Chương trình chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha đến Síp và Hy Lạp

Thứ bảy - 27/11/2021 02:33
Chương trình chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha đến Síp và Hy Lạp
Đặng Tự Do14/Nov/2021


Trong thông báo được đưa ra hôm thứ Bẩy 13 tháng 11, Tòa Thánh đã cho biết chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Síp và Hy Lạp.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình dự kiến của ngài trong năm ngày, bao gồm một lịch trình bận rộn với các cuộc họp với chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo Giáo hội, các cử hành phụng vụ và các cuộc gặp gỡ đại kết. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ trở lại đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người di cư.

Vào ngày thứ Năm, 2 tháng 12, ngài sẽ rời Rôma để bay đến quốc đảo Síp, tiếng Anh là Cyprus, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều, nơi sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Vào lúc 4 giờ chiều, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite. Sau đó lúc 17h15, sẽ có lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống Nicosia. Kế đó, là cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Síp và cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Ngày hôm sau, vào sáng thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia, sau đó là cuộc gặp với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia. Kế tiếp, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia. Vào buổi chiều, ngài sẽ tham dự một buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.

Chi tiết chuyến tông du

Thứ Năm, ngày 2 tháng 12 năm 2021
Rôma - Larnaca - Nicosia
11h00 Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Rome / Fiumicino đến Larnaca
15h00 Đến Sân bay Quốc tế Larnaca
15h00 Nghi thức chào đón chính thức tại Sân bay Quốc tế Larnaca
16:00 Gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite
17:15 Lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống ở Nicosia
17:30 Cuộc gặp gỡ xã giao tại văn phòng tổng thống ở Phủ Tổng thống ở Nicosia
18:00 Cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại “Phòng nghi lễ” của Phủ Tổng thống ở Nicosia

Thứ Sáu, ngày 3 tháng 12 năm 2021
Nicosia
8:30 Chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia
9:00 Cuộc gặp gỡ với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia
10h00 Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia
16:00 Buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia

Thứ Bảy, ngày 4 tháng 12 năm 2021
Nicosia - Larnaca - Athens
9:10 Lễ nghi từ biệt tại Sân bay Quốc tế Larnaca
9:30 Khởi hành bằng máy bay đến Athens
11:10 Đến sân bay quốc tế Athens
11:10 Lễ nghi chào mừng chính thức tại Sân bay Quốc tế Athens
12h00 Lễ nghi chào mừng tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:15 Cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống tại văn phòng riêng tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:30 Cuộc gặp gỡ xã giao với thủ tướng chính phủ tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:45 Cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
16:00 Thăm xã giao Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo
16:30 Cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng” của Tòa Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Athens.
17:15 Gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens
18:45 Cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens

Chúa Nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021
Athens - Mytilene (Lesvos) - Athens
9:15 Khởi hành bằng máy bay đến Mytilene
10:10 Đến sân bay Mytilene
10:45 Thăm người di cư tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở Mytilene
12:15 Khởi hành bằng máy bay trở lại Athens
13:10 Đến sân bay quốc tế Athens
16:45 Thánh lễ tại “Phòng hòa nhạc Megaron” ở Athens
19:00 Chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens

Thứ Hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021
Athens - Rome
8:15 Tiếp Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens
9:45 Gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius của các nữ tu Ursula ở Maroussi, Athens
11:15 Lễ nghi tiễn biệt tại Sân bay Quốc tế Athens
11:30 Khởi hành bằng máy bay về Rôma
12:35 Đến Sân bay Quốc tế Rome / Ciampino

Source:Vatican News


Chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu đất nước và Giáo Hội tại Síp
Đặng Tự Do25/Nov/2021

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Tổng quan

Síp, tiếng Anh là Cyprus /saɪ-pɹəs/, có tên gọi chính thức là Cộng hòa Síp, là một đảo quốc có chủ quyền nằm tại phần phía đông của biển Địa Trung Hải. Đây là đảo có diện tích và dân số lớn thứ 3 trong biển này chỉ sau Sicily và Sardinia của Ý. Diện tích tổng cộng là 9,250 km2, trong đó có 10km2 là lãnh hải.

Síp nằm về phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây của Syria và Li Băng, cách bờ biển Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80 km. Vị trí bao quát và thuận lợi trên các đường dẫn đến kênh đào Suez đã nâng cao tầm quan trọng về chiến lược của đảo quốc này. Hai dãy núi Kyrenias trải dài ở bờ biển phía Bắc và dãy Troodhos phía Tây Nam chiếm phần lớn đất đai trên đảo, bị phân cách bởi đồng bằng trũng trải dài ở giữa.

Theo các bằng chứng khảo cổ học thì con người đã có những hoạt động đầu tiên trên đảo từ khoảng thiên niên kỷ thứ 10 trước Chúa Giáng Sinh và nơi đây có một số di tích giếng nước thuộc vào hàng cổ nhất trên thế giới. Người Hy Lạp bắt đầu đến định cư tại đảo vào thiên niên kỷ 2 trước Chúa Giáng Sinh. Do có vị trí chiến lược, hòn đảo đã lần lượt bị nhiều thế lực lớn chiếm đóng, như Đế quốc Assyriô, Ai Cập và Ba Tư, Đế quốc Ottoman, và sau đó là người Anh.

Ngày nay Síp là một quốc gia có chủ quyền, và là một địa điểm du lịch lớn, nổi tiếng tại Địa Trung Hải. Síp có một nền kinh tế tiên tiến với thu nhập cao, đồng thời có chỉ số phát triển nhân văn rất cao. Cộng hoà Síp là một thành viên của Khối Thịnh vượng chung Anh từ năm 1961 và là một thành viên tham gia sáng lập của Phong trào không liên kết tuy nhiên, nước này đã rời khỏi phong trào khi gia nhập Liên minh Âu Châu vào năm 2004.

Dân số của Síp là 776,000 dân trong đó 77% là người Hy Lạp, 18% là người Thổ Nhĩ Kỳ và số còn lại nhập cư từ các quốc gia khác, nhiều nhất là người Li Băng. Tháng 7 năm 2006, hòn đảo trở thành một thiên đường an toàn cho những người Li Băng tị nạn vì cuộc xung đột giữa Israel và quân du kích Hezbollah.

78% dân số theo Chính Thống Giáo Hy Lạp và 18% theo Hồi Giáo.

Lịch sử cận đại

Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã cai trị hòn đảo này từ năm 1571 đến 1878. Sau đó, Síp nằm dưới quyền quản trị của Đế quốc Anh vào năm 1878 và chính thức bị Anh Quốc thôn tính vào năm 1914. Sau giai đoạn đấu tranh giành độc lập bằng hình thức dân tộc chủ nghĩa bạo lực trong thập niên 1950, Síp chính thức được trao trả độc lập vào năm 1960.

Năm 1963, bạo lực giữa hai cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nổ ra, rồi sau đó kết thúc khi đại diện của cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ có được vị trí trong chính phủ. Ngày 15 tháng 7 năm 1974, các phần tử dân tộc chủ nghĩa gốc Hy Lạp tiến hành đảo chính trong nỗ lực nhằm hợp nhất hòn đảo vào Hy Lạp.

Động thái này dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội xâm chiếm Síp 5 ngày sau đó. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được một phần lãnh thổ nay là Bắc Síp. Ước tính có trên 150,000 người Síp gốc Hy Lạp và 50,000 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải di chuyển chỗ ở. Một nhà nước ly khai của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 1983. Tuy nhiên, động thái này bị cộng đồng quốc tế lên án và chỉ có duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia công nhận nhà nước mới này. Tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra cho đến tận ngày nay.

Chính trị

Síp là một quốc gia cộng hoà theo Tổng thống chế. Lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo chính phủ là Tổng thống, tổng thống được bầu qua một quá trình phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Quyền hành pháp do chính phủ đảm nhiệm và quyền lập pháp thuộc Nghị viện trong khi nhánh Tư pháp độc lập với cả nhánh lập pháp và hành pháp.

Hiến pháp năm 1960 quy định hành pháp, do một Tổng thống Síp gốc Hy Lạp và một Phó tổng thống Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Hai người này được các cộng đồng của mình bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm và mỗi người đều có quyền phủ quyết đối với một số quyết định hành pháp và lập pháp. Quyền lập pháp thuộc Nghị viện, với các đại biểu cũng được bầu lên trên căn bản tỷ lệ người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Síp hiện nay là ông Nicos Anastasiades. Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1946 đã giữ chức Tổng thống Síp từ năm 2013. Ông tái đắc cử vào năm 2018. Trước đó, ông là lãnh đạo của Đảng Dân chủ từ năm 1997 đến năm 2013 và là Thành viên Quốc hội thuộc đơn vị Limassol từ năm 1981 đến năm 2013.

Ông theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, đã kết hôn với Andri Moustakoudi vào năm 1971 và họ có hai con gái. Ông có một anh trai sinh đôi và một em gái. Gia đình Anastasiades đã hai lần bị dính líu vào các tai tiếng liên quan đến thị thực nhập cảnh. Năm 2001, anh trai sinh đôi của anh, là Pambos Anastasiades, bị kết án 18 tháng tù giam vì vai trò của anh ta trong một vụ bê bối về giấy phép lao động, được giới truyền thông gọi là “thị thực màu hồng”, cụ thể là giấy phép lao động cho phụ nữ nước ngoài làm việc trong ngành mại dâm bất hợp pháp. Năm 2019, gia đình Anastasiades lại dính líu với vụ “thị thực vàng” thu tiền của các doanh nhân Nga được cấp quyền công dân Síp.

Giáo Hội Công Giáo tại Síp

Đa số người Síp gốc Hy Lạp là thành viên của Giáo hội Chính thống Hy Lạp, trong khi hầu hết người Síp Thổ Nhĩ Kỳ là tín đồ Hồi giáo Sunni. Síp được kể là một trong những quốc gia có số người vô thần ít nhất tại Liên minh Âu Châu, cùng với Malta, Rumani, Hy Lạp và Ba Lan.

Tổng thống đầu tiên của Síp, Makarios III, là một Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo. Giáo hội Chính thống Síp được coi là quốc giáo.

Sự hiện diện của người Armenia ở Síp có từ năm 578. Hiện tại, Giáo Hội Armenia Tông Truyền vẫn duy trì được sự hiện diện đáng chú ý của mình với khoảng 3,500 người, chủ yếu sinh sống ở các khu vực đô thị Nicosia, Larnaca và Limassol.

Các tu sĩ dòng Phanxicô đã có mặt ở Síp kể từ khi Dòng Phanxicô được thành lập. Thật vậy, Thánh Phanxicô thành Assisi sinh năm 1182 và qua đời năm 1226, đấng sáng lập Dòng Phanxicô, đã đi qua Síp trong chuyến hành trình đến các Thánh Địa. Vào ngày 24 tháng 6 năm 1219, Thánh Phanxicô khởi hành từ Ancona, Ý, để đi đến Akko, một thị trấn phía bắc của Palestine trước khi đến Damietta, Ai Cập. Vào thời đó, tàu chủ yếu là tàu tuần duyên, tức là tầu chạy dọc theo bờ biển chứ không có tầu lớn vượt biển. Thời đó, từ Ancona muốn đến các bờ biển của Palestine, thì phải đáp một con tàu chạy dọc theo các cảng dọc theo bờ biển của Ý, Hy Lạp, xung quanh bán đảo Peloponese, Crete, quần đảo Cyclades, bờ biển Anatolia, đảo Rhodes, Cyprus, và cuối cùng đến Akko.

Người ta tin rằng Thánh Phanxicô đã dừng chân ở Síp một thời gian và nhìn thấy hòn đảo xinh đẹp này. Trong nhà thờ Công Giáo ở Kyrenia có một viên đá cẩm thạch nhỏ được chạm khắc những hình ảnh tượng trưng cho Thánh Phanxicô và một số anh em của ngài xuống tàu tại bến cảng Kyrenia. Có một điều chắc chắn là các tu sĩ Phanxicô đã ở Síp khi Thánh Phanxicô vẫn còn sống.

Hiện nay, Giáo Hội tại Síp có bốn giáo xứ, thuộc Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem. Đó là Nhà thờ Thánh Giá ở thủ đô Nicosia, Nhà thờ Thánh Catêrina ở quận Limassol, Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc ở quận Larnaca, Nhà thờ Thánh Phaolô ở quận Paphos.

Người Công Giáo chỉ mới có mặt một cách đáng kể tại Síp từ tháng 7 năm 2006, sau cuộc giao tranh kinh hoàng giữa Israel và quân du kích Hezbollah, khiến người Công Giáo Li Băng chạy qua đây. Đến nay, có khoảng 10,000 người Công Giáo ở Síp, tương ứng với hơn 1% dân số. Hầu hết người Công Giáo ở Síp theo nghi lễ Maronite.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Theo dự trù, ngày thứ Năm, 2 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ rời Rôma để bay đến quốc đảo Síp, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều, nơi sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Vào lúc 4 giờ chiều, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite. Sau đó lúc 17h15, sẽ có lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống Nicosia. Kế đó, là cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Síp và cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Ngày hôm sau, vào sáng thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia, sau đó là cuộc gặp với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia. Kế tiếp, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia. Vào buổi chiều, ngài sẽ tham dự một buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển.

Chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu đất nước và Giáo Hội tại Hy Lạp
Đặng Tự Do26/Nov/2021

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Tổng quan

Hy Lạp, tên gọi chính thức là Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực Nam Âu. Hy Lạp nằm ở phía nam của bán đảo Balkan, giáp với Albania, Bắc Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam đất nước còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của Hy Lạp là núi non hiểm trở. Lãnh thổ Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực biển Địa Trung Hải.

Hy Lạp rộng 131,957 km2 trong đó có 130,647 km2 là đất liền và 1,310 km2 lãnh hải.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời kỳ cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn minh khác xung quanh khu vực Địa Trung Hải cũng như để lại nhiều di sản, thành tựu triết học, tôn giáo, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho nhân loại tới tận ngày nay. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây, Thế vận hội Olympic cùng rất nhiều phát minh, sáng chế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật khác. Đến thời kỳ trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần 4 thế kỷ. Năm 1821, người Hy Lạp nổi dậy khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập.

Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổ chức Thương mại Thế giới. Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh Âu Châu.

Thủ đô của Hy Lạp là Athens hay còn gọi là Nhã Điển. Theo ước tính vào tháng 7 năm nay, Hy Lạp có 10,570,000 dân, trong đó 90% theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, và 2% theo Hồi Giáo.

Lịch sử cận đại

Vào khoảng cuối thế kỷ III, Đế chế La Mã phân chia thành hai phần: phía tây và phía đông. Hy Lạp trở thành một phần của Đế chế Đông La Mã, sau này đổi tên thành Đế chế Byzantine. Đế chế Byzantine là một nhà nước trung cổ theo Kitô Giáo, trong đó tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên sau đó, đế chế này đã dần dần bị suy yếu trước những cuộc tấn công của người Hồi giáo và cuối cùng sụp đổ vào năm 1453.

Dưới sự cai trị tàn bạo của Đế chế Ottoman theo Hồi giáo, một bộ phận lớn trí thức người Hy Lạp đã nhập cư vào Tây Âu, đặc biệt là Ý. Họ đã góp phần rất lớn trong Phong trào Phục hưng tại Âu Châu thời trung cổ. Một bộ phận khác thì rời bỏ bán đảo Hy Lạp và đến sống tại những vùng núi hoang vu hẻo lánh hay những hòn đảo trên biển Aegean, nơi mà Đế chế Ottoman không thể áp đặt hệ thống chính trị và tôn giáo của họ lên người Hy Lạp. Những cộng đồng người Hy Lạp được củng cố với nhau do cùng chung cơ sở tôn giáo là Chính thống giáo và tôn giáo đã đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Hy Lạp sau này.

Tháng 3 năm 1821, cuộc chiến tranh giành độc lập Hy Lạp chống lại Đế chế Ottoman bùng nổ mạnh mẽ. Cuộc chiến này kéo dài cho đến tận năm 1829, khi nền độc lập của nước Hy Lạp non trẻ chính thức được công nhận tại Nghị định thư Luân Đôn. Năm 1832, Đế chế Ottoman đã phải thừa nhận nền độc lập của Hy Lạp trong Hiệp ước Constantinople.

Ngày 28 tháng 10 năm 1940, nhà độc tài Ý Benito Mussolini gửi tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp đầu hàng và cho quân phát xít chiếm đóng lãnh thổ. Người Hy Lạp đã kiên quyết nói không và đứng về phe Đồng Minh chống lại lực lượng phát xít. Ngay lập tức, quân phát xít Ý đã tràn vào chiếm đóng Hy Lạp từ miền nam Albania nhưng đã vấp phải sự kháng cự hiệu quả của quân đội Hy Lạp. Tiếp theo đó là trận đánh tại dãy núi Pinlus đã khiến cho quân Mussolini bị đẩy lùi. Lúc đó, Adolf Hitler mới nhận ra vị trí chiến lược của Hy Lạp và hạ lệnh cho quân phát xít Đức và Bulgaria tràn vào lãnh thổ nước này.

Sự xâm lược của phát xít Đức vào ngày 6 tháng 4 năm 1941 đã hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp. Nước này trở thành một chiến trường ác liệt cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1944, khi thành phố Athens được quân Đồng Minh giải phóng. Trong thời gian cai trị của phát xít Đức, nhiều người Do Thái tại Hy Lạp đã bị đẩy vào các trại tập trung và giết hại. Nạn đói sau chiến tranh đã giết chết khoảng 300.000 người.

Sau khi được giải phóng khỏi ách cai trị của phát xít Đức, cuộc nội chiến Hy Lạp bùng nổ giữa những người cánh tả và cánh hữu. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1946 đến năm 1949, khi lực lượng cánh tả bị đánh bại tại trận Grammos-Vitsi. Trong các thập niên 1950, 1960, Hy Lạp đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc do nằm trong Kế hoạch Marshall của Mỹ.

Bắt đầu từ năm 1965, Hy Lạp lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị khiến tình hình đất nước trở nên hỗn loạn và rơi vào một chế độ đậc tài.

Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp. Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài tại Hy Lạp vào ngày 23 tháng 7 năm 1974.

Ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ, cựu thủ tướng Konstantinos Karamanlis đã từ Pháp trở về Hy Lạp và thành lập Đảng Dân chủ Mới. Chính phủ dân chủ được tái thành lập tại Hy Lạp và bản hiến pháp dân chủ của nước cộng hòa được ban hành vào năm 1975. Chế độ quân chủ ở Hy Lạp chính thức bị giải tán trong một cuộc trưng cầu dân ý cùng năm.

Chính trị

Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống đã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia.

Quốc hội Hy Lạp có tổng cộng 300 ghế. Những cuộc bầu cử quốc hội thường được tổ chức 4 năm một lần tuy nhiên tổng thống có quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Từ khi Hy Lạp quay trở về tiến trình dân chủ từ năm 1975, Hy Lạp đã trở thành một quốc gia theo chế độ đa đảng. Hai đảng có vai trò quan trọng nhất trên chính trường Hy Lạp là Đảng Tân Dân chủ và Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp.

Tổng thống Hy Lạp ngày nay là bà Katerina Sakellaropoulou, một tín hữu Chính Thống Giáo Hy Lạp, và là phụ nữ đầu tiên làm tổng thống ở quốc gia này. Bà sinh ngày 30 tháng 5 năm 1956, đã giữ chức Tổng thống Hy Lạp kể từ ngày 13 tháng 3 năm ngoái 2020. Trước khi được bầu làm Tổng thống Hy Lạp, Sakellaropoulou từng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà hiện sống với luật sư Pavlos Kotsonis và đã có một con từ cuộc hôn nhân trước đó.

Thủ tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis, theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, thuộc Đảng Tân Dân Chủ. Kyriakos Mitsotakis sinh ngày 4 tháng 3 năm 1968) là một chính trị gia người Hy Lạp và là Thủ tướng Hy Lạp kể từ ngày 8 tháng 7 năm 2019. Ông là con trai của cựu Thủ tướng Konstantinos Mitsotakis. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp là ông Alexis Tsipras, một người vô thần thuộc Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Alexis Tsipras nhậm chức Thủ tướng ngày 21 tháng 9 năm 2015 và lập tức tung ra các chính sách chống lại các giá trị truyền thống của Kitô Giáo.

Ngày 23 tháng 7, 2018, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã diễn ra tại các khu vực quanh thủ đô Athens làm hơn 60 người bị thiệt mạng. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong tư thế như ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của các đường lối bài Kitô Giáo của Alexis Tsipras. Nhờ đó, chỉ vài tháng sau, Đảng Tân Dân Chủ đã chiến thắng vẻ vang.

Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp

Năm 1054 đã xảy ra biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội là cuộc đại ly giáo Đức Thượng Phụ Michael Celarius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople và Đức Thánh Cha Lêo IX đã bất đồng sâu sắc đến mức đôi bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau vì những bất đồng liên quan đến tín lý và đặc biệt là về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Rôma.

Từ đó trên mảnh đất Hy Lạp gần như chỉ có Chính Thống Giáo. Dưới thời Đế chế Ottoman, việc hình thành một cộng đồng Công Giáo theo nghi lễ Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ có thể thực hiện được sau năm 1829 khi Quốc Vương Mohammed II loại bỏ các hạn chế trước đó.

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Latinh, là Cha John Marangos, bắt đầu công việc truyền giáo trong Chính thống giáo Hy Lạp ở Constantinople vào năm 1856 và cuối cùng thành lập được một nhóm rất nhỏ người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương. Năm 1878, ngài chuyển đến Athens, nơi ngài qua đời năm 1885, và công việc của ngài tại Constantinople được tiếp tục bởi Cha Polycarp Anastasiadis, một cựu sinh viên tại Trường Thần học Chính thống giáo tại Halki. Vào những năm 1880, các cộng đồng Công Giáo Byzantine cũng được hình thành tại hai ngôi làng ở Thrace.

Năm 1895, các Thừa Sai người Pháp bắt đầu làm việc tại Constantinople, nơi các ngài thành lập một chủng viện và hai giáo xứ Công Giáo Byzantine nhỏ bé.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1911, Đức Giáo Hoàng Piô X đã thành lập một Giáo Hạt Tòng Nhân cho người Hy Lạp ở Đế quốc Ottoman và vào ngày 28 tháng 6 năm đó, bổ nhiệm Cha Isaias Papadopoulos làm giám mục tiên khởi. Ngài được kế vị vào năm 1920 bởi Đức Cha George Calavassy. Nhiệm vụ của ngài là giám sát việc di tản của hầu như toàn bộ cộng đồng Công Giáo Byzantine từ Constantinople sang Athens, và từ hai ngôi làng ở Thrace đến một thị trấn ở Macedonia. Đây là một phần của cuộc trao đổi dân cư chung diễn ra giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1920. Năm 1922, Đức Cha Calavassy dời các văn phòng của mình đến Athens, và vào năm 1923, Giáo Hạt Tòng Nhân được nâng lên hàng Miền Phủ Doãn Tông Tòa. Năm 1932, Miền Phủ Doãn Tông Tòa được chia thành hai: Đức Cha Calavassy vẫn ở Athens, trong khi một Giám Mục khác được bổ nhiệm đến Istanbul.

Mặc dù sự hiện diện của người ở Hy Lạp đã làm dấy lên sự giận dữ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo địa phương, những người Công Giáo Hy Lạp này vẫn quyết tâm phục vụ đồng hương của họ bằng các công việc bác ái và trợ giúp xã hội. Năm 1944, họ thành lập bệnh viện Pammakaristos ở Athens, được biết đến như một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn quốc.

Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp vẫn rất thù địch với ý tưởng về sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp, mà họ coi đó là sự sáng tạo vô lý của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh thổ Chính thống giáo. Ở Hy Lạp ngày nay, các linh mục Công Giáo vẫn bị cấm mặc các phẩm phục đặc trưng của hàng giáo sĩ. Năm 1975, một giám mục mới được bổ nhiệm cho người Công Giáo Byzantine ở Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng giám mục Chính thống giáo của Athens.

Cộng đồng Công Giáo Hy Lạp vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 6,000 tín hữu. Ở Hy Lạp, hầu hết các tín hữu sống ở Athens, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, một giáo xứ nhỏ tồn tại ở Istanbul, hiện không có linh mục. Có bảy linh mục phục vụ Giáo Hội ở Hy Lạp, tất cả đều tuân giữ luật độc thân linh mục và theo nghi thức Latinh.

Ngày 2 tháng 2, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Manuel Nin, dòng Salêsiêng làm Giám Mục Miền Phủ Doãn Tông Tòa Hy Lạp thay cho Đức Cha Dimitrios Salachas vì lý do tuổi tác. Đức Cha Manuel Nin năm nay 65 tuổi. Đức Cha Dimitrios Salachas 82 tuổi.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây