Suy Tư Tin Mừng CN5TNB : Mở ra với huyền nhiệm

Thứ bảy - 03/02/2024 05:36

Các bạn thân mến!

Bạn thường nghe nói “đời là bể khổ!” Con người tìm đủ mọi cách để diệt khổ, thoát khổ. Các tôn giáo thường tìm cách giúp cho con người thoát khổ và đạt đến hạnh phúc. Phật Giáo chủ trương diệt khổ bằng cách diệt dục hầu giúp cho con người đạt được tình trạng an lạc. Công Giáo giúp cho con người tìm được con đường cứu độ bằng cách tin vào Đức Ki-tô. “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.[1] Đâu là những thách đố mà bạn đã và đang trải qua? Đâu là cách thức và kinh nghiệm giúp bạn vượt qua những đau khổ? Thay vì đi tìm câu trả lời đâu là nguyên nhân và làm thế nào để diệt khổ thì bạn nên hỏi làm thế nào để có được hạnh phúc? Hạnh phúc của bạn hệ tại ở việc được thông chia phần phúc của Tin Mừng nhờ việc mở ra với huyền nhiệm.    

Vấn đề hạnh phúc và đau khổ là vấn đề hiện sinh. Dù bạn có đặt vấn đề hay không thì nó là vấn đề tồn tại trong đời sống của bạn. Bạn sống với nó, hít thở với nó và phiêu lưu với nó trên những nẻo đường trần gian. Không phải bạn là người đầu tiên đặt câu hỏi về vấn đề này. Từ khi xuất hiện trên trái đất con người đã tìm cách đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Ngay từ thời ông Gióp, ông đã đặt ra vấn đề này. “Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói: Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?” Điều đáng ghi nhân nơi ông Gióp đó là mặc dầu ông là người băn khoăn đi tìm câu trả lời, tra vấn cuộc sống và tra vấn Chúa. Tuy nhiên cuối cùng ông cũng ngước mắt nhìn lên Chúa và không mất niềm cậy trông vào Chúa.“7Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.” Điều đáng chú ý nơi ông Gióp là ông đặt vấn đề, ông thấy vấn đề nhưng ông không bị nhận chìm trong vấn đề. Khởi từ vấn đề mà ông đang đặt ra về nguyên nhân của đau khổ, ông được dẫn tới huyền nhiệm lớn lao hơn. Huyền nhiệm này sẽ giải quyết cho ông rất nhiều “vấn đề” trong cuộc sống mà chỉ với cái nhìn của đức tin và việc chiêm niệm ông mới có thể nhận ra thực tại lớn lao hơn đằng sau cái nhìn khả giác.  

Huyền nhiệm mà bạn đang nói đến, theo Thánh Phao-lô đó là Tin Mừng. Tin Mừng ở đây không chỉ là một sứ điệp nhưng là một Con Người. Đối với Thánh Phao-lô việc rao giảng Tin Mừng không phải là dịp để tự hào nhưng đó là điều bắt buộc. Đây là lý do hiện hữu và mục đích tối quan trọng mà ngài luôn thực hiện trong cuộc đời của mình. “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” Như thế nơi tâm hồn ông, ông tự cảm thấy phải có trách nhiệm và được thôi thúc phải loan báo Tin Mừng. Chính Tin Mừng có sức mạnh lay động tâm hồn ông để rồi cũng chính Tin Mừng ấy thôi thúc ông lên đường. Phải là một con người gặp gỡ được Tin Mừng, đón nhận Tin Mừng và thấm nhuần Tin Mừng cho nên Phao-lô mới có thể nói: “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi.” Đây chính là huyền nhiệm mà ngài nhận ra, là con đường hạnh phúc, là lý do hiện hữu cho hành trình đời môn đệ của ngài.

Chỉ có sự xác tín vào giá trị và tình yêu của Đức Ki-tô mới là lý do thúc đẩy Thánh Phao-lô khẳng định rằng: “ Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, bằng mọi cách cứu được một số người.” Thánh Phao-lô sẵn sàng chấp nhận hy sinh kể cả mạng sống mình để bằng mọi cách giúp cho những người chưa nhận biết Đức Ki-tô có thể đón nhận Tin Mừng. Dĩ nhiên không phải Thánh Phao-lô là người đầu tiên dám chấp nhận “trở nên mọi sự cho mọi người” như chính Đức Ki-tô đã trước hết hy sinh chính mình làm giá chuộc muôn người để một khi cảm nghiệm được tình yêu và sự hy sinh đó, chính thánh nhân cũng dám sống con đường mà Đức Ki-tô đã sống. Khi bạn chưa lập gia đình, có lẽ bạn quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển bản thân nhưng khi bạn đã lập gia đình thì có lẽ bạn sẽ hiểu nhiều hơn “thế nào là trở nên mọi sự cho mọi người để cứu được một số người.” Những hy sinh vất vả hằng ngày của bạn mục đích chính vẫn là để mang lại hạnh phúc cho gia đình. Bạn cũng nên ý thức rằng việc trở nên mọi sự cho mọi người là lời mời gọi phổ quát dành cho tất cả mọi người vì đây là con đường mà chính Đức Ki-tô đã đi. Cũng thế những hy sinh của các tu sỹ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng hay giáo dục cũng là cách thức để trở nên mọi sự hầu cứu được một số người. Nhưng thực ra bạn có cứu nổi ai không nếu không có Thiên Chúa. Thực ra việc cứu được một số người còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận, sự tự do và thái độ sẵn sàng của con tim của những người đón nhận Tin Mừng.         

Chính Đức Ki-tô, “huyền nhiệm tình yêu,” khuôn mặt của Thiên Chúa mới giúp cho bạn có được hạnh phúc và tìm được sự mới mẻ trong đời sống. Có 3 vấn đề luôn làm cho con người bận tâm đó là vấn đề bệnh tật, sự dữ và sự vắng bóng Thiên Chúa. Chúa Giê-su đối diện với ba điều này bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đối diện với vấn đề bệnh tật bằng sự chữa lành. Đức Giê-su ra khỏi hội đường Ca-phac-na-um. Người ta báo cho Ngài biết về tình trạng bà mẹ vợ của ông Simon. Bà đang đang lên cơn sốt. Chúa Giê-su đến cầm lấy tay bà và nâng bà dậy. Lập tức cơn sốt dứt ngay. Đây là cách Chúa giải phóng con người khỏi nỗi đau khổ của bệnh tật.

Hãy để ý đến 3 động từ: Chúa đến, cầm lấy tay và nâng dậy. Chúa Giê-su biết rõ tình trạng của bạn. Có nhiều lúc bạn không muốn để Chúa nắm tay mà nâng dậy bởi vì sự nâng dậy này làm cho bạn phải mất mát hay thay đổi điều gì đó mà bạn chưa sẵn sàng. Hãy để Chúa Giê-su nắm lấy tay bạn và mang bạn ra khỏi cơn sốt và sự không chế của bệnh tật. Chỉ khi bạn để cho Chúa nắm lấy tay và bước vào không gian nội tâm của bạn thì lúc đó bạn mới có thể được nâng dậy. Cũng thế, Chúa Giê-su đối diện với vấn đề sự dữ bằng quyền năng của Thiên Chúa. Sức mạnh của sự dữ tàn phá con người, khống chế con người không cho con người được tự do. Chúa Giê-su đến để giải phóng con người khỏi sự dữ và làm cho con người được tự do.

Mặc dầu rất bận rộn với sứ mạng nhưng Chúa Giê-su không bị quá tải bởi sứ mạng. Ngài vẫn dành một không gian riêng để gặp gỡ Cha. Ngài đối diện với nỗi cô đơn và việc vắng bóng Thiên Chúa bằng việc đi vào tương quan thân mật với Cha. Chính trong cuộc gặp gỡ này Ngài tiếp thêm sức mạnh và nội lực cho hành trình rao giảng. Có lẽ đây là điều hoàn toàn khác biệt với bạn và tôi. Những áp lực về cơm áo gạo tiền chiếm hết tâm trí các bạn, không cho các bạn một không gian dành riêng cho gia đình của mình, cho chính nội tâm của mình và cho Chúa. Bạn chạy theo những cái bên ngoài, những công việc, sứ mạng mà thiếu đầu tư và bồi dưỡng sức mạnh và đời sống nội tâm. Kết quả là đôi khi bạn đồng hóa chính mình với những công việc và sự thành công để rồi khi những công việc bên ngoài thất bại hoặc không đạt được như những gì mà bạn mong muốn, bạn trở nên chán nản, thất vọng, bỏ cuộc, mất sức sống. Chúa Giê-su không tìm sức mạnh và ý nghĩa nơi sự tán dương, nơi chính những đóng góp và sự thành công nhưng Ngài tìm sức mạnh nơi cuộc gặp gỡ thân thiết với Cha. Ngài không bị những thành công và hấp lực của đám đông lôi kéo, nhưng Ngài luôn tìm cho mình một không gian nội tâm và sự tự do để thi hành việc rao giảng.

Hành trình đời sống Ki-tô hữu của bạn và tôi chắc chắn không thể không đối diện với rất nhiều những vấn đề. Nhưng thay vì bị nhận chìm vào vấn đề và bị trói buộc vào vấn đề, bạn được mời gọi hãy nhìn đến những huyền nhiệm trong đời sống. Huyền nhiệm đó đang ở trong trái tim bạn, ở trong lòng bạn và trong những nỗi khao khát sâu thẳm của bạn. Huyền nhiệm đó giải phóng bạn, chữa lành bạn và làm cho bạn tự do. Huyền nhiệm đó được chứng thực bởi kinh nghiệm gặp gỡ của Thánh Phao-lô. Huyền nhiệm đó là lý do hiện hữu cho đời sống dâng hiến của bạn, trong đời sống gia đình của bạn. Huyền nhiệm đó thay đổi dự định căn bản nơi hai môn đệ trên đường Emmaus. Huyền nhiệm đó là Đấng bạn đang khao khát, đang tìm kiếm mỗi ngày, là Đấng ở giữa bạn, ở trên bạn và ở trong bạn. Huyền nhiệm đó đã có một lần đến với thế giới và mang thế giới về với Ngài. Bạn và tôi đang chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Mùa xuân mới mang đến cho bạn và tôi niềm hạnh phúc và sự mới mẻ. Niềm hạnh phúc thực sự là niềm hạnh phúc đến từ Đấng luôn là sự mới mẻ!    

Lm. Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] Rm 10, 9

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây