1. Người thanh niên ngang nhiên phá hoại tại một nhà thờ Công Giáo ở Louisiana đã bị bắt
Theo chính quyền địa phương, một thanh niên ngang nhiên thực hiện một vụ phá hoại kéo dài hàng giờ vào hôm thứ Tư tại Nhà thờ Công Giáo Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tioga, Louisiana đã bị bắt và đã thú nhận hành vi phạm tội của mình.
Trong hành động phá hoại kéo dài hơn hai giờ, kẻ tấn công đã phá ít nhất sáu cửa sổ, đập một số cửa kim loại và làm vỡ nhiều bức tượng xung quanh khuôn viên giáo xứ. Quan sát thấy 2 camera của nhà thờ đã bị bão làm hỏng, dây nhợ treo toòng teng, y yên chí phá phách trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ.
Cha Rickey Gremillion, cha sở của nhà thờ, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 11 tháng 9 rằng thiệt hại xảy ra từ 12:30 đến 3:00 sáng ngày 9 tháng 9. Không ai nhìn thấy hoặc nghe thấy gì trong khi vụ phá hoại xảy ra, nhưng toàn bộ sự việc đã được ghi lại vào camera an ninh của nhà thờ.
Cha Gremillion phát hiện ra thiệt hại khi đến nhà thờ để dâng Thánh lễ vào sáng hôm đó.
“Rõ ràng là anh ta không nhận ra có camera đang theo dõi mình,” Cha Gremillion nói.
Sở Cảnh sát Rapides cho biết hôm 11 tháng 9 rằng họ đã bắt giữ Chandler Johnson, 23 tuổi, vì tội xâm phạm và phá hoại một tổ chức.
Trên video, người ta có thể thấy Johnson, cởi trần và mặc quần jean xanh, làm vỡ nhiều chậu hoa nhỏ xung quanh nhà thờ và làm đổ một số chậu bê tông lớn hơn.
Anh ta đập một trong những cánh cửa kim loại với một bức tượng mà anh ta đã giật ra khỏi bên tượng đặt bên ngoài nhà thờ, và đập một cánh cửa kim loại khác với một bức tượng khác. Anh ta cũng ném một bức tượng vào một phần của nhà thờ, và làm vỡ đầu của Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
Johnson đã dùng một vật cứng để đập một lỗ trên bức tượng lớn của Đức Mẹ Maria đã được đặt ở nhà thờ trong nhiều năm.
Cha Gremillion cho biết giáo xứ gần đây đã vượt qua cơn bão Laura mà không có thiệt hại lớn nào, ngoại trừ hai camera an ninh của nhà thờ. May mắn là nhà thờ có đến 4 camera, và 2 camera an ninh còn lại vẫn hoạt động và đã có thể ghi lại hành động phá hoại trên video.
Cha Gremillion cho biết ngài không nghĩ Johnson có bất kỳ mối quan hệ nào với giáo xứ hay có lý do nào để tấn Công Giáo xứ.
Cha Gremillion nói rằng Johnson không gây thiệt hại nào bên trong nhà thờ; mặc dù hắn ta có nhiều cơ hội để vào nhà thờ qua cửa sổ vỡ, nhưng anh ta không làm như thế có thể vì lo ngại bên trong nhà thờ có gắn camera.
Cha Gremillion cho biết, hầu hết kính sẽ được thay thế khi công ty bảo hiểm đồng ý chi trả. Một số giáo dân đã giúp dọn dẹp và che tạm cửa sổ bị vỡ vào buổi sáng khi vụ phá hoại được phát hiện.
Cha Gremillion cho biết ngài đang hy vọng sẽ có thể củng cố hệ thống an ninh tại giáo xứ sau vụ này. Mặc dù toàn bộ vụ phá hoại được ghi lại trên video, hệ thống báo động hoàn toàn không được kích hoạt.
Source:Catholic News AgencyMan who went on vandalism spree at Louisiana Catholic church arrested
2. Quốc Hội lập pháp Tây Úc khuyến nghị tôn trọng ấn tín bí tích tòa giải tội
Một ủy ban của Thượng viện Tây Úc khuyến nghị hôm thứ Năm rằng không nên yêu cầu các linh mục ấn tín bí tích tòa giải tội khi hối nhân xưng tội lạm dụng tình dục trẻ em.
Ban Pháp chế Hội đồng Lập pháp khuyến cáo rằng “Trên cơ sở tín ngưỡng của họ, các linh mục nên được miễn trách nhiệm hình sự bắt buộc phải báo cáo những thông tin được tiết lộ trong tòa giải tội.”
Ủy ban cũng khuyến nghị rằng chính quyền tiểu bang nên “tham khảo ý kiến của các thừa tác viên tôn giáo khi bàn thảo các dự luật liên quan đến các thông tin nhận được trong quá trình xưng tội.”
Khuyến nghị, được đa số ủy ban đưa ra, liên quan đến Dự luật về Tu Chính Án trẻ em và dịch vụ cộng đồng năm 2019. Ở hình thức hiện tại, dự luật yêu cầu các linh mục phải báo cáo về các trường hợp đã biết hoặc bị nghi ngờ lạm dụng tình dục trẻ em.
Trong số ba thành viên ủy ban ủng hộ khuyến nghị tôn trọng ấn tín bí tích giải tội, hai người thuộc Đảng Tự do đối lập và một người thuộc Đảng Quốc gia.
Hai thành viên của Ủy ban thuộc Đảng Lao động đang nắm quyền đã chống lại việc giữ ấn tín bí tích tòa giải tội.
Dự luật nhằm thực hiện một số khuyến nghị trong báo cáo năm 2017 của Ủy ban Hoàng gia về Các ứng phó của các định chế đối với lạm dụng tình dục trẻ em. Phần lớn dự luật tập trung vào việc bảo vệ trẻ em cho những người Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres.
Trong cuộc điều tra về dự luật, Ủy ban Pháp chế đã nhận được 606 bản đệ trình của công chúng. Ủy ban ghi nhận rằng họ đã nhận được “phản đối mạnh mẽ” đối với yêu cầu buộc các linh mục vi phạm ấn tín bí tích giải tội, đặc biệt là từ các thành viên của Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Ủy ban nói rằng “hơn 90 phần trăm đệ trình cho cuộc điều tra này phản đối việc phá vỡ ấn tín bí tích giải tội.”
Victoria, Tasmania, Nam Úc, Queensland và Lãnh thổ Thủ đô Úc Canberra đã thông qua luật buộc các linh mục vi phạm ấn tín bí tích giải tội. New South Wales và Tây Úc đã quyết định tôn trọng ấn tín bí tích giải tội. Các quan sát viên cho rằng phản ứng quyết liệt của hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân đóng góp rất lớn vào kết quả của các tranh cãi tại các Quốc Hội tiểu bang.
Tại Tây Úc, nhiều linh mục đã viết thư để nói với ủy ban rằng các ngài sẽ không vi phạm ấn tín bí tích giải tội, và nhiều linh mục chỉ ra rằng luật này sẽ không thể thi hành được, vì việc xưng tội thường được thực hiện ẩn danh.
Ví dụ như Cha Mark Baumgarten, một linh mục của Tổng giáo phận Perth. Ngài đã viết cho ủy ban rằng “Tôi nghi ngờ một kết quả của loại luật này là nhiều giáo xứ có thể sẽ loại bỏ hoàn toàn việc xưng tội trực tiếp để bảo vệ các linh mục.”
“Loại luật này cũng không thể thực thi được. Cách duy nhất để bắt một linh mục trong trường hợp này là cố gắng gài bẫy ngài bằng những hối nhân giả được trang bị thiết bị ghi âm, đó sẽ là một hành động đặc biệt độc hại.”
Cha Baumgarten kết luận: ”Các linh mục chúng tôi cam kết long trọng trước mặt Thiên Chúa, và tôi quan tâm nhiều đến việc Thiên Chúa sẽ phán xét tôi như thế nào hơn là cách tôi bị các quyền lực của thế giới này xét xử. Tôi sẵn sàng ngồi tù hoặc đối mặt với bất kỳ hình phạt dân sự nào khác trước khi tôi vi phạm ấn tín bí tích giải tội, và tôi cho rằng tất cả các linh mục - bất kể chịu ảnh hưởng của ý thức nào – cũng sẽ nói như vậy. Thật vậy, đã có một vài vị thánh linh mục trong nhiều thế kỷ đã tử đạo vì các ngài không chịu phá bỏ ấn tín bí tích giải tội. Nói như thế, tôi không có mong muốn trở thành một người tử vì đạo - theo nghĩa bóng hay cách khác – vì chuyện này và tôi cầu nguyện rằng những người đứng đầu có lý lẽ sẽ chiếm ưu thế trong vấn đề này, để cho phép các nhà lãnh đạo dân sự và Giáo hội cộng tác với nhau trong việc bảo đảm sự an toàn của những người trẻ và những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng của chúng ta.”
Source:Catholic News AgencyWestern Australian legislative committee recommends preserving confessional seal
3. Các Giám Mục Tân Tây Lan kêu gọi bảo vệ sự sống.
Hội đồng Giám mục Tân Tây Lan lên tiếng kêu gọi các tín hữu bỏ phiếu ủng hộ sự sống, trong cuộc trưng cầu dân ý về luật trợ tử tại nước này, vào ngày 17 tháng 10 tới đây.
Hôm đó cũng là ngày tổng tuyển cử, đồng thời các cử tri tại Tân Tây Lan được yêu cầu bỏ phiếu xem có chấp nhận chung kết hay không hai dự luật đã được quốc hội thông qua: luật thứ nhất cho phép dùng cần sa với mục đích giải trí, và luật thứ hai là luật chọn lựa kết thúc mạng sống. Nếu luật này được các cử tri bỏ phiếu chấp thuận, thì những người từ 18 tuổi trở lên có thể được trợ tử để kết liễu mạng sống, nếu bị bệnh ở giai đoạn chót hoặc nghĩ rằng mình chỉ còn sống được sáu tháng hoặc ít hơn, và nếu họ ở trong tình trạng suy thoái không thể hồi lại được, cảm thấy đau đớn không thể chịu nổi và không thể được giảm đau theo cách thức mà bệnh nhân coi là có thể chấp nhận được.
Nhân cuộc trưng cầu dân ý này, Trung tâm đạo đức sinh học Nathaniel /na-thá-ni-eo/, thuộc Hội đồng Giám mục Tân Tây Lan, đã công bố một bản suy tư dài về vấn đề trợ tử, trong đó khẳng định rằng “bất kỳ sự trợ tử nào cũng tương đương với việc hợp thức hóa sự kỳ thị, vì nó bao hàm sự phán đoán về giá trị của một người, và về quyền sống của họ.”
Tài liệu cũng trình bày những nguy hiểm trầm trọng mà luật trợ tử có thể đưa tới: người quyết định chọn việc làm cho chết êm dịu, không bị bó buộc phải nói với thân nhân hoặc một người thân tín, không cần sự hiện diện của một nhân chứng độc lập, không có những bảo đảm để xác nhận những trường hợp bị cưỡng bách, hoặc trầm cảm, hay thiếu những điều kiện về sự ý thức của người bệnh trong lúc họ chọn trợ tử.
Vì thế, Giáo Hội Công Giáo Tân Tây Lan quả quyết rằng “quyết định công bố một đạo luật nguy hiểm như vậy không phải là điều khôn ngoan, vì nó đưa tới việc tạo nên một lớp người riêng về phương diện luật pháp, cũng như trong tâm thức của dân chúng: đó là lớp người ở giai đoạn cuối đời, trong đó sự sống của họ bị coi là không xứng đáng được bảo vệ như những sinh mạng khác.”
Trung tâm Nathaniel cũng nhận xét rằng thật là điều không thể chấp nhận được, sự kiện ngày nay có những người phải chết trong đau đớn, trong khi có thể có những phương pháp trị liệu chống đau có hiệu năng cao.
Trung tâm này cũng nhắc đến kinh nghiệm của những nước như Hòa Lan, trong đó luật trợ tử dần dần được nới rộng.
Source:Vatican NewsNew Zealand Bishops' Nathaniel bioethics centre releases May report