TGPSG-- “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Lời dạy đó của Chúa Giêsu vẫn luôn vang vọng trong con tim người Kitô hữu ở mọi nơi và qua mọi thời.
Hình ảnh các tình nguyện viên lên đường đến với tuyến đầu chống dịch đã để lại trong lòng chúng ta nhiều ấn tượng tốt đẹp về tấm lòng và nghĩa cử cao quý mà họ đã thể hiện. Họ có phúc hơn ai hết vì họ là những người đang lắng nghe và thực hành lời dạy của Chúa cách sống động qua sự dấn thân, hy sinh bản thân vì sự sống của nhiều người. Vậy, những thiện nguyện viên đó là ai?
Vâng, đó là các Linh mục, tu sĩ - những người con ưu tú của Giáo hội Công Giáo, đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn người để trở nên muối men giữa lòng đời. Họ là những con người có tri thức, có nhân cách qua việc được tu luyện để trở thành những Linh mục, tu sĩ của Thiên Chúa và mọi người. Họ cũng có gia đình, bạn bè, có những người thân yêu, những ước mơ cao đẹp về một tương lai đầy triển vọng đang chờ họ phía trước. Và cũng như mọi người, họ khao khát được sống, được cảm thấy an toàn bên cạnh những người thân yêu. Thế mà giờ đây, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để lao mình vào cuộc chiến chống covid mà không hề sợ gian khó, hiểm nguy hay mất mạng. Vậy, điều gì đã thúc đẩy các linh mục, tu sĩ can đảm dấn thân vì sự sống của người khác như thế?
Câu trả lời chính là tình yêu Đức Kitô đã thúc bách họ. Tình yêu ấy khắc sâu trong trái tim họ đến nỗi họ không thể làm ngơ trước nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại, làm ngơ trước lời mời gọi tha thiết của các mục tử để ra khỏi sự an toàn, đến với tuyến đầu chống dịch. Họ thực đúng là những con người “thánh thiện” như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Gaudete et exsultate: “Một người biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng và biết cảm thông với những nỗi buồn đau, đó là người có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. Người ấy được ủi an, không phải bởi thế gian nhưng là bởi Chúa Giêsu. Những người như thế không ngại chia sẻ khổ đau của người khác; không trốn tránh các hoàn cảnh đau buồn. Họ khám phá ý nghĩa của đời sống qua việc đi đến giúp đỡ những ai đau khổ, cảm thông với nỗi khốn khó của người ta và đem lại sự xoa dịu. Họ cảm nhận rằng tha nhân là thịt bởi thịt mình, họ không sợ đến gần, ngay cả chạm đến những vết thương nơi người ấy. Họ chạnh lòng thương cảm người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Bằng cách đó họ sống giáo huấn của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết khóc than với tha nhân: đó là thánh thiện”[1]
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương cho thế giới, nhưng qua đó chúng ta thấy tình Chúa, tình người vẫn đang được thể hiện thật cụ thể, rõ ràng qua tinh thần liên đới của rất nhiều anh chị em chúng ta trong đại gia đình nhân loại, đặc biệt qua sự dấn thân, hy sinh âm thầm của các tình nguyện viên Linh mục, tu sĩ, giáo dân Kitô giáo và nhiều người thuộc các tôn giáo, hội đoàn khác. Những nghĩa cử hy sinh phục vụ cao đẹp của các tình nguyện viên sẽ là dấu chỉ hữu hiệu để Tin Mừng của Chúa được chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt là những ai chưa tin vào Chúa.
Và nếu một ngày nào đó, chúng ta không còn thấy một trong các tình nguyện viên ấy trở về đoàn tụ với gia đình, với cộng đoàn vì đã hy sinh sự sống cho anh chị em mình thì thay vì ưu sầu, thương khóc, chúng ta hãy hân hoan đón mừng một vị tử vì đạo của thế kỷ 21, một vị thánh đã hy sinh âm thầm cho sự sống của bao người vì tình yêu Đức Kitô.
Oanh Sương Mai, Sjp
[1] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Gaudete et exsultate- số 76, Bản dịch của Lm. Lê Công Đức, PSS, Nxb Tôn giáo
TGPSG-- “Không ai nghèo đến nỗi không có gì đó để trao tặng người khác”.
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội loan truyền một đoạn video clip người đàn ông đi phát cơm từ thiện cho người vô gia cư đã vô tình bắt gặp người mẹ già đang đứng ở vỉa hè để đợi phát cơm 0đ và quà từ thiện. Hỏi ra mới biết, anh chàng này làm công việc giao cơm từ thiện cho một mạnh thường quân. Gia cảnh anh tuy nghèo nhưng anh vẫn muốn góp chút sức lực cho công việc thiện nguyện để giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh trong cơn đại dịch. Quả thật, khi người ta giàu tình thương yêu nhân ái thì người ta sẽ có đủ cách thế để giúp đỡ người nghèo khổ hơn mình.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Không ai nghèo đến nỗi không có gì đó để trao tặng người khác”. Đức Phật thì dạy rằng: “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều sau đây: "Nhan thí" – Bố thí nụ cười. "Ngôn thí" – Bố thí lời nói hay. "Tâm thí" – Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn. "Nhãn thí" – Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ. "Thân thí" – Bố thí hành động nhân ái. "Tọa thí" – Bố thí chỗ ngồi cho người cần. "Phòng thí" – Bố thí lòng bao dung". Trên hết, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng sự trao tặng cao cả nhất chính là hiến dâng mạng sống mình vì bạn hữu (x. Ga 15,13) và chính Chúa đã thực hiện sự hiến dâng ấy vì yêu thương nhân loại tội lỗi.
Theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu, các tu sĩ, linh mục thiện nguyện đợt 2 (62 tu sĩ thuộc 19 hội dòng) và đợt 3 (16 tu sĩ và linh mục thuộc 7 hội dòng) đã hăng hái, an vui lên đường phục vụ các bệnh nhân Covid tại các bệnh viện dã chiến. Cuộc đời của anh chị em tu sĩ đã trở thành tấm bánh thơm để hiến dâng cho Thiên Chúa và nay được bẻ ra nuôi sống con người. Chắc chắn, các tu sĩ sẽ phải đối mặt với sự nguy hiểm, với những bấp bênh và thiếu thốn, với những nỗi niềm lo lắng và trăn trở, nhưng các tu sĩ không cô đơn vì luôn có Chúa đồng hành bên cạnh, có Đức Tổng Giuse, các linh mục, tu sĩ và cả cộng đồng dân Chúa đang hết lòng hết sức dõi theo, khích lệ và cầu nguyện không ngừng.
Xin tình yêu của Đức Kitô luôn thôi thúc tâm hồn các tu sĩ (x. 2Cr 5,14) và xin Thiên Chúa là nguồn Hy Vọng, ban tràn đầy bình an, niềm vui cho các tu sĩ trong từng ngày phục vụ.
Jos. Lương Tùng, CSsR.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn