Thứ Năm tuần 5 thường niên. – Thánh Côláttica, trinh nữ. Lễ nhớ.

Thứ tư - 09/02/2022 05:33

Thứ Năm tuần 5 thường niên. – Thánh Côláttica, trinh nữ. Lễ nhớ.

"Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái"

 

* Thánh nữ là em của thánh Biển Đức, nhà lập luật cho các đan sĩ Tây phương. Thánh nữ chào đời ở Nuốc-xi-a, nước Ý, khoảng năm 480. Thánh nữ sống đời thánh hiến ở chân núi Cátxinô, nơi thánh Biển Đức đã lập ra một đan viện nổi tiếng.

Thánh nữ qua đời không bao lâu trước anh người (+ năm 547). Chính vì thế, các nữ đan sĩ Biển Đức tôn kính thánh nữ Côláttica như người mẹ tinh thần của mình.

 

Lời Chúa: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được.

Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-Phênixi và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà.

Người nói: "Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó". Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: "Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái".

Người liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi". Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

 

 

Suy Niệm 1: Những mảnh vụn

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)       

Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,

hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.

Đức Giêsu đã bỏ đất Ítraen để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.

Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái.

Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ

sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.

Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.

Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,

Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.

Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu

trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của ngài không bao gồm dân ngoại.

Ngài chỉ được sai đến với dân Ítraen,

để rồi chính môn đệ ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.

Bà nài xin ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,

nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương.

“Hãy để con cái ăn trước,

vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).

Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,

còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.

Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.

Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.

Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng.

Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn

cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).

Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,

được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,

nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.

Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.

Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.

Hôm nay bà chẳng xin ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,

Bà chỉ xin ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.

Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,

vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.

Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.

“Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).

Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,

và ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.

Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.

Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?

Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 2: An và loạn

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa tạo dựng tất cả vì con người và cho con người. Đặt mọi vật dưới chân con người. Cho con người đặt tên cho mọi sinh vật. Theo quan niệm Do thái, đặt tên trên ai là có quyền trên người đó. Thấy con người vẫn chưa vui, Thiên Chúa tạo dựng nên phụ nữ để làm bạn ngang hàng với người nam. Thuở ban sơ mọi thứ đều đẹp đẽ, ổn định trong trật tự: Thiên Chúa – con người – vạn vật. Mọi loài thanh thản an vui vì sống trong tự do, trong Thiên Chúa. Nam nữ không là đối tượng để chiếm đoạt hay thống trị. Nhìn nhau với tâm hồn thiên thần. Nên không hề xấu hổ (năm lẻ).

Nhưng ma quỉ đến phá vỡ tình trạng bình an trong tự do. Trật tự bị đảo lộn. Con người không còn vâng phục Thiên Chúa. Vạn vật nổi loạn muốn thống trị nhau. Nam nữ trở thành đối tượng chiếm đoạt. Nhìn nhau với ánh mắt thèm muốn. Vì thế trở thành ngẫu tượng. Sa-lo-mon khôn ngoan là thế mà cũng rơi vào lầm lạc khi để cho dục vọng chi phối. Để cho phụ nữ điều khiển. Vì thế rơi vào tôn thờ ngẫu tượng. Vì thế mất hết ơn nghĩa với Thiên Chúa. Mất hết quyền trên vạn vật. Đang là con cái trong nhà được ngồi trên bàn ăn bỗng nhiên trở thành chó con phải ngồi dưới gầm bàn. Đang tự do trở thành nô lệ. Đang giầu có bỗng mất tất cả (năm chẵn).

Muốn chuộc lại phải có đức tin mạnh mẽ. Như người phụ nữ Ca-na-an. Vượt qua hết mọi chướng ngại. Từ bỏ tất cả để trở về với Chúa. Tin nhận Chúa trên hết. Tất cả chỉ là phụ thuộc. Kể cả bản thân cũng chỉ là chó con dưới gầm bàn. Chúa là tất cả. Chúa là tuyệt đối. Nhờ đó thân phận được phục hồi. Từ chó con dưới gầm bàn trở thành con cái trong nhà. Được đồng bàn với Thiên Chúa. Được hưởng mọi ơn lành Chúa ban. Khi trật tự được vãn hồi, bình an trở lại. Ma quỉ phải ra đi. Bệnh tật chấm dứt. Và Thiên Chúa ngự trị.

 

Suy Niệm 3: Ơn cứu độ đại đồng

Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.

Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.

Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thế giới tha nhân

Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà ta là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a. bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc. 7, 25-26)

Để hiểu rõ câu chuyện gặp gỡ này, đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do thái. Theo tâm thức của người Do thái, chuyện gặp gỡ một người ngoại là điều không ổn, cũng giống như ta gặp một người nào đó không cùng chủng tộc với ta vậy.

Nhưng ở đây lòng khiêm tốn tháo gỡ tất cả, bởi lẽ lòng khiêm tốn là cánh cửa mở rộng. Trước tấm lòng cởi mở của người phụ nữ này, tâm hồn của Chúa Giêsu cũng mở rộng ra. Bà ta không phải là thành phần của dân giao ước, nhưng lòng tin của bà tiếp nối lòng tin của Áp-ra-ham. Bà ta đã đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đã làm thay đổi hoàn cảnh lịch sử lúc đó mà trở thành con cái của Chúa Cha. Nhờ Chúa Giêsu, Chúa Cha nhậm lời bà cầu xin. Thiên Chúa mở đường cho việc rao giảng tin mừng sau này.

Và để loan báo tin mừng này, chỉ cần yêu thương, trung thực cho đến cùng. Chỉ cần sống say mê nhiệt tình: khi người ta thực tâm thực tình để chỉ lo cho một chuyện, mọi chuyện khác đều thấy là tương đối thôi.

Qua bai Phúc âm hôm nay, Chúa muốn mở mắt mở lòng ta để hướng về thế giới những người ngoại. Họ là những con người biết thu lượm những mảnh vụn từ bàn ăn khi họ đòi hỏi ta phải tôn trọng sự thật, công bằng, khi họ lo lắng cho việc phục vụ những người nghèo, khi họ muốn dỡ đi những hàng rào ngăn cách do những đặc quyền đặc ân của ta đã dựng lên.

Cuộc sống của ta có loan báo điều mới lạ này không, một điều làm cho ta có được trái tim nhân lành, thực nhân lành, theo đúng nghĩa của lời “không có ai nhân lành cả trừ một mình Thiên Chúa”?

 

Suy Niệm 5: Niềm tin cần được tôi luyện qua thử thách

Trong đời sống đức tin của mỗi người, nhiều khi chúng ta phải mần mò đi trong đêm tối! Có những lúc tưởng chừng như Chúa đang bỏ rơi chúng ta! Có khi cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt với biết bao thách đố mà chúng ta khó hòng vượt qua.

Tuy nhiên, khi chúng ta không còn biết cậy dựa vào ai, thì lúc đó Chúa có mặt và giải thoát chúng ta cách nhiệm mầu. Điều quan trọng là chúng ta có dám lỳ trong đức tin hay không mà thôi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại gương sáng của người đàn bà dân ngoại. Một mẫu gương về niềm tin tuyệt đối vào Đức Giêsu. Bà thừa biết mình là người dân ngoại, nên không thể có lý do gì để xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà. Thế nhưng, niềm tin và sự hy vọng đã làm cho bà vượt qua hàng rào ngăn cách đó, nên bà đã mạnh dạn đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà.

Quả thật, Đức Giêsu đã không chữa ngay, mà ngược lại, Ngài đã nói một câu rất nặng để thử thách đức tin của bà, Ngài nói: “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà mà nén cho lũ chó con” (Mc 7,27). Người phụ nữ này đã không nản lòng, nhưng qua câu nói đó, bà lại càng khiêm tốn và đức tin mỗi lúc lại mãnh liệt hơn, bà thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”(Mc 7, 28).

Chính đức tin mãnh liệt như thế, nên phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và cứu thoát con gái bà khỏi Quỷ ám.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì, trung thành và vững tin nơi Chúa. Bởi lẽ đức tin chỉ có thể trưởng thành khi chúng ta trải qua đau khổ và được tôi luyện bằng nghịch cảnh. Nhờ thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng thời xứng đáng trở nên chứng nhân về niềm hy vọng cho con người hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Kiên nhẫn - khiêm nhường trong đức tin vững mạnh

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là ông lấy hết sức lực, và la lớn: “Lạy Chúa”.

Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa”. Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế”. “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất”. Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra”. Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Người phụ nữ đau khổ vì hằng ngày chứng kiến cảnh quỷ dữ hành hạ con gái bà. Bà đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi rồi nhưng con bà vẫn không khỏi...

Chúa Giêsu đang ở vùng đất Tyrô và Siđon, rất xa quê hương bà. Thế nhưng bà đã tìm đến gặp Ngài. Tuy nhiên có sự ngăn cách giữa bà và Chúa Giêsu vì Người là người Do Thái mà người Do Thái lại không tiếp xúc với dân ngoại như bà, dòng giống Syrôphênixi. Tuy nhiên bà đến và phục lạy Ngài. Phục lạy là thái độ chỉ dành cho thần minh, như vậy có nghĩa là bà đã tôn vinh Ngài là vị thần.

Chúa Giêsu hiền lành, luôn chạnh lòng trước nỗi khổ của người dân (x. Mc 6,30-34) và sẵn sàng đáp trả… Thế nhưng Ngài có vẻ dửng dưng, thoái thác trước nỗi khổ tâm của người đàn bà đau khổ này. Thái độ của Chúa Giêsu đáp lại làm cho chúng ta bị “sốc”: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó” (Mc 7,27). Nhưng bà càng tỏ ra cương quyết và đặt trọn niềm phó thác vào tình thương cùng với quyền năng của Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái” (Mc 7,28).

Với cách đối xử có vẻ phân biệt chủng tộc, giai cấp… và dường như dửng dưng khinh miệt, nhưng trước niềm tin mạnh của bà, Ngài vẫn ban cho bà điều mà bà kêu xin. Ngài muốn dạy cho bà và qua đó cũng dạy cho chúng ta sự kiên nhẫn và khiêm nhường trong một đức tin vững mạnh trải qua gian nan thử thách.

Xin Chúa cho chúng ta một đức tin kiên trung, đức cậy trông vững vàng, để không khó khăn thử thách nào có thể tách chúng ta ra khỏi đức tin vào Ngài.

Ý lực sống: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).

 

Suy Niệm 7: Chúa trừ quỉ ở miền Tyrô

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chữa trừ quỉ cho người đàn bà xứ Phênixi. Qua phép lạ này chúng ta thấy người đàn bà ngoại giáo này được Chúa chữa bệnh cho con bà nhờ bà có những đặc tính này:

- Bà là một người ngoại, nên lẽ ra theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu, bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người Do thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bằng những lời rất nặng “Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.

- Nhưng lòng tin kiên trì cùng với lòng khiêm nhường của bà  đã biến bà thành “con cái trong nhà” nên Chúa Giêsu đã ban ơn theo lời bà xin.

2. Người đàn bà dân ngoại trong câu chuyện hôm nay có nhiều đức tính đáng chúng ta chú ý và bắt chước:

- Chúng ta thấy bà là người rất khiêm tốn, dám chịu nhận mình là “chó con: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn  những mảnh vụn trên bàn rơi xuống”.

- Bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước từ ngay từ lúc đầu bằng những lời rất nặng nề nhưng bà vẫn không nản lòng. Lòng tin của bà không hề lay chuyển.

- Bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bà “Cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin lời Chúa nên bà ra về trong tin tưởng.

3. Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do thái giáo), lời trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi.

 “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự, nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giêsu đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.

4. Tại sao một số người có đức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém? Tại sao một số người thấy đức tin là điều dễ dàng đang khi số khác lại thấy đó là điều khó khăn? Người đàn bà ngoại giáo này biết mình là người ngoại, không  hy vọng được Chúa đoái nghe vì người Do thái không ưa người Canaan, nếu không muốn nói là  ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm khó chịu và muốn xua đuổi của các Tông đồ đối với bà? Nhưng bà tin rằng thế nào Chúa cũng phải thương bà. Bà có lòng tin như một người ngoại khác là viên bách quan kia: “Thưa Thầy, tôi chẳng đáng Thầy vào nhà tôi, song xin Thầy chỉ phán một lời”(Mt 8,8). Nghe vậy, Chúa Giêsu bỡ ngỡ nói với các kẻ theo Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin như thế nơi một người nào trong Israel’(Mt 8,10).

5. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. “Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết (Mc 7,24).

Chúa sống như vậy, còn chúng ta thì sao? Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa.

Newton, một nhà vật lý học và thiên nhiên học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết: “Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con  chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá”.

Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần: “Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng thấy mình còn dốt”.  

Truyện: Giữ vững lòng tin sắt đá.

Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị linh mục Hungari và xin được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.

Khi cửa nhà khách được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị linh mục rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các linh mục bầy ra để làm mê hoặc đám dân nghèo để giúp những người giầu dễ dàng kềm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không bao giờ tin rằng  Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”.

Vị linh mục cười và trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”.

“Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi”, vị sĩ quan hét lên. Anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào đầu linh mục và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó  chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng”.

Vị linh mục điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa”.

Viên sĩ quan vứt khẩu súng xuông sàn và chạy đến ôm vị linh mục. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những người dám chết vì Đức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi  cũng có thể chết cho Đức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Điều này có thể làm được”.

 

Suy Niệm 8: Đức tin của bà mẹ người Phênixi

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu chữa con gái một phụ nữ Phênixi

- Bà là một người ngoại, nên lẽ ra theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu, bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người do thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bà bằng những lời rất nặng "Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con".

- Nhưng lòng tin kiên trì của bà đã biến bà thành "con cái trong nhà" nên Chúa Giêsu đã ban ơn theo lòng bà xin.

B.... nẩy mầm.

1. "Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết" Chúa Giêsu không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành.

Nhưng hình như môn đệ Chúa ngày nay không theo cùng một đường lối đó thích phô trương những sự "vĩ đại" của Giáo Hội, của nhà thờ, của tổ chức Giáo Hội, mà quên đi điều cốt yếu hơn là gieo niềm tin vào lòng người.

2. Đức tin của người phụ nữ Phênixi này là nguyên do khiến bà được ơn Chúa. Ta hãy nhìn lại đức tin của bà

- một đức tin khiêm tốn chịu nhận làm "chó con"

- một đức tin kiên trì dù bị từ khước ban đầu nhưng vẫn không nản lòng.

- một đức tin phó thác Chúa Giêsu bảo bà "cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi". Dù chưa thấy hiệu quả nhưng vì tin Lời Chúa, bà ra về.

3. Chính nhờ Chúa Giêsu đã thử thách đức tin của bà này bằng những lời rất nặng, nên Ngài mới biết được đức tin của bà rất mạnh.

Cũng vậy, đức tin của ta có được thử thách thì mới chứng tỏ là một đức tin thật.

Xin cho con kiên trì chịu đựng những thử thách về đức tin.

3. Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả năm sau mới nhập đạo. Trong một buổi phụng vụ, người da trắng hỏi

- Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế? Người thổ dân đáp

- Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hứa cho chúng ta chiếc áo mới.  Bạn nhìn vào áo mình, tự nhủ áo mình còn đẹp, để mai sau hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm chăn cũ kĩ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn còn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. (Góp nhặt)

4. - Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.

- Thưa Ngài đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.

- Vì bà đã nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi (Mc 7,27-29)

Trong cuộc đối thoại thú vị ấy, người phụ nữ ngoại đạo đã dành phần thắng con gái chị được khỏi bệnh; và Chúa Giêsu cũng được lợi giúp một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Đúng là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía chị phụ nữ khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ; Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc.

Tôi chợt nghĩ đến những cuộc đối thoại hôm nay giữa các vị nguyên thủ quốc gia, giữa tôi với Chúa, giữa tôi với anh em…

Lạy Chúa, xin cho loài người chúng con biết đối thoại để thế giới này hạnh phúc hơn. (Epphata)

 

Suy Niệm 9: Bà mẹ ngoại giáo vững tin

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu chữa bệnh cho người con gái của một phụ nữ Phênisi:

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu là người không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài chỉ muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào trong lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành hơn. “Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết” (Mc 7,24).

Chúa sống như vậy. Còn chúng ta thì sao?

Hãy tập cho mình biết sống âm thầm như Chúa.

Newton, một nhà vật lý học và thiên văn học trứ danh, sau những thành công hiển hách của sự tìm tòi, ông đã viết:

- Không biết thế giới nghĩ về công việc của tôi như thế nào, nhưng tôi, trong tất cả các sự tìm tòi của tôi về khoa học, tôi chỉ như một đứa trẻ con chơi ngoài bãi biển. Có lẽ, đôi khi cũng đã tìm được những hạt sỏi tròn hơn, những vỏ hến đẹp hơn những cái bạn tôi tìm, nhưng biển mênh mông của chân lý, dưới con mắt tôi vẫn còn mầu nhiệm quá.

Văn sĩ Walter Scott người Anh đã nói một cách rất nhũn nhặn, sau bao nhiêu năm làm việc chuyên cần:

-Trong đời sống của tôi, cái dốt đã ngăn tôi lại và dày vò tôi. Người ta càng biết nhiều bao nhiêu thì lại càng phải khiêm nhường bấy nhiêu, người ta càng học nhiều thì lại càng tự thấy mình còn dốt.

Socrate đã nói rất có lý:

- Bậc hiểu biết cao nhất của con người là biết được rằng mình chưa biết gì cả.

Và Sénèque cũng đã viết:

- Đừng tưởng mình là khôn ngoan, mới là khôn.

Ở Hungary có câu châm ngôn rất đúng:

- Nếu anh thông minh, anh đừng khoe khoang.

Người ta thường nói: gà cục tác nhiều thì đẻ trứng ít.

Một hôm, Alcibiade khoe với Socrate là thầy dạy mình về những lãnh thổ mênh mông của ông chung quanh vùng Athènes. Socrate liền mở bản đồ ra hỏi:

- Hãy chỉ cho tôi biết Á Đông ở đâu?

Alcibiade chỉ đúng cái lục địa rộng lớn ấy.

- Đúng! bây giờ chỉ cho tôi biết Hy Lạp ở đâu?

Alcibiade vẫn chỉ đúng.

- Đâu là Péloponèse, Socrate vẫn hỏi.

Alcibiade cố gắng mãi mới tìm thấy cái chấm nhỏ trong bản đồ.

-Vịnh Attique ở đâu?

Alcibiade thấy vịnh Attique là một cái chấm nhỏ quá gần như không trông thấy, Socrate kết luận: - Đó, bây giờ hãy cho tôi biết phần đất rộng lớn của anh chỗ nào!

Alcibiade nhận ra lãnh thổ của mình không đáng một phần nhỏ nào trong bản đồ.

Như vậy, chúng ta thấy cuộc sống của mỗi người đâu có gì đáng tự hào mà phải khoe khoang, phô trương.

2. Người đàn bà trong câu chuyện hôm nay là tấm gương cho chúng ta về vấn đề này. Đối với Chúa quả là bà ta chẳng là gì. Chúng ta hãy xem cách bà đối thoại với Chúa, chúng ta sẽ thấy điều đó:

Trước hết chúng ta thấy bà là một người rất khiêm tốn: chịu nhận làm “chó con”

Thứ đến bà có một đức tin kiên trì: dù bị khước ngay từ lúc đầu bằng những lời rất nặng nề nhưng bà vẫn không nản lòng, lòng tin của bà không hề lay chuyển.

Và cuối cùng, bà có một lòng phó thác mạnh mẽ nơi Chúa: Chúa Giêsu bảo bà “Cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”(Mc 7,29). Dù chưa thấy hiệu quả trước mắt, nhưng vì tin Lời Chúa nên bà ra về.

Trong cuộc đối thoại thú vị này, người phụ nữ đã dành được phần thắng: con gái của bà đã được khỏi bệnh, và Chúa Giêsu cũng được lợi: vì đã giúp được một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Đây quả là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía: Người đàn bà thì khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ, không có một chút phô trương tự mãn nào nơi người bà, còn Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc. Kết quả quá đẹp. Đẹp cả cho Chúa và đẹp cả cho người đàn bà.

Phần chúng ta không biết cho đến bao giờ chúng ta mới học được sự khiêm nhường của người đà bà này và không biết đến bao giờ chúng ta mới học được sự hiền hòa như Chúa Giêsu trong câu chuyện chúng ta vừa được nghe.

Thánh nữ Syncletica nói: “Bảo tàng sẽ mất giá trị khi bị phơi bày, nhân đức khi phô trương cũng tan biến như vậy; sáp tan chảy lúc để gần lửa thế nào, thì linh hồn cũng bị hư hoại vì lời ca tụng và mất hết mọi thành quả lao nhọc của mình như vậy”.

Xem ra có vẻ rất khó, nhưng nếu chúng ta biết cậy dựa vào ơn của Chúa, tôi tưởng chúng ta có thể làm được.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,

xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng

chúng con không thể nên hoàn thiện

nếu như không biết từ bỏ chính mình

và những ước muốn ích kỷ.

Xin làm cho chúng con biết trở nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.

Solomon had not obeyed him – Suy niệm theo The WAU ngày 10.02.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – February 2022

Thursday February 10th 2022
Meditation: 1Kings 11, 4-13

Solomon had not obeyed him. (1 Kings 11:10)

Early in his reign, King Solomon had a dream in which God told him to ask for anything. When Solomon requested wisdom, God was greatly pleased and promised to give Solomon a heart so wise and discerning that “there has never been anyone like you” (1 Kings 3:12).

So looking at today’s first reading, you might wonder, What happened to the wisest man who ever lived?

In the world’s eyes, Solomon was a success. He undertook many publics works projects, increased trade, and formed favorable political alliances, all the time increasing Israel’s power and influence.

But God looks at the heart, and he didn’t like what he saw in Solomon’s. By the end of Solomon’s life, corruption had set in. The man who had once built a fabulous Temple for the Lord was now building temples to false gods all over Israel. At the same time, other “gods” had taken hold of Solomon’s life. Wealth, power, and his numerous wives and concubines became more important to him than God.

When commenting on this reading, Pope Francis noted that Solomon’s “weakness of the heart” was “a slow journey that slides along step by step.” Francis warns that this gradual distancing from God is something that can happen to any of us as well. “You don’t even realize it, but slowly you slip” (Homily, February 13, 2020).

It’s interesting that we don’t hear any response from Solomon when God expresses his displeasure with how he is living (1 Kings 11:14-40). It seems that despite all his wisdom, Solomon never confessed his sins. He never sought to repair his relationship with the Lord or tried to undo the damage he had caused to God’s people.

How can we avoid falling into the same trap as Solomon? Pope Francis urges us to stay alert “for the grace to understand when our heart begins to weaken and to slide.” By keeping ourselves focused on God’s presence, we will become more aware of when we start slipping away from him. Then, with a simple prayer of repentance and surrender, we can find the strength to stand fast.

“Lord, keep me alert to your presence so that I won’t give in to sin.”

Thứ Năm ngày 10.02.2022
Suy niệm: 1V 11, 4-13

Solomon đã không vâng lời Ngài (1V 11,10)

Vào đầu thời kỳ trị vì của mình, vua Solomon đã có một giấc mơ, trong đó Thiên Chúa bảo ông hãy cầu xin bất cứ điều gì. Khi Salomon cầu xin sự khôn ngoan, Thiên Chúa vô cùng hài lòng và hứa ban cho Salomon một tâm hồn khôn ngoan và sáng suốt đến mức “chưa từng có ai như ông” (1V 3,12).

Vì vậy, nhìn vào bài đọc một hôm nay, bạn có thể tự hỏi, Điều gì đã xảy ra với người khôn ngoan nhất trên đời?

Trong mắt thế giới, Solomon là một người thành công. Ông đã thực hiện nhiều dự án công trình công cộng, tăng cường thương mại và thành lập các liên minh chính trị thuận lợi, đồng thời gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Israel.

Nhưng Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn, và Ngài không thích những gì Ngài thấy nơi Solomon. Vào cuối đời Salomon, nạn tham nhũng đã ập đến. Người đã từng xây một Đền thờ tuyệt vời cho Chúa, nay đang xây dựng các đền thờ cho các bụt thần trên khắp Israel. Đồng thời, các “vị thần” khác đã nắm giữ mạng sống của Salomon. Sự giàu có, quyền lực và vô số vợ và thê thiếp của ông trở nên quan trọng hơn đối với ông so với Thiên Chúa.

Khi bình luận về bài đọc này, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “sự yếu đuối tâm hồn” của Solomon là “một cuộc hành trình chậm rãi trượt từng bước một”. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng sự xa rời Thiên Chúa dần dần này là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. “Bạn thậm chí không nhận ra điều đó, nhưng dần dần bạn sẽ trượt” (Bài giảng ngày 13 tháng 2 năm 2020).

Điều thú vị là chúng ta không nghe thấy bất kỳ phản hồi nào từ Salomon khi Thiên Chúa bày tỏ sự không hài lòng về cách sống của ông (1V 11,14-40). Có vẻ như bất chấp tất cả sự khôn ngoan của mình, Solomon không bao giờ thú nhận tội lỗi của mình. Ông ta không bao giờ tìm cách sửa đổi mối quan hệ của mình với Chúa hoặc cố gắng phục hồi những thiệt hại mà ông ta đã gây ra cho dân của Thiên Chúa.

Làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào bẫy giống như vua Salomon? Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta hãy cảnh giác “để có ân sủng hiểu được khi nào tâm hồn của chúng ta bắt đầu yếu đuối và trượt đi”. Bằng cách tập trung vào sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về thời điểm chúng ta bắt đầu rời xa Ngài. Sau đó, với một lời cầu nguyện đơn giản là ăn năn và từ bỏ, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để đứng vững.

Lạy Chúa, xin hãy giữ cho con luôn tỉnh thức trước sự hiện diện của Chúa để con không đầu hàng với tội lỗi.

 

The demon has left your daughter – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 10.02.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Thursday (February 10)
“The demon has left your daughter”

Scripture:  Mark 7:24-30

24 And from there he arose and went away to the region of Tyre and Sidon. And he entered a house, and would not have any one know it; yet he could not be hid. 25 But immediately a woman, whose little daughter was possessed by an unclean spirit, heard of him, and came and fell down at his feet. 26 Now the woman was a Greek, a Syrophoenician by birth. And she begged him to cast the demon out of her daughter. 27 And he said to her, “Let the children first be fed, for it is not right to take the children’s bread and throw it to the dogs.” 28 But she answered him, “Yes, Lord; yet even the dogs under the table eat the children’s crumbs.” 29 And he said to her, “For this saying you may go your way; the demon has left your daughter.” 30 And she went home, and found the child lying in bed, and the demon gone.

Thứ Năm ngày 10.02.2022
Quỷ đã rời khỏi con gái bà

 

Mc 7,24-30

24 Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.”29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

Meditation: Do you ever feel “put-off” by the Lord? This passage describes the only occasion in which Jesus ministered outside of Jewish territory. (Tyre and Sidon were fifty miles north of Israel and still exist today in modern Lebanon.) A Gentile woman – an outsider who was not a member of the chosen people – puts Jesus on the spot by pleading with him to show mercy to her daughter who was tormented with an evil spirit. At first Jesus seemed to pay no attention to her, and this made his disciples feel embarrassed. Jesus very likely did this not to put the woman off, but rather to test her sincerity and to awaken faith in her.

The Lord shows mercy to those who seek him

What did Jesus mean by the expression “throwing bread to the dogs”? The Jews often spoke of the Gentiles with arrogance and insolence as “unclean dogs” since the Gentiles were excluded from God’s covenant and favor with Israel. For the Greeks the “dog” was a symbol of dishonor and was used to describe a shameless and audacious woman. Matthew’s Gospel records the expression do not give dogs what is holy (Matthew 7:6). Jesus, no doubt, spoke with a smile rather than with an insult because this woman immediately responds with wit and faith – “even the dogs eat the crumbs”.

Love conquers with persistent trust and faith

Jesus praises a Gentile woman for her persistent faith and for her affectionate love. She made the misery of her child her own and she was willing to suffer rebuff in order to obtain healing for her loved one. She also had indomitable persistence. Her faith grew in contact with the person of Jesus. She began with a request and she ended on her knees in worshipful prayer to the living God. No one who ever sought Jesus with faith – whether Jew or Gentile – was refused his help. Do you seek Jesus with expectant faith?

“Lord Jesus, your love and mercy knows no bounds. May I trust you always and never doubt your loving care and mercy. Increase my faith in your saving help and deliver me from all evil and harm.”

 

Suy niệm:  Có bao giờ bạn cảm thấy bị Thiên Chúa “bỏ rơi” không? Đoạn Tin mừng này nói đến một lần duy nhất Đức Giêsu đi truyền giáo bên ngoài vùng đất Do thái. (Thành Tia và Siđon cách xa 50 dặm về phía Bắc Israel, và ngày nay vẫn còn trong vùng đất Libăng hiện đại). Một người phụ nữ ngoại giáo – một người ngoài không phải thành viên trong dân được tuyển chọn – đặt để  Đức Giêsu vào tình huống khó xử là cầu xin Người tỏ lòng thương xót với con gái bà, đang bị thần dữ hành hạ. Lúc đầu Đức Giêsu xem ra không chú ý tới bà ta, và điều này khiến cho các môn đệ cảm thấy xấu hổ. Đức Giêsu làm điều này để thử thách lòng tin của bà để đánh thức lòng tin nơi bà.

Chúa tỏ lòng thương xót với ai tìm kiếm Người

Đức Giêsu có ý gì khi Người dùng câu nói “ném bánh cho chó”? Người Do thái thường gọi người dân ngoại với vẻ kiêu ngạo và xấc láo như là “những con chó dơ bẩn” bởi vì dân ngoại bị loại trừ khỏi giao ước và ơn sủng của Thiên Chúa với dân Israel. Đối với người Hylạp, hạn từ “chó” là một biểu tượng bất kính và thường để mô tả một người đàn bà lăng loàn và trơ trẽn. Tin mừng Matthêu nói đến thành ngữ này: đừng đưa vật thánh cho chó (Mt 7,6). Rõ ràng, Đức Giêsu nói với một nụ cười hơn là sự khinh bỉ, bởi vì người đàn bà này ngay lập tức đã đáp lại với lòng xác tín “thậm chí con chó cũng được ăn những mãnh bánh vụn”.

Tình yêu chế ngự bởi lòng tin cậy bền bỉ

Đức Giêsu ca ngợi lòng tin và tình yêu của người đàn bà ngoại giáo này. Bà có lòng trắc ẩn với con ruột của mình, và bà sẵn sàng chịu xua đuổi để con gái yêu dấu của bà được chữa lành. Bà cũng có sự kiên trì không khuất phục. Lòng tin của bà lớn lên trong khi tiếp xúc với con người Giêsu. Bà khởi đầu với một lời thỉnh cầu và bà đã quỳ gối kết thúc với lời cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa hằng sống. Không có ai chạy tới Đức Giêsu với lòng tin, cho dù đó là Do thái hay dân ngoại, mà bị từ chối không giúp đỡ. Bạn có tìm kiếm Đức Giêsu với lòng tin kiên vững không?

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu và lòng thương xót của Chúa không bờ bến. Chớ gì con luôn luôn tin tưởng và không bao giờ nghi ngờ sự quan tâm và thương xót yêu thương của Chúa. Xin gia tăng lòng tin của con trong sức mạnh giải thoát của Chúa, và xin cứu con thoát khỏi mọi sự dữ và hiểm nguy.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây