Đức Thánh cha: Sự tha thứ và lòng thương xót phải là lối sống của chúng ta!

Chủ nhật - 13/09/2020 17:50
Đức Thánh cha Phanxicô đọc kinh truyền tin với tín hữu hành hương | Vatican Media

Trưa Chúa nhật 13/9/2020, mặc dù bầu trời Roma vẫn còn nắng gắt, khoảng 600 tín hữu hành hương từ các nước đã tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô, lúc 12 giờ trưa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Sau khi đọc kinh, ngài cũng nhắc đến vụ hỏa hoạn tại trại Moria, trên đảo Lesbo của Hy Lạp, nơi có hơn 13.000 người di dân và tị nạn sống chen chúc, không nước nào muốn đón tiếp. Tiếp đến, Đức Thánh cha kêu gọi những nước có xáo trộn, hãy đối thoại với nhau để giải quyết vấn đề. Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc nhớ Chúa nhật 13/9 là ngày lạc quyên giúp các cộng đoàn Kitô tại Thánh địa.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXIV thường niên năm A, kể lại dụ ngôn một đầy tớ không có lòng thương xót, tuy được chủ tha món nợ rất lớn nhưng lại không tha cho người đầy tớ khác chỉ mắc nợ anh ta một món nợ rất nhỏ. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong dụ ngôn chúng ta đọc trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, dụ ngôn về nhà vua thương xót (xc Mt 18,21-35), chúng ta thấy hai lần lời cầu khẩn này: “Xin kiên nhẫn với tôi và tôi sẽ trả lại” (vv.26.29). Lần thứ nhất là lời người đầy tớ nợ chủ 10.000 nén bạc, một số tiền khổng lồ, tính ra giá ngày nay tương đương với hàng triệu, triệu Euro. Lần thứ hai, do một người đầy tớ khác cùng chủ. Đầy tớ này cũng mắc nợ, nhưng không phải với ông chủ mình, nhưng là với người đầy tớ đã bị mắc nợ khổng lồ. Món nợ của người đầy tớ thứ hai này rất nhỏ bé, có lẽ là lương một tuần lễ.

Lòng khoan dung của ông chủ

“Trọng tâm dụ ngôn là lòng khoan dung mà ông chủ tỏ ra đối với người đầy tớ mắc món nợ lớn hơn. Thánh sử Tin mừng nhấn mạnh rằng: “ông chủ có lòng cảm thương người đầy tớ ấy, ông để cho người ấy ra đi và tha nợ cho” (v.27). Một món nợ khổng lồ, vì thế đó cũng là một sự tha nợ vĩ đại! Nhưng người đầy tớ ấy, ngay sau đó, lại tỏ ra tàn ác đối với người bạn mình, chỉ mắc nợ hắn một số tiền bé nhỏ. Hắn không nghe lời van xin của người bạn, lăng mạ và làm cho người này phải vào tù cho đến khi trả hết nợ (Xc v.30). Ông chủ biết được chuyện đó, nên thịnh nộ, ông cho gọi người đầy tớ xấu xa ấy và để cho hắn bị lên án (xc. vv.32-34).

Luôn luôn tha thứ

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Trong dụ ngôn, chúng ta thấy hai thái độ khác nhau: thái độ của Thiên Chúa - được biểu lộ qua nhà vua - và thái độ của con người. Trong thái độ của Chúa, công lý được lòng thương xót tỏa lan, trong khi thái độ phàm nhân chỉ thu hẹp vào công lý. Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy can đảm cởi mở đối với sức mạnh của tha thứ, vì trong cuộc sống không phải tất cả đều được giải quyết bằng công lý. Cần có tình yêu thương xót, vốn là căn bản trong câu Chúa Giêsu đáp lại câu hỏi của Phêrô ở phần trước dụ ngôn này: “Lạy Chúa, nếu người anh em con phạm lỗi chống lại con, con phải tha thứ cho người ấy bao nhiêu lần”? Chúa đáp: “Thầy không bảo con phải tha thứ đến bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy” (v.22). Trong ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh, điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi luôn luôn tha thứ!

Hậu quả của thiếu tha thứ

“Bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu xâu xé, bao nhiêu chiến tranh có thể tránh được, nếu tha thứ và lòng thương xót là lối sống của chúng ta! Cần áp dụng tình yêu thương xót trong tất cả những tương quan giữa con người với nhau: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa lòng cộng đoàn chúng ta, cả trong xã hội và chính trị. Sáng nay, tôi đã cử hành thánh lễ và dừng lại vì một câu trong bài đọc thứ I, trích từ sách Huấn ca, làm tôi chú ý đặc biệt: “Hãy nhớ đến lúc kết thúc và ngừng oán ghét”. Thật là một câu hay! Nhưng hãy nghĩ đến lúc kết thúc! Hãy nghĩ đến lúc bạn ở trong một quan tài và bạn mang oán ghét đến đó! Không dễ tha thứ, vì trong những lúc yên hàn, ta nói: “Nhưng mà người này người kia đã làm cho tôi bao nhiêu điều xấu, nhưng cả tôi cũng làm bao nhiêu điều như vậy. Tốt hơn hãy tha thứ để được tha thứ”. Nhưng rồi oán hận trở lại, như một con ruồi mùa hè gây phiền phức, nó cứ bay đi bay lại. Tha thứ không phải chỉ là một chuyện trong lúc này, nhưng là một điều liên tục chống lại sự oán hận. Hãy nghĩ đến lúc chết và chúng ta sẽ ngưng oán ghét.

Dụ ngôn hôm nay giúp chúng ta đón nhận trọn vẹn ý nghĩa câu mà chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Những lời này chứa đựng chân lý quan trọng. Chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta không tha thứ cho tha nhân. Nếu chúng ta không cố gắng tha thứ và yêu thương, thì cả chúng ta cũng không được tha thứ và yêu thương.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu hiền mẫu của Mẹ Thiên Chúa: cầu xin Mẹ giúp chúng ta ý thức chúng ta mắc nợ dường nào đối với Thiên Chúa, và luôn nhớ điều đó đến độ có tâm hồn cởi mở đối với lòng thương xót và từ nhân.”

Chào thăm và mời gọi

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:

Kêu gọi cho người di dân và tị nạn tại Lesbo

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày qua, một loạt các vụ hỏa hoạn tàn phá trại tị nạn Moria, trên đảo Lesbo, làm cho hàng ngàn người không còn nơi trú ngụ, dù là tạm thời. Tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm cuộc viếng thăm tại đó và cùng với Đức Thượng phụ chung Bartolomeo và Đức Tổng giám mục Hieronymus thành Athènes, Hy Lạp, kêu gọi hãy đảm bảo một sự tiếp đón nhân đạo và xứng đáng cho những người di dân, tị nạn, những người đang tìm nơi trú ngụ ở Âu châu. Tôi liên đới và gần gũi với tất cả các nạn nhân thảm họa đau thương này.”

Kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng đối thoại

Và trong những tuần lễ này, chúng ta đã chứng kiến ở các nơi trên thế giới, nhiều cuộc biểu tình của dân chúng để phản đối, biểu lộ những khó chịu bất mãn của xã hội dân sự, đứng trước những tình trạng chính trị và xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi tôi khuyên những người biểu tình hãy bày tỏ mong muốn của họ một cách ôn hòa, không chiều theo cám dỗ gây hấn và bạo lực, tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm công cộng và các chính phủ, hãy lắng nghe tiếng kêu của các công dân và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của họ, đảm bảo sự tôn trọng hoàn toàn các quyền con người và tự do dân sự. Sau cùng, tôi cũng mời gọi các cộng đoàn Giáo hội sống trong những bối cảnh đó, dưới sự hướng dẫn của các mục tử, hãy cố gắng bênh vực đối thoại, luôn bênh vực đối thoại và hòa giải.”

Liên đới với Thánh địa

Tiếp đó, Đức Thánh cha nói thêm: “Vì tình trạng đại dịch, năm nay cuộc lạc quyên truyền thống giúp Thánh địa được dời từ ngày Thứ Sáu Tuần thánh đến hôm nay, 13/9, áp lễ suy tôn thánh giá. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc lạc quyên càng là một dấu chỉ hy vọng và liên đới, gần gũi với các tín hữu Kitô sinh sống tại nơi Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đã chết và sống lại vì chúng ta. Ngày hôm nay, chúng ta hãy hành hương trong tinh thần, trong tâm hồn, tới Jerusalem, nơi mà thánh vịnh nói là những nguồn mạch của chúng ta. Chúng ta hãy thực hiện một cử chỉ quảng đại đối với các cộng đoàn ấy.”

Sau cùng, Đức Thánh cha không quên chào thăm các tín hữu và ngài nói: “Xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi!”

  • email
  • facebook
  • twitter

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây