GƯƠNG THÁNH NHÂN — Ngày 22 Tháng 10:
THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
Karol Józef Wojtyła, lấy danh hiệu Giáo hoàng là Gioan Phaolô II sau cuộc bầu chọn ngày 16.10.1978, sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice, một thành phố cách Kraków (Ba Lan) chừng 50 km.
Ngài là người con út trong 3 người con của ông Karol Wojtyła và bà Emilia Kaczorowska, qua đời vào năm 1929. Người anh cả của ngài là Edmund, bác sĩ, qua đời năm 1932 và thân sinh của Ngài, một sĩ qua quân đội qua đời vào năm 1941. Trong khi chị của Ngài, Olga, qua đời trước khi Ngài được sinh ra.
Được rửa tội vào ngày 20.06.1920 tại nhà thờ giáo xứ Wadowice do cha Franciszek Zak; rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi và lãnh nhận bí tích Thêm sức lúc 18 tuổi. Sau khi học hết chương trình trung học tại Marcin Wadowita, Wadowice, năm 1938, cậu ghi danh vào Đại học Jagellónica, Cracovia.
Khi quân xâm lược naziste đóng cửa trường đại học vào năm 1939, cậu Karol làm việc (1940-1944) trong một hầm mỏ, và sau đó, trong một nhà máy hóa chất Solvay để kiếm sống và tránh bị đưa vào các trại tập trung bên nước Đức.
Từ năm 1942, cảm thấy mình có ơn gọi làm linh mục, cậu bắt đầu theo học tại Đại Chủng viện chui tại Cracovia dưới sự hướng dẫn của chính Tổng Giám mục Cracovia, ĐHY Adam Stefan Sapieha. Trong thời gian đó, thầy cũng là một trong những người tổ chức “Kịch nghệ Rapsodico”, cũng dưới hình thức chui.
Sau khi chiến tranh kết thúc, thầy tiếp tục theo học trong Đại Chủng viện Cracovia mới được mở cửa lại, và tại Phân khoa Thần học của Viện Đại học Jagellónica, cho đến khi chịu chức linh mục tại Cracovia vào ngày 11.11.1946, do sự đặt tay của Đức Tổng Giám mục Sapieha.
Sau đó, ngài được gởi qua Roma để theo học dưới sự hướng dẫn của cha Dòng Đa Minh người Pháp, cha Garrigou-Lagrange, và vào năm 1948, ngài đậu tiến sĩ thần học với luận án: “Đức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh giá” (Doctrina de fide apud Sanctum Ioannem a Cruce). Trong thời gian này, vào các kỳ nghỉ hè, ngài thường làm việc mục vụ cho người Ba Lan tại Pháp, Bỉ và Hòa Lan.
Vào năm 1948, ngài trở về Ba Lan, lúc đầu làm phó xứ Niegowić, gần Cracovia, và sau đó, làm phó xứ Thánh Floriano, trong thành phố. Đồng thời, ngài cũng làm tuyên úy sinh viên cho đến năm 1951, vừa theo học triết học và thần học. Vào năm 1953, ngài trình luận án tại Đại học Công giáo Lublino với đề tài: “Thẩm định khả năng thiết lập một nền luân lý Kitô từ hệ thống luân lý của Max Scheler”. Sau đó, ngài trở thành giáo sư Thần học Luân lý trong Đại Chủng viện Cracovia và tại Phân khoa Thần học Lublino.
Ngày 04.07.1958, Đức Giáo hoàng Piô XII đặt ngài làm giám mục hiệu tòa Ombi và giám mục phụ tá Cracovia. Ngài được thụ phong giám mục vào ngày 28.09.1958 tại nhà thờ chánh tòa Wawel (Cracovia), do sự đặt tay của Đức Tổng Giám mục Eugeniusz Baziak.
Ngày 13.01.1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đặt ngài làm Tổng Giám mục Cracovia và rồi đề cử ngài lên tước vị Hồng y vào ngày 26..06.1967.
Ngài tham dự Công đồng Vaticano II (1962-1965) với sự đóng góp quan trọng trong việc soạn thảo Hiến chế Gaudium et Spes. Với tư cách Hồng y, ngài cũng là thành viên trong 5 Thượng Hội đồng Giám mục trước khi trở thành Giáo hoàng.
Các Hồng y đã bầu chọn ngài làm Giáo hoàng vào ngày 16.10.1978. Ngài đã chọn danh hiệu là Gioan Phaolô II và ngày 22.10, ngài đã long trọng khởi đầu tác vụ Thánh Phêrô. Ngài là Đấng Kế vị thứ 263. Triều đại của ngài là một trong những triều đại lâu dài nhất trong lịch sử của Giáo hội và kéo dài đến 27 năm.
Đức Gioan Phaolô II đã thi hành sứ vụ của mình với tinh thần truyền giáo không mệt mỏi, dồn mọi nỗ lực lo lắng việc mục vụ đối với mọi Giáo hội và đức ái mục tử mở ra cho toàn thể nhân loại. Ngài đã thực hiện 104 chuyến đi trên toàn thế giới và 146 cuộc viếng thăm mục vụ tại nước Ý. Với tư cách là giám mục Roma, ngài đã thăm 317 giáo xứ (trên 333 giáo xứ).
Hơn mọi vị tiền nhiệm khác, ngài đã gặp gỡ dân Chúa và các nhà lãnh đạo của nhiều nước: Các buổi triều yết vào ngày thứ Tư hằng tuần (1166 lần trong suốt triều đại của ngài) đã có hơn 17 triệu 600 ngàn khách hành hương tham dự, đó là chưa kể đến những buổi triều yết đặc biệt và các nghi lễ tôn giáo (có hơn 8 triệu khách hành hương chỉ trong Đại Năm Thánh 2000), cũng chưa kể đến hàng triệu tín hữu mà ngài đã gặp gỡ trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Ý, cũng như trên khắp thế giới. Rất nhiều nhân vật chính trị mà ngài đã tiếp qua các buổi triều yết: chỉ cần nhớ đến 38 lần viếng thăm chính thức và 738 lần triều yết hoặc gặp gỡ với các vị nguyên thủ quốc gia, cũng như 246 buổi triều yết và gặp gỡ với các vị thủ tướng chính phủ.
Lòng yêu mến đối với các bạn trẻ đã hối thúc ngài thành lập những Ngày Giới trẻ Thế giới kể từ năm 1985. 19 cuộc họp mặt GMG đã diễn ra trong triều đại của ngài đã quy tụ hàng triệu bạn trẻ trên khắp thế giới. Cũng như ngài đã hết lòng quan tâm đến gia đình và đã tổ chức những Đại hội Gia đình Thế giới từ năm 1994.
Đức Gioan Phaolô II phát huy thành công trong việc đối thoại với người Do Thái và đại diện của các tôn giáo, bằng việc mời gọi họ đến những cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình, cách đặc biệt tại Assisi.
Dưới sự hướng dẫn của ngài, Giáo hội tiến về ngàn năm thứ ba và đã cử hành Đại Năm Thánh 2000, theo những đường nét đã được trình bày trong Tông thư Tertio millennio adveniente. Và rồi Giáo hội đối đầu với thời đại mới, lại được lãnh nhận những chỉ dẫn trong Tông thư Novo millennio ineunte, trong đó, ngài cho các tín hữu thấy hành trình của thời tương lai.
Với các Năm Thánh Cứu độ, Năm Thánh mẫu, Năm Thánh Thể, Đức Gioan Phaolô II đã phát huy việc canh tân đời sống thiêng liêng của Giáo hội. Ngài cũng đã tiến hành nhiều cuộc phong thánh và chân phước để đưa ra nhiều tấm gương thánh thiện cho con người thời đại hôm nay: Ngài đã cử hành 147 buổi lễ phong chân phước, gồm 1338 vị và 51 cuộc lễ phong thánh, gồm 482 vị thánh. Ngài cũng đã tuyên phong Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu làm Tiến sĩ Giáo hội.
Ngài đã mở rộng con số của Hồng y đoàn, tấn phong đến 231 vị trong 9 mật nghị (1 vị ẩn danh và cũng không được nêu lên trước khi ngài qua đời). Ngài cũng triệu tập 6 Công nghị của Hồng y đoàn.
Ngài đã chủ tọa 15 Thượng Hội đồng Giám mục: 6 thông thường (1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001), 1 Thượng Hội đồng bất thường (1985) và 8 Thượng Hội đồng đặc biệt (1980, 1991, 1994, 1995, 1997, 1998 [2] và 1999).
Ngài ban hành 14 Thông điệp, 15 Tông huấn, 11 Tông hiến và 45 Tông thư. Ngài cũng đã ban hành cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo, dưới ánh sáng của truyền thống, đã được Công đồng Vaticano II giải thích cách có thẩm quyền. Ngài đã sửa đổi Bộ Giáo luật Tây phương và Đông phương, cũng như đã thiết lập thêm các cơ chế mới và cải tổ Giáo triều Roma.
Đức Gioan Phaolô II, như một Tiến sĩ, đã xuất bản 5 cuốn sách: “Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng” (tháng 10.1994); “Hồng ân và Mầu nhiệm: kỷ niệm 50 linh mục” (tháng 11.1996); “Trittico romano”, những bài suy niệm dưới hình thức thơ văn (tháng 3.2003); “Hãy đứng dậy, chúng ta cùng đi!” (tháng 5.2004); “Ký ức và Căn tính” (tháng 2.2005).
Ngài qua đời tại Vatican ngày 02.04.2005, lúc 21:37, lúc gần hết ngày thứ Bảy và đã bước vào Ngày của Chúa, trong Tuần Bát nhật Phục sinh và cũng là ngày Chúa nhật lễ Lòng Chúa thương xót.
Từ chiều hôm ấy cho đến lễ an táng của ngài vào ngày 08.04, đã có hơn ba triệu khách hành hương đến Roma để kính viếng ngài, dù phải xếp hàng chờ đợi cả 24 giờ mới có thể vào được bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Ngày 28.04 sau đó, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã miễn chuẩn thời gian chờ đợi 5 năm sau ngày qua đời để khởi sự thủ tục phong chân phước và phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Thủ tục này đã được chính thức khai mở vào ngày 28.06.2005 do Đức Hồng y Camillo Ruini, Tổng Đại diện coi sóc giáo phận Roma.
Đức Thánh Cha Phanxicô (với ĐTC danh dự Bênêđictô XVI đồng tế), đã tuyên thánh cho hai vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào Chúa Nhật ngày 27 tháng 4 năm 2014 tại Quảng trường thánh Phêrô, Vatican, Rôma.
==========
CHÂN PHƯỚC TIMÔTHÊÔ GIACCARĐÔ
Giuse Giaccarđô sinh ngày 13 tháng Sáu năm 1896 tại miền Narzôle, nước Ý. Song thân của ngài là những nông dân lao động vất vả. Giuse đã hấp thụ được nhiều thói quen tốt lành nơi cha mẹ của mình. Họ yêu mến đức tin Công giáo và đã truyền lại gia sản ấy cho Giuse. Giuse thường hay cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể và với Đức Mẹ Maria. Ngài có một bức ảnh Đức Mẹ nho nhỏ đặt ở trên kệ sách trong căn phòng của ngài. Giuse giúp lễ cách rất đều đặn. Đó là dịp thuận tiện để Giuse gặp gỡ vị linh mục trẻ hay đến giúp tại nhà thờ thánh Bênađô. Vị linh mục sắp sửa thiết lập một hội dòng mới, là dòng thánh Phaolô. Tên của ngài là cha Alberiôn. Giuse rất yêu mến cha Alberiôn. Cha Alberiôn cũng rất bị ấn tượng bởi Giuse. Ngài hướng dẫn Giuse về đường thiêng liêng. Sau đó, Giuse gia nhập chủng viện ở Alba để học làm linh mục. Năm 1917, Giuse xin vị giám mục của mình cho phép được rời bỏ chủng viện. Giuse mong muốn gia nhập hội dòng mới thành lập của cha Alberiôn, vừa tròn 3 năm tuổi. Vị giám mục đã miễn cưỡng cho phép Giuse tham gia hội dòng thánh Phaolô. Giuse tuyên những lời khấn thánh năm 1920. Ngài lấy tên là Timôthêô, theo tên của vị học trò rất mực yêu quý của thánh Phaolô. Sau đó hai năm, Timôthêô Giaccarđô được thụ phong linh mục, và ngài là linh mục đầu tiên trong hội dòng mới lập của cha Alberiôn.
Ơn gọi đặc biệt của cha Timôthêô Giaccarđô, với tư cách là linh mục dòng thánh Phaolô, là phục vụ như một tông đồ giảng đạo bằng các phương tiện truyền thông đại chúng. Timôthêô viết lách, biên tập, in ấn và phân phát lời Chúa. Ngài đảm nhận nhiều công việc quan trọng với lòng can đảm và khiêm tốn. Một số người không hiểu những hoạt động tông đồ của tập thể anh chị em dòng thánh Phaolô. Họ thắc mắc làm sao các linh mục, tu sĩ và nữ tu đều có thể là những người xuất bản? Làm sao họ có thể dùng các phương tiện như dụng cụ để truyền giảng Tin mừng? Cha Timêthêô Giaccarđô đã giúp họ hiểu rõ ơn gọi tuyệt vời của các anh chị em dòng thánh Phaolô. Cha cũng là bậc thầy vĩ đại của các linh mục và tu sĩ phục vụ trong ơn gọi tông đồ mới này.
Timôthêô phục vụ Thiên Chúa tại Bắc Ý và Rôma. Ngài là phụ tá rất đắc lực của cha Alberiôn. Thực ra, cha Alberiôn gọi chân phước Timôthêô Giaccarđô là “người trung tín nhất trong các người trung tín.” Nhưng Timôthêô không là vị kế nhiệm của đấng sáng lập, như cha Alberiôn đã kỳ vọng. Cha Timôthêô Giaccarđô bị chứng bệnh tăng bạch cầu rất nặng. Ngài qua đời ngày 24 tháng Giêng năm 1948. Đến ngày 22 tháng Mười năm 1990, cha Timôthêô Giaccarđô được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước.
Đây là lời cầu nguyện chúng ta có thể nài xin chân phước Timôthêô Giaccarđô giúp chúng ta biết thận trọng chọn lựa những phương tiện chúng ta đang sử dụng: “Lạy chân phước Timôthêô Giaccarđô, ước gì những sách vở và tạp chí chúng con đọc, những chương trình chúng con xem, âm nhạc chúng con nghe và trò chơi chúng con chơi, ngày một dẫn chúng con tới gần Đức Chúa Giêsu hơn. Xin cũng giúp chúng con tránh xa những phương tiện nguy hại làm mất lòng Chúa. Amen.”
Nguồn tin: tinvui.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn