1. Đức Hồng Y Mueller: Các chính trị gia Công Giáo phải chống phá thai, và an tử
Các chính trị gia Công Giáo có nghĩa vụ đấu tranh chống lại nạn phá thai và an tử, đồng thời áp dụng toàn bộ giáo huấn xã hội Công Giáo vào công việc chính trị của họ, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đã đưa ra lập trường trên trong tuần này.
Đức Hồng Y nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm 7 tháng 10, rằng các chính trị gia Công Giáo “phải chiến đấu chống phá thai và an tử. Đức Giáo Hoàng, giáo triều và các giám mục đã nói rằng chúng ta không thể chấp nhận hành vi an tử trong xã hội dân sự vì nó trái với sự sống. Chúg ta cũng không thể chấp nhận phá thai vì nó dẫn đến cái chết của đứa trẻ vô tội trong bụng mẹ.”
“Mỗi cuộc sống của con người đều có một giá trị tuyệt đối trong chính nó,” Đức Hồng Y nói và nhấn mạnh thêm rằng các chính trị gia có thể “tự gọi mình là người Công Giáo chỉ khi họ chấp nhận nghĩa vụ này để đấu tranh cho những nguyên tắc cơ bản của đạo đức xã hội, đó là quyền con người.”
Đức Hồng Y Mueller nói, những nhân quyền căn bản này không thể được định nghĩa lại theo sở thích của bất cứ ai.
“Ta không thể nói rằng phụ nữ có quyền giết đứa con trong bụng mình, bởi vì đứa trẻ này là một hữu thế có giá trị tuyệt đối riêng của nó, và đây là nguyên tắc đạo đức cơ bản và luận lý của trí tuệ con người.”
Ngài cảnh báo nếu không tôn trọng nguyên tắc này, xã hội sẽ sa vào Chủ nghĩa Darwin xã hội, đề cao “sự sống của những người khỏe mạnh nhất” hơn là phẩm giá bẩm sinh của con người.
Ngài nhấn mạnh rằng các chính trị gia Công Giáo có trách nhiệm lớn lao trong các nền dân chủ, cũng như trong các chế độ độc tài, nơi họ có nghĩa vụ đấu tranh cho nhân phẩm và tự do.
“Các chính trị gia Công Giáo phải thúc đẩy luật tự nhiên, các nguyên tắc đạo đức cơ bản, cũng tất cả các học thuyết xã hội của Giáo Hội, và tất cả các nỗ lực vì hòa bình toàn cầu.”
Giáo hội dạy rằng phẩm giá và nhân quyền đến từ Chúa, nhưng ngay cả những người không tin vào Chúa cũng có thể hiểu một cách đơn giản thông qua trí tuệ của họ rằng mạng sống con người không thể bị coi rẻ và thao túng.
“Mỗi cuộc sống con người đều là thánh thiêng,” ngài nói.
Source:Catholic News AgencyCardinal Mueller: Catholic politicians must fight abortion, euthanasia
2. Người Nga đầu tiên được tấn phong Giám Mục sau thời kỳ cộng sản
Hôm Chúa nhật 4 tháng 10, lễ Thánh Phanxicô Assisi, Đức Cha Nikolaj Dubinin, đã được tấn phong Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Mạc Tư Khoa. Nghi thức diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Vị tân giám mục, là người Nga đầu tiên được tấn phong Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh, sau thời kỳ cộng sản. Ngài đã nhận hiệu tòa là Giáo phận cổ đại vùng Bizacena.
Lễ tấn phong do Đức Cha Paolo Pezzi, người Ý là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa chủ tế. Cùng đồng tế với Đức Cha Paolo Pezzi, có Đức Cha Josif Werth, người Nga gốc Đức, Giám Mục giáo phận Chúa Biến hình Novosibirsk, và Đức Cha Cyril Klimowicz, người Ba Lan, Giám Mục giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk. Khoảng 50 linh mục từ bốn giáo phận Công Giáo Nga đã đồng tế, cùng với một số tu sĩ của các dòng tu.
Giáo Hội Công Giáo tại Nga hiện nay có 6 giáo phận bao gồm tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa, giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk, giáo phận Chúa Biến hình Novosibirsk, giáo phận Thánh Clêmentê ở Saratov, Miền Phủ Doãn Tông Tòa Yuzhno Sakhalinsk, và giáo phận Công Giáo Đông phương toàn Nga.
Đức Tân Giám Mục sẽ cư trú tại St. Petersburg, có nhiệm vụ theo sát phần phía tây và tây bắc của tổng giáo phận, bao gồm thành phố St. Petersburg thường được gọi là “thủ đô phương bắc” của Nga, và khu vực xung quanh, bao gồm các thành phố quan trọng như Novgorod và Pskov, và cả vùng Baltic của Kaliningrad.
Lễ tấn phong cho Đức Cha Dubinin cũng là nghi thức khai mạc phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga, lần đầu tiên họp với tất cả năm giám mục tại Mạc Tư Khoa, sau khi thánh hiến cho vị tân giám mục.
Trong lời chào mừng đến tân giám mục, Đức Cha Pezzi bày tỏ hy vọng rằng “loan báo Tin Mừng, truyền giáo, làm chứng cho Đức Kitô sẽ là những mối quan tâm chính trong chức vụ mới của Đức Cha. Chúng tôi các giám mục Công Giáo của Liên bang Nga vui mừng chào đón Đức Cha đến với Giám Mục đoàn của chúng ta, để có thể hiệp thông đồng hành với anh em trong việc phục vụ Dân Chúa”.
Việc bổ nhiệm Dubinin đã làm dấy lên sự quan tâm sâu sắc trong dư luận cả nước vì đây là lần đầu tiên sau thời kỳ cộng sản, một người Nga chính cống được tấn phong Giám Mục. Trong những ngày trước khi được tấn phong, ngài đã trả lời phỏng vấn báo chí Nga. Phát biểu với các phóng viên của tờ Ria Novosti, tân giám mục nói rõ rằng “một số giám mục trong lịch sử Nga trước cách mạng là công dân của Nga, ngay cả khi họ không thuộc dân tộc Nga, mà chủ yếu là người Ba Lan, giống như phần lớn các tín hữu”. Sự phục hưng tôn giáo ở Nga cũng bắt đầu vào năm 1991 đối với người Công Giáo, sau khi Liên Xô kết thúc. Vào thời điểm đó, chỉ có hai nhà thờ còn mở cửa ở Mạc Tư Khoa và Leningrad, sau này lấy lại tên cũ là St. Peterburg.
Source:ACI StampaMosca, consacrato il primo vescovo russo della storia moderna
3. Chương thứ tám của thông điệp Fratelli Tutti: Bảo đảm tự do tôn giáo
Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti” /frấy-té-li -tú-tì/, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Kim Thúy xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ tám và cũng là chương cuối cùng của thông điệp này.
Trong chương này, Đức Thánh Cha tập trung vào “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta” và một lần nữa nhấn mạnh rằng bạo lực không có cơ sở trong các xác tín tôn giáo, mà đúng hơn, trong các hình thức méo mó của chúng. Do đó, các hành vi “đáng trách”, chẳng hạn như hành động khủng bố, không phải do tôn giáo mà là do cách giải thích sai lầm các bản văn tôn giáo, cũng như “các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức”. Không được ủng hộ chủ nghĩa khủng bố bằng tiền bạc hoặc vũ khí, càng ít hơn bằng việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, vì đó là một tội ác quốc tế chống lại an ninh và hòa bình thế giới, và như vậy phải bị lên án. Đồng thời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng một hành trình hòa bình giữa các tôn giáo là điều có thể thực hiện được và do đó cần phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo, một nhân quyền căn bản cho mọi tín hữu. Đặc biệt, Thông điệp suy tư vai trò của Giáo hội: nó tuyên bố rằng Giáo hội không “giới hạn sứ mệnh của mình vào phạm vi riêng tư”. Giáo Hội không đứng lại ở bên lề xã hội và, tuy không tham gia chính trị, nhưng Giáo Hội không từ bỏ chiều kích chính trị của chính sự sống. Thực thế, việc quan tâm đến lợi ích chung và quan tâm đến việc phát triển toàn diện con người là điều liên hệ đến toàn thể nhân loại, mà những gì là nhân bản đều có liên quan đến Giáo hội, theo các nguyên tắc Tin Mừng. Cuối cùng, trong khi nhắc nhở các nhà lãnh đạo tôn giáo về vai trò của họ như “những người trung gian chân chính”, những người xả thân để xây dựng hòa bình, Đức Phanxicô trích dẫn “Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống”, mà ngài đã ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, cùng với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyib: từ cột mốc đối thoại liên tôn đó, Đức Thánh Cha quay trở lại với lời kêu gọi rằng, nhân danh tình huynh đệ nhân bản, đối thoại phải được tiếp nhận như một con đường, hợp tác chung như cách ứng xử và hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn.
Chân phước Charles de Foucauld, “người anh em phổ quát”
Thông điệp kết thúc bằng việc tưởng nhớ Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và trên hết là Chân phước Charles de Foucauld, một gương mẫu cho mọi người về ý nghĩa của việc đồng nhất hóa với những người nhỏ bé nhất để trở thành “người anh em phổ quát”. Những dòng cuối cùng của Văn kiện được dành cho hai lời cầu nguyện: một lời “dâng lên Đấng Tạo Hóa” và lời kia là “Lời cầu nguyện đại kết Kitô giáo “, để trái tim nhân loại nuôi dưỡng” tinh thần huynh đệ”.
Source:Vatican NewsHighlights from presentation of “Fratelli tutti”
4. Người được trao giải Nobel Hóa Học năm nay vừa chế ra phương pháp thử coronavirus có kết quả trong 5 phút
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở California đã phát triển một loại thử nghiệm có thể phát hiện coronavirus trong vòng 5 phút với độ chính xác rất cao. Tốc độ này có được là do việc sử dụng công nghệ di truyền và camera của điện thoại thông minh sau khi được sửa đổi.
Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Berkeley, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Jennifer Doudna, người được trao giải Nobel Hóa học năm nay, cùng với nữ khoa học gia Pháp Emmanuelle Charpentier.
Cho đến nay, hầu hết các thử nghiệm Covid-19 cần ít nhất 24 giờ mới cho ra kết quả. Do sự lây lan của vi rút và nhu cầu xét nghiệm rất cao, rất thường khi người ta phải đợi 3 hoặc 4 ngày để nhận được chẩn đoán dương tính hoặc âm tính.
Ngoài ra còn có một vấn đề về độ tin cậy. Các xét nghiệm hiện có trên thị trường, được phát triển sau đợt coronavirus đầu tiên, có độ chính xác chỉ lên đến 30%.
Một ví dụ tiêu biểu nhất: tháng 3 năm ngoái tại Peru, để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid, tổng thống Martin Vizcarra đã mua 1.6 triệu bộ xét nghiệm chủ yếu từ Trung Quốc. Do độ tin cậy quá thấp của chúng, Peru hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid cao nhất thế giới. Các bác sĩ cho rằng tính không đáng tin cậy của các xét nghiệm là một trong những lý do dẫn đến kỷ lục kinh hoàng này.
Phương pháp thử nghiệm Berkeley chưa có trên thị trường. Hiện tại, những gì người ta được biết là phương pháp này dựa trên việc phát hiện ra virus bằng các công cụ công nghệ di truyền, không cần khuếch đại DNA. Một camera điện thoại di động, được biến đổi thành tia laser với một thiết bị nhỏ, có thể tiết lộ sự hiện diện của virus và cả cường độ của nó. Xét nghiệm cũng có thể được thực hiện tại nhà, một cách cá nhân, và do đó giải quyết được việc xếp hàng dài tại các phòng thí nghiệm và các bệnh viện.
Source:Asia NewsCoronavirus: A 5 minute test with reliable results