FABC: Hướng dẫn cầu nguyện trong Tuần Laudato Sí
Caritas Việt Nam chuyễn ngữ từ FABC Laudato Si Week Booklet
WHĐ, 19-05-2020 - Chúng ta đang sống qua những biến cố mang tính định hình lịch sử. Laudato Si’ dạy chúng ta cách cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Con người ở khắp nơi đang tha thiết mong chờ một niềm hy vọng và niềm tin của chúng ta là một nhu cầu khẩn thiết để thắp sáng con đường.
Tuần lễ Laudato Si’, từ ngày 16 đến ngày 24 tháng 5 năm 2020, người Công giáo sẽ hiệp nhất với nhau trong tình liên đới vì một tương lai công bằng và bền vững hơn.
Trong niềm tin, chúng ta cùng hiệp nhất với mọi người khi cùng nhau bước qua những khủng hoảng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Sau đây là những hướng dẫn cầu nguyện trong Tuần Laudato Sí từ ngày 16 đến ngày 24 tháng 5 năm 2020:
Thứ Bảy, 16/5/20: Xét mình
Chủ Nhật, 17/5/20: Buổi cầu nguyện - Laudato Si’, cầu cho các thụ tạo, xem và suy tư về những video trên Youtube
Thứ Hai, 18/5/20: Cầu nguyện với kinh Mân Côi – Mầu nhiệm Năm sự vui
Thứ Ba, 19/5/20: Cầu nguyện với kinh Mân Côi – Mầu nhiệm Năm sự Thương
Thứ Tư, 20/5/20: Cầu nguyện với kinh Mân Côi – Mầu nhiệm Năm sự Mừng
Thứ Năm: 21/5/20: Cầu nguyện với kinh Mân Côi – Mầu nhiệm Năm sự Sáng
Thứ Sáu, 22/5/20: Dấu chân Carbon, Lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót
Thứ Bảy, 23/5/20: Cam kết Laudato Sí
Chúa Nhật, 24/5/20: Suy tư – Đề xuất cho lối sống thân thiện với môi trường, Ngày Thế giới Cầu nguyện
Thứ Bảy, 16/5/20:
Xét mình
Trong thông điệp “Bày tỏ lòng thương xót với ngôi nhà chung của chúng ta” (1/9/2016), ĐGH Phanxicô nhắc chúng ta rằng việc hồi tâm là một trong những bước đầu tiên hòa nhập tình thương và sự quan tâm đến các thụ tạo, như là một phần của niềm tin Kitô giáo. Để giúp các bạn thực hiện việc xét mình, chúng tôi đưa ra bản hướng dẫn này dựa vào thông điệp của ĐTC. Bản xét mình này được làm theo mẫu suy xét lương tâm của Thánh Inhaxio Loyola. Chúng tôi mời gọi các bạn sử dụng nó như một cách đào sâu ơn gọi được làm “người bảo vệ công trình của Thiên Chúa” hoặc trước khi lãnh nhận Bí tích hoà giải…
Bản xét mình gồm 6 bước:
1. Đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
“Hướng lòng về Chúa Cha đầy nhân hậu khoan dung, luôn chờ đợi con cái mình trở về, chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình trong việc chống lại các thụ tạo, người nghèo và các thế hệ tương lai.” – ĐTC Phanxicô.
Trước khi bạn bắt đầu, hãy dành ít phút để nhớ rằng bạn đang sống trong sự hiện diện của Đấng Tạo hóa đầy yêu thương. Bạn có thể nhắm mắt lại, hít thở sâu, và cầu nguyện xin ơn biết lắng nghe Lời Chúa.
2. Tạ ơn Chúa vì công trình sáng tạo và các thụ tạo của Ngài
“Bước đầu tiên... là “tâm tình biết ơn về những ơn nhưng không, và sự nhìn nhận rằng thế giới này là quà tặng yêu thương của Thiên Chúa” – ĐTC Phanxicô.
Hãy Tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban nhiều ơn lành qua các thụ tạo bằng nhiều cách. Điều này có thể bao gồm: thức ăn bạn ăn, nước bạn uống… hoặc cây xanh bạn yêu thích, âm thanh của tiếng chim hót hoặc một quang cảnh thiên nhiên dành cho bạn.
Tạ ơn vì những người, trong quá khứ lẫn hiện tại, đã góp phần dệt nên cuộc đời bạn. Bạn có thể nghĩ về những người đã giúp nuôi dưỡng bạn, các thầy cô, những người làm ra lương thực, làm ra quần áo cho bạn, và còn vô số những người khác nữa. ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta “ý thức trong yêu thương rằng chúng ta không tách rời với các thụ tạo khác, nhưng tham dự trong sự hiệp thông tuyệt vời mang tính hoàn vũ.” Cuộc sống chúng ta được kết nối với nhau, và phụ thuộc vào nhiều người khác.
3. Suy tư về những cách bạn lắng nghe “lời kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo”
“Khi tất cả chúng ta gây ra những thiệt hại nhỏ về sinh thái, chúng ta được mời gọi nhận biết rằng “sự góp phần của ta, dù nhỏ hay lớn, cũng gây ra sự biến dạng và phá hủy các thụ tạo.” – ĐGH Phanxicô.
Hãy dành thời gian suy tư phản tỉnh về những câu hỏi mà ĐGH Phanxicô gợi ý trong thông điệp của ngài như sau:
Tôi có ý thức “tiếng kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo” không?
Tôi có ý thức rằng thế giới tự nhiên, cây cối, động vật đang đau khổ như thế nào không?
Tôi có dành thời gian học hỏi về những thực tại xã hội và kinh tế mà nhiều người đang phải đối mặt khắp hoàn cầu không?
Tôi đã có những nỗ lực cụ thể nào để quan tâm chăm sóc các thụ tạo của Thiên Chúa? Tôi còn thiếu sót về những mặt nào?
Tôi đã tiêu xài nhiều hơn mức cần thiết lúc nào và cách nào?
Tôi có thể giúp cải thiện những xung đột tôn giáo trong quá khứ và trong hiện tại, cũng như giúp cải thiện những bất công với người thuộc tôn giáo khác, với phụ nữ, thổ dân, người nhập cư, người nghèo và các thai nhi như thế nào?
4. Xin ơn tha thứ vì những thiếu sót trong việc chăm sóc Công trình sáng tạo và các thụ tạo.
“Sau khi xét mình cẩn thận và dốc lòng ăn năn hoán cải, chúng ta có thể xưng thú tội lỗi của mình vì đã chống lại Đấng Tạo Hóa, các thụ tạo, và anh chị em của chúng ta.” – ĐGH Phanxicô.
Nói với Chúa về những cách bạn thiếu sót trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và xin ơn tha thứ. Nếu bạn được đánh động, bạn có thể đem những suy tư của mình đến với Bí tích Hòa Giải “nơi mà sự thật sẽ giải thoát chúng ta.”
5. Sửa đổi
“Xét mình, hối cải và xưng thú với Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, đưa chúng ta đến sự hoán cải thật lòng. Điều này dẫn đến lối suy nghĩ và hành động cụ thể, tôn trọng thụ tạo nhiều hơn.” – ĐTC Phanxicô.
Cầu xin Chúa ban ơn giúp bạn biết mình được mời gọi để chăm sóc các thụ tạo, người nghèo và các thế hệ tương lai tốt hơn. Trong thông điệp, ĐTC Phanxicô đưa ra hướng dẫn sau: Như một công việc của lòng thương xót, việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi “những cử chỉ đơn giản hàng ngày để phá vỡ đi tính hợp lý của bạo lực, bóc lột và ích kỉ” và làm cho từng cử chỉ đó trở thành một hành động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn… Một câu hỏi có thể giúp chúng ta giữ vững mục tiêu là: “Chúng ta muốn để lại cho con cháu, thế hệ mai sau một thế giới như thế nào?”
Những thay đổi nào bạn có thể thực hiện được trong đời sống cá nhân và cộng đoàn để chăm sóc tốt hơn cho ngôi nhà chung và các thụ tạo trong hiện tại và tương lai?
6. Lời nguyện kết thúc
Kết thúc buổi xét mình bằng cách tạ ơn vì tình yêu bao dung mà bạn đã lãnh nhận và hãy cầu nguyện theo lời nguyện sau đây của Đức Giáo Hoàng:
Lạy Thiên Chúa của người nghèo, xin giúp chúng con cứu vớt những ai bị bỏ rơi và bị quên lãng trên trái đất này, họ là những người quý giá trong mắt Chúa…
Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin tỏ cho chúng con biết địa vị của mình trong thế giới, như là khí cụ tình yêu của Chúa đang dành cho muôn loài thụ tạo.
Lạy Thiên Chúa xót thương, xin tha thứ cho chúng con và thông chuyển lòng thương xót của Chúa trên khắp ngôi nhà chung của chúng con.
Chúng con chúc tụng Chúa! Amen.
[Các trích dẫn lấy từ thông điệp “Bày tỏ lòng thương xót đối với ngôi nhà chung” của ĐGH Phanxicô, Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo, 1/9/2016)]
Chủ sự: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Đấng ban cho chúng con món quà sáng tạo, chúng con quy tụ nơi đây, dù nhiều người nhưng một lòng một ý. Xin Chúa giúp chúng con nghe tiếng Chúa, nhờ đó chúng con biết sử dụng những món quà Chúa ban để bảo vệ trái đất và những người nghèo trong thế giới hôm nay. Xin nhậm lời chúng con, xin lấp đầy tâm trí chúng con, và xin giúp chúng con nên một trong Chúa.
Chủ sự: Một trong những nguyên tắc của học thuyết xã hội Công giáo là chăm sóc công trình Tạo dựng. Chúng ta tôn kính Đấng Tạo Hóa bằng cách quản lý các thụ tạo. Chúng ta được mời gọi để bảo vệ con người và hành tinh này, bằng việc sống niềm tin trong mối tương quan với tất cả các thụ tạo của Thiên Chúa.
Nhằm chu toàn trách nhiệm này, chúng ta cam kết có những hành động để bênh vực các thụ tạo.
Lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta ý thức hơn về lời kêu gọi này, giúp huấn luyện chúng ta sống theo gương mẫu của Chúa Giêsu để tự do đáp lại bằng tình yêu.
1. Trái đất
Người đọc: Toàn bộ vũ trụ vật chất nói về tình yêu của Thiên Chúa và lòng trìu mến vô biên của Ngài dành cho chúng ta. Đất, nước, núi non: mọi thứ đều là một sự âu yếm của Thiên Chúa, như nó đã là. Lịch sử về tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa luôn luôn gắn liền với những địa điểm đặc biệt, có ý nghĩa cá nhân một cách mãnh liệt; tất cả chúng ta đều nhớ những nơi chốn, việc đi thăm lại những chốn ký ức này là điều rất tốt đối với chúng ta. Bất cứ ai đã lớn lên trên những ngọn đồi hoặc ngồi uống nước bên dòng suối, hoặc vui chơi ngoài trời ở các quảng trường, mỗi khi trở lại những nơi này đều là một cơ hội để khôi phục một điều gì đó thực sự của riêng bản thân họ. (Laudato Si 84).
Chủ sự: Mời bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang đứng trên một bãi đất trống. Hãy ý thức mặt đất dưới chân bạn. Cảm nhận và biết ơn vì sự nuôi dưỡng mà bạn nhận được từ “mẹ đất”.
Thinh lặng cầu nguyện
2. Không khí
Người đọc: Đây là lý do vì sao mà chính trái đất, bị đè nặng và sử dụng lãng phí, lại là một trong số những người bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo; chị đang “rên siết và quằn quại” (Rm 8,22). Chúng ta đã quên mất bản thân chúng ta là bụi đất (x. St 2,7); xác thể thực sự của chúng ta được làm từ những yếu tố của đất, chúng ta hít thở bầu khí và lãnh nhận sự sống và sự trong lành từ nguồn nước của trái đất. Mỗi năm hàng trăm triệu tấn chất thải được tạo ra từ các gia đình và cơ sở kinh doanh, từ các mảnh đất xây dựng và phá huỷ, từ các nguồn y tế, điện tử và công nghiệp, trong đó nhiều thứ không thể phân huỷ, độc hại và phóng xạ cao. Trái đất, ngôi nhà của chúng ta đang càng ngày càng giống như một đống rác khổng lồ. (LS 2 & 21).
Chủ sự: Hãy ý thức hơi thở của bạn. Hãy biết ơn vì món quà không khí và quyết tâm lên tiếng bảo vệ sự trong lành của bầu khí quyển Trái đất.
Thinh lặng cầu nguyện
3. Lửa
Người đọc: Biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu với những hệ quả nghiêm trọng đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và đối với việc phân phối các loại hàng hoá. Nó đại diện cho một trong những thách đố chính mà nhân loại ngày nay đang đối diện. Tác động tồi tệ nhất của nó rất có thể sẽ được các quốc gia đang phát triển trải nghiệm trong những thập kỷ tới. Sự thiếu đáp trả của chúng ta trước những thảm kịch của anh chị em dẫn đến đánh mất luôn cảm thức trách nhiệm đối với anh em đồng loại, trong khi mọi xã hội dân sự đặt nền tảng trên điều đó. (LS 25)
Chủ sự: Bạn hãy mở tay ra và nắm lại, ý thức rằng bạn làm được như vậy là do năng lượng mặt trời được tiếp nhận bởi đời sống thực vật mà chúng ta ăn. Hãy hân hoan trong năng lượng mặt trời và quyết tâm dùng năng lượng của bạn để đối mặt với biến đổi khí hậu, một trong những thách đố chính của nhân loại hôm nay.
Thinh lặng cầu nguyện
4. Nước
Người đọc: Việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn là quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó thiết yếu cho sự tồn tại của con người, và như thế, nó là một điều kiện cho việc thi hành các quyền khác của con người. Thế giới của chúng ta đang mang một món nợ xã hội lớn đối với người nghèo là những người đang thiếu nguồn nước uống, vì họ bị khước từ quyền được sống vốn đồng nhất với phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. (LS 30)
Chủ sự: Hãy hít thở sâu một lần nữa, đón nhận các phân tử nước vào trong cơ thể cũng như các sinh vật khác nhận vào trong cơ thể chúng. Hãy biết ơn vì nước là quà tặng của Chúa và quyết tâm sử dụng nước với sự kính trọng và công bằng.
Thinh lặng cầu nguyện
5. Chia sẻ đức tin
Gia đình hoặc nhóm có thể có một khoảng thời gian ngắn chia sẻ về câu hỏi sau đây: Trong Thông điệp Laudato Sí, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh rằng mối quan tâm sinh thái không phải là một tùy chọn hoặc phương diện thứ yếu, nhưng được nối kết với kinh nghiệm đức tin Kitô giáo. Làm thế nào chúng ta đưa thông điệp của ĐGH về chăm sóc các thụ tạo vào thực tế?
Lời nguyện kết:
Lời nguyện của thánh Phanxicô (Một suy niệm đăng trên tweeter của ĐTC)
Xướng: “Để lời kêu gọi hòa bình vang khắp cùng thế giới”
Đáp: Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa.
Xướng: “Nơi đâu có hận thù và bóng tối, chúng ta nguyện mang đến niềm hy vọng để xây dựng một xã hội nhân văn.”
Đáp: Nơi nào có thù hận, xin để con gieo rắc tình thương.
Xướng: “Chúa thương xót chúng ta vô cùng. Chúng ta cũng nên học biết thương xót, đặc biệt với những người đau khổ.”
Đáp: Nơi nào có tổn thương, xin cho con mang lại chữa lành.
Xướng: “Kitô hữu biết cách đối mặt khó khăn, gian khổ và thất bại bằng tâm tình bình an phó thác cho Chúa.”
Đáp: Nơi nào có hoài nghi, xin cho con mang lại niềm tin.
Xướng: “Chúng ta không bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Chúa ban cho ta dư tràn ân sủng nếu chúng ta tiếp tục xin Ngài.”
Đáp: Nơi nào có thất vọng, xin cho con mang lại cậy trông.
Xướng: “Ánh sáng đức tin chiếu soi tất cả các tương quan và giúp chúng ta sống các tương quan đó trong sự hiệp thông với tình yêu Đức Kitô, như Đức Kitô đã sống.”
Đáp: Nơi nào có bóng tối, xin cho con mang lại ánh sáng.
Xướng: “Nếu chúng ta muốn theo sát Đức Kitô, chúng ta không thể chọn lối sống dễ dãi và bình lặng. Đó là một cuộc sống đầy đòi hỏi nhưng cũng đầy niềm vui.”
Đáp: Nơi nào có u sầu, xin cho con mang lại niềm vui.
Xướng: “Hãy để Chúa Giêsu bước vào đời sống chúng ta và để lại sau lưng chúng ta những ích kỉ, thờ ơ và lãnh đạm với tha nhân.”
Đáp: Lạy Thầy Chí Thánh, xin ban cho con biết tìm an ủi người hơn được người ủi an.
Xướng: “Xin Chúa ban cho chúng ta sự dịu dàng để nhìn người nghèo với sự thấu hiểu yêu thương, không sợ hãi và so đo tính toán.”
Đáp: Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.
Xướng: “Chúa yêu chúng ta. Xin cho chúng ta khám phá ra vẻ đẹp của sự yêu thương và được yêu.”
Đáp: Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Xướng: “Mỗi khi chúng ta tỏ ra ích kỉ và nói không với Chúa, ta làm hỏng kế hoạch yêu thương của Người dành cho chúng ta.”
Đáp: Chính lúc cho đi là lúc được nhận lãnh.
Xướng: “Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng chúng ta cảm nghiệm được niềm vui khi được Chúa thứ tha và bước tới trong lòng thương xót của Người.”
Đáp: Chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi được sống muôn đời. Amen.
Xem và suy niệm những video trên Youtube
1. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi cử hành Tuần Laudato Sí:
2. 10 điều bạn cần biết về Laudato Sí
3. Laudato Sí với Đức Hồng y Tagle
4. Phim hoạt hình Laudato Si - Cafod
Câu hỏi suy tư:
1. Sứ điệp nào tôi đã nhận được trong thông điệp Laudato Si’?
2. Tôi có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng như thế nào?
“Tôi nói với bạn, không có vấn đề gì, dù khó khăn đến đâu, mà chúng ta không giải quyết được bằng lời cầu nguyện với kinh Mân côi.” (Sr. Lucia dos Santos – Fatima)
“Ý định phổ quát của Đức Giáo hoàng Phanxicô là để con người học cách tôn trọng công trình sáng tạo và chăm sóc nó như một món quà từ Thiên Chúa”.
Một trong những cách thế quan trọng để cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và người Công giáo trên khắp thế giới cầu nguyện cho vấn đề này là cầu nguyện với kinh Mân côi.
Đó là lý do tại sao chúng tôi cung cấp cho quý vị những bài suy niệm kinh Mân côi đặc biệt, giúp chúng ta suy gẫm về tầm quan trọng của phẩm giá con người và giá trị của việc tôn trọng công trình sáng tạo - tất cả những điều này được đặt dưới ánh sáng của những việc Thiên Chúa đã thực hiện để cứu độ trần gian. Những lời cầu nguyện đặc biệt này giúp suy gẫm những mầu nhiệm kinh Mân côi trong cái nhìn của Giáo hội Công giáo về sinh thái học, cũng như trong những lời dạy của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, của Đức Bênêđictô XVI, và của Đức Phanxicô.
Thứ Nhất – Thiên Thần truyền tin
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1, 35-38)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp lời xin vâng với Ngài. Xin cho tiếng thưa Xin Vâng của chúng con luôn nhắc nhở chúng con tuân theo luật pháp của Chúa là điều làm cho mọi sự sống hiện hữu. Xin giúp chúng con nhận biết và hiểu kế hoạch sự sống và tình yêu của Chúa trong trật tự vốn có của thụ tạo. Xin cho chúng con biết tránh xa nỗi sợ hãi và lòng ham muốn để trong mọi việc chúng con làm và trong những gì chúng con đang hưởng dùng, chúng con đều có thể sống hoà hợp với mọi người và mọi vật.
Thứ Hai – Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Elizabeth
Khi bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (Lc 1, 41-42)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con ơn biết đón nhận và chia sẻ Tin Mừng sự sống của Chúa với tất cả mọi người, để như Mẹ, chúng con có thể tham dự vào chương trình cứu rỗi mọi thụ tạo. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con cải thiện khả năng nhận biết và sống Lời Chúa - Lời của sự sống vĩnh cửu. Và trong cách chúng con sống và yêu thương nhau, xin Mẹ giúp chúng con loan truyền cho thế giới về sự vĩ đại của Đấng là con Mẹ và là Chúa chúng con, Người là Đấng an ủi những ai đau khổ, ban sức mạnh cho những người tội lỗi biết ăn năn và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ.
Thứ Ba – Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu trong hang đá
Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Lc 2, 6-7)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con ơn biết làm cho Chúa hiện diện trong thế giới qua cuộc sống của chúng con, qua sự lựa chọn và sự chăm sóc yêu thương của chúng con đối với tất cả mọi người và mọi loài Chúa đã dựng nên. Xin giúp chúng con biết lắng nghe những người đang cần giúp đỡ và ở bên họ. Giúp chúng con bảo vệ sự sống của mọi loài. Xin giúp chúng con chia sẻ những gì chúng con có, nhờ đó Chúa có thể làm chúng con trở thành những người biết bảo vệ anh chị em mình, và là người quản gia chăm sóc khu vườn tươi tốt và trật tự trên mặt đất này.
Thứ bốn – Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh
Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simeon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. (Lc 2, 25-30)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con ơn biết lắng nghe và để tâm đến tiếng nói của các tiên tri thời đại - những người nói về đức tin, lý chứng khoa học hoặc cả hai. Xin giúp chúng con hiểu những người đã nói lên sự thật của trật tự sáng tạo và bây giờ họ đang nói về sự hy sinh. Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con dám đối diện với những hy sinh và đau khổ hằng ngày như Mẹ.
Thứ Năm – Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền Thánh
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. (Lc 2,46-47)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết tìm kiếm, biết nhận ra, biết lắng nghe và hiểu được Chân lý của Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra sự thật trong tất cả những gì thiên nhiên biểu lộ qua tiếng nói của người nghèo và người đau khổ. Xin hãy để chúng con, đặc biệt các nhà lãnh đạo thấy rằng việc kinh doanh của chúng con phải luôn là việc làm theo thánh ý Chúa Cha. Làm như thế, chúng con có thể sống chan hòa với Thiên Chúa, với anh em và với mọi loài thụ tạo.
Thứ Nhất – Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu
Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Sau đó, Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” 35 Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14, 33-36)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết chịu đau khổ với những người khổ đau. Xin giúp chúng con biết ôm lấy những người bị bỏ rơi. Giúp chúng con biết thay đổi cách tiêu thụ từ thái độ ích kỷ sang vị tha, hy sinh và tiết độ..
Thứ hai - Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn
Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. (Ga 19: 1)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết xây dựng cơ cấu chính trị, xã hội, đoàn thể và khoa học để tôn trọng phẩm giá sự sống. Lạy Mẹ Maria, xin giúp Giáo hội truyền đạt cho những cộng đồng quốc tế và địa phương khao khát chăm sóc thổ dân, người di cư và những hệ sinh thái là điều làm cho mọi sự sống phát triển.
Thứ ba - Chúa Giêsu chịu đội mão gai
Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. (Mc, 15, 17)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết tôn trọng công trình sáng tạo, tất cả sự sống và sự thật mà Ngài đã mang đến cho trần gian. Xin giúp chúng con - với tư cách là cá nhân và như là thành viên của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng - luôn nhìn ra phẩm giá của anh em đồng loại.
Thứ bốn - Chúa Giêsu vác thập giá
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì, có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23, 27-28)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết nhìn thấy giá trị của mọi tạo vật và mọi sinh linh mỗi khi chúng con gặp gỡ những ai đang chịu ảnh hưởng bởi việc biến đổi khí hậu hoặc bởi sự ô nhiễm của nguồn nước, đất đai và không khí. Lạy Mẹ Maria, khi chúng con nhìn thấy nỗi thống khổ của người khác, xin giúp chúng con thấy được những tác hại do chúng con gây ra cho bản thân và cho các thế hệ tương lai.
Thứ năm - Chúa Giêsu chịu đóng đinh
Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin (Ga 19, 33-35)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết chết đi cho bản thân để những người khác được sống. Xin giúp chúng con biết trao ban cuộc sống mình để thế giới mà chúng con đã phá đổ được chữa lành cho những người hôm nay và thế hệ mai sau.
Thứ nhất – Chúa Giêsu sống lại
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Macđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20, 1)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Con Mẹ ban cho chúng con biết nhìn thấy lời hứa về một thế giới mới trong sự phục sinh của Người. Lạy Mẹ Maria xin giúp chúng con lớn lên trong niềm tin chắc chắn rằng Thiên Chúa, Tác giả của sự sống đã sống lại! Xin cầu cho chúng con luôn thấy Người đang sống trong anh chị em chúng con. Xin cầu nguyện cho chúng con để với ân sủng của Chúa, mọi người thiện chí có thể mạnh dạn đối diện và đánh bại các thế lực tội lỗi, suy đồi và sự chết trong thời đại hôm nay.
Thứ Hai – Chúa Giêsu lên trời
“Nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa và Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. (Cv 1, 7-9)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết tin cậy nơi Người, ngay cả khi chúng con không nhìn thấy Người. Xin giúp chúng con nhận ra mối tương quan giữa những nỗ lực trần thế của chúng con và sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời.
Thứ Ba – Chúa Thánh Thần hiện xuống
Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2, 2-4)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết đón nhận sự sống của Chúa Thánh Thần vào lòng chúng con, để giống như Mẹ, chúng con biết thực hiện Lời Chúa trong mọi việc chúng con làm. Với ơn ban của Chúa Thánh Thần, xin cho tiếng thưa xin vâng của chúng con biết loan truyền sự vĩ đại của Thiên Chúa giống như Mẹ; ước gì tâm hồn chúng con hỷ hoan trong Chúa, Đấng cứu độ chúng con – vì đối với những ai kính sợ Người, Người hứa ban cho sự chữa lành, ngay cả những vết thương do chúng con gây ra cho mọi loài thụ tạo.
Thứ Bốn – Đức Maria lên trời
Sứ Thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (Lc, 1:30)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết tìm được niềm hy vọng qua sự lên trời của Mẹ. Xin giúp chúng con có được sự can đảm khi nhân biết Mẹ đang hiện diện với “vị Thượng tế cao cả”. Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã nài xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu trong tiệc cưới Cana, nay xin Mẹ giúp chúng con tin tưởng vào lời chuyển cầu tha thiết của Mẹ đối với Chúa Giêsu,, Đấng hiển trị bên hữu Chúa Cha. Lạy Mẹ Maria, chúng con dâng lên Mẹ những nhu cầu của người nghèo, người di cư, người bản địa – và nhu cầu của con người và của chính Trái đất, nơi cung cấp cho chúng con sự sống theo những quy luật của Chúa.
Thứ Năm – Đức Maria được thưởng trên trời, Nữ Vương Thiên đàng
Rồi một điềm lớn xuất hiện trên trời: Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. (Kh 12: 1)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết nhìn thấy nơi Mẹ một sự cảm nếm trước về trời mới đất mới. Xin cho mẫu gương của Mẹ khuyến khích những người ra công làm việc để bảo vệ con người và mọi thụ tạo.
Thứ Nhất – Chúa Giêsu chịu phép rửa
Trong những ngày đó, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilêa đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở ra, và thấy Thần khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con.” (Mc 1, 9-11)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết thực hiện lời hứa trong bí tích Rửa tội. Xin giúp chúng con biết hiến dâng cuộc đời chúng con cho Chúa – để chúng con ở lại trong Lời Ngài và trong các Bí tích – và qua chúng con, Chúa có thể đi vào lịch sử loài người và mọi thụ tạo, hầu nâng đỡ, bảo vệ và biến đổi thế giới này. Với tình yêu của Chúa, xin giúp chúng con biết “rửa tội” cho những gì chúng con tham gia trong công việc, lãnh vực dân sự, các mối tương quan và gia đình chúng con. Trong mọi việc, xin giúp chúng con làm vui lòng Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài.
Thứ Hai – Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana
Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo nghi lễ của người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. (Ga 2, 5-8)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con ơn sủng nâng cao những điều bình thường trong chúng con để chúng con biết chia sẻ những điều tốt đẹp nhất cho những người bên cạnh và những người chúng con chưa bao giờ gặp. Xin biến đổi những sinh hoạt hằng ngày của chúng con nơi trần gian này. Xin giúp chúng con không dừng lại ở những nhu cầu và mong muốn trước mắt, nhưng biết nhận ra những nhu cầu lớn hơn vì ích chung – những nhu cầu của tất cả mọi người và mọi loài.
Thứ Ba – Chúa Giêsu rao giảng nước Trời
“Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”(Mc 1,15)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con ơn tin vào những lời hứa và đòi hỏi của Lời Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con biết từ bỏ những thói hư tật xấu và những dục vọng không phải từ nơi Chúa nhưng từ một thế giới hưởng thụ. Xin giúp chúng con nhận ra rằng: đã đến lúc chúng con phải bắt tay vào việc, giúp chúng con bước theo Chúa Kitô, Đấng đưa chúng con đến sự sống đời đời.
Thứ Bốn – Chúa Giêsu biến hình trên núi
Rồi Người biến hình trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Khi ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây nói rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các người hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 2-5)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con biết nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa trong mọi người và trong mọi vật. Xin giúp chúng con không bao giờ quên rằng tất cả những lời cầu nguyện và ơn lành phải thúc đẩy chúng con bước vào một thế giới đang đổ vỡ, biết làm việc cho hoà bình, bác ái, công bình và cho sự phục hồi tất cả những gì mà tội lỗi gây nên. Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con được biến đổi trong đức tin, hy vọng và tình yêu.
Thứ Năm - Ðức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể
Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. (Mt, 26, 26-28)
Lạy Mẹ, xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con được ở lại trong Người bằng cách hiệp thông với Giáo hội. Xin giúp chúng con nhận ra rằng Bí tích Thánh Thể không chỉ cứu rỗi mỗi người chúng con mà còn toàn thể vũ trụ. Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra rằng bánh và rượu được hiến dâng trong Thánh lễ thực sự là hoa mầu của ruộng đất và lao công của con người.
Dấu chân Carbon là năng lượng đã tiêu tốn hoặc phát ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.
Theo dấu chân carbon, 1 lít xăng gồm:
1. Nguồn lao động, kinh phí lập bản đồ vệ tinh tài nguyên dầu mỏ.
2. Chi phí đi lại và kinh phí dành cho cuộc họp của giám đốc doanh nghiệp để hoàn thành hợp đồng khoan giếng dầu.
3. Thuê công ty nghiên cứu để thăm dò địa chất dưới nước.
4. Việc thuê một giàn khoan dầu để khoan với nhân lực và hàng giờ có người điều khiển.
5. Trong quá trình khoan dầu tạo một giếng dầu với một vòi dầu gây ra ô nhiễm đại dương.
6. Thuê một bể chứa dầu để chiết xuất dầu và chuyển dầu lên bờ vào nhà máy lọc dầu trên đất liền.
7. Nhà máy lọc dầu sử dụng nước và năng lượng để tách dầu thô thành các thành phẩm khác nhau [xăng, dầu diesel, dầu hỏa và các sản phẩm phụ khác].
8. Dầu tinh chế được đưa vào một tàu chở dầu và phân phối cho mỗi máy bơm.
9. Xăng được bơm lên và bán cho bạn. Vì vậy, để có 1 lít xăng, phải tiêu hết một triệu lít nhiên liệu. Điều này thật vô lý. Một sự thay thế nhiên liệu hóa thạch là một nhu cầu khẩn thiết lúc này.
Toàn bộ dấu chân carbon của việc mua 1 lít xăng được tóm tắt qua các bước từ 1 đến 9 trong ví dụ nêu trên. Tương tự như vậy, nếu có tiền, chúng ta quyết định mua cá hồi ở quầy thực phẩm trong trung tâm thương mại. Con cá hồi này được nuôi từ một cái ao ở một quốc gia xa xôi, rồi chuyển đến nhà máy chế biến và đóng gói, được vận chuyển từ kho phân phối đến sân bay đưa đến một nước nào đó, ví dụ như đến Ấn Độ, chuyển đến kho, đến nhà phân phối, sau đó, đến đại lý bán lẻ và cuối cùng đến nhà bếp của bạn. Năng lượng đã bỏ ra để chuyển con cá hồi đó đến bếp của bạn là lượng khí thải carbon từ hành động bạn quyết định ăn con cá hồi đó. Chúng ta phải nhận thức được thực phẩm của chúng ta đến từ đâu.
Vì vậy, khi bạn ăn táo từ một nơi khác, nó sẽ thêm vào dấu chân carbon của bạn. Do đó để đảm bảo lượng khí thải carbon thấp, chúng ta phải chọn thực phẩm tại địa phương và theo mùa.
Yêu cầu sản xuất cho 1 kilogram thịt.
• 121,8 m2 đất trồng trọt để chăn thả bò, vv…
• 1500 lít nước,
• 160 kg khoai tây,
• 25 kg ngũ cốc
• Xăng để vận chuyển.
• Đông lạnh để bảo quản.
Hãy thử tìm hiểu trong phần này, dấu chân carbon của chai nước 1 lít được đóng gói.
Thời lượng: 30 đến 45 phút.
Người hướng dẫn: Cách tính dấu chân carbon cá nhân. Bạn hãy khoanh tròn những câu bạn cho là đúng nhất đối với bạn.
- 1 điểm cho câu trả lời A
- 3 điểm cho các câu trả lời B
Sau đó cộng điểm 5 câu trả lời để xác định mức độ hiệu quả của lượng khí thải carbon của bạn:
1. Chế độ ăn uống của tôi chủ yếu bao gồm
A. Thực phẩm chay
B. Thực phẩm không chay
2. Tôi xem TV hoặc sử dụng máy tính
A. Ít hơn 4 giờ một ngày
B. Từ 4 giờ trở lên một ngày
3. Trong một tháng, tôi sẽ mua
A. Ít hơn 5 mặt hàng quần áo / sách / sản phẩm chăm sóc cá nhân
B. Nhiều hơn 5 mặt hàng quần áo / sách / sản phẩm chăm sóc cá nhân
4. Việc đi lại hàng ngày của tôi thường bằng
A. Đi bộ hoặc đi xe đạp / giao thông công cộng
B. Xe riêng
5. Khi trời nóng, tôi ...
A. Bật quạt
B. Sử dụng máy lạnh
Từ 5 đến 10 điểm: xin chúc mừng! Dấu chân carbon của bạn là ít. Tiếp tục đưa ra quyết định thân thiện với môi trường
Từ 10 đến 15 điểm: dấu chân carbon của bạn ở mức trung bình. Hãy cân nhắc việc áp dụng các đề xuất trong phần này để giảm.
15 điểm: Mặc dù lượng khí thải carbon của bạn cao, bạn có thể hạ thấp nó bất cứ lúc nào bằng cách làm theo các bước thân thiện với môi trường mà bạn đã rút ra.
Người hướng dẫn:
Năng lượng: Đó là một tập hợp các dấu chân carbon từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ: như các quy trình công nghiệp, giao thông vận tải, và phát thải điện và nhiên liệu. Các công ty sản xuất năng lượng như dầu mỏ và than đá là nguồn phát ra khí thải nhà kính lớn nhất.
Công nghiệp hóa: là khí kết quả của quá trình công nghiệp hóa làm tăng khí CO2 lên mức báo động.
Nông nghiệp: Trong các nước phát triển và đang phát triển hầu hết nông nghiệp được thực hiện vì lý do thương mại. Hậu quả là, do sản xuất hàng loạt gia súc, một lượng lớn khí mêtan đã thải vào bầu khí quyển.
Chất thải: Chất thải bắt nguồn từ các quá trình khác nhau và các hoạt động của con người gây hại đến tài nguyên thiên nhiên của trái đất (hệ thực vật, hệ động vật và đại dương). Hành động hoặc không hành động của con người vì tốc độ nhanh của cuộc sống, chúng ta ưa thích làm mọi thứ nhanh hơn và tìm kiếm sự thuận tiện, dẫn đến việc gia tăng mạnh mẽ của dấu chân carbon.
Hành động và cách thức:
Một cuộc thảo luận nhóm về các cách để giảm thiểu lượng khí thải carbon ở mức độ cá nhân.
Tổ chức:
Phác thảo 1 tiểu phẩm “It’s cool to” (nó thật tuyệt để)
* Đi bằng phương tiện công cộng.
* Dùng thực phẩm tại địa phương và theo mùa.
* Tái sử dụng và tái chế.
* Chia sẻ kiến thức về bảo tồn thiên nhiên
Lòng Chúa thương xót và ngôi nhà chung
Làm dấu thánh giá
Hãy cầu nguyện trên hạt lớn đầu tiên: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vừa trút hơi thở cuối cùng, nhưng nguồn sống đã tuôn trào đến các linh hồn, và cả một đại dương Lòng Chúa Thương Xót được mở ra cho toàn thế giới. Ôi, Nguồn Mạch Sự Sống là Lòng Thương Xót khôn dò, xin hãy bao trùm toàn thế giới và trút hết toàn thân Ngài trên chúng con.
Tùy chọn: Cầu nguyện ba lần:
Ôi, Máu và Nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu để nên nguồn mạch Lòng Thương Xót cho chúng con, con tin cậy vào Chúa.
Cầu nguyện với 3 hạt nhỏ tiếp theo:
• Kinh lạy Cha
• Kinh Kính mừng
• Kinh tin kính
Mỗi chục, hãy cầu nguyện và suy gẫm về 5 mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa, theo thứ tự như sau:
Cầu nguyện trên mỗi hạt mở đầu:
Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn, và Thiên tính của Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền tạ tội lỗi chúng con và tội lỗi toàn thế giới.
Ở mỗi hạt trong một chục: Vì cuộc tử nạn đau buồn của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Sau khi đã cầu nguyện với 50 kinh, hãy lặp lại 3 lần câu:
Lạy Đấng chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Cầu nguyện kết thúc:
Ôi, Máu và Nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu để nên nguồn mạch Lòng Thương Xót cho chúng con, con tin cậy vào Chúa.
Lạy Cha hằng hữu, lòng thương xót của Cha vô tận, và kho tàng của lòng trắc ẩn của Cha không hề cạn kiệt, xin thương nhìn đến chúng con và gia tăng lòng thương xót của Cha đối với chúng con, để trong những thời khắc khó khăn, chúng con sẽ không chán nản, tuyệt vọng, nhưng luôn vững tin và phó thác vào Thánh ý của Cha, vốn đầy tình yêu và lòng thương xót. Amen.
Suy gẫm 5 mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót:
1. Cầu cho người nghèo, người bệnh, thai nhi, người di cư và người bị lãng quên
Lạy Cha vĩnh cửu, chúng con ý thức chúng con là “một gia đình nhân loại duy nhất. Không có biên giới hay rào cản, về chính trị hay xã hội, không còn chỗ cho sự vô cảm toàn cầu để chúng con có thể ẩn nấp phía sau.” (LS 52) Vì thế, chúng con cầu nguyện cho anh chị em của chúng con là những người đang đói khát nhu cầu trần thế; những người ốm đau trong tâm trí, thể xác hoặc tinh thần; và những người bị lãng quên hoặc bị lạm dụng bởi những người có quyền lực. Chúng con cầu nguyện để họ nhận ra sự xót thương nâng đỡ từ gia đình, hàng xóm và cộng đồng, cũng như từ nền kinh tế và chính phủ của họ.
Lạy Cha trên trời, xin cho người yếu đuối trên thế giới cảm nhận được vòng tay yêu thương của Cha không ngừng ôm lấy họ. Xin cho họ nhận ra Lòng Thương Xót của Cha, để họ cũng giống như chúng con, được tha thứ mọi tội lỗi mà chúng con đã phạm vì những cám dỗ của sự đau khổ.
2. Cầu cho người bản địa
Lạy Cha vĩnh cửu, chúng con nhìn nhận rằng, điều cần thiết là phải thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các cộng đồng bản địa và truyền thống văn hóa của họ. Đối với họ, đất đai không phải là hàng hóa mà là một món quà từ Chúa và từ tổ tiên của họ, những người đã an nghỉ nơi đó. (LS 146) Và vì thế, chúng con cầu nguyện cho những người sở hữu đất, nước, không khí, thánh địa, nhà cửa và lối sống đã bị tước đoạt, hoặc bị người khác gây ô nhiễm và phá huỷ.
Xin cho họ nhận được sự yêu thương từ những người thân cận và những người có chức quyền. Xin cho họ được an ủi bởi lời hứa được chia sẻ với Ngài trong ngôi nhà vĩnh cửu. Lạy Chúa, xin cho họ nhận biết Lòng Thương Xót của Chúa; và giống như chúng con, họ cũng được tha thứ mọi tội lỗi đã gây ra vì những cám dỗ của sự đàn áp.
3. Cầu cho người cố ý gây ô nhiễm
Lạy Cha vĩnh cửu, chúng con nhìn nhận rằng, mức độ can thiệp của con người, thường phục vụ cho lợi ích kinh doanh và chủ nghĩa tiêu dùng, thực sự làm cho trái đất của chúng con trở nên kém giàu đẹp hơn, ngày càng hạn chế và đen tối. (LS 34). Hơn nữa, chúng con thừa nhận rằng, quyền tự do của chúng con mất dần khi nó được trao lại cho các thế lực mù quáng của sự vô thức, những nhu cầu tức thời, vụ lợi và bạo lực. (LS 105) Và vì thế, chúng con cầu nguyện cho anh chị em của chúng con, – đặc biệt là những người lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ, những người tiêu dùng – những người vì muốn lấp đầy những dục vọng thế tục mà cố tình làm hại những thụ tạo mà Chúa đã dựng nên. Chúng con cầu nguyện nhờ ân sủng của lòng Chúa thương xót, trái tim họ sẽ dịu lại, tâm trí họ sẽ mở ra và họ sẽ đáp lại tiếng kêu khóc của trái đất và của người nghèo.
Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin cho tất cả những ai cố tình phá hoại công trình tạo dựng - đất, nước, hệ sinh thái và khí hậu khi họ tiếp cận lối sống mới, biết luôn quy hướng về Cha. Lạy Chúa, Xin cho họ nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa; và giống như chúng con, họ cũng được tha thứ mọi tội lỗi đã gây ra vì những cám dỗ của sự thịnh vượng.
4. Cầu cho những người gây ô nhiễm vì sự thiếu hiểu biết
Lạy Cha vĩnh cửu, chúng con nhìn nhận rằng cơn lốc của sự tiêu thụ có thể gây trở ngại cho trái tim và ngăn cản chúng con trân trọng từng việc và từng khoảnh khắc. (LS 222) Vì thế, chúng con cầu nguyện cho tất cả những người tìm kiếm nhu cầu trần thế mà không ý thức về hậu quả của việc tiêu thụ liên tục của họ. Chúng con cầu nguyện để qua lòng thương xót của Chúa, đôi mắt và tâm trí của họ sẽ được mở ra. Chúng con cầu nguyện để cho họ có thể nghe được tiếng khóc từ bên trong họ, nơi xuất phát cơn đói tinh thần.
Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin cho những người bị đói khát về tinh thần cảm nhận được vòng tay trìu mến của Cha. Xin cho họ nhận biết Lòng Thương Xót của Cha và giống như chúng con, họ cũng được tha thứ mọi tội lỗi đã gây ra vì những cám dỗ của lòng ham muốn.
5. Cầu cho toàn thế giới
Lạy Cha vĩnh cửu, chúng con nhìn nhận rằng thụ tạo đang than khóc vì tác hại mà chúng con đã gây ra qua việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng các thụ tạo mà Thiên Chúa ban. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý. (LS 2)
Lạy Cha của Lòng thương xót, Cha đã dựng nên khu vườn trái đất và lấp đầy nó bằng Chân, Thiện, Mỹ của Cha. Ước gì sự tái tạo của mọi loài thụ tạo, đã được hứa trong mỗi Thánh lễ, sẽ thành hiện thực nhờ sự hợp tác, tình yêu thương và sự lớn mạnh trong đời sống thiêng liêng của chúng con là những thụ tạo của Cha. Lạy Cha, chúng con cầu xin điều này nhờ cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su Con Cha, Người là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng con, Đấng đã trở thành xác phàm để gánh lấy tội lỗi trần gian.
Thứ Bảy, 23/5/20:
Cam kết Laudato Sí
Chúng ta có thể làm gì để chăm sóc công trình sáng tạo?
Đáp lại lời mời gọi khẩn thiết của Đức giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato Sí,
1. Tôi cam kết cầu nguyện cho/và với tạo vật.
2. Tôi cam kết sống đơn giản hơn.
3. Tôi cam kết lên tiếng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Gợi ý cụ thể: Tôi cũng cam kết rằng
- Tôi sẽ tránh lãng phí thực phẩm và nước.
- Tôi sẽ sử dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên hơn.
- Tôi sẽ sử dụng có trách nhiệm bằng cách chỉ mua những gì tôi cần.
- Tôi sẽ xử lý đúng cách chất thải do tôi tạo ra.
- Tôi sẽ truyền cảm hứng cho những người khác cùng tham gia bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Cam kết cá nhân:
Bây giờ tôi sẽ mở lòng trở về với nguồn sinh thái ban đầu và được nên một với các thụ tạo của Chúa.
- Tôi sẽ tìm hiểu về Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
- Tôi sẽ giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xe của tôi bằng cách sử dụng nó ít hơn và ý thức hơn.
- Tôi sẽ giảm việc di chuyển đường dài tiêu tốn nhiều nhiên liệu (chủ yếu là đường bộ và đường hàng không).
- Tôi sẽ giảm thiểu việc sử dụng điện, nước và các sản phẩm giấy. Tôi sẽ tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Tôi sẽ tắt vòi nước trong khi không sử dụng nước. Tôi sẽ giảm việc sử dụng các sản phẩm giấy.
- Tôi sẽ giảm tiêu thụ và xả rác. Tôi sẽ từ bỏ sử dụng, giảm thiểu sử dụng, tái sử dụng, chuyển mục đích sử dụng và sử dụng các vật tái chế. Tôi sẽ từ chối mua các sản phẩm có hại cho sinh thái. Tôi sẽ sửa chữa, và tái sử dụng mọi thứ. Tôi sẽ chuyển mục đích sử dụng của những thứ/ vật liệu đã sử dụng vào những mục đích mới. Tôi sẽ tái chế.
- Tôi sẽ không vô tình làm ô nhiễm trái đất với chất gây hại. Tôi sẽ giảm thiểu tiêu thụ nước / đồ uống được bán trong chai nhựa. Tôi sẽ ngừng sử dụng thùng xốp.
- Tôi sẽ không mua, sử dụng hoặc tiêu thụ bất cứ thứ gì thu được từ các loài thực vật và động vật bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Tôi sẽ ủng hộ để bảo vệ các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.
- Tôi sẽ ăn ít thịt hơn, đặc biệt là thịt bò và các sản phẩm từ sữa. Tôi sẽ ăn chay ít nhất một tháng, hai tuần hoặc một tuần một lần.
- Tôi sẽ không lãng phí thức ăn, bằng cách tránh nấu hoặc mua quá nhiều thức ăn cho mình. Tôi sẽ chia sẻ thức ăn dư thừa với người nghèo.
- Tôi sẽ học cách trồng thực phẩm sạch và an toàn. Tôi sẽ ủng hộ trang trại / vườn cộng đồng sinh thái. Tôi sẽ ủng hộ thực phẩm địa phương.
- Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn với thiên nhiên. Tôi sẽ tìm cách chăm sóc thiên nhiên, ví dụ: chăm sóc vật nuôi, làm sạch bãi biển, tiết kiệm hạt giống, làm vườn, khôi phục hệ sinh thái xuống cấp, v.v.
Những đề nghị cụ thể cho lối sống thân thiện môi trường
1. Tiếp cận đức tin
Tương tác với tạo vật: Làm thế nào chúng ta có thể đào sâu mối tương quan của chúng ta với thụ tạo? Bằng việc đi bộ, leo núi, cắm trại, v.v…
Cầu nguyện với thụ tạo: Thực hành cầu nguyện giữa thiên nhiên và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các tạo vật.
Cầu nguyện cho thụ tạo: Cầu nguyện cho trái đất bị tổn thương, cho người nghèo, cho tất cả các sinh vật và cho những người đang đấu tranh cho sinh thái thay cho chúng ta.
Tĩnh tâm: tham gia các khóa tĩnh tâm với các đề tài sinh thái.
2. Nhận thức
Các bài học gây nhận thức: tham gia các buổi học tập gây nhận thức khác nhau để biết thêm về khủng hoảng khí hậu và tác động của nó đối với thế giới.
Thông điệp Laudato Si: suy tư với gia đình hoặc nhóm về các chương khác nhau của Thông điệp.
Công trình tạo dựng trong kinh thánh và truyền thống: Suy gẫm những đoạn văn trích từ Kinh thánh nói về sự tạo dựng cũng như những giáo huấn của Giáo hội.
Chiều kích công bằng: Cố gắng hiểu được mối tương quan giữa tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo.
3. Hành động cụ thể
Hiệu quả năng lượng: Sử dụng năng lượng mặt trời để có nước nóng và chiếu sáng, sử dụng đèn LED v.v… và sử dụng các thiết bị năng lượng hiệu quả.
Bảo quản nước: Thu lại nước, giảm lãng phí. Cố gắng giữ đất tự nhiên ở một số khu vực, giữ cho nó không bị nhựa đường và bê tông hoá.
Phân trộn: Sử dụng cái thùng hoặc cái hố để biến rác hữu cơ thành phân trộn
Thúc đẩy các lễ hội thân thiện với môi trường: Loại bỏ tất cả các hình thức sử dụng duy nhất tại các sự kiện của giáo xứ và cộng đồng.
Giữ đồ dùng bằng thép hoặc thủy tinh để sử dụng chung: Loại bỏ các hộp thức ăn và sử dụng các khay trong phục vụ đồ ăn nhẹ. Điều này có thể được áp dụng rộng rãi hơn nữa trong các dịp lễ kỷ niệm tại nhà hoặc trong cộng đồng.
Tránh tạo ra rác thải: Bất cứ nơi nào có thể, hãy cắt giảm các tờ thánh ca, áp phích và đặc biệt là áp phích nhựa sử dụng một lần.
Vườn bếp: Nếu không gian cho phép thì nên trồng thêm rau quả.
Tái chế các hộp giấy: Có một điểm tập trung để mọi người có thể đặt các hộp giấy đã sử dụng. Chúng có thể được trao cho các tổ chức phi chính phủ để tái chế.
An táng: Thay vì dùng quan tài để chôn cất người chết, chúng ta được khuyến khích nên thực hiện việc chôn cất bằng vải liệm…
4. Lối sống
Những nỗ lực của chúng ta sẽ đạt được sự tín nhiệm lớn hơn nếu chúng ta thể hiện sự nhạy bén về sinh thái trong lối sống cá nhân. Chúng ta làm quen với câu thần chú: Giảm - Tái sử dụng - Tái chế. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng tái sử dụng hoặc tái chế một số mặt hàng nhất định. Giảm tiêu thụ hàng hóa là thực hành sinh thái tốt nhất để áp dụng. Chúng ta có thể suy xét trước khi mua một cái gì đó mới, hoặc thậm chí trước khi nhận quà tặng. Khi có thể, chúng ta nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi bộ. Chúng ta ý thức tìm cách giảm dấu chân carbon và đi bộ nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi sự hy sinh cá nhân, nhưng đó là giá trị của nỗ lực.
5. Cầu nguyện chung nhân dịp kỷ niệm 5 năm Thông điệp Laudato Si’
(Lời cầu nguyện ban trưa theo giờ địa phương, ngày 24 tháng 5, năm 2020)Lạy Thiên Chúa tình yêu, Đấng sáng tạo đất trời và mọi vật trong đó, Chúa đã dựng nên chúng con theo hình ảnh của Chúa và biến chúng con thành quản gia cho công trình tay Chúa sáng tạo, là ngôi nhà chung của chúng con.
Chúa ban cho chúng con mặt trời, nước và vùng đất trù phú để nuôi dưỡng tất cả chúng con. Xin mở rộng tâm trí và trái tim chúng con, để chúng con có thể chăm sóc món quà sáng tạo của Chúa.
Xin cho chúng con ý thức rằng ngôi nhà chung này không chỉ thuộc về một mình chúng con, mà còn cho thế hệ tương lai, và đó là trách nhiệm để chúng con bảo tồn nó.
Xin cho chúng con biết giúp đỡ người khác để họ được đảm bảo về thực phẩm và tài nguyên mà họ đang cần.
Xin hiện diện với những ai đang gặp gian nan, thử thách, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Xin biến nỗi sợ hãi, lo lắng và cảm giác bị cô lập của chúng con thành niềm hy vọng, để chúng con có thể cảm nghiệm một sự biến đổi thực sự của trái tim.
Xin giúp chúng con thể hiện sự đoàn kết và sáng tạo trong việc giải quyết hậu quả của đại dịch toàn cầu này, xin làm cho chúng con trở nên can đảm, biết nắm lấy những cơ hội để kiến tạo cho lợi ích chung.
Hơn bao giờ hết chúng con cảm thấy rằng tất cả chúng con đều được kết nối với nhau, trong nỗ lực để nâng đỡ tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa của chúng con. Amen.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn