[Bạn đường Đức Giêsu]: Nước hằng sống

Thứ tư - 11/09/2019 18:01

 

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.

Các bạn trẻ thân mến,

Trong chúng ta ai cũng một lần khát, bằng chứng hiển nhiên là mỗi ngày chúng ta uống nước nhiều lần. Mỗi lần uống có thể là một lần ta cảm thấy khát. Khát nước chỉ là một trong nhiều cái khát khác nhau chúng ta từng kinh nghiệm hay chứng kiến. Có người khát những thứ thuộc thể lý; người khác lại khát những điều thuộc về tinh thần. Khát thể lý có thể được đáp ứng dễ dàng nhưng khát tinh thần không phải lúc nào cũng tìm ra được lời giải đáp bởi vì đó có thể là khát tình yêu, khát niềm an ủi, khát hạnh phúc… Cơn khát nếu được đáp ứng sẽ đem lại cho ta cảm giác sảng khoái, vui tươi; bằng không ta bị cơn khát dày vò, thôi thúc mãi. Có khi nó làm cho ta không thực sự là chính mình bởi lúc nào ta cũng thấy thiếu một cái gì đó, tâm trí và năng lượng bị tiêu hao cho những thao thức và ước mong về một thực tại cần được sở đắc hay nếm cảm. Dù sao, khi ta thấy khát, ta đang thực sự là một người sống động.

Là con người, Đức Giêsu cũng khát. Tin Mừng thánh Gioan chương 4 kể rằng một lần nọ trên đường từ Giuđê về Galilê, Đức Giêsu ngồi nghỉ tại giếng ông Giacóp trong miền Samari. Thấy một phụ nữ ra giếng lấy nước, Đức Giêsu lên tiến xin: “Chị cho tôi uống với!” Về thể lý, có lẽ Đức Giêsu khát thật vì Tin Mừng nói rõ rằng “vì đi đường mệt mỏi nên Đức Giêsu ngồi ngay xuống bờ giếng và lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu,” tức khoảng 12 giờ trưa. Đức Giêsu khát thật, nhưng trong thẳm sâu, Đức Giêsu còn một cơn khát khác: khát khao làm theo ý Chúa Cha, khát khao đem tin mừng cứu độ cho mọi người. Lần này là cho những người dân Samari. 

Việc Đức Giêsu lên tiếng xin nước uống khiến chị phụ nữ Samari hết sức ngạc nhiên xen lẫn một chút kỳ thị, chị đáp: “Ông là người Do Thái, tôi là phụ nữ Samari, mà ông lại xin tôi cho ông nước uống sao?” Quả vậy, có một khoảng cách không thể san lấp giữa người Do Thái và người Samari, họ khác biệt nhau về chủng tộc, tôn giáo và tư tưởng. Chắc chắn Đức Giêsu hiểu được điều này và Ngài muốn làm chiếc cầu nối giữa họ, Ngài muốn chữa lành những thương tổn trong tương quan giữa hai dân tộc, tất cả là để chu toàn thánh ý Chúa Cha.

Chị phụ nữ ra giếng lấy nước, chắc chị ta khát nước. Ngoài ra, từ trong sâu thẳm, chị còn khát một tình yêu, một mái ấp hạnh phúc, khát một tâm hồn bình an. Khát nước thể lý chỉ là tạm thời và dễ dàng đáp ứng, ngược lại, khát hạnh phúc đối với chị là cơn khát dai dẳng và không dễ thoả lòng. Đức Giêsu nhìn ra những khát vọng nơi tâm hồn chị phụ nữ. Ngài nhẹ nhàng hướng câu chuyện sang một lối khác: từ việc Ngài xin chị ta nước uống, giờ đây Ngài gợi ý trao tặng chị nước hằng sống, thứ nước không làm người ta khát nữa, nhưng sẽ trở thành nơi người ấy mạnh nước đem lại sự sống đời đời. Mạch nước trường sinh chính là việc nhận ra ân sủng Thiên Chúa ban và tin tưởng vào Đức Giêsu, người được sai đến thế gian. Chị phụ nữ chợt nhận ra ở đời còn có nhiều thứ quan trọng hơn, trường tồn hơn những gì chị đang khao khát và tìm kiếm. Hạnh phúc con người có thời hạn, sự sống đời đời mới làm người ta yên lòng. 

Cách Đức Giêsu gợi chuyện và giải đáp thắc mắc khiến chị phụ nữ nhận ra người đang nói với chị không như những người khác, không khư khư cái thành kiến và kỳ thị đối với người Samari. Lời của Ngài đem lại cho chị bình an và hy vọng, chỉ cho chị thấy đâu là điều chị cần phải tìm kiếm. Đến lúc này, chị phụ nữ chủ động thưa với Đức Giêsu về một thắc mắc tâm linh. Chị vẫn còn phân vân đâu là nơi thờ phượng Thiên Chúa, bởi theo truyền thống cộng đồng người Samari thờ Thiên Chúa trên núi Garidim, còn người Do Thái lại nói phải tôn thời Thiên Chúa ở Giêrusalem. Núi Garidim có vị thế đối nghịch với Giêrusalem, qua đó nói lên sự chia rẽ giữa người Do Thái và người Samari dường như không thể san lấp. Họ thậm chí đối nghịch nhau ngay cả trong sinh hoạt thiêng liêng. Đức Giêsu đã bắc một nhịp cầu nối liền hai dân tộc khi Ngài nhấn mạnh đến thái độ thờ phượng trong Thần Khí và sự thật. Đó là thái độ thờ phượng của tất cả những ai đã lãnh nhận Thần Khí và được nâng lên khỏi lãnh vực xác thịt để trở nên con cái Thiên Chúa. Chính khi tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật, mọi người được nối kết nên một, trở nên con cái của Cha trên trời và là anh chị em của nhau. 

Như người vừa trút bỏ được gánh nặng lâu ngày, người vừa được chữa lành vết thương của chia rẽ và thành kiến, chị phụ nữ tràn ngập niềm an vui. Hơn thế nữa, chị biết người đang nói với chị chính là Đấng Mêsia. Tin mừng này không thể không loan báo cho mọi người. Bỏ vò nước lại, chị phụ nữ liền chạy về báo tin cho mọi người và chia sẻ với họ niềm vui của chị khi gặp Đức Giêsu. “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,29) Chị phụ nữ loan báo tin mừng về Đức Giêsu khởi đi từ chính kinh nghiệm thiết thân của mình, bằng cả cuộc đời và con người của chị. Vò nước bị bỏ lại như một bằng chứng rằng giờ đây chị phụ nữ đã tìm được nguồn nước trường sinh.

Đến mà xem” là lời mời gọi cho dân làng Samari và cũng cho mỗi người chúng ta, những người có thể đang trên hành trình tìm kiếm hay thao thức vì một niềm khát khao chưa được đong đầy. Có lúc ta cảm thấy tâm hồn bất an vì chưa tìm ra hướng đi cho cuộc đời hay con tim chất chứa nhiều phiền muộn cần được giải gỡ. Đến và gặp Đức Giêsu, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta hướng đi và tỏ lộ cho ta thấy đâu là điều ta cần tìm kiếm. 

Đến mà xem” vì Đức Giêsu đang chờ đợi bạn.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây