Tin Mừng: Mt 5,17-37
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22a Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.
27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình. 28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.
33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34a Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : đừng thề chi cả.
37 Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’ ; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”
Một khuynh hướng trong đời sống đạo là cắt nghĩa luật Chúa, luật Giáo Hội cho nhẹ bớt đi, để dễ cho mình! Ngay giữa các cộng đoàn đời sống tu hành, những người lạng lách luật lệ, né tránh người có trách nhiệm, thì tự coi mình là khôn! Và trong các cộng đoàn đức tin, các cộng đoàn tu hành, khi ai muốn sống cách tích cực các luật lệ, thì bản thân người ấy cảm thấy ngại ngùng, còn những người khác thì nói: anh/chị thánh thiện thì làm vậy, còn tôi thì không dám. Câu nói này không diễn tả sự khiêm tốn, nhưng có ý mỉa mai và coi mình là người bình thường, còn người giữ luật tử tế là khác thường hay bất thường!
Chúa Giêsu nói: một chấm một phẩy trong luật cũng không được bỏ, và Ngài đánh giá thấp những người bỏ những điều được coi là nhỏ bé ấy mà còn dạy người khác làm như vậy!
Chúa Giêsu không theo khuynh hướng nệ luật hình thức như những người Do Thái đương thời, nhưng Ngài hướng đến chiều sâu của luật lệ. Không phải là giết người mới có tội, mà chửi rủa, đay nghiến người khác là đáng tội rồi. Không phải ngoại tình mới có tội, mà ước muốn dâm ô trong lòng là đáng tội rồi...!
Như vậy, điều mà Chúa Giêsu gọi là “một chấm, một phẩy” không phải là những ràng buộc mang tính hình thức bên ngoài, nhưng là những điều nhỏ bé ngay từ trong lòng. Phải quan tâm ngay từ những thái độ, hành vi nhỏ bé trong đời sống hàng ngày, bởi vì chúng xuất phát từ những tư tưởng không tốt, những tâm tư không yêu thương ở bên trong. Đừng xem thường những điều nhỏ bé bên trong này vì chúng sẽ đưa đến những thái độ, những hành vi bên ngoài và làm nên giá trị của những điều bên ngoài.
Sống hết mình với tinh thần của luật Chúa, ngay từ những tư tưởng, tâm tình bên trong, đó mới là sự khôn ngoan đích thực. Sống ý nghĩa của hy sinh, yêu thương của thập giá mới là khôn ngoan đích thực, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Hc 15, 15-20 và 1 Cr 2, 6-10 qua lăng kính Mt 5, 17-37, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên A hôm nay cho thấy Thánh Ý của Thiên Chúa như được phản ảnh qua những lề luật, những huấn thị, những giới răn nhằm nhắc nhủ con người sống sao cho đẹp ý Chúa, và nhờ đó hoàn thành được căn tính là người của mình, đồng thời tạo ra được hạnh phúc đích thực cho mình và cho mọi người, vốn được mặc khải ra tuần tự, từng bước từng bước, qua các thời kỳ khác nhau, tùy theo nhu cầu và khả năng đón nhận cũng như tiếp thu của con người, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Cr 2, 6-10 : ở đây, Phaolô cho thấy Thiên Chúa từ vĩnh hằng đã có một kế hoạch tình yêu cho con người, vốn thường được gọi là mầu nhiệm tình yêu, và sẽ được mặc khải ra lúc đến thời đến buổi cho những ai mà Ngài muốn, lúc nào và ở đâu mà Ngài muốn, và cách nào mà Ngài muốn [“Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.” (2, 7)]…
(2) Thứ đến, trong Hc 15, 15-20 : ở đây, cho thấy những giới răn, lệnh truyền, lề luật Thiên Chúa ban luôn luôn tốt và có ích cho con người[“Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì sẽ được cái đó…Đức Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.” (15, 17.20)]…
(3) Sau cùng, trong Mt 5, 17-37 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy, giữa CƯ và TƯ, có sự khác biệt về đòi hỏi của tình yêu, CƯ quan tâm đến đức công bằng theo kiểu cứng nhắc, còn TƯ quan tâm nhiều hơn đến tình yêu [“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng : ‘Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa’…” (5, 20-21tt)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Một trong những nét khác biệt giữa CƯ và TƯ, đó là CƯ, đặc biệt những người Do Thái thời Đức Giêsu, có khuynh hướng coi trọng Lề Luật hơn con người, còn TƯ, qua Đức Giêsu-Kitô, ngược lại, coi trọng con người hơn Lề Luật, vì Lề Luật được làm ra vì con người, chứ không phải con người được tạo ra vì Lề Luật…
(2) Một nét khác biệt nữa, đó là tương quan tình yêu giữa con người với nhau, đối với CƯ, được giới hạn bởi quan niệm công bằng cứng ngắc như luật “mắt đền mắt và răng đền răng”, còn đối với TƯ, qua Đức Giêsu-Kitô, một tình yêu đích thực đó là một tình yêu nhưng không, vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới, tình yêu mà suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội, qua biết bao nhiêu con cái của mình, giáo dân, tu sĩ nam nữ, đã sống chết cho các bệnh nhân của những căn bệnh trầm kha, phong cùi, nhiễm HIV, siđa…vì tình yêu đối với Thiên Chúa, Giáo Hội, những người nghèo khổ và bất hạnh ...
Sống trên đời, lý tưởng và mẫu mực mà chúng ta chọn lựa không phải là một vĩ nhân nơi trần thế. Lý tưởng sống của người tín hữu là chính Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố: Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Nhờ việc chuyên chăm thực hiện giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta có thể sống theo sự thật và nên hoàn hảo trong cuộc đời trần thế, là bảo đảm hạnh phúc Nước Trời.
Tự bản chất, con người dễ dàng dối trá với người khác và dối trá với cả chính mình. Vì dối trá, người ta sẵn sàng xúc phạm đến tha nhân, thậm chí xúc phạm cả Thiên Chúa. Đức Giêsu dạy chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Bài Tin Mừng hôm nay là tổng hợp nhiều nội dung giáo huấn, nhằm giúp con người sống ngay thẳng trước mặt Chúa và đối với anh chị em đồng loại. Trong giáo huấn này, Chúa khuyên chúng ta, lòng bác ái trung thực đối với tha nhân còn quan trọng hơn của lễ dâng cho Chúa. Chính vì vậy, khi dâng lễ, nếu trong lòng còn những uẩn khúc và mâu thuẫn đối với người khác, thì điều ưu tiên là hãy làm hòa với nhau, vì Chúa chỉ nhận của lễ dâng của người có tâm hồn bình an thanh thản. Thông thường, người ta dễ dàng nói những lời hoa mỹ đối với Chúa, nhưng lại dùng những lời thô tục hoặc cứng cỏi với tha nhân. Sống theo sự thật là tạo mối tương quan chân thành với Chúa cũng như với anh chị em mình.
Nhờ sống theo sự thật mà chúng ta dễ dàng thực thi Luật Chúa. Chúa Giêsu giảng dạy như một nhà cải cách luật pháp. Người không dừng lại ở chữ nghĩa hay những công thức lý thuyết khô cứng, nhưng chú trọng đến tinh thần, đến tâm hồn của người giữ luật. Quả thật, người muốn nên hoàn thiện không chỉ giữ con mắt giác quan bề ngoài, nhưng còn giữ tâm hồn và ý tưởng của mình ngay thẳng trung thực. Vì sống ngay thẳng, nên người ta không cần thề thốt. Chúa Giêsu lên án những thói quen nơi người Do Thái bình dân thời bấy giờ. Họ thường lấy Danh Thiên Chúa hoặc Đền thờ Giêrusalem để thề, để chứng minh cho sự trung thực của mình. Chúa nói: đừng thề chi cả, nhưng có thì nói có, không thì nói không; thêm thắt đặt điều là do ác quỷ mà ra. Quả vậy, trong con người chúng ta vẫn có “ác quỷ” tức là mầm mống của sự dối trá. Bổn phận của người tin Chúa là phải làm sao để mầm mống của sự thật lớn lên và sinh hoa kết trái, đẩy lui ảnh hưởng của sự dối trá đang hủy hoại tâm hồn và làm cho con người lạc hướng.
Tác giả sách Huấn Ca dạy chúng ta hãy khôn ngoan trong cách sống và trong nhận định của mình. Nhờ khôn ngoan mà chúng ta chọn lựa những gì ích lợi thiêng liêng và bền vững, đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho những người xung quanh. Ông đã dùng một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu: Đức Chúa đặt trước mặt con người lửa và nước, nếu muốn gì thì giơ tay mà lấy; Đức Chúa đặt trước mặt họ cửa sinh và cửa tử…Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội (Bài đọc I). Như thế, Thiên Chúa ban cho con người có tự do để chọn lựa sự sống hay sự chết cho mình, để rồi họ phải lãnh trách nhiệm về những chọn lựa cũng như những hệ lụy của chọn lựa ấy. Vì con người hay lạm dụng tự do, nên Chúa đã thiết lập lề luật làm nền tảng để lượng giá những hành động của họ. Lề luật của Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi lề luật của loài người, nên luật đó có giá trị ưu tiên. Mọi dân luật đều phải dựa trên luật của Thiên Chúa đã khắc ghi vào lương tâm con người.
Nếu sự khôn ngoan là một chọn lựa và tìm kiếm để nên hoàn thiện, thì theo nhãn quan Kitô giáo, Chúa Giêsu chính là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa Cha. Đức Khôn Ngoan đã nhập thể, mang lấy thân phận con người để chung chia phận người với chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết: rao giảng Đức Kitô là rao giảng sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Đón nhận sự Khôn Ngoan chính là đón nhận Thiên Chúa. Chính vì vậy, lý tưởng của người Kitô hữu là chính Chúa Giêsu, là Sự Khôn Ngoan vĩnh cửu và là Đấng Cứu độ trần gian. Thánh nhân cũng mời gọi chúng ta hãy hành xử theo sự khôn ngoan đích thực, chứ không phải lẽ khôn ngoan theo quan niệm thế gian. Trong tiến trình tìm kiếm sự Khôn Ngoan, có Thần Khí giúp đỡ chúng ta, để chúng ta không nản chí và không thất vọng.
Hành trình đức tin là hành trình tiến theo Sự Thật và tìm kiếm sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Xin Chúa cho chúng ta được ơn kiên trung, để mặc dầu giữa những biến động của trần gian, chúng ta vẫn luôn gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Một khi trung thành với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng sống trung thực đối với anh chị em mình
Suy niệm 4: CHỈ MỘT CHỮ YÊU - Bông hồng nhỏ
Chúa Giêsu là một người thầy vĩ đại vì Ngài không dạy mà còn sống như lời mình đã dạy. Bao người mộ mến đi theo Chúa và được Người yêu thương. Thế nhưng, trước những việc làm tốt đẹp của Chúa Giêsu, các người Biệt phái và những người Pharisêu tỏ ra rất khó chịu, họ tìm cách giết Người. Các môn đệ cũng lầm tưởng theo kiểu thế gian về những việc Thầy đang làm. Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Chúa Giêsu đã kiện toàn điều gì nơi Lề Luật?
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng,… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Đó là cách Người gợi nhắc cho các môn đệ nhớ lại điều Luật xưa đã dạy và lắng nghe điều Thầy dạy ngay lúc này đây. Tất cả những gì Luật Môsê chỉ dẫn, các môn đệ đều phải giữ nhưng bấy nhiêu thôi thì chưa đủ. “Nếu anh em không sống công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Các kinh sư và những người Pharisêu chỉ sống công chính bằng việc giữ Luật mà bỏ qua lòng nhân ái. Sự công chính mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người phải sống đó là luật yêu thương. Luật yêu thương sẽ giúp chúng ta vươn cao hơn mãi. Tình yêu sẽ làm cho con tim của chúng ta triển nở hơn mỗi ngày. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sống yêu thương. Yêu thương là luôn đi bước trước. “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24). Ai trong chúng ta sẵn sàng bỏ qua tự ái để đi làm hòa với người khác? Của lễ nào là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa? Đó chẳng phải là tình yêu thương, lòng vị tha chúng ta dành cho nhau sao. Nếu như lòng tự ái của chúng ta cao quá, chúng ta vẫn ở lại dâng lễ vật đang khi tình huynh đệ đang bị rạn nứt thì nào có đẹp lòng Chúa đâu. Để có thể làm một bước đi mới như Chúa đòi hỏi, chúng ta cần để cho lòng mình lắng lại, để cho tình yêu chiến thắng ích kỷ và hận thù trong lòng, nhờ ơn Chúa, chúng ta mới có thể bước đến với người anh em, nhất là đến với người mà ta không mấy dễ chịu. Mỗi ngày, trước những chọn lựa, trong những chọn lựa và sau những chọn lựa của chính mình, chúng ta hãy tự hỏi: “Trong trường hợp này, con muốn như thế. Còn Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.
Lạy Chúa Giêsu! Để sống được điều Chúa dạy, mỗi ngày Chúa vẫn mời gọi con vượt qua chính mình. Xin Chúa thanh luyện tâm hồn và trái tim con, xin thánh hóa ánh mắt con, lời nói của con và những hành động con dành cho anh chị em con. Xin Chúa luôn ở lại trong trái tim của con, trong lý trí và ở lại trên ánh mắt của con, trong lời nói của con, trên từng việc con làm, để tất cả chỉ vì một chữ yêu mà con trở nên môn đệ của Chúa. Amen.
Tác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn