Suy niệm - Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm A

Thứ bảy - 11/03/2023 09:41
cn 3 mc

Tin Mừng: Ga 4,5-42

5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” 11 Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” 13 Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” 19b Người phụ nữ lại nói : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” 21 Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” 25 Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
39a Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2:  LÀM DỊU NHỮNG CƠN KHÁT BẰNG NƯỚC HẰNG SỐNG - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 3: CHÚA GIÊSU KITÔ, GIẾNG NƯỚC ĐẦU LÀNG −  Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn






Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

Anh chị em thân mến! có bao giờ trong cuộc sống, anh chị em trải nghiệm cảm giác hối hận, đau đớn, thậm chí chê ghét bản thân mình vì chợt nhận ra mình đã làm tổn thương người đã hết lòng yêu mình chưa? Và thường cảm giác đớn đau hối hận ấy, hoặc dẫn đến một thái độ tiêu cực: xấu hổ để rồi tránh xa không dám đến gần người đó nữa; nhưng thường thì mang mình đến một thái độ tích cực: xin lỗi, làm hòa và dành phần còn lại đời mình để yêu thương, bù đắp những tổn thương mình đã gây ra cho họ. Tôi nhớ lại tâm sự của một người con sau khi hoàn thành chương trình Đại Học đã phát hiện ra một bí mật như thế. Là một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Anh dựa vào đó để không chịu học hành. Cha của anh đã công khai cắt hết mọi trợ giúp cho anh khi anh bước vào những năm Đại Học. Anh phải làm việc kiếm sống và nhận sự trợ giúp của một ân nhân giấu mặt. Anh vô cùng căm ghét người cha đã bỏ rơi anh trong khi tỏ lòng thầm biết ơn vị ân nhân âm thầm giúp anh hoàn thành chương trình Đại Học. Ngày tốt nghiệp ra trường trong niềm vui xen lẫn cả giận dữ, tức tối. Anh dự định sẽ gặp lại cha anh để tỏ thái độ thách thức và trút cơn tức giận của mình. Nhưng rồi mọi sự đã thay đổi khi nhà trường cho anh hay rằng: vị ân nhân giấu mặt ấy chẳng là ai khác: người cha thân yêu của anh. Vì muốn giúp anh trưởng thành, ông đã âm thầm bàn với nhà trường kế hoạch ấy. Ông chấp nhận bị hiểu lầm, chống đối, coi thường, giận dữ ...của con ông chỉ với mong ước con ông trưởng thành. Vâng! Một tình yêu chấp nhận bị tổn thương. Con trai ông trở về nhà với nước mắt hạnh phúc sung sướng xen lẫn cả hối hận vì đã hiểu được tình cha thế nào. Họ đã được lại nhau một cách trọn vẹn
Câu chuyện có thật này gợi tôi đến một câu chuyện có thật giữa người Cha là Thiên Chúa và mỗi chúng ta là con yêu dấu của Người. Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn hơn cả chúng ta yêu bản thân mình; Người yêu như điên như dại; yêu như cha yêu con, chồng yêu vợ; yêu chấp nhận mạo hiểm, bị tổn thương; yêu đến độ hiến ban người con Một yêu dấu của Người cho nhân loại để họ được sống và sống dồi dào. Nhưng thật tiếc thay, ngay từ đầu con người đã nghi ngờ tình yêu này theo lời xuyên tạc của ma quỷ. Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho con người điều tốt nhất. Nhưng theo lời ma quỷ, con người lại nghĩ rằng Thiên Chúa không thực sự yêu họ. Người sợ con người bằng mình nên che dấu bí mật và lừa dối con người bằng việc dùng cái chết đe dọa. Con người đã làm tổn thương Thiên Chúa ngay từ đầu qua việc chà đạp lên tình yêu và mệnh lệnh của Người. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Tình yêu Người dành cho con người vẫn mãi như thế. Thiên Chúa vẫn vui thích ở giữa con người
    Trong bài đọc thứ nhất trích sách Xuất Hành mà chúng ta vừa nghe. Đoạn sách tuy ngắn ngủi nhưng làm sống mũi chúng ta cay cay vì xúc động. Thiên Chúa vẫn ở giữa họ như Đấng Hằng Hữu để thấy, để nghe và cuối cùng cứu họ thoát ách nô lệ của người Ai-cập. Vậy mà chỉ một chút thiếu thốn vật chất, họ đã chà đạp lên Đấng yêu thương họ. Họ ca thán rằng: Có Đức Chúa ở giữa chúng ta không? Xúc phạm Thiên Chúa chưa đủ, họ xúc phạm luôn tôi tớ của Thiên Chúa là Mô-sê, vị ân nhân đưa họ thoát ách Ai-cập và là ân nhân cứu mạng họ khi nhiều lần nài xin Thiên Chúa đừng đánh phạt dân vì tội lỗi của họ “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát không?” Nói theo kiểu Việt Nam, họ đúng “là thứ người ăn cháo đá bát!” Thậm chí họ muốn ném đá Mô-sê cho đến chết. Đối diện với một dân như thế, Thiên Chúa, thay vì để cho họ chết vì tội bất trung của họ, Người lại yêu thương cứu họ. Người lệnh cho Mô-sê “ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đạp xuống sống Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở Tảng Đá trước mặt người, trên tảng đá ở Núi Kho-rep. Ngươi sẽ đạp vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Giọng của Thiên Chúa vẫn trầm tĩnh không chút giận dữ. Người vẫn trung tín với giao ước như là Chúa của dân như Đá Tảng. Người chấp nhận bị thử thách và gây sự vì yêu và nên mạch nước nuôi sống đoàn dân đang khát được no thỏa. 
    Trang Tin Mừng theo thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe trình thuật lại cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Samaria bên giếng Gia-cóp. Cuộc gặp gỡ với bầu khí khởi đầu chẳng có chút gì thân thiện nếu không nói là căng thẳng từ phía người phụ nữ “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Samaria, cho ông uống nước sao?”dù Đức Giê-su bày tỏ một thái độ chân thành “chị cho tôi xin chút nước uống.” Chúa Giê-su hiểu được nguồn cơn sâu sa của thái độ căng thẳng nơi người phụ nữ khi nhấn mạnh cụm từ “người Do Thái” và người Samaria.” Đó là một vết thương trong lịch sử dân tộc và tiếp tục rỉ máu qua các thế hệ kế tiếp. Chúa Giê-su đến để xóa bỏ ranh giới thù hận đó tạo nên một dân mới, mà việc việc thờ Chúa không phải ở đây hay ở kia nhưng “trong tinh thần và chân lý.” Người biết mình sẽ làm gì. Vì thế, bỏ qua những căng thẳng từ phía người phụ nữ Samaria, Chúa Giê-su bắt đầu dân người phụ nữ đi vào cuộc đối thoại với mục đích để tỏ cho chị biết Người là ai? Và cuộc đối thoại thực sự là một thành công khi người phụ nữ dần dần nhận ra người đàn ông xin nước uống từ cô ấy không đơn thuần là một người đàn ông Do Thái khát nước. Bắt đầu với thắc mắc “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp...” rồi đến lời cầu xin với Chúa Giê-su “Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi  hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Rõ ràng, với người phụ nữ, nước Chúa Giê-su nói đến vẫn chỉ là một thứ nước kỳ diệu làm con người không bị cơn khát hành hạ. Chúa Giê-su biết điều này nên Người tiếp tục dẫn người phụ nữ đi sâu hơn vào cuộc đối thoại để tỏ cho chị biết chân dung thật sự của Người. Người bắt đầu cho chị thấy Người biết rõ về chị, về cuộc sống hôn nhân của chị. Chị bắt đầu nhận ra “Người thật là một ngôn sứ.” Và khi nghe Chúa Giê-su nói đến “giờ” con người thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải là “trong Thần Khí và Sự Thật,” người phụ nữ lên tiếng “Tôi biết Đấng Mesia gọi là Đấng Ki-tô sẽ đến. Khi người đến, người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Ngay lập tức, Chúa Giê-su tỏ cho chị biết “Đấng ấy chính là Người đang nói với chị.” Người phụ nữ vội bỏ dở cuộc đối thoại để chạy vào thành với lời loan báo: “Đến mà xem; có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô.” Đoạn Tin Mừng với một kết thúc tuyệt đẹp: có những người đã tin vào Chúa Giê-su vì nghe lời chứng của người phụ nữ. Họ xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại với họ hai ngày. Nhờ đó, số người tin vào Chúa vì được nghe những lời của Người còn nhiều hơn nữa. Họ xác nhận “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng NGƯỜI THẬT LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
    Anh chị em thân mến! Vượt qua những căng thẳng mang tính lịch sử giữa dân Do Thái và Samaria qua cuộc đối thoại với người phụ nữ và sau đó là đám đông dân thành Samaria, Chúa Giê-su đã đưa họ đến chỗ nhận biết và tin vào Người là ngôn sứ, Đấng Mesia và Đấng Cứu Độ của họ. Để nên Đấng Cứu Độ, Đấng ban cho họ Nước Hằng Sống Linh Thiêng mang lại sự sống muôn đời, Chúa Giê-su đã nên Tảng Đá qua cái chết trên thập tự. Ngọn giáo của tên lính đâm vào cạnh sườn của Người ví tựa cậy gậy Mô-sê đạp vào tảng đá ở Mê-ri-ra và Maxa để nước chảy ra thỏa cơn khát đoàn dân trong sa mạc, giờ là nước và máu Chúa đổ ra để khơi nguồn sự sống thần linh muôn đời cho nhân loại qua mọi nơi mọi thời. 
    Lạy Chúa Giê-su! Tình Chúa thật cao siêu nhiệm mầu nhưng nhiều khi chúng con lại nghĩ rằng Chúa vắng mặt hay không yêu chúng con như Hội Thánh dạy. Chúng con hiểu lầm xúc phạm Chúa, bất trung bội tín với Chúa khi chúng con gặp thử thách trong cuộc đời, nhất là những thiếu thốn vật chất. Chắc chắn mãi muôn đời Chúa không trách cứ chúng con, trái lại vẫn giang đối tay với đôi mắt hoen lệ chờ mong chúng con trở về để tha thứ, yêu thương. Xin giúp chúng con biết vượt qua những tổn thương trong đời để quay về với Chúa trong đối thoại và cầu nguyện trên kinh Thánh và trong phụng vụ. Xin hãy dắt chúng con từng bước từng bước một như Chúa đã dắt người phụ nữ Samaria, để nhờ đó, đức tin, tình yêu và lòng cậy trông chúng con được làm mới lại như thủa ban đầu. Lạy Chúa xin thương xót, tha thứ và nâng chúng con đứng dậy cùng đi với Chúa trên hành trình tiến về nhà Cha của Chúa. Amen


Suy niệm 2:  LÀM DỊU NHỮNG CƠN KHÁT BẰNG NƯỚC HẰNG SỐNG - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

“Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4,15)

Kính thưa quý ông bà, anh chị em thân mến trong Đức Kitô!
1. Sách Huấn Ca có câu: “Cuộc sống đòi tối thiểu phải có nước uống, cơm ăn, áo mặc và một căn nhà để nương thân” (Hc 29,21). Nước là yếu tố cần thiết cho cuộc sống con người. Con người có thể sống nhiều tuần mà không cần thức ăn, nhưng chỉ sống từ hai đến bốn ngày nếu không có nước.  Mỗi ngày con người cần bổ sung nước cho cơ thể để ngăn ngừa tình trạng mất nước chủ yếu do nước tiểu và mồi hôi. Dù ai cũng biết tầm quan trọng của nước, nhưng mấy ai biết quý trọng nước. Gặp phải cơn hạn hán, chúng ta mới biết nước còn quý hơn vàng và biết trân trọng từng giọt nước. Nếu như thể xác cần có nước để duy trì sự sống thế nào, thì tâm hồn cũng cần nước hằng sống mà Chúa Giêsu ban cho những ai đến với Người,“đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14) thế ấy.
Những cơn khát của con người 
2. Bài đọc một, được trích từ sách Xuất Hành, tường thuật cho chúng ta biết rằng dân Israel gặp phải tình trạng thiếu nước trong sa mạc và họ đã trách móc ông Môsê. Trong sa mạc, thiếu nước thì chẳng khác gì cá bắt lên bờ nằm chờ chết. Vì vậy, dân Israel nổi loạn đến nỗi muốn ném đá ông Môsê (x. Xh 17,4). Thế nhưng, kèm theo cuộc nổi loạn đó là những lời kêu trách của dân Israel và thái độ hoài nghi Thiên Chúa: “Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17,7). Khi gặp chút khó khăn, họ nhanh chóng lãng quên Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm sóc họ. Họ muốn có bánh, Thiên Chúa ban cho họ mana. Họ muốn có thịt, Thiên Chúa ban cho họ chim cút (x. Xh 16). Bấy nhiêu việc Chúa làm cho họ chẳng lẽ cũng không đủ minh chứng sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân của Người hay sao? Họ là một dân dễ dàng kêu trách Thiên Chúa khi họ lâm cảnh thiếu thốn. Thiếu bánh họ cũng than. Thiếu thịt họ cũng than. Đến khi thiếu nước họ cũng than. Thế nhưng, Thiên Chúa không chấp tội những lời than van của họ, vì Ngài thấu hiểu đồ ăn thức uống là nhu cầu cơ bản cho sự sống con người. Ngài kiên nhẫn sửa dạy dỗ họ bài học này là nếu như Thiên Chúa ra tay uy quyền dẫn đưa họ ra khỏi Ai Cập, thì Ngài thừa sức để cung cấp cho họ những thứ cần thiết trong hành trình sa mạc tiến về đất hứa.  
3. Hành trình của dân Israel trong sa mạc là hình ảnh hành trình của mỗi chúng ta tiến về Nước Trời. Thiên Chúa luôn rộng rãi ban nhiều ơn lành cho chúng ta, nhưng chúng ta chẳng bao giờ thấy đủ. Chúng ta không chỉ có cơn khát nước, mà còn có nhiều cơn khát khác nữa. Chẳng hạn, ai có một ít tiền, thì muốn nhiều tiền hơn; ai có một ít đất đai, thì muốn nhiều đất đai hơn; ai có nhà cửa, thì muốn nhà cao cửa rộng hơn; ai có quyền, thì muốn quyền mạnh hơn; ai có địa vị, thì muốn địa vị cao hơn. Những cơn khát đó như là nước biển, mà càng uống thì càng khát. Để giải tỏa những cơn khát của chúng ta, chúng ta bắt Chúa phải làm theo ý chúng ta. Chúng ta xem Chúa như là máy ATM rút tiền để chúng ta rút ơn này đến ơn khác. Nếu Chúa không làm theo ý của chúng ta, thì chúng ta sẵn sàng trách móc Thiên Chúa như xưa dân Israel trong sa mạc. Chẳng hạn, người Việt Nam vẫn có truyền thống thờ Trời và tôn kính Trời, nhưng mỗi lần cuộc sống của chúng ta không êm xuôi, không như ý, chúng ta dễ dàng thốt lên những câu có tính xúc phạm như: “Ông Trời không có mắt!”, hoặc “Ông Trời ác quá!”. Những lời của chúng ta trách móc Thiên Chúa nói lên thái độ vô ơn của chúng ta. Chúng ta thử nghĩ mà xem có điều gì quý giá hơn Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu không? “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Do đó, chúng ta cần không ngừng nhớ rằng Thiên Chúa không có nghĩa vụ ban ơn cho chúng ta, còn chúng ta, dù có được những ơn lành theo như lòng ước nguyện hay không, chúng ta vẫn có bổn phận nhận biết, tôn thờ và yêu mến một mình Thiên Chúa. 
Chúa Giêsu, Đấng ban nước hằng sống 
4. Đến với bài Tin Mừng, chúng ta thấy được cuộc gặp gỡ giữa người xin nước uống là Chúa Giêsu và người phụ nữ thành Samari ra múc nước ở giếng Giacóp. Theo thói tục xã hội thời bấy giờ, một người Do Thái không được giao thiệp với một người Samari (x. Ga 4,9), tức là không kết giao một cách thân thiện,  vì người Do Thái kỳ thị người Samari, xem họ là một dân hổn tạp về chủng tộc, rối đạo do họ chỉ công nhận Ngũ Thư, và ly giáo do họ chỉ biết có đền thờ trên núi Garidim, đối nghịch với Đền Thờ Giêrusalem. Thế nhưng, vượt qua những hàng rào ngăn cản như chủng tộc, tôn giáo, Chúa Giêsu với lòng trắc ẩn và tình yêu của mình đã lôi kéo người phụ nữ Samaria nghe những lời ban sự sống của Người. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc trò chuyện  với người phụ nữ này bằng việc đơn giản xin nước uống (x. Ga 4,7) và kết thúc bằng việc dẫn người phụ nữ này và nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Chúa Giêsu (x. Ga 4,41), qua hình ảnh nước và người ban nước. 
5. Khi Chúa Giêsu nói về “nước hằng sống”, người phụ nữ hiểu lầm theo nghĩa đen, tức là nước thiên nhiên, hay là nước múc từ giếng lên được sử dụng trong sinh hoạt đời thường, như lời cầu xin của chị: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4,15). Chúa Giêsu giải thích cho người phụ nữ biết rằng nước tự nhiên của giếng không thể làm cho hết khát, còn loại nước mà Người ban cho, sẽ giải khát hoàn toàn. “Nước hằng sống” có thể hiểu là lời Chúa Giêsu dạy. Sách Châm Ngôn dùng hình ảnh nước để chỉ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa ban sự sống: “Giáo huấn của hiền nhân là suối nguồn sự sống giúp chúng ta tránh cạm bẫy tử thần” (Cn 13,14). Sau những giải thích về “nước hằng sống”, Chúa Giêsu muốn dẫn chị tiến thêm một bước đến tận suối nguồn sự sống là chính Người. Chúa đã thành công. Đến cuối cuộc đối thoại, chị và những người Samari khác đã đi từ chưa biết Chúa Giêsu là ai, đến nhận biết Người là Đấng Kitô, Đấng cứu độ trần gian. Một khi đã uống nước Chúa Giêsu ban cho, tức là tin vào lời Chúa Giêsu dạy (x. Ga 4,41), họ sẽ không bao giờ khát nữa, vì “nước hằng sống” sẽ trở thành nơi người uống một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời (x. Ga 4,14), như lời Chúa Giêsu đã từng nói rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
6. Cơn khát của người phụ nữ Samari đại diện cho cơn khát của nhân loại. Ai khao khát những đam mê và dục vọng trần thế, những thú vui thế tục, thì sẽ nhận ra rằng chúng không làm thỏa cơn khát của họ. Một minh chứng cụ thể là việc nghiện ma túy. Khi ma túy được đưa vào cơ thể, ma túy tạo nên các cảm giác như khỏe khoắn, hưng phấn, sảng khoái, hay cảm thấy dễ chịu, lâng lâng, sung sướng… Những cảm giác đó mất đi khi hết thuốc. Sau đó người nghiện ma túy rơi vào trạng thái trầm cảm, cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt, vật vã và lên cơn thèm thuốc. Họ nhớ nhung những cảm giác do ma túy mang lại, nên lại tìm đến ma túy. Cái vòng luẩn quẩn: “hút hít – lâng lâng – vật vã – thèm thuốc” cứ thế xoay đều. Người nghiện ma túy, là làm nô lệ cho ma túy. Ai nghiện thứ nào, là làm nô lệ cho thứ ấy. Trái lại, ai khao khát sự thật, công bình, khao khát bình an, hạnh phúc, khao khát tình thương và lòng nhân hậu, khao khát lời Chúa dạy, và nhất là khao khát Thiên Chúa, thì sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. 
7. Tóm lại, con người có những cơn khát. Cơn khát những dục vọng xấu xa, những tâm tình bất chính, những đam mê xác thịt chỉ hạ thấp phẩm giá con người; còn cơn khát “những gì chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen” (x. Pl 4,8), lại nâng cao tâm hồn con người lên đến Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết khao khát nhận biết Thiên Chúa, biết khao khát lắng nghe lời Chúa Giêsu dạy là suối nguồn hằng sống, để được ơn cứu độ Chúa ban. Chúa Giêsu nói: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” (Ga 7,38). Do đó, chúng ta hãy đến với Người để Người ban cho chúng ta lời hằng sống. 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa khát nước vì mệt mỏi đi đường vào ngày nóng, nhưng Chúa càng khát hơn tâm hồn của những ai yêu mến Chúa. Xin cho chúng con biết khao khát yêu mến Chúa để làm dịu một chút nào đó cơn khát của Chúa. Amen.


Suy niệm 3: CHÚA GIÊSU KITÔ, GIẾNG NƯỚC ĐẦU LÀNG −  Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

“Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: ‘Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?’ Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.” (Ga 4, 28-30)
Hành vị bỏ vò nước lại gợi cho chúng ta nhớ đến lời của Đức Thánh Cha trong sứ điệp Mùa Chay năm nay ra khỏi sự tầm thường, phù phiếm, ra khỏi những thói quen, những quy định ràng buộc, để thực hiện một hành trình mới. Việc dân làng Samaria kéo đến với Chúa Giêsu, một người Do Thái khác niềm tin, cũng cùng một sứ điệp. Nước nơi giếng ở ngôi làng Sicar ấy, nơi mà người phụ nữ và dân làng vẫn đến lấy nước hàng ngày để sống. Bây giờ, bà hiểu phần nào lời Đức Giêsu nói: uống nước ấy thì vẫn khát, nhưng chính Người mới có thể ban cho nước hằng sống. Chính Chúa Giêsu mới là giếng nước mang lại sự sống đích thực. 
Giếng nước đầu làng là nơi mọi người tụ họp về đó. Nơi đó, họ cùng múc nước và trò chuyện về mọi thứ trong cuộc sống. Trong hướng suy tư về tinh thần hiệp hành, chúng ta được mời gọi coi Chúa Giêsu là nơi quen thuộc để tụ hội về. Nơi đó, quanh Chúa Giêsu, chúng ta có thể kể cho nhau nghe mọi thứ trong cuộc sống, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả những thời cơ lẫn thương tích, mọi thao thức để xây dựng cộng đoàn. Tất cả những điều ấy được kể cho nhau khi quây quần bên Chúa Giêsu Kitô để múc được sức mạnh, soi sáng từ Người, chứ không phải từ những khôn ngoan trần thế.
Thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu Kitô đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần. Một cộng đoàn quây quanh Chúa Giêsu Kitô là một cộng đoàn yêu thương nhau và sống theo soi sáng và thúc đẩy của Thánh Thần. Đó là một cộng đoàn sinh động, đầy sáng tạo, và tất cả mọi thứ đều nhằm thể hiện và làm phát triển tình yêu thương.
Tinh thần thế tục làm cho giữa các kitô hữu nẩy sinh những đối kháng, phe phái, loại trừ. Tình thần thế tục khiến có người nghĩ mình trên người khác và muốn cộng đoàn phát triển theo ý mình. Đó là tinh thần giáo sĩ trị trong Giáo Hội! Tất cả chúng ta đều uống từ nước mang lại sự sống xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô. Lời Chúa phải là hướng dẫn cho chúng ta đi theo. Theo Chúa Giêsu Kitô, tất cả chúng ta chỉ có một Thầy duy nhất, còn chúng ta đều là môn đệ của Người. 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây