Người trẻ cần Thần Tượng

Thứ ba - 26/11/2019 18:37

Tuổi trẻ thường gắn liền với khát khao, hoài bão. Điểm lợi thế của tuổi trẻ là lòng tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm dấn thân xây dựng lý tưởng cuộc đời; từ bên ngoài có nhiều cơ hội được mở ra, nhiều con đường đang chờ đợi trong tương lai phía trước. Tuy nhiên, chính vì có nhiều con đường có thể bước theo, nhiều cơ hội để lựa chọn nên các bạn trẻ phải đối diện với thách đố lớn nhất: Nên đi theo hướng nào?

Như thế, một mặt các bạn trẻ thấy mình thật “uy lực” khi nắm trong tay quyền quyết định tương lai của mình và có lý do để hy vọng sẽ thành công (bởi vì không ai “đánh thuế” ước mơ cả, tại sao lại không mơ ước!) Mặt khác, các bạn cũng cảm nghiệm được sự “bất lực” nơi chính mình khi biết rằng mình không thể chọn tất cả, vì chọn cái này đồng nghĩa với việc phải bỏ cái khác. Cơ hội nằm ở việc có nhiều lựa chọn; thách đố nằm ở việc phải lựa chọn.

Có lẽ cách lựa chọn an toàn và hợp lý nhất của người trẻ là đi theo vết chân của những người thành công, tất nhiên kèm theo đó là tránh vết xe đổ của những người được coi là thất bại. Nói cách khác, xu hướng tự nhiên của người trẻ là tìm kiếm và noi theo những mẫu gương họ thực sự thấy cảm phục. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện tôi được chứng kiến trong lớp học của mình. Hôm đó chúng tôi trao đổi với nhau đề tài “Tại sao người trẻ hiện nay không có sự cam kết lâu dài (trong bất cứ công việc gì)?” Mỗi người đều đưa ra ý kiến của mình về nguyên nhân của tình trạng này một cách rất sôi nổi: nào là xu hướng sống nhanh, nào là ảnh hưởng của công nghệ, nào là não trạng của thế hệ, nào là điều kiện sống dễ dàng… Khi đến lượt một bạn trẻ nhất trong lớp phát biểu, bầu không khí của buổi chia sẻ tự nhiên trầm hẳn xuống. Bạn ấy đã  không đưa ra lời giải đáp cho vấn đề nhưng đã nói lên chính kinh nghiệm của mình bằng một câu hỏi: “Tại sao người lớn không trung thành với cam kết nhưng lại áp đặt điều đó lên thế hệ trẻ của chúng tôi?”

Bạn ấy chia sẻ thật lòng rằng lý do bạn chọn đi tu là bởi vì bạn muốn noi theo gương sáng của những linh mục tu sĩ sống bình an hạnh phúc trong đời tận hiến phục vụ, điều mà bạn không thấy nơi những người sống bậc sống gia đình hiện nay. Tất nhiên ở đâu cũng có người này người kia. Trong đời sống hôn nhân gia đình, tỷ lệ ly thân ly dị ngày càng nhiều; trong đời tu cũng có nhiều người không đi hết con đường đã chọn hoặc đã không trung thành với điều mình cam kết. Dù gì thì tất cả những điều vừa nói trên đã chỉ ra một thực tế rõ ràng là người trẻ rất khao khát có những mẫu gương để noi theo, rất cần những “idol – thần tượng”.

Trước đây khi Internet chưa phát triển mạnh thì tương quan xã hội nói chung bị giới hạn trong phạm vi gia đình, họ hàng, lối xóm. Trong bối cảnh đó thì “thần tượng” của người trẻ không đâu xa mà có thể là cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Cách sống của họ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp khiến người trẻ có khao khát được trở nên giống như vậy. Họ là những người người vợ người chồng sống chung thủy với nhau “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc bệnh tật”; họ là những người cha người mẹ hy sinh làm lụng vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời vì lo cho tương lai con cái; họ là những người thầy người cô tận tâm dạy dỗ học sinh với tất cả tình thương mến thương; họ cũng có thể là những người bạn bè cùng trang lứa đã nêu gương sáng về tinh thần hiếu học, vượt khó…

Nói chung đó là những “thần tượng” mà các bạn trẻ ở thế hệ chúng tôi tiếp cận được bằng xương bằng thịt, người thật việc thật. Nói vậy không có nghĩa là hồi đó chúng tôi không biết đến những nhân vật nổi tiếng khắp đất nước và trên thế giới, tất nhiên là chỉ qua báo đài. Riêng bản thân tôi được tiếp thêm nghị lực rất lớn khi theo dõi chương trình “Người đương thời”. Mỗi lần nghe một nhân vật kể về kinh nghiệm đi lên từ bàn tay trắng và đã vượt qua những khó khăn như thế nào, tôi lại mường tượng về những gì mình sẽ làm và thắp lên một chút hy vọng về tương lai của mình: Họ đã làm được thì tôi cũng có thể làm được!

Ngày nay nhờ mạng xã hội nên con người kết nối với nhau dễ dàng hơn trước rất nhiều. Thế giới trở nên nhỏ bé hơn, tầm ảnh hưởng của con người cũng được khuếch đại hơn. “Thần tượng” của các bạn trẻ bây giờ không chỉ là những người họ quen biết mà còn (phần lớn là) những người họ không hề có tương quan. Không gian mạng đã làm thay đổi cách thức con người tiếp cận với người khác. Giờ đây những điều “tốt đẹp” không chờ đợi người khác nhận ra nhưng đã chủ động “giới thiệu” (bằng mọi cách) qua màn hình điện thoại với mục đích chủ động thu hút sự chú ý của người khác. Chính vì lẽ đó mà những “thần tượng” hiện nay không chỉ là người thật việc thật mà còn cả những “thần tượng ảo” nữa.

“Thần tượng thật” sẽ giúp các bạn trẻ có những định hướng đúng đắn trong cuộc sống; ngược lại, “thần tượng ảo” sẽ làm cho các bạn mất phương hướng. Nhiều người nhờ được gợi hứng từ những thành công của Bill Gates, Warren Buffett hay Steve Job đã trở thành những kỹ sư công nghệ thông tin tài giỏi hay những doanh nhân thành công; còn thử hỏi thần tượng Khá Bảnh giúp được gì cho tương lai của các bạn trẻ? Khác với “thần tượng thật” tôn vinh giá trị nhân bản, những “thần tượng ảo” chỉ nhắm vào thị hiếu của đám đông. Thị hiếu nếu không được đặt nền tảng trên giá trị thì chỉ là thứ cảm xúc trống rỗng chóng qua, không giúp gì trong việc thăng tiến đời sống con người.

“Thần tượng ảo” không đáng được coi là thần tượng, bởi vì họ không phải là mẫu mực cho một giá trị nhân bản cần theo đuổi. “Thần tượng ảo” còn gây ra hậu quả tai hại cho những người trẻ thần tượng họ bởi vì các bạn sẽ bắt chước những điều vô bổ, coi đó là chân giá trị, là lý tưởng cho đời sống của mình. Tất nhiên đây là mảnh đất béo bở và là miếng mồi ngon cho những người tìm cách lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để kiếm tiền, bất chấp mọi hậu quả xảy ra cho người khác.

Chúng ta không trách người trẻ chạy theo “thần tượng” bởi vì như tôi đã nói ngay từ đầu, đó là xu hướng tự nhiên. Vấn đề ở chỗ là các bạn chưa được hướng dẫn để tìm đúng “thần tượng” đáng để tôn vinh. Thực tế là bất cứ thời nào cũng không thiếu những người có đầy đủ tố chất dẫn dắt các bạn trẻ phát triển đúng hướng. Công nghệ phát triển không hề làm mất đi những “thần tượng” truyền thống. Ngày nay cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm vẫn có thể là những “thần tượng” của các bạn trẻ nếu họ thực sự sống đời mẫu mực. Tuy nhiên vấn đề là hiện nay người trẻ bị chi phối bởi quá nhiều kênh thông tin khiến “thần tượng thật” (vốn lan tỏa theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”) bị lu mờ trước nhiều “thần tượng ảo” (được dựng nên với chủ đích rõ ràng và được hỗ trợ đắc lực bởi công nghệ truyền thông).

Càng trong bối cảnh thách đố như trên thì đòi hỏi chúng phải càng nỗ lực nhiều hơn trong việc giúp người trẻ khả năng phân biệt được “thần tượng” nào nên noi theo và đâu là “thần tượng ảo” cần tránh. Nếu mạng xã hội là mảnh đất tốt để người ta lợi dụng nhằm tạo ra “thần tượng ảo” thì nó cũng nên được dùng để lan truyền những “thần tượng thật” là những tấm gương sáng trong đời sống hằng ngày. Cách tốt nhất để bài trừ cái xấu là nhân rộng cái tốt. Muốn có cái tốt để nhân rộng thì trước hết mỗi người chúng ta phải trở nên một người tốt. Trước khi trách người trẻ chạy theo “thần tượng ảo” thì chúng ta hãy tự trách chính mình vì đã không làm “thần tượng thật” cho con em của mình.

Thần tượng lúc này của bạn là ai?

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây