Cộng đoàn thánh hiến là hồng ân đến từ Thiên Chúa và là một mầu nhiệm bắt nguồn từ chính trọng tâm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh[1], với thành viên là các ngôi vị trưởng thành, đầy yêu thương và tự do, nên một trong khác biệt. Chính Chúa Cha đã kêu gọi mỗi người trong sự tự do và với sức mạnh của Thánh Thần tình yêu, để tiến bước theo sát Đức Kitô hơn trong một cộng đoàn huynh đệ. Có thể nói, các cộng đoàn thánh hiến là nơi mà huyền nhiệm của con người chạm đến được huyền nhiệm Thiên Chúa trong các mối tương quan ngôi vị[2]. Và chính nơi đây, sự gặp gỡ với Đức Kitô qua Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể sẽ được kéo dài trong sự gặp gỡ với anh chị em.
Trước khi là một kiến trúc của con người, cộng đoàn thánh hiến đã là một hồng ân của Thiên Chúa. Cộng đoàn được quy tụ nhân danh Chúa và được xây dựng thành một gia đình thực sự do tình yêu của Thiên Chúa được đổ đầy tràn trong tâm hồn mỗi người nhờ Thần Khí. Vì thế, không thể nào hiểu được cộng đoàn tu trì nếu chúng ta không bắt đầu từ bản chất của cộng đoàn như là một ân huệ từ trên cao ban xuống[3]. Quả vậy, việc thành lập, duy trì và thăng tiến cộng đoàn là công trình của Chúa Thánh Thần với sự cộng tác của chúng ta.
Trước hết, chính Thánh Thần là tình yêu của Cha và Con đã quy tụ anh chị em lại để hiệp nhất họ với Đức Kitô. Hồng ân cộng đoàn được xây dựng trên mầu nhiệm ơn gọi của đức tin để làm nên một cộng đoàn yêu thương. Nghĩa là người tu sĩ yêu thương người khác không đơn giản chỉ vì họ đã được yêu thương, mà quan trọng là vì họ đã cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương. Cũng vì tình yêu mà nơi đây mọi người chấp nhận nhau như chính họ là. Từ niềm xác tín đời sống cộng đoàn là một hồng ân mà mỗi thành viên trong đó sống chiều kích đức tin, kết hợp siêu nhiên trong tự nhiên để tạo thế quân bình trong đời sống. Mỗi người mang hình ảnh Thiên Chúa và chỉ có sự kết hợp trong cộng đoàn mới làm cho hình ảnh ấy sống động.
Hồng ân cộng đoàn cũng được thể hiện trong tình hiệp thông huynh đệ. Hiệp thông không dừng lại ở việc hòa hoãn các xung khắc, nó cũng không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó. Nhưng còn phải là nơi Thiên Chúa ngự và đáng được Chúa chúc lành, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa Phục Sinh[4] và thừa hưởng hoa trái của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chính nơi cộng đoàn mà người thánh hiến được huấn luyện để trưởng thành trong đời sống và nhận rõ ơn gọi của chính bản thân mình.
Mặt khác, con người không bao giờ là một thực thể đã hoàn thành, mà luôn luôn trên đường phát triển, tiến tới thành toàn, thể hiện sự hoàn thiện theo dòng thời gian. Hội Dòng, cộng đoàn và những người chị em bên cạnh luôn là công trình và quà tặng của Thiên Chúa ban trên hành trình cuộc đời mỗi người. Nơi đây, phép lạ đã không ngừng xảy ra và đem đến cho chúng ta niềm vui thật, hạnh phúc thật từ sau những gặp gỡ và trao ban. Gặp gỡ với Đức Giêsu là trung tâm tình yêu và cuộc sống; gặp gỡ với chị em là nguồn động lực giúp nhau thăng tiến; và gặp gỡ chính mình trong sự phong nhiêu của một tâm hồn được lấp đầy bởi chính Chúa. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu cá vị với Đức Giêsu mà mỗi người được dạy bảo, được múc lấy nguồn sống và nguồn sinh lực thiêng liêng để tiến đến cuộc gặp gỡ hoàn toàn mới với các chị em.
Phép lạ này của đời sống chung không chỉ hệ tại do thiện chí nỗ lực của bản thân mỗi người, do phép lịch sự tối thiểu, sự khôn ngoan hay lòng đạo đức của con người – những điều này đem lại lợi ích nhưng chưa đủ. Nhưng điều quan trọng chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng dệt nên mọi sự, mà theo bản tính tự nhiên của con người là điều không thể. Thánh Thần luôn dạy chúng ta cách sống tương quan huynh đệ với các chị em trong cộng đoàn cho đượm tình người và nhắc nhở chúng ta về tương quan tuyệt vời với Đức Giêsu.
Tự nguyện tuyên khấn trong Hội dòng cũng đồng nghĩa với việc người tu sĩ tự nguyện chọn và đón nhận tất cả những gì thuộc về Hội dòng, chọn tinh thần dòng cùng những nhân đức mà tinh thần đó nhập thể vào, chọn và yêu mến đặc sủng được ban cho hội dòng, cùng những tác vụ mà hội dòng tận hiến mình để thi hành, chọn gia sản cùng các phần tử làm nên Hội dòng, những con người và cả những thiếu sót thuộc về nơi đây[5]. Đáp lại ơn kêu gọi của Thiên Chúa để chấp nhận thuộc về một Hội dòng là chúng ta chấp nhận gắn mình với toàn thể các thành viên trong Hội dòng, chấp nhận đi vào mối tương liên với các thành viên khác để làm cho Hội dòng sống và phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cũng khẳng định rằng, trong đời sống thánh hiến, mọi người được mời gọi sống với nhau trong cùng cộng đoàn, không phải do chọn lựa, nhưng do lời mời gọi. Động lực sự hiệp thông của người thánh hiến xuất phát từ một ơn gọi, một sứ mạng, một niềm hy vọng thánh hóa. Sau lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi thưa “xin vâng” với tất cả anh chị em mình. Xét về mặt con người, điều này xem ra là một thách thức lớn. Nhưng vì tin rằng chính Thiên Chúa đã chọn gọi từng người sống trong cộng đoàn này, nên chúng ta không còn dựa vào các khả năng loài người của chính mình hoặc các mối thiện cảm riêng, nhưng dựa vào Đấng đã kêu gọi chúng ta sống chung với nhau. Người sẽ ban cho chúng ta một con tim mới và một tinh thần mới để giúp ta trở thành những nhân chứng tình yêu qua đời sống huynh đệ trong cộng đoàn.
Những người anh chị em bên cạnh là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cho mỗi người, và cũng là dấu chỉ ta đã hoàn toàn tự do để chọn thuộc về Thiên Chúa và thuộc về nhau trong Hội dòng. Chúng ta đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban mỗi người cho nhau, để cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất và cùng nhau sống giao ước thánh hiến một cách triển nở. Người hiến mình cho Thiên Chúa qua việc khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm cũng đồng thời hiến thân cho gia đình Hội dòng của mình, trở nên anh chị em của tất cả mọi thành phần khác trong gia đình này. Bởi vì tuyên khấn không chỉ là một giao ước với Thiên Chúa mà còn là một cam kết với anh chị em trong hội dòng để cùng nhau nên thánh và phục vụ các linh hồn.
Cộng đoàn tu sĩ tuy cùng xuất phát từ một lý tưởng tận hiến, một định hướng siêu nhiên nhưng lại tập hợp những con người hoàn toàn khác nhau về môi trường văn hóa, hoàn cảnh gia đình, khác nhau về tính tình, tuổi tác, về cách suy nghĩ và cả về những kinh nghiệm sống. Tiếng gọi thì vô biên bất tận mà người được gọi là một thụ tạo mỏng giòn, hữu hạn, mong manh yếu đuối. Mỗi thành viên trong cộng đoàn là một viên ngọc mà Thiên Chúa đã lựa chọn nhưng là một viên ngọc được đựng trong chiếc bình mong manh dễ vỡ, tiêm nhiễm bởi các thứ bụi trần[6].
Vì được xây dựng trên sự yếu đuối của con người, cộng đoàn tu sĩ mang nơi mình những vết thương cần được chữa lành, những vết rạn nứt đang chờ được hàn gắn, những khổ đau đang chờ giải cứu và những chia rẽ đang phá hại tình huynh đệ cộng đoàn[7]. Tuy nhiên cần nhận thấy rằng, tất cả những yếu đuối ấy không làm mất đi tính cách thánh thiêng của một cộng đoàn tu trì, trong đó Đức Kitô là Đầu và mỗi người là một bộ phận của thân thể duy nhất (x. 1Cr 12,27). Đây mãi là cộng đoàn đang hướng về Thiên Quốc, đang mỗi ngày cố gắng cởi bỏ con người cũ, con người của xác thịt để thực thi tình huynh đệ chân thành với mối dây liên kết chính yếu là đức ái. Nhờ đức ái, tinh thần tự hiến cho nhau được tỏ lộ và tình huynh đệ được xây dựng dựa trên nền tảng tương quan liên đới, tôn trọng, phục vụ, tin tưởng, khuyến khích nhau và chấp nhận những yếu đuối của nhau.
Trong tư cách là những người được Thiên Chúa tuyển lựa và hiến thánh, mỗi người đều cảm thấy đòi hỏi sâu xa là phải hoán cải không ngừng và nên thánh thiện[9] qua việc thay đổi tận căn con người mình và sống tình hiệp thông sâu xa. Tình hiệp thông này đòi hỏi nhiều hy sinh, tha thứ và lòng đại lượng. Việc kiên trì xây dựng cộng đoàn mỗi ngày diễn ra trên đường thánh giá và đòi hỏi chị em phải bỏ mình thường xuyên. Trong đời sống tương quan huynh đệ, tha nhân là nơi ưu tiên mời gọi tôi hoán cải. Không phải chỉ vì họ buộc tôi phải ra khỏi hay vượt lên chính mình, nhưng còn vì họ đã vén mở cho tôi biết thực tế của tôi[10]. Chỉ khi người ta biết nhận ra sự thật về mình và dám can đảm chấp nhận mình cách khiêm tốn, ta mới trở nên những con người hoàn toàn tự do cho Thần Khí hướng dẫn.
Để lớn lên, trưởng thành và góp phần xây dựng cộng đoàn, mỗi người tu sĩ phải làm một cuộc vượt qua thực sự, vì thay đổi chính mình là bước đầu tiên làm thay đổi bản chất của một cộng đoàn. Cuộc vượt qua này bao gồm những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn, yếu đuối cùng những tăm tối của nghèo nàn và ích kỷ trong sự thật nơi mỗi con người. Cuộc vượt qua đó đòi hỏi sự nỗ lực khám phá bản thân, đón nhận chính mình và đồng thời vượt qua mọi trở ngại để đến và đón nhận người khác. Vì thế, để có thể hoán cải và thay đổi mình thì bước đầu tiên cần thiết là nhận ra mình, là biết mình.
Khi chúng ta biết chấp nhận những vết thương sâu xa và những yếu đuối của riêng mình, khi chúng ta đụng chạm tới con tim của mình, thì lúc đó chúng ta sẽ thể hiện con người của mình đúng như mình là[11]. Và can đảm mở lòng ra với người khác để giúp mình lớn lên và sống phong phú cuộc đời mình bằng những đổi mới và hoán cải, biến chúng ta từ những con người già nua khép kín trở thành con người mới, con người của Thần Khí, hướng đến Thiên Chúa và tha nhân.
Tuy nhiên, hoán cải và thay đổi là một tiến trình khó khăn đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Một tình huynh đệ như Thiên Chúa mong ước vẫn luôn luôn còn phải được kiến tạo mỗi ngày. Và cuộc chiến đấu ấy nơi con người mỏng giòn quả là không cân sức – nếu con người chỉ dùng sức riêng mình. Vì vậy, chúng ta phải đặt niềm hy vọng vào Chúa Thánh Thần, Người đến để tha thứ, thanh luyện và cắt tỉa chúng ta, làm chết đi trong chúng ta những gì có thể gây tổn thương hay làm cho tình yêu ra cằn cỗi. Thật thế, mọi tương quan tốt đẹp giữa con người thường là một cuộc chiến thắng của Chúa Thánh Thần. Nó không chỉ là việc chúng ta chuyên chăm tu luyện, xét duyệt đời sống, chế ngự tính mê nết xấu, mà một cuộc đổi mới đích thực trong Thánh Thần lại hệ tại nơi việc khuôn rập đời sống ta với sự tự hiến của Đức Kitô trong cuộc sống mỗi ngày.
Thật vậy, trong cộng đoàn, mỗi người được mời gọi đến để sống và làm chứng cho một tình yêu như Đức Kitô đã yêu. Tuy nhiên, tình yêu luôn mang dấu tích của Thánh Giá. Không ai có thể học biết yêu mến nếu không chấp nhận đi qua đau khổ, không chấp nhận từ bỏ. Tình yêu không thể lớn lên nếu không biết từ bỏ chính mình, nếu cái tôi của ta chưa biết rút lui, nếu ta không dứt bỏ cái thế giới riêng, quan niệm riêng, tập quán riêng để chấp nhận người khác. Tình yêu thì luôn chấp nhận chết đi mỗi ngày để được lớn lên.
Tình yêu đối với Đấng chịu đóng đinh và việc chiêm ngắm Ngài mở rộng trái tim chúng ta, giúp chúng ta biết chân nhận thực tế, nhìn thẳng vào sự thật về bản thân và cộng đoàn với những xung đột và căng thẳng, những giới hạnh và thất bại, để sẵn sàng đón nhận sự bất toàn của nhau, cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất yêu thương[12]. Chúng ta đón nhận những khó khăn như hồng ân Chúa gửi đến để thanh luyện bản thân, học cách từ bỏ ý riêng để tha nhân được sống bình an, triển nở và hạnh phúc trong thánh ý Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thập giá không phải là tất cả trong sứ mạng trần gian của Đấng Thiên Sai, nhưng sứ mạng cứu độ con người của Đức Giêsu chỉ thực sự hoàn tất và mang trọn vẹn ý nghĩa qua mầu nhiệm Phục Sinh. Vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu không dừng lại ở khía cạnh đau khổ, nhưng đó là phương thế đạt đến sự sống vĩnh cửu (x. Mc 8,34-35). Liều mất mạng sống vì Chúa Giêsu và Tin Mừng là thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, để một khi cùng chết với người, ta sẽ được cùng sống với Người (x. 2Tm 2,11).
Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh cho ta một tia sáng vào niềm hy vọng chắc chắn, mỗi người bên cạnh ta đều mang trong mình một ước mơ nên thánh và một nỗ lực không ngừng để nên tốt hơn mỗi ngày, cho dẫu thân phận con vẫn còn đó với nhiều yếu đuối mỏng giòn. Vì thế cần xác tín rằng cộng đoàn là một gia đình đích thực được quy tụ nhân danh Chúa và là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ niềm xác tín này, chúng ta được mời gọi để tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong mỗi người và trong chính bản thân mình.
Maria Đặng Thị Lĩnh (Kinh viện), FMI
[1] Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến. Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 8
[2] Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến. Hãy chú tâm xem xét.
[3] Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến. Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 8
[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 42.
[5] Nguyễn Thanh Tùng. Những tương quan trong cộng đoàn.
[6] Mai Thành. Để phát huy đời sống tâm linh trong cộng đoàn tu sĩ.
[7] Nguyễn Nam Phong. Đời thánh hiến- một đời tri ân.
[8] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật sống, Đ. 59
[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tông Huấn Vita Consecrata, số 35
[10]Michel Hubaut. Sống với chính mình, với anh em, với thiên chúa.
[11] Jean Vanier. Thăng tiến cộng đoàn
[12] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Văn kiện hội nghị Dòng 20, 2017
Hits: 60
Nguồn tin: conducmevonhiem.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn