Dâng Chúa vào đền thờ. Giotto di Bondone 1305.
Trong nhà nguyện Scrovengi. Padova, Ý.
DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THỜ
(Trích từ tập sách của Lm. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
ĐẤNG TUYỆT MỸ trong nơi nghèo hèn.
NXB. Đồng Nai 2023. T. 144-153)
Ngôi Hai Thiên Chúa qua cuộc Giáng Sinh đã đi vào sự sống của nhân loại. Người đã được quấn trong chiếc tã của con người, Người thuộc về dòng dõi của thánh Giuse, dòng dõi Vua Đavít, Người thuộc về một dân tộc là Ítraen và Người đã đi vào lòng của những người dân nghèo là các mục đồng. Tin Mừng Giáng Sinh còn kể lại một sự kiện, để làm nổi bật ý nghĩa Ngôi Hai Thiên Chúa đã quy phục chính lề luật mà con người tuân phục: “khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ. Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa’, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,21-23).
Trong dịp đặc biệt này có một cuộc gặp gỡ giữa Hài Nhi và hai người cao niên là ông Simêôn và bà Anna. Khi bế Hài Nhi Giêsu trên tay, ông Simêôn đã hát lên bài ca An Bình Ra đi – Nunc dimittis, và ông đã nói những lời tiên tri. Bà Anna cũng nói tiên tri, nhưng thánh Luca chỉ nói vắn tắt về nội dung của lời bà nói.
Câu chuyện này cũng đi vào hội họa và một danh họa người Ý nổi tiếng đã họa lại thật sống động cảnh Chúa Giêsu được hiến dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ. Giotto di Bondone (1267-1337) là hoạ sĩ và kiến trúc sư người Ý. Giotto được coi là thiên tài, là danh họa xuất sắc ở Ý. Với người Ý, Giotto là người đã khơi mào cho một kỷ nguyên mới của nghệ thuật. Giotto học được nhiều điều từ các bậc thầy của thời kỳ Byzantine. Ông nổi tiếng với các bức họa vẽ trên tường, mà người ta gọi là fresco. Ông để lại rất nhiều tác phẩm hội hoạ, cũng như các công trình kiến trúc đặc biệt.
Theo Nguyên Hưng, “Giotto là hoạ sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Công Giáo. Hơn thế, ông còn được xem là hoạ sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Tây phương, nói chung. Tầm vóc vĩ đại này của Giotto được đo bởi: Thứ nhất, và quan trọng nhất, là ông đã mở đầu cho một lối vẽ khác – khép lại mười mấy thế kỷ nghệ thuật Trung cổ, mở đầu cho thời đại Phục Hưng, và dẫn nghệ thuật phương Tây vào kỷ nguyên hiện đại. Bằng tác phẩm của mình, ông đã tách khỏi sự cách điệu hoá của nghệ thuật Byzantine, hướng nghệ thuật đến những tư tưởng mới của chủ nghĩa tự nhiên, sáng tạo cảm thức vững chắc về không gian – như mắt thường nhìn thấy trước thế giới kinh nghiệm – trong hội hoạ.
Khác hẳn với nghệ thuật Byzantine vốn chỉ là những ước lệ tượng trưng mang tính minh hoạ trải rộng trên mặt phẳng hai chiều và hầu như không hề hay biết gì về phép phối cảnh, hình diện trong tranh ông đã mang dáng dấp của hình ảnh cuộc sống thực tế. Qua tranh ông, lần đầu tiên người ta nhận thấy có sự nhận thức mới về tính ba chiều và tính vật chất của thế giới sự vật, và trong khi thể hiện những sự kiện thiêng liêng ông tạo cảm giác có sức nặng tinh thần thay vì hào quang thần thánh”.[1]
Những kiệt tác hội hoạ của Giotto được vẽ trong ba nhà thờ và nhà nguyện: Nhà thờ Santa Maria Novella ở Florenz, Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxico thành Assisi ở tại Assise và nhà nguyên nhỏ Arena hay còn gọi là nhà nguyện Scrovengi ở thành phố Padova.
Nhà nguyện Scrovengi được xây dựng vào khoảng năm 1303 và 1305. Đây là nhà nguyện riêng của gia đình giàu có Scrovengi. Giotto đã nhận trách nhiệm trang hoàng nhà thờ này từ thương gia giàu có ở trong gia đình này. Đó là là Enrico Scrovengi.
Trong nhà nguyện này, người ta có thể chiêm ngắm các kiệt tác hội hoạ tôn giáo của ông trong thời Phục Hưng. Các kiệt tác này được vẽ trên tường và diễn tả về cuộc đời của Chúa Giêsu và cuộc đời của Mẹ Maria. Chúng ta cùng chiêm ngắm bức tranh Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, là một trong các bức tranh Giotto đã vẽ trên tường trong nhà nguyện Scrovengi.
Bức hoạ có nền màu xanh, mầu của bầu trời. Trời diễn tả một khung cảnh thánh thiêng. Có tất cả bảy nhân vật trong hình. Một Thiên Thần “đang bay” trên bầu trời xanh với một cây gậy ở bên tay trái, và tay phải thì hướng về phía dưới. Thân mình đang bay của Thiên Thần hướng về một biến cố đang xảy ra ở trong đền thờ. Ở giữa hình là một bàn thờ với hoa văn được khắc và vẽ bên các cạnh, cùng bốn cây cột với mái vòm và tháp nhọn theo kiểu hình tam giác, cho người xem nhận ra khung cảnh của câu chuyện diễn ra trong đền thờ, như thánh Luca đã nói: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22).
Chúng ta ngắm nhìn ba nhân vật ở phía tay trái của bức tranh. Người phụ nữ ngoài cùng có thể là một người phụ giúp việc, cô không có hào quang trên đầu. Hai nhân vật kế tiếp là thánh Giuse và Mẹ Maria. Cả hai đều có hào quang trên đầu, vì cả hai đều là người công chính.
Trong câu chuyện Giáng Sinh, hai Đấng đều nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa, để thực hiện sứ mạng Chúa trao. Như thế, công chính có nghĩa là luôn sống đúng theo thánh ý của Chúa, theo giới luật của Chúa. Là người Do Thái, hai Đấng cũng luôn tuân theo luật lệ mà mọi người Do Thái cần chú ý và thực thi sống. Vì thế, câu chuyện cắt bì và dâng Hài Nhi vào đền thờ diễn tả tinh thần thực thi luật của Mẹ Maria, thánh Giuse và Hài Nhi. Chúng ta đọc lại lời của thánh Phaolô: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Sống theo giới luật của Thiên Chúa cũng là thực thi thánh ý của Thiên Chúa, vì thế qua việc Chúa Giêsu được dâng lên cho Thiên Chúa trong đền thờ, chúng ta nhận ra được tinh thần sống của Chúa Giêsu là: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,9) và “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).
Thánh Giuse và Mẹ Maria đang đứng ở bên trong đền thờ, nơi bàn thờ. Ánh mắt của hai Đấng và của người nữ phụ giúp đều hướng về phía trung tâm của bức tranh, là Hài Nhi Giêsu. Nhìn đến Mẹ Maria, Giotto đã “mặc cho Mẹ” chiếc áo choàng bên trong màu đỏ và chiếc áo sáng màu ở ngoài. Mẹ đứng và đôi tay giơ ra như Mẹ vừa trao Con của Mẹ là Hài Nhi Giêsu cho một cụ cao niên. Đôi tay Mẹ đưa lên cao và bàn tay Mẹ mở rộng ra còn mang ý nghĩa Mẹ sẵn sàng hiến dâng người Con trai đầu lòng yêu dấu cho Thiên Chúa, theo như luật lệ đã được ghi trong sách Xuất Hành: “Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ítraen, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2). Mẹ thật là mẫu gương của đời sống vâng phục, xin vâng với Thiên Chúa trong niềm tin của Mẹ. Thái độ dâng hiến của Mẹ thật đẹp biết bao!
Tương hợp với thái độ hiến dâng của Mẹ là thái độ của thánh Giuse. Ngài mặc chiếc áo khoác bên trong màu xám và áo khoác bên ngoài màu nâu bộc lộ nét khiêm tốn và bình dị của thánh nhân. Đôi tay của thánh nhân đang giữ hai chú chim. Tại sao vậy? Đó là của lễ trong dịp người phụ nữ mới ở cữ được thanh tẩy. Sách Lêvi viết: “Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội…Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch” (Lv 12,6.8).
Như thế, cả hai Đấng là những người nghèo, không có phương tiện gì nhiều, nên đã dâng hai chú chim bồ câu non làm của lễ. Thật dễ thương, khi chiêm ngắm hai chú chim bồ câu non trong tay của thánh Giuse. Giotto đã “đặt” thế đứng của hai chú chim tương hợp với thế đứng của Mẹ Maria và của thánh Giuse. Đứng thẳng, mắt hướng về trung tâm bàn thờ. Đó là tư thế sẵn sàng của người dâng hiến. Hai chú chim cũng sẵn sàng được “trở nên” của lễ phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa. Ở phía giữa là hình ảnh cụ cao niên vừa mới đón nhận Hài Nhi Giêsu, con của Mẹ Maria. Cụ cao niên với mái tóc và bộ râu bạc và dài là cụ Simêôn. Thánh Luca viết về cụ: “Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông” (Lc 2,25). Thời điểm đã đến, ông được Thần Khí Chúa thúc đẩy vào Đền Thờ. “Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng…” (Lc 2,27-28).
Chúng ta để ý thái độ cụ Simêôn bế Hài Nhi Giêsu. Giotto không để cụ dùng đôi tay trần của mình mà bế Hài Nhi Giêsu. Đôi tay của cụ được giấu dưới một tấm áo choàng. Thật trân trọng cụ đón nhận Hài Nhi và bế trên tay. Đôi mắt cụ chiêm ngắm Hài Nhi với niềm hạnh phúc lớn lao. Thánh Luca viết: “ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa” (Lc 2,26).
Ân sủng đã đến, Đức Kitô, Đấng Cứu Độ đã được sinh ra. Điều mà Thiên Chúa hứa với cụ Simêôn giờ đây được thành toàn. Vì thế, với niềm hân hoan cụ đã thốt lên bài ca tuyệt vời An Bình Ra Đi – Nunc dimittis. Theo Ravasi “bài ca An bình ra đi – Nunc dimittus là bài ca buổi tối của cụ Simêôn. Trong bài ca đó niềm vui của một cụ cao niên được bày tỏ và đó cũng là dấu hiệu cụ đã đến được đích của cuộc sống. Cụ Simêôn đang bước gần tới ngưỡng cửa chiều tà của cuộc sống, nhưng với một sự mong đợi chắc chắn về bình minh chuẩn bị ló dạng, đánh dấu một ngày mới bắt đầu”.[2]
“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài” (Lc 2,29-32).
Ơn cứu độ và ánh sáng đến từ Hài Nhi Giêsu mà cụ đang bế trên đôi tay của mình. Sau lời ca tụng tuyệt đẹp của cụ Simêôn, thánh sử Luca nhắc đến hai nhân vật là cha mẹ của Hài Nhi Giêsu, thánh Giuse và Đức Maria. Hai đấng ngạc nhiên về những gì vừa nghe: “Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người”. Sự ngạc nhiên là một trong những điều thuộc về đời sống của người Kitô hữu. Trước Thiên Chúa, Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót, Đấng có thể làm những điều vượt trên mọi khả năng của con người, chúng ta sẽ luôn “rơi vào” sự ngạc nhiên. Thật vậy, còn ngạc nhiên chúng ta còn cảm nhận được sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa, Đấng có thể làm những điều bình thường cách vô thường.
Mẹ Maria và thánh Giuse chắc chắn đã sống trong sự ngạc nhiên, từ khi sứ thần Gáprien truyền tin và trao sứ mạng cao quý cho hai Đấng. Giờ đây, trước những lời cao đẹp của cụ Simêôn trong bài ca Nunc dimittis nói về chính người con của mình là Hài Nhi Giêsu, hai Đấng lại rơi vào sự ngạc nhiên. Thật vậy, Mẹ Maria và thánh Giuse trong niềm tin của mình, đã khám phá ra chiều sâu của sự khôn ngoan của Thiên Chúa, cũng như tình yêu bao la của Người. Hai Đấng ngạc nhiên trong sự kính trọng và trong tâm tình thờ lạy Thiên Chúa.
Khi Mẹ Maria và thánh Giuse vẫn còn ở trong tình trạng ngạc nhiên, cụ Simêôn, người công chính đạo đức và hết lòng kính sợ Thiên Chúa đã chúc phúc cho Đức Maria và thánh Giuse. Trong chính Hài Nhi Giêsu, hai Đấng nhận được phúc lành này của cụ Simêôn.
Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, chúng ta thấy Giotto “mặc” cho Hài Nhi chiếc áo màu đỏ và viền màu vàng. Hài Nhi như vừa được Mẹ Maria trao cho cụ già Simêôn. Đôi tay của Hài Nhi giang ra. Một tay hướng về Mẹ Maria, một tay có lẽ đang để trên vai của cụ Simêôn. Đôi chân Hài Nhi duỗi thẳng ra. Cả thân người của Hài Nhi như “vẽ lên” một hình Thánh Giá. Hào quang của Hài Nhi khác với hào quang của những nhân vật trong hình, vì chỉ có hào quang của Hài Nhi Giêsu có hình Thánh Giá. Đầu Hài Nhi đang được cụ Simêôn đỡ. Nhờ vậy, đôi mắt Hài Nhi hướng nhìn cụ Simêôn. Một cuộc gặp gỡ thật đẹp giữa các thế hệ. Một cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước: Cựu Ước và Tân Ước. Ngoài ra, cụ Simêôn còn nói tiên tri về Hài Nhi và một chút về Mẹ Maria (x.Lc 2,33-35).
Nhân vật phụ nữ đứng đàng sau cụ Simêôn, theo thánh sử Luca là bà Anna: “Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,36-37).
Bà Anna được gọi là ngôn sứ. Về hình ảnh bà Anna, Ratzinger đã diễn tả như sau: “Bà là hình ảnh tuyệt diệu của một người đạo đức. Bà xem đền thờ như là nhà ở của bà. Bà sống gần Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, cả tâm hồn lẫn thể xác. Như thế, bà thật sự là một người đàn bà tràn đầy Thánh Thần, một nữ ngôn sứ. Vì chỉ sống trong Đền Thờ – trong sự thờ phượng – bà có mặt lúc Chúa Giêsu đến. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Lời tiên báo của bà nằm trong lời rao giảng – trong việc chuyển đạt hy vọng mà bà đã sống”.[3]
Chiêm ngắm bức tranh, ta thấy bà Anna mặc áo choàng toàn mầu nâu, áo phủ khắp cơ thể bà. Phải chăng mầu này tương hợp với đời sống ẩn dật của bà, một phụ nữ goá bụa gương mẫu? Tay phải bà đang chỉ về Hài Nhi Giêsu, tay trái bà đang cầm một tờ giấy với dòng chữ viết trên đó. Phải chăng những hàng chữ đó tương hợp với điều bà cảm tạ tri ân Thiên Chúa và loan báo về Hài Nhi Giêsu (x.Lc 2,38).
Toàn cảnh của bức tranh kể cho chúng ta thật sống động câu chuyện Chúa Giêsu được tiến dâng vào Đền Thờ. Tấm lòng công chính của Mẹ Maria và thánh Giuse dâng hiến Hài Nhi Giêsu được Thiên Chúa đón nhận qua chính hình ảnh của thiên thần chứng kiến qua tư thế đang “bay” và “đậu” trên bầu trời phía trên bàn thờ.
[1] Nguyên Hưng, Giotto – Họa sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Công giáo. http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110713/11546
[2] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.241.
[3] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.123-124.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn