Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm A

Chủ nhật - 08/10/2023 09:45
SUY NIỆM 1: SINH HOA LỢI CHO NƯỚC TRỜI - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

 “Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Nói đến “đầu tư” thì nói đến “lợi nhuận”. Ai cũng muốn bỏ tiền đầu tư vào những thứ mang lại lợi nhuận cho mình, chứ chẳng muốn “buôn quan tám, bán quan tư”, tức bỏ vốn ra mua quan tám mà về chỉ bán được có quan tư, như vậy là lỗ vốn đến bốn tiền. Một cách tương tự, Thiên Chúa đã chọn mỗi chúng ta vào làm vườn nho của Chúa và cũng mong đợi mỗi người trung thành phục vụ Chúa cho đến cùng để sinh hoa lợi cho Nước Trời. 
Vườn nho quan trọng đối với người dân Ítraen cũng như vườn cà phê đối người dân Tây Nguyên, vườn thanh long đối với người dân Bình Thuận, hay là vườn cây ăn trái khác của người dân miệt vườn. Việc trồng nho đòi hỏi không kém gì việc trồng cây thanh long, cây cà phê hay cây ăn trái khác. Tốn nhiều công và mất nhiều sức đã được đầu tư vào việc chăm sóc những cây nho chất lượng. Bởi vì vườn nho và cây nho rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Israel, nên chúng thường được sử dụng một cách tượng trưng trong Kinh thánh để thể hiện mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ítraen. Một cây nho hảo hạng là biểu tượng lòng trung thành của dân với Thiên Chúa, trong khi cây nho tạp chủng là biểu tượng cho sự bất trung của dân (x. Gr 2,21).
Hình ảnh cây nho và vườn nho thường xuyên hiển hiện trong Kinh Thánh. Bài đọc thứ nhất được trích từ ngôn sứ Isaia, bài ca nổi tiếng về Vườn Nho Ítraen, minh họa sự chăm sóc đầy chu đáo và đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Ítraen, bằng cách sử dụng hình ảnh chủ vườn đã làm mọi việc có thể để mong vườn nho sinh những trái nho chất lượng: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, mang giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại” (Is 5,2). Điều Thiên Chúa mong đợi nơi dân Ítraen, sau tất cả tận tâm và tân tình mà Chúa đã dành cho họ, là “sự công bình và sự chính trực”. Thay vào đó những gì Thiên Chúa tìm thấy là “máu đổ và tiếng than đau khổ” (x. Is 5,7). Vị ngôn sứ tiếp tục vẽ nên một bức tranh buồn thảm về dân Ítraen như một vườn nho bị tan hoang, “một mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm” (Is 5,6).
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã quảng diễn dụ ngôn vườn nho dựa trên kinh nghiệm bị từ chối của chính Ngài. Chúa đang nói với những nhà lãnh đạo Do Thái (Mt 21,33), những người đã  chối từ Chúa là Đấng Cứu Thế. Khi kể dụ ngôn ngôn về những người thuê vườn nho độc ác, Chúa Giêsu ám chỉ tới việc dân Ítraen đã ngược đãi và hành quyết các ngôn sứ mà Thiên Chúa sai đến để nhắc nhở dân về ơn gọi của họ trở thành một dân thánh và trung thành, một mẫu mực về sự chân thật và cách cư xử ngay thẳng cho các dân tộc khác. Không thất vọng, chủ vườn sai con trai mình đi vì nghĩ rằng ít nhất họ cũng sẽ kính trọng cậu. Thay vào đó, họ cũng giết anh ta để chiếm lấy vườn nho. “Người con bị giết ở ngoài vườn nho” thể hiện chính xác những gì xảy ra với chính Chúa Giêsu, Người Con yêu dấu được Chúa Cha sai đến với dân Ítraen, đã bị giết ở ngoài Giêrusalem. 
Sau đó là chóp đỉnh của câu truyện. Những nhà lãnh đạo Do Thái đã trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu khi tuyên bố: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông” (Mt 21,41). Như thế, Chúa có thể tóm tắt những gì họ nói như sau: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43). 
Những lời Chúa Giêsu nói với những người Pharisêu thời xưa bao nhiêu thì Chúa cũng nói với chúng ta bấy nhiêu. Chúng ta tự hỏi Thiên Chúa mong đợi điều gì nơi mỗi chúng ta, sau tất cả tình yêu và sự quan tâm mà Chúađã dành cho chúng ta? Qua phép rửa, chúng ta có đặc ân được kêu gọi làm việc trong vườn nho của Chúa. Mỗi Chúa nhật, chúng ta được mời gọi họp nhau lại để nghe sứ điệp Lời Chúa và biến những lời ấy thành một phần trong cuộc sống của mình. Chúng ta là các “tá điền khác” mà Chúa mong đợi “cứ đúng mùa, nộp hoa lợi cho Chúa” (Mt 21,41). Mỗi chúng ta làm trổ sinh loại nho nào? Ngọt và ngon, hay là khô và chua? Chúng ta có sống theo những mong đợi của Chúa đối với chúng ta với tư cách là người tá điền trung thành hay không? Chúng ta có dám thành thật nói rằng mình là những người sống công bằng và chính trực hay không? 
Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta trung thành phục vụ. Thánh Têrêxa Giêsu nói: “Chúng ta làm việc trong vườn của Người, được gần gũi chủ vườn, Đấng chắc chắn là ở với chúng ta thì đó là Người đã ban cho chúng ta một ơn trọng đại rồi” (Tiểu sử tự Thuật 11,12). Chúng ta hãy chăm sóc vườn nho mà Chúa trao cho chúng ta, không gì khác hơn là chính cuộc sống của mình. Chúng ta hãy làm những việc như ông chủ đã làm. 
Chúng ta hãy “rào giậu” tâm hồn mình, nghĩa là tránh xa những dịp tội, không để tâm hồn mình mọc lên những thứ cỏ dại của thói hư, tật xấu. Chúng ta hãy “đào bồn đạp nho” để ép nho thành rượu ngon, nghĩa là “đào sâu” Lời Chúa, nghe theo những hướng dẫn của Hội Thánh, để cuộc sống của chúng ta thành rượu ngọn của niềm vui và tình mến phục vụ. Vì sự an toàn của vườn nho tâm hồn mình, chúng ta hãy “xây một vọng gác”, để canh chừng những đam mê vô trật tự. Chẳng hạn, đam mê cờ bạc. Các trò chơi may rủi (đánh bài, cá cược, số đề…) tự nó không trái với lẽ công bằng, nhưng chúng không thể chấp nhận được về mặt luân lý, khi chúng cướp đi những gì cần thiết để chăm sóc cho mình và cho những ai mà mình có trách nhiệm, bởi chúng khiến người ta mất đi những gì đã kiếm được bằng sức lao động, khiến bản thân và gia đinh rơi vào cảnh nghèo đói. “Cơ bạc” mà còn “gian lận” thì là một tội nặng, vì nó chẳng khác gì lường gạt để cướp của của người khác. Đam mê cờ bạc sẽ khiến mình trở thành nô lệ của nó, là nguồn gốc phát sinh nhiều tội lỗi khác: trộm cắp, bỏ bê bổn phận, lười biếng làm việc.v.v. (x. GLHTCG 2413).
Thiên Chúa mong đợi chúng ta sinh hoa lợi cho Nước Trời. Trong Bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Phaolô cho chúng ta sự hướng dẫn thực tế về cách tạo ra hoa trái tốt lành trong cuộc sống và sống theo những mong đợi của Chúa đối với chúng ta. “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8). Nếu làm theo sự hướng dẫn của thánh Phaolô, thì chúng ta không cần lo lắng về loại trái mình sẽ sinh ra. Bình an của Thiên Chúa sẽ bảo vệ tâm hồn và tư tưởng của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô và bảo đảm rằng chúng ta sinh ra hoa trái của tình yêu thương. 
Chúng ta hãy cũng nhau cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của Cha Flor McCarthy SDB dựa trên các bài đọc Lời Chúa hôm nay, có tựa đề là “Được Chúa Trồng”. 
Lạy Chúa, Chúa đã trồng con trên trái đất này.
Chúa đã rào chắn xung quanh con
bằng tình yêu của gia đình và của bằng hữu.
Sự quan tâm của họ bao trùm lên con.
Trong nơi trú ẩn của tòa tháp này, 
con lớn lên trong sự an toàn và bình yên.
Con đã sớm nở hoa và đầy những lá.
Mọi người đặt nhiều hy vọng vào con.
Chúa đã có những hy vọng lớn lao ở con.
Nhưng bây giờ một năm của cuộc đời con đang trôi qua.
Mùa thu hoạch đang đến gần.
Con phải khoe hoa quả gì đây?
Điều gì sẽ xảy ra nếu sau tất cả sự quan tâm này,
con chẳng có gì để dâng ngoài những quả nho chua?
Lạy Chúa, xin thương xót con
và với sự thúc giục kiên nhẫn của Chúa,
xin giúp con sinh ra hoa trái của tình yêu. Amen. 
(Flor McCarthy SDB, New Sunday & Holy Day Liturgies, Dominican Publications, Dublin, 1998, pp.313-314)


SUY NIỆM 2: BỮA TIỆC THIÊN QUỐC – 
NIỀM HY VỌNG CỦA MỌI NƯỚC MỌI DÂN - NGUYỄN THANH HIỀN


 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XXVIII, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: tự sức mình, chúng ta không thể tuân giữ được những gì Chúa truyền dạy, vì thế, chúng ta rất cần ân sủng của Chúa. Tất cả là do bởi ơn Chúa, cho nên, để chúng ta có thể đạt đến Nước Trời, nơi mà Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta bữa tiệc, ân sủng của Chúa sẽ luôn mở đường và cùng đồng hành với chúng ta trên hành trình tiến về Núi Thánh, Đền Thánh để dự Bữa Tiệc Thiên Quốc.
 
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, Đức Chúa đã phán cùng ngôn sứ Khácgai: Hãy lên núi tái thiết Đền Thờ cho Ta, và Ta sẽ vui thích. Nhà của Đức Chúa sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân, chứ không chỉ của người Dothái. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô đã cho thấy Danh Chúa thật cao cả giữa chư dân, chư dân nghĩa là dân ngoại, như lời ngôn sứ Dacaria đã tiên báo: Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa, chúng sẽ thành dân thánh của Ta. Thánh Syrilô nói: Thời Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, đã xuất hiện một Đền Thánh vinh quang hơn, huy hoàng hơn và cao trọng hơn bội phần so với đền thờ cũ.
 
Điểm đến chung cuộc của chúng ta chính là Nước Trời, là Đền Thánh, Núi Thánh, là Bữa Tiệc Thiên Quốc như bài Đáp Ca của ngày lễ hôm nay: Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Này tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên.
 
Niềm hy vọng của chúng ta là chính Chúa, là tiệc vui Thiên Quốc, nhưng, chúng ta lại mải mê thế sự mà đánh mất lòng trông cậy, cho nên, các nhà phụng vụ đã cố tình chọn câu Tung Hô Tin Mừng cho ngày lễ hôm nay là: Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta.
 
Niềm hy vọng của chúng ta, được ngôn sứ Isaia khẳng quyết cách chắc chắn trong bài đọc một là:  Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc. Ngày ấy, người ta sẽ nói: Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và chúng ta đã được Người thương cứu độ. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô nói với các tín hữu Philípphê rằng: Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Với niềm xác tín thẳm sâu, thánh nhân tuyên bố: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.
 
Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu cho thấy Bữa Tiệc Thiên Quốc bao gồm đủ mọi thành phần, qua lệnh truyền của nhà Vua: Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. Tuy nhiên, có một người không mặc y phục lễ cưới. Thánh Mátthêu cố tình nói “có một người”, vậy là, mọi người đã mặc y phục lễ cưới, chỉ có người này cố tình không mặc y phục lễ cưới, và bằng chứng là, khi nhà Vua hỏi tới, thì người ấy câm miệng không nói được gì. Người này không có một lý do nào để phân trần, biện hộ cho mình, và đương sự cũng không cậy nhờ vào lòng thương xót của nhà Vua, mà van xin tha thứ. Vì thế, người này đã bị trói chân tay lại, bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
 
Ơn cứu độ, Nước Trời, Bữa Tiệc Thiên Quốc là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, Chúa luôn mời gọi chúng ta tiến về Núi Thánh, lên Đền Người ngự, ở nơi đó, Chúa dọn sẵn cho chúng ta một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Ấy thế mà, chúng ta không thèm đếm xỉa tới lời mời gọi của Chúa.
 
Bữa Tiệc Thiên Quốc là một lời mời, nên cần chúng ta đáp lời; là một lời hứa, nên cần chúng ta cộng tác để thực hiện; là một hành trình, nên cần chúng ta tiến bước; là một niềm hy vọng, nên cần chúng ta vững dạ cậy trông. Mọi sự đã sẵn sàng, ân sủng của Chúa luôn mở đường và cùng đồng hành với chúng ta, chỉ cần chúng ta mở lòng đón nhận: khoác trên mình chiếc y phục lễ cưới, mà chính Đức Kitô đã mặc khi vào trần gian: đến không phải để được hầu hạ, nhưng, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống vì chúng ta.
 

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây