Hôm nay là ngày kỉ niệm đúng một năm tôi được đưa về đây. Ngày tôi sinh ra, tôi chẳng biết mục đích đời mình là gì. Tôi lặng lẽ để người ta khiêng đi đâu tùy ý. Rồi tôi được cha xứ đưa về và đặt ở cuối nhà thờ. Hôm sau, người ta nườm nượp xếp cạnh tôi. Rồi cha xứ ra ngồi sát bên tôi và ghé tai vào. Từng người lần lượt lên quỳ và nói những lỗi lầm của mình. Người ta kể từ đầu tới đuôi, từ quá khứ tới hiện tại, từ lỗi nhỏ đến tội to. Lúc đầu, tôi chẳng hiểu người ta làm vậy để làm gì. Tôi chẳng hiểu tại sao người ta có thể thành thật nói ra những điều sâu kín, riêng tư nhất cho một người bình thường. Nhưng theo thời gian, tôi mới biết hành động kể những lỗi lầm là xưng tội. Những người quỳ cạnh tôi là hối nhân. Và nói đến đây thì các bạn biết tôi là ai rồi.
Những ngày đầu, tôi thật hạnh phúc. Tôi tưởng tôi là cầu nối giữa cha xứ và những người đến. Tôi nghĩ vai trò của tôi thật quan trọng. Tôi tưởng tôi sẽ giúp ích cho biết bao nhiêu người. Nhưng dần dần, tôi mới vỡ lẽ. Không phải là cha xứ có phép màu gì mà làm cho người ta đủ tin tưởng để xưng thú những tội lỗi sâu kín nhất. Đấng Siêu Việt mới có quyền năng ấy. Không phải cha xứ có thể tha những tội lỗi đó nhưng là Đấng Cao Cả, với lòng thương xót, trắc ẩn, đã dùng năng quyền tuyệt đối để tha thứ, để giải hòa tội nhân. Thế nên, người ta hay gọi là bí tích hòa giải hay bí tích chữa lành. Người ta đến để được hòa giải với Chúa và tha nhân. Người ta đến với Chúa để được chữa lành những thương tổn trong tâm hồn.
Dần dần, tôi chân nhận, cứ làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình trước đã. Những chuyện lớn lao, cao cả khác, có những người khác. Tôi vui vẻ với vai trò của mình. Dù không trực tiếp làm cho người ta đến với cha xứ hay đến với Chúa, nhưng thân hình tôi giúp cha xứ không thể biết mặt hối nhân. Có nhiều người quen cha xứ nên ngại. Thì ngại là đúng rồi. Bộc lộ tâm can mình cho một người, dù tin tưởng là cha xứ không bao giờ kể lại với bất cứ ai nhưng vẫn thấy lòng mình có chút gì đó ngại ngần. Có người thân quen với cha xứ quá nên không dám xưng luôn. Hay bất đắc dĩ phải xưng thì họ lại đổi giọng mình vì sợ cha xứ nhận ra. Tôi cảm thông cho họ. Và Chúa hay cha xứ cũng chẳng bao giờ chấp trách họ vì mấy chuyện đó đâu.
Mấy tuần nay tôi buồn quá!
Lâu lắm rồi, tôi không thấy ai tới quỳ bên tôi. Cái cảm giác nhìn thấy một người cúi đầu bên tôi thật không thể nào diễn tả được. Họ xưng thú những lầm lỗi, những va vấp. Họ kể những tiếc nuối, đau xót. Họ gục đầu để thưa với linh mục những lời thống hối ăn năn. Những lúc đó, tôi thật hạnh phúc. Một tội nhân sám hối để trở về với Chúa. Một tâm hồn trở lại làm hòa với Đấng Giàu lòng Xót Thương. Chiếc cầu nối giữa Trời với đất được xây dựng lại. Bàn tay của Đấng Siêu Việt chạm tới linh hồn của hối nhân. Lòng thương xót tuôn trào để chữa lành tâm hồn thương tổn bởi tội.
Nhưng mấy tuần nay, tôi không còn được tiếp xúc với họ. Không còn được nghe những lời kể lể, thì thầm với linh mục. Bụi phủ đầy thân tôi. Mạng nhện bắt đầu giăng lên đầu tôi. Thật đau khổ! Thật xót xa cho thân phận tôi. Càng xót xa vì bụi phủ lấy thân tôi bao nhiêu, tôi càng xót xa vì không còn được chứng kiến những cuộc trở về đẫm nước mắt và chan hòa tình thương. Càng đau khổ vì cô quạnh, một mình, tôi càng nhớ về những con người vẫn thường xuyên đến với tôi.
Đó là cụ Phúc. Một cụ già năm nay đã 80 tuổi rồi. Cụ đi lễ hằng ngày. Cụ xưng tội đều đều mỗi tuần. Có lúc chưa tới 3 ngày, cụ lại tới xưng tội với cha xứ. Có bữa cụ gặp cha trực tiếp luôn. Nhưng phần lớn là cụ lại quỳ gần tôi. Tôi thích cái cảm giác được nghe những lời thống hối thật chân thành của cụ. Tôi không thể kể với các bạn cụ thống hối những gì vì là bí mật tòa trong mà.
Nhớ về cụ Phúc, lòng tôi lại càng thêm buồn hơn. Giờ mọi người không thể đến tham dự thánh lễ nữa. Đồng nghĩa với việc không thể ở gần tôi. Có bữa tôi nghe có người nói với cha xứ là con có thể đeo khẩu trang để xưng tội. Nhưng cha xứ cũng không đồng ý vì sự an toàn của hối nhân, của cha và của mọi người. Tôi chẳng hiểu con virus ấy nó ghê gớm cỡ nào. Tôi cũng chẳng thấy hình thù nó ra làm sao. Sao nó làm cho cả thế giới phải kinh hoàng đến vậy.
Nhưng tôi tin một ngày nào đó Chúa của tôi sẽ ngăn chặn dịch bệnh này. Tôi cũng tin rằng đằng sau mỗi biến cố nơi thế giới này đều có sự quan phòng của Chúa. Và tôi cũng tin, ẩn sau những đau khổ của nhân loại, Chúa muốn gửi gắm cho con người một thông điệp nào đó. Có lẽ khi nào nhiều người nhận ra, Chúa sẽ tức khắc can thiệp. Tôi cũng tin Chúa sẽ luôn rút ra được điều gì đó hữu ích, tốt đẹp sau những sự dữ, sự xấu. Tôi cũng tin Chúa cũng không phải là nguyên nhân của sự dữ. Sự dữ chỉ là sự thiếu vắng sự thiện. Và khi sự thiện quá ít, hay quá thiếu thì tự dưng sự dữ sẽ phát tán, sẽ lấn át thôi.
Có thể ví sự thiện giống như một cốc nước trong vậy. Nhưng một khi có một chút nước bẩn vào thì sẽ không còn được như trước. Và càng nhiều nước bẩn hòa vào thì không còn là nước trong. Càng nhiều sự dữ, xấu xa thì sự thiện sẽ không còn. Nhưng Chúa không bao giờ để cho sự thiện biến mất hoàn toàn đâu. Sự Thiện luôn thắng sự Ác. Dù chỉ còn một tinh thể nước thôi, Chúa cũng sẽ làm cho cốc nước trong lại được. Dù chỉ còn một chút sự thiện thôi, Chúa cũng không bao giờ bỏ mặc để cho sự Ác thắng được. Tôi không biết được cuộc chiến đấu dai dẳng giữa sự Thiện và sự Ác bao giờ mới chấm dứt. Nhưng tôi tin rằng chắc chắn sự Thiện sẽ chiến thắng.
Vũ khí chiến thắng sự dữ là tình yêu. Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Phương thuốc chữa lành những thương tổn là lòng thương xót. Lòng thương xót không khi nào vơi. Tình yêu luôn ấp ủ. Chúa vẫn luôn chờ đợi con người trở về. Nhưng con người vẫn e ngại, vẫn chai lỳ. Bức tường cản lối trở về là lòng tự ti. Đường trở lại là ngõ cụt khi gặp sự mặc cảm. Có khi vì tội lỗi họ quá nhiều. Nhưng cũng có khi vì ánh mắt e dè của người khác.
Tôi thấy Anh Tâm lủi thủi đi lễ. Ngồi ở cuối nhà thờ, lòng anh trĩu nặng mối ưu tư. Tôi gần anh quá vì tôi thường được đặt ở gần lối vào thánh đường. Tôi nghe được tiếng thở dài. Tôi nghe được tiếng thổn thức trong lòng anh. Tôi nghe được cái dư vị đắng nghét của sự tiếc nuối. Đó là lần cuối cùng tôi thấy anh.
Mấy ngày trước, tôi thấy ánh mắt e dè của người cạnh bên. Tôi thấy cái bĩu môi, cười cợt của người đi qua. Tôi thấy cái khuôn mặt mỉa mai, khinh miệt của người nhìn anh từ xa. Họ chẳng nói gì nhưng khuôn mặt, cử chỉ của họ nói lên tất cả. “Vậy mà còn dám vác mặt đi lễ”. “Vậy mà đường đường là một giáo viên ưu tú”. “Làm sao anh có thể hành động như thế được”. Người ta cứ nhấn mạnh từ “vậy mà…” như thể là một mũi nhọn đâm vào tim.
Từ ngữ đó cứ xoáy vào tim anh. Tim anh rỉ máu. Lòng anh tan nát. Dù gia đình của học sinh không kiện cáo gì anh. Dù anh đã bồi thường thiệt hại phần nào. Dù anh đã cam kết với lòng mình. Dù anh đã ăn năn, sám hối. Nhưng tâm tư anh vẫn trĩu nặng. Xót xa cho phận mình. Tiếc nuối bao công sức gây dựng thanh danh, uy tín. Và còn vợ con anh nữa chứ. Anh nhận cái kết cục này là đáng phải chịu. Nhưng vợ con anh đâu có lỗi những cũng phải nghe lời đàm tiếu từ làng trên xóm dưới, từ công sở tới giáo xứ. Anh muốn trở về nhưng liệu có con đường nào không?
Con đường trở về ấy đầy gai nhọn của sự mỉa mai. Hai bên tua tủa những ánh nhìn sắc lẹm của sự kỳ thị. Vượt qua được sự mặc cảm nội tâm đã khó, tránh những gai nhọn của người ngoài lại càng khó hơn. Tôi muốn kêu lên thật to giúp anh nhưng chẳng thể. Tôi chỉ làm công việc bé nhỏ của tôi thôi. Tôi chẳng phải là tác nhân, chẳng thể kêu gọi mọi người hối cải. Tôi cũng chẳng thể lên tiếng bênh vực những kẻ cô thân cô thế. Tôi cũng chẳng thể gào thét cầu xin lòng trắc ẩn và sự tha thứ nơi mọi người. Nhưng Chúa làm được. Chúa đầy quyền năng và lòng thương xót.
Tôi vẫn ở đây hằng ngày. Tôi vẫn thầm hi vọng một ngày nào đó anh sẽ trở lại. Tôi tin thế. Tin vào quyền năng của Chúa và tin vào trực giác của tôi. Tôi thấy được ánh mắt khao khát trở về của anh. Tôi thấy được sự ăn năn, sám hối của anh khi anh ngước nhìn lên tượng chịu nạn. Can đảm lên. Manh bạo lên anh! Tôi tin ngay sau khi lầm lỡ, anh đã nhận ra sự sai lầm của mình. Và tôi tin, ngay lúc đó, Chúa đã tha thứ cho anh rồi.
Bây giờ, anh đến tòa giải tội không phải chỉ để lãnh nhận ơn tha thứ nhưng là để cảm nghiệm được lòng thương xót của người Cha nhân từ đang đợi chờ anh từng ngày. Anh đến tòa giải tội không phải chỉ để xưng thú lỗi lầm nhưng còn là nhận phương thuốc chữa lành là tình yêu của Vua Tình Yêu. Tòa giải tội không phải là nơi để xử án, kết án nhưng là nơi để giải án. Tòa giải tội không phải là nơi để buộc tội nhưng là nơi để tháo gỡ. Tòa giải tội không phải là nơi định mức tội lỗi bằng số lần và cách thức làm việc đền tội nhưng hối nhân cảm nghiệm được độ cao và độ sâu của lòng xót thương.
Điều cụ Phúc cần khi đến tòa giải tội không chỉ là xưng thú những lỗi nhỏ ấy nhưng là để đón nhận tình yêu của người Cha nhân hậu. Tôi nghe cụ nói thật dễ thương. Lời thật chân thành. Có lẽ, điều hạnh phúc nhất của cụ là được thổ lộ, trải lòng tất cả với Chúa. Yêu thì muốn được bày tỏ và muốn được nghe lời tỏ bày. Lời yêu làm người ta hạnh phúc. Nhưng lời chân thành để thổ lộ về những sự thật trần trụi nhất của con người nơi tòa giải tội mới làm cho người ta hạnh phúc gấp bội. Ở đó, con người chạm tới thần linh thực sự. Ở đó, con người thấy mình hiện hữu thực sự. Cái làm cho hiện hữu thực sự không phải là hơi thở, là giá trị cao quý, hay sự thành công nhưng là cái sự thật nơi mình được tỏ hiện trước tấm gương sáng chói của Đấng Chí Công. Trước tấm gương ấy, con người nhìn thấy tất cả những gì là của mình. Không phải là sự mạnh mẽ, phi thường nhưng là sự yếu đuối, mỏng manh. Không phải là sự hoàn thiện, vô hạn nhưng là sự bất toàn, giới hạn. Quả thực, con người là một loài động vật yếu đuối. Yếu đuối khi chạm được cái vô hạn. Yếu đuối khi chạm tới cái siêu việt. Và cái yếu đuối ấy làm cho người thực sự là người hơn.
Nơi tòa giải tội, con người chạm được hạnh phúc thực sự nơi vườn địa đàng giống như hạnh phúc của Adong và Eva trước khi phạm tội. Khi ấy, Chúa với con người là một. Thiên nhiên hòa với con người. Con người tôn trọng và sống hòa hợp với vũ trụ, vạn vật. Chỉ sau khi phạm tội, con người quay lại chống đối Thiên Chúa, và thiên nhiên không còn hòa hợp với con người. Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đổ máu mình ra chuộc tội cho nhân loại, con người được giải hòa với Thiên Chúa, tha nhân và vũ trụ. Nhưng với bản tính yếu đuối, con người năm lần bảy lượt sa đi ngã lại. Chính vì thế, qua bí tích hòa giải, lòng thương xót Chúa là linh dược chữa lành thương tổn, là cầu nối với tha nhân. Chỉ những ai thành tâm chạy đến với bí tích ấy, chân thành xưng thú những yếu đuối mới có thể cảm nghiệm được hạnh phúc thực sự và viên mãn như hạnh phúc nơi vườn địa đàng.
Suy tư về những điều xảy đến trong thời gian qua, tôi lòng tôi cứ ngậm ngùi mãi. Anh Cửa lên tiếng. Sao dạo này chú em trầm tư thế? Có chuyện gì buồn à!
Thì buồn chuyện Covid và những hậu quả nó mang đến cho con người đó anh. Tôi buồn bã trả lời.
Sao cậu phải buồn chứ! Anh Cửa tư lự trả lời.
Buồn chứ sao không buồn được anh. Anh chẳng thể mở ra để chào đón mọi người đến với Chúa. Em thì bụi bám đầy vì người ta chẳng thể đến với Chúa để giải hòa. Vậy mà không buồn sao được? Tôi lý luận.
Chúa có cách của Chúa em ạ! Cứ tin vào sự quan phòng của Chúa đi em. Anh ấy trả lời cách xác tín.
Nhưng hậu quả sờ sờ trước mắt ra đó anh. Người ta không đến nhà thờ được thì càng xa Chúa. Người ta không đến với bí tích hòa giải được thì lòng đầy trĩu nặng và mặc cảm. Và người ta không đến với Chúa được thì làm sao cầu nguyện, thưa chuyện gì với Chúa được. Tôi hùng hồn lấy dẫn chứng cho điều vừa phát biểu.
Nhà thờ duy nhất mà con người cần là tâm hồn. Tòa án tối cao là lương tâm họ. Và cách cầu nguyện hiệu quả nhất là lặng thinh để nhìn thấu cõi lòng mình và để cảm nghiệm Chúa bằng cả trái tim. Anh Cửa từ tốn trả lời.
Anh giải thích thêm đi! Lòng tôi ngộ ra chân lý giản đơn từ bấy lâu nay.
Tâm hồn là đền thờ thánh thiêng nhất em ạ. Và Chúa sẽ có cách thức tỉnh lương tâm những ai nhạy cảm. Kể cả những trái tim chai lỳ nhất. Chúa đều có cách. Sao em lại nói hậu quả của Covid mà không nói là hiệu quả của Covid. Em thấy không, Covid làm anh chẳng thể mở ra nhưng Chúa làm cho cánh cửa tâm hồn họ mở rộng. Covid làm em bám đầy bụi nhưng Chúa lại làm thức tỉnh bao trái tim ơ hờ, vô tâm. Covid làm cho anh và em mất việc nhưng Chúa lại có bao việc để làm. Chúa chỉnh đốn, sắp xếp. Chúa khuyên răn, sửa dạy. Và Chúa cảnh báo rồi sửa phạt. Anh giải thích một cách xác tín.
Tôi thầm cảm phục anh Cửa. Thật là tôi đã quá hời hợt khi chỉ nghĩ về những hậu quả của Covid để lại mà quên đi những kế hoạch và dự định đằng sau những biến cố của nhân loại. Bàn tay Chúa luôn nâng đỡ. Ánh mắt Chúa luôn dõi theo. Và trái tim Chúa luôn thổn thức về vũ trụ về con người. Nghĩ tới đây, tôi nhớ lại những câu thánh vịnh thật sâu sắc.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! (Tv 8,410)
Quả thực, vinh quang, danh dự và lòng thương xót Chúa thì vô biên và vô hạn. Dù con người có sa đi ngã lại bao lần, Chúa vẫn không bao giờ bỏ rơi con người. Dù con người có vong ân bội nghĩa với Chúa nhưng Chúa không bao giờ lãng quên con người. Chúa là người mục tử luôn tìm và cứu những gì đã mất. Chúa là vị lương y đầy quyền năng luôn băng bó và chữa lành bao tâm hồn tan vỡ. Chúa người cha nhân hậu luôn kiên nhẫn đợi chờ và dang rộng vòng tay đón nhận người con hoang đàng trở về.
Tìm Về
Nguồn tin: mfvietnam.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn