1. Các cơ quan truyền thông ca ngợi vắc xin COVID-19 Trung Quốc nhằm chống lại Tổng thống Trump

Tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN cho biết: “Cuộc bầu cử 2020 đang mục kích một món tiền chưa từng thấy được chi tiêu cho nền chính trị phá thai. Trong đó, Planned Parenthood đang tìm cách làm lệch cán cân bằng hàng chục triệu dollars và một đội quân tranh đấu hạ tầng”.

Kristen Day, đảng viên Dân chủ chủ tịch nhóm phò sinh, nói với tờ Register:

“Chỉ mới bắt đầu tiến trình vận động bầu cử năm 2020, Planned Parenthood đã quyên góp 45 triệu dollars - nhiều hơn gấp ba lần số tiền quyên góp vào năm 2016.”

Planned Parenthood bao gồm 159 cơ quan y khoa và cả những cơ quan không có dính líu gì đến y khoa. Nó điều hành 650 cơ sở phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ và tại 12 quốc gia trên thế giới.

Planned Parenthood đạt đến thời cực thịnh dưới thời Obama-Biden. Trong báo cáo thường niên vào năm 2014, Planned Parenthood cho biết đã thực hiện 324,000 vụ phá thai với doanh thu là 1.3 tỷ Mỹ Kim. Bên cạnh số doanh thu khổng lồ này, tổng thống Obama còn ưu ái tặng thêm 530 triệu Mỹ Kim hàng năm và miễn thuế hoàn toàn cho tổ chức này.

Kristen Day nhận xét rằng chiến lược vận động tranh cử của Đảng Cộng Hòa là gỏ cửa từng nhà, trong khi chiến lược của Đảng Dân Chủ là tận dụng các kỹ thuật truyền thông hiện đại và các phương tiện truyền thông.

Một thí dụ rõ nét nhất là nhiều phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Tây phương đang quay sang ca ngợi một loại vắc xin của Trung Quốc nhằm chỉ trích các chính sách đối phó với coronavirus của Tổng thống Trump.

Thông tấn xã Reuters vừa kháo rằng nhiều nước đã đồng ý thử nghiệm vắc xin COVID-19 Trung Quốc, trong khi chính thông tấn xã này thường tố cáo Trung Quốc ăn cắp các nghiên cứu vắc xin của Hoa Kỳ.

Theo Reuters, đã có thêm bốn quốc gia khác đồng ý tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với các ứng viên vắc xin coronavirus từ Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc, gọi tắt là CNBG, và Công ty Công nghệ sinh học Sinovac - khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực chế tạo vắc xin COVID-19 trong cuộc đua toàn cầu.

Serbia và Pakistan là một trong những quốc gia mới đồng ý thử nghiệm Giai đoạn 3.

Hai công ty Trung Quốc đang tìm kiếm thêm dữ liệu ở nước ngoài trong khi các trường hợp nhiễm bệnh mới đang giảm dần ở Trung Quốc.

Phó chủ tịch CNBG Trương Vân Đào (Zhang Yuntao, 张云涛) cho biết giai đoạn 3 thử nghiệm dự kiến sẽ có sự tham gia của 50,000 người ở khoảng 10 quốc gia.

Ông nói thêm rằng nhiều nước đã bày tỏ hứng thú trong việc đặt hàng tổng hợp 500 triệu liều vắc xin của họ.

Các thử nghiệm đã bắt đầu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Peru, Maroc, Á Căn Đình và Jordan.

CNBG dự kiến có thể sản xuất 300 triệu liều vắc-xin mỗi năm khi nâng cấp kỹ thuật sản xuất.

Và họ Trương cho biết họ đang thực hiện kế hoạch nâng công suất hàng năm lên 1 tỷ liều.

Ứng cử viên vắc xin của Sinovac, là CoronaVac, hiện đang được thử nghiệm ở Ba Tây và Indonesia.

Báo cáo của Reuters cho rằng các thử nghiệm giai đoạn 3 của CoronaVac cũng đã nhận được sự chấp thuận từ hai quốc gia khác CoronaVac. Tuy nhiên, thông tấn xã này nói rằng họ nói theo lời của Giám đốc cấp cao về chiến lược toàn cầu của Sinovac, là Dương Hải Luân (Helen Yang, 杨海伦) là người đã từ chối nêu tên các quốc gia vì thông tin vẫn phải được bảo mật.

Trung Quốc đã cho phép sử dụng các ứng cử viên vắc xin của Sinovac và CNBG trong trường hợp khẩn cấp đối với các nhóm có nguy cơ cao như các nhân viên y tế - mặc dù giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm vẫn chưa hoàn tất.

Người dẫn chương trình Sky News, Paul Murray bày tỏ lo ngại rằng nhằm chống lại Tổng thống Trump, nhiều phương tiện truyền thông liều mình đăng tải các tin tức không chính xác, miễn sao phục vụ được mục đích triệt hạ Tổng thống Trump. Ông nghi ngờ rằng nhiều người đang ca ngợi vắc xin Trung Quốc dám chìa tay ra cho người ta chích loại vắc xin Tầu mà họ đang ca ngợi hết cỡ.


Source:Catholic News AgencyMore countries agree to test Chinese vaccines
2. Điện tặc Trung Quốc xâm nhập lấy cắp các công trình nghiên cứu của công ty vắc xin Moderna

Các điện tặc Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào công ty công nghệ sinh học Moderna vào đầu năm nay. Moderna là công ty đã công bố một ứng cử viên vắc xin COVID-19 vào tháng Giêng. Một quan chức an ninh Mỹ đã nói với Reuters như trên, và khẳng định rằng các điện tặc này được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Ứng cử viên vắc xin của Moderna là một trong những hy vọng sớm nhất và lớn nhất của chính quyền Trump để chống lại đại dịch toàn cầu.

Thông tin này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp tiết lộ một bản cáo trạng vào tuần trước chống lại hai công dân Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp. Bản cáo trạng liệt kê ba mục tiêu có trụ sở tại Hoa Kỳ đang nghiên cứu COVID-19, một trong số đó được biết là đang nghiên cứu vắc-xin vào tháng Giêng. Moderna xác nhận với Reuters rằng họ đã liên lạc với FBI và đã được biết về các hoạt động “do thám thông tin” của nhóm điện tặc Trung Quốc trong bản cáo trạng tuần trước.

Chính phủ liên bang đang hỗ trợ phát triển vắc-xin của công ty với gần nửa tỷ đô la và giúp Moderna khởi động một thử nghiệm lâm sàng lên đến 30,000 người bắt đầu từ tháng này.

Trung Quốc cũng đang chạy đua để phát triển một loại vắc-xin, tập hợp các khu vực nhà nước, quân đội và tư nhân để chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 660,000 người trên toàn thế giới.

Chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong các vụ tấn công bằng điện tặc trên toàn cầu. Người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã không đề cập đến các câu hỏi cụ thể được Reuters gửi qua email. Hai công ty y tế khác được đề cập trong bản cáo trạng là các công ty có trụ sở tại California và Maryland, là Gilead Sciences và Novavax. Cả hai công ty đều từ chối bình luận về các vấn đề an ninh mạng cụ thể.


Source:Reuters
Chinese hackers targeted vaccine firm Moderna
3. Biểu tình lớn tại tại Melbourne chống các biện pháp đóng cửa

Cảnh sát Australia đã đụng độ với những người biểu tình chống các biện pháp đóng cửa ở tiểu bang Victoria. Hàng chục người đã bị bắt giữ. Điểm nóng về coronavirus của Úc đang tiếp tục được cải thiện dần. Và sau gần năm tuần bị khóa, những người biểu tình nói rằng họ đã quá chán các biện pháp không có cơ sở y khoa của thủ hiến Daniel Andrews.

Trong một diễn biến cho thấy sự tức giận của dân chúng, hơn 200 người biểu tình đã tập hợp tại thủ phủ của tiểu bang Melbourne, hô vang “ tự do” và “nhân quyền”. Họ bị bao vây bởi đông đảo các nhân viên cảnh sát. Những người biểu tình hô hào dỡ bỏ các biện pháp họ cho là không cần thiết, và độc tài.

Tuy nhiên, Daniel Andrews tiếp tục khẳng định là không an toàn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ hiến tiểu bang Daniel Andrews nói rằng hành động của họ không an toàn, không thông minh và cũng chẳng đúng luật. Victoria đã báo cáo 76 ca nhiễm COVID-19 mới và 11 ca tử vong vào hôm thứ Bảy. Andrews đã đóng cửa các bộ phận lớn của nền kinh tế, đưa ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu tất cả mọi người, trừ những ai có công việc cần thiết, phải ở nhà.

Trong hai tháng qua, số ca nhiễm trùng ở Úc Đại Lợi đã tăng hơn gấp ba lần lên hơn 26,000 trường hợp, trong đó Victoria chiếm khoảng 75% tổng số ca nhiễm trùng. Chính phủ và các doanh nghiệp của Úc đã thúc giục Victoria, chiếm khoảng một phần tư nền kinh tế của quốc gia, phải dỡ bỏ các hạn chế, vì quốc gia này đã chìm vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 1991.

Ông Daniel Andrews, người được báo chí gọi là Kim Jong Dan, phản đối và cho biết ông sẽ thực hiện một đường lối chậm chạp nhưng an toàn.

Làn sóng chống Daniel Andrews đã dâng cao sau khi cảnh sát Victoria đến tận nhà bắt một phụ nữ đang mang thai vì cô viết trên Facebook của mình những lập luận chống lại lệnh đóng cửa của Andrews.

Zoe Buhler, 28 tuổi, đã bị buộc tội kích động các cuộc biểu tình phản đối các hạn chế COVID-19 ở Ballarat.

Cảnh sát đã đến tận nhà bắt cô ta. Người chồng cô đã stream live toàn bộ vụ bắt giữ. Video này trên trang Facebook đã hơn 1.4 triệu lượt xem trong khoảng thời gian bốn giờ vào tối thứ Tư, và tăng lên 4.6 triệu lượt xem vào sáng hôm sau.


Source:Reuters
Australian lockdown protesters clash with police
4. Úc sẽ có vắc xin COVID-19 trong vòng vài tháng tới

Úc dự kiến sẽ có lô vắc-xin coronavirus đầu tiên vào tháng Giêng. Thủ tướng Scott Morrison thông báo hôm thứ Hai rằng nước này đã ký một thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm khổng lồ CSL của Úc để sản xuất hai loại vắc xin, một loại do đối thủ AstraZeneca và Đại học Oxford sản xuất, và một loại khác được phát triển trong phòng thí nghiệm của CSL tại Đại học Queensland. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Victoria đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần qua. Victoria là điểm nóng về virus và cũng là tiểu bang đông dân thứ hai,

Thủ tướng Scott Morrison nói: Hôm nay Australia cần chút hy vọng. Đặc biệt là ở Victoria họ cần một số hy vọng vào ngày hôm nay. Và đó là những gì chúng tôi ở đây để cung cấp cho đồng bào. Hôm nay, chúng tôi thực hiện một bước quan trọng khác để bảo vệ sức khỏe của người dân Úc trước đại dịch coronavirus, đó là một thỏa thuận trị giá 1.7 tỷ đô la cho việc cung cấp và sản xuất hơn 80 triệu liều vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Úc Greg Hunt cho biết thêm rằng các nhà khoa học dẫn đầu việc phát triển cả hai loại vắc xin này đã đưa ra lời khuyên rằng bằng chứng gần đây cho thấy chúng sẽ bảo vệ được những người tiêm ngừa trong nhiều năm.

Ông Morrison cho biết CSL dự kiến sẽ cung cấp gần 4 triệu liều vắc xin AstraZeneca, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Anh, Brazil và Nam Phi vào tháng Giêng và tháng Hai năm sau. Loại vắcxin của AstraZeneca, có tên gọi AZD1222, được coi là thuốc chủng ngừa dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm cung cấp một loại vắc-xin hiệu quả chống lại virus.

Tháng trước, chính phủ Úc đã thông báo rằng họ có kế hoạch mua AZD1222 cùng với một thỏa thuận từ CSL để sản xuất nó. Kế hoạch đó đã bị nghi ngờ khi CSL công bố ý định sản xuất vắc xin của riêng mình ngay sau đó.

Nhưng thông báo của Thủ tướng Morrison hôm thứ Hai cho biết Úc cũng sẽ mua thuốc CSL, nếu các thử nghiệm chứng minh thành công.

Vắc xin CSL sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai vào cuối năm 2020, có nghĩa là vắc xin sớm nhất có thể được tung ra thị trường là giữa năm 2021.

Biến cố Úc Đại Lợi sắp có vắc xin diễn ra chỉ một ngày sau khi nhiều phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ và Âu Châu nói Trung Quốc ca ngợi vắc xin COVID-19; và tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc mở một cuộc tấn công Úc Đại Lợi, bày tỏ sự hả hê rằng nền kinh tế của “quốc gia giẻ rách da trắng ở Á Châu” đã rơi vào một cuộc đại suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 1919.


Source:Reuters
Australia to receive COVID-19 vaccine within months