VỢ CHỒNG LY HÔN: NỖI ĐAU KHÔNG CỦA RIÊNG AI!

Thứ bảy - 07/09/2019 18:17

VỢ CHỒNG LY HÔN: NỖI ĐAU KHÔNG CỦA RIÊNG AI!

 

Tất cả những ai bước vào đời sống hôn nhân đều có chung niềm mong ước là được sống hạnh phúc ấm êm với nhau cho đến hết cuộc đời này, như câu chúc “Trăm năm hạnh phúc!” mà mọi người trân trọng dành cho cô dâu chú rể ngày thành hôn.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, niềm mơ ước ấy đối với nhiều cặp vợ chồng chỉ là ước mơ xa vời mà thôi. Có người đã nói “Chỉ khi nào người ta đi được nửa đoạn đường của hôn nhân rồi lúc đó mới thấy tình yêu, hạnh phúc chỉ là ảo ảnh”.

 

Chúng ta biết rằng, trong khi kết hôn là một trong những biến cố quan trọng nhất của đời người, biến cố ấy phối hợp hai người lại với nhau thành vợ thành chồng để chung sống với nhau suốt đời, thì ly hôn lại là một biến cố đáng buồn nhất, biến cố ấy chấm dứt cuộc hôn nhân mà hai người đã kết ước. Chính vì vậy mà Friedrich Engels, nhà lý luận chính trị, triết gia và khoa học gia người Đức thế kỷ 19 đã nói: “Khi tình yêu đã chết, gia đình là địa ngục, cuộc sống vợ chồng chỉ còn là sự đầy ải lẫn nhau thì chia tay là điều nên làm, sẽ có lợi cho cả hai người và xã hội”. Một danh nhân khác cũng có nói, “Hôn nhân là một pháo đài. Kẻ ở trong muốn ra, còn kẻ ở ngoài thì lại muốn vào”.

 

Dù gì đi chăng nữa, ly hôn (hay ly dị) được xem là một thất bại của hai vợ chồng, họ đều là những kẻ bại trận. Bởi vì những mong ước ban đầu đã không thành sự, những lời thề hứa khi yêu nhau đã “vỗ cánh bay đi”! Ngày nay, ly hôn đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến, tại nhiều nước trên thế giới cứ 3 cặp vợ chồng kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Đây được xem là một thực trạng đáng báo động.

 

            *THỰC TRẠNG LY HÔN TẠI VIỆT NAM NGÀY NAY

 

Chúng ta biết rằng tỷ lệ ly hôn hiện nay tại nước ta có chiều hướng gia tăng một cách đặc biệt. Cuộc điều tra do Bộ VHTT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn hiện gấp 2 lần so với người chồng đứng đơn. Người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ ly hôn từ 1,7-2%, thấp hơn tỷ lệ 4-6% của những người không có bằng cấp. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng 18-60 tuổi là 9,4 năm; còn riêng ở các khu vực nội thành, các thành phố lớn, chỉ 8 năm. Xét về nguyên nhân thì người ta thấy có 4 nguyên nhân thường xảy ra nhiều là: Mâu thuẫn về lối sống (27,7 %), ngoại tình (25,9 %), kinh tế (13 %), bạo lực gia đình (6,7 %). [1]

Ngoài ra, ngày nay người ta còn dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng chưa cần tới 5 năm, họ đã vội vã ly hôn. Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết rằng tình trạng ly hôn xanh ngày một gia tăng và điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn.

Theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, số liệu nghiên cứu đã cho thấy cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì lại có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn.

 

Một điều đáng chú ý là 70% số vụ ly hôn sẽ thuộc về những gia đình trẻ mà vợ và chồng trong độ tuổi từ 18 – 30; trong đó 60% các cặp vợ chồng ly hôn sau khi kết hôn từ 1 – 5 năm, nhiều trường hợp mới chỉ cưới nhau được vài tháng. [2]

 

Như vậy, thực trạng ly hôn ở nước ta hiện nay quả là đáng báo động. Nhiều chuyên gia về hôn nhân gia đình đã cố gắng đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng ly hôn.

 

* NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY RA LY HÔN

 

Nguyên nhân của việc ly hôn có thể quy về mấy điểm chính sau:

 

Ngoại tình

 

Ngoại tình được xem như nguyên nhân hàng đầu của ly hôn. Khi người đàn ông hay đàn bà rơi vào tình huống “Chán cơm thèm phở”, hoặc “Ông ăn  chả, bà ăn nem” thì sẽ gây ra hậu quả là hai người không còn tin tưởng nhau nữa. Niềm tin vào sự chung thủy lúc mới kết hôn đã không còn nữa. Một trong hai hoặc cả hai đều mệt mỏi và sẵn sàng chấp nhận giải pháp đường ai nấy đi.

 

Phần lớn những cuộc ngoại tình bị phát giác đều có kết cục là ly hôn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn gần như là chắc chắn nhất. Bởi lẽ, khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, sự chung thủy là một trong những yếu tố được các bên coi trọng hàng đầu. Khi bị người phối ngẫu lừa dối, rất ít người lựa chọn tha thứ.

 

Không giống với những nguyên nhân ly hôn khác, việc ngoại tình dù có được tha thứ và bỏ qua thì người chấp nhận nó cũng không thể nào vĩnh viễn quên đi chuyện đó. Họ có thể tiếp tục chung sống với người đã phản bội mình song trong thâm tâm họ luôn tồn tại sự trách móc và dằn vặt nhất định. Sự trách móc và dằn vặt này như những con virus tàn phá cuộc sống hôn nhân từ bên trong.

 

Phần lớn những người đàn ông ngoại tình đều không hề muốn bỏ rơi gia đình để theo người tình. Ngược lại, những người phụ nữ sống thiên về tình cảm một khi ngoại tình thì họ gần như đã sẵn sàng đối mặt với những hậu quả mà họ có thể phải gánh chịu khi bị phát giác. Hầu hết phụ nữ khi ngoại tình đều dễ dàng ly hôn. [2]

 

Mâu thuẫn bất đồng dai dẳng

 

Khi ra tòa xin ly hôn, người ta đều nói cách ngắn gọn “Chúng tôi không hợp nhau...”. Thực chất, lý do “không hợp nhau” chỉ là cách nói chung chung. Phải hiểu đó là giữa hai vợ chồng đã từng xảy ra sự không-hòa-hợp về một hay nhiều phương diện nào đó, lớn cũng như nhỏ...Các nhà tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình thường đưa ra mấy loại nguyên nhân gây bất hòa, chẳng hạn về tâm lý và tính cách khác biệt, sở thích đối chọi nhau, không cùng quan điểm về cuộc sống và cách giáo dục con cái, nghi ngờ việc vợ hay chồng ngoại tình, trục trặc trong sinh hoạt tình dục vợ chồng vv.

 

Dù với lý do nào đi nữa thì với thời gian, những mâu thuẫn sẽ gặm nhấm tình cảm hai người, khiến mối quan hệ vợ chồng luôn căng thẳng và bầu khí trong gia đình trở nên ngột ngạt. Ngạn ngữ có câu, “Lỗ nhỏ đắm thuyền”. Chỉ cần một vài xích mích nhỏ, con thuyền hạnh phúc của vợ chồng có thể chòng chành và có nguy cơ đắm chìm.

 

Vợ chồng không kính trọng và coi thường nhau

 

Một nguyên tắc vàng trong đời sống hôn nhân, đó là “Tương kính như tân”. Vợ chồng luôn phải coi nhau những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả đối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị…

 

Ai cũng biết để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân không phải là chuyện dễ. Bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thực tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại. Như một danh nhân có nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton). Hay có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”. 

 

Quả thực, hôn nhân sẽ không thể tiếp tục duy trì nếu một trong hai bên liên tục bị tổn thương bởi sự từ chối, chê bai, hạ thấp. Sẽ rất khó để một người có thể chung sống cùng với người kia luôn coi thường và thiếu tôn trọng mình. Lòng tự tôn của con người rất cao và ly hôn khi không được tôn trọng không phải là những trường hợp hiếm khi xảy ra. [2]

 

Trách nhiệm không đồng đều trong đời sống vợ chồng

 

Trách nhiệm không đồng đều trong đời sống vợ chồng là một trong những nguyên nhân ly hôn phổ biến. Đây được coi là một sự bất bình đẳng. Sự bất bình đẳng này không phải là một bên coi thường, đánh giá thấp bên còn lại mà là một bên vợ/chồng phải gánh quá nhiều trọng trách khiến cán cân trong mối quan hệ vợ chồng bị mất cân bằng nghiêm trọng.

 

Hôn nhân cần sự chung tay gánh vác của cả hai người. Nếu như một bên phải đảm nhận quá nhiều trách nhiệm trong quan hệ hôn nhân như kiếm tiền, chăm sóc con cái, đối nội đối ngoại vv. thì họ sẽ cảm thấy kiệt sức. Hôn nhân với họ sẽ trở nên mệt mỏi vì luôn có gánh nặng trên vai và họ sẽ muốn buông xuôi bằng cách ly hôn để chấm dứt tình trạng này. [2]

 

Kết hôn quá sớm

 

Tình trạng kết hôn quá sớm khi độ tuổi chưa đủ chín chắn để bước vào cuộc sống gia đình. Những số liệu điều tra đã cho thấy, gần một nửa những cặp đôi kết hôn từ quá sớm dễ bị sứt mẻ tình cảm sau 15 năm kết hôn. Còn với những cặp đôi kết hôn ở độ tuổi 25 thì tỉ lệ ấy ly hôn sẽ giảm tới 35%. Nguyên nhân chính là sự bồng bột tuổi trẻ đã che mất những khiếm khuyết của nhau. Khi chung sống và đã trưởng thành, họ dần phát hiện ra những khiếm khuyết ấy và cảm thấy không thể dung hòa được.

 

Khi còn quá trẻ, chúng ta thường không có được những suy nghĩ chín chắn để quyết định xem liệu người phối ngẫu có phải là người thích hợp cùng mình chung sống cả đời hay không. Những người trẻ tuổi chưa từng trải, thường không suy nghĩ nhiều về những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Hệ quả, họ thường nhanh chóng nhận ra hôn nhân không phải là một việc dễ dàng và thường quyết định ly hôn ngay sau đó. [2]

 

*HẬU QUẢ CỦA LY HÔN

 

Mọi người đều biết rằng, ly hôn để lại rất nhiều hậu quả to lớn cho xã hội, cho gia đình và đặc biệt cho chính đôi vợ chồng xin ly hôn và con cái của họ. Ở một số người thì thời kỳ “Hậu ly hôn” đã để lại những di chứng tác hại và tổn thương thật nghiêm trọng.

 

Quả thực, sau ly hôn bao giờ người ta cũng bị mất một thời gian rơi vào trạng thái mất thăng bằng, bị tổn thương dữ dội về tinh thần, đời sống sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn ghê gớm. Có người mất hàng năm trời mới lấy lại được tình trạng quân bình tâm lý. Trước lúc chia tay, nhiều người cứ nghĩ là sẽ làm lại cuộc đời một cách dễ dàng, nhanh chóng. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Hơn 80% đàn ông sau khi ly dị đã lấy vợ trở lại, còn trong khi đó chỉ có hơn 50% phụ nữ xây dựng lại gia đình mới một cách khó khăn…Các cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% có đời sống hạnh phúc thật sự sau ly hôn sau 10 năm. [3]

 

Các nhà nghiên cứu về hậu ly hôn đã đưa ra mấy hậu quả liên quan đến người chồng, người vợ và con cái của họ như sau:

 

Đối với vợ và chồng

 

Dù ly hôn có thể giúp cho hai vợ chồng giải thoát được cho nhau về cả mặt thể xác và tinh thần để hai người đi tìm cho mình một cuộc sống mới nhưng sau ly hôn cũng sẽ làm tổn thương ít nhiều cho những người trong cuộc về nhiều mặt khác nhau. Đó là nguy cơ chán chường, tuyệt vọng, trầm cảm, tuổi thọ giảm.

 

Những hậu quả của sau ly hôn có sự khác biệt về giới: những người phụ nữ khi ly hôn thường sẽ thiệt thòi hơn so với nam giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người phụ nữ khi ly hôn có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính do phải tự bươn trải kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống, và thường thì khi ly hôn phụ nữ sẽ là người nuôi con cái. Tuy người chồng vẫn phải có trách nhiệm phụ cấp cho việc nuôi con, nhưng gánh nặng chính trong việc này vẫn đè nặng lên người phụ nữ hơn khi họ trực tiếp lãnh sướng quyền nuôi con cái. Cùng với đó, những người phụ nữ ly hôn thường có khả năng tái giá thấp hơn so với đàn ông. [2]

 

Đối với những đứa con

 

Thiệt thòi nhất là những đứa con khi phải chứng kiến bố mẹ chúng chia tay nhau. Về mặt xã hội thì vấn đề ly hôn ngày càng gia tăng sẽ làm cho giới trẻ, nhất là đối với những đứa con sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn, thường ngày phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, đánh chửi nhau đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển nhân cách của chúng, các em có xu hướng lo sợ và né tránh việc kết hôn. Điều đó sẽ dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe tình dục không an toàn và làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm.

 

Sau khi ly hôn dù sống với mẹ hay với cha thì con cái cũng sẽ phải sống thiếu tình thương, hơi ấm của cha hoặc mẹ cho dù cha hoặc mẹ vẫn có quyền thăm nom chúng. Dẫn đến những đứa trẻ khi sống thiếu tình thương như vậy có khả năng học hành sa sút hơn so với những bạn bè cùng trang lứa. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chúng có khả năng vướng vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật cao hơn như trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau…

 

Những đứa trẻ phải sống cùng mẹ kế hay bố dượng thì vấn đề “con anh con tôi”, khả năng được đảm bảo về giáo dục và khả năng an toàn cho bản thân thấp. Nhất là đối với trẻ em gái khi phải sống cùng với bố dượng sẽ dễ tiềm ẩn những vấn đề không an toàn trong đời sống hàng ngày khi luôn phải tiếp xúc và va chạm làm dễ nảy sinh những ý đồ xấu khi họ không có chung máu mủ huyết thống. Điển hình như gần đây chúng ta nghe báo đài đưa tin rất nhiều về những vụ bố dượng lạm dụng, hành hạ con gái riêng của vợ về mặt tình dục…

 

Về khía cạnh tâm lý, các nhà tâm lý học đã sử dụng thang đo “tái thích nghi xã hội” cho khả năng gây stress của cá nhân thì nguyên nhân cha mẹ ly hôn đứng thứ 3 sau sự kiện cái chết của một người thân trong gia đình và sự kiện cái chết của một người bạn thân.

 

Hậu ly hôn có thể mang lại cuộc sống tự do cho vợ hoặc chồng nhưng những hậu quả xấu mà nó để lại luôn là một vấn đề hết sức nan giải mà cả xã hội đang đau đầu để tìm ra giải pháp khắc phục nên các cặp vợ chồng khi có ý định ly hôn thì hãy cân nhắc thật kỹ để tránh khỏi những hệ quả xấu cho bản thân hai vợ chồng và cho cả con cái của mình./. [2]

 

Aug. Trần Cao Khải

 

- - - - - - - - -

 

[1] Theo aFamily – Nguồn:  ubmvgiadinh.org

 

[2] Nguồn: Internet

 

[3] TS Nguyễn Minh Hòa – Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại – NXB Trẻ năm 2000

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây