ĐẾN VỚI MUÔN DÂN
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo
Nguồn: simonhoadalat.com
--------------------------
(1) International Bulletin of Missionary Research (David B. Barrett & Todd M. Johnson), January 2012 vol. 36, n. 1, p. 29.
(2) Trong khi các tôn giáo khác, người ta dễ có một số ý niệm, ít là khái quát, đạo Sikh, ít người biết đến. Đạo Sikhs được sáng lập bởi Nanak (1469-1538) bên Ấn Độ trong bối cảnh của Ấn giáo và Hồi giáo. Giáo lý lấy chính yếu từ khuynh hướng Bakhti của Ấn giáo và thêm một ít của khuynh hướng huyền bí Sufi của Hồi Giáo. Tên Sikhs lấy từ chữ Sanskrit có nghĩa là môn đệ, tức là những môn đệ của Nanak.
(3) Annuarium Statisticum Ecclesiae 31/12/2011. Con số trong dấu ngoặc nói lên sự khác biệt đối với năm trước. Dấu (+) = tăng; dấu (-) = giảm.
(4) Gioan Phaolô II, Diễn văn cho Hội Đồng Giám Mục CELAM tại Port-au-Prince (Haiti), 9.3.1983, trong “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, VI/I (1983), trg. 698.
(5) Gioan Phaolô II, Bài giảng Thánh Lễ khai mạc Tuần Cửu Niên mừng 500 năm Rao giảng Phúc Âm tại Châu Mỹ, Santo Domingo, 12.10.1984, trong “Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VII/II (1984), trg. 896.
Truyền Giáo Và Tân Phúc Âm Hóa (Missio et Nova Evangelizatio)
“Truyền giáo” là đề tài đã được ấn định cho bài chia sẻ, nhưng một cụm từ ngày nay thường được nhắc đến và cũng là đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục cuối năm 2012 là “Tân Phúc Âm Hóa nhắm đến việc truyền đạt đức tin”. Do đó, còn thêm yếu tố “Tân phúc âm hóa” vào đề tài. Tuy nhiên, lý do không phải chỉ vì tính cách thời sự của yếu tố Tân phúc âm hóa, nhưng vì nếu suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy là hai yếu tố Truyền giáo và Tân phúc âm hóa liên hệ mật thiết và gắn liền với nhau.
I. “TRUYỀN GIÁO”: Ý NGHĨA VÀ THỰC TRẠNG
1. Ý nghĩa
Sau công đồng Vaticanô II, có rất nhiều suy tư và ý kiến về việc truyền giáo. Điều này nói lên sự quan trọng của việc truyền giáo vì chiếm được sự quan tâm của nhiều người và cũng nói lên sự phong phú của công việc vì các suy tư nói đến rất nhiều khía cạnh của việc truyền giáo. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh này, việc truyền giáo đã gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người nói đến việc truyền giáo, nhưng mỗi người lại gán cho việc truyền giáo một ý nghĩa khác nhau hay thu hẹp hoặc đồng hóa việc truyền giáo với một khía cạnh của nó. Chẳng hạn, người thì đồng hóa việc truyền giáo với việc phục vụ người nghèo, người khác thì đồng hóa việc truyền giáo với việc đối thoại liên tôn hoặc thu hẹp công việc truyền giáo vào công tác hội nhập văn hóa. Do đó, sự phong phú đã trở thành sự hỗn độn và thoái hóa. Chính vì lý do đó, cần phải xác định lại ý nghĩa và mục đích của công việc truyền giáo. Đó cũng là một trong những mục đích của thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” được công bố 25 năm sau công đồng Vaticanô II. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh truyền giáo “Ad gentes” (Đến muôn dân) và thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế).
a) Ad Gentes
“Những công tác chính yếu qua đó các sứ giả Tin Mừng đi khắp nơi trên thế giới để rao giảng Tin Mừng và thiết lập Giáo Hội giữa các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô, thường được gọi là công tác truyền giáo và hơn nữa được thực hiện tại những miền đất được Tòa Thánh công nhận” (AG 6).
Theo sắc lệnh “Ad Gentes”, công việc truyền giáo là công tác tông đồ đối với anh chị em chưa biết Chúa Giêsu. Vì vậy, tiêu chuẩn để xác định việc truyền giáo không phải là tiêu chuẩn kinh tế (người nghèo hay giầu), xã hội (người bị bỏ rơi, bị áp bức), chủng tộc (sắc dân), nhưng là tiêu chuẩn Đức Tin, có nghĩa là đã hay chưa tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ.
Mục đích cụ thể là rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài để người ta biết và tin theo Chúa Giêsu và sau đó, qui tụ tất cả thành những cộng đoàn của những người tin vào Chúa. Đó cũng chính là thiết lập các giáo hội địa phương và củng cố để trở thành những giáo hội địa phương trưởng thành.
Trong Công Đồng Vaticanô II, một số Giám Mục Âu Châu đề nghị coi công việc truyền giáo gồm cả những việc tông đồ giữa các giáo hữu nay đã bỏ đạo, nhưng Công Đồng đã không chấp nhận đề nghị này vì không nằm trong tiêu chuẩn chưa biết và chưa tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Tuy nhiên, Công Đồng không nói thêm về công tác tông đồ giữa các giáo hữu nay đã bỏ đạo. Ngoài ra, cũng không giải thích thêm mối liên hệ giữa công tác truyền giáo và các công tác tông đồ khác của Giáo Hội Chúng ta phải chờ 25 năm sau, thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” mới trả lời điều này khi cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về công tác tông đồ của Giáo Hội.
b) “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế) (RMi 33-34, 37)
Thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế), trong số 33-34 và 37, không chỉ xác định ý nghĩa của việc truyền giáo mà còn đặt nó trong mối tương quan với các công tác tông đồ khác của Giáo Hội.
Theo Thông điệp “Redemptoris Missio”, Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu sứ mệnh tiếp tục rao giảng cho mọi người những gì Chúa đã truyền dạy và dẫn dắt tất cả trở thành môn đệ của Chúa, rửa tội họ “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19-20). Đây là sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội và phải được thực hiện mọi nơi, mọi đời. Tuy nhiên, tùy vào đối tượng, sứ mệnh này được thể hiện qua những công tác cụ thể và mỗi công tác có mục đích và đặc tính riêng của nó.
Thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” phân chia đối tượng của sứ mệnh của Giáo Hội thành 3 nhóm. Nhóm I là chính con cái của Giáo Hội. Nhóm này lại được chia thành 3 nhóm nhỏ. Nhóm II là các kitô hữu ngoài Giáo Hội Công Giáo. Nhóm III là anh chị em ngoài Kitô giáo mà ta thường gọi là anh chị em lương dân. Do đó, sứ mệnh của Giáo Hội được thực hiện qua 5 công tác khác nhau, tùy theo nhóm người. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này rõ ràng qua mô hình dưới đây.
Trong thực tế, công tác tân phúc âm hóa và công tác truyền giáo gắn liền với nhau và quyện lấy nhau. Chính ĐTC Gioan Phaolô II cũng hay nói đến hai công tác này như thể là một, chẳng hạn, Ngài nói trong thông điệp ‘Sứ mệnh Đấng Cứu Thế”: “Tôi thấy đã đến lúc phải huy động tất cả sức lực của Giáo Hội vào việc tân phúc âm hóa và vào công việc truyền giáo. Không tín hữu nào của Chúa Kitô, không cơ cấu nào của Giáo Hội có thể đứng ngoài lề bổn phận tối hậu này là rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc” (RMi 3). Thực ra, dấn thân truyền giáo là sức mạnh, động lực và mục đích của việc tân phúc âm hóa và của tất cả các công tác khác: mục vụ, tái phúc âm hóa và đại kết nữa. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong đề tài ĐTC Benedicto đã chọn cho Thượng Hội Đồng Giám mục sắp tới mà chúng ta đã nói ở trên: “Tân Phúc Âm Hóa nhắm đến việc truyền đạt đức tin”. Vì vậy, có lẽ điều cần phải được để ý đặc biệt trong việc tân phúc hóa chính là tinh thần và việc dấn thân truyền giáo.
2. Thống kê truyền giáo trên thế giới [1]
Dưới đây là bảng thống kê mới nhất về tình trạng Giáo hội [3] (31/12/2011)
a) Dân số thế giới - Tín hữu công giáo
b) Số Linh mục trên thế giới
c) Dân số / Tín hữu công giáo cho một linh mục
d) Số Chủng sinh
e) Số Số tu sĩ nam nữ thế giới
f) Giáo dân truyền giáo và Giáo lý viên
3. Tinh thần và dấn thân truyền giáo tại Việt Nam
a) Một số ý kiến về dấn thân truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam
- Nhận xét của trưởng đoàn phụ trách tôn giáo tỉnh Hòa Bình: Giáo Hội Công Giáo không truyền giáo.
Những bài viết trên mạng: Có nhiều bài viết về việc truyền giáo tại Việt Nam được đăng trên mạng và một trong những bài viết đó là bài của cha FX Trần Kim Ngọc, OP (VietCatholic News 20/08/2010) có đề tựa: “Thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam?” Đề tài là một câu hỏi, nhưng trong thực chất nội dung là một lời xác quyết. Tác giả đưa ra 5 lý do vì sao thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam: 1) Thiếu nhân lực truyền giáo; 2) Thiếu đào tạo; 3) Thiếu tổ chức; 4) Thiếu mục tiêu; 5) Thiếu cộng tác.
b) Một số sự kiện
- Số thống kê
- Vài ba kinh nghiệm
Người ta chưa biết mình (linh mục, tu sĩ) là ai, nói chi đến biết Chúa của mình.
- Những nỗ lực truyền giáo
Tuy chưa có một tài liệu nghiên cứu quy mô về công cuộc truyền giáo hiện nay tại Việt Nam, những tin tức và mẩu truyện vụn vặt cho thấy là cũng có nhiều cố gắng truyền giáo tại nhiều giáo phận, nhất là những giáo phận miền Cao nguyên nơi có nhiều anh chị em dân tộc, hoặc những nơi xa xôi như Miền Tây. Chúng ta có thể nhắc lại những ghi nhận truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu trong cuốn “Nhật ký truyền giáo” của ngài.
- Tinh thần và công tác truyền giáo tại các giáo xứ
Nhìn lại sơ đồ công tác thực hiện Sứ Mệnh loan báo và làm chứng Tin Mừng của thông điệp “Redemptoris Missio” đã được trình bày trên đây.
Vì tình trạng di chuyển của dân chúng trong thời đại mới này, trong các giáo xứ, nhất là những giáo xứ thành thị, có tất cả 5 nhóm người này và do đó, cần thiết phải thực hiện tất cả 5 loại công tác tông đồ. Tuy nhiên, thường thì các công tác tông đồ tại các giáo xứ và của nhiều dòng tu chỉ gói ghém trong công tác mục vụ. Công tác tân phúc âm hóa và truyền giáo ít khi được nói đến. Ý thức và dấn thân cho công tác tân phúc âm hóa và cho việc truyền giáo tại Việt Nam chắc chắn là có, nhưng xem ra mới chỉ là tinh thần và dấn thân của một số cá nhân hay nhóm các tín hữu chứ chưa phải là tinh thần chung của Giáo Hội Việt Nam.
Như vậy, về tinh thần và nỗ lực truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta không thể nói cách đơn giản là “có” hay “không”, mà “có” và “không”, tuy chữ “không” có phần to hơn chữ “có”. Nhưng nếu nói về tinh thần và dấn thân truyền giáo của các giáo xứ, nhất là của các linh mục giáo phận, xem ra chữ “không” lại to hơn nữa.
c) Lý do của tình trạng ít dấn thân truyền giáo tại Việt Nam
Vấn đề chúng ta muốn đặt ra để suy tư thêm là tình trạng ít tinh thần và ít dấn thân truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, hay nói theo cha Trần Kim Ngọc chúng ta đã trích dẫn ở trên, đây là vấn đề thiếu lửa truyền giáo. Vấn đền này càng đáng được lưu ý khi chúng ta biết là Giáo Hội Việt Nam là kết quả của bao công khó, của lòng hăng say và hy sinh, kể cả tử đạo của bao nhiêu nhà thừa sai truyền giáo và đã thừa hưởng một di sản tinh thần là hoa trái của tinh thần truyền giáo của các ngài.
Để cắt nghĩa cho tình trạng ngày, cha Trần Kim Ngọc đã đưa ra 5 lý do. Xin trích lại điều đã nói ở trên: a) Thiếu nhân lực truyền giáo; b) Thiếu đào tạo; c) Thiếu tổ chức; d) Thiếu mục tiêu; e) Thiếu cộng tác. Thực ra, 5 điều trên chưa phải là lý do, mà chỉ là những yếu tố của một tình trạng. Vì vậy, chúng ta cần phải đi tìm cho ra.
Những vấn đề của cuộc đời, nhất là của một cộng đoàn lớn, thường rất phức tạp và có nhiều lý do. Chúng ta cố gắng điểm mặt một số lý do có thể thấy dễ dàng:
- Văn hóa gia đình, làng xóm: tất cả cách suy nghĩ và sinh hoạt đều gói gọn và giới hạn trong nhu cầu của gia đình và làng xóm, giáo xứ. Từ não trạng này, phát sinh tính ganh đua giữa các gia đình, gia tộc, xóm làng. Cũng từ não trạng này, người ta có thể chấp nhận những hy sinh lớn lao vì gia đình, cho những phần tử trong gia đình, nhưng ở ngoài gia đình thì “sống chết mặc bay”. Với não trạng này thì tâm trí gò bó trong môi trường của mình, lo lắng thua kém người bên cạnh. Còn đâu thời giờ, tâm huyết cho việc truyền giáo?
- Tâm lý lệ thuộc và “ăn xin”, phát xuất từ cơ cấu văn hóa đẳng cấp thái quá và tình trạng dân bị trị, nghèo đói. Thứ tâm lý này đưa đến cách suy nghĩ và hành động trông chờ, xin xỏ chứ không dâng hiến, cho đi.
- Tâm lý và não trạng tự vệ để bảo tồn sự sống và đức tin vì hoàn cảnh khó khăn trong một thời gian dài. Tất cả bận tâm, lo lắng và sức lực là tìm cách xin được một vài truyện hết sức bình thường. Như vậy thì còn đâu thời giờ, tâm trí để nghĩ đến việc truyền giáo?
- Chương trình huấn luyện trong các Chủng viện, Nhà tập, Học viện,…: thiếu môn truyền giáo hoặc có học mà không có hành, có huấn mà không có luyện.
II. TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG VIỄN TƯỢNG TRUYỀN GIÁO
Đứng trước tình trạng truyền giáo xem ra trì trệ, cần phải làm gì? Câu trả lời các Đức Thánh Cha đưa ra là “Tân Phúc Âm Hóa”.
1. ĐTC Phaolô VI
1975: trong tông huấn “Evangelii Nuntiandi” nói về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới đương thời, ĐTC Phaolô thường dùng từ “Evangelizatio”, có thể dịch là Phúc Âm Hóa hay loan báo Tin Mừng. Từ “Missio” mà người ta thường dịch là “truyền giáo” thì ĐTC Phaolộ cũng dùng, nhưng không theo nghĩa “truyền giáo”, nhưng theo nghĩa chung là sứ vụ hay sứ mệnh. Còn từ “Nova Evangelizatio” (Tân phúc âm hóa) thì hoàn toàn vắng bóng. Tuy nhiên, ý nghĩa của “truyền giáo” và “tân phúc âm hóa” thì đã hiện diện bàng bạc trong Tông huấn.
2. ĐTC Gioan Phaolô II
1979: ĐTC Gioan Phaolô II dùng từ “Tân phúc âm hóa” lần đầu tiên trong cuộc viếng thăm Balan. Tuy nhiên, ý nghĩa của từ này chưa được khai triển rõ ràng.
1983: từ “Tân phúc âm hóa” được ĐTC Gioan Phaolô II dùng trong bài diễn văn cho Hội đồng các giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) nhóm họp tại Port-au-Prince (Haiti) để chuẩn bị khai mạc tuần cửu niên mừng 500 năm công cuộc truyền giáo tại Châu Mỹ Latinh. Và từ đó danh từ Tân Phúc Âm hóa trở thành thông dụng trong ngôn ngữ thần học và mục vụ. Về vấn đề này Đức Thánh Cha nói như sau: “Công cuộc kỷ niệm bán thiên niên việc rao giảng Phúc Âm sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu chư huynh, là giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân, dấn thân không phải trong việc tái Phúc Âm hoá (ré-évangelisation), nhưng trong cuộc tân Phúc Âm hóa (nouvelle évangélisation): mới (tân) về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp và mới về cách diễn tả” (nguyên văn tiếng pháp: “La commération du demi-millénaire d'évangélisation aura sa pleine signification si vous vous engagez en tant qu'évêques, avec vos prêtres et vos fidèls; engagement non de ré-évangélisation mais bien d'une nouvelle évangélisation: nouvelle par son ardeur, ses méthodes et son expression”)(4)
1984: tại Santo Domingo, Đức Thánh Cha nói tới Tân Phúc Âm hóa như một “cuộc động viên tinh thần sâu đậm... Tân Phúc Âm hoá phải tận dụng tới cùng cực khả năng thánh thiện còn tiềm tàng, thể hiện qua nhiệt huyết truyền giáo, qua các sáng kiến giáo lý rộng lớn, đem lại hoa trái trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông, qua cuộc chiến đấu theo tinh thần Phúc Âm để bảo vệ phẩm giá con người hầu làm phát sinh ra một tương lai chứa chan hy vọng”(5)
1988: Tông Huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân” (Christifideles laici) của Đức Thánh Cha cũng nói đến Tân Phúc Âm hóa, nhưng lồng nó vào một khung cảnh khác biệt với những lần trước: “Nhiều quốc gia, trước đây có một đời sống kitô phồn thịnh và có khả năng làm phát sinh những cộng đồng đức tin sống động, nay bị thử thách nặng nề hay có khi bị biến đổi sâu xa vì những hiện tượng thờ ơ, tục hoá và vô thần. Đây đặc biệt là hoàn cảnh của các nước thuộc thế giới tân tiến. Tại các vùng khác trên thế giới, các truyền thống đạo đức và các tâm tình công giáo vẫn còn được bảo tồn sống động. Nhưng các gia sản thiêng liêng đó đang gặp nguy cơ bị tan biến dưới sức mạnh của nhiều trào lưu, trong đó có trào lưu tục hóa và sự lan tràn của các giáo phái (sette). Chỉ có cuộc Tân Phúc Âm hoá mới có thể đoan chắc cho đức tin thăng tiến tinh nguyên và sâu sa, có khả năng làm cho những truyền thống ấy trở thành một sức mạnh tự do thật” (ChL 34).
1990: Thông Điệp “Redemptoris Missio” (Sứ mệnh Đấng Cứu Thế) đã đề cập đến vấn đề này trong ba số (30, 33 và 34). Theo Thông Điệp, Giáo Hội chỉ có một sứ mệnh là đem Chúa Giêsu đến cho mọi người để họ được sống và được sống sung mãn (Ga 10,10). Tuy nhiên, tùy theo đối tượng, sứ mệnh trên được chia thành 5 công tác chính yếu: công tác mục vụ, tân phúc âm hóa, tái phúc âm hóa, đại kết và truyền giáo (x. đồ hình ở trên). Theo giáo huấn của “Redemptoris Missio”, tân phúc âm hóa là công tác tông đồ cho một đối tượng cụ thể là những giáo dân với đức tin hời hợt để giúp cho đức tin của họ được xác tín hơn, linh động hơn.
3. ĐTC Benedictô XVI
2010: thành lập Hội đồng Giáo Hoàng lo thúc đẩy việc Tân Phúc Âm Hóa.
2012: Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa thường niên XIII với đề tài “Tân Phúc Âm Hóa nhắm đến việc truyền đạt đức tin”.
2012: Tài liệu chuẩn bị (Lineamenta) cho Thượng Hội Giám Mục khóa thường niên XIII. Tài liệu này nói đến tính cách khẩn cấp của việc tân phúc âm hóa (số 1); duyệt xét lại thái độ của chúng ta đối với việc loan báo Tin Mừng thì hữu ích ở bình diện việc làm để cải thiện những cách thức và những chiến lược loan báo Tin Mừng. Nhưng ở bình diện chiều sâu, tân phúc âm hóa là việc duyệt xét lại phẩm chất của đức tin của chúng ta, duyệt xét lại cách thức là kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, được sai đi để giới thiệu Ngài cho thế giới, là chứng nhân đầy tràn Chúa Thánh Thần (x. Lc 24,48; Cv 1,8) được kêu gọi để ra đi làm cho mọi người thuộc mọi dân nước trở thành môn đệ của Chúa Kitô (x. Mt 28,19)... Câu hỏi về việc truyền đạt đức tin... không được xoay vần chung quanh chiến thuật truyền đạt cho hữu hiệu hơn hay chung quanh đối tượng của việc truyền đạt, nhưng phải được hiểu như câu hỏi nhắm đến chủ thể được trao phó trách nhiệm lo công việc thiêng liêng này. Phải trở thành một câu hỏi của Giáo Hội về chính mình.
Lược xét qua mấy điểm mốc chính yếu trên đây, chúng ta thấy rõ là từ “Tân phúc âm hóa” có hai ý nghĩa bổ túc lẫn cho nhau:
- Ý nghĩa mục vụ (hành động): công tác tông đồ đối với một nhóm người cụ thể. Đó là việc canh tân đức tin của những anh chị em giáo hữu còn lơ là để đức tin của họ trở thành sâu đậm, nhiệt thành để dấn thân loan truyền đức tin đó cho người khác, nhất là cho những anh chị em lương dân (việc truyền giáo). Do đó, công tác tân phúc âm hóa không thể dừng lại trong việc tân phúc âm hóa, nhưng phải tiến đến việc truyền giáo.
- Ý nghĩa tu đức: tinh thần hăng say, đức tin xác tín, sâu đậm: Say mến Chúa Giêsu. Điều này đòi phải có một cuộc canh tân đức tin, lòng đạo và chính căn tính của mình.
Công cuộc rao giảng Phúc Âm ngày nay phải coi là mới, không phải vì nội dung của Phúc Âm đã thay đổi, hay vì công việc rao giảng Phúc Âm trước đây là dở, là sai nên phải bỏ mà làm lại. Nhưng lý do là vì đối tượng của việc rao giảng Phúc Âm, tức là người thời đại, đã thay đổi dưới nhiều khía cạnh. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thay đổi trên hầu hết các lãnh vực có liên quan đến cuộc sống, như văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong cuộc sống, lôi kéo theo những thay đổi dồn dập và sâu sa trong tâm hồn và trong cách nhìn các vấn đề của người đương thời. Lấy tỉ dụ vấn đề phá thai. Đây không phải là vấn đề mới. Cái mới là thái độ trước vấn đề. Trước đây, người ta phá thai, và người ta biết và chấp nhận đó là sai, là tội. Ngày nay người ta phá thai, nhưng nhiều khi lại viện ra nhiều lý lẽ để biện hộ việc phá thai, cho nó là việc tốt, hay ít nữa, đó không phải là điều hoàn toàn xấu.
Hoàn cảnh này đòi hỏi phải có những cố gắng mới để đưa Phúc Âm thấm nhập vào tất cả các lãnh vực đang biến hóa của cuộc sống để biến chúng thành một nền văn hóa kitô, thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Bằng không thì một ngày rất gần, chúng ta sẽ chứng kiến một xã hội hoàn toàn xa lạ với Phúc Âm. Trong hoàn cảnh này, người tín hữu sẽ bị giằng co giữa hai mẫu sống, đưa đến nhiều hậu quả tai hại cho đời sống đức tin. Đó là ý nghĩa lời của Đức Thánh Cha khi Ngài nói cho Hội Đồng Giám Mục CELAM là cần phải “dấn thân, không phải trong việc Tái Phúc Âm hóa, nhưng trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa: tân (mới) trong lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Cần dấn thân rao giảng Phúc Âm, nhưng không được lặp lại máy móc những gì đã làm trước đây, mà phải có nhiều sáng kiến mới cho phù hợp với những biến đổi của thời đại, nhất là phải làm thế nào cho Phúc Âm chiếu sáng đời sống cụ thể của người đương thời.
III. MỘT SỐ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT CỦA CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA
Trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều nhu cầu truyền giáo, nhưng có lẽ cần để ý đặc biệt đến bốn nhu cầu truyền giáo và tân phúc âm hóa sau đây:
1. Dân chúng tại các thành thị
Khi nói đến công tác truyền giáo, người ta thường nói đến “vùng sâu, vùng xa” và nói đến dân nghèo, trẻ em bị bỏ rơi. Dĩ nhiên đây là một thành phần rất đáng được để ý, nhưng đối tượng cần được chú ý hơn trong công tác truyền giáo có lẽ là những người sống tại các thành thị, nhất là giới trí thức và giầu có. Một đàng vì họ là những người có khả năng chi phối cuộc sống của xã hội, đàng khác, chính những người nghèo và dân sống vùng thôn quê cũng ngước nhìn lên họ với lòng ao ước và thèm khát, muốn bắt chước họ. Chính thông điệp “Redemptoris Missio” cũng xác định điều này:
“Trong quá khứ, công tác truyền giáo thường được thực hiện nơi những vùng xa xôi hẻo lánh, cách xa những trung tâm sinh hoạt và khó khăn về giao thông, về tiếng nói và về khí hậu. Hôm nay hình ảnh truyền giáo có lẽ đang thay đổi: nơk đáng chú ý có lẽ phải là những thành phố lớn, nơi phát sinh những phong tục và mẫu sống mới, những hình thức văn hóa và truyền thông mới có ảnh hưởng lớn đến dân chúng. Dĩ nhiên “sự lựa chọn những kẻ rốt cùng” không cho phép chúng ta làm ngơ đối với những nhóm người sống bên lề xã hội, nhưng cũng phải nhớ là không thể rao giảng Tin Mừng cho những cá nhân hay nhóm người thấp hèn, nếu bỏ qua những trung tâm nơi phát sinh, có thể nói, một nhân loại mới với những mẫu phát triển mới. Tương lai của các quốc gia trẻ đang thành hình tại các thành phố.” (RMi, 37).
2. Dân chúng sống trong các tòa nhà cao ốc
Ở nhiều nơi nhưng đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sai Gòn và cả Bà Rịa, Vũng Tàu, người ta thấy đang mọc lên đầy dẫy những tòa nhà cao ốc và những khu dân cư dành riêng cho người giầu, những chuyên viên, những thương gia. Đa số những người này là anh chị em lương dân. Đây sẽ là những thế giới riêng biệt và những người sống trong những môi trường này sẽ tách mình khỏi những sinh hoạt và liên hệ bình thường để trở thành những ốc đảo riêng tư. Làm sao để tới được những người trong môi trường này và làm thế nào để có thể đem Tin Mừng của Chúa đến cho họ? Đây là một vấn đề rất lớn của công việc truyền giáo trong tương lai và đòi hỏi một suy tư để tìm câu trả lời thích hợp ngay từ bây giờ.
3. Hiện tượng di dân
Một môi trường mới khác đang trở thành một thách đố lớn lao cho công tác truyền giáo là môi trường của hiện tượng di dân. Thực ra hiện tượng di dân đã được nhiều người nói đến từ lâu, nhưng thường được nhìn dưới góc cạnh kinh tế, xã hội, luân lý. Ở đây, chúng ta nhìn vấn đế dưới góc cạnh truyền giáo.
Hiện tượng di dân đặt ra nhiều vấn đề cho Giáo Hội và xã hội, nhưng đối với sứ mệnh truyền giáo, đây lại là một cơ hội lớn. Qua hiện tượng di dân, Giáo Hội không cần đi tìm đồng bào lương dân, nhưng chính đồng bào lương dân đến với Giáo Hội và họ ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận những nghĩa cử của tình yêu, của lòng thương mến. Đây là dịp may để Giáo Hội loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa đối với nhân loại khổ đau và thiếu thốn. Một khi người ta đã ổn định, có gõ cửa người ta cũng không mở! Nhưng xem ra, Giáo Hội đang để lỡ những cơ hội bằng vàng.
4. Giới trí thức và văn nghệ sĩ
Người ta thường nói “tư tưởng điều khiển hành động”. Ngoài ra, các ngành nghệ thuật, nhất là ngành ca, vũ, nhạc kịch lôi cuốn và ảnh hưởng sâu đậm vào lòng người. Do đó, giới trí thức và văn nghệ sĩ là những người tạo dư luận và lôi cuốn xã hội. Một ông tướng đánh trận, nếu sai lầm sẽ tiêu hủy một đạo quân; một nhà chính trị nếu sai làm sẽ làm tan hoang một quốc gia; một người làm văn hóa, nghệ thuật nếu sai lầm sẽ làm bại hoại thế giới, nhiều thế hệ. Nhưng nhiều khi những giới này lại là giới sống xa cách Giáo Hội và là giới đang bị ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu tục hóa, hay hơn nữa, chính họ là những người tạo ra trào lưu tục hóa. Công tác truyền giáo và tân phúc âm hóa không thể làm ngơ hay coi thường giới trí thức và văn nghệ sĩ.