Stress trong đời Tu

Thứ ba - 01/09/2020 08:17

Stress trong đời Tu

 

Stress là một thuật ngữ được dùng để miêu tả phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động, thay đổi, hoặc sự kiện nào đó được nhìn nhận là thử thách hay có tính đe doạ đến sức khoẻ của con người. Stress gây những biểu hiện về thể lý (đau đầu, khó thở, tim đập nhanh), cảm xúc (bối rối lo âu, dễ nổi nóng, tức giận), nhận thức (khó tập trung, hay quên, lộn xộn) và hành vi (giảm tương tác xã hội, sống cô lập, uống rượu và các chất kích thích). Trong đời tu, stress có thể là do những nguyên nhân sau: do sự thay đổi trong các giai đoạn đào tạo, thay đổi mục vụ, hay do thuyên chuyển Cộng đoàn hoặc Giáo xứ. Trong thực tế, đã có những tu sĩ cảm thấy stress, căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, hụt hẫng, thậm chí buồn sầu và đau khổ do sự chuyển đổi. Bài viết này thảo luận về nguyên nhân gây ra stress trong đời tu và một số biện pháp giúp tu sĩ có những cách đối phó thích hợp để sống triển nở hơn trong tình yêu Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trên bước đường nên thánh của mình.

Nguyên nhân gây Stress và những biểu hiện

Theo chương trình và hoạch định của hầu hết các dòng tu nam nữ, cũng như các Giáo phận trong Giáo hội nói chung, việc thuyên chuyển mục vụ từ nơi này đến nơi khác, từ Cộng đoàn này đến Cộng đoàn khác là việc làm thường xuyên và liên tục. Sự thuyên chuyển này nhằm giúp các giáo sĩ và tu sĩ có thêm những trải nghiệm mới nơi được sai đến, cùng nhắm tới lợi ích của Giáo dân, Cộng đoàn và mục vụ tông đồ của Hội dòng. Tu sĩ vâng lời quyết định của các vị Bề trên trong việc chuyển đổi Cộng đoàn và sứ vụ như một cách thức thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Chuyển đổi Cộng đoàn là gì? Chuyển đổi Cộng đoàn là cách thế giúp tu sĩ sống Linh đạo của Hội dòng mình. Chẳng hạn như linh đạo của các Hội dòng Mến Thánh Giá đặt trọng tâm vào Đức Giê-su Chịu Đóng Đinh, thể hiện qua ba chiều kích: chiệm niệm, khổ chế, và tông đồ. Ba chiều kích này luôn bổ túc và liên hệ với nhau để giúp các tu sĩ thực thi thánh ý Chúa trong ơn gọi của mình. Theo Giáo luật Công giáo điều 675 về việc tông đồ của các tu hội khẳng định rằng:

#1. Trong những tu hội chuyên hoạt động tông đồ, việc tông đồ thuộc về chính bản tính của những hội dòng ấy. Vì vậy, toàn thể đời sống của các thành viên phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ và tinh thần tu trì phải thúc đẩy toàn thể hoạt động tông đồ.

#2. Hoạt động tông đồ luôn luôn phải bắt nguồn từ việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, đồng thời phải củng cố và hun đúc việc kết hợp ấy.

#3. Hoạt động tông đồ phải được thi hành nhân danh và thừa lệnh của Giáo Hội, cũng như phải được thực hiện trong sự thông hiệp với Giáo Hội.

Trên thực tế, ai trong chúng ta cũng mong muốn được sống ổn định và an toàn. Khi đứng trước quyết định chuyển đổi Cộng đoàn và các mục vụ tông đồ thì sự căng thẳng, hoang mang, và lo sợ ở mỗi cá nhân ít nhiều là điều khó tránh khỏi. Stress do phải thích nghi với môi trường sống và công việc mới, hay với những thành viên mới trong Cộng đoàn cùng các mối quan hệ mới khác. Trong khi đó, những cảm xúc buồn sầu, thương nhớ liên quan đến sự mất mát do chuyển đổi môi trường, công việc và các mối quan hệ ở nhiệm sở cũ có thể vẫn còn đang tiếp diễn. Dựa trên năm cấp bậc nhu cầu của con người theo nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow (Maslow's hierarchy of needs), stress vì chuyển đổi một phần là do nhiều người có thể lo lắng về các nhu cầu thể lý căn bản, nhu cầu an toàn, và nhu cầu tình cảm thân mật không được đáp ứng, dẫn đến cảm giác căng thẳng, lo âu, và buồn phiền.

Từ kinh nghiệm làm việc với những người bị đau buồn và căng thẳng sau mất mát, tiến sỹ tâm lý học người Mỹ J. Shep Jeffreys khẳng định rằng: bất cứ khi nào có sự thay đổi là có mất mát; và khi có mất mát, có một phản ứng đau buồn đi theo (thay đổi = mất mát = đau buồn) (2005, pp. 9-10). Con người có xu hướng trải nghiệm mức độ cảm xúc nhiều hơn khi họ có sự gắn bó sâu sắc với những gì đã mất. Mất mát lớn thường liên quan đến đau buồn; và nỗi buồn càng sâu nặng, càng gây ra cảm xúc đau khổ nhiều (tình yêu & mất mát & buồn sầu). Bên cạnh đó, một thay đổi lớn trong cuộc sống thường gợi lại những mất mát và đau buồn trước đó. Sự chuyển đổi Cộng đoàn và mục vụ có thể được xem là một mất mát lớn cho nhiều người, nhất là khi họ đã từng sống, làm việc và cảm thấy yêu mến, gắn bó với một Cộng đoàn và sứ vụ nào đó trong một khoảng thời gian dài.

Khi được hỏi chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi Cộng đoàn và chuyển sang một giai đoạn huấn luyện mới từ Đệ tử để lên Thanh tuyển, phần đông các chị em đều nhận thấy có những kinh nghiệm căng thẳng rõ rệt nơi bản thân. Sống trong giai đoạn Thanh tuyển, việc thay đổi môi trường và nếp sống mới như công việc làm bếp, làm vườn, thời gian biểu, cũng như giờ cầu nguyện hằng ngày là những bổn phận đã được làm đến thành thục ở Cộng đoàn cũ nhưng nó lại trở thành những mối bận tâm và thậm chí là khủng hoảng của không ít người. Hơn nữa, đối với Cộng đoàn đông người, nhiều thế hệ, do tất cả mọi thứ đều mới nên các chị em mới đến cảm thấy có chút căng thẳng để làm quen với từng thành viên trong Cộng đoàn cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Có những chị em đã từng được sống trong Cộng đoàn có các thế hệ lâu đời nhưng không đông người. Và ngược lại có những chị em đã từng sống trong môi trường không có các chị cao niên và các thế hệ kỳ cựu, mà chỉ hoàn toàn là các chị trẻ trong thời đại mới. Ngoài ra, giờ giấc sinh hoạt và công việc như dạy trẻ cũng bị xáo trộn và thay đổi khiến nhiều chị em cảm thấy cơ thể mệt mỏi. Sự mệt mỏi này gây ra vấn đề về nhu cầu sinh thể lý mất cân bằng.

Bên cạnh đó, công việc cá nhân quen thuộc được hình thành từ Cộng đoàn cũ đôi khi cũng cần có thời gian để thay đổi và thích nghi trong môi trường mới. Điều này khiến cá nhân mỗi người lo sợ vì nhu cầu bản ngã không được đáp ứng như mong muốn. Một số dấu hiệu của triệu chứng căng thẳng mà các chị em thường gặp khi chuyển đổi sang giai đoạn huấn luyện mới và Cộng đoàn mới bao gồm: thay đổi cân nặng (tăng hay giảm thất thường), mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, đau đầu, mệt mỏi, uể oải, tay chân luống cuống, run rẩy, và rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, còn có một số những triệu chứng khác liên quan đến vấn đề tâm lý như tâm trạng căng thẳng, lo âu thái quá, bối rối, sợ hãi, mất cân bằng, nhớ nhà, và nhớ các sinh hoạt và các mối quan hệ ở Cộng đoàn cũ.

Nhận thức và đánh giá mức độ Stress

Stress được thể hiện với những trạng thái cảm xúc khác nhau như thất vọng, tức giận, xung đột, choáng ngợp hoặc mệt mỏi. Có những stress mang tính tích cực, khích lệ chúng ta làm với sự thích thú nhất của mình. Tuy nhiên, cũng có những stress mang tính tiêu cực, khiến con người cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ, và hiệu suất công việc suy giảm.

Theo mô hình đánh giá nhận thức (Cognitive appraisal approach), hai tác giả chuyên nghiên cứu về stress Lazarus and Folkman (1984) cho rằng cách con người nghĩ về sự kiện gây stress quyết định một phần sự kiện đó sẽ trở nên stress như thế nào. Bước đầu trong việc đánh giá stress liên quan đến việc ước tính mức độ nghiêm trọng của stress và phận loại stress này có thể gây ra những đe doạ hay gây hại cho sức khoẻ. Stress có thể chia làm hai loại:

1) Loại mang tính đe dọa (threat) là những stress có thể dẫn đến tác hại là hậu quả tiêu cực và các mất mát khác nhau;

 2) Loại coi stress như là một thách thức (challenge) khi yếu tố gây căng thẳng mang tiềm năng tăng trưởng cho cá nhân và những người khác.

Bước thứ hai trong việc đánh giá stress mang tính thử thách hay đe doạ liên quan đến những lựa chọn, nguồn lực có sẵn để giúp con người đối phó với sự kiện gây căng thẳng và nhận thức tính hiệu quả của những lựa chọn đó sẽ như thế nào. Sự kiện sẽ ít căng thẳng hơn nếu chúng ta tin mình có thể làm chút gì đó điều khiển được tình huống gây căng thẳng. Stress có thể được nhìn nhận là yếu tố cực kỳ đe dọa trong trường hợp chỉ có một vài hoặc không có sẵn những chọn lựa, và nguồn trợ giúp để đối phó một cách hiệu quả.

Chẳng hạn như trong việc chuyển Cộng đoàn và chuyển giai đoạn huấn luyện từ Đệ tử sang Thanh tuyển, một số chị em nhìn nhận đó là sự kiện mang tính thử thách; trong khi đó, không ít các chị em lại cho đây là một mối đe dọa cho cuộc sống ở thời điểm hiện tại của họ. Cụ thể, những chị em coi sự chuyển đổi là stress mang tính đe dọa thường có phản ứng rụt rè, không chủ động trong công việc, lo lắng, và sợ hãi. Thậm chí ngay cả sở thích cũng có thể bị thay đổi, những điều trước đây họ thường rất thích làm, là niềm vui mỗi ngày như lên lớp hay đánh đàn, dạy hát thì giờ đây với họ những điều đó lại trở nên hoàn toàn gây áp lực, khó khăn. Những người này còn cảm thấy bất lực vì cái gì mình cũng yếu, cũng thiếu. Lối nhìn nhận stress như vậy phần nào ảnh hưởng bởi tính cách của họ. Đó là tính cách mặc cảm, tự ti, rụt rè, sợ trải nghiệm, có tính hướng nội, thường có lối suy nghĩ thiên về tiêu cực và tâm lý dễ bất ổn trong những hoàn cảnh thay đổi khác nhau.

Trái ngược với quan niệm và đánh giá trên, một số khác lại nhìn nhận stress là một thử thách để họ vượt qua. Vì vậy, họ coi biến cố này như là động lực để cố gắng. Bản thân họ cũng cảm thấy vui vì được chuyển giai đoạn, được tiến thêm một bước mới trong chương trình huấn luyện của đời tu. Vì vậy, họ đặt những kỳ vọng và mong bản thân có những thay đổi trưởng thành hơn, phát triển hơn trong đời sống Cộng đoàn. Thêm nữa, qua việc nỗ lực thích nghi với những thay đổi, họ còn được trau dồi thêm kinh nghiệm, có những trải nghiệm trong phong cách và nếp sống mới. Đa số những người này thuộc tuýp người với tính cách khá tự tin, luôn sẵn sàng trải nghiệm, có lối suy nghĩ tích cực, dễ chịu, thường hướng ngoại, và năng động.

Ngoài yếu tố tính cách khác nhau, kinh nghiệm sống Cộng đoàn và mục vụ trong đời tu cũng có thể là lý do tạo nên sự khác biệt trong việc nhìn nhận và đánh giá tình huống gây căng thẳng là thử thách hay đe dọa. Trải nghiệm là điều rất quý giá để giúp ta có những bài học kinh nghiệm cho chính mình vì “trăm hay không bằng tay quen.” Với những người từng trải hoặc từng gặp tình huống tương tự, họ sẽ tự đề ra cho mình những phương pháp cụ thể và có sẵn để dễ dàng đối phó. Còn những chị em ít trải nghiệm, có thể sẽ gặp phải bối rối, khó tìm ra cách thức để tự vượt qua. Vì vậy, họ càng cảm thấy bị đe dọa và bế tắc. Bên cạnh đó, cách giáo dục và môi trường giáo dục cũng tạo nên nhiều điểm khác biệt xoay quanh việc suy nghĩ, nhìn nhận và phân định sự việc. Do ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và những va chạm xã hội, mỗi người sẽ hình thành nên tính cá vị. Những điều này tựu trung lại góp phần không nhỏ vào lối suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề: Chuyển Cộng đoàn là đe dọa hay thử thách? Tích cực hay tiêu cực?

Những phương thức đối phó với Stress

Theo kết quả nghiên cứu của trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Mỹ (Simmons & Simmons, 1997), có khoảng 90% bệnh tật liên quan đến stressStress kéo dài có thể dẫn đến suy nhược cơ thể. Các rối loạn tâm sinh lý thường gặp do stress bao gồm: bệnh kéo dài và lâu khỏi, khó tập trung, khó ngủ, đau đầu căng thẳng liên tục, thường xuyên đau lưng đau cổ, hen suyễn, nổi mụn, nám da, tàn nhang, tóc rụng, tăng huyết áp, hội chứng đi ngoài vệ sinh khó chịu như táo bón hay tiêu chảy, và các bệnh tim động mạch. Bên cạnh đó, stress có thể dẫn đến huyết áp cao; và huyết áp kéo dài có thể dẫn đến đau tim hoặc suy tim.

Một điều đáng chú ý là stress có thể làm ức chế và làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch, khiến con người dễ bị nhiễm trùng, ốm đau và bệnh tật. Khi bị stress kéo dài và nghiêm trọng, hệ thống miễn dịch bị suy yếu do các hormone được giải phóng trong quá trình căng thẳng. Những hormone này ức chế sản xuất tế bào lymphocytes (tế bào bạch cầu quan trọng trong phản ứng miễn dịch). Một điều đáng chú ý là khi con người chịu áp lực quá lớn, cơ thể của họ sẽ tiết ra hormone cortisol (tức hormone căng thẳng). Loại hormone này có thể tạm thời giúp giải quyết vấn đề, nhưng nếu căng thẳng kéo dài triền miên và liên tục, yếu tố kích thích này sẽ không còn hữu ích nữa và nó sẽ suy giảm theo thời gian. Cortisol và kích thích tố khác tiết ra lúc căng thẳng trong hệ thống miễn dịch có thể giúp cơ thể đối phó với căng thẳng. Tuy nhiên, khi suy giảm và cạn kiệt, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với ốm đau và bệnh tật. Nói cách khác, việc tiếp xúc liên tục với cortisol có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến một người có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc bệnh tật.

Theo lẽ thông thường, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau để đối phó với căng thẳng. Lazarus and Folkman (1984) chỉ ra 2 cách đối phó với căng thẳng: đối phó tập trung vào cảm xúc và đối phó tập trung vào vấn đề. Và ngoài ra còn có phương cách thứ ba được gọi là phương cách nền tảng trong đời tu: đời sống cầu nguyện và chiêm niệm.

Thứ nhất, đối phó tập trung vào cảm xúc là dùng nỗ lực để thay đổi hoặc giảm bớt những cảm xúc tiêu cực liên quan đến căng thẳng. Giảm cảm xúc tiêu cực do căng thẳng chuyển đổi Cộng đoàn bằng cách: chia sẻ với những chị em cùng lớp hay với những người thân quen đi trước, người có kinh nghiệm hơn mình, và thậm chí là những người cùng cảnh ngộ để dễ dàng đồng cảm hơn. Thêm nữa, họ cũng có thể làm những công việc mình thích để thư giãn như dành thời gian nghe nhạc, đọc sách, hay đi tản bộ. Nếu căng thẳng quá và cần giảm ngay lập tức, chúng ta vẫn có thể tìm đến sự hỗ trợ của các loại thuốc đau đầu và thuốc an thần.

Thứ hai, đối phó tập trung vào vấn đề là các nỗ lực cá nhân dùng để quản lý hoặc thay đổi vấn đề đang có khiến họ gặp căng thẳng. Để giải quyết vấn đề, cá nhân cần xem xét các giải pháp cụ thể, cân nhắc chi phí và lợi ích của các giải pháp này và sau đó chọn một giải pháp thay thế. Giảm cảm xúc tiêu cực do căng thẳng chuyển đổi Cộng đoàn bằng việc tu sĩ nên đối phó trực tiếp vào vấn đề, đầu tư thêm thời gian và cố gắng học hỏi, tham gia các hoạt động, công việc ở nơi nhiệm sở mới. Họ có thể chủ động bắt chuyện và làm quen với các chị em, những người bên cạnh mình để học hỏi, và cũng có thể học qua quan sát và làm theo sự hướng dẫn của người đồng hành. Thậm chí, họ có thể chủ động làm theo những kinh nghiệm sẵn có của bản thân trong hoàn cảnh có tính chất tương tự và chấp nhận cả những rủi ro hay thất bại xảy đến.

Thứ ba, phương cách nền tảng và quan trọng cho tu sĩ là đời sống cầu nguyện và chiêm niệm vì chiêm niệm luôn đi cùng với mục vụ tông đồ. Với những người sống trong đời tu, đời sống thiêng liêng là một nguồn an ủi, nguồn sống, và là nguồn bình an không thể thiếu mỗi ngày. Vì vậy, khi gặp stress mọi người đều có thể tìm đến Chúa để chia sẻ, tâm sự và xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh giúp mình giảm căng thẳng trong cuộc sống. Trong đời tu, duy trì và làm triển nở tương quan thân mật với Chúa sẽ giúp tu sĩ lấy được nguồn thánh thiêng và những ơn cần thiết để chu toàn tốt công việc tông đồ của mình. Khi tu sĩ đặt trọn lòng trí mình vào Đức Ki-tô và có tương quan mật thiết với Thiên Chúa, với các thành viên trong Cộng đoàn, họ sẽ tìm được ý nghĩa cho những việc mình làm và có thể vượt qua được những căng thẳng trong việc thuyên chuyển Cộng đoàn và sứ vụ tông đồ.

Lời kết

Thực tế cho thấy, đời tu vẫn luôn là dấu chấm hỏi cho không ít người thế gian: vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ? Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của con người như tuổi tác, quan hệ xã hội, xuất thân gia đình, năng lực, đời sống thiêng liêng, nhận thức, và hành vi. Ông cha ta thường nói: Gừng càng già càng cay, càng thêm tuổi càng trau dồi cho mình được nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm, và có sự chín chắn hơn nên phần nào những người lớn tuổi dễ bắt nhịp hơn với môi trường mới, công việc mới, và giai đoạn mới. Bên cạnh đó, do cách giáo dục trong gia đình, nền văn hóa vùng miền, nếp sống trong mỗi Cộng đoàn, năng lực tự thân vận động hay sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng cũng là những yếu tố tác động không nhỏ để tạo nên sự nhận thức và suy nghĩ của mỗi người khi nhìn nhận một vấn đề, sự kiện mang tính chất thay đổi hay quyết định cho cuộc đời, và tương lai của họ.

Tu sĩ rất cần trang bị cho mình một đời sống trưởng thành, một trí phán đoán đúng, thậm chí là học cách chấp nhận để lớn lên hơn là phủ nhận và thất vọng, vì “ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9). Như thế, việc thuyên chuyển Cộng đoàn, thay đổi mục vụ, chuyển giai đoạn huấn luyện sẽ là cơ hội cần thiết trong đời tu giúp người tu sĩ luôn sống phó thác và trọn vẹn hiến thân cho Chúa và tha nhân trong thế giới hôm nay.

Thanh tuyển khoá 2019 – 2020 và Sr. Maria Lê Kim Yến

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây