NHÌN XA HƠN CUỘC KHỦNG HOẢNG COVID-19
Bài số 4: KIÊN NHẪN, NHÂN ĐỨC CỦA ĐỜI THƯỜNG
Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn chuyển ngữ từ vaticannews.va/it
WHĐ, 14-05-2020 -- Bài viết mới của Cha Lombardi nói về sự kiên nhẫn: Chúng ta sẽ tiếp tục cần nó, sẽ là thiếu thận trọng khi nghĩ rằng tất cả chuyện này sẽ kết thúc. Đó không chỉ là đức tính cần thiết trong tình yêu thương đối với người khác: Mà còn là một chiều kích của đức tin chúng ta.
Cả trong thời gian cách ly do đại dịch và thời điểm bắt đầu lại các mối tương quan và hoạt động, một sự kiên nhẫn rất lớn đã được yêu cầu và tiếp tục được yêu cầu đối với tất cả chúng ta, điều mà chúng ta có lẽ chưa quen như thế. Sống với nhau trong một thời gian dài nơi gia đình trong không gian hạn hẹp của một chỗ ở, không thể tìm cách lẩn trốn hay sự thư giãn hoặc những cuộc gặp gỡ đa dạng đều đặn, hơn nữa cảm thấy áp lực của nỗi sợ về việc lây nhiễm và những lo lắng về tương lai, chắc chắn đưa đến thử thách về sự cân bằng và sự vững chắc nơi các mối tương quan của chúng ta. Và điều này không khác nhiều trong các cộng đoàn, ngay cả trong cộng đoàn nhà tu, mặc cho những thời gian cầu nguyện và các quy tắc vững chắc trong cách cư xử. Sự căng thẳng, bấp bênh, sự bực dọc đã dễ cảm thấy ngay cả khi không có những tác động lây nhiễm.
Trong thời kỳ này, giữa nhiều nhân đức đã trở nên đáng quý hơn bình thường, có cả nhân đức kiên nhẫn. Và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tiếp tục cần nó bởi vì, như chúng ta biết, sẽ rất thiếu thận trọng khi nghĩ rằng tất cả chuyện này như đã kết thúc.
Kiên nhẫn là một đức tính của đời thường. Không có nó, mối tương quan giữa các cặp vợ chồng, của gia đình và công việc trước hay sau gì cũng ngày càng trở nên căng thẳng, bị ghi dấu bởi những va chạm hoặc xung đột, thậm chí cuối cùng có thể là không thể sống chung được. Cần phải lớn lên trong một mái trường của sự đón tiếp và chấp nhận lẫn nhau, mặc dù (điều này) tốt đẹp, nhưng có cả những khía cạnh mệt mỏi của nó. Nhưng cách suy nghĩ chung ngày nay không giúp chúng ta đảm nhận sự khó khăn này như cái giá của một điều gì đó lớn lao. Ngay cả nó thường mang đến thái độ dễ cáu gắt, chỉ trích những khuyết điểm và hạn chế của người khác, đưa đến sự cắt đứt cách dễ dàng và nhanh chóng như là giải pháp duy nhất cho các vấn đề. Nhưng điều này có đúng đắn không?
«Bài ca về đức mến» mà Thánh Phaolô nêu lên trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (13, 1-13), không nên coi như là một bản thơ xa vời, nhưng như một «Tấm gương soi» trong đó chúng ta có thể lượng giá xem liệu đức mến của mình chỉ là một từ trống rỗng hoặc biết chuyển dịch trong những thái độ cụ thể hàng ngày. Thánh Phaolô liệt kê đến 15 thái độ này. Đầu tiên là: «Đức mến thì nhẫn nhục»; cuối cùng là: «Đức mến thì chịu đựng tất cả». Và nhiều thái độ khác trong số những liệt kê có liên quan nhiều đến «Đức mến cách nhẫn nại». Như thế, đức mến «Là nhân từ ... không tức giận... không nhớ đến điều xấu nhận được?...».
Nhưng sự kiên nhẫn không chỉ là một đức tính cần thiết trong tình yêu thương hàng ngày đối với những người thân yêu của chúng ta và tất cả những người khác mà chúng ta phải chung sống. Nó còn là một chiều kích nơi niềm tin và hy vọng của chúng ta ngang qua tất cả các biến cố của cuộc sống và lịch sử. Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hãy nhìn người nông dân, như người biết rằng cần phải chờ đợi: «Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Hãy xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: Họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí» (Gc 5,7-8).
Đối với các Kitô hữu tiên khởi, sự kiên nhẫn được liên kết chặt chẽ với sự kiên trì nơi đức tin trong suốt các cuộc bách hại và những khó khăn mà họ đã phải đối mặt như một cộng đoàn mong manh và nhỏ bé trong các biến cố của lịch sử. Do đó, nói về sự kiên nhẫn thì cũng luôn luôn nói về thử thách, về đau khổ mà qua đó chúng ta được mời gọi vượt qua trong hành trình của mình. Thánh Phaolô nối kết chúng ta trong một sự năng động để nắm lấy và đưa chúng ta đi xa hơn. Trong sự năng động này, sự kiên nhẫn là một quãng đường không thể tránh khỏi: «Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta» (Rm 5,3-5).
Thử thách của đại dịch chắc chắn là nguyên nhân của sự đau khổ bởi nhiều lý do khác nhau, nó đòi hỏi đức mến cách nhẫn nại trong mối tương quan với những người gần gũi chúng ta, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn trong bệnh tật, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhìn xa trông rộng nơi cách thức chống lại virút và nối lại hành trình trong sự liên đới với cộng đoàn giáo hội cũng như cộng đồng dân sự mà chúng ta là phần tử trong đó. Liệu chúng ta có biết vượt qua sự bực dọc, sự mệt mỏi và sự khép lại trong chính mình để bền tâm vững chí trong thử thách nhân đức và trong niềm hy vọng? Thư gửi tín hữu Do Thái (chương 12) mời gọi chúng ta bám chặt cái nhìn của mình vào Chúa Giêsu như một mẫu gương về sự kiên nhẫn và kiên trì trong thử thách. Và Chúa Giêsu, nơi cuối bài diễn từ về những gian truân mà các môn đệ của Người sẽ phải trải qua, trong đó Người sẽ không bỏ rơi họ, nói một lời giá trị để luôn đồng hành cùng chúng ta, ngay cả hôm nay: «Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc 21,19)»./.
Các bạn có thể đọc thêm bài đã viết trong loạt bài "Nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng covid-19" của cha Federico Lombardi theo link sau:
Bài 1: Hậu Covid-19: Chúng ta sẽ gặp lại nhau với cái nhìn nào?
Bài 2: Hậu Covid-19: Cơ hội để xếp đặt trật tự cuộc sống chúng ta
Bài 3: Hậu Covid-19: Anh em đừng sợ!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn