Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vào ngày 6 tháng Sáu năm 1944, thường được gọi là D-Day, hơn 150,000 quân Đồng Minh đã tấn công vào bờ biển phía bắc nước Pháp, đánh dấu sự khởi đầu chiến dịch giải phóng quốc gia này khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

D-Day được nhớ đến như một thời khắc quyết định Thế chiến thứ Hai, nhưng D-Day cũng được gọi là ngày dài nhất trong Thế chiến thứ Hai và thương vong của hai bên được kể là kinh hoàng nhất. Theo các báo cáo khác nhau, từ 4,000 đến 9,000 quân Đức đã tử trận. Phía Đồng Minh còn bi thảm hơn với hơn 10,000 binh sĩ hy sinh khi cố gắng vượt qua các bãi mìn dưới hỏa lực rất mạnh của đối phương.

Năm nay là kỷ niệm lần thứ 75 cuộc tấn công này. 16 nhà lãnh đạo các quốc gia đã tham dự các lễ kỷ niệm trong đó có tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Theresa May. Tòa Thánh cũng đã cử Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục, cử hành thánh lễ khai mạc các sự kiện tưởng niệm.

Trong số các sự kiện tưởng niệm này, tờ Aleteia đã đề cập đặc biệt đến một sự kiện rất có ý nghĩa là hàng trăm người, trong đó có đông đảo các cựu quân nhân, đã tụ tập tại nhà thờ Sainte-Mère-Église tức là Mẹ Thánh Giáo Hội, để tôn vinh Đức Mẹ đã bảo vệ cho một người lính nhảy dù được thoát chết.

Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người kể chuyện mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây đang kể lại cho mọi người nghe biến cố Đức Mẹ cứu một người lính nhảy dù tên là John Steele thuộc Trung đoàn Dù 505 như thế nào.

Cuộc đổ bộ của các lực lượng bộ binh và thiết giáp vào bờ biển Normandie đã diễn ra vào lúc 6g30 sáng ngày 6 tháng Sáu năm 1944. Để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ, ngay sau nửa đêm ngày mùng 5, rạng sáng mùng 6, hàng đoàn máy bay đã mở cuộc oanh tạc vào các vị trí phòng thủ của quân Đức. Từ ngoài biển, các chiến hạm hải quân cũng bắn tới tấp vào bờ.

Lúc 3 giờ sáng, 900 quân nhân trung đoàn 505 Nhảy Dù được lệnh nhảy xuống nhà thờ Sainte-Mère-Église /sên-tơ me é-gliz/. Đó là khu vực được chừa ra không bị oanh tạc để bảo đảm an toàn cho lực lượng nhảy dù.

Quân Đức hoàn toàn bị bất ngờ vì trước đó trung tâm khí tượng Luftwaffe của Đức ở Paris dự đoán hai tuần tới là thời tiết bão tố, nên nhiều chỉ huy của quân Đức yên trí là sẽ không có các cuộc tấn công. Họ đã rời bỏ vị trí của mình để tham dự các trò tiêu khiển ở Rennes. Chính Nguyên soái Erwin Rommel cũng trở về Đức vào dịp sinh nhật vợ.

Sau vài giờ bị oanh tạc và pháo kích, quân Đức, trú đóng trong khu vực, như rắn mất đầu quyết định bỏ chạy. Nhưng trước khi rút lui chúng đốt nhà và phá hủy các khí tài chiến tranh không thể mang theo.

Đó là một chuyện không may cho trung đoàn 505 Nhảy Dù. Lửa sáng rực bầu trời đã giúp quân Đức nhận ra những cánh dù đang từ từ đáp xuống. Chúng bắn như mưa lên trời. Một số lính nhảy dù không chết vì đạn bắn lên lại bị rơi vào đám cháy lửa. Nhiều người bị treo trên cây và các cột điện và bị bắn trước khi họ có thể tự cắt dây để trèo xuống.

Trong cuốn hồi ký của mình, đã được dựng thành phim như quý vị và anh chị em đang thấy đây, anh John Steele, một người Công Giáo có lùng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt cho biết cánh dù của anh vướng vào một cây thánh giá như có ai giữ anh lại. Từ vị trí bị treo lơ lửng đó anh có thể thấy mọi đồng đội của anh khi đáp xuống đều bị quân Đức chờ sẵn ở đó bắn chết.

Anh xác tín rằng Đức Mẹ đã cứu anh. Nếu anh không bị cây thánh giá giữ lại, anh chết là cái chắc. Anh còn xác tín điều đó hơn nữa khi một người lính Đức nhìn lên và thấy anh. Y bắn lên xối xả nhưng như có ai đó gạt các mũi đạn đi hướng khác. Tương kế tựu kế, anh gục đầu giả chết và thoát nạn.

Câu chuyện của anh đã được làm thành cuốn phim “The Longest Day” – “Ngày Dài Nhất” trong đó diễn viên Red Buttons đóng vai Steele.

Ủy ban hành chính địa phương đã quyết định treo một cánh dù và một hình nộm anh Steele tại chính ngay nơi thánh giá đã giữ cánh dù của anh lại như một hình thức nhắc nhở mọi người về phép lạ phi thường này.

Đồng phục và thiết bị của người nộm được thay đổi hai lần trong một năm do khí hậu mưa ẩm ướt trong khu vực.

Mỗi năm, vào ngày 6 tháng Sáu đều có lễ tôn vinh Đức Mẹ đã cứu anh Steele và nhiều quân nhân khác trong các hoàn cảnh thật phi thường; và ngày 16 tháng Sáu là buổi hòa nhạc quốc tế vinh danh Đức Mẹ.


Source:AleteiaThe paratrooper who landed on a church: The story behind D-Day’s “Longest Day”