Người môn đệ biến đổi trong Chúa Thánh Thần

Thứ tư - 04/09/2019 21:21
PHẦN TU ĐỨC
ĐỜI SỐNG NGƯỜI MÔN ĐỆ: BIẾN ĐỔI TRONG THÁNH THẦN
 
358 1Thánh Thần hiện xuống và khai sinh Giáo hội tại nhà Tiệc ly, ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,1-4). Đây không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng còn là mầu nhiệm Giáo hội sống động trong dòng thời gian. Nhà Tiệc ly không chỉ là nơi Giáo hội được khai sinh, nhưng còn là nơi diễn tả sống động cung cách hiện diện và phục vụ của Giáo hội. Trong thực tế, Giáo hội vẫn luôn trung thành với mầu nhiệm khai sinh chính mình, chuyên cần cầu nguyện và đón nhận Thánh Thần, nhờ đó được biến đổi và được hướng dẫn phục vụ sứ mạng của Đức Giêsu Kitô (Cv 2,36-42). Chúng ta hãy nhìn ngắm đôi nét chân dung thánh Phê-rô qua hành trình được biến đổi trong Thánh Thần, để chớ gì, từng thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ cũng được biến đổi để thể hiện sống động cung cách hiện diện và hành xử của Giáo hội nơi cộng đoàn giáo xứ chúng ta.
 
Đáp lời mời gọi của Đức Giêsu sau mẻ cá lạ: “Đừng sợ! Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5, 1-11), thánh Phê-rô bỏ lại mọi sự và bước theo Đức Giêsu. Ngài chân thành và quảng đại, nhưng cũng đầy yếu đuối và ảo tưởng về bản thân; ngài yêu mến Đức Giêsu, nhưng lại tự phụ cậy vào sức mình. Trong bữa tiệc ly, ngài đã mạnh mẽ khẳng định: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”, “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,33. 35). Nhưng đêm ấy, như các đồng bạn, thánh nhân ngủ mê mệt: “Thế ra anh em không thể thức với Thầy một giờ sao?”; trong dinh thượng tế, thánh nhân đã ba lần nhát đảm chối không biết Đức Giêsu (Mt 26,70.72.74). Sực nhớ lời Thầy đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”, thánh nhân ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Nước mắt của phận người mong manh, của tình yêu không tròn khi chưa biết mình-biết Chúa.
 
Trong Thánh Thần, thánh Phê-rô trở nên mạnh mẽ, không phải theo cung cách thế gian, nhưng theo cung cách của Thầy Giêsu, đó là cậy dựa và tùy thuộc vào Thiên Chúa, để sống trọn tiếng gọi Đức Giêsu dành cho ngài: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Ngài trở nên can đảm lạ thường khi loan báo mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô (Cv 2,22-24.36). Trước Thượng hội đồng, ngài khôn ngoan làm chứng về Đấng Cứu Độ: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Ngài khiến Thượng hội đồng kinh ngạc: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân” (Cv 4,13). Ngài không còn sợ hãi trước gian nan thách đố, trái lại còn vui mừng khi được chịu như vậy vì Đức Kitô: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hồi Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đang chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 4,41). Trong Thánh Thần, ngài nâng đỡ và chữa lành người đau yếu, sửa dạy người sai đường lạc lối và củng cố cộng đoàn (Cv 5,1-11; 15-16).
 
Thánh Thần ngự đến vì cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7). Thánh Thần biến đổi chúng ta, liên kết chúng ta, giúp chúng ta thực thi vai trò thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ không chỉ bằng phương thế tự nhiên nhưng còn bằng phương thế siêu nhiên, bằng lời cầu nguyện và ân huệ Thánh Thần trao ban: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng chính những rên siết khôn tả” (Rm 8,26).
 
Hồi tâm.
1/ Tôi nhận ra mình thay đổi như thế nào từ khi tham gia phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ?
​2/ Tôi cảm nghĩ như thế nào về đời sống thiêng liêng? Tôi thường giữ những thực hành thiêng liêng nào: dự lễ, lần chuỗi, viếng Thánh Thể, đọc Thánh kinh…?
3/Tôi thường làm gì khi gặp khó khăn trong việc phục vụ? Tôi có thường cầu nguyện riêng với Chúa Thánh Thần, có thường “tham vấn” ngài trước những quyết định quan trọng?
 
Toma Nguyễn Ngọc Tín SJ.
 
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
KẺ ẤY MỚI ĐƯỢC...
 
Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”. (Mt 20,23)
 
Dẫn vào
Thông thường, khi được sống trong môi trường đức tin vững mạnh, người tín hữu luôn biết chắc chắn mình đang muốn đi đâu và sẽ đi về đâu. Thậm chí còn biết rõ mình phải đi con đường Đức Ki-tô Giê-su đã đi, phải sống những gì Chúa đã sống và đã dạy, phải uống “Chén của Thầy”. Những vị hữu trách trong Giáo hội, địa vị càng cao càng ý thức nguyên tắc vàng đó, đặc biệt trong việc tuyển chọn những người cộng tác để phục vụ, để phụng sự Chúa và Giáo hội. Theo đó, quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ cũng rất nên thuộc nằm lòng ý nghĩa của câu Lời Chúa sau đây (và đem vào thực hành).
 
Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”. (Mt 20,23)
 
Tuy vậy, phàm sống ở đời, nếu quá cầu toàn, người ta khó mà tìm được người tài đức như ý. Nghệ thuật chọn và sử dụng người cộng tác chủ yếu hệ tại chỗ biết dùng sở trường của người được tuyển dụng vào đúng việc, đúng chỗ, đúng thời điểm; đặc biệt là, chọn và sử dụng người đầu tiên cho thật đúng. 
 
Minh họa
Một người kia đi thị sát chuồng ngựa, hỏi người coi ngựa rằng: “Ở chuồng ngựa thì việc gì khó nhất?”. Người coi ngựa đáp: “Theo tôi, làm hàng rào gỗ cho ngựa đứng là khó nhất!” Bởi lẽ, nếu ban đầu dùng cây gỗ cong để làm hàng rào, thì lại phải tìm cây gỗ cong thứ hai để làm tiếp. Và cứ thế. Khi đã dùng hết các cây gỗ cong rồi, các cây gỗ thẳng chẳng còn chỗ để được dùng nữa. Ngược lại, nếu ban đầu dùng cây gỗ thẳng để làm hàng rào, thì cây gỗ đi tiếp phải là cây gỗ thẳng thứ hai. Khi đã dùng hết các cây gỗ thẳng rồi, các cây gỗ cong chẳng còn chỗ đứng nữa.
 
Thì ra, đạo lý “vật lấy theo loại, người chia theo nhóm” dẫn chúng ta đến với nghệ thuật chọn và sử dụng người. Dùng người sao cho đúng là hết sức quan trọng. Nếu người đầu tiên được dùng mà sai, thì người xấu sẽ tiến cử người xấu, và kết quả nhất định sẽ là “Tiểu nhân dụng nhi quân tử thoái”.[1] Nhưng nếu một người tốt được sử dụng đúng mức, thì những người tốt khác cũng sẽ đến. “Dụng nhân như dụng mộc” là thế. Chọn thanh gỗ đầu tiên là tối quan trọng cho việc làm hàng rào. Cần chọn người đứng đầu là bậc chính trực, tài năng như thanh gỗ thẳng. Các việc tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng, vì lúc đó người đứng đầu sẽ thu xếp, sẽ tìm được những người thích hợp để cùng làm việc với mình; nghĩa là, làm cho tổ chức.
 
Dùng người cần cẩn trọng. Ở một đoàn thể mà tiểu nhân kết bầy, bậc quân tử sẽ không có chỗ đứng; ở một nơi hội tụ những bậc quân tử, những kẻ tiểu nhân sẽ không dễ kết bè kết đảng. Một trong những bí quyết thành công của một tổ chức chính là biết sử dụng người tài đức.
 
Chén của Thầy, các người sẽ uống
 
Một thành tựu đích thực bao giờ cũng hàm chứa, cũng tiềm ẩn những thách đố phải vượt qua (và phải thực sự vượt qua mới được gọi là thành tựu vẻ vang).[2] “Chén của Thầy, các người sẽ uống”[3]  không phải là một chọn lựa tùy tiện mà chính là một điều kiện tất yếu cho tất cả những ai muốn “chiến thắng vẻ vang”; hay đúng hơn, muốn một thành tựu đích thực.
 
Muốn vậy, quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ cần suy nghĩ tích cực. Người thành công đích thực là người biết suy nghĩ tích cực. “Chén của Thầy, các người sẽ uống”[4] là điều kiện “thiết thực” cho những ai suy nghĩ “tích cực” để thành công “đích thực”. Đó là những kẻ “Cha Thầy đã chuẩn bị…”.[5] Người biết suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến giá trị cốt lõi, giá trị thật trong tinh thần lạc quan. Nếu hôm nay chưa thành công, ngày mai có thể sẽ có, và sẽ là thành tựu đích thực. Thành tựu đó có được từ lối tư duy tích cực của những kẻ Cha Thầy đã chuẩn bị…. Họ cũng chính là những kẻ “… kẻ ấy mới được”.[6]
 
Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được
Không chỉ cố gắng cải thiện tình trạng thất bại nhờ cố gắng, kiên trì, không bỏ cuộc, “… kẻ ấy mới được” với suy nghĩ tích cực, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, sẽ nỗ lực biến thách đố trong đời thành cơ hội, giúp rèn luyện và phát triển bản thân. Khó khăn, thách đố chưa phải là thất bại mà chính là dịp dẫn đến thành công, thành tựu do “… kẻ ấy mới được” biết cộng tác với ân sủng Chúa ban.
 
Thật ra, đạo lý Nước Trời kiểu “muốn là người làm đầu thì phải hầu thiên hạ…” là đúng cả trong đạo ngoài đời. “Dụng nhân như dụng mộc” cũng là thế. Tuy nhiên, noi gương Đức Ki-tô Giê-su trở nên người tôi tớ phục vụ mọi người…, rồi cương quyết đi Giê-ru-sa-lem để trải qua Cuộc Thương Khó, chứ không phải để làm vua kiểu thế sự, các tín hữu – cách riêng các vị mục tử, các quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ… –  sẽ không tranh giành nhau vị trí bên tả bên hữu trong Nước Chúa hôm nay tại thế, và ngay cả ngày mai trên thiên đàng.[7] Bởi lẽ, “Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.[8]
 
Có chăng, tín hữu chúng ta hãy nhớ đến bổn phận của người môn đệ, của người làm đầu là phải hầu thiên hạ và nên tôi tớ phục vụ mọi người.[9] Bởi đó chính là cách thức để trở nên những kẻ “… kẻ ấy mới được”.[10]
 
Câu hỏi giúp thảo luận
  1. Là quý chức hội đồng, hội đoàn giáo xứ, các bạn có bao giờ chủ động uống “Chén của Thầy”? Trong trường hợp như thế nào?
  2. Nguyên tắc “Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được…” có làm ảnh hưởng đến cuộc sống tích cực phục vụ của bạn không? Tại sao?
  3. Quen biết một người là do “duyên phận”, hiểu được một người là do “kiên trì”, chinh phục được một người dựa vào trí tuệ và sự bao dung có phải là một phần của “Dụng nhân như dụng mộc”?
  4.  
Lm. GTHH
 
 
Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI
CÔNG VIỆC TRONG VƯỜN NHO THẾ GIỚI NGÀY NÀY:
TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ VÀ QUYỀN SỐNG CON NGƯỜI
 
“Chính anh em là muối cho đời; nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó thành vô dụng, thì chỉ việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp mà thôi.” (Mt 5:13)
 
Trong vười nho thế giới, mỗi thời đại đều lộ ra những lãnh vực mà muối Tin Mừng cấp thiết cần phải ướp cho nó mặn trở lại; và đó là những lãnh vực mà Hội Yha1nh nhất thiết cần phát hiện ra. Ngày nay hơn bao giờ hết, thế giới đang đứng trước nạn nhân mãn chưa từng có qua việc gia tăng dân số cấp số nhân, đàng khác mức sống văn minh tiến bộ cộng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật càng làm cho con người có khuynh hướng sống ích kỷ và hưởng thụ; chính các yếu tố này là nguyên nhân làm cho phẩn giá con người bị coi nhẹ, nhiều lãnh vực của quyền sống bị chà đạp. Đây chính là tiếng gào kêu gọi Hội Thánh, nhất là qua các Ki-tô hữu giáo dân, mau mắn ướp cho thế giới được mặn lại, trước nguy cơ nó ngày càng trở nên nhạt hơn.
 
1/ Tôn trọng nhân phẩm
 
Đứng trước thực trạng thế giới hiện nay, với các biểu hiện đa diện của nó, Hội Thánh đã nhận ra nhiệm vụ cấp bách mà mình, thông qua vai trò tích cực của các Ki-tô hữu giáo dân, phải thực hiện để ướp đời cho mặn lại. Tông Huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân đã mạnh mẽ xác định như sau: “Khám phá và giúp khám phá ra phẩm giá không thể bị xúc phạm của mọi nhân vị, đó là nhiệm vụ chủ yếu và, theo một nghĩa nào đó, là nhiệm vụ trung tâm và liên kết công việc phục vụ mà Hội Thánh và Ki-tô hữu giáo dân được mời gọi để phục vụ gia đình nhân loại ngày nay.” (CFL số 37)
 
Về mặt học thuyết, Tin Mừng soi sáng cho ta biết tầm cao trọng vô song của phẩm giá con người; nhân phẩm vượt lên trên mọi hình thái cuộc sống bên ngoài, cho dầu chúng có những giá trị của riêng chúng. Con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, đã được cứu chuộc bằng Máu Chúa Ki-tô, luôn được mời gọi trở về với địa vị cao quí của mình là làm con Thiên Chúa và là đền thờ Chúa Thánh Thần. Về sự cao trọng của phẩm giá con người, Tông Huấn đã viết như sau: “Trong các thụ tạo hữu hình, chỉ có con người là “một ngôi vị, là chủ thể có ý thức và tự do’; do đó, con người là trung tâm và là đỉnh cao của mọi thụ tạo trên trời dưới đất” (CFL số 37)
 
Thế nhưng, su thế hiện nay của thế giới nói chung đang thách thức và đe dọa phẩm giá con người cách nghiêm trọng về mọi mặt, thậm chí ngay cả chính sự hiện hữu, tức ngay từ mạng sống của con người. Người ta nhân danh đủ điều, nhất là nhân danh các giá trị vật chất và ý thức hệ, để phủ nhận việc tôn trọng nhân phẩm; thậm chí đôi khi giáng nó xuống hàng thứ yếu, sau cả các giá trị vật chất. Như thế tức là người ta có khuynh hướng đối sử với con người như đối với một đồ vật không hơn không kém, thậm chí còn tệ hơn; và đó chính là nguồn gốc của cơ man nào là bất công đang xảy ra trong thế giới loài người hôm nay.
 
2/ Nhân quyền
 
Quyền sống của con người bao gồm nhiều quyền khác nhau như quyền cư trú, quyền lao động, quyền được giáo dục, quyền đi lại,quyền diễn đạt tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng v.v., nhưng quan trọng hơn hết là quyền được sống. Ta gọi cách chung những quyền này là nhân quyền căn bản và phổ quát, vì chúng được dành cho mọi người, bất luận họ mạnh khỏe hay đau yếu, lành mạnh hay khuyết tật, sang hay hèn, thông minh hay dốt nát…Hơn nữa các quyền này hiện hữu song song với sự hiện hữu của chính con người, từ lúc được đầu thai cho tới khi nhắm mắt… Tóm lại, các quyền này nhằm bảo vệ cho mỗi người được sống và sống cách xứng hợp với nhân phẩm. Tất cả các quyền phổ quát này phải được mọi người tôn trọng.  Tông Huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân, dựa trên tư tưởng Công Đồng Va-ti-can II (xem GS số 27, số 40…) đã xác định như sau: “Đó là những quyền tự nhiên, phổ quát và không thể bị xúc phạm. Bất kỳ ai, dù là cá nhân hay tập thể, dù là người có quyền hay nhà nước, cũng không thể sửa đổi những luật đó, càng không thể hủy bỏ chúng, vì những quyền đó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.” (CFL số 38)
 
Trong thế giới ngày nay, nhân quyền là một đề tài lớn và đang được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tuy nhiên vì những khác biệt căn bản về văn hóa cũng như về tín ngưỡng, về ý thức hệ cũng như quyền lợi kinh tế…, mà người ta chưa hoàn toàn thống nhất được với nhau về ý nghĩa và nội dung của chúng. Hội Thánh về phần mình, vì được Tin Mừng soi dẫn, đã cống hiến cho thế giới một cái nhìn xác đáng về các quyền này. Gần đây, điều này đã được diễn đạt cách khúc triết hơn trong tổng luận về ‘Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội’. Trong số các quyền con người này, thiết tưởng ta nên đặc biệt nhấn mạnh trên các quyền lợi sau đây:
 
a/ Tôn trọng mạng sống
Để được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì” (Mc 8:36)
Hơn bao giờ hết, ngày nay trên thế giới, thái độ đối với mạng sống con người ngày càng bị giảm sút; mạng sống con người bị coi thường, thậm chí bị chà đạp và loại bỏ không thương tiếc. Người ta viện ra đủ lý lẽ để biện minh cho hành động vô tâm và vô nhận này… nhưng chung qui đều do tính ích kỷ cá nhân hay tập thể mà ra. Hội Thánh không bao giờ chấp nhận những vi phạm tới mạng sống dưới bất kì hình thức nào, như “giết người, diệt chủng, phá thai, tự tử hay chọn được chết êm dịu; mọi hình thức xâm phạm sự toàn vẹn thân thể con người, như loại bỏ một phần cơ thể, tra tấn thể lý cũng như tinh thần, gây áp lực tâm lý không cần thiết; mọi hình thức xúc phạm nhân phẩm như sống trong các điều kiện phi nhân, vô cớ giam cầm, lưu đầy, nô lệ, mãi dâm, buôn người nhất là trẻ em và phụ nữ, các điều kiện lao động quá hạ đẳng, khi con người bị đối xử như một công cụ thay vì như một nhân vị tự do và trách nhiệm…” (GS số 37) Những hành vi trên và những điều tương tự chắc chắn là tội ác: chúng đầu độc xã hội loài người; và chúng hủy hoại những ai đang áp dụng chúng, còn hơn cả hủy hoại những ai là nạn nhân của chúng. Chung qui, chúng xúc phạm cách sâu xa tới đấng Hóa Công.
 
Giáo dân sẽ là những người tiền phong trong việc bảo vệ mạng sống, nhất là những ai mang trọng trách làm cha mẹ. Trong lãnh vực này, các khoa học gia, các nhân viên ngành y, các nhà lập pháp hay các chính trị gia… có một vai trò hết sức quan trọng. Cách chung các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã từng lên tiếng nhắc nhở: “Các Ki-tô hữu phải làm chủ khoa học, chứ không được làm nô lệ cho nó!”
 
b/ Cổ vũ tự do tín ngưỡng
Sự tôn trọng phẩm giá con người đương nhiên đòi phải nhìn nhận và tôn trọng chiều kích tâm linh của mỗi người, vì… “tự do lương tâm và tự do tôn giáo là một trong những quyền có giá trị cao quí nhất trong đời sống của từng cá nhân, cũng như đòi hỏi sâu xa của các tập thể con người. Đây là một quyền không thể thiếu để bảo đảm thiện ích của từng con người và toàn xã hội.” (CFL số 39)
 
Ki-tô hữu chúng ta nại tới quyền tự do tín ngưỡng để sống và làm chứng cho Tin Mừng ở những nơi chúng ta sinh sống và làm việc. Nhưng chúng ta cũng không quên tôn trọng các tôn giáo khác, cũng như quyền tự do tín ngưỡng của những con người và dân tộc khác với chúng ta. Chúng ta kêu gọi tự do tôn giáo phải được tôn trọng, nhất là trong các thể chế có khuynh hướng lạm dụng hay cấm đoán, hoặc hạn chế quyền căn bản này. Chúng ta đồng thời cũng cổ súy việc chung sống và đối thoại, nhất là đối thoại liên tôn để, một khi quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được thực thi cách chân chính, đời sống con người và xã hội nhân loại sẽ được thăng hoa cách bền vững.
 
3/ Vai trò của gia đình và giáo dục
 
Nhân phẩm và các quyền con người đã được đấng Tạo Hóa khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm mỗi người; tuy nhiên, do thiếu thốn về hiểu biết và nhận thức, chúng chưa thật sự được nhìn nhận và tôn trọng ngay trong nhiều xã hội và dân nước hiện nay. Dưới tác động của ánh sáng Tin Mừng, nhiều dân nước thấm nhuần tinh thần Tin Mừng đã dần gây ảnh hưởng trên cộng đồng nhân loại, và tạo được một nhận thức nào đó trước các quyền cơ bản của con người. Chúng ta vui mừng vì nhiều tổ chức lớn của thế giới, điển hình như Liên Hợp Quốc, đã được thành lập trên cơ sở quyền con người. Su thế của thế giới là cam kết cùng nhau phát huy và bảo vệ nhân quyền trong các quốc gia thành viên của mình; tuy nhiên, con đường còn gặp nhiều chông gai, vì nhận thức còn gặp nhiều trở ngại vì thiếu nhận thức nơi nhiều thành viên. Ki-tô hữu chúng ta mơ ước sẽ sớm có được nhiều chính quyền quan tâm tới việc dạy dỗ và vun trồng các quyền con người nơi công dân mình, đồng thời thiết lập những chính sách phù hợp, hầu phát huy nó cách cụ thể trong đời sống xã hội.
 
Tuy nhiên để làm tốt việc này, môi trường giáo dục và đào tạo tốt nhất để các quyền con người được phát huy tối ưu lại chính là gia đình. Gia đình chính là tế bào cơ bản của mọi xã hội. Đó là cái nôi của cuộc sống và tình yêu, nơi mà từng cá thể được ‘sinh ra’ và ‘lớn lên’ (xem CFL số 40). Chính tại nơi đây mà con người nhận biết các giá trị đích thực của mình và gìn giữ chúng. Điều này càng đúng hơn nhất là tại những nơi nào và khi nào phẩm giá con người bị đe dọa và bị chà đạp cách nghiêm trọng. Vì lẽ đó, các gia đình Công Giáo cần phải để cho ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, hầu tạo cho việc giáo dục con cái phát huy được các phẩn giá cao đẹp của con người toàn diện - vừa trở thành công dân tích cực của thế giới trần gian, lại vừa là con cái cao đẹp  của Nước Cha trên trời.
 
Và như thế, vai trò của người Ki-tô hữu Giáo Dân là không thể chối cãi; vì nhờ họ, muối Tin Mừng mới ướp mặn lại được thế giới hôm nay, sao cho nhân phẩm và các quyền con người được tôi trong.
 
Câu hỏi gợi ý:
 
  • Bạn có biết các quyền cơ bản của con người theo như Hiến Chương Liên Hợp Quốc đề ra không, và điển hình là những quyền gì?
 
  • Làm cách nào bạn phát huy những quyền này trong gia đình mình? tỷ dụ như quyền ‘tôn trọng phát biểu ý kiến riêng’.
 
Gioan Nguyễn Văn Ty SBD

 
PHẦN MỤC VỤ
VĂN HOÁ CHỮ VIẾT
 
Lời mở

Sống trong thời đại tin học, nhiều người ít quan tâm đến chữ viết tay và chỉ cần gõ trên bàn phím của chiếc điện thoại hay máy vi tính là có thể gửi thư cho nhau rồi[11], hoặc chỉ cần ra lệnh cho máy in bàn là người ta có một văn bản đẹp với đủ loại kiểu dáng chữ in. Hơn nữa, vì cuộc sống vội vã, nên những gì cần viết tay, người ta thường viết rất nhanh, đường nét không chuẩn, dấu chữ đặt sai vị trí, nhưng vẫn có thể đọc được vì đã quen với chữ Việt và tiếng mẹ đẻ của mình. Trầm trọng hơn cả là người ta coi thường văn phạm trong những văn bản trên sách báo, truyền hình, dùng những từ thông tục và thường đánh dấu các từ không chính xác theo ngôn ngữ học. Quả thật nhiều người Việt hiện nay ít quan tâm đến văn hoá chữ viết! Nhưng người Công giáo chúng ta lại có trách nhiệm lớn đối với chữ Việt vì tổ tiên chúng ta đã sáng tạo ra thứ chữ này.
 
1. Các em học sinh lớp 1 học viết tiếng Việt như thế nào?
Ngay từ bài đầu tiên của sách Tiếng Việt lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các thầy cô dạy các em học sinh viết chữ với những nét chính, nét phụ theo các đường căn bản như đường nền, đường chữ hoa, đường chữ thường, đường trên, đường dưới, phân biệt chữ in và chữ viết tay[12].
 
Các em học khởi đầu với những từ có 1 nguyên âm như: bé bè bẻ bẽ bẹ (Bài 3), đến 2 âm như: mía, bìa, hoặc 3 âm như: chiều, chuối, bưởi, diều, rượu (Bài 35-42), rồi đến các vần có âm tiết cuối với 1 nguyên âm như bàn, sàn (Bài 44), đến 2 nguyên âm như điện, yến, chuồn chuồn (Bài 50) hoặc hai âm tiết cuối như: võng, luống, trường (Bài 56). Những bài sau cùng dành cho các vần khó như hoa, hoà, xoè, khoẻ (Bài 91), hoặc thoại, xoay (Bài 92), hoài, hoàng, hoằng (Bài 94), hoạt, choắt (Bài 96), hoặc huệ, huý (Bài 98), hay thuở, khuya (Bài 99).
 
Chắc chắn vào tuổi 6-7 các em chưa thể phân biệt được các chữ i, o, u  trong một số vần lúc này là nguyên âm, lúc khác là bán phụ âm theo khoa ngôn ngữ học hiện đại. Nhưng các bài dạy trong giáo trình Tiếng Việt lớp 1 là hoàn toàn chính xác, dù các em học theo phương pháp của Bộ Giáo dục hay theo phương pháp Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại[13].
 
2. Người lớn chúng ta hiện nay đánh dấu ra sao?
Dù Việt Nam chúng ta đã có Viện Ngôn ngữ học, với những cuốn từ điển Tiếng Việt được coi như quy chuẩn cho việc sử dụng từ ngữ và viết chữ. Thí dụ như Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do giáo sư Hoàng Phê chủ biên[14], Từ điển Bách khoa Việt Nam[15] do Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn. Nhưng việc dùng từ ngữ và nhất là cách đánh dấu giọng trên các từ vẫn còn rất tuỳ tiện.
 
Hơn nữa, chúng ta còn có Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành, kèm theo bản "Quy định về Chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt"[16], và Quyết định số 09/1998QĐ-VPCP, ngày 25/11/1998 của Văn phòng Chính Phủ về cách viết hoa các tên riêng[17]. Tuy dù các văn bản pháp quy đó rất rõ ràng và cụ thể, nhiều văn bản của chính quyền cũng như của các tổ chức xã hội dân sự vẫn chưa giữ đúng các quy định đó. Các văn bản thường đánh sai dấu trên các vần oa, oe, uê, uơ, uy (Thí dụ: trong các từ hóa, lóe, hụê, thủơ, thúy,) vì không phân biệt được các chữ a, e, i, o, u, y có thể là nguyên âm và cũng có thể là bán phụ âm.
 
Chúng tôi đã phân tích vấn đề và đã trình bày trong cuộc Hội thảo Khoa học ở Bình Định, từ ngày 12-13/1/2016, với chủ đề Bình Định với chữ Quốc ngữ[18]. Cách đặt dấu giọng sai sót này đang phổ biến và lan rộng trong các sách vở, báo chí, truyền hình. Nó đi  ngược với sự chuẩn hoá của tiếng Việt theo đúng khoa ngôn ngữ học được Nhà nước quy định. Nó cũng biểu lộ tính phân hoá của người Việt Nam, thái độ coi thường pháp luật và không tôn trọng khoa học của người Việt Nam, khiến cho người nước ngoài đánh giá thấp giá trị tiếng Việt và chữ Việt.
 
3. Văn hay chữ tốt
Cha ông ta thường nhắc nhở: văn hay chữ tốt, chứ không phải văn hay chữ đẹp. Văn là người và chữ cũng là người!
Khoa tâm lý học hiện đại đã căn cứ vào những nét chữ viết tay để đoán ra tâm tính, tư cách, tài năng của con người. Người ta áp dụng việc phân tích nét bút của người viết trong các ngành tuyển dụng nhân sự, lựa chọn nghề nghiệp, giám định tư pháp. Các nhà tâm lý học còn cho rằng có sự liên hệ, tương quan giữa nét chữ và sức khoẻ tâm lý. Căn cứ vào nét chữ to, nhỏ, đậm, nhạt, nét mạnh mẽ, thẳng đứng hay cong queo, chữ rộng hay hẹp, khoảng cách giữa các từ nhiều hay ít, chiều cao của chữ hoa vừa hay thấp, độ nghiêng của chữ về bên phải hay bên trái… mà người ta có thể đoán ra phần nào khả năng, trí tuệ, tâm tính của người viết[19].
 
Thật ra, việc phân biệt rõ chính tà, tốt xấu của một người không thể chỉ căn cứ vào chữ viết bên ngoài, dù rằng chữ viết có thể giúp phỏng đoán phần nào khi dùng nó như dấu hiệu. Con người là một mầu nhiệm sau thẳm vô cùng, nên cha ông ta vẫn nhắc nhở:
Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người[20].
 
Có lẽ vì muốn cho con cái mình luyện được chữ tốt, nên cha mẹ thời xưa thường thúc giục con cái tập đồ các chữ theo các tập in sẵn để luyện chữ viết cho thẳng hàng, cân đối, hài hoà. Các cháu học sinh lớp 1 hiện nay cũng đang làm như vậy, nhưng nhiều cha mẹ lại ít quan tâm đến việc này, vì chữ viết của họ rất xấu, không dám làm gương cho con cái.
 
4. Chữ Quốc ngữ - chữ nước ta
Chữ Quốc ngữ hiện nay là chữ ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, có bổ sung một số dấu phụ của tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, được các linh mục Dòng Tên phương Tây như Francisco de Pina, João Roiz, Gaspar Luis, Cristo Forro Borri, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Gaspar d'Amaral với sự cộng tác của người Việt Nam như Igesicô Văn Tín, Bento Thiệu sáng tạo ra trong khoảng 1620-1659[21].
 
Điều đáng ghi nhận ở đây là dù khoa ngôn ngữ học vào thời đó chưa được thành hình, nhưng trong các tác phẩm của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) như Phép giảng Tám ngày, Văn phạm Annam, nhất là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1651 ở Rôma, các dấu giọng được đánh rất chính xác trên các từ như hoá, hoà, hoả (tr.329-330) phân biệt với hào, hảo (tr. 315,316) hoặc trên các từ thuế (tr. 782), lào (tr.402) léo (tr.411) và loã lồ(tr.417) theo đúng với Từ điển khoa Ngôn ngữ học. Riêng vần uy với từ hủy (tr.341) và thủy(tr.783)[22], chúng tôi hiểu rằng những con chữ sắp tay đúc bằng chì thời đó chưa đúc được theo đúng ý của tác giả vì việc đặt dấu "nặng" dưới chữ y (ỵ) không thể thực hiện được như ta thấy tác giả Gustave Hue đã nói đến lý do này trong lời mở đầu cho cuốn Từ điển Việt Hoa Pháp xuất bản năm 1937 của ông ở Huế[23].
 
Một khi chúng ta đã có những nguyên tắc rõ ràng của khoa ngôn ngữ học để có cách đánh dấu chuẩn mực, được thể hiện qua các sách giáo khoa và từ điển như bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, thì chúng ta cần tiến tới sự thống nhất cách đặt dấu giọng trên toàn quốc và phổ biến cả ra nước ngoài để những ai học tiếng Việt tìm được sự trong sáng và hợp lý.
 
5. Hãy viết những lời này
Người tín hữu chúng ta cần phải sử dụng những lợi thế của chữ viết trong thời đại tin học này “để viết nên những lời đáng tin cậy và chân thật” (Kh 21,5) như Chúa đã truyền cho ông Moisê trên núi Sinai (Xh 34,27) và từng người chúng ta qua thánh Gioan: “Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này” (Kh 1,19). Đây thuộc về nhiệm vụ làm tiên tri mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận khi được xức dầu thánh hiến qua bí tích Rửa Tội.
 
Chúng ta đang sống trong thời của Giao Ước Mới mà Đức Giêsu Kitô đã thực hiện trên bàn thờ thập giá với máu thánh Người đổ ra để xoá bỏ tội lỗi cho ta, giao hoà chúng ta với Chúa Cha và làm cho ta trở thành con cái của Cha Trên Trời. “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí, vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6).
 
Nhờ Thần Khí tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban cho qua Chúa Giêsu, chúng ta sẽ viết nên Lời Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình để thu hút nhiều người tin theo Đức Giêsu. Lúc đó ta có thể nói cho những anh chị em đó rằng: “Rõ ràng anh chị em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt tức là lòng người” (2Cr 3,3).
 
Lời kết
Người tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta có quyền tự hào vì đã đóng góp vào việc phát minh ra chữ Việt và đã chịu biết bao đau khổ, bách hại, thậm chí dâng hiến cả mạng sống để bảo vệ những giá trị văn hoá cao quý của Công giáo. Tuy nhiên hình như chúng ta chưa biết bảo tồn và phát huy những giá trị của tiếng Việt và chữ Việt: rất nhiều sách báo Công giáo hiện nay không tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn của ngôn ngữ học, chúng ta cũng chưa thúc đẩy việc sáng tác các thơ văn để có nhiều tác phẩm có giá trị văn học. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa để khỏi thẹn với cha ông và có trách nhiệm nhiều hơn với thế hệ tương lai.
 
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn đã quan tâm thế nào với chữ viết của bạn?
2. Bạn nghĩ mình nên làm gì để cổ vũ cho việc phát triển văn học Công Giáo?
 
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
 

[1] Kẻ tiểu nhân được trọng dụng, người quân tử sẽ rút lui.
[2] A vaincre sans péril on triomphe sans gloire.
[3] Mt 20,23.
[4] Ibid.
[5] Ibid.
[6] Ibid.
[7] X. Mc 9,33-34; 10,35-40.
[8] Mt 20,23.
[9] X. Mc 9,33; 10,41-45.
[10] Mt 20,23.
[11] Theo Bộ Thông tinTruyền thông, có 60 triệu người Việt Nam sử dụng internet 7 giờ/ngày trên tổng dân số 95 triệu người. Báo Thanh Niên ngày 10/12/2018, tr.7, chiếm hơn 60% Facebook 60tr.
[12] X. Hình ảnh bài Tiếng Việt lớp 1, Tập 1, tr 1-3;  Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ thuật Chữ, giáo trình trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, NXB Giáo Dục, 1996, tr.72-73.
 
[13] X. Tranh cãi về Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1, Người trong cuộc nói gì, Báo Tuổi Trẻ, ngày 9/9/2018, tr.1,2,3; Báo Thanh Niên, ngày 9/9/2018, tr.5.
[14] X. Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng-Vietlex, Hà Nội, 2013.
[15] X. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển BKVN, Hà Nội, 1995-2005.
[16] X. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, 2013, tr.V.
[17] X. Quy định Số: 09/1998/QĐ-VPCP, Thư viện Pháp Luật, Internet.
[18] X. Tài liệu Hội thảo, Lm. Nguyễn Ngọc Sơn; Bài tham luận Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần cho phù hợp với khoa ngôn ngữ học hiện đại, tr.519-527.
[19] X. Internet, 6/12/2018, Chữ viết thể hiện tâm người, có thể phân biệt rõ người chính kẻ tà, Bài của Tuệ Minh; Chỉ cần nhìn chữ viết, tôi có thể nói bạn là người thế nào, Bài của R.D.
[20] X. Internet, bài Ngộ nhận trong tâm lý học: chữ viết tiết lộ được những đặc điểm tính cách của con người. Tác giả của cuốn 50 ngộ nhận phổ biến của tâm lý học phổ thông. S.O. Lilienfeld, S.J. Lynn; J.Ruscio. Người dịch Nguyễn Hoàng.
[21] X. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, NXB Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.
[22] X. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, tr.520.
[23] X. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, tr.523.

Nguồn tin: gpbuichu.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây