Hiệp Hành : Đào Tạo Giáo Lý Viên

Thứ năm - 18/08/2022 03:35
HIỆP HÀNH : ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN

Đức Giám Mục Phan Thiết trực tiếp chỉ đạo việc đào tạo giáo lý viên vào Chúa nhật 21/08/2022 để các giáo xứ làm quen với bộ giáo lý mới “HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN” của giáo phận, giúp các lớp xưng tội, khai giảng vào tháng 9 năm nay dùng ngay chương trình mới soạn của Phan Thiết. Đây là thực hiện hoa trái hiệp hành thứ hai sau cuộc hành hương 11-12/08/2022.
Nhân sự kiện này, mời mọi người đọc HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT DẠY GIÁO LÝ của BỘ GIÁO SĨ-1997, để cùng nhau hiệp thông-tham gia sứ vụ quan trọng này.

I- VỚI GIÁM MỤC, số 222-223
Giám Mục là người chịu trách nhiệm đầu tiên đối với vấn đề huấn giáo của Giáo Hội địa phương
222. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của việc loan báo và truyền đạt Tin Mừng đối với thừa tác vụ Giám Mục: “Trong số các sứ vụ chính của Giám Mục, việc giảng Lời Chúa là nhiệm vụ hàng đầu”[1]. Khi chu toàn bổn phận này, các Giám Mục trước tiên phải là những “người công bố đức tin”[2], tìm cách đưa về cho Đức Kitô những người môn đệ mới, đồng thời phải là những “tiến sĩ đích thực”[3], truyền đạt niềm tin phải tuyên xưng và phải sống cho Dân Chúa đã được giao phó cho các ngài. Trong thừa tác vụ tiên tri của các ngài, việc rao giảng và dạy giáo lý là hai lãnh vực được liên kết chặt chẽ với nhau. Để thực hiện chức năng này, các Giám Mục nhận được “đặc sủng chắc chắn về chân lý”[4].
          Các Giám Mục là “những người có trách nhiệm đầu tiên về việc dạy giáo lý, và phải là những giáo lý viên tuyệt vời”[5]. Trong lịch sử Hội Thánh, người ta biết đến vai trò nổi bật của những đại thánh Giám Mục mà sáng kiến và những bản văn của họ đã đánh dấu một giai đoạn sáng ngời trong việc thiết lập chế độ dự tòng. Các ngài đã quan niệm dạy giáo lý như là một trong những nhiệm vụ căn bản thuộc thừa tác vụ của mình[6].

223.   Sự chăm lo về hoạt động giáo lý phải đưa Giám Mục tới việc đảm nhận trách nhiệm “hướng dẫn tối cao”[7] của công cuộc này nơi Giáo Hội địa phương. Do đó các ngài phải :
           - Đảm bảo sự ưu tiên đích thật cho một việc dạy giáo lý đầy sinh động và hữu hiệu trong Giáo Hội của mình, bằng cách “vận dụng người, phương tiện và cả những nguồn lực cần thiết”[8].
          - Biết lo làm thăng tiến việc dạy giáo lý bằng cách can thiệp trực tiếp vào công việc truyền đạt Tin Mừng cho các tín hữu. Đồng thời cũng quan tâm đến tính xác thực của lời tuyên xưng đức tin và chất lượng của những bản văn cũng như của những phương tiện được sử dụng[9].
          - “Khuyến khích và duy trì một niềm say mê thực sự về việc dạy giáo lý: một niềm say mê được chứng tỏ qua việc tổ chức thích hợp và hiệu quả”[10], với sự xác tín sâu xa về tầm quan trọng của huấn giáo trong đời sống Kitô hữu của một giáo phận.
          - Phải làm sao để “các giáo lý viên được chuẩn bị thích đáng với nhiệm vụ của mình. Làm cho họ hiểu biết sâu về giáo lý của Hội Thánh, học hỏi về các định luật tâm lý và về vấn đề sư phạm”[11] trong lý thuyết cũng như thực hành.
          - Phải thiết lập trong giáo phận một dự án tổng quát về huấn giáo, rõ ràng và mạch lạc. Dự án đó phải đáp ứng những nhu cầu thực sự của giáo dân và phải dựa trên những chương trình mục vụ của giáo phận một cách hợp lý. Khi thực hiện, dự án đó có thể được phối trí với những chương trình của Hội đồng Giám mục.

II- VỚI LINH MỤC, số 224-225
Các linh mục là mục tử và nhà giáo dục của cộng đoàn Kitô hữu
224.   Chức năng riêng biệt của linh mục trong huấn giáo xuất phát từ Bí tích Truyền Chức Thánh mà các ngài đã lãnh nhận. Bởi Bí tích ấy, qua việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, các linh mục đã nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Linh mục, như những thừa tác viên của Đầu, để xây dựng và củng cố tất cả Thân Mình Người là Hội Thánh, với tư cách là cộng tác viên của chức Giám Mục[12]. Từ sự đồng dạng về bản thể với Đức Kitô, thừa tác vụ của các linh mục là một công việc phục vụ làm khuôn mẫu cho cộng đoàn, điều phối và củng cố những việc phục vụ và đặc sủng khác. Đối với những gì liên quan đến huấn giáo, thì do Bí tích Truyền Chức đã lãnh nhận, các linh mục là những “nhà giáo dục đức tin”[13]. Vậy các ngài phải làm thế nào để các tín hữu trong cộng đoàn được đào tạo cách thích đáng và đạt tới sự trưởng thành của người Kitô hữu[14]. Đàng khác, ý thức rằng “chức tư tế thừa tác”[15] là để phục vụ cho “chức tư tế chung của các tín hữu”[16], các linh mục khuyến khích ơn gọi và công việc của các giáo lý viên bằng cách giúp họ hoàn thành một chức năng khơi nguồn từ Bí tích Rửa tội và được thi hành nhờ sứ mạng Hội Thánh giao cho. Như thế, các linh mục thực thi điều Công đồng Vaticanô II nhắc nhở là “phải nhận biết và làm thăng tiến phẩm giá người giáo dân và những chức năng riêng của họ trong sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh”[17].

225.   Sau đây là những công việc riêng của linh mục, đặc biệt là linh mục chánh xứ, trong huấn giáo[18] :
          - Thúc đẩy trong cộng đồng Kitô hữu tinh thần trách nhiệm chung đối với việc dạy giáo lý, là một tác vụ đòi sự dấn thân của mọi tín hữu. Đồng thời nhìn nhận và đề cao các giáo lý viên và sứ mạng của họ.
          - Chăm lo việc tổ chức căn bản việc dạy giáo lý, cũng như lo cho có một chương trình xứng hợp bằng cách làm cho các giáo lý viên tham dự vào một cách tích cực và cho nền giáo lý có được cấu trúc cũng như hướng dẫn tốt[19].
          - Khuyến khích và phân biệt những ơn gọi phục vụ cho việc dạy giáo lý, đồng thời với tư cách là vị giáo lý viên trên hết, linh mục phải quan tâm đến công cuộc đào tạo giáo lý viên bằng việc dành cho nó một sự chăm sóc chu đáo nhất.
          - Đưa sinh hoạt giáo lý vào kế hoạch loan báo Tin mừng của cả cộng đoàn, đặc biệt quan tâm đến mối liên lạc giữa giáo lý với Bí tích và Phụng Vụ.
          - Đảm bảo việc dạy giáo lý của cộng đoàn mình được liên kết với những chương trình mục vụ cấp giáo phận, bằng cách giúp các giáo lý viên cộng tác sống động vào kế hoạch chung của giáo phận.
          Kinh nghiệm chứng tỏ rằng phẩm chất việc dạy giáo lý của một cộng đoàn tùy thuộc phần lớn vào sự hiện diện và hành động của linh mục.

III- VỚI GIÁO DÂN, số 230-231
Những giáo lý viên giáo dân
230.   Hoạt động giáo lý của giáo dân cũng mang một tính cách riêng biệt do vai trò của họ trong Hội Thánh : “Tính cách thế tục là một cái gì riêng tư và đặc biệt cho người giáo dân”[20]. Họ thực hiện việc dạy giáo lý từ khi hội nhập vào thế giới, bằng cách chia sẻ mọi hình thức dấn thân với những người nam và người nữ khác, đem lại sự nhạy bén và những ấn tượng đặc biệt cho việc truyền đạt Tin Mừng : “Việc rao giảng Tin Mừng này… đạt được một số dấu chỉ đặc thù và một hiệu quả riêng biệt xuất phát từ việc được hoàn thành trong những điều kiện chung của thời đại”[21].
          Thực vậy, nhờ việc chia sẻ cách sống của những người họ dạy giáo lý, các giáo lý viên giáo dân sẽ có một nhạy cảm đặc biệt để đem Tin Mừng vào đời sống cụ thể của người khác. Những người dự tòng và những người học giáo lý có thể thấy được nơi các giáo lý viên giáo dân một mẫu người Kitô hữu mà họ sẽ sống như vậy trong tương lai tín hữu của họ.

231.   Ơn gọi của người giáo dân vào việc dạy giáo lý xuất phát từ bí tích Rửa tội và được củng cố bằng bí tích Thêm sức. Nhờ hai bí tích này mà người giáo dân được tham dự vào “chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô”[22]. Thêm vào ơn gọi chung làm tông đồ, một số giáo dân cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi bên trong để đảm nhận trách vụ giáo lý viên. Hội Thánh khuyến khích, phân định ơn gọi này và giao cho họ nhiệm vụ dạy giáo lý. Cũng thế, Chúa Giêsu đã mời gọi cách đặc biệt những người nam và người nữ đi theo Người, là Thầy và là nhà đào tạo các môn đệ. Lời mời gọi riêng tư của Chúa Giêsu Kitô và mối quan hệ mật thiết với Người phải là động cơ thực sự cho mọi hoạt động của giáo lý viên. “ Từ sự hiểu biết đầy yêu thương về Đức Kitô mà phát sinh ước muốn loan báo về Người, ước muốn rao giảng Tin Mừng và dẫn đưa người khác đáp lại tiếng “xin vâng” của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô”[23].
          Việc cảm thấy mình được gọi làm giáo lý viên và đón nhận sứ mạng đó từ Hội Thánh có thể mang nhiều mức độ nhiệt tình khác nhau, tùy theo tính chất riêng của mỗi người. Đôi khi giáo lý viên cộng tác vào việc dạy giáo lý chỉ một thời gian ngắn hoặc mang tính cách cơ hội, nhưng sự phục vụ và sự cộng tác ấy cũng không kém phần quý hóa. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của thừa tác vụ dạy giáo lý, trong giáo phận nên có một số tu sĩ và giáo dân hy sinh một cách bền vững thường xuyên với lòng quảng đại cho công việc này. Được nhìn nhận cách chính thức là giáo lý viên, kết hợp với các linh mục và Giám mục, họ sẽ góp phần đem lại cho việc dạy giáo lý của giáo phận sự đồng dạng đồng hình với Hội Thánh, vốn là nét riêng của việc giảng dạy giáo lý[24].

IV-PHỐI HỢP, số 219
Thừa tác vụ huấn giáo trong Giáo Hội địa phương
219.   Trong toàn thể các thừa tác vụ và những công việc phục vụ qua đó Giáo Hội địa phương chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình, thì thừa tác vụ dạy giáo lý chiếm địa vị đặc biệt[25]. Sau đây là một vài khía cạnh :
          a) Trong giáo phận, dạy giáo lý là một công việc duy nhất[26], được hoàn thành nhờ sự hợp tác giữa các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, trong sự thông hiệp với Giám mục. Tất cả cộng đoàn Kitô hữu phải cảm thấy có trách nhiệm đối với công việc này. Nhưng dù các linh mục, tu sĩ và giáo dân có lo chung việc dạy giáo lý thì họ cũng sẽ làm một cách riêng biệt mỗi người tùy theo vai trò của mình trong Giáo Hội (với tư cách là người có chức thánh, người khấn dòng hay là giáo dân)[27]. Qua họ và tùy vai trò của mỗi người mà thừa tác vụ huấn giáo sẽ cống hiến Lời Chúa và chứng tá của thực tại Hội Thánh một cách đầy đủ. Nếu một trong những hình thức hiện diện này mà thiếu vắng, thì việc huấn giáo sẽ mất đi một phần ý nghĩa và sự phong phú của nó.

SỐNG HIỆP HÀNH
Đức Giám Mục với khẩu hiệu Hiệp nhất trong Đức Tin” (Ep 4, 13) đã chỉ đạo hướng dẫn như chủ biên bộ giáo lý “Hành Trình Đức Tin”, kết hợp tên gọi cho thấy HIỆP HÀNH.

Bộ giáo lý gồm 15 cuốn, hôm nay áp dụng thực hành 3 cuốn xưng tội và đang tiếp tục soạn thảo những cuốn còn lại cũng là công trình của HIỆP HÀNH, vì có sự tham gia mọi thành phần Hội Thánh : Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân, cả người khuyết tật…

Nay, đào tạo giáo lý viên đồng loạt 5 giáo hạt, do Đức Giám Mục trực tiếp chỉ đạo các cha Quản hạt, các cha Đặc trách giáo lý, các linh mục trẻ, phó tế, chủng sinh, nữ tu, giáo dân 9 giáo xứ được chọn làm “vệ tinh” cộng tác đào tạo… tất cả đang sống HIỆP HÀNH.

Nguyện Chúa chúc lành cho giáo phận chúng con, đang cùng bước đi trên “con đường Giêsu”, qua việc hiệp thông tham gia sứ vụ thực thi lệnh truyền của Thầy Chí Thánh “Các con hãy ra đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28, 19).

Cù Mi, 18/08/2022
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

PDF
 

[1] LG 25; x. CD 12a; EN 68c.
[2] LG 25.
[3] Ibid.
[4] DV 8.
[5] CT 63b.
[6] x. CT 12a.
[7] CT 63c.
[8] CT 63d; x. CIC 775 § 1.
[9] x. CT 63c ; CIC 823 § 1.
[10] CT 63d.
[11] CD 14b; x. CIC 780.
[12] x. PO 8; 6; 12a; GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục Pastores dabo vobis (25.3.1992) số 12 : l.c. 675-677.
[13] PO 6b.
[14] x. CIC 773.
[15] LG 10.
[16] LG 10. Nói về “hai cách thế tham gia vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô”. x. CEC 1546-1547.
[17] PO 9b.
[18] x. CIC 776-777.
[19] CT 64. Về định hướng căn bản mà các linh mục phải đem lại cho việc dạy giáo lý, thì công đồng Vaticanô II đã chỉ ra hai đòi hỏi nền tảng: “Giảng dạy không phải là dạy sự khôn ngoan riêng mình mà là dạy Lời của Chúa” (PO 4) và “Đừng chỉ trình bày Lời Chúa bằng những hạn từ chung chung và trừu tượng,… mà phải áp dụng chân lý vĩnh cửu của Tin Mừng vào những trường hợp cụ thể của đời sống” (Ibid.)
 
[20] LG 31. ChL phân tích cách chi tiết « tính cách thế tục » này.
[21] LG 35.
[22] AA 2b ; x. Rituale Romanum, Ordo Baptismi Parvulorum, số 62, Editio Typica, Typis Polyglottis Vaticanis 1969; RICA 224.
[23] CEC 429.
[24] Giáo luật thiết định rằng quyền bính của Hội Thánh có thể chính thức trao cho giáo  dân một chức vụ hay công việc của Hội Thánh, mà không phải lo lắng xem công việc ấy có hay không là một “thừa tác vụ” không chức thánh được qui định rõ ràng: “Những giáo dân thích đáng có khả năng được các Mục Tử có chức thánh tuyển chọn vào các chức vụ và trọng trách trong Hội Thánh (officia ecclesiastica et munera) mà các khoản luật cho phép họ chu toàn.”(CIC 228 § 1); x. EN 73; ChL 23.
[25] Thành ngữ thừa tác vụ huấn giáo đã được dùng ở CT 13.
[26] Cần phải nhấn mạnh đến tính cách phục vụ duy nhất mà việc dạy giáo lý đảm nhận trong các Giáo Hội địa phương. “Chủ thể”của các công trình lớn lao trong việc Phúc Âm hóa là Giáo Hội địa phương. Chính Giáo Hội địa phương loan báo, truyền đạt Tin Mừng và cử hành. Các tác nhân “phục vụ” trong thừa tác vụ này và hành động “nhân danh Hội Thánh”. Tính “Hội Thánh” của việc dạy giáo lý có những hàm ý lớn về thần học, tu đức và mục vụ.
[27] x. CT 16 : Đây là một thứ trách nhiệm vừa chung nhưng lại vừa khác biệt. Xem thêm ghi chú 55, để làm sáng tỏ cách dùng thành ngữ “thừa tác vụ Lời Chúa” ở số 50.



 
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây