Khoảng cuối tháng 5 vừa qua, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan mạnh ở Philippines, cộng đoàn chúng tôi ở Manila đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với tình hình mới. Mọi sinh hoạt trong nhà được sắp xếp lại. Một số việc trước đây thuê nhân viên từ bên ngoài làm thì bây giờ anh em chúng tôi thay nhau đảm nhiệm. Chúng tôi cũng mời chuyên gia y tế đến chia sẻ những kiến thức căn bản về việc phòng ngừa và chẩn đoán bệnh do virut này gây ra.
Việt Nam lúc đó là một hiện tượng, vì chúng ta có rất ít ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và không có bệnh nhân nào tử vong. Vị chuyên gia cũng đã phân tích những nguyên nhân vì sao Việt Nam lại khống chế dịch tốt như vậy. Tuy nhiên ông lại kết luận một câu nghe có vẻ bi quan: “Nhưng Việt Nam không thể giữ tình trạng đó mãi được, chắc chắn dịch sẽ bùng phát trở lại, vấn đề chỉ là thời gian!”
Dù biết nhận định trên hợp lý, nhưng lúc đó tôi vẫn không muốn tin. Tôi vui vì thực tế là đã mấy tháng trời trôi qua mà Việt Nam vẫn không có thêm một ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều ấy đã đến. Những gì đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay khiến tôi nhớ lại lời tiên báo trên đây.
Ngay lúc này tình hình dịch bệnh ở Philippines có thể nói là rất trầm trọng, với khoảng 2000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tôi luôn cầu mong cho nước mình đừng đến mức vỡ trận như vậy. Tôi tin rằng chính quyền các cấp ở Việt Nam đang nỗ lực hết sức để hạn chế sự lây lan của virus. Đội ngũ nhân viên y tế trở thành những chiến sĩ trên tuyến đầu chống đại dịch.
Tôi nghĩ thái độ quan trọng nhất chính là can đảm đối diện với những gì đang diễn ra. Đơn giản chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Sống chung với lũ! Cách đây mấy tháng, chúng tôi nhận một thông báo chính thức từ cơ quan y tế của Philippines, rằng cho đến khi tìm ra được vắc-xin thì người dân đừng mong đợi được trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Họ được khuyến khích phải chấp nhận một cuộc sống mà chúng ta vẫn gọi là bình thường mới. Điều này có nghĩa là có những thứ sẽ bị xáo trộn. Các chương trình lễ hội, các buổi hội họp bị hủy bỏ; người dân không được đến nhà thờ mà phải dự lễ online. Học tập và họp hành cũng phải tiến hành trực tuyến. Tất nhiên thời gian đầu chúng tôi gặp nhiều bỡ ngỡ, và cả rắc rối nữa. Thế nhưng dần dần mọi người bắt đầu làm quen với cuộc sống bình thường mới này.
Vì tình hình dịch bệnh, cánh cửa quay về nếp sống cũ đã đóng lại nhưng một cánh cửa khác lại mở ra với nhiều điều thú vị. Những than phiền lo lắng ban đầu đã nhường chỗ cho thái độ tìm tòi, học hỏi để thích nghi với điều kiện sống mới. Chúng tôi bắt đầu làm quen với những khóa học online, thành thạo hơn với các kênh kết nối như Zoom, Google Meet, Viber, Telegram, Canvas…
Các vị giáo sư lớn tuổi cũng phải tìm tòi học hỏi cách dạy online sao cho hiệu quả. Nhiều linh mục cũng bỡ ngỡ khi dâng lễ trước Camera. Sau vài lần, các cha lại kết nối không chỉ với những gương mặt quen thuộc, mà cả với rất nhiều người trên thế giới. Việc mua sắm sử dụng đồ dùng và thực phẩm trong nhà cũng được tính toán kỹ lưỡng hơn để làm sao hạn chế tối đa chuyện đi ra tiếp xúc với bên ngoài. Mỗi người tự giác điều chỉnh chế độ ăn uống nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe của mình một cách hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Tất cả mọi người đều ý thức rằng mình đang sống trong tình trạng bình thường mới.
Đó là những gì diễn ra trong cộng đoàn nhà tu nơi tôi đang ở. Người dân bên ngoài thì sao? Tôi có thể hình dung là cuộc sống của họ phải khó khăn hơn rất nhiều. Hằng ngày họ vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, ổn định cuộc sống. Vì buộc phải sống và làm việc trong môi trường dịch bệnh có nguy cơ lây lan nên người dân nghèo tìm cách bảo vệ chính mình trong phạm vi khả năng của họ: giữ khoảng cách, mang khẩu trang, dùng cồn sát khuẩn…
Tôi có quen một gia đình gồm 15 người 3 thế hệ sống chung trong một căn hộ nhỏ hẹp ở một vùng nghèo ven thủ đô Manila. Khi dịch bùng phát, tôi thấy lo cho họ, vì vùng đó đã có 2 người nhiễm Covid-19. Đáng lo là tập quán sinh hoạt của người dân ở đó rất thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Điều gì đến cũng phải đến, cách đây 1 tuần họ nhắn tin xin cầu nguyện, vì người bố trong nhà đã bị nhiễm virus, những người còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Ít ngày sau họ báo kết quả là có thêm 2 người trong nhà bị nhiễm. Thực ra con số này thấp hơn rất nhiều so với dự đoán của tôi, vì tôi hình dung nhà ở chật chội như vậy thì một người nhiềm sẽ lây lan cho tất cả mọi người khác.
Chính những người nghèo như họ là thầy dạy tôi về thái độ sống trong cuộc sống bình thường mới:
Tôi lại nghĩ về tình hình ở Việt Nam lúc này. Đang yên đang lành tự nhiên dịch bệnh bùng phát, lây lan khắp nơi. Ai mà chẳng lo. Một mặt, chúng ta phải áp dụng nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và cho cộng đồng mình tiếp xúc, tích cực cộng tác với chính quyền trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải thay đổi chính mình, từ thái độ cho đến tập quán sinh hoạt, để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đợt dịch trước, chúng ta đã nói về cuộc sống bình thường mới. Dường như người Việt nói chung vẫn chưa sẵn sàng để hiểu và đón nhận cuộc sống bình thường mới. Hoặc đúng hơn, chúng ta đang trở lại đời sống bình thường, dịch lại tái phát.
Chúng ta hiểu rằng, chừng nào chưa tìm ra vắc-xin thì người ta vẫn phải sống cuộc sống bình thường “mới”, tạm quên cái “cũ” đi. Cuộc sống bình thường mới sẽ gây ra nhiều xáo trộn và khó khăn. Tuy vậy ai cũng hy vọng cuộc sống này dù là “mới” nhưng nó rất “bình thường”. Vấn đề là chúng ta phải tập làm quen để dần dần thích nghi với nó. Cuộc sống bình thường mới sẽ là cuộc sống của chúng ta, ít ra là trong thời điểm hiện tại. Chúng ta không thể và cũng không cần phải chạy trốn. Đừng sợ!
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn