Ánh Sáng Đức Tin

Thứ hai - 16/03/2020 20:51
Ánh Sáng Đức Tin
CN 4 CHAY A


Trong những ngày này, cả thế giới đang lao đao vì những con virus Corona bé xíu. Số nạn nhân tăng luỹ tiến từng ngày khiến tất cả thế giới ít nhiều đều cảm thấy sợ hãi. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều bị con virus nhỏ nhoi này làm tổn hại, đến độ có thể phá sản. Ngay cả lĩnh vực tôn giáo cũng không ngoại lệ. Các nhà thờ phải đóng cửa… Không một người vô tư nào có thể không cảnh giác và không thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình và người thân trước nguy cơ bị lây nhiễm.Từ cái ngày mà Covid-19 đi vào đời sống của con người cho tới nay, không biết rõ bao nhiêu người đã tử vong vì nó, bao nhiêu người đã chết ở các bệnh viện, và bao nhiêu người đã qua đời ở bên ngoài kia. Những điều tra và nghi vấn có thể sẽ chấm dứt khi thời gian trôi đi, và sẽ mãi là bí ẩn không lời giải?

 
  1. Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ thời đại ?

Nếu đọc qua những lá thư của Giáo Hội liên quan đến lần đại dịch này, chúng ta dễ dàng nghe được những lời mời gọi nguyện cầu và trở về với Thiên Chúa. Nhất là mùa dịch đang diễn ra trong Mùa Chay, lời gọi ấy lại càng thống thiết hơn. Hẳn nhiên, đó luôn là sứ mạng của Giáo Hội, để giúp con người trung tín vào Thiên Chúa. Trong cảnh dịch lan tràn như hiện nay, Giáo Hội càng nhìn thấy nơi đó một dấu chỉ lớn lao. Vì trong đau khổ và nghịch cảnh, một mặt người tín hữu dễ phớt lờ tiếng nói của Thiên Chúa trong biến cố này; mặt khác, Giáo Hội luôn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Hoặc nói như Clive Staples Lewis: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (x. Youcat số 51).
Chắc chắn virus Corona đang ảnh hưởng không chỉ đến tính mạng nhiều người, nó còn tác động đến hầu hết khía cạnh của đời sống. Có người ví đó như cuộc chiến tranh mà toàn thế giới phải chống chọi. Mỗi tín hữu cũng không miễn nhiễm với con virus này. Cứ nhìn thành đô Rôma tráng lệ, đông đúc người hành hương, thì trước virus Corona, mọi chương trình, thánh lễ công cộng đều tạm ngưng. Điều ấy có nghĩa là người ta đang có biện pháp cực mạnh để hy vọng ngăn ngừa được sức công phá của virus.
Trong bầu không khí ấy, dĩ nhiên, Giáo Hội thấy được nỗi đau đớn, hoảng sợ của người dân. Giáo Hội thấy nơi đó một lời mời gọi để con người cần hoán cải, sám hối và ăn năn nhiều hơn. Giáo Hội đang tiếp tục lắng nghe tiếng Chúa trong những biến cố của thế giới, nhất là lần đại dịch này. Phải chăng Thiên Chúa muốn nhắc cho con người về thân phận mỏng dòn, mong manh và phải chết ? Phải chăng con người toàn năng có thể làm được mọi thứ, có thể tiêu diệt được địch thù đang tấn công nhân loại ? Phải chăng virus Covid-19 là hệ quả của những lầm lạc và kiêu ngạo của con người ? Hình như con người chia phe nhóm đấu đá, đến nỗi hậu quả là chết chóc tang thương ? Hoặc là, virus này khiến thế giới bừng tỉnh về một viễn tượng thiên đường do chính con người có thể tạo nên bằng quyền lực, tranh giành và cố chấp ? v.v.
Danh sách câu hỏi trên đây có thể dài vô tận mà mỗi người có thể đặt ra trước con virus này. Đừng quên, Giáo Hội luôn nhớ sứ mạng của mình là chăm chú tìm kiếm, lắng nghe, khám phá tiếng nói, cũng như hoạt động của Thiên Chúa trong dòng lịch sử qua những dấu chỉ thời đại. Sẽ không thừa khi Giáo Hội thống thiết nhắc con cái mình về một dấu chỉ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đó là thời cơ để con người khiêm tốn hơn, nhìn nhận thân phận và vị trí của mình trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. (x.Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ thời đại ? Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J; dongten.net).

Giờ đây, bất lực trước Corona, người ta mới thấy chốn nương tựa duy nhất của mình chỉ có thể là Thiên Chúa. Tất cả mọi tín đồ đều ngước nhìn về Thần Linh của mình, xin ơn khoẻ mạnh, bình an, xin cho các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị.

2. Hậu quả do tội của anh ta hay cha mẹ anh ta?

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, các môn đệ có cuộc tranh luận với Đức Giêsu: Lý do nào dẫn đến nỗi đau của anh mù? Đó là hậu quả do tội của anh ta hay cha mẹ anh ta?
Đức Giêsu bác bỏ quan niệm của những người đương thời và cũng có thể là của một số trong chúng ta: anh ta không phải bị phạt vì đã phạm tội. Đức Giêsu không đưa ra một lời giải thích cho tất cả sự ác trên thế giới. Thay vào đó, Người lại nhắm đến những nhu cầu của người thanh niên đang đứng trước mặt mình. Việc anh mù được chữa lành biểu lộ sự hiện diện năng động của Thiên Chúa trong thế giới này. “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.
Cha mẹ anh ta và cả những người láng giềng cùng những người Pharisêu đều đã không “nhận ra” công trình của Thiên Chúa được bày tỏ qua việc anh được chữa lành. Họ không trông thấy những điều Thiên Chúa đã thực hiện. Và anh mù cũng không hiểu ngay được rằng điều gì đã xảy ra cho mình. Anh dần biết rõ về Đức Giêsu sau khi bị các nhà cầm quyền liên tục chất vấn, và sau đó cuộc trò chuyện với Đức Giêsu đã cho anh được “sáng mắt”.
Đức Giêsu đã trông thấy và dừng lại trước “người mù từ thuở mới sinh”. Người không những chữa lành cho anh, mà sau đó còn đi tìm kiếm anh, trò chuyện với anh và đưa anh tới đức tin. Khi chữa cho anh mù được sáng mắt, Đức Giêsu đã cho anh bước những bước thật dài trên hành trình đức tin. Nhờ vậy, từ sự yếu kém ở chỗ chỉ coi Đức Giêsu như một con người bình thường, trải qua bao khó khăn thử thách, đức tin của anh đã tiến triển không ngừng và đạt đến mức thập toàn khi xác tín rằng Đức Giêsu là vị ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến, và là Con Người.
  1. Ánh Sáng Đức Tin
Trong thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin”, Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành ngày 29.6.2013, có đoạn: “Đức tin như một thính giác và thị giác” gồm ba số 29, 30, 31. Đức tin là một hồng ân siêu nhiên Chúa ban cho con người. Đức tin trở thành ánh sáng hướng dẫn suốt hành trình cuộc đời mỗi người. Người “mù từ thưở mới sinh” đã nghe thấy, rồi cảm thấy Đức Giêsu và đã được Chúa mở mắt để anh ta nhìn thấy và tin vào Người.
“Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12). Đức Giêsu là ánh sáng, Người thi hành sứ vụ trong thế gian bằng lời nói và việc làm của mình. Người mời gọi thính giả và độc giả “làm sự thật” và “đến với ánh sáng”, “đi theo” Người  để “không bước đi trong bóng tối”  và “có ánh sáng của sự sống”. Đức Giêsu đề nghị với đám đông bước đi trong ánh sáng khi ánh sáng còn ở giữa họ. Người mời gọi họ “tin vào ánh sáng” để “trở nên con cái ánh sáng”. Như thế, người tin vào Đức Giêsu thì không ở lại trong bóng tối. Đức Giêsu nói đến những ai “thấy ánh sáng của thế gian này” thì không vấp ngã, còn những ai “ánh sáng không ở trong người ấy” thì vấp ngã (Ga 11,9-10). Nghĩa là “thấy Đức Giêsu” và “có Đức Giêsu ở với mình” thì sẽ vững vàng tiến bước trong ánh sáng của sự sống.
Hãy luôn cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức tin, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường phải đi và những việc phải làm để đạt đến hạnh phúc thật.
Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy. Thấy nhiều hay ít. Thấy xa hay gần. Thấy rõ hay mờ. Người cận thị chỉ thấy được rất gần. Người viễn thị thì thấy xa hơn. Cần có thị giác tốt và thị lực tốt, đôi mắt mới sáng ngời. Thị lực còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác. Thị lực còn là niềm tin.
Người mù tuy mù nhưng lại có thị lực tốt. Anh đã thấy được Ðức Giêsu là một ngôn sứ. Anh thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giêsu đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt. Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin. Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng. Ðức Giêsu đem lại ánh sáng cho người mù, còn những kẻ vốn nhìn thấy lại trở nên đui mù. Trước sự chống đối của người Pharisêu, Đức Giêsu trả lời: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn”.

Cầu nguyện
“Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời… xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn” (lời nguyện nhập lễ)
Lạy Chúa, xin ban thêm ánh sáng đức tin cho chúng con : “Để trong hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn, khỏe mạnh hay dịch bệnh, Giáo Hội, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi mỗi người chúng con nhạy bén nhận ra dấu chỉ thời đại. Nó đang diễn ra trước mắt chúng con. Ước gì mỗi người chúng con luôn lắng nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang lớn tiếng trong cơn dịch này”.
Lạy Chúa, xin ban thêm ánh sáng đức tin cho chúng con; dể con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt ; để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên, để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa.

Và lạy Chúa, xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây