1. Vị Giám mục Ý đầu tiên qua đời vì coronavirus.

Sáng Chúa Nhật 4 tháng 10, Ðức Cha Giovanni D'Alise, 72 tuổi, giám mục giáo phận Caserta ở miền nam nước Ý đã qua đời vì nhồi máu cơ tim khi đang được điều trị Covid-19 tại một bệnh viện địa phương.

Ðức Cha D'Alise bị nhiễm coronavirus và nhập viện điều trị vào đêm 29 rạng sáng 30 tháng 9. Ngài là giám mục Ý đầu tiên qua đời vì Covid-19.

Thánh lễ an táng Ðức Cha D'Alise được cử hành tại nhà thờ chính tòa Caserta vào chiều ngày 5 tháng 10. Ðể tránh lây lan virus, chỉ có các giám mục và linh mục hiện diện trong lễ an táng. Thánh lễ sẽ được truyền chiếu trực tiếp trên tivi và mạng xã hội.

Ðức Hồng Y Gualtiero Bassetti, giám mục giáo phận Perugia và cũng là Chủ tịch Hội đồng giám mục Ý, đã nhân danh các giám mục, bày tỏ sự gần gũi với giáo phận Caserta trong nỗi đau mất đi vị mục tử.

Ðức Hồng Y viết: “Trong những tháng này, nhiều linh mục đã qua đời vì Covid-19 và cả các giám mục. Hôm nay Ðức Cha Giovanni đã từ giã chúng ta. Cho đến những phút cuối ngài vẫn gần gũi tha nhân và chia sẻ một hành trình đau khổ.”

Khi nhập viện, Ðức Cha D'Alise đã an ủi các tín hữu: “Anh chị em đừng sợ, chúng ta sẽ đối diện với thử thách này cách bình thản.”


Source:AvvnireCoronavirus. L'addio a monsignor D'Alise. Bassetti: ci ha lasciato il senso di una vita
2. Kẻ cáo gian Đức Hồng Y Pell phủ nhận cáo buộc đã nhận hối lộ của Đức Hồng Y Becciu

Kẻ cáo gian Đức Hồng Y George Pell khiến ngài phải ngồi tù oan 13 tháng đã phủ nhận việc anh ta bị mua chuộc để đưa ra các cáo gian chống lại Đức Hồng Y Pell, sau khi truyền thông Ý đưa ra các cáo buộc rằng Đức Hồng Y Angelo Becciu có thể đã chuyển tiền sang Úc để mua chuộc tên này dẫn đến phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell.

“Thân chủ của tôi phủ nhận không biết bất cứ thông tin nào và cũng chẳng nhận bất kỳ khoản thanh toán nào,” luật sư Vivian Waller, người đại diện cho kẻ cáo gian Đức Hồng Y Pell cho biết như trên trong một tuyên bố hôm 5 tháng 10 và kết luận rằng: “Anh ấy sẽ không bình luận gì thêm trước những cáo buộc như thế”.

Lời phủ nhận này được đưa ra sau khi có sự bùng nổ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông tại Ý theo đó Đức Hồng Y Becciu bị cáo buộc chuyển tiền từ một tài khoản Vatican sang Úc trong khi Đức Hồng Y Pell đang phải đối diện với một phiên tòa hình sự năm 2018. Ngài bị cáo gian lạm dụng tình dục hai cậu bé khi còn là Tổng giám mục của Melbourne vào thập niên 1990.

Năm 2014, Đức Hồng Y Pell đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm phụ trách Bộ Kinh tế mới được thành lập và lãnh đạo các nỗ lực cải cách các vấn đề tài chính của Vatican. Sau khi bị cảnh sát Victoria buộc tội lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y Pell đã tạm thời rời bỏ vai trò của mình vào năm 2017 để trở về Úc nhằm chứng minh mình vô tội.

Đức Hồng Y đã phải đối mặt với những cáo buộc từ một người tố cáo liên quan đến thời gian ngài làm Tổng Giám Mục Melbourne. Ngài đã bị biệt giam 13 tháng sau khi bị kết án oan sai và nhận bản án 6 năm tù, trước khi được minh oan khi kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Đức Hồng Y Angelo Becciu trước đây từng làm việc với tư cách là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican, và có liên quan đến một cuộc điều tra đang diễn ra về tình trạng bất minh tài chính tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hai Đức Hồng Y Pell và Becciu đã xung đột về việc cải cách tài chính của Vatican.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo rằng vào năm 2015, Đức Hồng Y Becciu bị cáo buộc đã cố gắng che giấu các khoản cho vay trên bảng cân đối kế toán của Vatican bằng cách cấn sang giá trị của bất động sản mua ở khu phố Chelsea ở London, một thủ tục kế toán bị cấm bởi các chính sách tài chính mới được Đức Thánh Cha Phanxicô phê duyệt vào năm 2014.

Các cáo buộc cố gắng che giấu các khoản cho vay ngoài sổ sách đã bị phát hiện bởi Bộ Kinh tế Tòa Thánh, khi đó do Đức Hồng Y George Pell lãnh đạo. Các quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế nói với CNA rằng khi Đức Hồng Y Pell bắt đầu yêu cầu đòi hỏi các chi tiết liên quan đến các khoản vay, đặc biệt là những khoản liên quan đến ngân hàng Thụy Sĩ BSI, Tổng giám mục Becciu khi đó đã gọi Đức Hồng Y vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để “khiển trách”.

Đức Hồng Y Becciu, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tín nhiệm và coi như cộng tác viên trung tín, cũng đứng đàng sau việc đột ngột kết liễu một cuộc thanh lý Vatican đầu tiên bởi một tổ chức thanh tra tài chính độc lập vào năm 2016 khi các trương mục của Phủ Quốc Vụ Khanh bị chú ý. Ngài cũng liên quan đến việc sa thải tổng thanh lý viên đầu tiên của Vatican là Libero Milone, sau khi ông này bắt đầu điều tra các trương mục ngân hàng Thụy Sĩ của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Người ta tin rằng Đức Hồng Y Becciu có thể sớm phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì vai trò của mình trong một số kế hoạch đầu tư và tài chính của Vatican với số tiền lên tới hàng trăm triệu euro.

Thông tin cho rằng Đức Hồng Y Becciu có thể đã chuyển tiền sang Úc để mua chuộc người tố cáo Đức Hồng Y Pell đã thu hút sự chú ý của quốc tế kể từ khi chúng xuất hiện trên các tờ báo Ý vào hôm thứ Sáu và trong cuối tuần qua.

Trong một bài báo ngày 3 tháng 10, tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều của Ý cho hay các viên chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thu thập một hồ sơ cho thấy nhiều vụ chuyển ngân, trong đó có vụ chuyển tới 700,000 euros qua một “trương mục Úc”.

Luận lý của các phương tiện truyền thông tại Ý là nếu số tiền này được dùng cho một mục đích hợp lý, như trợ cấp cho một tổ chức bác ái, chẳng hạn, thì tại sao Tòa Thánh không công bố ngay lập tức cơ quan nhận được số tiền này. Và như thế chấm dứt ngay tức khắc một tai tiếng kinh hoàng cho Giáo Hội.

Vì Tòa Thánh vẫn tiếp tục im lặng nên vụ này đang được khai thác tối đa với các tình tiết càng ngày càng ly kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Giáo Hội.

Luật sư cũ của Đức Hồng Y Pell, là ông Robert Richter, đã kêu gọi một cuộc điều tra về các cáo buộc này, và vào sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc.

Cho đến nay, Đức Hồng Y Becciu đã phủ nhận các cáo buộc.

>
Source:Catholic News Agency
Cardinal Pell accuser denies Becciu bribery allegations
3. Chương thứ hai và chương thứ ba của thông điệp Fratelli Tutti

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Hiền Hòa xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ hai và chương thứ ba của thông điệp này.

Chương thứ hai của thông điệp có tựa đề “Một người lạ trên đường”, được dành riêng cho những người yếu thế và khốn cùng trong xã hội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, trong một xã hội không lành mạnh, luôn quay lưng lại với đau khổ, và “dốt nát” trong việc chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, tất cả chúng ta được kêu gọi - giống như Người Samaritanô nhân hậu - trở nên hàng xóm với người khác, vượt qua các định kiến, lợi ích cá nhân, rào cản lịch sử và văn hóa. Thực vậy, tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm trong việc tạo ra một xã hội có khả năng bao gồm người khác, hòa nhập và nâng dậy những người đã vấp ngã hoặc đang đau khổ. Đức Thánh Cha nói thêm: Tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được tạo ra để yêu thương” nhau. Ngài đặc biệt khuyên các Kitô hữu nhận ra Chúa Kitô nơi khuôn mặt của mọi người bị loại trừ.

Nguyên tắc về khả năng yêu thương theo “một chiều kích phổ quát” cũng được tiếp tục trong chương thứ ba có tựa đề “Hình dung và hình thành một thế giới cởi mở”. Trong chương này, Đức Phanxicô khuyên chúng ta hãy “đi ra ngoài cái tôi” để tìm “một hiện sinh trọn vẹn hơn nơi tha nhân”, mở lòng mình ra với người khác theo năng động tính của đức bác ái khiến chúng ta hướng tới “sự viên mãn phổ quát”. Thông điệp nhắc nhở rằng, nói cho cùng, tầm vóc tinh thần của đời người được đo bằng tình yêu thương, một tình yêu luôn “chiếm vị trí hàng đầu” và dẫn chúng ta đi tìm điều tốt hơn cho cuộc sống của người khác, tránh xa mọi thứ ích kỷ.

Do đó, một xã hội huynh đệ sẽ là một xã hội biết cổ vũ việc giáo dục đối thoại nhằm đánh bại con “virus” của “chủ nghĩa cá nhân cực đoan” và giúp mọi người biết cống hiến những gì tốt nhất của chính mình, bắt đầu bằng sự bảo vệ gia đình và tôn trọng “sứ mệnh giáo dục hàng đầu và quan yếu của gia đình”.

Có hai 'công cụ' để đạt được kiểu xã hội này: đó là lòng nhân từ, tức là tâm tình thực sự mong muốn điều tốt cho người khác; và tình liên đới biết quan tâm đến sự mong manh của cuộc sống và được diễn tả ra trong việc tranh đấu chống nghèo đói và bất bình đẳng, cũng như trong việc phục vụ người ta chứ không phải là phục vụ các ý thức hệ. Một lần nữa, Đức Thánh Cha khẳng định rằng quyền sống đúng phẩm giá không thể bị bác bỏ, và nhân quyền không có biên giới, nên không ai có thể bị loại trừ, bất kể họ sinh ra ở đâu. Theo quan điểm này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chúng ta xem xét “nền đạo đức tương quan quốc tế”


Source:Vatican News
Highlights from presentation of “Fratelli tutti”