Chương II: Martinô & Jane

Thứ bảy - 19/01/2019 15:59
Chương II: Martinô & Jane
 

Truyện thánh Martin de Porres

Chương II: Martinô & Jane

 

Martinô sinh năm 1579 và Jane sinh sau đó hai năm (một số tài liệu nói Jane sinh trước Martin – gxdaminh.net). Chúng chẳng bao giờ được tới trường vì chúng là những trẻ da đen nghèo. Dường như không ai nghĩ rằng chúng sẽ là những đứa trẻ tốt nếu chúng biết đọc biết viết. Ở thành phố Lima rộng lớn này, chỉ những đứa trẻ con nhà giàu mới có cơ hội đi học. Martinô chẳng bao giờ quan tâm tới việc người ta cho rằng cậu chẳng hữu dụng gì, nhưng cái làm cậu buồn thật nhiều đó là sự kiện cha cậu đã bỏ đi và mẹ cậu phải làm việc rất khổ nhọc để nuôi sống gia đình.

Jane thường hỏi cậu : “Anh Martinô ơi ! Cha đi đâu ? Tại sao cha không trở về nhà ?” Cậu cố gắng giải thích rằng : “Cha là người rất quan trọng nên phải đi xa vì nhiều công việc phải làm cho Vua Tây Ban Nha.”

Jane trả lời : “Em ước gì cha không bận rộn như thế. Ước gì cha không quá vất vả để có thời giờ ở nhà với chúng mình. Thật hạnh phúc biết chừng nào nếu chúng mình được cha săn sóc.” Martinô đồng ý và cho rằng điều đó thật hay.

Cậu nói : “Biết đâu cha sẽ trở về với chúng mình một ngày nào đó. Chúng mình hãy cầu nguyện để xin Chúa làm việc này.”

Thật bất ngờ, Don Juan Porres đã trở về Lima gặp vợ và các con của ông. Ông ở cách đó nhiều dặm, tại thành phố Guayaquil, nước Ecuador, phía nam của Peru. Khi ông đang ở đó, Chúa đã đánh động lòng ông, làm ông cảm thấy hối hận vì đã đối xử với gia đình như vậy.

Ông nói với Anna : “Thật là tệ ! Tôi đã gặp nhiều khó khăn trong những năm qua. Đáng lẽ tôi đã phải gửi nhiều tiền hơn nữa cho mình và các con. Thật đáng xấu hổ khi để các con phải đói khổ.”

Anna sung sướng kể về thời gian qua. Nào là Don Juan đã không quên chúng, nào là Don Juan xem rất oai hùng trong bộ y phục của ông. Cả khu phố, bà con lối xóm bàn tán về bà Anna, vì thấy Don Juan đã trở về. Họ nói : “Bà ấy sẽ không còn là người đàn bà làm thuê nghèo nàn nữa, nhưng là một quý bà”. Mọi người biết rằng ông Don Juan đã đem cho bà cả túi vàng lớn, rằng ông đem Martinô và Jane đi với ông bất cứ nơi nào ông đi, rằng ông đã hãnh diện về hai đứa con này. Họ còn thích thú hơn nữa khi nghe rằng ông sẽ đem hai đứa con đi Ecuador và gửi chúng vào trường học.

Jane kêu lên : “Cha nói rằng chúng con thực sự sẽ được đi học để biết đọc giống như những con nhà giàu da trắng phải không ? Và chúng con cũng có nhiều quần áo đẹp nữa ?

Cha cô trả lời : “Con sẽ có nhiều quần áo đẹp như con muốn và có nhiều tiền để tiêu xài nữa. Cha muốn con trai con gái của cha là một người tốt và có danh giá trên thế gian này. Các con đã chịu nghèo nàn bất hạnh như thế là quá đủ rồi.”

 

Nơi Thánh Martin và Jane sinh ra – Mặt tiền ngôi nhà hiện nay

Jane không thể tin vào tai mình nữa. Còn Anna thì vô cùng vui mừng. Riêng Martinô, cậu không biết cám ơn Chúa thế nào cho đủ, vì Chúa đã ban ngày hạnh phúc bất ngờ và tuyệt vời như thế cho cậu.

Don Juan ở lại Lima vài tuần. Trước đó, ông đã nhận lời sẽ trở lại miền nam. Nhưng cậu của ông, Don Diego de Miran đã rất lo lắng, mong ông trở về Guayaquil ngay lập tức vì có nhiều công việc cần đến ông. Vì thế, Martinô và Jane rất đẹp trong những bộ quần áo mới chào mẹ để đi với cha. Bạn bè, hàng xóm trong các khu phố gần đấy chào tạm biệt và chúc mừng chúng. Anna không biết nên khóc hay cười. Qua nhiều năm bà đã phải làm việc vất vả khổ nhọc để gìn giữ gia đình nhỏ của bà được gắn bó với nhau. Nhiều lần bà đã ghét bỏ hai con của mình, vì màu da đen chúng đã khiến Don Juan rời bỏ bà. Nhưng bây giờ, bà cảm thấy hối tiếc khi phải xa các con mình. Mặc dù nhiều lần bà phạt Martinô vì cậu đã cho những người hành khất tiền của bà, nhưng thực sự bà thương yêu cậu và yêu cả Jane nữa.

Bà nhắc nhở chúng : “Nhớ đừng làm gì phiền lòng ba nghe không. Ba các con là người quan trọng trong việc phục vụ nhà vua. Đừng làm những gì khiến ba các con phải xấu hổ.” Martinô trả lời mẹ : “Chúng con sẽ ngoan mà. Mẹ đừng lo !”

Jane nói thêm : “Chúng con sẽ ghi nhớ lời mẹ dạy. Được đi học không phải là tuyệt vời hay sao ?” Anna gật đầu. Cả khu phố Espiritu Santo này, mọi đứa trẻ sinh ra không đứa nào được tới trường.

Việc học hành chỉ dành riêng cho con nhà giàu chứ không phải cho người da đen. Nhưng giờ đây bà không thể tin được Martinô và Jane lại được phúc may mắn như vậy. Chúng trông thật dễ thương trong bộ quần áo mới. Chúng sẽ lên đường tới Ecuador, tới nhà ông cậu giàu có ở Guayaquil. Thực như một giấc mơ, Anna nghĩ thế. Bà muốn nói vài lời với chồng trước khi ông đi xa, dầu cho có những cặp mắt tò mò của hàng xóm dõi theo.

Martinô và Jane rời Lima để tới hải cảng Allao, cách đó vài dặm. Trong khi đợi tàu, chúng ngắm nhìn những con tàu đang rời bến đi về miền nam. Chúng cảm thấy rất lạ vì chẳng bao giờ chúng được đi xa như thế này, chẳng bao giờ chúng nghĩ rằng có nhiều người khác chúng về màu da, tiếng nói như vậy. Và có nhiều chiếc tàu đẹp như thế đang cắm neo ở cảng này. Những cánh buồm vĩ đại nên thơ bay phất phới trong gió trên những chiếc thuyền gỗ kếch sù. Ở đó, người da đen, da vàng, da trắng rất đông, họ nói với nhau bằng những ngôn ngữ lạ thật rộn rã. Người đến, người đi tấp nập. Đặc biệt, Martinô đã để ý tới những người nô lệ da đen, họ vác trên lưng những khối hàng lớn và chuyển chúng từ những chiếc tàu vào bờ, rồi từ bờ lên những chiếc tàu khác, họ không bao giờ được nghỉ ngơi.

Martinô hỏi cha : “Thưa cha, những người da đen vác những bao gì nặng thế ? Những chiếc tàu đó sẽ đi về đâu?” Don Juan cười rồi nói : “Họ đang vác những khối vàng đó con ạ ! Những chiếc tàu sẽ đi Tây Ban Nha, để phục vụ cho nhà vua.”

Martinô kêu : “Ồ”, và cậu không hỏi thêm gì nữa. Cậu biết rằng số vàng bạc lấy từ những ngọn núi ngoài thành phố Lima. Người Tây Ban Nha đã xâm chiếm Peru khoảng 45 năm trước, họ rất thích vàng và bạc. Nên họ bắt hàng ngàn người nghèo Ấn Độ và da đen đi làm cho họ trong các hầm mỏ để kiếm vàng bạc. Điều này không có gì đáng nói nếu người Tây Ban Nha là những ông chủ tốt. Nhưng thực sự đã có những ông chủ xấu, chẳng quan tâm gì đến những người nghèo đang làm việc cho họ. Ngay lúc này, nhiều người Ấn Độ và người da đen đang ở trong tình trạng hấp hối vì công việc quá nặng nhọc tại các hầm mỏ, để rồi những chiếc tàu từ Callao đến đem sự giàu có về Tây Ban Nha.

Cậu Martinô nghĩ : “Điều này không đúng chút nào ! Con người không được vì ham lợi lộc vàng bạc mà xử tệ với nhau như thế. Tôi tin chắc rằng Chúa rất buồn khi những người da đen này đã phải làm việc quá cực nhọc. Nước mắt cậu tuôn tràn khi cậu nhìn những chiếc tàu Tây Ban Nha chất đầy vàng lần lượt nhổ neo.

Không đủ thời gian để ngắm nhìn những chiếc tàu đó. Don Juan sực nhớ rằng họ sẽ bị trễ chuyến tàu của mình, nếu họ không đi ngay. Ông giục : “Martinô, đến đây, cầm tay Jane và theo cha. Tàu của chúng ta ở đằng kia rồi !”

Martinô và Jane rất thích thú trên hành trình tới Guayaquil. Khi tới thành phố, chúng thấy Don Diego de Miranda, ông cậu của cha chúng đang đứng đợi và chào chúng. Don Diego là một ông già, tóc trắng, nhưng nét mặt hiền từ và nhân hậu. Vừa trông thấy ông, Jane đã cảm thấy rất thích ông, Martinô cũng thế. Nhưng Don Diego nhìn chằm chằm vào chúng với vẻ tò mò.

 

Nơi Thánh Martin và Jane sinh ra – Bên trong ngôi nhà hiện nay

Ông hỏi : “Tại sao các cháu đến đây ? Các cháu là ai ? Các cháu đi lạc phải không ?” Don Juan cười vì nghĩ cậu mình đang nói đùa.

“Lạc ? Tại sao ? Đây là các con của cháu cậu ạ. Đứa con trai tên là Martinô, con gái tên Jane. Mẹ của chúng ở Lima như cháu đã viết cho cậu. Cháu đem chúng đi với cháu, hy vọng cậu có thể sắp xếp cho chúng được tới trường.”

Don Diego vẫn tiếp tục nhìn vào hai đứa trẻ da đen, rồi nhìn Don Juan. Một nét lạ thoáng hiện trên mặt ông. Martinô rất hồi hộp. Cậu đoán biết được Don Diego đang nghĩ gì trong đầu.

Tất cả các đứa cháu của ông đều là trẻ da trắng, nhưng những đứa này lại da đen ! Nỗi buồn trước đây lại xâm chiếm tâm hồn Martinô. Tại sao, tại sao màu da lại là vấn đề quan trọng như thế ? Chắc chắn Chúa thương linh hồn người mẹ da đen cũng như Ngài yêu người cha da trắng của cậu vậy. Nhưng Don Juan không một chút bối rối vì cái nhìn ngờ vực của cậu có thể gây rắc rối cho mình.

Ông nói : “Chúng là những đứa trẻ ngoan ngoãn. Cháu biết chúng sẽ làm những gì người ta bảo chúng làm và sẽ không làm phiền cậu. Tất cả những gì cháu xin cậu chỉ là cho chúng một nơi ở tốt và lo cho chúng được đi học. Xin cậu làm việc này vì thương cháu.

Martinô nắm chặt tay Jane, mỉm cười với ông và nói : “Chúng cháu sẽ làm việc chăm chỉ và không làm phiền ai hết.” Thật lạ lùng, khi Martinô vừa nói xong những lời này, nét mặt ông già trở nên rất tươi với vẻ hài lòng. Ông nói : “Các cháu của ông, các cháu được mời tới Guayaquil. Các cháu nói là các cháu muốn được đi học phải không ?”

Lúc này, Jane không còn sợ ông nữa, nên nói : “Xin ông vui lòng cho chúng cháu đi học, chúng cháu rất thích được đi học. Chúng cháu mới chỉ nghe nói tới việc này trước khi tới đây.”

Don Juan nói : “Chúng nói thật đấy cậu ạ. Điều cháu lo lắng nhất là con trai cháu không có cơ hội tiến lên. Nó làm việc rất giỏi, cậu ạ. Cháu nghĩ nó xứng đáng có một tương lai tốt.”

Don Diego cúi đầu : “Để cậu xem, có lẽ cậu sẽ tìm một thầy dạy tư. Cậu sẽ cố gắng làm điều tốt nhất cho người máu mủ ruột thịt của cậu. Tại sao chúng ta lại đứng đây nói chuyện. Cả ba cha con chắc còn mệt mỏi lắm ? Xe ngựa của cậu đang đợi, chúng ta sẽ bàn về chuyện này khi về nhà. Đến đây các cháu.”

 

Martinô và Jane rất sung sướng khi được sống ở Guayaquil. Mọi thứ đều mới lạ đối với chúng. Chúng được ở nhà đẹp, ăn những thức ăn ngon, mặc quần áo đẹp và được thầy giáo đến tận nhà để dạy. Chúng học rất chăm chỉ. Không bao lâu, chúng đã biết các mẫu tự. Martinô nhanh trí hơn Jane nhiều. Cậu 8 tuổi và Jane 6 tuổi. Cả hai đều học chăm chỉ đến nỗi cha của chúng và cả ông cậu rất hài lòng.

Một ngày kia, Don Juan nói : “Cháu đã không nói với cậu chúng là những đứa trẻ ngoan, không làm phiền toái cho ai sao ?”

Don Diego gật đầu : “Đúng, cháu đã nói vậy. Nhưng cháu đã không nói rằng những đứa trẻ này đã có thể thay đổi đời cậu. Căn nhà đã thay đổi hẳn từ ngày có Martinô và Jane đến. Đây là nơi vui vẻ hơn bao giờ hết và hai đứa trẻ luôn làm cậu phấn khởi.”

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây