Biến cố không may diễn ra vào đêm Giao Thừa tại quảng trường Thánh Phêrô tiếp tục gây ra các phản ứng khác nhau trên thế giới. American Magazine, tạp chí của Dòng Tên tại Hoa Kỳ đã đưa ra một lời khuyên thật xác đáng: Người Công Giáo nên cố gắng tạo ra một sự khởi đầu tốt cho năm mới bằng cách hiệp nhất với nhau, đừng để câu chuyện này tạo thành một căn cớ chia rẽ thêm.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The papal hand slap divides Catholics and the media.
Kevin Clarke, America’s chief correspondent and the author of Oscar Romero: Love Must Win Out.


Cái tát vào tay của Đức Giáo Hoàng chia rẽ người Công Giáo và giới truyền thông.
Kevin Clarke – Thông tín viên trưởng của American Magazine và là tác giả cuốn “Tổng Giám Mục Oscar Romero: Tình Yêu Cuối Cùng Phải Thắng”


Cái đánh vào tay được nhìn thấy vòng quanh thế giới đang lôi cuốn những phản ứng khác nhau của công chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội, bênh vực cũng có mà phản đối Đức Giáo Hoàng cũng có, đối với phản ứng của ngài trước một cú giật ngược cánh tay ngài vào đêm Giao Thừa. Sau khi vui vẻ chào đón một hàng dài những người chúc mừng ngài trên đường về sau khi thăm cảnh Chúa Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ bị một người hành hương quá nhiệt tình giật ngược cánh tay và kéo lại gần cô ta khi ngài đang tính đi tiếp. Đức Giáo Hoàng, trong cố gắng tự giải thoát mình, đã tát vào tay cô ấy trước khi an ninh của Vatican có thể can thiệp.

Dịch vụ tin tức chính thức của Vatican mô tả sự việc như sau: “Khi ngài đang chào thăm các tín hữu, một người phụ nữ kéo cánh tay ngài, gây ra một cơn đau nhói khiến Đức Giáo Hoàng phản ứng với một cử chỉ thiếu kiên nhẫn để thoát khỏi cái nắm chặt của cô ta.”

Ngày hôm sau, trong buổi đọc kinh Truyền Tin giữa trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ứng khẩu nhìn nhận vụ việc. “Tình yêu khiến chúng ta kiên nhẫn,” rồi ngài nói thêm, sau một lúc nghẹn lời, “Chúng ta thường đánh mất sự kiên nhẫn của mình; tôi cũng vậy, và tôi xin lỗi vì gương xấu của tôi đêm qua.”

Nhưng vào thời điểm đó, vụ níu kéo tại quảng trường Thánh Phêrô vào đêm Giao Thừa, đã khơi lên biết bao nhiêu những cái tít lớn và các tweet trên các phương tiện truyền thông thế tục và Công Giáo. Một số cái tít sơ khởi và chưa kịp định hướng chỉ quanh quẩn chung quanh các biến thể của tiêu đề “Đức Giáo Hoàng tát người phụ nữ,” trình bày cho độc giả một mức độ bạo lực không hề có trong thực tế của vụ níu kéo này. Vụ việc thậm chí còn được tái tạo một cách giễu cợt trên Instagram của Matteo Salvini, cựu bộ trưởng nội vụ Italia và là lãnh đạo của đảng Liên minh cực hữu tại quốc gia này, một người thường xung khắc với Đức Giáo Hoàng vì ngài bảo vệ quyền và phẩm giá của người tị nạn và người di cư.

Có lẽ có thể dự đoán trước được, những người Công Giáo xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô như một mối đe dọa cho sự rõ ràng trong giáo huấn của Giáo Hội chỉ có thể thấy điều tệ hại nhất trong phản ứng tức giận của vị Giáo Hoàng đối với người hành hương đang níu kéo ngài. Một số rất vui mừng trước nhận định cho rằng chiếc “mặt nạ” lòng từ ái và sự tử tế của Đức Giáo Hoàng đã bị cuốn trôi đi trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này.

Những người khác suy đoán một cách vu vơ không bằng không chứng về ý nghĩa của vụ việc này, khi cho rằng người hành hương, có vẻ là người Á châu, đến từ Trung Quốc muốn khiếu nại trực tiếp với Đức Giáo Hoàng về những nỗ lực gần đây của Vatican trong việc tái lập quan hệ với Bắc Kinh, và cố gắng hợp nhất cộng đoàn hầm trú và cộng đoàn được chính phủ công nhận. Một số khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi cô ta là “bruja” – “bà phù thủy” - hoặc sử dụng một từ thậm chí còn miệt thị nặng hơn nữa bằng tiếng Tây Ban Nha khi ngài cố gắng kéo cánh tay của mình ra khỏi cánh tay đang nắm chặt của cô và tát vào tay cô. Nhưng ngôn ngữ người hành hương này sử dụng và lời nhận xét tức giận của Đức Giáo Hoàng khi cố gắng thoát khỏi cái nắm chặt của cô chưa thể nhận ra được, ngay cả sau khi xem đi xem lại đoạn video được phân phối rộng rãi về vụ việc.

Những người Công Giáo khác tham gia vào các mặt trận trên các phương tiện truyền thông xã hội lên tiếng bênh vực ngài thì cho rằng phản ứng của Đức Giáo Hoàng là theo bản năng tự vệ và hoàn toàn hợp lý, cũng như lưu ý rằng vị Giáo Hoàng 83 tuổi, là người có tiền sử đau thần kinh tọa, rõ ràng đã phản ứng đau đớn khi bị nắm tay và có thể dễ dàng phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng hơn chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng một người hành hương bốc đồng. (Về điểm đó, nhiều người tự hỏi về sự mất cảnh giác rõ ràng của an ninh Vatican.)

“Disgruntled Pope Francis pulls himself free from woman’s grasp” - “Đức Giáo Hoàng Phanxicô cáu tiết kéo mình thoát khỏi cái nắm chặt của người phụ nữ” - là tiêu đề của Reuters. Một số độc giả thấy cách dùng từ ngữ “cáu tiết” này thật là kỳ lạ khi mô tả phản ứng của một người đàn ông có tuổi rõ ràng bị ngạc nhiên và bị lôi kéo đến mức mất thăng bằng.

“Cáu tiết à? Hãy nhìn vào video mà xem. Ngài đau đớn! Ngài rõ ràng là rất đau đớn!” Một thành viên Twitter chỉ ra, và Cha Edward Beck, một bình luận viên thường xuyên của CNN cũng phản ứng lại như sau: “Tôi đoán ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng có những giới hạn của ngài. Ngài có thể có một cánh tay đang bị đau”.

Chủ đề trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong thánh lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, diễn ra chỉ vài giờ sau vụ việc này, tập trung vào việc hòa giải và kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Trong Thánh lễ đầu tiên của ngài trong năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bất kỳ bạo lực nào gây ra cho phụ nữ cũng đều là một sự báng bổ chống lại Thiên Chúa, Đấng được sinh ra từ một người phụ nữ. Ơn cứu rỗi cho nhân loại đến từ cơ thể của một người phụ nữ: cho nên qua cách chúng ta đối xử với cơ thể của người phụ nữ, chúng ta biết được mức độ nhân bản của chúng ta.”

Một số chuyên gia truyền thông cho rằng đó thật là một sự trớ trêu không cãi vào đâu được. Tài khoản Twitter chính thức của CNN viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng thông điệp Năm Mới của mình để tố cáo bạo lực đối với phụ nữ, chỉ vài giờ sau khi tát vào tay một người phụ nữ để thoát khỏi sự níu kéo của cô ấy”. Một tweet tương tự từ Raymond Arroyo của EWTN đã khơi mào một loạt những chỉ trích đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, như một kẻ giả hình và tệ hơn nữa. Cả ông Arroyo cũng bị những người bình luận khác chỉ trích về động cơ của ông. Ông Arroyo bảo vệ các tweets của mình, cho rằng đó chỉ là các báo cáo về các sự kiện đêm Giao Thừa, nhưng nhiều thành viên Twitter (trong số đó có tôi) đã phản đối cách thức kết nối vụ việc này với những lời nói của Đức Giáo Hoàng về bạo lực đối với phụ nữ là một sự bóp méo vụ việc và là một so sánh không tương xứng.

Vài giờ sau vụ việc, các tiêu đề tỏ ra tỉnh táo hơn, và đã cố gắng làm cho mọi sự trở nên rõ ràng hơn. CBS News đã cho chạy một phúc trình do AFP cung cấp với tiêu đề: “Pope Francis apologizes for swatting hand of woman tugging his arm” - “Giáo hoàng Phanxicô xin lỗi vì đã đập vào tay của người phụ nữ kéo cánh tay của ngài”; và tờ The New York Times có bản tin “Pope Francis Apologizes After Slapping Away a Clinging Pilgrim.” - “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Xin Lỗi Sau Khi Tát Vào Tay Một Người Hành Hương Níu Kéo Ngài” - The Associated Press truyền đi câu chuyện dưới nhan đề “Pope: Sorry I lost patience with hand-shaker who yanked me.” - “ Đức Giáo Hoàng: Xin lỗi tôi mất kiên nhẫn với người bắt tay đã kéo mạnh tôi.”

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ bất hạnh này, những bàn tán về “con người thực” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô - với các ý kiến phê phán cho rằng ngài chỉ là một kẻ đạo đức giả chanh chua, và các ý kiến ngược lại bênh vực ngài cho rằng đó chỉ đơn thuần là phản ứng người ta thường tình bất ngờ bị tức giận - vẫn còn gây tranh cãi nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông. Có vẻ như khi kết thúc một năm 2019 đầy biến động và khó khăn, người Công Giáo trên thế giới đã không có một khởi đầu tuyệt vời cho năm 2020, nhưng cứ tiếp tục theo đuổi một diễn giải đối kháng thường đầu độc cuộc đối thoại về các thách thức nghiêm trọng về mặt Giáo Hội, xã hội và chính trị của thời đại.

Trong bài huấn từ trước khi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 01 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu hãy bước xuống khỏi “những chiếc bệ của niềm tự hào chúng ta để năm mới sẽ là một cuộc hành trình của hy vọng và hòa bình, không phải bằng những lời nói xuông, nhưng với những cử chỉ hằng ngày của đối thoại, hòa giải và chăm sóc sáng tạo.” Bất kể sự sơ suất của ngài trong đêm cuối cùng của năm 2019, đây có lẽ là một lời mời gọi hướng đến bản chất tốt hơn của chúng ta và đáng được ghi nhớ trong tháng này khi chúng ta cố gắng tạo ra một sự khởi đầu tốt cho năm mới.


Source:American MagazineThe papal hand slap divides Catholics and the media