Thứ Tư tuần 13 thường niên.

Thứ ba - 29/06/2021 07:49

 Thứ Tư tuần 13 thường niên.

"Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ".

 

Lời Chúa: Mt 8,28-34

Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?". Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo". Người bảo chúng rằng: "Cứ đi". Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước. Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám.

Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.

 

 

Suy Niệm 1: Đi đi

Suy niệm :

Theo cha Gabrielle Amorth, vị trừ quỷ chính của giáo phận Rôma,

“số người bị quỷ ám đã gia tăng rất nhiều.”

Trong vòng tám năm, chính cha đã trừ cho hơn hai mươi ngàn trường hợp.

Con số kinh khủng này hẳn là một nhắc nhở cho những ai nghĩ rằng

quỷ vắng bóng trong thế giới của khoa học kỹ thuật,

quỷ chỉ là huyền thoại của thế giới cách đây hai ngàn năm thời Đức Giêsu,

hay quỷ ám thật ra chỉ là bệnh thần kinh vào thời y khoa chưa phát triển.

Trong cuộc hội kiến vào tháng 8-1986, Đức Gioan Phaolô đã nói

sự hiện diện của quỷ trong thế giới “ngày càng trở nên ghê gớm hơn

khi con người và xã hội quay lưng với Thiên Chúa.”

Tin Mừng hôm nay là trình thuật đầu tiên về trừ quỷ của thánh Mátthêu.

Chuyện này đã được Máccô kể lại với nhiều chi tiết hấp dẫn hơn (Mc 5, 1-20).

Nhưng trong Mátthêu, khuôn mặt Đức Giê su lại nổi bật hơn nhiều.

Ngài đã cùng với các môn đệ qua bờ bên kia sau khi gặp cơn bão biển.

Khi Ngài đến vùng đất của người Gađara, ở phía đông nam Hồ Galilê,

hai người bị quỷ ám từ mồ mả đi ra, đến gặp Ngài (c. 28).

Mồ mả là nơi dành cho người chết, nơi bị coi là nhơ uế, nơi của thần dữ.

Có hai nét giúp ta nhận ra sự hiện diện của quỷ nơi những người bị ám.

Họ rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại con đường ấy (c. 28).

Họ nhận biết ngay Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (c. 29).

Sức mạnh kinh khủng và sự hiểu biết lạ lùng là thế mạnh của thần dữ.

Nhưng đây cũng là điểm yếu của quỷ khi đứng trước Đức Giêsu.

Chính vì thế chúng hoảng sợ khi thấy mình bị đe dọa:

“Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?”

Đức Giêsu đến sớm quá và khiến cho quyền lực của chúng phải sụp đổ.

Khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta thường có nhiều câu hỏi.

Tại sao quỷ lại xin nhập vào đàn heo? Tại sao Đức Giêsu lại đồng ý?

Đàn heo chết đuối thì quỷ ra sao? Phải đền người chủ đàn heo thế nào?

Mátthêu có vẻ không quan tâm đến những câu hỏi ấy.

Điều ông quan tâm là làm nổi bật quyền năng của Đức Giêsu.

Chỉ một lời Ngài phán: “Đi !” là đuổi được quỷ ra khỏi hai người.

Nước Trời đến đem lại bình an cho hai người quỷ ám ở trong mồ mả,

và cho những ai qua lại lối đi ấy.

Không thấy các người dân ngoại chăn heo kêu ca về chuyện mất đàn heo,

nhưng họ lại trở nên những người loan báo cho dân thành về mọi chuyện.

Tiếc là dân thành đã không muốn đón tiếp Ngài.

Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức của chúng.

Nhưng thực sự chúng là kẻ thù không đội trời chung của con người.

Chúng phân ly con người, đẩy người sống vào mộ người chết,

biến con người thành mối đe dọa cho con người (c. 28).

Chúng thích có mặt ở đàn vật ô uế, thích gieo vãi sự ô uế khắp nơi (c. 31).

Xin Chúa cho ta thấy được sự lộng hành của quỷ dữ trong thế giới hôm nay.

Và xin Chúa cứu ta khỏi nanh vuốt của ác thần.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin ;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống ;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết, xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Thỏa hiệp

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tại sao ma quỷ vẫn còn hiện diện. Và tiếp tục hoành hành? Vì sự thoả hiệp của ta. Ma quỷ như loài ký sinh trùng. Chỉ sống được nhờ vào cơ thể người khác. Cơ thể đó trở thành đau bệnh. Như hai người bị quỷ ám ở Ga-đa-ra. Họ mất hết nhân tính. Hung hăng như loài thú dữ. Họ ở trong mồ mả. Vì họ thuộc thế giới kẻ chết. Và sẽ phục vụ đắc lực để mở rộng thế giới chết chóc đang phát triển trong chính bản thân họ. Chúa Giê-su đến cứu con người. Xua đuổi ma quỷ. Cho con người trở lại nhân tính. Trở lại sự sống. Bắt ma quỷ phải trở về nơi của chúng. Đó là súc vật. Là dơ bẩn. Là chết chóc. Nhưng buồn thay. Thay vì đón nhận Chúa để xua đuổi ma quỷ. Họ đón nhận ma quỷ nên từ chối Chúa. Họ chấp nhận con cái phải chết. Để bảo vệ được tài sản. Ma quỷ vẫn còn đất dung thân. Vì họ đã thoả hiệp với chúng.

Không thoả hiệp. Đó là điều A-mốt luôn cảnh báo dân. “Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ”. Tại sao? Vì hai lý do: “Rồi các ngươi sẽ được sống và như vậy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng các người”. Và làm điều lành, theo A-mốt, là thực thi công lý: “Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành, nơi cửa công, hãy thiết lập công lý”. Ghét điều dữ. Tìm điều lành. Ở với Thiên Chúa. Như thế mới có sự sống. Thoả hiệp. Sẽ không có Chúa. Sẽ chết. Ma quỷ đang làm điều dữ. Đó là bất công. Gian ác. Hãy làm cho công lý toả rạng. Có Thiên Chúa. Có sự sống (năm chẵn).

Thoả hiệp. Đó là điều ta thường làm. Như tổ phụ Áp-ra-ham. Khi đã có I-xa-ác rồi vẫn muốn giữ Ít-ma-en ở trong nhà. Xa-ra không chịu vì ghen tức. Nhưng Thiên Chúa cũng không chịu thái độ thoả hiệp đó. Vì hai lý do. I-xa-ác đến từ lời hứa của Thiên Chúa. Ít-ma-en là toan tính của con người. I-xa-ác là con của người vợ chính thức trong hôn nhân tự do. Ít-ma-en là con của người nô lệ trong dục vọng của con người. Thiên Chúa dạy Áp-ra-ham phải để Ít-ma-en ra đi. Đó là tôn trọng Thiên Chúa và tin tưởng vào lời hứa của Người. Đó là tách bạch rõ ràng tự do và nô lệ, con chính thức và con ngoại hôn. Không thoả hiệp nhập nhằng. Ý định của Thiên Chúa không thể pha trộn dục vọng của con người. Con cái tự do không thể sống chung với con cái nô lệ (năm lẻ).

Chúng ta sẽ sống thế nào. Chọn Thiên Chúa. Chấp nhận thiệt thòi vật chất. Hay chọn vật chất. Sống chung với ma quỷ. Để Thiên Chúa ra đi?

 

Suy Niệm 3: Hai mẫu người

Chúa Giêsu đã đến với con người.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai mẫu người, hai cách thức Chúa đến với họ.

Mẫu người thứ nhất có thể thấy được nơi hai người bị quỷ ám. Họ là những con người bị đẩy ra bên lề xã hội và chính họ cũng không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn sống như một người bình thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một cách bất ngờ, họ chưa kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì lúc đó họ đang bị quỷ ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỷ nhập vào đàn heo gần đó. Một phép lạ xẩy ra làm rúng động những người dân trong thành.

Mẫu người thứ hai là dân cư miền Gađara. Những người này có đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi, nhưng dường như không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đến với họ qua dấu lạ chữa lành hai người bị quỷ ám mà từ lâu họ đã chối từ, và sự kiện đàn heo bị quỷ nhập lao xuống biển chết chìm. Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ để kéo chú ý của người dân trong thành về việc Chúa đến, nhưng họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Bởi vì, như Tin Mừng kể lại, sau khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế vì sợ phải gánh chịu những thiệt hại vật chất do sự hiện diện của con người lạ lùng này. Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn thanh thoát, biết mở rộng để đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, để sẵn sàng đến gặp Chúa, sống với Chúa và trở thành dụng cụ hữu hiệu của Chúa cho những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: CHÚA GIÊSU LÀM CHO NGƯỜI TA SỢ HÃI

Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Và kìa, chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi có can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đến đây làm khổ chúng tôi sao?” (Mt. 8, 28-29)

Phép lạ kỳ cục

Phép lạ vừa được kể lại cho chúng ta có thể bị chúng ta coi như hơi kỳ quặc. Lúc ấy Chúa Giêsu muốn giải thoát cho hai người bị quỷ ám. Hai người này đã khuấy động đời sống dân làng vì không ai dám lại gần họ và qua lại lối ấy. Thật là ý tưởng ngộ nghĩnh khi cho bọn quỷ nhập vào bầy heo và khiến chúng lao xuống biển! Chẳng lẽ Chúa Giêsu không có thể làm cách khác sao? Tại sao Chúa đã không đơn giản ra lệnh cho các thần ô uế buộc chúng phải cút đi ngay? Khi cho quỷ nhập vào bầy heo. Người đã làm cho dân chúng nơi đó phải sợ hãi. Những người chủ bầy heo hẳn đã phát điên lên khi nhìn đoàn vật chết chìm dưới biển. Kết cục là họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Phép lạ này có lẽ hơi lạ thường, nhưng lại bao hàm một giáo huấn mà ta cần phải suy nghĩ.

Phải biết trả giá

Chúa có ý dạy ta điều này: để giải thoát con người khỏi sự dữ, đôi khi Chúa đòi người ta phải trả giá một chút cho ơn giải thoát ấy. Chắc chắn những người dân làng ấy mong cho hai người bị quỷ ám kia được cứu thoát. Nhưng muốn cho điều ấy xảy ra, mà họ đã không sẵn sàng chịu tốn công tốn của một chút.

Ta có thể có được vô số những áp dụng cho hôm nay. Ta mong được Chúa cứu ta khỏi sự dữ tiềm ẩn trong ta. Mà ta có sẵn sàng thực hiện những cố gắng cần thiết để góp phần vào việc này không? Ta mong muốn cho thế giới hôm nay người ta sống công bình với nhau hơn. Nhưng ta có bằng lòng xả thân chịu khổ để chiến đấu cho công bình không? Ta mong cho trên mặt đất này, không còn người nào phải chịu cảnh đói ăn thiếu mặc. Nhưng ta có vui lòng chia sẻ cơm áo, của cải của ta và sẵn sàng từ bỏ một nếp sống tiện nghi thái quá không?

Ta phải ý thức rõ ràng điều ấy. Nhiều điều không được thực hiện, nhiều điều vẫn không có, bởi tại ta không chịu “chi trả” đó thôi.

 

Suy Niệm 5: HÃY SỐNG GIÁ TRỊ TIN MỪNG TRONG CUỘC ĐỜI (Mt 8,28-34)

Xem lại thứ Hai tuần 4 TN

Trong sứ điệp ngày giới trẻ thế giới lần thứ 26 tại Madrid, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã viết:  “Có một xu hướng duy đời (laïciste) mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và xã hội, toan tính kiến tạo một ‘thiên đường’ không có Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là ‘một hỏa ngục’ trong đó, trổi vượt những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa cá nhân và các dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng”. Và trong thông điệp “Spe Salvi” Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Một nền nhân bản vắng bóng Thiên Chúa sẽ là một nên nhân bản phi nhân” (Thông điệp Spe Salvi, số 78).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi ma quỷ ra khỏi hai chàng thanh niên ở Giêrasa. Sau đó, ma quỷ đã xin Đức Giêsu cho nhập vào đàn heo và lao xuống biển. Thấy thế, những người chăn heo chạy chốn và báo tin cho những người trong thành về sự kiện vừa mới diễn ra trước mắt họ, vì thế, dân trong thành đã ra đón Ðức Giêsu, nhưng khi gặp Ngài, họ đã xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ.

Những gì xảy ra thời Đức Giêsu khi xưa, thì trong xã hội hôm nay cũng đã, đang và sẽ xảy đến với chúng ta. Thật vậy, vẫn còn đó những cám dỗ về tiền tài, danh vọng và xác thịt do ma quỷ gây nên. Vẫn còn đó những thửa đất và môi trường thuận lợi cho ma quỷ hoành hành. Những thửa đất đó là: ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, bất nhân nơi nhân tâm của con người.

Bên cạnh đó, hình ảnh chốn chạy của những người chăn heo vẫn còn tái diễn nơi những người thiếu trách nhiệm, sống vô kỷ luật và tán tận lương tâm. Và, vẫn còn đó hình ảnh những người sẵn sàng tin Chúa, nhưng không chấp nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời như dân thành khi xưa đã mời Chúa ra khỏi nơi ở của họ.

Những thứ mà con người hôm nay hay lựa chọn thay cho những giá trị Tin Mừng là: tiền bạc bất chính, danh vọng hư ảo, hận thù ghét ghen, ma men tối ngày, ma đề triền miên, ma xác thịt , quỷ dâm loạn ... Mỗi lần chúng ta lựa chọn các điều xấu xa như thế, ấy là lúc hình ảnh những người trong thành ra đón Chúa nhưng lại không thích Chúa ở lại trong thành của họ vì biết bao điều khuất tất họ đang làm lại tái diễn cách sống động nơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa, đi theo Chúa và sống những giá Tin Mừng trong cuộc đời. Xin Chúa cũng giúp chúng con vượt qua được những cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Đấng uy quyền trên quỷ dữ

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Đấng uy quyền mạnh mẽ giải thoát ta khỏi ách thống trị của quỷ dữ. So với sự tự do và bình an của Chúa đem lại, sự thiệt hại vật chất dù lớn đến đâu cũng chẳng đáng kể là bao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhìn vào hai người bị quỷ ám ở miền Ga-da-ra, con nghĩ đến thân phận tội lỗi của đời con. Cũng như họ, thân xác và linh hồn con mòn mỏi vì sống trong cô đơn, oán giận, tăm tối, sống tách biệt và gây sợ hãi cho nhiều người chung quanh.

Nhưng lạy Chúa, cũng như họ, con dám đứng ra để đón tiếp Chúa, vì con tin Chúa là Đấng quyền năng. Chỉ có Chúa mới có thể giải thoát con khỏi ách thống trị của quỷ dữ. Con tin Chúa sẽ đem lại cho con tự do và sự bình an sâu thẳm. Chính Chúa sẽ trả lại cho con một đời sống trong niềm vui và tình yêu. Con sẽ không còn là người làm cho người khác kinh hãi và xa lánh nữa.

Xin Chúa đừng xa lánh con, nhưng hãy đến ở bên con, nâng đỡ con, và ban cho con sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Bởi vì con tin rằng: nếu con biết cậy dựa nơi quyền năng Chúa, nếu con mở lòng đón nhận ơn Chúa, thì con sẽ loại trừ được quỷ dữ của đam mê dục vọng, con sẽ chiến thắng được quỷ dữ của tính mê nết xấu.

Lạy Chúa Giêsu, để được sống trong tự do và bình an, con biết sẽ phải hy sinh. Nhưng dù có thiệt hại về vật chất lớn lao như dân thành Ga-da-ra, con vẫn hân hoan vui sướng, vì biết rằng tự do và bình an Chúa ban cho con vẫn quý hơn bội phần. Xin đừng để con vì nuối tiếc những sự trần gian, mà để cho quỷ dữ thống trị mãi mãi. Lạy Chúa, xin thương xót con. Amen.

Ghi nhớ : “Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ”.

 

Suy Niệm 7: Uy quyền của Chúa trên ma quỷ

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

 Một thanh niên say rượu, đi ngang qua đám đông đang nghe giảng. Anh muốn tỏ ra “ta đây” và làm cho nhà giảng thuyết mất mặt: “Chào, này ông bạn ơi, về nhà đi thôi, đừng giảng nữa, ma quỷ chết hết rồi!”.

Vị giảng thuyết lạnh lùng nhìn anh nói: “Ma quỷ chết rồi à? Vậy là từ nay anh mồ côi rồi!”. Chàng ta xấu hổ lủi mất dạng, trong khi đám đông được trận cười khoái chí.

Suy niệm

Những trang đầu của Kinh Thánh cho biết: Ma quỷ đã giăng bẫy lôi kéo nguyên tổ Ađam và Eva chống lại Thiên Chúa và gây nên hậu quả của tội bất tuân - tội nguyên tổ làm con người chịu biết bao đau khổ và phải chết... Quyền lực của bóng tối, sự dữ bao trùm…

Trong Tin Mừng hôm nay, hai người bị ma quỷ ám hại rất đau khổ: Vốn là người bình thường, trở thành rất hung bạo, quấy phá đến nỗi không ai dám đến gần và qua lại nơi họ trú ẩn. Hình ảnh đó cho thấy ma quỷ chính là nguyên nhân gây nên đời sống bất ổn trong tâm hồn của người bị nó ám và cho cả người chung quanh, nên họ phải luôn sống trong tình trạng lo sợ.

Đức Giêsu ra lệnh cho quỷ xuất khỏi hai người và cho nó nhập vào đàn heo khi chúng xin, và cả đàn lao xuống biển, Ngài minh chứng cho mọi người biết quyền năng của Ngài trên mọi ác thần... đàn heo của họ quỷ đã nhập vào lao xuống biển. Như thế Đức Giêsu đã chứng minh cho họ biết rằng Satan phải vâng lệnh Ngài, rút lui về sào huyệt của nó, để không còn tung hoành trên mặt đất làm hại ai nữa. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, biển là sào huyệt của ác thần, của ma quỷ, như lời thánh Gioan nói về ngày cánh chung, ngày Đức Giêsu toàn thắng sự dữ: “Biển đã trả lại những người chết trong nó; tử thần và âm phủ hoàn lại những người chết chúng giam giữ” (Kh 20,13). Và “tôi thấy một trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua, và biển không còn nữa” (Kh 21,1).

Việc Ngài đến để tiêu diệt quyền lực của ma quỷ, vốn luôn mai phục trong tâm hồn của con người khi gây bất an, chia rẽ, lòng tham muốn lợi lộc của cải trần gian…

Chúng ta tin và xin quyền năng của Đức Giêsu đến để trục xuất quỷ dữ ra khỏi tâm hồn chúng ta.

Ý lực sống:

“Chúa Con có cho các ngươi được tự do thì các ngươi mới đích thực là tự do” (Ga 8,36).

 

Suy Niệm 8: Chữa hai người bị quỉ ám (Mt 8,28-34)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Sau phép lạ dẹp yên sóng gió, hôm nay Chúa Giêsu lại tỏ bày quyền năng của Ngài ở vùng đất dân ngoại là Ghêrasa. Sức mạnh của quỉ dữ thật lớn, nhưng Chúa Giêsu không gặp khó khăn nào khi xua trừ ma quỉ. Vậy mà Ngài phải khựng lại trước thái độ của con người: dân chúng chạy ra xem và yêu cầu Ngài rời khỏi xứ sở họ, một phần vì sợ uy quyền Chúa đã trừ ma quỉ dữ tợn, phần khác cũng vì sợ bị thiệt hại vật chất.

Qua bài Tin mừng trên, nhiều người trong chúng ta không khỏi thắc mắc tự hỏi ma quỉ là gì? Nó có thật không? Nó từ đâu đến? Sao nó lại có ác ý gây sự với người tốt bụng và làm những điều xấu xa để phá rối thế gian? Ai là người có quyền lực trừ khử được nó?

Theo thần học và giáo huấn của Hội thánh thì quỉ Satan là một thiên thần Thiên Chúa tạo dựng. Lúc đầu, Satan là một thiên thần tốt lành, nhưng sau đó nó sa ngã vì tính kiêu ngạo, bất tuân phục đối với Chúa và đã bị Thiên Chúa tống xuống hỏa ngục. Quỉ Satan tìm mọi cách để quyến rũ con người xa lìa và chống lại Thiên Chúa, nhưng chính nó đã lôi kéo nguyên tổ chúng ta là ông Adong và bà Evà. Những quyền năng của quỉ Satan không phải là vô hạn, vì nó cũng chỉ là một loài thụ tạo từ Thiên Chúa mà ra, nó không thể chiến thắng Thiên Chúa để làm chủ thế gian và ngăn chặn việc xây dựng Nước trời. Mặc dù Satan hoành hành, thù nghịch với Thiên Chúa, và mặc dù nó đã gây ra nhiều tai hại cho con người và xã hội, nhưng nó đã bị đánh bại ngay từ thuở ban đầu như đã được mạc khải trong sách Sáng thế hay trong thư thứ nhất của thánh Gioan. Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá huỷ công việc của ma quỉ.

Trong việc Chúa chữa lành cho người bị quỉ ám này, chúng ta thấy có hai cách thức hành xử của hai hạng người khác nhau: đó là hai người bị quỷ ám và dân thành Ghêrasa.

Hạng người thứ nhất: có thể thấy được nơi hai người bị quỉ ám. Họ là những người bị đẩy ra bên lề xã hội và chính họ cũng không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn sống như một người bình thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một cách bất ngờ, họ chưa kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì lúc đó họ đang bị quỉ ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỉ nhập vào đàn heo gần đó. Một phép lạ xảy ra làm rúng động những người dân trong thành.

Hạng người thứ hai là dân thành Ghêrasa, họ đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế qua những dấu lạ mà Người đã làm. Trái lại, họ lại mời Người đi nơi khác, vì sợ bị thiệt thòi tài sản và sợ bị người Do thái quấy nhiễu; vì sợ sệt, an phận thủ thường và vì lòng ích kỷ, họ từ chối tin nhận vào Thiên Chúa và sự cứu rỗi. Người dân thành Ghêrasa chỉ nhìn thấy những mối lợi nhỏ nhặt trước mắt, mà họ không nhìn thấy được món lợi lớn lao hơn, đó là sự sống vĩnh cửu trong Nước trời. Có một điều đáng để chúng ta lưu ý là chính Satan nhìn nhận Chúa Giêsu và kính sợ Người, thì trong khi đó chúng ta là con cái của Thiên Chúa, thế mà có nhiều người lại từ chối tin nhận Người. Trong trường hợp này, chính quỉ Satan đã làm chứng tá cho chúng ta về sự hiện hữu của Chúa nơi trần gian (Mỗi ngày một tin vui).

Dù cho quyền năng của Thiên Chúa có hoàn toàn chiến thắng thế lực của ma quỉ, thì Ngài cũng đành bó tay trước sự tự do của con người. Cả dân chúng miền Ghêrasa đến đón Chúa Giêsu, nhưng không phải để đón tiếp mà để xin Ngài đi nơi khác. Con người nhẫn tâm chối từ Thiên Chúa vì con người còn quyến luyến của cải, còn tiếc rẻ miếng mồi ngon của quỉ dữ. Họ sợ phải hy sinh, Chúa Giêsu còn ở đàng xa mà họ đã mất đàn heo, thì một khi Ngài ở gần họ, có lẽ họ sẽ phải mất tất cả.

Truyện: Chiến thuật của ma quỉ

Rowlan Hill, một nhà giảng thuyết trứ danh, trong một bài giảng đã kể câu chuyện như sau: Ngày nọ, tôi xuống phố, thấy một bầy heo chạy theo một người. Tôi thấy lạ nên để ý xem. Lạ hơn là bầy heo theo người đó vào lò sát sinh.

Tôi thắc mắc hỏi người đó làm cách nào mà dụ bầy heo tài tình như vậy. Ông bèn đáp: “Ngài không thấy đó sao? Tôi mang theo rổ đậu, thỉnh thoảng vãi mấy hạt xuống đường. Thế là bầy heo tham ăn cứ chạy theo tôi”. Rồi ngài giảng tiếp: “Tôi nghĩ ma quỉ cũng áp dụng chiến thuật đó. Nó mang theo rổ đậu, rải trên đường trần và đám đông xô nhau chạy theo, đến tận lò sát sinh vĩnh hằng”.
 

Đức Giêsu giải thoát những ai bị trói buộc – SN song ngữ 30.6.2021

 

 

Wednesday (June 30): Jesus frees those who are bound up

Scripture:  Matthew 8:28-34  

28 And when he came to the other side, to the country of the Gadarenes, two demoniacs met him, coming out of the tombs, so fierce that no one could pass that way.  29 And behold, they cried out, “What have you to do with us, O Son of God? Have you come here to torment us before the time?” 30 Now a herd of many swine was feeding at some distance from them. 31 And the demons begged him, “If you cast us out, send us away into the herd of swine.”  32 And he said to them, “Go.” So they came out and went into the swine; and behold, the whole herd rushed down the steep bank into the sea, and perished in the waters. 33 The herdsmen fled, and going into the city they told everything, and what had happened to the demoniacs.  34 And behold, all the city came out to meet Jesus; and when they saw him, they begged him to leave their neighbourhood.

 

Thứ Tư     30-6                Đức Giêsu giải thoát những ai bị trói buộc

 

Mt 8,28-3428

Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy.29 Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao? “30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn.31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.”32 Người bảo: “Đi đi! ” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết.33 Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám.34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ. 

 

Meditation:

Do you ever feel driven by forces beyond your strength? Two men who were possessed and driven mad by the force of many evil spirits found refuge in the one person who could set them free. Both Mark and Luke in their Gospel accounts of this incident describe this demonic force as a legion (Mark 5:9 and Luke 8:30). A legion is no small force but an army 6,000 strong! For the people of Palestine who were often hemmed in by occupying forces, a legion – whether human or supernatural – struck terror! Legions at their wildest committed unmentionable atrocities. Our age has also witnessed untold crimes and mass destruction at the hands of possessed rulers and their armies.

 

No force can withstand Christ’s power and authority 

What is more remarkable – the destructive force of these driven and possessed men, or their bended knee at Jesus’ feet imploring mercy and release (Luke 8:28)? God’s word reminds us that no destructive force can keep anyone from the peace and safety which God offers to those who seek his help. A thousand may fall at your side, ten thousand at your right hand; but it will not come near you. ..Because you have made the Lord your refuge, the Highest your habitation (Psalm 91:7,9).

 

Jesus took pity on these men who were overtaken by a legion of evil spirits. The destructive force of these demons is evident for all who can see as they flee and destroy a herd of swine. After Jesus freed the demoniacs the whole city came out to meet him. No one had demonstrated such power and authority against the forces of Satan as Jesus did. They feared Jesus as a result and begged him to leave them. Why would they not want Jesus to stay? Perhaps the price for such liberation from the power of evil and sin was more than they wanted to pay.

 

Jesus will free us from anything that binds us 

The Lord Jesus is ready and willing to free us from anything that binds us and that keeps us from the love of God. Are you willing to part with anything that might keep you from his love and be saving power?

 

“Lord Jesus, unbind me that I may love you wholly and walk in the freedom of your way of love and holiness. May there be nothing which keeps me from the joy of living in your presence.”

Suy niệm:

Bạn có cảm thấy bị dồn ép bởi sức mạnh vượt sức của bạn không? Hai người bị quỷ nhập và trở nên điên dại bởi sức mạnh của một đạo binh ma quỷ, đã chạy tới ẩn náu trong một người có thể giải thoát anh ta. Các câu chuyện Tin mừng của Máccô và Luca mô tả lực lượng này như một đạo binh (Mc 5,9 và Lc 8,30). Một đạo binh không phải là một lực lượng nhỏ – đó là một đạo binh có tới 6000 người! Đối với người Palestine, bị quân thù bao vây, một đạo binh, cho dù về tinh thần hay thể lý, là sự tấn công đáng sợ hãi! Các đạo binh điên cuồng nhất đã có những hành động tàn ác ngoài sức tưởng tượng. Thời đại của chúng ta cũng chứng thật những tội ác không thể nói được và sự phá hủy kinh khủng nơi những bàn tay của những nhà lãnh đạo và quân đội của họ đã bị ma quỷ chiếm hữu.

Không sức mạnh nào có thể chống lại sức mạnh và quyền năng của Đức Kitô

Điều gì ấn tượng hơn – sức mạnh phá hủy của người bị quỷ ám này – hay đầu gối quỳ dưới chân Đức Giêsu van xin lòng thương xót và giải thoát (Lc 8,28)? Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng không một sức mạnh phá hủy nào có thể ngăn cản người ta với sự bình an và an toàn mà Thiên Chúa ban cho những ai chạy đến xin Người trợ giúp. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn. Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân (Tv 91,7.9).

Đức Giêsu tỏ lòng thương xót với những người đã bị đạo binh của thần ô uế chiếm hữu. Sức mạnh phá hủy của những thần dữ này là bằng chứng cho tất cả mọi người có thể nhìn thấy khi chúng chạy trốn và tiêu diệt đàn heo. Sau khi Đức Giêsu chữa lành người bị quỷ ám, cả thành phố ra gặp gỡ Người. Không ai giải thích được uy quyền của ĐGiêsu khi Người chống lại lực lượng của Satan. Kết quả, họ đâm ra sợ hãi Đức Giêsu, và xin Người rời khỏi họ. Tại sao họ không muốn Đức Giêsu ở lại? Có lẽ cái giá cho sự tự do thoát khỏi sức mạnh của ma quỷ như thế nhiều hơn những gì họ muốn trả.

Đức Giêsu sẽ giải thoát chúng ta khỏi những sự trói buộc

Đức Giêsu luôn luôn sẵn sàng giải thoát chúng ta khỏi bất cứ điều gì trói buộc chúng ta và ngăn cản chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa. Bạn có sẵn sàng dứt bỏ bất cứ điều gì có thể ngăn cản bạn với tình yêu và ơn cứu độ của Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giải thoát con, để con có thể yêu mến Chúa một cách trọn vẹn và bước đi trong sự thanh thoát của đường lối thánh thiện và sự sống của Chúa. Chớ gì không có một trở ngại nào ngăn cản con khỏi niềm vui sống trong sự hiện diện của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Hai người bị quỉ ám

Chúng ta hãy tạm gác mọi cách hiểu, thắc mắc, thành kiến, thiếu tin tưởng vào lời Kinh Thánh, và ra khỏi hoàn cảnh của mình, để một cách đơn sơ ghi nhớ và hình dung ra hai người bị quỉ ám. Giống như một bức tranh, vấn đề không phải là có thật hay không, hoặc giống như thật hay không, nhưng là những hình ảnh được vẽ ra như thế, không thêm và không bớt, muốn nói với chúng ta điều gì? Vậy, hình ảnh “hai người bị quỉ ám”, được kể lại (hay được vẽ ra) trong bản văn Tin Mừng này, nói về tình cảnh của chúng ta như thế nào, mặc khải sự thật nào về con người chúng ta, chữa lành và mở ra cho chúng ta hướng đi nào, con đường nào? Bởi vì lời Kinh Thánh thuộc bình diện Lời Chúa, chứ không phải thuần túy thuộc bình diện sự kiện.

Và theo lời kể của thánh Mát-thêu trong bài Tin mừng, quỉ ám hai người, đến độ họ không còn làm chủ được mình, lẫn lộn chủ thể khi nói chuyện với Đức Giê-su: “Hỡi con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Hai người này sống trong đám mồ mả, vốn là thế giới của người chết, của sự chết, hiểu rộng hơn là nơi chết chóc. Họ còn sống, nhưng lại tự giam mình trong thế giới của người chết, tự tạo ra một môi trường chết chóc, làm hại chính mình và làm hại người khác, bởi vì “chúng rất dữ tợn”! Trong cuộc sống, nếu chúng ta để cho Sự Dữ, thần ô uế, thần xấu, Tội (xét như là một nhân vật theo Rm 7,13-17) cư ngụ bên trong chúng ta, thúc đẩy chúng ta, làm chủ chúng ta, chúng ta cũng sẽ như thế đó. Như thế, Lời Chúa trình bày một cách hữu hình những điều vô hình có thật nơi bản thân chúng ta.

Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: tự do cá nhân, toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.

Và Thần ô uế trong trường hợp này không chỉ là một tên, nhưng là cả một đạo binh (x. Mc 5, 9)! Vậy những thần ô uế nào đã từng chi phối và làm chủ bản thân tôi. Trong những trường hợp như thế, tôi cảm nhận và hành xử ra sao, tôi chiến đấu như thế nào và tôi có thể chiến thắng được không?

2. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa

Khi Đức Giê-su đến, hai người bị quỉ ám chủ động chạy đến với Đức Giê-su và qui hàng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” Đó là bởi vì ma quỉ, sự dữ, sự chết, bóng tối bị buộc phải lộ diện và không thể đứng vững khi có sự hiện diện của Đức Giê-su, vì Ngài là Con Thiên Chúa, là sự thiện, là sự sống, là ánh sáng. Vì thế, có người nói và nói rất đúng, là không có thời nào ma quỉ xuất hiện nhiều như vào thời của Đức Giê-su!

Ma quỉ dường như muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su và có thể nói, ma quỉ muốn đề nghị với Người ứng xử theo nguyên tắc “nước giếng không phạm nước sông: “Hỡi con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Nhưng Đức Giê-su là sự sống chiến thắng sự chết, vừa được diễn ta bằng biến cố Người vượt qua biển hồ, chiến thắng sóng to gió lớn, vốn là biểu tượng của sự chết. Đức Giê-su đi tới đâu sự chết bị đánh tan đến đó, giống như ánh sáng đánh tan bóng tối. Đức Giê-su còn là Ngôi Lời sáng tạo (x.Ga 1,3). Theo St 1, Lời Thiên Chúa không chỉ sáng tạo từ hư vô, nhưng còn là đưa trật tự vào cõi hỗn mang, phá tan cái tình trạng hàm hồ bằng cách tách ánh sáng khỏi bóng tối, sự sống khỏi sự chết, nhân tính khỏi thú tính. Thật vậy, khi Ngài nói: “Đi đi!” Chúng (ma quỉ) liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo (thú tính).

Khi kể lại biến cố này trong sách Tin Mừng của mình, thánh sử Mác-cô mời gọi chúng ta nhìn ngắm người được Đức Giê-su giải thoát khỏi thần ô uế: “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo” (Mc 5, 15). Sự sống và nhân tính của anh được phục hồi, và anh được mời gọi trở về với thế giới của người sống, có tương quan và có văn hóa. Hơn nữa, anh còn được Đức Giê-su trao sứ mạng loan báo tình yêu thương xót của Chúa dành cho anh.

Người bảo: « Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào. » Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc. (Mc 5, 19-20)

Giống như Israen nói với các dân tộc: Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương chúng tôi thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a (Tv 117; kinh sáng, III thứ bảy). Sứ mạng của anh rất đơn giản, nhưng lại là chính yếu, đó là làm chứng về lòng thương xót của Chúa dành cho anh. Khi nói đến sứ mạng, chúng ta thường hay nghĩ đến những tài năng lớn và những công việc lớn, và thường hay quên kinh nghiệm căn bản làm nền tảng cho mọi ơn gọi và sứ mạng, đó là được Chúa thương xót, chữa lành và tái sinh. Xin cho chúng ta biết đón nhận ơn huệ này cách sâu đậm đến độ không thể phai nhòa, trong đời sống đức tin và trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta.

 3. Đạo binh ma quỉ và đàn heo

Chúng ta hãy nhìn ngắm hình ảnh rất ngoạn mục : đạo binh quỉ, đàn heo, từ sườn núi lao xuống biển và chết hết. Đó chính là nơi chốn và năng động của ma quỉ : thú tính, bạo lực và sự chết ; chứ không phải là nhân tính, hiền lành và sự sống.

Chúa đến giải thoát con người khỏi thần ô uế, khỏi thú tính, khỏi bạo lực và sự chết. Nhưng ở một quan điểm khác, Ngài đến quấy nhiễu trật tự vốn là như thế của con người, của chúng ta, của cuộc đời tôi ; Ngài buộc tôi phải trả giá quá lớn, đến cả “bầy heo” ! Vì thế, người ta kinh ngạc, nhưng cũng thấy sợ hãi, mệt mỏi, phiền hà và mất mát ; nên họ mời Ngài đi nơi khác.

*  *  *

Còn tôi, tôi có ước ao và quảng đại đón nhận Ngài vào cuộc đời và tâm hồn tôi không ? Hay tôi cũng thấy phiền hà, thấy uổng phí đối với những gì tôi phải từ bỏ, và vì thế, muốn mời Người đi nơi khác, để âm thầm sống trong tình trạng quen thuộc của mình, tình trạng hàm hồ, hỗn mang, lẫn lộn nhân tính và thú tính, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây