Nên hình ảnh Chúa Giêsu

Thứ bảy - 19/01/2019 18:29
32169675 10157945804748868 1019398272818610176 n
32169675 10157945804748868 1019398272818610176 n
Ngày 17/10
Thánh Phanxicô Kính
(1799-1833)

 

  Có lẽ chỉ có tiểu sử của thánh linh mục tử đạo Phanxicô Kính ghi lại một chuyện rất hy hữu[1] đó là: Sau khi bị xử giảo ngày 17/10/1833 tại Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng. Một học trò cũ của cha Ôdôricô và một thày giảng của cha Phan xin phép nhận thi hài thánh tử đạo Phanxicô Kính đem về an táng tại một tư gia ở phủ Cam. Vua nghi ngờ vị môn đệ thánh thiện của Chúa Kitô sống lại sau ba ngày (giống như Chúa Giêsu) nên vua Minh Mạng truyền khai quật mồ vị tử đạo, khám nghiệm kỹ lưỡng, rồi mới yên lòng cho chôn lại. Tuy nhiên vua vẫn chưa yên lòng, vua truyền cho dân làng Phủ Cam canh giữ mồ của cha Phanxicô Kính cẩn mật. Vua ra lệnh: nếu vị tử đạo sống lại, hay người ta lấy mất thi hài, thì dân làng sẽ phải đền mạng. 

Câu chuyện hy hữu này giống câu chuyện của Chúa Giêsu hơn 2000 năm trước đây. Chúa Giêsu đã sống lại và người ta phải thuê lính phao tin rằng có người lấy cắp xác Chúa.

Ắt hẳn vua Minh Mạng nghi ngờ điều này cũng là phải lẽ, vì cuộc đời của cha Phanxicô Isidôrô Gagelin Kính là một cuộc đời phản chiếu gương mặt của thầy Giêsu chí thánh nên vua nghĩ cha cũng trở nên giống Chúa, có thể sống lại sau ba ngày. Giờ đây chúng ta cùng chiêm ngắm mẫu gương vị tử đạo để phần nào đó học được các nhân đức của ngài.

Isidôrô Gagelin sinh ngày 10/5/1799, tại giáo phận Besancon, nước Pháp. Cậu Gagelin có ý tưởng theo ơn thiên triệu ngay từ nhỏ, và từng tâm nguyện làm môn đệ Chúa Giêsu trong thánh chức linh mục. Lớn lên, sau bốn năm học đại chủng viện giáo phận, năm 1819, thày gia nhập Hội Thừa sai Paris và đến Việt Nam truyền giáo. Tháng 9/1821, Đức cha Labartette Bình, Giám mục giáo phận Đàng Trong, truyền chức linh mục cho thầy khi thầy mới 22 tuổi.

Năm 1823 cha gửi tâm sự về quê nhà: "Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng: tôi được hạnh phúc…" Bốn năm sau, cha Phanxicô Kính được vua Minh Mạng triệu về kinh cùng với các giáo sĩ Tây phương khác. Vua lấy cớ cần người dịch sách và làm thông ngôn cho triều đình, nhưng với hậu ý cản ngăn việc truyền giáo. Cha Kính bày tỏ lập trường: "Tôi nói dứt khoát với ông quan do vua sai đến ban ân huệ cho chúng tôi. Tôi cho ông biết rõ mục đích chúng tôi sang đây làm gì, và chức linh mục cao trọng hơn chức quan dường nào. Tôi cũng nói rõ chúng tôi đã từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương và tất cả những lợi lộc trần gian để chỉ truyền giảng Tin Mừng thì không dễ gì chúng tôi từ bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên, những công việc nào có thể dung hòa với nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua." Quả thật, cha đã có một thái độ rất nhân bản, phân biệt trong từng lãnh vực.

Về tinh thần phục vụ, cha sẵn sàng phục vụ tại các vùng: từ Đồng Nai, Vũng Tàu đến miền Lục Tỉnh, Hà Tiên. Một năm sau ngài được bổ nhiệm hoạt động ở miền Trung: Phú Yên, rồi tới Bình Định, Quảng Ngãi. Dù thời buổi khó khăn, cha vẫn tiếp tục hăng say trong sứ mệnh, thăm hỏi an ủi giáo dân, giảng đạo và rửa tội nhiều người Thượng ở Bình Định. 

Chiếu chỉ bắt đạo của vua Minh Mạng buộc cha đến trình diện với quan và cha bị bắt giải về kinh đô. Đến Huế ngày 23/8/1833, cha bị giam ở trấn phủ với cha Jaccard Phan, cha Ôdôricô Phương. Suốt bảy tuần lễ bị giam, cha Bề trên Kính không bị thẩm vấn lần nào vì vua Minh Mạng đã quá rõ, không thể lay chuyển đức tin can trường của cha.

Được tin sắp lãnh án tử đạo, cha viết về cho các bề trên: "Tôi từ giã cõi đời không hề thương tiếc sự gì, chỉ nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi điều đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hợp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc. Tôi muốn thành tro bụi để kết hiệp với Chúa Giêsu." 

Ngày 17/10/1833 cha được phúc tử đạo. Năm 1946, thi hài thánh tử đạo Gagelin Kính được đưa về chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Ước gì mỗi Kitô hữu cũng trở nên giống Chúa Giêsu khi chiêm ngắm Chúa và theo chân Chúa cùng các thánh tử đạo.
 
Tưởng nhớ Chúa chịu đau thương, tủi nhục
Gánh trên mình bao tội lụy nhân gian
Đường lên núi vắt kiệt cả sức tàn
Trên khổ giá, Ngài gục đầu tắt thở…

Ôi Giêsu! Trái tim đau vụn vỡ
Chén đắng này Ngài uống cạn vì yêu,
Để vượt qua cơn tê tái tiêu điều
Ban tặng thế nhân nguồn ơn vĩnh phúc.

Con cúi đầu, nghiêng mình xin bái phục
Các anh hùng tử đạo dám hy sinh
Vì yêu Chúa quên cả chính thân mình
Xin cho con noi gương ngài sống thánh.
 

[1] Trong các thư của cha Phan và Đức cha De la Motte Hậu có ghi chép sự việc hy hữu trên.
 

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây