Phan Tấn Thành
Năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 30 năm Đức Thánh Cha phong thánh cho 117 chân phước tử đạo Việt Nam. Trước đó các ngài được gọi là “á thánh” hoặc “chân phước”. Chân phước và hiển thánh khác nhau ở chỗ nào? Tại sao các chân phước gọi là “Á thánh”?
Tôi xin bắt đầu bằng từ “Á thánh” vì dễ cắt nghĩa hơn. Theo từ điển Hán Việt, á có nghĩa là kém một bực, đứng hạng nhì; thí dụ đời xưa á nguyên là người thi đậu hạng nhì (sau trạng nguyên); ngày nay trong các cuộc thi sắc đẹp, á hậu là người đoạt giải nhì (sau hoa hậu). Theo nghĩa đó, á thánh có nghĩa là người kém ông thánh một bực, sắp làm thánh. Từ “chân phước” thì dịch sát với nguyên ngữ La-tinh beatus. Beatus tự nó có nghĩa là “người có phước”, người được hạnh phúc (vì thế đôi khi người ta cũng dịch beatus là “đấng phúc lộc”). Tuy nhiên trong thần học Kitô giáo, từ này mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo bối cảnh, văn mạch và thời đại. Khi vừa mở sách Tân ước, chúng ta gặp thấy từ “beatus” trong bài giảng trên núi của Tin mừng thánh Matthêu, trong tuyên ngôn về 8 mối phúc thật: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, phúc thay ai hiền lành, phúc thay ai sầu khổ, vv.”. Những hạng người đó được ca ngợi là có phúc, bởi vì họ được chuẩn bị thuận tiện để đón nhận Nước Thiên Chúa, được Thiên Chúa làm gia nghiệp, được nhìn thấy Thiên Chúa. Bước sang Tin mừng thánh Luca, chúng ta thấy lời chúc tụng “phúc thay” được bà Ysave áp dụng cho đức Maria: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Điều này cũng được chính Chúa Giêsu khẳng định “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Từ đó, văn chương Kitô giáo trong các thế kỷ đầu tiên gọi những tín hữu chết trong ơn nghĩa Chúa là “beati”, những người đang vui hưởng hạnh phúc bên cạnh Chúa, bởi vì trước đây họ đã đi theo con đường các mối phúc thật. Nói khác đi, các “beati” (các phúc nhân, các chân phúc) là chính các vị thánh, những người đã tuân giữ luật Chúa, đã sống đạo đức thánh thiện.
Như vậy các “chân phúc” cũng là “các thánh”, phải không?
Đúng thế. Như vừa nói, những tín hữu đã sống đời đạo đức thánh thiện, đã đi theo con đường bát phúc, thì sau khi qua đời, được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên cạnh Chúa, thông dự vào chính sự thánh thiện của Chúa. Vì thế không lạ gì mà trong các thế kỷ đầu tiên, phụng vụ dùng trà trộn các tiếng “chân phúc” và “thánh nhân”. Một trường hợp điển hình là Đức Maria. Các sách phụng vụ vừa gọi là thánh Maria (sancta Maria), vừa gọi là chân phước Maria (beata Maria, hoặc beatissima virgo Maria, viết tắt là BVM), có nơi dịch là “Đức Maria diễm phúc”.
Từ hồi nào, các chân phúc bị giáng cấp, xuống hàng á thánh?
Từ khi có sự thay đổi quan điểm giáo luật về sự thánh thiện. Nãy giờ, chúng ta bàn về khái niệm về chân phúc và sự thánh thiện dưới khía cạnh thần học, trong mối tương quan với Thiên Chúa. Từ thế kỷ XVI trở đi, Toà thánh sử dụng hai từ này theo khía cạnh khác, đó là sự tôn kính trong phụng vụ. Cho dù một tín hữu đã nổi tiếng thánh thiện, đã thực hành các nhân đức cách anh hùng, nhưng sau khi họ qua đời, không được phép gọi họ là “beati” (phúc nhân) bao lâu chưa có nghị định của Toà thánh. Thiết tưởng cũng nên biết rằng trong thiên niên kỷ thứ nhất, việc nhìn nhận đời sống thánh thiện của các tín hữu thuộc thẩm quyền của các giám mục. Từ việc công bố bộ luật năm 1234, thẩm quyền được dành cho Toà thánh. Duy Đức Giáo hoàng mới có thẩm quyền phong thánh, nghĩa là ghi danh tánh một người tín hữu vào sổ các thánh. Đó là ý nghĩa của tiếng canonizatio: “canon” là danh mục, sổ bộ; “canonizatio” là ghi danh vào sổ bộ. Một khi người tín hữu nào được canonizatio thì được gọi là “thánh”, và được phép tôn kính công khai. Và cho đến thế kỷ XV, các thánh (sancti) cũng được gọi là beati (chân phúc) như trước kia. Thế nhưng, sang thế kỷ XVI, Toà thánh cho phép một vài nơi được tôn kính vài người tuy nổi tiếng thánh thiện nhưng chưa được phong thánh: những vị đó được gọi là beati (chân phúc) chứ không được gọi là sancti (thánh). Các nghị định này được gọi là beatificatio, và trở nên thông dụng từ thế kỷ XVII. Với sắc lệnh ngày 13/3/1625 của ĐGH Urbanô VIII (được kiện toàn với đoản dụ Caelestis Hierusalem ngày 5/7/1634), sự phân biệt từ ngữ trở nên rõ ràng: beatificatio là phong chân phước, canonisatio là phong thánh. Việc phong chân phước cho phép được tôn kính một tôi tớ Chúa; nhưng sự tôn kính này được giới hạn trong một hội dòng, một Giáo hội địa phương. Với việc phong thánh, sự tôn kính mang tính cách bắt buộc trong toàn thể Giáo hội.
Thế nào là cho phép tôn kính?
Việc tôn kính bao gồm nhiều chi tiết. Trước tiên, được phép đặt chân dung (hình ảnh) lên trên bàn thờ. Tiếp đến, các tín hữu có thể đọc kinh nhờ xin vị chân phước chuyển cầu. Thêm vào đó, hằng năm lịch phụng vụ dành một ngày kính nhớ với bài lễ và kinh nguyện.
Làm thế nào để được phong chân phước?
Những thủ tục phong thánh đã được thay đổi trải qua thời đại. Nói chung, để được phong chân phước, cần phải chứng tỏ rằng người tín hữu đã sống đời đạo hạnh. Tiêu chuẩn đo lường mức độ đạo hạnh quen gọi là “thực hiện các nhân đức anh hùng”, nghĩa là họ đã thực hành tất cả các nhân đức (tóm lại trong ba nhân đức đối thần – tin, cậy, mến – và bốn nhân đức trụ – khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ) một cách phi thường. Tính cách phi thường này không những chỉ muốn nói lên tầm độ xuất sắc của tôi tớ Chúa nhưng còn chứng tỏ tác động khác thường của Chúa Thánh Thần trong đời họ. Nói thế, không có nghĩa là bất cứ vị chân phúc nào cũng thực hiện tất cả bảy nhân đức cách phi thường; thường mỗi vị nổi bật một vài nhân đức nào đó, thí dụ đức mạnh bạo nơi các vị tử đạo. Dù sao, nhân đức trổi vượt hơn cả là đức ái.
Có cần phải làm phép lạ để làm chân phước không?
Không cần, nếu ta hiểu là phải làm phép lạ lúc còn sống. Bởi vì việc thực hiện các nhân đức cách phi thường đã là một phép lạ rồi. Còn khi nói đến thủ tục phong chân phước sau khi đương sự đã chết thì khác. Thủ tục thay đổi tùy theo thời đại. Trong bộ luật hiện hành, thủ tục phong chân phước bắt đầu bằng việc điều tra về việc thực hành các nhân đức anh hùng. Bước tiến sau đó sẽ thay đổi tùy theo hồ sơ có phải là một vụ tử đạo hay không. Nếu là một vị tử đạo, thì chỉ cần chứng minh sự kiện chết vì đức tin là xong. Còn nếu không phải là vị tử đạo thì đòi phải có một phép lạ. Cần phải ghi nhận là phép lạ diễn ra sau khi đương sự đã qua đời chứ không phải là lúc sinh tiền. Giáo hội đòi hỏi phép lạ ra như để biết chắc rằng vị tôi tớ Chúa đang hưởng phúc bên cạnh Chúa, và có thể chuyển cầu cho chúng ta.
Còn để được phong thánh, giáo luật đòi thêm điều kiện nào nữa?
Trước khi trả lời câu hỏi, cần phải nhấn mạnh rằng không phải là các thánh thì thánh thiện hơn các chân phước. Vì thế thiết tưởng dịch chân phước là “á thánh” thì không đúng, bởi vì xét về sự đời sống thánh thiện thì chân phước và hiển thánh đều như nhau. Không phải là với việc phong thánh thì chân phước trở nên thánh thêm chút nữa. Như đã nói trên đây, sự khác biệt chỉ có tính cách giáo luật, mở rộng tầm mức tôn kính từ chỗ nhiệm ý đến mức bó buộc và phổ quát. Nhưng đó là nói theo nguyên tắc đặt ra hồi thế kỷ XVII, chứ ngày nay không còn giá trị mấy nữa, nhất là từ sau công đồng Vaticanô II. Thực vậy, lịch phụng vụ phổ quát được cải tổ sau công đồng đã quyết định giảm thiểu các ngày kính các thánh, bởi vì muốn chú trọng hơn vào đức Kitô. Do đó, lịch phổ quát chỉ kính những thánh nào nổi tiếng hoặc vì tượng trưng những vùng khác nhau trên thế giới. Bây giờ đi vào câu hỏi đã nêu. Thủ tục phong thánh hiện nay chỉ đòi thêm một phép lạ nữa. Như vậy là không cần phải mở lại hồ sơ về việc thực hành các nhân đức anh hùng. Hồ sơ nay đã đóng với việc phong chân phước. Vì vậy mà tôi mới nói là vị hiển thánh không thánh thiện hơn chân phúc tí nào hết.
Để kết thúc mục giải đáp lần này, thiết tưởng nên nói qua những dự án cải tổ thủ tục phong thánh mà một số học giả đã nêu lên từ công đồng Vaticanô II.
1/ Có tác giả đề nghị trở lại với tập tục của thiên niên kỷ thứ nhất, nghĩa là để cho mỗi Giáo hội địa phương thiết lập danh sách các phúc nhân, không cần sự can thiệp của Toà thánh. Tôi nghĩ rằng đề nghị này khó chấp nhận.
2/ Một đề nghị khác yêu cầu loại bỏ hồ sơ phép lạ khỏi thủ tục phong thánh, nghĩa là sau khi hoàn tất hồ sơ nhân đức anh hùng thì công bố chân phúc ngay. Điều này vẫn còn được tranh luận.
3/ Một ý kiến khác (xem ra thực tế hơn) là trở lại với thời buổi thủ tục phong thánh mới ra đời hồi thế kỷ XIII, nghĩa là loại bỏ sự phân biệt giữa chân phúc và hiển thánh. Khi đã hoàn tất các hồ sơ thì phong thánh luôn, khỏi cần phong chân phước nữa. Ý kiến này xem ra đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi vì ngày nay sự phân biệt giữa chân phước và hiển thánh không còn rõ rệt nữa. Việc phong thánh không tăng gia gì thêm danh giá cho tôi tớ Chúa: ở đâu mà người ta đã tôn kính vị đó thì họ vẫn tiếp tục trước và sau khi phong thánh; còn ở đâu mà người ta không kính thì sau ngày phong thánh cũng chẳng thay đổi thái độ. Cách riêng, nghi thức phong chân phước và nghi thức phong thánh chỉ khác nhau về vài chi tiết thứ yếu. Trước công đồng Vaticanô II thì nghi thức rất khác nhau. Trong nghi thức phong chân phước, thì Hồng y tổng trưởng đọc sắc lệnh của Đức Thánh Cha trong một thánh lễ do một chức sắc giáo triều chủ toạ, không có sự hiện diện của Người. Còn trong nghi thức phong thánh thì chính Đức Thánh Cha chủ toạ. Thế nhưng từ năm 1971 trở đi, Đức Thánh Cha đích thân chủ sự thánh lễ trong đó người đọc công thức phong chân phước và phong thánh. Điều này làm cho các tín hữu không nhận thấy sự khác biệt giữa hai nghi thức nữa. Tuy nhiên, từ năm 2005, Đức Bênêđictô XVI đã trở lại tập tục cổ truyền: ngài chỉ chủ toạ lễ nghi phong thánh; còn lễ nghi phong chân phước được uỷ thác cho Hồng y Tổng trưởng bộ phong thánh.
Nguồn tin: Đa Minh VN
Nguồn tin: tinvui.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn