“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó”. (Mt 7,12).
1.Từ một vài sự kiện
* Thế giới của sinh vật là thế giới của quy luật mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Thế giới sinh vật là thế giới của móng vuốt, của răng nhọn, của bắp thịt. Xã hội con người thì luôn luôn muốn vượt lên trên quy luật của sức mạnh để xây dựng một xã hội công bằng mà ta có thể tạm gọi là thế giới “thuận mua vừa bán”. Bởi đó, người ta có thể luôn luôn tìm thấy những chuẩn mực luân lý và những thể chế luật pháp trong đời sống xã hội của con người.
Thế nhưng các xã hội loài người có thật sự vượt qua được “tính sinh vật” ăn sâu trong bản chất con người không ? Các xã hội loài người, dù là xã hội văn minh nhất hoặc “lý tưởng” nhất có thật sự loại trừ được nhiều tình trạng cá lớn nuốt cá bé không ? Ta có thể thấy rõ ràng rằng, ở mức độ của đời sống xã hội, con người chưa thể thoát ra khỏi được sức hút của quy luật sinh vật. Ở đâu cũng vậy, ngay cả trong những xã hội được coi là văn minh nhất; và đối với mọi thể chế mà con người có thể sáng chế ra được, tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, người ta vẫn thấy thực chất của chúng là cá lớn vẫn nuốt cá bé, kẻ mạnh vẫn luôn đàn áp kẻ yếu. Ngày xưa cha ông chúng ta đã nói về những kẻ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, hoặc “miệng người sang có gang có thép”, thì ngày nay người ta vẫn thấy tính chất ấy không giảm nhẹ một chút nào trong xã hội “nhất thân nhì thế” hiện nay. Điều mà văn hào Dostoievsky đã nói, trong một chương nổi tiếng “Viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo” của tác phẩm “Anh Em nhà Karamadốp, vẫn là chân lý trong cuộc sống xã hội con người, ít là cho đến đầu thế kỷ XXI này, ông nói chưa bao giơ con người đồng ý với nhau được về việc phân phối tài sản.
* Như chúng ta biết, nước ta là một trong những nước có mức độ phá thai nhiều nhất thế giới; và “sự kiện Vàng Anh” thật ra không phải là một sự kiện đơn lẻ nhưng chỉ là “cây kim giấu lâu trong bị” mà thôi. Trước đây một vài năm, báo chí đã từng nêu sự kiện “góp gạo nấu cơm chung” như tình trạng khá phổ biến trong giới trẻ, công nhân và sinh viên. Những tệ nạn của đời sống tính dục như lạm dụng tình dục trẻ em, quấy rối tình dục, hãm hiếp, trẻ em mồ côi,… ít nhiều, là những hậu quả của một sự hư hoại trong đời sống đạo đức về phương diện tính dục.
Đứng trước tình trạng đó, ta thấy có một số ý kiến cho rằng không nên quá câu nệ về quan điểm đạo đức, không nên lấy quan niệm đạo đức của mấy chục năm trước mà áp đặt lên giới trẻ ngày nay,… và đề nghị nên chọn thái độ giúp cho giới trẻ biết sống “tình dục an toàn”. Quan điểm đó cũng có lý của nó, vì nó có vẻ “khả thi” trong hoàn cảnh hiện nay, vì nói chung người ta cần phải chấp nhận sự biến chuyển của văn hóa, vì mục tiêu là làm sao cho giới trẻ ngày nay thực sự thoát được những tệ nạn trong lãnh vực tính dục, chứ không phải là để bảo vệ một lý tưởng đạo đức bất di bất dịch nào đó. . . Thế nhưng, liệu chừng thứ “tình dục an toàn” ấy có khả năng làm cho tâm hồn con người bớt đi những khao khát bất chính không ? Liệu chừng việc lựa chọn đường lối “tình dục an toàn” có giảm bớt được những tệ nạn của tình dục không ?
2. Qui luật đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu
Nếu chúng ta có một mảnh đất đầy cỏ dại, rồi chúng ta muốn diệt cỏ dại chỉ bằng cách nhổ cỏ dại mà thôi, thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ hết cỏ được. Cỏ dại tồn tại một cách lì lợm, mà việc nhổ cỏ thì giống như người ta “bói ra ma quét nhà ra rác”. Muốn diệt cỏ dại một cách hiệu nghiệm hơn, người ta cần phải trồng bông vào đấy, cần vun xới cho bông hoa phát triển thì mới có thể ngăn cản được cỏ dại.
2.1 Sức mạnh của sự dữ
Sự ác không phải là cái ngẫu nhiên tình cờ; cái ác cũng không phải là cái đơn lẻ xẩy ra trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó. Cái ác là một khuynh hướng nằm trong bản chất con người, là cả một thế lực, là sức mạnh trì kéo tâm hồn con người, là “tội tổ tông” đã rớt xuống vận mạng nhân loại như một án lệnh. Có lẽ một trong những cám dỗ nguy hiểm nhất của con người, đặt biệt ở mức độ cá nhân, là người ta đã không nhận ra được sức mạnh thực sự của sự ác, không nhận ra được khuôn mặt của cái ác trong cuộc sống; cái ác dấu mặt là cái ác nguy hiểm nhất; và người ta thường bị lừa khi hy vọng có thể vượt thắng được sự ác bằng một vài biện pháp tình thế.
2.2 Khẳng định sức mạnh của sự thiện
Vào thế kỷ XVIII, ở Tây phương, khi mà lý trí muốn lên ngôi để thay thế tôn giáo, khi mà người ta tin tưởng rằng những nguyên tắc hợp lý của lý trí có thể xua tan bóng đêm của mê lầm, của mê tín, của những niềm tin tôn giáo vô căn cứ, thì người ta đã từng nghĩ rằng xã hội con người có thể được điều hành một cách tốt đẹp bằng sự công bằng, theo nguyên tắc cái lợi ích của người này cũng là cái lợi ích của người kia, lợi ích của cộng đoàn cũng là lợi ích của cá nhân và ngược lại. Những quan điểm quá lạc quan về lý trí con người như thế không là gì khác hơn một cách giải quyết cái xấu bằng cái không xấu. Cũng thế, những quan điểm vô thần sẽ chẳng thể nào duyệt chính và chẳng thể nào cung cấp được một động lực thực sự vượt trên quy luật công bằng của lý trí. Bạn ra bạn thù ra thù, đó là kết luật dĩ nhiên, kết luận công bằng của thế giới vô thần. Thế nhưng làm sao thế giới con người có thể vận hành theo chiều hướng vươn lên sự thiện nếu như không có được giá trị và sức mạnh của hy sinh, của phục vụ, của tự hiến, của qui luật hạt lúa chết đi để nẩy sinh những bông hạt mới ?
Trong kinh nghiệm thực tế của cuộc sống, ta có thể khẳng định một quy luật cần thiết : muốn chống lại cái xấu thì không thể chọn cái cái không tốt không xấu, nhưng phải là cái tốt. Muốn vượt thắng được nhiều hơn tình trạng cá lớn nuốt cá bé của xã hội nhân loại thì phải củng cố, đề cao thế giới của sự tặng-không, và nhất là dâng tặng chính bản thân của mình cho sự phát triển của người khác, như trong đời sống gia đình chẳng hạn. Gia đình là nơi, nói chung, người ta có thể đồng ý với nhau, một cách tự nguyện, một cách bình thường, về cách sống : người này làm ra tiền để nuôi người khác; cha mẹ hy sinh cả một đời cho con cái. Cũng thế, muốn thực sự giảm bớt được những tệ nạn của đời sống tính dục, thì phải tạo nên được một xã hội có phong hóa, giáo dục được nhiều công dân có đức độ, xây dựng được một bầu khí mà những giá trị nhân bản tốt đẹp trở nên những khái niệm chung của xã hội. Thế giới là một cuộc chiến gay gắt giữa cái xấu và cái tốt, chứ không phải chỉ là một chút lệch lạc cần sửa chữa, một chút yếu đuối cần được nâng đỡ. Chính cái thiện mới đủ tầm, đủ sức để chống lại cái xấu chứ không phải cái bình-bình.
3. Tình tự của ơn cứu độ Kitô giáo
3.1 “Cái ác” trở thành “tội lỗi”
Kinh Thánh thì cho thấy cái ác nằm trong bản chất của con người, cái ác là tội tổ tông đè nặng trên dòng dõi Adam. Kinh Thánh cho thấy tội lỗi chính là một đường nét trong tình tự ơn cứu độ Kitô giáo. Trong hoàn cảnh thực tế của con người có tội, thì chính tội lỗi lại là khung cửa để con người nhận ra mối tương quan với Thiên Chúa. Theo nhãn quan Kinh Thánh, cái ác không phải chỉ là một sự bất toàn mà mình “có gan chơi” thì “có gan chịu”, nhưng cái ác đặt con người đối diện với Chúa và với tha nhân. Cái ác trở thành tội vì cái ác không phải chỉ là chuyện giữa ta với sự vật, những là chuyện giữa ta với ai khác. Cái ác trở thành tội, vì cái ác diễn tả trách nhiệm của ta với ai khác; cái ác không còn chỉ là vô minh, không còn chỉ là ngu dốt, không còn chỉ là lầm lẫn, nhưng là một thái độ bất trung. Chính vì thế, tội lỗi hé lộ cho con người nẻo đường đi vào ơn cứu độ. Như thế, trong chiều hướng của Thánh Kinh, để giải quyết cái ác, thì không phải là chọn phương cách giảm nhẹ cái ác, làm cho các ác trở thành một “sự vật”, nhưng một cách nào đó là gia trọng tầm mức của cái ác để trở thành tội lỗi, thành trách nhiệm đối với ai khác.
3.2 Tội lỗi và ơn cứu độ
Chính từ nẻo đường của mối tương quan ngôi vị tội lỗi đặt ra mà người Kitô hữu được mời gọi để đi vào ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Chính người tội lỗi lại là những người có nhiều cơ may nhất để đón nhận được ơn cứu độ của Chúa, bởi vì họ nhận ra trách nhiệm của mình với Chúa và nhận ra mình cần tới Chúa. Nhận ra mức độ trầm trọng của tội lỗi để có thể nhận ra lòng khao khát ơn cứu độ; nhận ra sự bất trung để nhận ra nẻo đường của ơn cứu độ bằng tình yêu thương. Đó là một trong muôn vàn nét “đảo ngược” kỳ lạ của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô :
“Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17).
“Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (Lc 15,7).
3.3 Cứu độ và nên thánh
Các môn đệ của Chúa Giêsu không phải là những con người ưu tuyển, cả về phương diện trí thức cũng như về phương diện đời sống luân lý; các thính giả của Chúa Giêsu cũng không phải là những người có văn hóa cao hoặc là những người lành thánh nào cả. Ngược lại, những người chung quanh Chúa, hầu hết là những con người bình thường, hoặc có thể nói là tầm thường, hoặc rất tầm thường nữa. Dĩ nhiên, với những người như thế, Chúa Giêsu thường dùng những dụ ngôn, với những hình ảnh và những chuyện đời thường để tỏ bầy những chân lý cao siêu; và dĩ nhiên Chúa Giêsu cũng không thể một lúc trình bày được hết những mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Thế nhưng, về phương diện đạo đức, Chúa lại không ngần ngại đặt ra những lý tưởng cao vời của đời sống luân lý. Chúa không giảm nhẹ chút nào đòi hỏi của lý tưởng Tin Mừng. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong toàn bộ giáo huấn luân lý của Chúa Giêsu, đặc biệt trong bài giảng trên núi :
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)
Nẻo đường mà Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ bước vào là một nẻo đường mà ngay cả những bậc thánh hiền cao cả nhất của nhân loại cũng không dám nghĩ đến :
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó”. (Mt 7,12).
Điều mình không muốn người khác làm cho mình, như đức Khổng Tử dạy, thì chỉ giới hạn trong một số điều thôi; nhưng điều mình muốn người khác làm cho mình thì lại vô cùng, không có giới hạn, đó mới chính là điều đức Giêsu dạy.
Chúng ta có thể thấy rõ, nẻo đường đi vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu không phải là bình bình, vừa vừa, phai phải, nhưng là một bước nhẩy trọn vẹn và quyết liệt vào con đường nên thánh, vào con đường hun hút đến trời mà tự thân nhân loại không dám bước vào. Con đường ấy dĩ nhiên chỉ khả thi trong ơn cứu độ của Đức Giêsu, chỉ khả thi khi người Kitô hữu nhẩy vào thế giới của Nước Trời và đón nhận được sự sống mới trong ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Quả thật tình tự của ơn cứu độ Kitô giáo chỉ có thể hình thành được từ con đường nhận ra tầm mức hệ trọng của tội lỗi để có thể bước vào con đường trở nên con cái của Thiên Chúa. Một cái ác lớn thì chỉ có thể được giải quyết bằng một cái thiện lớn.
“Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.” (Lc 11,19-22)
4. Giáo dục Kitô giáo
Từ những suy niệm ở trên, ta cũng có thể đặt ra một vài vấn nạn cho nếp sống và phong cách giáo dục đức tin trong đời sống Giáo Hội hiện nay. Trong Giáo Hội, người ta phân biệt đời sống luân lý và tu đức là hai lãnh vực khác nhau. Đời sống luân lý là những đòi hỏi ở mức độ trung bình đối với người giáo dân, còn tu đức là lãnh vực riêng của một số người ưu tuyển. Đời sống luân lý của người tín hữu thì thường được hướng dẫn dựa theo Mười Điều Răn của Cựu Ước chứ không phải dựa theo các nhân đức Kitô giáo và nhất là dựa theo các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Các bài giảng của linh mục rất thường là những bài giảng luân lý, nghĩa là kêu gọi nỗ lực của con người chứ không mấy khi công bố vận hành của thế giới mới, thế giới của Nước Trời. . . Trong chiều hướng đó, chẳng hạn, người ta thường giải quyết lời kêu mời : “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44) bằng phương cách không gặp, không chơi, không làm việc với những người mà lòng mình không yêu thương được; và rồi người ta an tâm, dừng lại với phương cách đó mà không còn khao khát chờ đợi Chúa biến đổi lòng mình để có thể đón nhận được kẻ thù của mình.
Tất cả những điều ấy phải chăng cũng là đường hướng giải quyết cái xấu bằng cái không xấu ? Những điều ấy có vẻ khả thi, nhưng có phải là biểu lộ một niềm tin yếu kém về sự hiện diện của Nước Chúa ? Những điều đó phải chăng cũng chính là thái độ “tương đối hóa luật” của Chúa để khả thi hơn, như đức Gioan Phaolô II đã cảnh giác : “Bởi thế cho nên, điều mà người ta thường gọi là “luật tiệm tiến” hay con đường tiến từng bậc, không thể nào được đồng hóa với sự “chia luật thành từng bậc”, dường như thể là trong luật Thiên Chúa có những cấp bậc và những hình thức luật buộc khác nhau, tùy theo người và theo những tính cách khác nhau” (Tông Huấn Gia Đình, số 34) ?
Phải chăng đó là một lập trường luân lý khắt khe ? Phải chăng đó là thái độ không biết cảm thông với những yếu đuối, những tình huống éo le, những hoàn cảnh thương tâm của con người ? Vấn đề này là một vấn đề lớn của Giáo Hội Công Giáo hiện nay, nghĩa là người ta thấy lập trường luân lý của Giáo Hội, nhất là trong lãnh vực tính dục, quá khắt khe, khiến cho nhiều người không sống nổi; và đó cũng là một lý do khiến nhiều người xa lìa Giáo Hội. Các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục 1980 đã đề ra luật tiệm tiến trong đời sống luân lý như một cách làm giảm bớt khoảng cách giữa thực tế cuộc đời và giáo huấn luân lý.
Tôi cho rằng con đường Kitô giáo là con đường có khả năng khởi đi từ đáy cuộc đời, nghĩa là từ những con người yếu đuối và ê chề nhất, để mời gọi đi lên đến đỉnh núi thánh cao vời nhất của Thiên Chúa. Con đường ấy vẫn khả thi với điều kiện người Kitô hữu phải bước vào thế giới của Nước Trời chứ không đi trên nẻo đường có vẻ song song của nẻo đường luân lý; với điều kiện giáo huấn Kitô giáo phải công bố được một tình thương giáng thế có khả năng liên lụy với những con người yếu đuối và ê chề nhất; với điều kiện tâm thức chung của Giáo Hội không đánh đồng mọi người trong một “bài thi luân lý” chung cho mọi người; với điều kiện những người yếu đuối và ê chề ấy không bị đe dọa để sống dúm dó trước Thiên Chúa như ông chủ nợ, nhưng được Thiên Chúa liên lụy như một Đấng giúp ta trả nợ đời.
Kết
Trước những khó khăn trong lãnh vực giáo dục của thế giới, Đức Bênêdictô XVI nói rằng: “Trong thực tế, vấn đề ở đây không phải chỉ là trách nhiệm bản thân của người lớn hay người trẻ – những trách nhiệm này có thực và không nên che đậy – nhưng còn có một bầu không khí lan tràn, một não trạng và một hình thái văn hóa khiến cho người ta nghi ngờ về giá trị nhân vị, ý nghĩa của sự thật và sự thiện, và xét cho cùng, người ta nghi ngờ về chính đặc tính tốt lành của cuộc sống” (huấn từ trước các phụ huynh, giáo chức và học sinh tại Roma, ngày 23-2-2008)
Trước cơn khủng hoảng về giáo dục hiện nay ở nước ta, chắc chắc cũng không thể nào không có khuynh hướng thích nghi đạo đức với thời đại mới, và ước vọng thích nghi chính đáng đó lại thường rơi vào lập trường giảm nhẹ lý tưởng, giảm nhẹ giá trị, giảm nhẹ khát vọng sự thiện sâu xa trong tâm hồn con người. Đó là một nguy cơ không nhỏ. Tôi nghĩ rằng giải pháp cho vấn đề luân lý của Giáo Hội Công Giáo không hẳn nằm trong lãnh vực luân lý, những lại nằm trong lãnh vực của đức tin, đức tin vào một Thiên Chúa, không phải chỉ như một ông thầy dạy bảo đường ngay nẻo chính, nhưng còn như người cha, người mẹ có khả năng liên lụy với hành trình trầy trật con con người. Cũng thế giải pháp căn bản cho vấn đề giáo dục của xã hội chúng ta không hẳn nằm trong những cách thức giáo dục, nhưng còn dính dáng tới động lực căn bản để con người có thể vươn lên đến sự thiện, điều mà xã hội vô thần trong thời bình này hình như đã không còn gì để truyền đạt nữa.
Lm. Nguyễn Trọng Viễn, OP
http://daminhvn.net
Hits: 18
Nguồn tin: conducmevonhiem.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn