Giáo Hội Chăm Sóc Di Dân

Thứ sáu - 23/09/2022 22:04

GIÁO HỘI CHĂM SÓC DI DÂN




Số 4, Thư Mục Vụ tháng 9/2022, Đức Giám Mục Phan Thiết chúng ta viết: “Sau cùng, chúng ta cùng hướng đến ngày Thế giới Di cư và Tị nạn lần thứ 108, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 25/9 với chủ đề "Xây dựng tương lai với người di cư và tị nạn". Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, "kế hoạch của Chúa về cơ bản là bao gồm và ưu tiên cho những người sống ở vùng ngoại vi hiện sinh"…
 
Đã từng là Chủ tịch Ủy ban Di dân trực thuộc HĐGMVN từ 2016-2019, Đức Cha Giuse của chúng ta có nhiều kinh nghiệm và ưu tư mục vụ cho di dân, nay mời gọi dân Chúa địa phương Phan Thiết “mở rộng vòng tay đón nhận những người di cư và tị nạn.”

Hòa nhịp sống chung ấy, xin trích trực tiếp huấn thị “ERGA MIGRANTES CARITAS CHRISTI” (Tình yêu Đức Kitô dành cho di dân) của HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ MỤC VỤ CHĂM SÓC DI DÂN VÀ LỮ HÀNH, ban hành ngày 03/05/2004, giúp mọi người thấy rõ quan tâm mục vụ của Hội Thánh dành cho di dân, và mỗi người theo cương vị của mình, góp phần trong công việc quan trọng và thiết thực đang tác động đến mọi giáo xứ hôm nay.

 

“Giáo hội chăm sóc di dân và người di cư

 
19. Di dân trong thế kỷ qua đã cả là một thách đố đối với việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội, thường được tổ chức dựa trên nền tảng giáo xứ đối địa ổn định. Trước kia thành phần giáo sỹ vẫn thường tháp tùng các đoàn xuất dương đi khai phá các miền đất mới. Kể từ hậu bán thế kỷ 19 trở đi mục vụ chăm sóc di dân ngày càng được uỷ thác cho các Hội dòng Truyền giáo (13).
Rồi tới năm 1914 Sắc lệnh Ethnografica studia (14) lần đầu tiên bàn về vấn đề giáo sỹ tham gia việc chăm sóc di dân. Sắc lệnh nhấn mạnh tới trách nhiệm của Giáo hội địa phương nâng đỡ di dân và khuyên hàng giáo sỹ địa phương phải được chuẩn bị thích hợp cho công tác này, cả về ngôn ngữ, văn hoá và mục vụ. Ít lâu sau, theo sau việc ban hành bộ Giáo luật, Sắc lệnh Magni semper năm 1915 trao cho Bộ Giám mục thẩm quyền cho phép giáo sỹ chăm sóc di dân.
Sau đệ nhị Thế chiến hiện tượng di dân càng trở nên trầm trọng hơn, không những vì do chiến tranh tàn phá, mà còn vì tính tồi tệ của hiện tượng di cư (đặc biệt từ các quốc gia Đông Au), rất nhiều người trong số họ thuộc các Giáo hội Công giáo Đông phương.

 

Exsul Familia

 
20. Vào thời điểm đó mọi người đều nhận thấy cần phải có một tài liệu tổng hợp được tất cả các luật lệ và qui định trước đây, đồng thời trình bày được các đường hướng mục vụ di dân một cách có hệ thống. Điều này đã được đáp ứng vào ngày 01 tháng 8 năm 1952 khi đức Piô XII ban Tông Huấn Exsul Familia (16), một magna charta của suy tư Giáo hội về di dân. Đây là tài liệu chính thức đầu tiên của Toà thánh phác hoạ việc chăm sóc mục vụ di dân cách có hệ thống và bao quát, cả về khía cạnh lịch sử lẫn giáo luật. Tông huấn, sau khi phân tích sâu rộng lịch sử, đã trình bày cách chi tiết các qui định. Tông huấn xác định trách nhiệm hàng đầu về mục vụ chăm sóc di dân thuộc về các giám mục giáo phận địa phương, cho dầu tổ chức thực tế vẫn còn nằm trong tay của Bộ Giám mục.
 

Công Đồng chung Vatican II

 
21.  Sau này Công đồng Vatican II đã soạn các hướng dẫn quan trọng cho việc mục vụ chuyên biệt này. CĐ đặc biệt kêu gọi các Kitô hữu hãy ý thức về hiện tượng di dân (cf. GS 65 và 66), và nhận ra các tác động của nó trên đời sống. CĐ tái khảng định quyền được di dân (cf. GS 65) (17), phẩm giá của người di dân (sf. GS 66), nhu cầu phải vượt thắng chênh lệch kinh tế và phát triển xã hội (cf. GS 63), và tìm ra giải đáp thoả đáng cho các nhu cầu chính đáng của con người (cf. GS 84). Đàng khác CĐ cũng nhìn nhận quyền hạn của công quyền, trong một bối cảnh nào đó, phải điều tiết dòng chảy di dân (cf. GS 87).
CĐ tuyên bố Dân Chúa phải đóng góp quảng đại vào thực tại di dân, kêu gọi cách riêng giáo dân hãy rộng tay cộng tác với với mọi bộ phận xã hội (cf. AA 10) và trở thành “cận nhân” đối với di dân (cf. GS 27). Các nghị phụ cũng tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với các tín hữu “ mà vì hoàn cảnh sinh sống của họ, không hưởng được đầy đủ sự chăm sóc mục vụ chung và thường xuyên của cha xứ, thậm chí thiếu hẳn sự chăm sóc đó, chẳng hạn đa số những người di dân, dân lưu đày, tị nạn, những người đi biển cũng như các nhân viên phi hành, dân du mục và những hạng người như thế. Cần phải cổ suý các phương pháp mục vụ thích hợp để nâng đỡ đời sống thiêng liêng của những người vì lý do nghỉ ngơi tìm đến các xứ khác trong một thời gian. Các Hội đồng Giám mục, nhất là các Hội đồng Giám mục Quốc gia, cần phải nghiên cứu các vấn đề khá cấp bách liên hệ đến những hạng người kể trên. Nhờ các phương tiện cũng như các tổ chức thích hợp, các ngài hãy đồng tâm hiệp lực lo lắng và hỗ trợ việc thiêng liêng cho họ, bằng cách vừa lưu tâm đến các luật đặc biệt đã được Toà thánh qui định hay sẽ ban hành, vừa thích nghi với các hoàn cảnh về thời gian, nơi chốn và nhân sự” (CD 18).

22. Như thế CĐ Vatican II đã là cột mốc đáng nhớ của mục vụ chăm sóc di dân và người lữ hành, khi nêu lên ý nghĩa quan trọng đặc biệt của tính di chuyển và công giáo, của các Giáo hội địa phương, nhận thức về giáo xứ, và nhãn quan Hội thánh như mầu nhiệm hiệp thông. Như thế Hội thánh được nổi bật như một “đoàn dân được hiệp nhất trong Chúa Cha, Con và Thánh Thần hiệp nhất” (LG 4) và có thể tự giới thiệu mình là như thế.
Tiếp đón khách lạ, một đặc điểm của Giáo hội sơ khai, vì thế phải tồn tại như một yếu tố trường tồn trong Hội thánh của Chúa. Dấu ấn cụ thể của Hội thánh là lưu đày, là xa xứ, là phân tán giữa các nền văn hoá và chủng tộc mà không bao giờ tự đồng hoá mình trọn vẹn với bất cứ cái nào. Nếu không Hội thánh sẽ không còn là hoa trái đầu mùa và dấu chỉ, men và ngôn sứ về một Vương quốc hoàn vũ, một cộng đoàn đón tiếp tất cả mọi con người không phân biệt dân nước. Tiếp đón khách lạ do đó trở thành cốt lõi trong bản chất của Hội thánh và minh chứng cho lòng trung thành với Tin mừng (19).

23. Để trung thành và triển khai giáo huấn của CĐ, đức Phaolô VI đã ban hành Tự sắc Pastoralis Migratorum Cura vào năm 1969 (20) và công bố Huấn thị De Pastorali Migratorum Cura (21). Sau đó vào năm 1970 Uỷ ban Giáo hoàng về Mục vu Chăm sóc Di dân và Du lịch, cơ quan thời đó trách nhiệm về mục vụ di dân, gởi tới các Hội đồng Giám mục một thư ngỏ mang tựa đề “Giáo hội và con người di chuyển” (22), trong đó tường trình rất cập nhật về di dân thời đó, giải thích rất rõ ràng và chỉ dẫn các ứng dụng mục vụ. Tài liệu đề cấp tới đề tài Giáo hội địa phương tiếp đón di dân, nhấn mạnh nhu cầu cộng tác liên giáo hội để đảm bảo việc chăm sóc mục vụ phi biên giới. Sau hết tài liệu còn nhìn nhận và lưu ý tới vai trò chuyên biệt của giáo dân và tu sĩ nam nữ.

 

Các qui định của Giáo luật

 
24. Bộ Giáo luật mới của Giáo hội Latinh, khi khảng định và thể hiện các ước muốn của CĐ, đã đòi các linh mục quản xứ phải đặc biệt quan tâm tới những người sống xa quê hương (Can. 529, *1) và mong muốn cũng như đòi hỏi, khi có thể được, dàn xếp để có mục vụ riêng chăm sóc cho họ (Can. 568). Thống nhất với Giáo luật của các Giáo hội Đông phương, CIC tiên liệu việc thành lập các giáo xứ tòng nhân (CIC Can. 518 và CCEO Can. 280, *1), cũng như các điểm chăm sóc thiêng liêng giáo dân (Can. 516) và ngay cả việc thiết lập các diện mạo mục vụ chuyên biệt như đặc trách giáo phận (Can. 476) và tuyên uý di dân (Can 568).
Và cũng để triển khai các quyết định của CĐ (cf. PO 10; AG 20, ghi chú 4; AG 27, ghi chú 28), Giáo luật mới cũng tiên liệu việc thiết lập các tổ chức mục vụ chuyên biệt khác nữa theo như luật pháp và thực hành của Giáo hội cho phép (23).

30. Huấn quyền cũng nhấn mạnh nhu cầu phải có các chính sách hữu hiệu bảo đảm các quyền của di dân: “hết sức tránh bất kỳ hình thức kỳ thị nào” (33); nêu lên một loạt các giá trị và cách cư sử (hiếu khách, liên đới, chia sẻ); và về phía các cộng đoàn tiếp nhận: cần loại bỏ mọi tình cảm và biểu hiện của tinh thần bài ngoại, phân biệt chủng tộc (34). Trong bối cảnh của luật pháp lẫn thủ tục hành chánh của nhiều quốc gia, huấn quyền lưu ý nhiều tới đoàn tụ gia đình và bảo vệ trẻ vị thành niên, mà vì di dân, rất dễ gặp hiểm nghèo (35), và tới việc hình thành, chính nhờ di dân, các cộng đoàn đa văn hoá.

Giáo dân, các hiệp hội giáo dân và phong trào hội thánh: dấn thân giữa di dân

 
86. Cả trong Giáo hội lẫn xã hội, các giáo dân, hiệp hội giáo dân và các phong trào hội thánh, giữa tất cả khác biệt về đoàn sủng và tác vụ, được mời gọi làm chứng tá Kitô hữu và sẵn sàng phục vụ di dân (75). Đặc biệt chúng ta nhớ đến các trợ tá mục vụ và giáo lý viên, sinh động viên các nhóm bạn trẻ và người lớn, các cán sự lăn lộn trong thế giới lao động, trong các công tác xã hội và bác ái. (cf. PaG 51).
Trong một Hội thánh được Thần Khí Chúa thôi thúc, đang phấn đấu để trọn vẹn trở thành truyền giáo-phục vu, thì việc tôn trọng các ân điển của mỗi người phải được đặt lên hàng đầu. Trong vấn đề này, tín hữu giáo dân phải có được các lãnh vực với quyền tự trị cao, trong đó họ chu toàn trách vụ Diakonia độc đáo như thăm viến bệnh nhân, giúp đỡ các người già yếu, hướng dẫn các nhóm thanh niên, sinh động các hội gia đình, dạy giáo lý, điều hành các khoá huấn luyện nghề nghiệp, làm việc trong các trường học và trong hành chánh, xa hơn nữa phụ tá phụng vụ và trong các “trung tâm tư vấn”, trong gặp gỡ cầu nguyện và suy tư Lời Chúa.

87. Một công tác chuyên môn khác dành cho tín hữu giáo dân là làm việc trong các nghiệp đoàn và trong thế giới lao động, cố vấn và soạn thảo luật nhằm bênh vực việc đoàn tụ gia đình của di dân, bảo đảm cho họ quyền bình đẳng và các điều kiện thuận lợi khác. Có nghĩa là mở cho di dân cánh cửa để đạt được các nhu cầu thiết yếu như công ăn việc làm và lương bổng, nhà ở và trường học, và cho phép họ tham gia vào đời sống dân sự của xă hội (bầu cử, hiệp hội, hoạt động thể thao giải trí v.v.).
Trong chính Giáo hội ta cũng có thể xem xét khả năng thiết lập một hình thức thừa tác viên không chức thánh của đón tiếp, với nhiệm vụ lui tới với di dân và người di cư, dẫn đưa họ vào cộng đoàn giáo hội và dân sự cách tiệm tiến, hay giúp đỡ họ trong trường hợp hồi hương. Trong bối cảnh này cần lưu tâm đặc biệt tới các du học sinh.

88. Liên quan tới điều này các tín hữu giáo dân cũng cần được huấn luyện cách có hệ thống (cf. PaG 51), có nghĩa là không chỉ chuyển đạt tư tưởng và khái niệm, nhưng trước hết giúp họ (chắc chắn có cả phần tri thức) làm chứng nhân bằng một đời sống Kitô hữu chân chính. Cả các cộng đoàn theo sắc dân và ngôn ngữ cũng phải là nơi giáo dục, trước cả khi trở thành trung tâm của tổ chức; và trong nhãn quan mở rộng này, phải tạo không gian cho việc huấn luyện liên tục và có hệ thống.
Chứng tá Kitô hữu của giáo dân trong việc xây dựng Vương quốc của Chúa chắc chắn đứng đầu danh sách của môt lô các vấn đề quan trọng như: tương quan Giáo hội với thế giới, đức tin với cuộc sống, bác ái với công bằng.”
Đại Hội Giáo Dân toàn quốc lần 2 diễn ra tại Lavang từ ngày 19 đến 22 tháng 9 năm 2022, mời gọi người giáo dân sống hiệp hành trong Hội Thánh. Suy tư, cầu nguyện và sống giáo huấn về di dân của Tòa Thánh, người giáo dân Phan Thiết cùng với các vị mục tử của mình, “trong tinh thần liên đới, chúng ta hãy đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho những anh chị em di dân được tham gia vào nhịp sống đạo của Giáo phận và các giáo xứ liên hệ. Đó là cách thiết thực để chúng ta xây dựng Vương quốc của Chúa ngay tại trần gian này.” (ĐGM Giuse Đỗ Mạnh Hùng-Thư Mục Vụ 09/2022, số 4)

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
PDF

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây