Thứ Sáu đầu tháng, tuần 4 thường niên

Thứ năm - 04/02/2021 07:59

Thứ Sáu đầu tháng, tuần 4 thường niên. – Thánh Agata, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

"Ðó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".

 

* Agata là một thiếu nữ quê ở Xi-xi-li-a. Chị đã chịu tử đạo ở Catana, vào thời hoàng đế Đêxiô bách hại đạo (năm 251). Đồng bào của chị vẫn tin tưởng kêu cầu chị, nhất là những lúc núi lửa Étna hoạt động.

Rồi việc tôn kính chị được phổ biến rộng rãi trong toàn thể Hội Thánh, cả ở phương Đông lẫn phương Tây.

 

Lời Chúa: Mc 6, 14-29

Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng"; kẻ thì bảo: "Ðó là Êlia"; kẻ khác lại rằng: "Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói: "Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".

Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.

Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.

Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

 

 

Suy Niệm 1: Vì đã trót thề

Suy niệm:

Như mọi con người khác ở trên đời,

con người của Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt.

Vấn đề là ông ta sẽ ngả theo cái nào.

Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông.

Hêrôđê đã bảo vệ che chở cho Gioan và thich nghe ông nói,

dù những điều đó làm Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20).

Nhưng Hêrôđê cũng là người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục,

chỉ vì Gioan dám nói: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.”

Rõ ràng cái ác trong Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt.

Hêrôđê thuộc loại người “nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,

nhưng không đâm rễ, mà là những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17).

Chính vì thế khi gặp thử thách thì ông vấp ngã ngay.

Hêrôđê còn quỵ ngã một lần nữa nặng hơn.

Ngày sinh nhật của ông cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ.

Khi con gái bà Hêrôđia biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người,

Hêrôđê đã lỡ thề hứa một điều thiếu khôn ngoan,

trước mặt bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê:

“Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23).

Không biết lúc đó Hêrôđê đã say chưa,

nhưng chắc chắn nhà vua đã quên một điều quan trọng.

Ông quên mình chỉ là một tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1),

nên ông không có quyền cho đất hay chia đất.

Bà Hêrôđia đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan.

Bà nói với cô con gái xin đầu Gioan Tẩy giả (c. 24).

Hẳn điều này là một bất ngờ lớn đối với Hêrôđê .

Lập tức ông bị đặt vào thế giằng co xâu xé.

Một mặt ông hết sức đau buồn vì quý mạng sống của Gioan.

Mặt khác ông lại không muốn thất hứa với cô bé,

một lời hứa đã trót nói ra công khai trước mặt quan khách dự tiệc.

Hêrôđê có dám chịu đánh mất chút danh dự của mình không

khi khiêm tốn xin rút lại lời thề hứa vội vàng, bồng bột?

Ông có dám nhận mình đã sai và chịu mất mặt không?

Tiếc quá! Hêrôđê đã không có được can đảm này.

Như người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22),

Hêrôđê cũng sẽ buồn suốt đời vì cái chết do ông gây ra.

Như Hêrôđê, sau này Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu.

Ông cũng phạm đúng tội của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15),

coi ghế ngồi của mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.

 

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

(R. Tagore - Ðỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2ĐA-VÍT VÀ HÊ-RÔ-ĐÊ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đa-vít và Hê-rô-đê là hai vị vua có nhiều điểm giống nhau. Đa-vít say mê sắc dục. Chiếm vợ của U-ri-gia. Lại còn giết chết U-ri-gia. Hê-rô-đê cũng say mê sắc dục. Chiếm đoạt bà Hê-rô-đi-a là vợ của Phi-líp-phê, anh vua.

Nhưng càng về sau hai vị vua càng khác biệt. Được Na-than nhắc nhở, Đa-vít tỉnh ngộ và ăn năn sám hối. Nhưng Hê-rô-đê chỉ lưỡng lự phân vân. Sau đó còn nghe lời tình nhân, giết chết Gio-an Tẩy giả.

Từ khi ăn năn sám hối, Đa-vít sống tốt lành thánh thiện. Luôn tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Đặc biệt ông dùng tài ca nhạc, sáng tác ca tụng Thiên Chúa. “Với trọn cả tâm tình, ông hát lên những khúc thánh thi tỏ lòng yêu mến Đấng tạo thành ông”. Ông còn sắp đặt lễ nghi phượng tự cho long trọng. Vì thế “Đức Chúa đã xoá bỏ tội lỗi của ông và nâng cao uy thế ông luôn mãi” (năm chẵn).

Còn Hê-rô-đê vì lưỡng lự nên không những không tiến bộ mà ngày càng lún sâu vào tội ác. Nếu Đa-vít dùng đàn ca ca tụng Thiên Chúa, thì Hê-rô-đê bị đàn ca mê hoặc đến nỗi đưa ra những lời hứa nhẹ dạ. Nếu Đa-vít khiêm tốn nhận mình tội lỗi, thì Hê-rô-đê sĩ diện, lỡ hứa rồi, biết là nông nổi, nhưng không dám rút lại. Nếu Đa-vít nghe lời can gián, thì Hê-rô-đê giết người can ngăn mình phạm tội. Vì thế triều đại Đa-vít bền vững mãi mãi. Còn triều đại Hê-rô-đê mau chóng suy tàn.

Thư Do thái khuyên nhủ ta hãy noi những tấm gương ấy mà chọn một con đường tốt đẹp. “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ. Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời”. Chúa vẫn thế. Thế cuộc đổi thay. Nhưng những nguyên tắc đạo đức ở trong thánh ý Chúa không hề thay đổi. Vẫn là kim chỉ nam đưa ta đến sự sống.

Xin cho con noi gương thánh vương Đa-vít. Biết sám hối tội lỗi. Và dành thời gian còn lại của đời sống đền bù lỗi lầm. Ca tụng tôn vinh Chúa.

 

SUY NIỆM 3: Sự bất tử của thánh nhân

Những bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái tin rằng vị tiên tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất nhắc về Trời; khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng ngài đang sống lại trong con người Chúa Giêsu.

Có lẽ để xóa tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng chi tiết cuộc xử trảm Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy Giả đã thực sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc lên trời như Êlia.

Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.

Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa Sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:

"Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây liên kết với Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Người mãi mãi".

Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Tấn tuồng của con người

Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gia-an Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc. 6, 14-16)

Cái chết của thánh Gioan Baotixita là một trong những trang bi thảm nhất của Phúc âm vì những hoàn cảnh éo le đã xui nên. Những tâm tình hắc ám nhất của nhân loại đều thấy cùng gặp gỡ nhau ở đây: một người có ý định sát nhân, đúng hơn lại muốn để cho người khác can tội vì muốn bảo toàn danh dự mình hoặc khỏi mất thanh danh đối với những khách dự tiệc có lẽ đang say xỉn; một cô gái nhảy đùa giỡn với mạng sống con người với tư thế ung dung như cô đang chơi trò giật dây con rối vậy. Đó là một trong những trang bi đát nhất của tất cả tấn tuồng của con người từ đó để lộ ra lẫn lộn tất cả sự hèn nhát, nhân nhượng, mưu mô, thù oán, say sưa và tàn bạo hầu làm nên cái mà Mauriac gọi là uẩn khúc nham hiểm của loài rắn độc.

Tính nhu nhược của Hêrôđê là đầu mối cho tất cả sự việc này. Từ khi nghe lời Hêrôđia xúi xiểm tống giam Gioan Tẩy giả cho đến khi bị mắc kẹt trước các khách dự tiệc, không thể rút lại mà không phơi trần một sự yếu hèn hơn, Hêrôđê sẽ vẫn là một con người bị người khác vận dụng và sẵn sàng nhượng bộ tất cả với điều kiện là “giữ được thể diện” cho mình. Ông sẽ chẳng coi chi những tâm tình vị nể và cảm phục ông Gioan, người mà tự thâm tâm ông vẫn thích nghe.

Sau đó ít lâu, một tấn tuồng khác gần tương tự sẽ còn làm nổi bật tính nhu nhược này của con người. Tại pháp đình, trước đám đông người Do thái bị các trưởng tế xúi giục hò hét, Philatô sẽ rửa tay tỏ ra vô can trong cái chết của Đức Kitô, mặc dầu ông không tìm được chứng cớ nào để kết án tử Người.

Thiết lập một danh sách liệt kê những biến cố đại loại như trên, thiết tưởng không phải là chuyện khó làm. Những vụ giết người và phản bội thường có nguồn gốc là một lô những nhu nhược, hèn nhát, yên lặng đắc tội…Những người có quyền, có địa vị mà nhu nhược thường bao che cho những kẻ quỷ quyệt để chúng hưởng lợi. Quả thực, ít có những người có sự thật và biết tôn trọng sự thật đến cùng, một sự thật ngoan cường.

Còn chúng ta, chính chúng ta thường tỏ ra khôn khéo hơn trong vai những người mềm yếu và nhu nhược khi chúng ta diễn lại tấn tuồng trên đây của con người.

 

Suy Niệm 5: SỐ PHẬN CỦA NGÔN SỨ (Mc 6, 14 – 29)

Có những cái chết đã đi vào bất tử, trường tồn, bởi nó đã trở thành biểu tượng cho một tinh thần bất khuất. Vì thế, muôn thế hệ sẽ còn tưởng nhớ chính nhân.

Cái chết đó chính là cái chết của Gioan Tẩy Giả.

Nếu các Ngôn Sứ là những người thay mặt Chúa, thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho dân; sứ mệnh của các ngài chính là việc dạy dỗ, khuyên răn dân đi theo đường lối của Thiên Chúa để được sống; đồng thời, lên tiếng tố cáo những việc làm sai trái mà dân đang thực hiện. Mặt khác, các ngài cũng không quên một nhiệm vụ quan trọng, đó là nhắc dân từ bỏ con đường bất chính gian tà để trở về với Thiên Chúa. Chính vì thế, các ngài thường bị dân chúng giết chết để khỏi trướng tai gai mắt họ.

Thật vậy, Gioan cũng đã chung số phận khi lên tiếng tố cáo cuộc sống loạn luân của vua Hêrôđê khi ông ta bỏ vợ để cướp vợ của anh cùng cha khác mẹ với mình. Cuộc sống của vua đã trở thành đồi bại, vô luân, và nhất là gây nên một gương mù lớn trong dân.

Khi Gioan tố cáo Hêrôđê, thì đồng nghĩa với việc ông lên tiếng phản đối cả một hệ thống lãnh đạo suy đồi khi cùng với vua hưởng lạc trong lúc chứng kiến con gái bà Hêrôđia múa hát để chiêu mộ lòng vua!

Sự thật thì mất lòng! Gian dối lên ngôi! Tội lỗi hoành hành! Và, nhất là một con người nhu nhược, không có lập trường như Hêrôđê, Gioan đã bị giết dưới lưỡi gươm của tội lỗi!

Tiếp nối sứ vụ của Gioan, và nhất là thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu, suốt hơn 2.000 năm nay, Giáo Hội không ngừng lên tiếng cho công lý, sự thật, bảo vệ những người nghèo, không có tiếng nói..., thế nên nhiều chứng nhân anh dũng đã can đảm nói không với ái ác, bất nhân và vô luân. Họ đã: "Vâng lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời con người". Vì thế, biết bao nhiêu máu đào đã đổ ra và những đống xương “chất đầy thành núi” qua các cuộc tử đạo để gióng lên tiếng nói của lương tâm, hầu tố cáo những thói vô luân của con người, nhất là những vị lãnh đạo bất nhân và ham dục...

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên ngôn sứ của Đức Kitô, trở nên người loan báo chân lý...

Tuy nhiên, theo bản tính tự nhiên, chúng ta khó có thể vượt qua được những toan tính thiệt hơn của con người, nên thay vì làm chứng cho Chúa, chúng ta lại phản chứng khi trở nên như Hêrôđê, ghen tỵ, oán ghét, và tàn độc.

Những lúc như thế, ấy là lúc chúng ta chưa dám sống công chính và đi theo giáo huấn của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng can đảm, trung thành với sứ vụ, đồng thời, xin cũng ban cho chúng con lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ cho anh chị em chúng con, khi bị thù ghét, bỏ vạ, cáo gian. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Hêrôđê chém đầu Gioan Tẩy Giả

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Hoàng hậu Ideven của vua Akhap rước thần ngoại bang vào vương quốc Israel và bảo trợ cho các tư tế, phù thủy của tà thần, đuổi bắt các ngôn sứ của Thiên Chúa.

Dù trước bạo quyền, ngôn sứ Êlia một mình chống lại các tư tế của thần dân ngoại. Tinh thần chính trực của ông đã bị vua và hoàng hậu truy bắt đuổi giết, khiến thân phận ngôn sứ của Thiên Chúa thật gian nan, khốn khổ và luôn sống trong sự trốn tránh (1V 17-18).

Suy niệm

Gioan, cái tên được Thiên Chúa đặt là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa, sự công minh chính trực của Gioan đã được ngôn sứ Isaia nói trước: “Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong bụng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi như gươm sắc bén, dấu tôi dưới bàn tay Người... biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49,1-2).

Sứ mạng ngôn sứ và ơn thánh đã nuôi dưỡng Gioan: “Cậu bé càng lớn lên, thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc 1,80). Vì thế, người quân tử này không sợ trước bất kỳ quyền lực nào, chỉ luôn biết sống trung tín và loan báo những gì mà Thiên Chúa muốn ông nói và làm.

Gioan bộc trực, thẳng thắn phê phán những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh (Mt 3,7), ông phê phán, đương đầu trực diện cả vương quyền khi họ thực hiện những điều bất nghĩa: Ông đã ngăn cản vua Hêrôđê đã cướp vợ của anh trai vua, chính vì thế mà ông bị tống ngục và Hêrôđia - người tình của vua đã tìm cách ám hại ông (Mc 6,17-29).

Cái chết của ông là minh chứng cho sự trung thực thẳng thắn, là triều thiên tử đạo đổ máu đào cản ngăn những điều bất nghĩa bất nhân.

 

Suy Niệm 7Thánh Gioan bị trảm quyết

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marô thuật lại cho chúng ta cuộc tử nạn của thánh Gioan Tẩy Giả. Khi ấy, danh tiếng Chúa Giêsu lẫy lừng vì những lời giảng và hành động thật uy quyền đã đến tai Hêrôđê khiến ông ta sống bất an, lương tâm cắn rứt và nghĩ rằng chính Gioan Tẩy Giả tiếp tục sống trong Đức Giêsu. Những ray rứt của kẻ giết người lại nổi lên trong con người ông và lên án chính ông. Đây chính là tâm trạng của những kẻ gây ra những điều gian ác. Tâm hồn họ đã đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa. Tiếng lương tâm cắn rứt chính là dấu chỉ Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi họ hối cải.

2. Gioan Tẩy Giả không phải là ánh sáng, nhưng chỉ đến làm chứng cho ánh sáng. Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị tiên tri. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời minh chứng của mình. Gioan Tẩy Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình. Cái đầu phải trả giá là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị tiên tri sau cái chết đóng đinh nơi thập giá đối với ngưới Do thái lúc đó. Gioan Tẩy giả đã tự xóa mình để cho Đấng Cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại. Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: ”Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý.

3. Còn vua Hêrôđê, ông là hình ảnh của những con người yếu đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy Giả là cũng vì nghe lời Hêrôđiađê xúi giục, chứ riêng ông thì ông nể sợ Gioan Tẩy Giả vì biết Gioan là người công chính thánh thiện. Marcô viết: ”Ông che chở Người. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe”. Hêrôđê chính là mẫu người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không thể làm lại được nữa.

Hêrôđê để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bầy ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội. Cũng vậy, xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy,  rồi kéo theo những hệ lụy sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì quay đầu sửa lỗi, lại tìm cách ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng ám hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.

4. Còn bà Hêrôđiađê từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Tẩy Giả can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nuôi lòng thù hận và đã bầy ra trò mỹ nhân kế của cô con gái rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính. Bà là mẫu gương sống theo sự dữ. Đã pạm tội loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn căm thù ông Gioan và muốn giết ông...

Giữa xã hội hôm nay cũng thế, nhiều người không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù  những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.

5. Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn còn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần Gioan Tẩy Giả, của các Tông đồ, của các thánh Tử đạo, đã sống mãi trong Giáo hội và trở thành dây liên kết mọi Kitô hữu. Điều này luôn được Giáo hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt của các thánh được đặt trên bàn thờ.

Tập san Giáo hội Á châu do hội Thừa sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục: “Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không  bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi dây liên kết Giáo hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi dây liên kết hữu hình ấy. Đây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hợp với Người mãi mãi”(Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện:  Một học sinh can đảm.

Suy niệm gương thánh Gioan Tẩy Giả: tôi có can đảm và sống Lời Chúa bất chấp mọi khó khăn, mất mát không?

Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất  trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cảm ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì” (Góp mặt).



 

SUY NIỆM

1. Sự Dữ hủy diệt Sự Dữ

Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy :

Ông Gioan, ta đã cho chém đầu,
chính ông đã chỗi dậy !
(c. 16)

Đó là một sai lầm, nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi.

(1) Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một « Gioan Tẩy Giả » khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.

(2) Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ, là bạo lực và sức mạnh, chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi » (Tv 141, 10) .

(3) Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có thánh Gioan.

2. “Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người”

Ngoài ra, sai lầm của vua Hê-rô-đê còn làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giê-su, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người. Thật vậy, thánh Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Ki-tô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo :

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
(Lc 1, 76-77)

Và trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại “cuộc thương khó” của Gioan (xem Kinh Tiền Tụng, ngày 29/08, lễ nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết). Như thế, Gioan đã loan báo Đức Ki-tô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Ơn gọi của thánh Gioan cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu : đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giê-su Ki-tô: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Ki-tô; trong hành trình làm người, chúng ta đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài, như chính phép rửa đã loan báo. Vấn đề là chúng ta có nhận ra và đón nhận như một ơn huệ, một mối phúc hay không.

3. Thánh Gioan loan báo Đức Giê-su

Như thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay rất mạnh mẽ, nhưng cũng thật kín đáo: thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết. Thật vậy, Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Thật vậy, chính vua Hê-rô-đê quyết định trảm quyết Gioan, nhưng có rất nhiều người tham gia vào quyết định này : Bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của vua, con gái bà Hê-rô-đi-a, và cả triều thần và quan khách có mặt trong bữa tiệc mừng sinh nhật. Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân… và thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…

Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải Sự Dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, nhất là mặc khải vẻ bề ngoài hoàn toàn dối trá. Người tự nguyện để cho mình trở thành nạn nhân của Sự Dữ để phơi bày Sự Dữ, làm bật Sự Dữ ra khỏi chỗ ẩn nấp và lộ ra nguyên hình. Đó chính là cách Người chiến thắng Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.

* * *

Tuy nhiên, khi nghe hay đọc trình thuật này, chúng ta có thể tự hỏi một cách tự phát: vậy đâu là phúc của Gioan, được loan báo khi mới sinh ra, khi mà ông đã cho đi tất cả, dâng hiến tất cả và phải chịu chết như thế?

Thánh Gioan loan báo Đức Kitô trong sự sinh ra, trong cuộc sống và trong cái chết, thì phúc của Gioan chính là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô. Và bài Tin Mừng hôm nay đã kín đáo nói cho chúng ta điều này: sau khi thánh Gioan bị giết chết, có kẻ nói về Đức Giê-su:

Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy,
nên mới có quyền năng làm phép lạ.
(c. 14)

Phúc của thánh Gio-an chính là trở nên một với Đức Ki-tô, trong cuộc sống dẫn đến cái chết và trong niềm hi vọng sống lại nữa.

Nếu là như thế, phúc của Gioan, cũng là phúc của mọi người Kitô hữu chúng ta, những người sống đời sống hôn nhân, cũng như những người sống đời dâng hiến, đó là Đức Giêsu Kitô trở nên một với chúng ta, nơi mầu nhiệm Nhập Thể và nơi mầu nhiệm Thánh Thể hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua, để cho chúng ta có thể trở nên một với Ngài trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta hôm nay và mãi mãi, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Lương tâm tội lỗi của Hêrôđê – SN song ngữ 05.02.2021

 
Friday (February 5):  Herod’s guilty conscience

 

Scripture:  Mark 6:14-29 

14 King Herod heard of it; for Jesus’ name had become known. Some said, “John the baptizer has been raised from the dead; that is why these  powers are at work in him.” 15 But others said, “It is Elijah.” And others said, “It is a prophet, like one of the prophets of old.” 16 But when Herod heard of it he said, “John, whom I beheaded, has been raised.” 17 For Herod had sent and seized John, and bound him in prison for the sake of Herodias, his brother Philip’s wife; because he had married  her. 18 For John said to Herod, “It is not lawful for you to have your brother’s wife.” 19 And Herodias had a grudge against him, and wanted to kill him. But she could not, 20 for Herod feared John, knowing that he was a righteous and holy man, and kept him safe. When he heard him, he was much perplexed; and yet he heard him gladly.

21 But an opportunity came when Herod on his birthday gave a banquet for his courtiers and officers and the leading men of Galilee. 22 For when Herodias’ daughter came in and danced, she pleased Herod and his guests; and the king said to the girl, “Ask me for whatever you  wish, and I will grant it.” 23 And he vowed to her, “Whatever you ask me, I will give you, even half of my kingdom.” 24 And she went out, and said to her mother, “What shall I ask?” And she said, “The head of John the baptizer.” 25 And she came in immediately with haste to the king, and asked, saying, “I want you to give me at once the head of John the Baptist on a platter.” 26 And the king was exceedingly sorry; but because of his oaths and his guests he did not want to break his word to her. 27 And immediately the king sent a soldier of the guard and gave orders to bring his head. He went and beheaded him in the prison, 28 and brought his head on a platter, and gave it to the girl; and the girl gave it to her mother. 29 When his disciples heard of it, they came and took his body, and laid it in a tomb.

 

Thứ Sáu    5-2          Lương tâm tội lỗi của Hêrôđê

 

Mc 6,14-29

14 Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”15 Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.”16 Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy! “17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! “19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.”23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.”24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.”25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.”26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Meditation: 

 

Do you ever feel haunted by a past failure or a guilty conscience? The Lord Jesus came to set us free from the oppression of sin and guilt. King Herod, the most powerful and wealthy man in Judea, had everything he wanted, except a clear conscience and peace with God. Herod had respected and feared John the Baptist as a great prophet and servant of God. John, however did not fear to rebuke Herod for his adulterous relationship with his brother’s wife, Herodias. John ended up in prison because of Herodias’ hatred and jealousy. Herod, out of impulse and a desire to please his family and friends, had John beheaded. Now Herod’s conscience is pricked when he hears that some think that the Baptist has risen.

 

Guilt and pride cripples – repentance and pardon heals

When Herod heard the fame of Jesus he supposed that John the Baptist, whom he had beheaded, had returned from the dead. Unfortunately for Herod, he could not rid himself of sin by ridding himself of the man who confronted him with his sin. Herod was a weak man. He could take a strong stand on the wrong things when he knew the right. Such a stand, however, was a sign of weakness and cowardice. The Lord gives grace to the humble, to those who acknowledge their sins and who seek God’s mercy and pardon. His grace and pardon not only frees us from a guilty conscience, it enables us to pursue holiness in thought and action as well.  God’s grace enables us to fight fear with faith and to overcome the temptation to compromise goodness and truth with wrongdoing and falsehood.

 

 

John Chrysostom describes John’s death as a crown:

In what way, then, was this just man harmed by this demise, this violent death, these chains, this imprisonment? Who are those he did not set back on their feet – provided they had a penitent disposition – because of what he spoke, because of what he suffered, because of what he still proclaims in our own day – the same message he preached while he was living. Therefore, do not say: “Why was John allowed to die?” For what occurred was not a death, but a crown, not an end, but the beginning of a greater life. Learn to think and live like a Christian. You will not only remain unharmed by these events, but will reap the greatest benefits.(ON THE PROVIDENCE OF GOD 22.10)

 

Do you rely on God’s grace and help to choose his way of holiness and to reject whatever would compromise your faith and loyalty to Jesus Christ?

 

“Heavenly Father, form in me the likeness of your Son that I may imitate him in word and deed. Help me to live the Gospel faithfully and give me the strength and courage I need to not shrink back in the face of adversity and temptation.”

 

Suy niệm:

 

Bạn có bao giờ cảm thấy bị ám ảnh bởi một sự thất bại trong quá khứ hay một lương tâm tội lỗi không? Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta khỏi áp bức của tội lỗi. Vua Hêrôđê, một người giàu có và quyền lực nhất trong xứ Giuđêa, có mọi thứ ông muốn, ngoại trừ một lương tâm trong sạch và sự an bình với Thiên Chúa. Hêrôđê kính trọng và sợ Gioan tẩy giả như một ngôn sứ lớn và tôi tớ của TC. Gioan, tuy nhiên đã không sợ khiển trách Hêrôđê vì mối quan hệ bất chính với người chị dâu của mình. Gioan đã kết thúc cuộc đời trong tù bởi sự ghen tức của bà Hêrôđia. Vua Hêrôđê, trong cơn bốc đồng và ước muốn làm hài lòng gia đình và bạn bè mình, đã cho chém đầu Gioan. Giờ đây lương tâm ông bị cắn rứt khi ông nghe đồn Gioan tẩy giả sống lại.

Tội lỗi và kiêu ngạo làm tê liệt – sự thống hối và tha thứ chữa lành

Khi Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, ông cho là Gioan tẩy giả, người đã bị ông chém đầu, nay sống lại từ cõi chết. Không may cho Hêrôđê, ông không thể rửa mình khỏi tội bằng việc trốn tránh người đã dám vạch tội ông. Vua Hêrôđê là một người yếu đuối. Ông đã quả quyết làm điều sai trái khi ông biết đó là đúng. Tuy nhiên, một lập trường sai trái như vậy, là một dấu chỉ của sự yếu đuối và hèn nhát. Chúa ban ơn cho kẻ khiêm nhường, cho những ai nhìn nhận tội lỗi của mình và những ai tìm kiếm lòng thương xót và tha thứ của Chúa. Ơn sủng và sự tha thứ của Người không chỉ giải thoát chúng ta khỏi lương tâm cắn rứt, nó còn có thể giúp chúng ta theo đuổi sự thánh thiện trong tư tưởng và hành động nữa. Ơn sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta dùng đức tin để chống lại sợ hãi và chiến thắng sự cám dỗ làm tổn hại đến sự thiện và sự thật với những điều sai trái và lầm lạc.

Gioan Chrysostom mô tả cái chết của Gioan như một phần thưởng:

Bằng cách nào, người công chính này bị tổn hại bởi cái chết này, cái chết bạo lực này, các xiềng xích này, ngục tù này sao? Ai là người ông đã phục hồi địa vị – miễn là họ có khuynh hướng sám hối – vì những gì ông nói, vì những gì ông phải chịu đựng, vì những gì ông vẫn tuyên bố trong thời của chúng ta – cùng một sứ điệp ông giảng đang khi ông còn đang sống. Vì vậy, đừng nói: “Tại sao Gioan cho phép mình chết?” Vì những gì xảy ra không phải là cái chết, nhưng là phần thưởng, không phải kết thúc, nhưng là khởi đầu của một sự sống tuyệt vời hơn. Hãy học suy nghĩ và sống như người tín hữu. Bạn sẽ không chỉ được an toàn trước những sự kiện này, mà sẽ còn gặt hái được những ích lợi lớn lao nhất (Sự quan phòng của Thiên Chúa 22.10).

Bạn có cậy dựa vào ơn sủng và sự giúp đỡ của Thiên Chúa để chọn lựa đường lối thánh thiện của Người và loại trừ tất cả những gì có thể làm tổn hại đến đức tin và sự trung thành của bạn với Đức Giêsu Kitô không?

Lạy Cha trên trời, xin hình thành con nên giống Con Cha để con có thể bắt chước Người trong lời nói và việc làm. Xin giúp đỡ con sống trung thành với Tin mừng và ban cho con sức mạnh và lòng can đảm để con không chùng bước khi đương đầu với những nghịch cảnh và cám dỗ.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây