Khi tình yêu làm đau khổ
fr.aleteia.org, Linh mục Denis Sonet, 2019-05-20
Linh mục Denis Sonet (1926-2015)
“Tôi tin vào tình yêu và tôi đã thất vọng. Tôi nghĩ trên đời này không có chuyện gì làm cho con người đau khổ bằng chuyện này, đến mức tôi tự hỏi liệu có cần thiết phải nghĩ đến nó không”. Linh mục Denis Sonet, chuyên gia đặc biệt về lứa đôi trả lời cho cho sự thất vọng đau buồn và cay đắng này của tình yêu.
Đúng là các cặp yêu nhau không phải lúc nào cũng tránh được đau khổ, ngay cả khi đó là một tình yêu được chia sẻ. Bao nhiêu căng thẳng, hiểu lầm, tranh chấp ở trọng tâm của các cặp được gọi là hạnh phúc nhất. Bao nhiêu chán nản, suy sụp và thậm chí tự tử khi bị thất tình hoặc bị vỡ mộng nặng nề!
Vì sao tình yêu hứa hẹn nhiều hạnh phúc lại là nguyên do gây ra quá nhiều đau khổ, có phải vì nó hứa hẹn hơi quá không: thiên đàng hạ giới, hạnh phúc tuyệt đối chăng? Con người kỳ vọng rất nhiều ở tình yêu, mong chờ một hạnh phúc hoàn hảo, tuyệt đối, toàn diện. Và chính đó là điều được tạo ra để yêu, và rằng “không có tình yêu, chúng ta chẳng là gì!”. Được tạo ra từ hình ảnh của một người là tình yêu và người đó chính là tình yêu, con người luôn mang trong lòng một nhu cầu yêu và được yêu quá to lớn.
Hai khát khao lớn lao trong lòng con người
Trên thực tế, có hai khát khao lớn lao trong lòng con người: một là khát khao được là chính mình, được đáng kể, được công nhận, được có giá trị và một là khát khao được “ở cùng”, được có các quan hệ, có tình cảm, được sống trong hiệp thông. Và tình yêu đáp ứng được phần nào hai nhu cầu này: khi chúng ta được yêu, chúng ta tồn tại vì một ai đó và chúng ta chia sẻ với ai đó. Thêm nữa, tình yêu hứa hẹn mang lại niềm vui cho thể xác, tâm hồn và tinh thần. Có gì tốt hơn thế?
Nhưng tình yêu có mặt trái của nó: khi tình yêu không mang lại sự trọn vẹn này, khi đó con người đau khổ! Và làm thế nào tình yêu lại cho rằng mình đáp ứng được sự trọn vẹn này? Tình yêu hứa nhưng không giữ lời. Nó hứa cho con người sự bất tận này, vì thế con người luôn hoài niệm.
Dĩ nhiên nỗi đau sẽ rất lớn cho những người cảm thấy mình bị người yêu bỏ. Đó là trường hợp thất tình. Nhưng đây cũng là trường hợp của rất nhiều người trẻ không có may mắn cảm thấy mình là người được thèm muốn, họ cảm thấy mình là người bị tình yêu bỏ qua một bên. Một khả dĩ có thể có hạnh phúc vuột khỏi tay họ. Họ nghĩ mình không thể nào làm vui lòng người khác, họ không tạo được hứng thú, thậm chí lại không có chút hấp dẫn nào. “Thật đau lòng khi đi dạ vũ mà không ai mời nhảy!” Bị chạm đến tận cõi lòng, người không được yêu cảm thấy mình chẳng có giá trị và đâm ra hoài nghi chính mình: “Chắc chắn vì tôi xấu xí, vì tôi tẻ nhạt. Tôi chẳng là gì, tôi không biết cách cư xử để làm vui lòng người khác”. Ngược lại, chúng ta cũng bị đau khổ vì không “được ở cùng”, khi đó chúng ta cô đơn, chúng ta ở trong một tâm trạng không biết cách nào thoát ra.
Phải làm gì trong trường hợp này, nếu không muốn ở trong tình trạng này, không muốn ở trong mặc cảm tự ti không lành mạnh? Bằng cách chăm sóc bề ngoài (chúng ta có quyền làm đẹp, muốn được đẹp, theo thời trang dù không phù hợp với mình!), bằng cách khách quan xem lại các giá trị của mình, mình sẽ được tự tin vào sức mạnh quyến rũ của mình. Và chúng ta sẽ học được con đường tự tin để kết bạn.
Đau khổ trong đời sống vợ chồng
Các cặp vợ chồng có tình yêu được chia sẻ cũng không tránh được đau khổ. Đời sống lứa đôi “không phải là dòng sông êm đềm”. Trước hết chúng ta phải “cầm cự” cho được sự khác biệt, chấp nhận người kia là một người khác. Phải chờ sự đồng ý, sự thỏa thuận của người kia cho mỗi mong muốn của nhau. Phải chấp nhận người kia có giới hạn, không hoàn hảo, họ không thể đáp ứng tất cả mong chờ của chúng ta. Chúng ta phải từ bỏ việc hòa nhập vào nhau, một việc không thể nào làm được. Phải cảm nhận sự đau khổ của người khác (tình yêu làm cho mình nhạy cảm và dễ bị tổn thương). Chúng ta phải vượt qua các thăng trầm của cuộc sống (mệt mỏi, bệnh tật, thất nghiệp, v.v.), những chuyện làm con thuyền tình yêu bị chao đảo. Vì vậy, phải chấp nhận sự bất toàn của mọi tình yêu, đó là mệnh lệnh của tình yêu: không có gì là hoàn hảo, ngay cả chính mình. Không có gỗ nào trơn tru.
Điều này bao gồm việc quên đi giấc mơ có một tình yêu thơ mộng, không căng thẳng, không đụng chạm, nhưng phải chấp nhận cùng đi với nhau trong cuộc sống nhàm chán mỗi ngày, đừng vội nghĩ cỏ nhà hàng xóm xanh hơn, phải học để đừng đòi hỏi người kia quá nhiều, mặt khác, phải xem chúng ta có thể sống một mình không. Điều này cũng cho phép nghĩ, chúng ta có khả năng giao tiếp tốt, có thể nói chuyện với nhau, mỗi người có thể nói nỗi đau của mình và cảm thấy mình được lắng nghe.
Như thế vẫn hợp lý khi tin vào sự kỳ diệu của tình yêu, điều chỉ đạt được đến trong chừng mực mình nhận ra tình yêu không phải là một “món quà được cho”, nhưng một “việc phải làm” , trong chừng mực chúng ta đừng mơ nữa, và có khiêm tốn nhận ra người duy nhất có thể lấp đầy trọn vẹn khát khao của chúng ta, đó là Chúa của các Lễ Cưới Vĩnh Cửu!
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Các «lời khuyên nho nhỏ» của Mẹ Têrêxa để có một hôn nhân hạnh phúc
Các “gia vị” để sống hạnh phúc của Đức Phanxicô
Nguồn tin: phanxico.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn