Các bạn thân mến!
Thông thường khi nói đến mùa chay, chúng ta nghĩ ngay đến việc sám hối. Vậy thì sám hối có giá trị gì và nó có liên quan gì đến ngày lễ Chúa biến hình hôm nay. Sám hối là tiến trình mỗi người mang cuộc biến hình của mình vào cuộc biến hình của Chúa. Thực ra sám hối là một tiến trình hoán cải (Metanoia) bằng sự quảng đại hiến mình (Kenosis), và sự hiến thân phục vụ (Diakonia) và trong sự hiệp thông (Koinonia) giữa Thiên Chúa và con người, và giữa người với người.[1] Để có thể sống tinh thần mùa chay và dấn thân vào việc sám hối thực sự, chúng ta cần chấp nhận được biến hình bằng việc chấp nhận sự từ bỏ, tham gia vào mối mối hiệp thông và việc lắng nghe Lời Người.
Biến hình là chấp nhận sự từ bỏ
Sám hối là tiến trình tham gia của cuộc biến hình cá nhân vào cuộc biến hình của Thiên Chúa. Abram là người đã lắng nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa. Nhờ cuộc biến hình cá nhân ngang qua việc sống vâng phục trong đức tin mà không chỉ ông và cả dân tộc của ông được chúc phúc. “1 Hồi ấy, Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.”[2] Abram đã chấp nhận tử bỏ để trở nên lớn lao. Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cũng cho thấy tiến trình biến đổi cá nhân vào cuộc biến hình của Thiên Chúa. Bối cảnh của đoạn Tin Mừng diễn ra khi Chúa Giê-su đem ba môn đệ thân tính lên núi “tĩnh tâm.” Đang khi người cầu nguyện thì dung mạo người đổi khác, y phục người trở nên trắng tính. Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông và bày tỏ vinh quang của Ngài cho các ông. Một mặt cuộc biến hình của Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài. Cũng giống như Thiên Chúa đã từng biểu lộ vinh quang của Ngài cho Mô-sê. Sau thị kiến của Mô-sê với Thiên Chúa trên núi Sinai, khuân mặt ông trở nên sáng láng. Chúa Giê-su là hình ảnh Mô-sê mới cũng trở nên sáng láng sau khi diện kiến Thiên Chúa. Dĩ nhiên bản thân Ngài cũng là Con Thiên Chúa. Mặt khác cuộc biến hình cũng mời các ông sống sự hoán cải, thay đổi cái nhìn về thực tại, về chính mình và về Thiên Chúa.
Theo Lonergen, hoán cải tôn giáo diễn ra ở ba cấp độ: hoán cải tri thức, hoán cải luân lý và hoán cải thiêng liêng.[3] Hoán cải tri thức là sự biến đổi từ chân trời tri thức cảm giác đến tri thức qua trung gian ý nghĩa, được mặc khải cho chúng ta qua tiến trình của kinh nghiệm, phán đoán và đức tin. Hoán cải tri thức mời gọi chúng ta phân biệt giữa chân lý tự thân và chân lý cho ta. Chân lý tự thân có tính khách quan, còn chân lý cho ta mang tính chủ quan. Hoán cải tri thức mời gọi chúng ta thay đổi cái nhìn và tri nhận chân lý từ tri thức chủ quan đến chân lý khách quan.[4] Còn hoán cải luân lý là sự thay đổi tiêu chuẩn luân lý từ luân lý mang tính đền bù (tội lỗi) đến luân lý mang tính giá trị. Tôi làm điều tốt không chỉ vì do việc đền bù tội lỗi của tôi nhưng do chính giá trị đó là tốt nên tôi làm. Hoán cải tôn giáo giống như kinh nghiệm được tình yêu chiếm hữu, ân sủng thánh hóa (Augustine), giống như Karl Rahner định nghĩa hóa cải là tự nguyện chấp nhận kinh nghiệm tôn giáo nền tảng của khuynh hướng không thể “thoát khỏi” của con người hướng về mầu nhiệm mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản hoán cải là sự thay đổi toàn thể lối sống theo khao khát tối hậu. Hoán cải tôn giáo là hoạt động nền tảng của ngã siêu việt khai mở cho một người thực tại sung mãn đằng sau cái ngã.[5] Như thế bất cứ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa một cách đích thực nào đều dẫn đến sự thay đổi những tiêu chuẩn và hành vi chọn lựa.
Biến hình là bước vào tương quan thân mật của Cha và con
Kinh nghiệm biến hình khởi từ và dẫn vào tương quan thân mật Cha và Con. Tin Mừng cho thấy, trong cuộc biến hình, các môn đệ được ánh sáng bao phủ. Trong ánh sáng đó, các môn đệ nghe được tiếng Chúa Cha nói về Chúa Con. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”[6] Chúa Cha mặc khải căn tính thần linh và mối tương quan thân mật của Cha và Con cho các môn đệ. Nếu như trong lời tuyên xưng của Phê-rô, Chúa Giê-su đã mặc khải căn tính Thiên Sai của Ngài thì nơi cuộc biến hình trên núi, trong cuộc thần hiện này, Chúa Cha đã mặc khải tương quan thâm sâu của Ngài và Chúa Con cho các môn đệ. Chỉ ở trong sự thân mật này mà chúng ta được trở nên người con và người đồng thừa tự với Thiên Chúa.
Khi được bước vào tương quan thân thiết và cá vị với Chúa, con người cảm thấy bất xứng, sợ hãi. Đứng trước sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa, con người cảm thấy bất xứng. Kinh nghiệm được Chúa dụng chạm làm cho các ông hoảng hốt. “6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : “Trỗi dậy đi, đừng sợ !”[7] Điều cần thiết khi được Thiên Chúa đụng chạm là đứng lên và can đảm sống điều Chúa mời gọi.
Biến hình là vâng nghe Lời Người.
Lời của Chúa Cha nói với mỗi người chúng ta. “Hãy vâng nghe Lời Người.” Lời đó là ngôi vị, lối sống, giáo huấn. Lời có sức biến đổi, chữa lành và phục hồi. Lời đó mời gọi mỗi người chúng ta sống giáo huấn của Chúa trong môi trường cá nhân, cộng đoàn và gia đình. Nói cách khác vâng nghe lời Người là sống kinh nghiệm cuộc biến hình mỗi ngày, là được lên núi với Chúa, gặp gỡ được ánh sáng, là hoán cải con tim, để cho ánh sáng chạm vào và trở nên chứng nhân ánh sáng bằng đời sống phục vụ. Cuộc biến hình cá nhân chỉ có thể diễn ra nếu mỗi người được tham dự vào cuộc biến hình của Chúa Ki-tô. Cuộc biến hình trên núi Tabor giúp các môn đệ tiền dự vào mầu nhiệm phúc sinh nhưng cuộc biến hình nơi cái chết và sự phục sinh mới là cuộc biến hình toàn diện. cuộc biến hình đó đụng vào chiều sâu hiện hữu và toàn thể thực tại. Cuộc biến hình đó diễn ra nơi Thập Giá và nơi Ngôi Mồ Trống, nơi mà cái chết và sự phục sinh của Chúa đụng chạm đến mỗi người và với toàn thể thụ tạo.
Vâng nghe là đón nhận Tin Mừng đã được biểu lộ cách nhưng không cho chúng ta và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. “Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.”[8] Vâng lời là dấn thân phục vụ cho sự sống, là đem kinh nghiệm trên núi vào đời, là biến đổi từ văn hóa sự chết thành văn hóa sự sống, là đứng lên để làm chứng cho Chúa.
Trong sứ điệp mùa chay năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxico vạch ra hai lộ trình để cùng lên núi với Chúa và cùng với người đạt mục tiêu.[9] Lộ trình thứ nhất xuất phát từ mệnh lệnh của Chúa Cha. “Hãy lắng nghe lời Người !” Mùa Chay là thời gian để chúng ta lắng nghe lời mời của Chúa Giê-su ngỏ với chúng ta. Ngài có nhiều cách ngỏ với chúng ta. Tuy nhiên Đức Thánh Cha Phanxico đề nghị hai cách lắng nghe Chúa Giê-su là lắng nghe Lời Chúa trong phụng vụ và lắng nghe Lời Chúa trong anh chị em khác. Thế giới này nay, người ta thích động hơn thích tĩnh. Một phần là bởi vì động có vẻ làm cho người ta dễ bị cuốn hút. Đôi khi người ta không biết làm gì khi người ta ở lại trong sự tĩnh lặng. Tuy nhiên nên nhớ rằng tĩnh lặng không đồng nghĩa với sự trống rỗng nhưng tĩnh lặng bao gồm sự tròn đầy. Lộ trình thứ hai mời gọi chúng ta hướng về mục tiêu của mùa chay là hướng về Đức Ki-tô. “Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh: “tĩnh tâm” tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương thế chuẩn bị cho chúng ta trải nghiệm cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu với đức tin, đức cậy và đức mến, hầu đạt tới sự phục sinh.” Mùa chay là thời gian để lắng nghe lời Thiên Chúa ngỏ với con người qua Thần Khí của Người và qua Đức Ki-tô. Dĩ nhiên để có thể lắng nghe được mỗi người cần một sự hoán cải liên tục trong việc không ngừng mở ra không gian nội tâm cho sự hoạt động của Thần Khí, và cho sự thiện. Đồng thời hướng đến Đức Ki-tô như là đích điểm của hành trình đối thoại. Nói cách khác hoán cải là tiến trình mỗi cá nhân tham gia vào cuộc biến hình của Chúa Giê-su từ việc bước vào mối tương quan thân mật giữa Cha và Con bằng một đời sống quảng đại hiến dâng phục vụ. Với những gợi ý trên, một cách cụ thể, đâu là khía cạnh trong đời sống của tôi cần để cho cuộc biến hình của Chúa đụng chạm và biến đổi? “Lạy Chúa, xin hãy dạy con, lạy Chúa, xin biến đổi con. Không đợi an ủi nhưng đem ủi an. Không đợi người giúp nhưng tìm giúp người. Không đợi yêu thương nhưng gieo tình mến…”[10]
Gioan Phạm Duy Anh SJ
[1] https://www.hprweb.com/2014/01/communion-community-and-communication/
[2] St 12,1-2
[3] Giovanni B. Sala, S.J. Theological Aspects of Bernard Lonergan’s “Method in Theology, ” Translated by Donald E. Buzzelli (http://www.lonergan.org/dialogue_partners/Sala/theological_aspects_of_bernard_l.htm)
[4] Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Hướng Tới Sự Hoán Cải Toàn Vẹn, 01/04/2019
[5] https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/conversion-ii-theology
[6] Mt 17, 5
[7] Mt 17, 6-7
[8] 2 Tm 1, 10
[9] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-nam-2023-cua-duc-thanh-cha-phanxico-50301
[10] Lê Quang Ánh, Lời Kinh Cuộc Đời (https://thanhcavietnam.net/LoiNhac/showthread.php?t=5393) Truy cập ngày 27/02/2023
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn