê tài sản” xem mình đang có bao nhiêu tiền, bao nhiêu món đồ v.v. Hôm nay tôi hãy kiểm kê kho tàng trong lòng xem hiện giờ có được những gì.
3. Về dụ ngôn xây nhà: tôi đang xây ngôi nhà cuộc đời mình trên nền cát hay nền đá? Nền cát là những thứ mà người đời thường theo đuổi (danh, lợi thú), nền đá là Lời Chúa và Ý Chúa.
4. Một người nhà giàu nọ cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho ông một ngôi nhà sang trọng với những vật liệu đắt giá nhất và do những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng để mua những vật liệu rẻ nhất, ông mướn những người thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành.
Khi ông chủ về, người quản lý giao ngôi nhà cho chủ. Ông chủ tỏ vẻ hài lòng và cho biết ông bảo làm ngôi nhà ấy để tặng cho người quản lý. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa những chỗ hư của ngôi nhà, người quản lý vô cùng hối tiếc: giả như trước đây tôi biết đây là ngôi nhà ông chủ tặng cho tôi thì tôi đã không xây cất một cách xoàng xĩnh như thế ("Mỗi ngày một tin vui").
Suy niệm 11: Cách ứng xử trong cuộc sống
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
A. Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách ứng xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:
1) Qua Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43,44): Chúa muốn nói đến những hành động của ta. Bên ngoài phải phù hợp với bên trong. Đối với những người biệt phái và luật sỹ thì một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với luật.
Còn đối với Chúa Giêsu thì một hành động được coi là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt. Một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.
2) Kho tàng trong lòng (c 45): Chúa Giêsu coi cõi lòng con người như một kho tàng, nơi xuất phát ra những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Kho tàng tốt thì sẽ phát sinh ra những lời nói và việc làm tốt. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt.
Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu. Hay nói một cách chính xác hơn là chính Chúa Giêsu.
3) Phải thi hành (cc 46-49): Tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà được xây trên đá vững chắc.
B. Như vậy, qua dụ ngôn Cây và Trái: Chúa muốn dạy rằng: Muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một quy luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sẽ sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. ”Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45)
Đây là câu chuyện có thật ở Nhật Bản. Chuyện kể rằng, khi sửa nhà, một anh thanh niên đã nhìn thấy một con thằn lằn bị kẹt bên trong khe hở nhỏ giữa hai bức tường bằng gỗ. Một sự tình cờ nào đó đã khiến chân chú thằn lằn tội nghiệp bị cây đinh ghim vào tường. Nhưng lạ lùng hơn nữa là căn nhà đã được xây dựng hơn mười năm, điều đó đồng nghĩa với việc chú đã sống trong tình trạng này suốt thời gian qua.
Quá ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trước mắt, chàng trai bèn ngưng làm việc, tò mò theo dõi xem chú thằn lằn đã sống ra sao trong tình trạng bị “cầm tù” như vậy. Không lâu sau đó, anh nhìn thấy một con thằn lằn khác xuất hiện, miệng ngậm đồ ăn đến bên con thằn lằn bị ghim vào tường.
Một cảnh tượng thật cảm động. Con thằn lằn bị ghim đinh đã được một con thằn lằn khác nuôi ăn trong suốt 10 năm qua. Không ngờ loài vật tưởng chừng không suy nghĩ, không cảm xúc lại có thể có những việc làm như vậy. Có lẽ, chỉ có tình yêu mới tạo nên nghị lực sống và tinh thần phục vụ kỳ diệu đến thế. Lev Tolstoy nói: ”Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống.”
Phải thi hành: Lý thuyết có hay cách mấy đi nữa nhưng nếu không đem đến thi hành thì cũng chẳng ích lợi gì. Chúa Giêsu ví những nghười nghe mà đem ra thực hành thì giống như người xây nhà của mình trên đá. Đá đây chính là Lời Chúa và Ý Chúa.
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.
Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.
Điều không may xảy ra cho ông, là người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.
Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.
Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh bà. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thận mình nhà vua.
Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:
- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.
Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.
*****************************************
TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI.
Đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ.
10/09 – Thứ Bảy tuần 23 thường niên.
TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI.
“Người ôm các trẻ em vào lòng, và đặt tay ban phúc lành cho chúng”
Lời Chúa: Mc 10, 13-16
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ.
Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thày bảo thật các con: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
1. Bài giảng Lễ Trung Thu--Lm Joseph Tạ Duy Tuyền
Ngày tết Trung thu, người ta hay nói về Chú Cuội ngồi gốc cây đa và ôm cả một mối lo. Như bài hát đã từng được nhiều người ưa thích: “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối lo”. Vậy chú Cuội là ai?
Chú Cuội theo chuyện thần thoại của Trung Quốc, tên là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thiên đình, đã bị Ngọc hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên Ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy, mỗi đêm, nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Còn ở Việt chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Và cái bóng mà người Trung quốc gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu:
- Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Chú Cuội, theo truyền thuyết, đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời, đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh: “Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.”
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh: “Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.”
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả.
Vì thế, dân gian mới bảo:
- Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt: nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.
Tại sao ngày tết Trung thu mà người ta lại kể chuyện về chú cuội, một đứa trẻ hư đốn trong ngày vui của các em? Có lẽ không phải tình cờ hay ngẫu nhiên, vì kho tàng văn học cổ tích là tiếng nói của khát vọng con người vươn tới sự hoàn thiện. Cha ông kể chuyện về chú cuội để răn đời, để dạy con cháu, đừng sống như chú cuội kẻo phải ôm gốc cây đa cả đời. Vì ngày tết Trung thu được xem là ngày tết của thiếu nhi, của tuổi thần tiên, nên cha ông ta đã dùng rất nhiều những câu chuyện thần tiên để hướng các em tới sự hoàn hảo nhất của con người.
Theo Tin mừng, Chúa Giêsu luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ. Ngài luôn tìm dịp để gần gũi các em. Ngài không chỉ yêu mến, chúc lành và bênh vực, mà hơn thế nữa, còn lấy trẻ nhỏ làm khuôn vàng thước ngọc cho người lớn phải noi theo:
- “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.”
Nhìn vào trẻ nhỏ, chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp.
Trước hết, nơi trẻ thơ, không có sự gian dối, chỉ có đơn sơ chân thành. Thực vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ chân thành, không ăn gian nói dối như Cuội. Kinh nghiệm cha ông ta vẫn nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.”
Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối, là tự mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho con người ra già cỗi, và tự đầy đoạ mình như chú Cuội, suốt đời ôm một mối lo.
Thứ đến, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực, mà chỉ có một tình yêu thương dạt dào và không biên giới. Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hòa bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đã kể rằng:
“…Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi thám thính cho bộ lạc của mình. Sau ba ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa và một thằng bé chưa đầy hai tuổi đang chơi cạnh đó. Với bước chân đi chập chững, nó đứng dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ mà tôi đã khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi múc lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết. Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được vị trí đóng trại của kẻ thù…Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức thì dừng lại…Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một giây. Nó là ai? Tại sao nó lại can đảm múc xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc đẩy nó làm như vậy? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ như vậy, tôi quay trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe dọa, họ đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc, người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi. Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của mình và bảo họ: trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ mãi, chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng, tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm. Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hòa bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta”.
Vâng, hôm nay trẻ thơ đang bị đánh cắp tuổi thơ. Bạo lực xảy ra khắp nơi. Ngay ở gia đình là nôi hạnh phúc, cũng trở thành bãi chiến trường của cha, của mẹ. Trẻ thơ đã sớm thấy cảnh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của những người thân trong gia đình và nhất là trên truyền hình, thì lại càng đầy dẫy những cảnh bạo động với máu đổ lênh láng trên đường. Một thế giới đổ nát như thế làm sao dạy cho các em sống yêu thương và khao khát hoà bình? Đó chính là trách nhiệm của những người làm cha làm me, và các nhà giáo dục phải trả lời trước lương tâm của mình.
Hôm nay, ngày tết của tuổi thơ, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong giáo xứ biết gìn giữ nét đẹp tuổi thơ của mình bằng việc luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương, và chúc lành.
Chúng ta cũng cầu xin cho mọi người trên thế giới biết sống hoà thuận với nhau, để cùng nhau kiến tạo nền hoà bình trên địa cầu này, nhất là các bậc cha mẹ luôn biết sống yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho nhau để tuổi thơ được an vui sống trong vòng tay yêu thương của cha, của mẹ. Amen
2. Trung thu dưới ánh sáng lời Chúa
(Hc 42,15-26 ; Rm 8,14-17; Mc 10,13-16)
Hôm nay, Tết Trung thu. Trong Thánh lễ Trung thu Giáo hội cho chúng ta nghe 3 Bài đọc.
- Bài đọc 1 trích sách Huấn ca, nhắc đến các công trình đầy vinh quang của Thiên Chúa.
- Bài đọc 2 trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma. Trong đó, Thánh Phaolô cho chúng ta biết: Chúng ta được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha. Chúng ta là con cái Ngài.
- Bài Tin mừng theo Thánh Marcô mô tả thái độ yêu mến của Chúa Giêsu đối với trẻ thơ. Chúa còn lấy trẻ thơ như mô hình cho người lớn bắt chước về tính đơn sơ, phó thác, khiêm nhương và trong trắng.
Thật vậy, không phải vô tình trong ngày Tết Trung thu Giáo hội cho chúng ta nghe bài trích sách Huấn ca. Trong đó, tác giả đã ca tụng những kỳ công đầy vinh quang của Thiên Chúa. Một trong những kỳ công đầy vinh quang của Thiên Chúa là vẻ đẹp, thơ mộng của đêm trăng Trung thu. Ðêm trăng Trung thu có ánh trăng vàng, dịu dàng. Trăng sáng, vằng vặc trong trời đêm. Dưới ánh trăng thu các em nhi đồng tha hồ vui đùa, rước đèn Trung thu, tung tăng đó đây với niềm vui hồn nhiên của tuổi thơ.
Nhưng theo Giáo lý Thánh kinh thì tất cả các công trình Thiên Chúa tạo dựng là để phục vụ cho con người. Con người được Thiên Chúa trao cho quyền cai quản vũ trụ này. Ðó là một vinh dự. Nhưng vinh dự này có là gì so với diễm phúc con người được Thiên Chúa nhận làm con cái và Ngài cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha “Abba” như Thánh Phaolô đã nói trong bài thư hôm nay. Ðược vinh dự làm con cái Thiên Chúa thì phải sống tâm tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha. Nhưng do sự yếu hèn vì hậu quả của tội Tổ tông nên con người dễ bị lôi cuốn vào các tính xấu như kiêu ngạo, tự mãn, gian dối và lăng lòan… Vì thế, khi nhìn thấy lũ trẻ thơ hồn nhiên, đơn sơ phó thác, khiêm nhường và trong trắng thì Chúa Giêsu đem lòng yêu mến, trong khi các Tông đồ muốn xua đuổi chúng đi vì sợ Chúa bị quấy rầy. Chúa đã trách nhẹ các ngài và cho các trẻ thơ đến với Chúa. Hơn nữa, Chúa còn coi các đức tính nơi trẻ thơ như một mô hình cho người lớn noi theo như tính đơn sơ, phó thác, khiêm nhường và trong trắng. Ðây là những đức tinh cao qúy và cần thiết để được vào Nước Trời.
Thật vậy, trẻ thơ sống đơn sơ, phó thác vì nó cảm thấy mình nhỏ bé, hèn yếu và người lớn thì to cao và mạnh mẽ nên nó tin tưởng hòan tòan vào sự chở che của người lớn mặc dầu đôi khi người lớn đành chịu thua như đối đầu với một con hổ dữ, người lớn tay không, không thể bảo vệ mình và đứa trẻ.
Vậy sống tâm tình trẻ thơ đơn sơ, phó thác là chúng ta ý thức mình là một thụ tạo hèn yếu và mong manh trước những quyến dũ mạnh mẽ của thế gian, trước những cám dỗ hung hãn của ma quỷ, trước những nghiêng chiều vì yếu đưối của xác thịt để chúng ta hết lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa tòan năng.
Trẻ thơ sống khiêm nhừơng, không cậy sức mình. Khi gặp vật cản đường, không thể xô đẩy hay nhấc ra chỗ khác, nó luồn cúi hay lách mình qua vì nó biết sức mình hèn yếu.
Sống tâm tình trẻ thơ khiêm nhường là chúng ta không cậy sức mình, kiêu căng, tự mãn, cậy quyền, cậy tiền, bất cần ai nhưng ý thức mình chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa, hòan tòan lệ thuộc vào Chúa, ý thức mình khả năng có giới hạn nên cần liên đới với mọi người và đón nhận sự trợ giúp đa dạng của mọi người. Và nếu có gì tốt nơi chúng ta cũng nhờ bởi Chúa ban.
- Trẻ thơ trong trắng. Nó không biết phạm tội. Ðôi mắt ngây thơ vô tội phản ánh vẻ trong trắng tâm hồn nó.
- Sống tâm hồn trong sạch như tâm hồn trẻ thơ là chúng ta cố gắng tránh xa các dịp tội và dứt khóat thưa không với tội lỗi.
Thưa Quý ông bà anh chị em, Các em nhi đồng yêu quý !
Trăng thu đẹp và thơ mộng như tâm hồn trẻ thơ. Vậy để bảo vệ nét đẹp đáng yêu nơi tâm hồn trẻ thơ thì người lớn chúng ta có trách nhiệm lo cho trẻ thơ được sống tuổi thơ hạnh phúc, có trách nhiệm làm gương sáng, gương tốt cho trẻ thơ. Nếu không, chúng ta sẽ bị Chúa khiển trách nặng nề : “ Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà cột cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Mt 18, 6-7).
Hơn nữa, Tết Trung thu đánh dấu mốc thời gian nửa năm mới. Các em nhi đồng sẽ được thêm nửa tuổi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các em càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa để các em giữ mãi vẻ đẹp tâm hồn tuổi thơ và nếu được như thế, các em nên như triều thiên cho chúng ta vậy.
3. Xin cho đời các em sáng đẹp tựa trăng rằm --Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
http://longchuathuongxot.vn/v2/bai-chia-se-tet-trung-thu-cua-lm-anton-nguyen-van-do/
Các em thiếu nhi thân mến, lời đầu tiên cha cùng với các cụ chánh trương, trùm quản, các thấy cô giáo lý viên, các bậc phụ huynh, các anh các chị chúc mừng TẾT TRUNG THU của các em.
- Ngày xưa có đoàn em bé đùa vui bên Chúa Giêsu, các em có biết ai đã dẫn các em đó đến với Đức Giêsu không, và đến với Chúa để làm gì?
Đáp: Bố mẹ các em đã dẫn các em đến với Chúa Giêsu để xin Chúa đặt tay chúc lành cho các em ạ.
– Thế còn tối nay cũng có đàn em bé đến đây với Chúa Giêsu. Vậy, có ai dẫn các em đến đây không và đến để làm gì?
Đáp: Con có mẹ dẫn đi, và đến đây để dự lễ Tết Trung Thu ạ.
– À, ngoài cái gọi là Tết Trung Thu đó, chắc chắn bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo lý viên, ban hành giáo còn muốn cho các em một điều quan trọng hơn cả, đó là gì, em nào biết?
Đáp: Xin phúc lành của Chúa Giêsu ạ.
– Chính xác, nhưng cha hỏi tiếp, tại sao mọi người lại quan tâm đến các em đến thế?
Đáp: Vì chúng con là trẻ con ạ.
– Trẻ con, nhưng các em trong tương lai sẽ là ai?
Đáp: là người lớn ạ.
– Đúng rồi, tương lai các em sẽ là những ông bố bà mẹ, những người lãnh đạo trong giáo xứ, mở rộng ra là đất nước và Giáo hội này đấy.
Như các em biết đấy, trẻ em hay bắng nhắng, quấy rầy, làm mất thời giờ của người lớn, nên hay bị coi nhẹ, lúc trước lễ, các ông, các anh các chị đã xua đuổi các em, mà ngay trong Tin Mừng hôm nay, chính các môn đệ đã xua đuổi chúng đi. Thấy vậy, Chúa Giêsu có bằng lòng không?
Không ạ. Ngài không hài lòng, Ngài bảo các ông đừng ngăn cản chúng. Ngài nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mc 10,14). Cái hình Chúa ôm các em vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng thật là đẹp.
Các em có hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nói: “Vì Nước Trời là của những người giống như trẻ nhỏ” không?
Thưa, bởi vì trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ. Trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ, không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không so đo tính toán lời lỗ, hơn thiệt… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là nhất, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay, nên các em an tâm lắm.
Ngoài ra, trẻ nhỏ còn đơn sơ thật thà, có sao nói vậy, không thêm bớt, không hằn thù, không mưu mô, không làm hại ai. Các em đã thực hiện lời Chúa nói: “đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Vì thế, người ta thường nói về sự đơn sơ thật thà của trẻ em qua kinh nghiệm hằng ngày: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” (Tục ngữ).
4. Bài học dịp Tết Trung Thu--Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay, nhìn lên bầu trời, chúng ta trông thấy trăng thanh gió mát. Trăng tròn và sáng nữa. Nên Giáo hội cầu nguyện “cho đời các em sáng đẹp tựa trăng rằm đấy, và không ngừng phản ánh Chúa Kitô là Mặt Trời công chính” (Lời nguyện hiệp lễ).
Trăng Tết Trung Thu sáng và tròn, nhưng vẫn có vầng xám, vẩn đục mà chúng ta quen gọi là cây đa với thằng Cuội.
Với bài hát: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối lo. Cuội ơi, ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm gì Cuội ơi”!
Tại sao các em lại nhìn lên ông trăng mà gọi thằng Cuội? Thằng Cuội là ai? Tại sao Cuội phải ngồi ôm gốc cây? Ở mãi cung trăng để làm gì?
Trong kho tàng ca dao tục ngữ, cha thấy có một câu thơ lục bát:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên đồi
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Dân gian vẫn thường hát:
Bắc thang lên đến tận mây
Hỏi sao Cuội phải ôm cây cả ngày?
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười:
Bởi hay nói dối nên ngồi ôm cây.
Hóa ra thằng Cuội trả lời là vì hay nói dối. Thảo nào, thiên hạ mới có câu tục ngữ rất quen: “Nói dối như Cuội”.
Nhân ngày Tết Trung thu, bài học là hãy sống đơn sơ thật thà như Chúa Giêsu đã dạy: “Hễ có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5, 37; Gc 5, 12). Đừng có bao giờ nói dối.
*****************
Các bậc phụ huynh thân mến,
Hôm nay, ngày Tết Trung Thu của các em, ai trong chúng ta cũng không muốn trời mưa hay bầu trời nhiều mây vẩn đục che mất ánh trăng, làm cho Tết Trung Thu bớt vui. Trái lại, muốn cho trời tạnh ráo, trời trong thanh để con em chúng ta có thể ngắm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, ngắm thằng Cuội, lễ và rước đèn xong vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi vài miếng bánh ngọt, xen lẫn tiếng cười vui là điều ai cũng mong muốn.
Nhưng tôi nghĩ rằng, bầu trời trong thanh không một gợn mây, là dấu chỉ không những các em mà cả chúng ta nữa phải có một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, thật thà, dễ thương. Vì thế mà ý nguyện nhập lễ hôm này không chỉ xin cho các em, mà còn cho cả chúng ta nữa: “xin cho các em biết luôn giữ tâm hồn đơn sơ trong trắng và xin cho chúng con (tức là chúng ta những bậc làm cha mẹ và người lớn) được nên giống các em để mai sau được cùng về quê trời chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa” (Lời nguyện nhập lễ).
Thật vậy, trẻ thơ luôn đơn sơ, thật thà, không ăn gian nói dối như thằng Cuội… Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã bị những vẩn đục là người lớn như cây đa thằng Cuội che sáng vầng trăng, gây gương mù cho, làm cho các em trở nên ganh tị, ích kỷ, kéo quân, không biết nhín nhường anh chị em và các bạn… bị nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều này Chúa Giêsu lên án rất gắt gao:
Ai nêu gương hại trẻ con
Đáng đeo cối đá thả lòng biển khơi.
Nếu chúng ta làm gương mù gương xấu cho con em, là chúng ta cướp đi tuổi thơ của các em. Chúa Giêsu dạy chúng ta:
Này Ta bảo thật các ngươi
Nếu không trở lại giống người tiểu nhi
Nước Trời đừng nói làm chi
Các người không thể có hy vọng vào.
Tết Trung Thu, cùng với Ban hành giáo, giáo lý viên, hết mọi người cầu chúc tất cả các em mạnh khỏe khôn ngoan, bước vào năm học mới với nhiều niềm vui và ơn thánh Chúa, để các em trở nên những trò giỏi con ngoan, thiếu nhi ngoan hiền của Chúa Giêsu, càng thêm thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ơn nghĩa Chúa, cũng như sự mến chuộng của mọi người.
Chúc các bậc phụ huynh ấm êm hạnh phúc, trở nên cha mẹ mẫu mực cho đàn con. Amen.
5. Tết Trung Thu--Lm Nguyễn Trung Thành
(Hc 42,15-16; 43,1-2.6-10; Mc 10,13-16)
Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ mừng Tết Trung Thu. Trung nghĩa là giữa, thu là mùa thu. Trung Thu là Tết giữa mùa thu. Mùa thu khí hậu mát mẻ hơn các mùa khác. Đa phần đất nước VN thuộc khí hậu miền nhiệt đới, chỉ có hai mùa : mùa nóng và mùa mưa, nên chúng ta khó thưởng thức được khí mát của mùa thu.
Thay vào đó chúng ta được ngắm trăng. Không có đêm nào trăng tròn bằng đêm trung thu, cũng như không có buổi trưa nào mặt trời đứng bóng bằng trưa tết Đoan Ngọ. Tết Trung Thu là tết ngắm trăng.
Ngày xưa ở bên Tầu, vua Đường Minh Hoàng ngồi ngắm trăng vào đêm Trung Thu. Trăng qúa đẹp. Vua đang say ngắm thì một ông tiên đầu râu tóc bạc đến hỏi : “Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không ?” Vua sung sướng trả lời : “Dạ, có.” Thế là vị tiên ông đưa vua lên thăm cung trăng. Trên cung trăng, vua được ngắm từng đoàn tiên nữ múa với những điệu múa vô cùng đẹp. Sau khi thưởng thức, vua được đưa trở lại trần gian.
Trăng theo truyền thuyết chính là con thỏ. Vào một năm mất mùa. Ai cũng đói. Các loài vật đi tìm thức ăn. Nhiều khi tranh giành giết lẫn nhau. Chú thỏ bản tính sợ sệt, không dám ra ngoài kiếm ăn, suốt ngày ở trong lỗ. Có lần khí trời qúa rét, thấy đống lửa, thỏ ra ngoài, lại gần sưởi ấm. Các con vật khác cũng có mặt, nhưng con nào con nấy ốm o bụng đói. Có con ủ rũ như sắp chết. Thỏ động lòng thương. Thỏ nghĩ thà mình chết, còn hơn để người khác chết. Thế là thỏ nhảy vào đống lửa để tự thiêu, làm thức ăn cho các con vật khác. Ngọc Hoàng nghe biết lòng qủang đại hy sinh của thỏ, Ngài cầm mấy khúc xuơng thỏ còn lại biến thành mặt trăng, để người người ngắm noi gương thỏ.
Trên cung trăng có cuội và cây đa. Chúng ta thường hát :
Thằng cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên.
Cuội là người hay nói dối, đánh lừa người khác. Cuội nghe có một ông lão có cây đa thần. Lá cây đa chữa đủ thứ bệnh. Cuội đánh lừa ông lão để lấy cây đa đó. Ông lão dặn cuội : “Nếu trồng phía đông thì tưới phia tây. Nếu trồng phía tây thì tưới phía đông.” Vợ cuội đã được cuội dặn, nhưng quên. Cây trồng phía đông, vợ cuội đã tưới phía đông. Cây đa từ từ bật gốc bay lên trời. Trong nhà, trông thấy, cuội vội chạy ra, ôm gốc cây đa kéo xuống, nhưng cây đa đã kéo cuội lên theo. Từ đó mặt trăng có chú cuội và cây đa.
Tết Trung Thu người ta múa lân, rước đèn. Sự tích như sau :
Có một bà lão đi chợ sắm hoa trái để mừng Tết Trung Thu. Chợ xa, khi trời xẩm tối bà lão mới về. Bà phải đi qua một khu rừng có con sư tử chuyên ăn thịt người. Trên đường về, bà bị sư tử bắt. Bà xin sư tử cho bà được thưởng thức đêm Trung Thu, sau đó bà sẽ tới nộp mình. Sư tử đồng ý. Thưởng thức đêm Trung Thu xong, nhớ đến giây phút phải nộp mình, bà lão khóc nức nở. Tiếng khóc của bà thấu tới trời. Ngọc hoàng nghe xót thương, sai một con rết xuống trần bảo vệ bà mà bà không biết. Bà đến nộp mình cho sư tử. Con rết âm thầm theo sau. Khi sư tử đến gần vồ bà thì con rết cũng xông tới cắn sư tử chết. Dân làng biết bà thoát nạn, đã chặt đầu sư tử và rước con rết đi vòng quanh khắp làng.
Qua các tích truyện vừa kể, Tết Trung Thu là tết ngắm trăng và gẫm suy sự đời. Sự đời có gian dối như chú cuội, dữ dằn như sư tử; song cũng có thương yêu, thật thà như con thỏ, bà già, các thần tiên…
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói lên điều đó.
Trước hết bài đọc 1 đọc trong sách Huấn Ca. Sách Huấn Ca ca ngợi Thiên Chúa sáng tạo bầu trời. Sách viết về mặt trăng như sau :
Cả vầng trăng cũng luôn đúng hẹn
Làm dấu hiệu muôn đời chỉ rõ thời gian
Trăng đánh dấu các thời kỳ đại lễ
Có khi khuyết, có lúc lại tròn.
Tác giả sách Huấn Ca đã nhìn trăng mà nhận ra Thiên Chúa sáng tạo.
Rồi bài Tin Mừng, thánh Mác-cô đã kể Chúa Giêsu yêu thương các thiếu nhi.
Người đời chưa biết Chúa, nên đã có những câu chuyện tưởng tượng để thỏa mãn lòng yêu mến thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa. Còn chúng ta đã biết Chúa. Chúa dựng nên trăng sao tinh tú. Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là các thiếu nhi.
Ước chi thánh lễ Trung Thu hôm nay, mỗi thiếu nhi sống thật thà yêu thương, để được Thiên Chúa chúc phúc như xưa Chúa đã chúc phúc cho các thiếu nhi Do Thái.
6. Lễ Trung Thu--Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh
(Hc 42,15-16;43,1-2.6-10; Mc 10,13-16)
Hằng năm cứ vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch, thiếu nhi lại có một ngày thật vui vẻ. Đó là ngày Tết Trung Thu. Nếu thời tiết đẹp và trời không mưa thì bầu trời đầy sao, trăng tròn vành vạnh, ánh sáng long lanh đổ đầy xuống mặt đất. Đến các điểm vui chơi trung thu, con sẽ thấy những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, bóng bay đủ màu, và múa lân. Trong gia đình các con cũng thế: có bánh trung thu, có đèn lồng, đèn ông sao, các con có quần áo mới... Nhà thờ giáo xứ chúng ta hôm nay cũng được trang hoàng rất đặc biệt với bóng bay, đèn ngôi sao, đèn lồng…
Những gì các con thấy đặc biệt hôm nay cho thấy tình thương, sự quan tâm của người lớn dành cho các con. Từ ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình các con đến các cha, các sơ, các thầy, các anh chị giáo lý viên và huynh trưởng ở nhà thờ đều yêu thương các con, muốn cho các con có được một ngày tết thật vui vẻ. Các con này: trước khi ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình và các cha, các thầy, các sơ, anh chị giáo lý viên và huynh trưởng yêu thương các con, Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã yêu các con rất nhiều rồi.
Các con à! Thật là như thế. Bài đọc một trích sách Huấn ca kể rằng Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài. Ngài cho mặt trời tỏa sáng nhìn xuống muôn vật, cho bầu trời trong vắt cao xanh, cho hừng đông ló rạng, cho vầng trăng khi tỏ khi mờ, lúc trong lúc khuyết và luôn đúng hẹn làm dấu hiệu muôn đời chỉ rõ thời gian. Chúa còn dùng ánh trăng làm dấu các ngày lễ như hôm nay chẳng hạn: Tết Trung Thu, tết của thiếu nhi. Theo chu kỳ, Chúa cho trăng cứ tròn thêm mãi để đến rằm thánh 8 thì ánh trăng tròn vô cùng và có muôn vàn vì sao lấp lánh cùng với trăng tỏa sáng. Đấy Chúa yêu chúng ta là thế. Nếu không có bầu trời, không có ánh trăng và các ngôi sao thì liệu có Tết Trung Thu không các con nhỉ? Cha nghĩ chẳng có và dịp vui của các con hôm nay chẳng bao giờ có.
Bài Tin Mừng cũng nói cho chúng ta về tình thương tuyệt vời Chúa Giêsu dành cho thiếu nhi. Tin Mừng kể rằng khi Chúa đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, có lúc trẻ nhỏ đến chơi với Chúa, quấy rầy làm phiền Chúa giống như thỉnh thoảng các con đi lễ ghé vào nhà xứ chơi vậy. Các môn đệ thấy thế thì khó chịu la rầy chúng. Thấy thái độ của các ông như thế không được, Chúa Giêsu đã bực mình và bảo rằng: “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” Chúa Giêsu còn nói thêm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Thiên Chúa.” Sau khi nói những lời đó xong, Chúa Giêsu ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho các em.
Thiên Chúa là Cha đã yêu thương các con vô ngần và Chúa Giêsu cũng vậy. Ngài ôm trẻ vào lòng và đặt tay chúc lành cho các em. Nếu Chúa đã yêu các con như vậy thì các con cũng phải làm gì đó để bày tỏ tình yêu với Chúa. Các con thử nghĩ coi, mình sẽ làm gì nào? Vui vẻ, đơn sơ, chăm ngoan ở trường, ở nhà và ở nhà thờ. Thế nào là đơn sơ? Thật thà có sao nói vậy, sống ngay thẳng với bạn bè, cha mẹ, thầy cô, không nói xấu bạn, không ganh tị, không đánh bạn…. Chăm ngoan là làm sao nào? Ở nhà biết vâng lời giúp đỡ cha mẹ, anh chị, các em. Ở trường vâng lời thầy cô học hành cho giỏi và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.
Các con thử hỏi lòng mình, mình có sống như thế bao giờ chưa? Cầu xin Chúa chúc lành cho các con hôm nay và mọi ngày sống của các con. Xin Chúa ban cho các con nhiều hồng ân để các con sống xứng đáng với tình yêu thương của Chúa, của cha mẹ, người thân và những người có trách nhiệm dạy dỗ các con. Amen.
7. Vui Tết Trung Thu, đơn sơ như bồ câu--Lm Giuse Đinh lập Liễm
I. BÀI TIN MỪNG HÔM NAY
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.
Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.
Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 13-16).
Các con biết không, ngày xưa, người Do thái có thói quen dẫn trẻ em đến với những người có uy tín để được chúc lành. Chúa Giêsu là người đã nổi tiếng, lại dễ mến, dễ thương, dễ đến gần, nên người ta đem trẻ em đến cho Chúa chúc lành.
Nhưng, như chúng con biết, trẻ em hay bắng nhắng, quấy rầy, làm mất thời giờ của người lớn, nên các môn đệ xua đuổi chúng đi. Thấy vậy, Chúa Giêsu tỏ ý không bằng lòng và khuyên các ông đừng ngăn cản chúng. Ngài nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mc 10,14). Rồi Ngài ôm lấy các em vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng.
Các con có hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nói: “Vì Nước Trời là của những người giống như trẻ nhỏ” không? Thưa, bởi vì trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ.
Trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ, không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế,
trẻ nhỏ không so đo tính toán lời lỗ, hơn thiệt…
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay…
Ngoài ra, trẻ nhỏ thì đơn sơ thật thà, có sao nói vậy, không thêm bớt, không hằn thù, không mưu mô, không làm hại ai. Các em đã thực hiện lời Chúa nói: “Hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
Vì thế, người ta thường nói về sự đơn sơ thật thà của trẻ em qua kinh nghiệm hằng ngày: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” (Tục ngữ)
Có một em nhỏ nói với Chúa Giêsu một cách đơn sơ tự nhiên không đắn đo, nghĩ sao nói vậy. Em đã nói với Chúa: “Chúa ơi, chúng con đọc trong sách rằng ông Thomas Edison đã thắp sáng. Nhưng trong lớp giáo lý, chúng con học rằng Chúa đã dựng nên ánh sáng. Vì vậy, con nghĩ rằng ông ấy đã ăn cắp sáng kiến của Chúa”!
Nhưng chắc Chúa Giêsu sẽ trả lời cho em: “Ông ta không ăn cắp sáng kiến của Ta đâu. Ta đã vui lòng tặng cho ông ấy cái sáng kiến đó, và ông ấy đã chế ra bóng đèn để giúp ích cho nhân loại. Có nhiều điều Ta cũng ban cho con… mà càng lớn lên con càng thấy rõ. Hãy phát huy chúng vì ích lợi của mọi người. Con nhé”.
II. BÀI HỌC TRONG NGÀY TẾT TRUNG THU.
Hôm nay, nhìn lên bầu trời, các con thấy trời đẹp với trăng thanh gió mát. Các con đi múa lân trong khắp giáo xứ, tay cầm đèn ông sao, con cá con tôm, chân nhảy múa tưng bừng, miệng ca vang bài: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối lo. Cuội ơi, ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi”!
Tại sao các con lại nhìn lên ông trăng mà gọi thằng Cuội? Thằng Cuội là ai? Tại sao Cuội phải ngồi ôm gốc cây? Ở mãi cung trăng để làm gì? Hôm nay, cha sẽ kể cho các con nghe sự tích thằng Cuội ngồi ôm gốc cây đa nhé!
Trong kho tàng ca dao tục ngữ, cha thấy có một câu thơ lục bát:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên đồi
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Thằng Cuội, theo truyền thuyết, đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời, đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, nó phải coi nhà. Buồn tình, nó bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh: “Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với”. Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, nó bèn cười ngặt nghẽo đến vãi cả nước mắt ra.
Lần khác, nó ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Nó cũng kêu la thất thanh: “Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với”. Thế nhưng, lần này chẳng ma nào đến tiếp cứu. Vì thế, dân gian mới bảo:
Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả ngày?
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười:
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà thằng Cuội trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt, nói dối. Do đó, thiên hạ mới có câu tục ngữ rất quen: “Nói dối như Cuội”.
Hay nói một đàng mà làm một nẻo thì người ta gọi là “Hứa Cuội”, có nghĩa là hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được gì cả. Do đó, đưa đến một câu tục ngữ khác: “Mười voi không được một bát nước xáo”, có nghĩa là nói bậy bạ khuếch khoác, lời nói ấy cũng giống như làm thịt ba con voi mà chẳng được bát nước xáo. Lời nói vô bổ, không thể tin được.
Nhân ngày Tết Trung thu, cha muốn nói với các con về sự tích thằng Cuội và có lẽ các con sẽ thắc mắc rằng chúng con học được cái gì ở nơi thằng Cuội? Cha muốn nói với các con rằng trong kho tàng truyện cổ tích, truyện thần thoại hay ngụ ngôn, tác giả luôn nhằm mục đích giáo dục, muốn con người hướng thiện, muốn vươn lên theo khía cạnh tích cực hay tiêu cực, nghĩa là có những việc cần phải bắt chước, cũng có việc nên tránh. Trong trường hợp này là đừng nên giống thằng Cuội.
Như vậy, bài học mà các con có thể rút ra từ câu truyện thằng Cuội hôm nay đó là đừng bao giờ nói dối. Hay nói một cách tích cực là hãy sống đơn sơ thật thà, đơn sơ chất phác, đừng thêm thắt gì, có sao nói vậy, như Chúa Giêsu đã dạy: “Hễ có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37; Gc 5,12).
III. LỜI CẦU XIN HÔM NAY
Chắc các con không muốn hôm nay trời mưa hay bầu trời nhiều mây vẩn đục, như thế làm cho buổi múa lân hôm nay mất vui. Trái lại, các con muốn cho trời tạnh ráo, trời trong thanh để các con có thể ngắm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, ngắm thằng Cuội, vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi vài miếng bánh ngọt, xen lẫn tiếng cười dòn vang như pháo nổ. Như thế thì tuyệt cú mèo rồi!!!
Các con muốn cho trăng rằm tháng 8 năm nay phải rực rỡ trên bầu trời, phải có trăng thanh gió mát để các con được hưởng trọn vẹn một Tết Trung thu dành cho các con. Đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng cha nghĩ rằng, bầu trời trong thanh không một gợn mây, đó là dấu chỉ các con phải có một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, thật thà, dễ thương.
Thật vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ, thật thà, không ăn gian nói dối như thằng Cuội…
Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật.
Điều đó đã làm cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối, là tự mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho con người ra già cỗi, và tự đầy đọa mình như thằng Cuội, suốt đời ôm một mối lo!
Truyện : Xin được trở lại chuồng ngựa
Ngày xưa bên Trung hoa có một ông vua văn chương rất dở mà lại thích làm thơ. Thỉnh thoảng vua hội các quan lại, rồi trao cho các ông đọc những bài thơ bát cú, tứ tuyệt, song thất lục bát mình đã sáng tác và hỏi ý kiến: ông mong được các quan ca tụng hơn là phê bình. Dĩ nhiên, quan nào cũng khen hay, tuyệt bút, hấp dẫn…
Một hôm, có một ông quan ở tỉnh xa về kinh có việc, được vua mời đến dự. Hôm đó, vua làm một bài thơ tả cảnh ngày xuân trong nước. Cũng như mọi lần, các quan triều tấm tắc khen ngợi, còn ông quan khách ngồi mà chẳng nói gì. Vua quay nhìn và hỏi ý kiến. Vị quan khách nhìn vua vừa đưa mắt trông các quan rồi mạnh bạo tâu rằng: “Theo thiển ý riêng của mình, thì bài thơ đó không có gì đáng kể”. Nghe câu nói táo bạo đó, các quan đều khiếp sợ và vua cũng xấu hổ và bực tức, liền dạy trói lại và đem để dưới chuồng ngựa.
Cách mấy hôm vua rán làm bài thơ khác khéo léo hơn, rồi trước mặt đông đủ các quan, ngài ngâm nga các bài thơ đặc sắc mới làm và tin chắc rằng bài thơ có một cái gì phi thường. Bài thơ được hết các quan vỗ tay khen ngợi.
Tưởng rằng lần này vị khách kia không thể không khen, và mình sẽ nhờ dịp đó trả lại tự do cho ông. Vua cho vời quan đó đến và trao cho xem bài thơ mới này. Cầm lấy đọc đi đọc lại mấy lần, quan đó đưa lên trả lại cho vua, và xin cho mình ngồi ở chuồng ngựa như trước.
Hiểu rằng ông quan này chê bài thơ của mình, song cũng nhận thấy ông là người chân thật, can đảm, mạnh bạo; không phỉnh phờ tơ tóc lấy lòng, mà cũng không sợ tù tội hay bị cất chức, một mến yêu sự thật, nói sự thật và bênh sự thật, cho nên thay vì bảo ông trở lại chuồng ngựa, vua kính phục khen ngợi, và phong ông lên làm cố vấn tối cao trong đền. Còn các quan kia vua tỏ ra khinh dể, không tin cẩn, và lần lượt đầy họ ra bên rìa.
Hôm nay, Tết Trung thu, ngày Tết của tuổi thơ, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã ban cho các em có dịp thuận tiện để vui cái Tết của mình. Chúng ta cũng hãy sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ để xin Chúa ban cho các em thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta biết giữ gìn nét đẹp tuổi thơ của mình bằng cách luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương và chúc lành.
Một lần nữa, cha mong các con thực hiện lời Chúa đã dạy ở trên và thực hiện lời thánh Giacôbê dạy: “Đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5,12).
8. Vầng trăng thanh—Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Các con nóng lòng chờ đợi Tết Trung thu cả tháng nay rồi và hôm nay Tết Trung thu đã đến. Cha thấy các con rất vui, nét mặt tươi như hoa nở, nụ cười hớn hở, từ em bé một tuổi đang có mặt ở đây, các con đang chờ đợi đi múa lân và nhận quà trung thu.
Nhưng trước tiên, các con hãy dành cho Chúa ít phút, các con hãy dâng lên Chúa niềm vui ấy trong Thánh lễ này. Xin Chúa chúc lành và tăng thêm niềm vui cho các con và Chúa sẽ ban cho các con món quà quí giá là một tâm hồn đơn sơ trong sạch tỏa lan ra niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh được thêm dịu mát như ánh trăm rằm hôm nay.
I. LỊCH SỬ TẾT TRUNG THU.
Theo sử sách, Tết Trung thu đã có trước đây ít nhất 2000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân và tế mặt trăng vào mùa thu.
Theo Âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày “lành” để làm lễ tế thần mặt trăng. Và trong đêm 15 tháng 8 hằng năm, khi trăng rằm tỏa sáng, lễ tế thần mặt trăng bắt đầu.
Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng, còn gọi là bánh “đoàn viên”, bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu khí trong lành của đêm rằm đến với mọi nhà.
Trong dịp này, người lớn ăn bánh uống trà thưởng thức ánh trăng thu vằng vặc treo trên bầu trời xanh trong. Các em thiếu nhi thì rước đèn trung thu, múa lân cùng với đèn trung thu, xen lẫn tiếng trống nhịp nhàng. Tất cả đều tạo nên một bầu khí vui tươi phấn khởi.
Thời tiết trong Nam này khác với ngoài Bắc. Chúng ta mừng Trung thu bao nhiêu lần rồi mà lần nào cũng bị mưa, không nhiều thì ít, bầu trời hay bị u ám, có khi chả thấy trăng thu đâu cả. Ngược lại, ở ngoài Bắc, rằm tháng 8 là thời kỳ thời tiết đẹp nhất, trời trong xanh, gió hiu hiu thổi, không khí mát mẻ, mặt trăng tròn đầy sáng vằng vặc, có thể đọc sách được.
Như vậy, trăng thu có vẻ đẹp thật huyền diệu, là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ dệt thành những bài ca, là nguồn thơ bất tận cho thi sĩ, là đề tài không vơi cạn cho các văn nhân, là nét đẹp thu hút bao tâm hồn..
Đêm nay các con vui hát, múa nhảy, nô đùa dưới trăng, thưởng thức những tấm bánh trung thu vừa ngọt vừa bùi thì thật là tuyệt vời. Ánh trăng thu năm nay chắc chắn phải trong sáng và có một sức hấp dẫn lạ lùng. Bởi thế, người ta chọn ngày đẹp nhất trong năm là ngày Tết của thiếu nhi, nhưng đồng thời cũng là ngày vui của người lớn, trong đó có cha mẹ các con và có cả cha nữa.
II. ĐỨC MARIA, VẦNG TRĂNG THANH.
Nói đến vầng trăng thanh, cha nghĩ ngay đến Mẹ Maria. Sách Khải huyền đã ca tụng Ngài : Mẹ được coi như vầng trăng sáng trong đêm tối, tỏa ánh sáng dịu êm làm tươi mát cho tâm hồn :
Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông,
Đẹp như Mặt trăng, rực rỡ như mặt trời.
Chúng ta là con cái Mẹ Maria, chúng ta phải cố gắng sống như Ngài để trở thành một vầng trăng tròn trong đêm tối, một vầng trăng chiếu sáng cho những người còn sống trong bóng đêm tội lỗi như chúng ta vẫn ca tụng Ngài :
Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang,
Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang…
III. CÁC CON LÀ VẦNG TRĂNG THANH.
Người dân quê Việt nam có rất nhiều câu đố, trong một rừng câu đố đó, các em thiếu nhi thường dùng mà đố nhau trong dịp Trung thu này xem nó là cái gì và hôm nay cha cũng muốn đố các con và đồng thời cha cũng muốn các con được trở nên cái đó :
Bằng cái vung
Vùng xuống ao,
Đào không thấy,
Lấy không được.
Các con có biết nó là cái gì không ? Thưa, đó là ông trăng.
Mừng Trung thu năm nay, các con phải cố gắng trở nên một vầng trăng Trung thu mới . Các con phải trở thành trăng tròn giữa nền trời đêm, như thế mới thật hấp dẫn.
Muốn trở thành một vầng trăng đẹp giữa cuộc đời, các con phải cố gắng sống một đời trong sạch, lánh xa các dịp tội, lánh xa những gì có thể làm cho linh hồn các con ra ô uế, không xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự. Các con có thể bắt chước con chồn bạch để giữ gìn đức trong sạch, thà chết chẳng thà phạm tội.
Truyện : Con chồn bạch
Một ngày kia, trong khi đi săn, một người săn trông thấy chú chồn bạch, lông nó trắng phau phau. Bộ lông chồn bạch bán rất đắt tiền, vì người ta dùng làm áo choàng rất đẹp. Người săn này đuổi con chồn miết, dồn cho nó vào tới chỗ con chồn phải chạy qua một đồng lầy. Ông ta vốn biết : con chồn bạch sẽ không bao giờ đành băng xuống đầm lầy để trốn thoát, chỉ vì nó thà chết chứ không đành để cho bộ lông trắng đẹp của nó bị bùn đất bám vào.
Khi các con lo bảo toàn lòng trong trắng của các con khỏi vết nhơ tội lỗi, lúc ấy các con đã thực sự trở thành một vầng trăng thanh làm đẹp lòng Chúa, làm đẹp lòng Đức Mẹ và làm đẹp lòng mọi người.
Nhưng nếu các con không cố gắng mà lại để cho tâm hồn nhơ bẩn thì các con chỉ là vầng trăng khuyết, những vầng trăng đen, làm ô nhiễm môi trường, làm buồn rầu cho Chúa và cho mọi người.
Ngày xưa Chúa Giêsu cũng như các con. Cậu bé Giêsu luôn tỏ ra là một vầng trăng rằm sáng đẹp trong gia đình Nazareth. Càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và mọi người, được mọi người quí mến. Ngài là TRĂNG TRUNG THU chính hiệu. Các con hãy học với Chúa Giêsu để trở nên vầng trăng tròn và sáng đẹp như Chúa Giêsu.
Trăng đêm nay trăng tròn, tròn ghê Chúa ơi,
Trăng đêm nay trăng tròn, tròn treo là treo giữa trời.
Nhưng đêm nay không tròn bằng tình Thiên Chúa yêu con
Nhưng đêm nay không tròn bằng tình con yêu kính Ngài.
9. Bánh Trung Thu dâng Chúa-- Lm Giuse Đinh lập Liễm
I. NGÀY TẾT CỦA THIẾU NHI
Hôm nay, ngày rằm tháng tám, ngày Tết trung, ngày Tết của thiếu nhi chúng con. Các em thiếu nhi trong cả nưuớc đang nô nức đón chờ ngày Tết này. Ngày Tết dành riêng cho thiếu nhi với những sinh hoạt rất vui nhộn, với những chương trình đặc sắc dành riêng cho tuổi thơ.
Đây là lễ hội đã có từ lâu để các trẻ nhỏ sum họp vui đùa bên nhau, với những chiếc lồng đèn xinh xắn, sáng rực dưới ánh trăng của ngày rằm. Các em quên hết mọi ưu phiền, các em tha hồ múa hát vui chơi thoải mái.
Người ta yêu thích vầng trăng tròn, vầng trăng thu. Người ta thích đi dạo dưới trăng, ngâm thơ dưới trăng, đàn hát dưới trăng. Cả trẻ con cũng thích nô đàu dưới ánh trăng. Ánh trăng có một sức hấp dẫn rất tuyệt vời. Bởi thế, người ta chọn ngày trăng đẹp nhất trong năm làm ngày Tết của thiếu nhi, nhưng đồng thời cũng là ngày vui của người lớn.
Trong tinh thần vui tươi phấn khởi ấy, giáo xứ chúng ta – do các giáo lý viên và huynh trưởng - tổ chức cho chúng con đêm Trung thu này để các con đi múa lân, rước đèn trung thu, nhảy múa, ca hát và nhâm nhi miếng bánh trung thu. Thật là tuyệt vời, phải không các con ? Các con hãy quên đi tất cả phiền sầu, lo lắng. Các con hãy hòa nhập vào mọi sinh hoạt vui chơi dành cho các con trong buổi tối nay.
II. DÂNG CHÚA BÁNH TRUNG THU
Trước khi khai mạc chương trình vui chơi đêm nay, các con hãy cùng hiệp dâng Thánh lễ để tạ ơn Chúa đã ban cho các con có hoàn cảnh thuận lợi để tổ chức đêm vui chơi này và xin Chúa ban thêm niềm vui để chúng con hăng hái luyện tập để trở thành những người con yêu của Chúa và trở thành những người hữu ích cho Giáo hội và xã hội.
Đã là Tết Trung thu thì không thể thiếu bánh Trung thu, một loại bánh đặc trưng của mùa trăm rằm, một thứ bánh mà các con mong đợi từ mấy tháng nay. Với tấm bánh này các con có thể thưởng thức dưới ánh trăng rằm, nó cần thiết cho trẻ con cũng như người lớn.
Trong Thánh lễ chiều nay, chúng con, các thiếu nhi trong giáo xứ, chúng con sẽ dâng lên Chúa Giêsu một tấm bánh đặc biệt để nói lên lòng yêu mến chân thành và biết ơn của chúng con. Xin Chúa thương nhận lấy và chúc là cho chúng con. Đồng thời, xin Chúa Giêsu Hài Đồng hãy cùng chúng con ăn bánh Trung thu, thưởng thức bánh Trung thu dưới ánh trăng rằm với chúng con.
Các con biết không ? Chiếc bánh Trung thu này được làm rất công phu, qua nhiều công đoạn phức tạp để trở thành tấm bánh vừa đẹp vừa ngon, vừa đầy hương vị. Cha sẽ tả cho chúng con các công đoạn công phu của chiếc bánh này theo kinh nghiệm của các người làm bánh.
Chắc mấy ai hiểu rõ “cội nguồn” về qui trình chế biến, sự lựa chọn nguyên liệu để làm ra sản phẩm đặc biệt này. Thật sự muốn tạo nên một tấm bánh ngon, có chất lượng hoàn hảo, người ta phải trải qua những kỳ công tỷ mỉ và dầy dạn kinh nghiệm, với những công đoạn chính yếu như sau, đó là : bột, đường, trứng, hạt mè (vừng), hạt điều, hạt dưa, thịt nguội, lạp xưởng, gà quay, xá xíu, thịt xông khói và các loại hải sản…
Tiêu chuẩn đầu tiên là chọn quả trứng ngon và nó phải được muối đủ ngày và có mầu trắng đục hơi sáng. Nấm đông cô phải khô, có mầu xám đen và mùi thơm đặc biệt. Hải sâm có mầu xám trắng và phần thịt hơi trong. Thịt nạc xông khói có mầu đỏ hồng tự nhiên, không lẫn mỡ, với mùi vị mặn đặc trưng. Thịt xá xíu phải là loại nạc không mỡ và gân, nhưng đặc biệt có mầu trắng của thịt chín và mùi vị mặn ngọt đều hòa… không xử dụng bột mầu thực phẩm và các loại hóa chất bảo quản chống mốc trộn lẫn trong gia vvị…
Sau đó, tất cả nguyên vật liệu sẽ được sơ chế rồi bỏ vào máy ly tâm, để xay trộn cho nhân bánh được dẻo. Chiếc bánh thơm ngon là kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu : tỷ lệ bột, đường, trứng và các loại hạt, mứt, thịt, hải sản, xá xíu, lạp xưởng, bao nhiêu là vừa đủ… để bánh đạt độ mềm dẻo, độ dính, độ chắc. Tỷ lệ “mặn” và “ngọt” ra sao để tạo nên hương vị tinh tế hài hòa. Khi đã hoàn tất phần nhân, bánh sẽ được định hình trong một lò nướng có nhiệt độ từ 200 đến 220 độ C, sau đó kết quả sẽ đem lại cho ta một chiếc bánh thật hoàn hảo với hoa văn tinh tế và mầu vàng nâu óng ả. Đây cũng là biểu tượng của “mặt trăng” tròn đầy.
Bánh Trung thu ngon thật, nhưng bánh sẽ càng ngon hơn khi thưởng thức đúng điệu với nước trà truyền thống. Hương thơm thoang thoảng của tách trà sen, trà lài, trà Thái nguyên “móc câu”… khiến không khí gia đình sum họp đêm Trung thu thêm ấm cúng. Ăn miếng bánh, nhấp ngụm trà nóng, nghe hương trà như tan ra hòa quyện cùng vị bùi của thịt, vị ngọt của hải sản, vị dẻo thơm tinh tế… chúng ta như cảm nhân được tất cả hương vị thanh tao của đất trời trong tiết Trung thu.
III. DÂNG CHÚA HAI THỨ BÁNH
Nếu các con có diễm phúc được ngồi trong gia đình cùng với ba má, với anh chị em thưởng thức bánh Trung thu, các con hãy mời Chúa Giêsu vào thưởng thức với gia đình các con, vì có lẽ, ngày xưa Giêsu Hài Đồng bé nhỏ ở Nazareth chả có bánh Trung thu ngon lành như thế để thưởng thức đâu ! Nếu có Chúa ở trong gia đình cùng thưởng thức bánh Trung thu của các con, chắc chắn bầu khí yêu thương ấm áp trong gia đình các con sẽ được tăng lên gấp bội.
Hôm nay các con dâng bánh Trung thu cho Chúa và mời Chúa vào thưởng thức trong gia đình, chắc Chúa hài lòng lắm đấy.
Nhưng, như cha nghĩ, Chúa còn muốn chúng con dâng cho Ngài một thứ bánh Trung thu khác, một thứ bánh quí hơn mà ít người có để dâng cho Chúa. Chúng con có biết thứ bánh nào không ? Đó là “Bánh Trăng Tròn Thiêng liêng”. Thứ bánh này chính các con phải làm ra với những chất liệu hảo hạng, mà chúng con tìm được, với những qui trình công phủ tỉ mỉ, với mầu sắc và hương vị tuyệt vời.
Các con sẽ dâng cho Chúa thứ bánh đó nếu các con biết yêu mến Chúa, làm trọn nhiệm vụ của các con với bao hy sinh thảo lảo để các con có thể trở nên ánh sáng thế gian và muối đất. Các con sẽ dâng cho Chúa thứ bánh đó nếu các con biết cố gắng làm những việc này :
- Các con trở nên một người con thảo trong gia đình : yêu mến, vâng lời, biết ơn cha mẹ; yêu thương anh chị em, giúp đỡ cha mẹ trong những việc có thể.
- Các con trở nên một học trò ngoan nơi học đường : chăm chỉ học hành, vâng lời thầy cô, yêu thương và hòa hợp với chúng bạn. Cố gắng nếu gương sáng cho các bạn đồng môn.
- Các con trở nên một thiếu nhi gương mẫu trong giáo xứ : siêng năng tham dự Thánh lễ, rước lễ, chăm chú nghe Lời Chúa và tích cực tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ.
Hôm nay, ngày Tết Trung thu, và trong Thánh lễ này các con hãy dâng cho Chúa hai thứ bánh ấy với tất cả tấm lòng thành. Xin Chúa thương chấp nhận, chúc lành và ban muôn vàn ơn phúc cho các con.
Sau cùng, cha chúc các con trở thành vầng trăng rằm của mùa thu để các con đem niềm vui đến cho mọi người.
Các con hãy đưa mắt nhìn về Nazareth và hãy tưởng tượng : cậu bé Giêsu hôm xưa luôn tỏ ra là vầng trăng rằm sáng đẹp trong gia đình Nazareth. Càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và loài người, được mọi người quí mên. Ngài là TRĂNG TRUNG THU chính hiệu. Các con hãy học với Chúa Giêsu để trở nên vầng trăng đẹp như Chúa Giêsu vậy.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn